Lịch Sử Tình Yêu Chương 7


Chương 7
Cho tới khi bàn tay cầm bút đau

Những trang tôi đã viết từ rất lâu trượt khỏi hai tay tôi và vương vãi khắp sàn. Tôi nghĩ: Ai? Và bằng cách nào? Tôi nghĩ: Sau bao nhiêu… Gì nhỉ? Bao nhiêu năm trời.

Tôi chìm đắm trong những kỷ niệm. Đêm trôi lúc nào mà tôi chẳng hay. Đến sáng, tôi vẫn còn sốc. Phải đến trưa tôi mới có thể tiếp tục. Tôi quỳ xuống lớp bột mì. Tôi gom lần lượt từng trang lại. Trang thứ mười cứa đứt da thịt tôi. Trang hai mươi hai đau nhói ở hai thận. Trang bốn máu ứ ở tim.

Một câu đùa cay đắng xuất hiện trong đầu. Ngôn từ không theo ý mình. Ấy thế nhưng. Tôi nắm chặt những trang viết, e rằng đầu óc vẫn đang chơi trò đùa cợt với tôi, rằng tôi sẽ nhìn xuống và thấy chúng trắng tinh.

Tôi lê bước vào bếp. Chiếc bánh đã nhũn ra trên bàn. Thưa các quý ông, quý bà. Hôm nay chúng ta tập trung ở đây để kỷ niệm những điều bí hiểm của cuộc sống. Gì cơ? Không, không được phép ném đá. Chỉ hoa. Hoặc tiền.

Tôi lau vỏ trứng, gạt đường khỏi chiếc ghế của tôi rồi ngồi xuống bên bàn. Bên ngoài, con bồ câu chung thủy của tôi gù và miết hai cánh vào lớp kính. Có lẽ tôi nên đặt tên cho nó rồi mới phải. Sao lại không, tôi đã từng mất nhiều thời gian đặt tên cho những thứ không thực bằng nó kia. Tôi cố gắng nghĩ ra một cái tên để tôi thấy vui khi gọi. Tôi liếc quanh. Mắt tôi dừng lại ở tờ thực đơn của tiệm đồ Tàu. Tên các món ăn đã nhiều năm rồi không thay đổi. ĐỒ ĂN QUẢNG ĐÔNG, TỨ XUYÊN VÀ PHONG CÁCH ẨM THỰC NỔI TIẾNG CỦA ÔNG ĐỒNG. Tôi gõ vào cửa sổ. Con bồ câu vỗ cánh bay đi. Tạm biệt, ông Đồng.

Tôi mất gần hết buổi chiều để đọc. Ký ức tràn về. Hai mắt tôi mờ đi, tôi thấy khó tập trung được. Tôi nghĩ: mình đang tưởng tượng ra mọi chuyện. Tôi đẩy ghế ra sau và đứng lên. Tôi nghĩ: Mazel tov(1)_, Gursky, cuối cùng mày đã mất nó hoàn toàn. Tôi tưới cây. Để mất, mày phải từng sở hữu chứ. A? Thế ra bây giờ mày lại thành kẻ quá chú ý đến tiểu tiết hả? Từng với chả chưa từng! Nghe mày kìa! Mày đã trở thành một kẻ thua cuộc chuyên nghiệp rồi. Một nhà vô địch trong lĩnh vực thất bại. Mà chưa hết. Đâu là bằng chứng mày từng có cô ấy? Đâu là bằng chứng cô ấy từng thuộc về mày để coi là có chứ?

Tôi đổ đầy nước xà phòng vào chậu và rửa những chiếc nồi bẩn. Và với từng chiếc nồi, chảo và thìa cất đi, tôi cũng cất đi một ý nghĩ tôi không thể chịu nổi, cho tới khi căn bếp và đầu óc tôi trở lại trạng thái ngăn nắp như nhau. Ấy thế nhưng.

Shlomo Wasserman đã trở thành Ignacio da Silva. Nhân vật tôi gọi là Duddelsach bây giờ là Rodriguez. Feingold là De Biedma. Cái gọi là Slonim trở thành Buenos Aires, một thành phố tôi chưa từng nghe tên giờ thay cho Minsk. Chuyện rất nực cười. Nhưng. Tôi không cười.

Tôi xem kỹ chữ viết tay trên phong bì. Không có lời nhắn nào. Tin tôi đi: tôi đã kiểm tra năm, sáu lần rồi. Không có địa chỉ người gửi. Nếu nghĩ rằng Bruno biết gì để nói thì tôi đã thẩm vấn cậu ta rồi. Nếu có gói đồ gửi đến, người quản lý tòa nhà luôn để nó trên chiếc bàn ở sảnh. Rõ ràng Bruno đã trông thấy nó và cầm lên. Thật là sự kiện lớn khi có thứ gì gửi cho một trong hai chúng tôi lại không nhét vừa thùng thư. Nếu tôi không nhầm, lần gần nhất đã cách đây hai năm. Lần đó Bruno đặt một chiếc đai chó tán đinh. Có lẽ không thể không nói thêm rằng thời điểm ấy cậu vừa mua về một con chó. Đó là một con chó nhỏ, ấm áp, là thứ đáng để yêu. Cậu gọi nó là Bibi. Đến đây, Bibi, đến đây! tôi nghe cậu gọi nó. Nhưng. Chẳng bao giờ Bibi đến. Rồi một ngày cậu đưa nó đến chỗ thả chó. Vamos_(1), Chico! ai đó gọi chó của họ, và Bibi chạy về phía người Puerto Rico. Đến đây, Bibi, đến đây! Bruno kêu lên, nhưng vô ích. Cậu đổi chiến thuật. Vamos, Bibi! cậu rít lên bằng toàn bộ hơi sức. Và xem kìa, Bibi đang chạy tới. Nó sủa suốt đêm và ỉa đầy sàn, nhưng cậu vẫn yêu nó.

Một hôm Bruno đưa nó đến chỗ thả chó. Nó nô nghịch, ỉa và đánh hơi trong lúc Bruno nhìn nó với vẻ tự hào. Cánh cổng mở, một con chó săn lông xù dòng Ireland xuất hiện. Bibi liếc lên. Trước khi Bruno biết điều gì đang diễn ra, nó phóng vọt qua cánh cổng mở và mất hút trên phố. Bruno cố đuổi theo nó. Chạy! cậu tự nhủ. Ký ức về tốc độ tràn khắp con người cậu, nhưng cơ thể cậu chống lại. Sau vài bước đầu tiên, hai chân cậu xoắn lại và nhũn ra. Vamos Bibi! cậu hét lên. Ấy thế nhưng. Chẳng con nào chạy tới. Vào lúc cậu cần có người bên cạnh - sụp xuống vỉa hè khi Bibi phản bội cậu bằng việc thực hiện đúng bản chất của nó: một con vật - tôi đang ở nhà chúi mũi vào chiếc máy chữ. Cậu trở về, suy sụp. Tối hôm đó chúng tôi trở lại chỗ thả chó để chờ nó. Nó sẽ trở lại, tôi nói. Nhưng. Chẳng bao giờ nó quay lại. Đó là chuyện hai năm trước, và bây giờ Bruno vẫn đến đợi.

