Ngôi Nhà Ma Truyện ngắn 10


Truyện ngắn 10
Kiệt tác không cần giải Nobel

Đã có một thời cái tên Minh Quang trở thành một hiện tượng. Còn hơn cả các siêu sao bây giờ, tên ông xuất hiện