Tôi cố gắng hiểu mọi chuyện. Giờ có nghĩ mới thấy, tôi khi nào cũng cố gắng hiểu mọi chuyện. Đó có thể là lời ghi trên bia mộ tôi. LEO GURSKY: ÔNG ĐÃ CỐ GẮNG HIỂU.

Màn đêm buông xuống mà tôi vẫn lạc lối. Cả ngày tôi chưa ăn gì. Tôi gọi cho ông Đồng. Tiệm đồ Tàu ấy, không phải con chim đâu. Hai mươi phút sau, tôi một mình với những chiếc nem rán. Tôi bật đài lên. Người ta đang đề nghị đóng góp cho nhà đài. Bù lại, bạn nhận được một cái thụt nhà vệ sinh có đề chữ WNYC_(1).

Có những thứ tôi thấy khó mô tả. Thế nhưng tôi vẫn khăng khăng cố gắng như một kẻ cứng đầu. Một lần Bruno xuống gác và nhìn thấy tôi đang ngồi ở bàn ăn, trước chiếc máy chữ. Lại thứ đó à? Đôi tai nghe đã trượt xuống nghỉ ngơi như nửa vầng hào quang trên gáy cậu. Tôi xoa bóp các đốt tay phía trên làn hơi bốc ra từ tách trà của mình. Một Vladimir Horowitz_(1) thật sự, cậu ta nhận xét trong khi tiến tới tủ lạnh. Rồi cậu cúi người, lục lọi trong ấy tìm thứ mình cần. Tôi cho một trang vào máy đánh chữ. Cậu quay lại, cửa tủ lạnh vẫn mở, ở môi trên cậu có một bộ ria mép bằng sữa. Chơi đi, nhạc trưởng, cậu nói rồi kéo đôi tai nghe lên tai và lê bước ra cửa, khi đi qua, cậu bật bóng đèn phía trên bàn ăn. Tôi nhìn theo sợi dây bật bóng đèn trong khi nghe tiếng hát của nàng Molly Bloom chát chúa dội ra từ hai tai cậu, KHÔNG GÌ CÓ THỂ SÁNH VỚI MỘT NỤ HÔN DÀI VÀ NÓNG BỎNG THẤU TỚI LINH HỒN TA KHIẾN TA GẦN NHƯ TÊ LIỆT, chỉ còn Bruno của nàng nghe bài đó tới tận bây giờ, khiến dải băng từ cũ mòn đi.

Hết lần này đến lần khác, tôi đọc những trang sách tôi đã viết khi còn thanh niên. Đã lâu lắm rồi. Tôi ngây thơ. Một chàng trai hai mươi tuổi đang yêu. Một trái tim sôi sục và một cái đầu hợp với trái tim ấy. Tôi nghĩ mình có thể làm bất cứ điều gì. Nghe có vẻ thật lạ lùng, vì giờ đây tôi đã hoàn thành tất cả những gì mình định làm.

Tôi nghĩ: Làm thế nào nó tồn tại được? Theo những gì tôi biết, bản duy nhất đã mất trong một vụ ngập nước. Ý tôi là không kể những đoạn trích tôi đã gửi theo những lá thư cho cô gái tôi yêu sau khi cô bỏ sang Mỹ. Tôi không thể cưỡng lại việc gửi cho cô những trang viết hay nhất của mình. Nhưng. Chỉ có vài phần. Còn đây trong hai tay tôi là gần như toàn bộ cuốn sách! Làm thế nào nó lại bằng tiếng Anh! Với những cái tên Tây Ban Nha! Chuyện này thật khó hiểu.

Tôi ngồi cầu nguyện cho Isaac, trong khi ngồi, tôi cố gắng hiểu. Một mình trong căn hộ của tôi, những trang viết trong lòng. Đêm lại ngày rồi đêm lại ngày. Tôi ngủ thức thức ngủ. Nhưng. Tôi không tiến gần đến việc khám phá bí ẩn thêm chút nào. Câu chuyện của đời tôi: tôi là thợ sửa khóa. Tôi có thể mở khóa của mọi cánh cửa trong thành phố. Vậy mà tôi không thể mở thứ gì tôi muốn mở.

Tôi quyết định lên danh sách tất cả những người tôi biết giờ vẫn còn sống, để đề phòng tôi quên mất người nào đó. Tôi tất tưởi tìm giấy bút. Rồi tôi ngồi xuống, miết cho trang giấy phẳng ra và đặt bút xuống. Nhưng. Đầu óc tôi trở nên trống rỗng.

Thay vào đó, tôi viết: Những câu hỏi dành cho người gửi. Câu này tôi gạch chân hai lần. Tôi tiếp tục:

1. Anh là ai?

2. Anh tìm thấy thứ này ở đâu?

3. Làm thế nào nó tồn tại được?

4. Tại sao nó viết bằng tiếng Anh?

5. Những người nào khác đã đọc nó?

6. Họ có thích nó không?

6. Số người đọc lớn hay nhỏ hơn…

Tôi dừng lại và ngẫm nghĩ. Liệu có một con số sẽ không làm tôi thất vọng?

Tôi nhìn ra cửa sổ. Bên kia phố, một thân cây đu đưa trong gió. Giờ là buổi chiều, bọn trẻ đang la hét. Tôi thích nghe những bài hát của chúng. Đây là trò chơi! Về sự tập trung! đám con gái hát và vỗ tay. Không lặp lại! Hay ngập ngừng! Bắt đầu bằng: Tôi nóng ruột chờ. Động vật! chúng hét. Động vật! tôi nghĩ. Ngựa! một đứa nói. Khỉ! đứa kia lên tiếng. Cứ thế tiếp tục. Bò! đứa đầu tiên hét. Hổ! đứa thứ hai gào, bởi một khoảng ngập ngừng sẽ làm hỏng nhịp và làm trò chơi chấm dứt. Ngựa non! Kăng gu ru! Chuột! Sư tử! Ngựa vằn! Một đứa con gái lúng túng. BÒ TÂY TẠNG! tôi hét lên.

Tôi nhìn xuống trang giấy ghi những câu hỏi của mình. Làm thế nào, tôi tự hỏi, mà một cuốn sách tôi viết cách đây sáu mươi năm đến được thùng thư của tôi, viết bằng một thứ tiếng khác?

Đột nhiên một ý nghĩ vụt đến với tôi. Nó xuất hiện trong tôi bằng tiếng Yiddish, tôi sẽ làm hết sức mình để diễn giải nó, đó là điều gì đấy tương tự như: CÓ THỂ NÀO MÌNH ĐÃ NỔI TIẾNG MÀ KHÔNG BIẾT ĐIỀU ẤY? Tôi thấy choáng váng. Tôi uống một cốc nước lạnh và uống vài viên aspirin. Đừng có ngu, tôi tự bảo. Ấy thế nhưng.

Tôi giật lấy áo khoác của mình. Những giọt mưa đầu tiên quất vào cửa kính, thế nên tôi đi giày cao su vào. Bruno gọi đây là cao su. Nhưng đó là việc của cậu ấy. Bên ngoài, gió gầm gào. Tôi chật vật đi qua các con phố, đánh vật với chiếc ô của mình. Ba lần nó bị lộn trái ra. Tôi giữ lại. Một lần nó khiến tôi đâm sầm vào hông một tòa nhà. Hai lần tôi bị nhấc trên không.

Tôi tới thư viện, mặt tôi bị mưa quất. Nước từ mũi tôi nhỏ xuống. Chiếc ô quỷ dữ của tôi đã rách bươm, thế nên tôi bỏ nó ở giá treo. Tôi lập cập đến bàn thủ thư. Chạy, dừng và thở, kéo quần, bước, lê bước, bước, lê bước, vân vân. Ghế thủ thư bỏ trống. Tôi vội chạy (đóng mở ngoặc kép) quanh phòng đọc. Cuối cùng tôi tìm được một người. Cô ta đang sắp lại giá sách. Tôi thấy khó kiềm chế bản thân.

Tôi muốn mượn tất cả những cuốn của nhà văn Leo Gursky mà các vị có! tôi hét lên.

Cô ta xoay lại nhìn tôi. Mọi người khác cũng thế.

Xin lỗi?

Tất cả những gì của nhà văn Leo Gursky mà các vị có, tôi nhắc lại.

Tôi đang dở việc. Ông sẽ phải chờ một phút.

Tôi đợi một phút.

Leo Gursky, tôi nói. G-U-R…

Cô ta đẩy chiếc xe đẩy. Tôi biết đánh vần thế nào.

Tôi theo cô ta đến bên máy tính. Cô ta nhập tên tôi vào máy. Tim tôi đập loạn lên. Có thể tôi già. Nhưng. Trái tim tôi vẫn có thể nhảy múa.

Có một cuốn sách viết về đấu bò do Leonard Gursky viết, cô nói.

Không phải ông ta, tôi nói. Còn một ông Leopold thì sao?

Leopold, Leopold, cô nói. Đây rồi.

Tôi nắm chặt lấy vật chắc chắn gần nhất. Nổi trống lên nào:

Những cuộc phiêu lưu kỳ thú không thể tin nổi của Frankie, cô bé tuyệt vời không sún răng, cô ta nói và nhăn nhở cười. Tôi phải vất vả lắm mới cưỡng được ý muốn đập vào đầu cô ta bằng đôi giày cao su của mình. Rồi cô ta bỏ đi lấy cuốn sách ở khu dành cho trẻ em. Tôi không ngăn cô ta lại. Thay vào đó tôi chết đi một chút. Cô ta mời tôi ngồi xuống cùng cuốn sách. Xin cứ tự nhiên, cô ta nói.

Một lần Bruno nói rằng nếu tôi mua về một con bồ câu hoang, đi hết nửa phố nó sẽ trở thành bồ câu nhà, lên xe bus thì thành vẹt và trong căn hộ của tôi, vào khoảnh khắc trước khi tôi lấy nó ra khỏi lồng, là một con phượng hoàng. Đó là cậu, cậu nói, quét đi vài vụn bánh không còn ở trên bàn nữa. Vài phút trôi qua. Không, không phải, tôi nói. Cậu nhún vai và nhìn ra cửa sổ. Kẻ quái nào đã từng nghe nói về phượng hoàng chứ? tôi nói. Có lẽ là một con công. Chứ tớ không nghĩ là một con phượng hoàng đâu. Mặt Bruno quay đi hướng khác nhưng tôi nghĩ tôi đã thấy miệng cậu rúm lại thành một nụ cười.

Nhưng giờ tôi không thể làm gì để biến cái không có gì cả mà cô thủ thư đã tìm thấy thành cái gì đó.

Trong những ngày sau cơn đau tim và trước khi bắt đầu viết trở lại, tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới là cái chết. Tôi đã được cứu sống lần nữa, và chỉ sau khi hiểm nguy đã qua, tôi mới cho phép những ý nghĩ của mình đi tới điểm tận cùng không thể tránh khỏi của chúng. Tôi tưởng tượng ra mọi cách tôi có thể ra đi. Tụ máu ở não. Nhồi máu cơ tim. Chứng huyết khối. Viêm phổi. Tắc tĩnh mạch gây động kinh. Tôi trông thấy chính mình sùi bọt mép, quằn quại trên sàn. Tôi sẽ thức dậy giữa đêm, tay bóp chặt cổ họng. Ấy thế nhưng. Dù có tưởng tượng những sự cố có thể ở nội tạng của tôi thường xuyên đến mức nào, tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi hậu quả cuối cùng. Không thể tưởng tượng nổi cái chết sẽ xảy đến với tôi. Tôi buộc mình hình dung những giây phút cuối cùng. Hơi thở hấp hối. Tiếng thở dài cuối cùng. Ấy thế nhưng. Theo sau đó luôn là một cái khác.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi hiểu sắp chết là thế nào. Khi ấy tôi chín tuổi. Ông bác, anh trai của bố tôi, cầu Chúa phù hộ cho ông, đã chết trong khi ngủ. Không biết vì lý do gì. Một người cao lớn, khỏe mạnh ăn uống như hùm và ra ngoài trời lạnh cóng để phá băng bằng tay không. Ra đi, tiêu đời. Ông ấy hay gọi tôi là Leopo. Ông nói thế này: Lay-o-po. Khi vắng mặt bác gái, ông thó cho tôi và ông anh họ một cục đường. Ông thường bắt chước một điệu bộ của Stalin có thể khiến người ta sợ chết khiếp.

Bác gái tôi thấy ông vào buổi sáng hôm sau, người đã cứng lại. Phải cần tới ba người đàn ông để khiêng ông tới nơi khâm liệm. Tôi và em trai lẻn vào để xem thi thể to lớn ấy. Cơ thể của ông lúc chết gây ấn tượng với chúng tôi hơn khi sống nhiều - một rừng lông ở hai mu bàn tay, những móng tay bẹt vàng khè, lớp sừng dày ở hai lòng bàn chân. Trông ông như còn sống. Ấy thế nhưng. Đáng sợ là không phải. Một lần tôi vào để mang cho cha một cốc trà. Ông đang ngồi với cái xác không được phép để một mình dù chỉ một phút. Bố đi vệ sinh chút, ông nói với tôi. Đợi ở đây đến lúc bố quay lại nhé. Trước khi tôi kịp phản đối, rằng tôi vẫn chưa làm lễ trưởng thành, cha đã vội vã bỏ đi vệ sinh. Những phút tiếp theo trôi qua dài như vài giờ đồng hồ. Bác tôi được đặt trên một phiến đá có màu thịt sống với những đường vân màu trắng. Có lúc tôi nghĩ mình trông thấy quan tài ông nhấc lên một chút và suýt hét toáng. Nhưng. Không chỉ có ông là điều khiến tôi sợ. Tôi sợ cả chính mình. Trong căn phòng lạnh lẽo ấy, tôi cảm nhận thấy chính cái chết của mình. Ở góc phòng có một bồn rửa với những miếng gạch lát nứt nẻ. Từ ống nước thải đó trôi đi toàn bộ móng chân móng tay, lông tóc và những hạt bụi được gột rửa khỏi người chết. Vòi nước bị hở, mỗi giọt nhỏ xuống là tôi lại cảm thấy cuộc sống của mình đang bị rút dần. Một ngày kia nó sẽ rút sạch. Niềm vui vì được sống trở nên mạnh mẽ đến mức tôi muốn hét lên. Tôi chưa bao giờ là đứa trẻ ngoan đạo. Nhưng. Đột nhiên tôi cảm thấy cần phải cầu xin Chúa cho tôi sống càng lâu càng tốt. Khi cha tôi trở lại, ông thấy con trai mình quỳ gối trên sàn, hai mắt nhắm nghiền, các khớp đốt tay trắng bệch.

Từ đó trở đi, tôi lo sợ rằng tôi hoặc cha hay mẹ tôi sắp chết. Mẹ khiến tôi lo lắng nhiều nhất. Bà là lực hút cho thế giới của chúng tôi quay xung quanh. Khác với cha tôi - người cả đời sống như trên mây, mẹ tôi bị lực đẩy tàn ác của lẽ phải đưa đi khắp vũ trụ. Bà là trọng tài cho tất cả những cuộc tranh cãi của chúng tôi. Một lời không tán thành của bà cũng đủ khiến chúng tôi trốn vào một xó, nơi chúng tôi sẽ khóc và tưởng tượng ra nỗi thống khổ của chính mình. Ấy thế nhưng. Một cái hôn sẽ khiến chúng tôi trở lại thành hoàng tử. Không có bà, cuộc sống chúng tôi sẽ biến thành mớ hỗn độn.

Nỗi sợ chết ám ảnh tôi một năm. Tôi bật khóc bất cứ khi nào có người đánh rơi cốc hay làm vỡ đĩa. Nhưng ngay cả khi điều đó đã qua, trong tôi vẫn còn lại một nỗi buồn không thể rũ bỏ. Đó không phải điều gì mới xảy ra. Nó còn tồi tệ hơn: tôi đã ý thức được điều đã tồn tại trong tôi từ trước mà tôi không hề nhận thấy. Tôi kéo ý thức này theo mình như một viên đá buộc vào mắt cá chân. Tôi đi đâu nó cũng theo. Tôi thường nghĩ ra những bài hát buồn ngăn ngắn trong đầu. Tôi ca ngợi những chiếc lá rơi. Tôi tưởng tượng cái chết của mình theo hàng trăm kiểu khác nhau, nhưng đám tang luôn y hệt: từ một nơi nào đó trong tưởng tượng của tôi lăn ra một tấm thảm đỏ. Bởi vì sau mọi cái chết bí mật tôi trải qua, người ta luôn phát hiện ra sự vĩ đại của tôi.

Có thể mọi thứ đã diễn ra như vậy.

Một buổi sáng, sau khi đã lãng phí thời gian cho bữa sáng và ngừng lại để kiểm tra bộ đồ lót khổng lồ của bà Stanislawski đang phơi trên dây, tôi đến trường muộn. Chuông đã reo nhưng một đứa con gái trong lớp tôi vẫn đang quỳ trên sân trường đầy bụi. Tóc nó tết lại sau lưng. Nó đang khum hai bàn tay quanh thứ gì đó. Tôi hỏi con bé đó là gì. Tớ bắt được một con thiêu thân, nó nói mà không nhìn tôi. Cậu muốn làm gì với một con thiêu thân? tôi hỏi. Hỏi kiểu gì đấy? con bé nói. Tôi nghĩ lại về câu hỏi của mình. Thứ nhất, đó có phải là một con bướm không, tôi nói. Không, không phải, con bé nói. Thế thì sẽ là chuyện khác đấy. Cậu nên thả nó đi, tôi bảo. Nó là con thiêu thân hiếm lắm, nó nói. Làm sao cậu biết? tôi hỏi. Tớ có cảm giác thế, con bé đáp. Tôi chỉ ra rằng chuông vào học đã reo. Vậy thì vào lớp đi, nó nói. Không ai cản cậu đâu. Không cản trừ phi cậu cứ để mặc. Rồi có thể cậu phải chờ mãi mãi đấy.

Con bé hé khoảng trống giữa hai ngón tay cái và nhìn vào. Cho tớ xem với, tôi bảo. Nó không nói gì. Làm ơn cho tớ xem được không? Con bé nhìn tôi. Đôi mắt nó xanh và sắc. Được rồi. Nhưng cẩn thận đấy. Nó đưa hai bàn tay nắm chặt lên mặt tôi và tách hai ngón cái ra xa nhau chừng hơn một phân. Tôi có thể ngửi thấy mùi xà phòng trên da nó. Tất cả những gì tôi có thể thấy là một phần cánh màu nâu, thế nên tôi kéo ngón cái của con bé để trông rõ hơn. Ấy thế nhưng. Chắc hẳn con bé đã nghĩ rằng tôi đang cố thả tự do cho con thiêu thân, bởi đột nhiên nó nắm chặt hai bàn tay lại. Chúng tôi kinh hoàng nhìn nhau. Khi nó mở hai bàn tay ra lần nữa, con thiêu thân yếu ớt giãy trong lòng bàn tay nó. Một chiếc cánh đã gãy rời. Đứa con gái thở gấp một chút. Tớ không làm việc ấy, tôi nói. Khi tôi nhìn vào hai mắt nó, tôi thấy chúng đầy nước. Một cảm giác trước đây tôi chưa hề biết bỗng thốc lên khiến lòng tôi quặn lại. Tớ xin lỗi, tôi thì thào. Tôi cảm thấy rất muốn ôm lấy đứa con gái, hôn cho nó quên đi con thiêu thân và chiếc cánh gãy. Nó không nói gì. Mắt hai chúng tôi chằm chằm nhìn nhau.

Như thể chúng tôi cùng chia sẻ một bí mật tội lỗi. Trước chuyện này, hàng ngày tôi đều trông thấy con bé ở trường, và chưa hề cảm thấy điều gì đặc biệt ở nó. Nếu có chăng chỉ là sự hách dịch. Có thể nó quyến rũ. Nhưng. Nó là đứa thua cuộc tội nghiệp. Hơn một lần nó từ chối nói chuyện với tôi trong những dịp tiếp xúc hiếm hoi kể từ khi tôi cố xoay xở trả lời được một trong những câu hỏi vụn vặt của thầy giáo nhanh hơn nó. Vua của nước Anh là George! Tôi hét lên, rồi thời gian còn lại của cả ngày hôm đó tôi phải tự bảo vệ mình trước sự im lặng lạnh như băng của con bé.

Nhưng giờ đây đối với tôi con bé dường như đã khác. Tôi trở nên ý thức được quyền lực đặc biệt của nó. Nhận ra có vẻ như nó hút ánh sáng và trọng lực về nơi nó đứng. Tôi nhận ra - điều mình chưa từng nhận thấy trước đây - những ngón chân của nó hơi hướng vào trong. Bụi trên hai đầu gối để trần của nó. Nhận ra áo khoác của nó ôm vừa hai bờ vai nhỏ. Cứ như hai mắt tôi được trao cho khả năng phóng đại, tôi thấy con bé gần hơn. Cái nốt ruồi màu đen, giống như một chấm mực phía trên môi nó. Vành tai hồng và trong. Những sợi tóc vàng rủ xuống má nó. Từng chút một, nó tự bộc lộ mình trước mắt tôi. Tôi khấp khởi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa tôi có thể thấy từng tế bào trên da nó như nhìn bằng kính hiển vi, và một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi, liên quan đến nỗi lo lắng thường trực rằng tôi thừa kế quá nhiều đặc điểm từ cha. Nhưng điều đó không tồn tại lâu bởi đồng thời với việc tôi dần hiểu về cơ thể nó, tôi dần ý thức rõ về cơ thể của bản thân. Cảm giác ấy gần như khiến tôi không thở nổi. Một cảm xúc lẫn lộn cháy trong thần kinh của tôi và lan ra. Toàn bộ quá trình ấy xảy ra không quá ba mươi giây. Ấy thế nhưng. Khi chuyện đó đã qua, tôi được dẫn dắt vào sự bí ẩn nằm ở điểm bắt đầu giai đoạn cuối của thời thơ ấu. Nhưng nhiều năm sau tôi mới dành toàn bộ niềm vui và nỗi đau sinh ra trong mình cho khoảng thời gian chưa tới nửa phút ấy.

Không nói thêm lời nào, con bé ném con bướm đêm gãy cánh xuống và chạy vào lớp. Cánh cửa sắt nặng nề đóng lại sau lưng nó đánh thịch một cái.

Alma.

Đã lâu lắm rồi tôi mới bật ra cái tên đó.

Tôi quyết tâm khiến cho nó yêu tôi, bằng bất cứ giá nào. Nhưng. Tôi đã hiểu biết đủ để không tấn công trực tiếp. Suốt vài tuần tiếp theo, tôi theo dõi từng hành động của nó. Kiên nhẫn luôn là một trong những đức tính của tôi. Có một lần tôi nấp suốt bốn giờ đồng hồ dưới nhà xí ngoài trời phía sau nhà của giáo sĩ để xem con người vĩ đại nổi tiếng từ Baranowicze đến thăm nơi đây liệu thực sự có đi cầu giống như những người khác chúng tôi. Câu trả lời là có. Trong lúc hăng hái về những điều kỳ diệu thô tục của cuộc sống, ngay từ phía dưới nhà xí, tôi hét lên một lời khẳng định. Vì việc này mà tôi bị đánh mười roi vào khớp tay và phải quỳ trên lõi ngô cho tới khi hai đầu gối bật máu. Nhưng. Như thế cũng đáng công.

Tôi tự coi mình là một tay gián điệp đột nhập vào thế giới khác: thế giới của phụ nữ. Lấy cớ thu thập bằng chứng, tôi đánh cắp chiếc quần lót khổng lồ của bà Stanislawski từ dây phơi. Một mình trong nhà xí ngoài trời, tôi hít lấy hít để. Tôi vùi mặt mình vào đũng quần lót. Tôi đội nó lên đầu. Tôi nâng nó lên và cho nó bay trong gió như cờ của một quốc gia mới. Lúc mẹ tôi đẩy bật cửa, tôi đang thử xem quần cỡ bao nhiêu. Nó có thể vừa cho người to gấp ba lần tôi.

Với ánh mắt có thể kết liễu kẻ khác và hình phạt nhục nhã là phải gõ cửa nhà Stanislawski và trả lại bà chiếc quần lót, mẹ đặt dấu chấm hết cho mảng nghiên cứu tổng quát của tôi. Ấy thế nhưng. Tôi tiếp tục nghiên cứu cụ thể. Đấy, nghiên cứu của tôi đầy đủ mọi khía cạnh. Tôi thấy rằng Alma là con út của gia đình có bốn con, là “con gái rượu” của bố. Tôi biết sinh nhật nó là ngày hai mươi mốt tháng Hai (vậy nên nó lớn hơn tôi năm tháng hai mươi tám ngày), rằng nó thích ăn sơ ri chua ngâm xi rô chuyển lậu qua biên giới Nga, và rằng một lần nó bí mật ăn hết nửa lọ này, khi bà mẹ phát hiện ra, bà bắt nó phải ăn hết nửa lọ còn lạ 5107 i, nghĩ rằng làm thế sẽ khiến nó khó chịu và sẽ mãi mãi không ăn sơ ri nữa. Nhưng không hề. Con bé ăn hết sạch, thậm chí còn tuyên bố với một đứa con gái trong lớp là khi ấy nó còn có thể ăn thêm nữa. Tôi biết rằng bố nó muốn nó học chơi piano nhưng nó lại muốn học violin, rằng bất đồng này mãi không được giải quyết, cả hai bên đều giữ quan điểm của mình, cho tới khi Alma kiếm được một hộp đàn violin rỗng (mà nó nói là tìm thấy khi chiếc hộp bị bỏ lại ven đường) và bắt đầu cầm chiếc hộp đi loanh quanh khi có mặt ông bố, đôi khi còn giả vờ chơi chiếc đàn violin tưởng tượng, rằng đó là đòn quyết định cuối cùng, bố nó chịu thua và sắp xếp cho một trong các ông anh đang học tại Trường chuyên mua về một chiếc violon, chiếc violin có mặt trong chiếc hộp bọc da đen bóng lót nhung tía, rằng mọi bài hát mà Alma học chơi bằng cây đàn ấy, dù có buồn đến thế nào, đều có âm điệu chiến thắng không lẫn vào đâu được. Tôi biết bởi tôi đã nghe con bé chơi trong khi tôi đứng ngoài cửa sổ phòng nó đợi bí mật trái tim nó lộ ra trước tôi, với sự hăng hái như khi tôi đợi đống phân của vị giáo sĩ vĩ đại.

Nhưng. Chuyện ấy đã chẳng bao giờ xảy ra. Một hôm con bé vòng qua hông nhà và chạm mặt tôi. Cả tuần vừa rồi ngày nào tớ cũng thấy cậu ngoài đó, mà mọi người đều biết rằng ở trường cậu chằm chằm nhìn tớ cả ngày, nếu cậu có gì muốn nói với tớ, sao không nói thẳng vào mặt tớ thay vì rình mò như kẻ trộm thế? Tôi cân nhắc các phương án. Hoặc tôi có thể bỏ chạy và không bao giờ trở lại trường nữa, thậm chí trở thành kẻ đi lậu vé rời bỏ đất nước trên một con tàu tới Australia. Hoặc tôi liều mạng mà thú thật với nó. Tôi mở miệng nói vĩnh biệt. Ấy thế nhưng. Điều tôi nói lại là: Tớ muốn biết liệu cậu muốn cưới tớ hay không.

Con bé không thể hiện thái độ gì. Nhưng. Hai mắt nó lóe lên tia sáng hệt như khi nó lấy chiếc violon ra khỏi hộp. Một khoảng dài trôi qua. Cả hai chúng tôi không thoát khỏi cái nhìn chằm chặp của nhau. Tớ sẽ nghĩ về chuyện đó, cuối cùng con bé nói và quay đi, rẽ ở góc nhà. Tôi nghe tiếng cửa đóng sầm. Một lát sau vang lên những nốt dạo đầu của bản “Những bài hát mẹ dạy cho tôi” của Dvoák. Và dù nó không nói đồng ý, từ đó tôi biết rằng mình có cơ hội.

Việc ấy, tóm lại, là điểm kết thúc sự ám ảnh của tôi về cái chết. Không phải vì tôi hết sợ nó. Tôi chỉ ngừng nghĩ về nó. Nếu tôi có thêm chút thời gian nào không dùng để nghĩ về Alma, có thể tôi đã dành để lo lắng về cái chết. Nhưng sự thật là tôi đã học cách dựng lên một bức tường chắn những ý nghĩ như vậy. Mỗi điều mới tôi học được về thế giới là một viên đá trong bức tường đó, cho đến tận một hôm tôi hiểu ra rằng tôi đã tự đày mình rời xa một nơi tôi không bao giờ có thể trở lại. Ấy thế nhưng. Bức tường cũng bảo vệ tôi khỏi sự rõ ràng đầy đau đớn của thời thơ ấu. Thậm chí trong những năm lẩn trốn trong rừng, lùm cây, nhà kho, hầm hố với cái chết cận kề, tôi vẫn không bao giờ nghĩ về sự thật: tôi sắp chết. Chỉ sau khi tôi bị đau tim, khi những viên đá của bức tường ngăn tôi với thời thơ ấu rốt cuộc bắt đầu vỡ ra, nỗi sợ hãi cái chết mới trở lại với tôi. Và điều ấy vẫn đáng sợ hệt như trước.

TÔI NGỒI CÚI NGƯỜI trên cuốn Những cuộc phiêu lưu kỳ thú không thể tin nổi của Frankie, cô gái tuyệt vời sún răng của một nhà văn Leopold Gursky không phải tôi. Tôi không mở bìa. Tôi lắng nghe tiếng mưa chạy qua đường thoát nước trên mái nhà.

Tôi rời thư viện. Lúc băng ngang phố. Tôi bị đâm trực diện bởi một nỗi cô đơn ghê gớm. Tôi cảm thấy tối tăm và trống rỗng. Bị bỏ rơi, không ai nhận ra, bị lãng quên, tôi đứng trên hè phố, một điều vô nghĩa, một nhúm bụi. Người ta vội vã bước qua tôi. Và từng người bước qua đều hạnh phúc hơn tôi. Tôi lại cảm thấy nỗi ghen tị quen thuộc. Tôi sẽ chấp nhận cho đi bất kỳ thứ gì để được là một trong số họ.

Có một người phụ nữ tôi từng gặp một lần. Cô bị khóa không vào được nhà, tôi đã giúp cô. Cô trông thấy một tấm danh thiếp của tôi, tôi thường đi đến đâu rải danh thiếp đến đó như những vụn bánh mì. Cô gọi điện, tôi tới đó nhanh hết mức có thể. Hôm ấy là lễ Tạ ơn, không ai phải nói rằng cả hai chúng tôi đều không có nơi nào để đi. Chiếc khóa bật tung khi tôi chạm tới. Có lẽ cô nghĩ đó là dấu hiệu của một dạng tài năng khác lạ. Bên trong là mùi hành rán còn vương vấn lại, một tấm poster của Matisse_(1), hoặc Monet_(2). Không! Modigliani(3)_. Giờ tôi nhớ bởi đó là một phụ nữ khỏa thân, và để làm cô vừa lòng, tôi nói: Đấy là cô à? Lâu rồi tôi mới ở cạnh một phụ nữ. Tôi có thể ngửi thấy mùi dầu mỡ trên hai bàn tay mình, cả mùi hai nách. Cô mời tôi ngồi và nấu ăn cho cả hai. Tôi xin phép chải đầu và rửa ráy trong phòng tắm. Khi tôi bước ra, cô đang đứng đó, trong bộ đồ lót và bóng tối. Phía bên kia phố có một bảng hiệu đèn neon, nó tạo một cái bóng màu xanh trên đôi chân cô. Tôi muốn bảo cô rằng nếu cô không muốn nhìn mặt tôi thì cũng không sao.

Vài tháng sau cô gọi tôi lần nữa. Cô đề nghị tôi đánh thêm một chiếc chìa khóa của cô. Tôi thấy mừng cho cô. Rằng cô sẽ không còn cô đơn nữa. Không phải tôi thấy tiếc cho bản thân. Nhưng tôi muốn nói với cô, Sẽ dễ dàng hơn nếu cô bảo anh ấy, người được dành cho chiếc chìa khóa, mang nó tới cửa hàng đồ dùng. Ấy thế nhưng. Tôi đánh hai chìa. Một chiếc tôi đưa cho cô, một chiếc tôi giữ. Trong một thời gian dài tôi mang nó trong túi, chỉ để giả vờ.

Một ngày tôi chợt thấy rằng mình có thể vào bất cứ nơi nào. Trước đấy tôi chưa hề nghĩ về chuyện đó. Tôi là dân nhập cư, mất một thời gian dài mới vượt qua được nỗi sợ bị trục xuất về quê. Tôi sống trong nỗi sợ mình sẽ phạm sai lầm. Có lần tôi lỡ sáu chuyến tàu bởi tôi không biết hỏi mua vé như thế nào. Nếu là người khác thì có lẽ cứ thế mà lên tàu. Nhưng. Không phải một người Do Thái từ Ba Lan sợ rằng dù quá lắm chỉ quên giật nước xả toilet, anh ta cũng sẽ bị trục xuất. Tôi cố gắng tránh gây chú ý. Tôi khóa và mở khóa và đó là việc tôi đã làm. Bởi phá khóa ở nơi tôi ra đi, tôi là một tên trộm, nhưng ở nước Mỹ này, tôi là một người chuyên nghiệp.

Theo thời gian, tôi trở nên thoải mái hơn. Chỗ này chỗ kia tôi thêm chút điệu nghệ vào công việc của mình. Vặn nửa vòng lúc cuối chẳng nhằm mục đích gì ngoài việc thêm chút tinh tế. Tôi không còn lo lắng mà thay vào đó là nghịch ngợm. Với mọi chiếc khóa tôi lắp, tôi đều khắc các chữ cái viết tắt tên mình. Một chữ ký, rất nhỏ, phía trên khe cắm chìa. Không ai nhìn thấy cũng chẳng sao. Tôi biết là đủ. Tôi theo dõi tất cả số khóa tôi đã khắc bằng một tấm bản đồ thành phố gập đi gập lại nhiều lần đến mức có những đường phố bị xóa hết ở các nếp gấp.

Một tối tôi đi xem phim. Trước phim chính, họ chiếu một đoạn về Houdini(1)_. Đó là một người đàn ông có thể thoát ra khỏi chiếc áo trói tay trong lúc bị chôn dưới đất. Họ bỏ ông vào một chiếc quan tài bị khóa bằng dây xích, ném nó xuống nước, và ông sẽ thoát ra. Họ chiếu những cảnh ông đã tập luyện và tính thời gian cho bản thân như nào. Ông sẽ tập đi tập lại cho tới lúc ông rút ngắn thời gian xuống một phần nhỏ của giây. Từ đó trở đi tôi còn tự hào hơn với công việc của mình. Tôi lấy chiếc khóa khó mở nhất về nhà và tính thời gian cho mình. Rồi tôi sẽ giảm thời gian còn một nửa cho tới khi tôi làm được. Tôi sẽ làm cho tận đến khi không còn cảm giác được những ngón tay của mình nữa.

Tôi đang nằm trên giường mơ đến ngày càng nhiều những thách thức, khó khăn thì một ý nghĩ xuất hiện trong đầu: nếu tôi có thể mở khóa vào nhà một người lạ, sao tôi không thể mở khóa vào hiệu bánh Kossar? Hoặc thư viện công cộng? Hay cửa hàng Woolworth_(1)? Cứ giả sử xem, điều gì ngăn được tôi phá khóa vào... Canergie Hall(2)_?

Những ý nghĩ nhảy múa trong khi cơ thể tôi ngứa ngáy vì hào hứng. Tất cả những gì tôi sẽ làm là đưa mình vào rồi lại ra. Có lẽ là để lại một chữ ký nhỏ.

Tôi lên kế hoạch suốt nhiều tuần. Tôi theo dõi các tòa nhà. Không có viên đá nào mà tôi không lật lên. Đủ để nói: Tôi đã làm việc đó. Đi qua cánh cửa sau sân khấu trên phố 56 vào sáng sớm. Việc đó khiến tôi mất một trăm lẻ ba giây. Ở nhà, cùng cái khóa đó tôi chỉ mất bốn mươi tám giây. Nhưng bên ngoài trời lạnh và các ngón tay tôi nặng nề.

Theo lịch, đêm đó Arthur Rubinstein_(3) vĩ đại sẽ chơi ở đó. Cây đàn piano được đặt một mình trên sân khấu, một chiếc Seinway lớn đen bóng. Tôi bước ra từ sau rèm sân khấu. Qua ánh sáng nhấp nháy của biển báo lối ra, tôi có thể trông thấy những hàng ghế dài vô tận. Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài, dùng mũi giày nhấn xuống bàn đạp. Tôi không dám đặt ngón tay lên các phím.

Khi tôi nhìn lên, cô ấy đang đứng đó. Rõ như ban ngày, đứa con gái mười lăm tuổi, tóc tết lại, cách tôi chưa tới hai mét. Cô nâng cây đàn violin - chiếc đàn do anh trai mua từ Vilna về cho cô - rồi hạ cằm xuống cho chạm vào đàn. Tôi cố nói tên cô. Nhưng. Họng tôi cứng lại. Hơn nữa tôi biết rằng cô không thể nghe tiếng tôi. Cô nhướng mày. Tôi nghe thấy những nốt dạo đầu trong bản của Dvoák. Hai mắt cô nhắm lại. Nhạc tràn ra từ các ngón tay cô. Cô chơi bản nhạc không chút lỗi nào, như thể đời cô chưa từng chơi nhạc.

 Khi nốt nhạc cuối cùng nhỏ dần, cô biến mất. Những tiếng vỗ tay của tôi vọng lại trong khán phòng không người. Tôi ngừng lại và im lặng dội lên trong hai tai tôi. Rồi tôi vội vã bỏ ra ngoài theo lối mình đã vào.

Tôi chẳng bao giờ làm lại chuyện này lần nữa. Tôi đã chứng minh được cho bản thân, thế là đủ. Thi thoảng tôi thấy mình bước qua lối vào một câu lạc bộ tư, tôi sẽ không nêu tên ra đây đâu, tôi tự nghĩ Chào, bọn đốn mạt, đây là một người Do Thái mà bọn mày không thể bắt đứng ngoài. Nhưng sau đêm đó, tôi không bao giờ thử vận may lần nữa. Nếu người ta quẳng tôi vào tù, họ sẽ tìm ra sự thật: Tôi không phải Houdini. Ấy thế nhưng. Trong lúc cô đơn, tôi thấy được an ủi khi nghĩ rằng những cánh cửa trên thế giới - dù đóng chặt đến mức nào - chẳng bao giờ thực sự bị khóa trước tôi.

Tôi tìm kiếm sự an ủi như thế khi đứng trong làn mưa xối xả bên ngoài thư viện trong lúc những người không quen biết vội vã đi qua. Rốt cuộc chẳng phải đây là lý do người anh họ dạy cho tôi nghề mở khóa sao? Ông biết tôi sẽ không mãi tàng hình. Hãy chỉ cho tôi một người Do Thái sống sót, một lần ông nói khi tôi xem chiếc khóa chịu khuất phục trong bàn tay ông, tôi sẽ cho cậu thấy một thầy phù thủy.

Tôi đứng trên phố và để cho nước mưa chảy xuống cổ. Tôi nhắm nghiền hai mắt. Lần lượt từng cửa từng cửa từng cửa từng cửa từng cửa từng cửa bật mở.

SAU THƯ VIỆN, sau cái không gì hết của Những cuộc phiêu lưu kỳ thú không thể tin nổi của Frankie, cô gái tuyệt vời sún răng, tôi trở về nhà. Tôi cởi áo khoác và treo lên phơi. Đặt nước lên đun. Sau lưng tôi, ai đó hắng giọng. Tôi suýt nhảy dựng lên. Nhưng đó chỉ là Bruno, đang ngồi trong bóng tối. Cậu đang cố làm gì thế, cho tớ nổi điên à? tôi kêu lên và bật đèn. Những trang tôi viết khi còn là một cậu bé vương vãi trên sàn. Ồ, không, tôi nói. Đó không phải điều cậu…

Cậu không cho tôi lấy một cơ hội.

Không tệ, cậu nói. Không phải kiểu tớ sẽ chọn để mô tả cô ấy. Nhưng, tớ biết nói gì chứ, đó là chuyện của cậu mà.

Nghe này, tôi nói.

Cậu không cần giải thích, cậu ta nói. Đó là cuốn sách hay. Tớ thích nó. Ngoài những phần cậu đánh cắp - rất sáng tạo. Nếu bọn mình nói chuyện bằng những thuật ngữ hoàn toàn văn học…

Phải mất một lúc. Và rồi tôi nhận ra sự khác biệt. Cậu ta đang nói với tôi bằng tiếng Yiddish.

… bằng những thuật ngữ hoàn toàn văn học, có gì không đáng thích thú chứ? Dù sao, trước đây tớ cũng luôn tự hỏi cậu đang viết gì. Bây giờ, sau bao nhiêu, tớ đã biết.

Nhưng tớ cũng đã tự hỏi cậu đang viết gì, tôi nói, nhớ lại một khoảng đời trước đây, khi cả hai chúng tôi hai mươi tuổi và muốn trở thành nhà văn.

Cậu nhún vai, như thể chỉ Bruno có thể nhớ. Đúng hệt như cậu.

Đúng hệt?

Tất nhiên là đúng hệt.

Một cuốn sách về cô ấy?

Một cuốn sách về cô ấy, Bruno nói. Cậu nhìn đi chỗ khác, ra ngoài cửa sổ. Rồi tôi trông thấy cậu đang mang một tấm ảnh trong lòng, tấm ảnh chụp tôi và cô phía trước một cái cây mà cô không bao giờ biết rằng tôi đã khắc chữ viết tắt của hai chúng tôi vào, A + L. Bạn hầu như không thể trông thấy chúng. Nhưng. Chúng có ở đó.

Bruno nói, Cô ấy giỏi giữ bí mật.

Rồi tôi nhớ ra. Ngày hôm ấy, sáu mươi năm trước, khi tôi rời khỏi nhà cô với đôi mắt đẫm nước và trông thấy Bruno đứng dựa vào cái cây, tay cầm một cuốn vở, đợi đến gặp cô sau khi tôi về. Trước đó vài tháng chúng tôi đã là bạn thân nhất của nhau. Chúng tôi thức hết nửa đêm cùng vài đứa con trai khác để hút thuốc và bàn luận về sách. Ấy thế nhưng. Đến lúc tôi trông thấy cậu vào buổi chiều hôm đó, chúng tôi không là bạn bè nữa. Thậm chí bọn tôi còn không nói chuyện. Tôi bước thẳng qua cậu như thể cậu không có mặt ở đó.

Chỉ một câu hỏi thôi, giờ Bruno nói, sau sáu mươi năm. Tớ luôn muốn biết.

Gì thế?

Cậu bật ho. Rồi cậu ngước lên nhìn tôi. Cô ấy có bảo cậu rằng cậu là tay viết giỏi hơn tớ không?

Không, tôi nói dối. Và rồi tôi nói cho cậu sự thật. Không ai phải bảo tớ.

Có một khoảng im lặng dài.

Thật lạ. Tớ đã luôn nghĩ… cậu thốt lên.

Gì hả? tôi nói.

Tớ đã nghĩ bọn mình chiến đấu vì thứ gì đó hơn cả tình yêu của cô ấy, cậu nói.

Giờ đến lượt tôi quay nhìn ra ngoài cửa sổ.

Cái gì hơn cả tình yêu của cô ấy? tôi hỏi.

Chúng tôi ngồi trong im lặng.

Tớ nói dối đấy, Bruno nói. Tớ có một câu hỏi khác.

Là gì?

Tại sao cậu đứng đây như một kẻ ngốc?

Ý cậu là gì?

Cuốn sách của cậu, cậu nói.

Có gì về nó?

Đi lấy nó lại.

Tôi quỳ trên sàn và bắt đầu lượm các trang giấy.

Không phải cuốn này.

Cuốn nào?

Oy vey! Bruno nói và vỗ trán. Tớ có phải bảo cậu mọi điều không?

Một nụ cười chầm chậm lướt qua môi tôi.

Ba trăm lẻ một, Bruno nói. Cậu nhún vai và nhìn đi nơi khác, nhưng tôi nghĩ mình đã nhìn thấy cậu mỉm cười. Đó không phải là không gì cả.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29522


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận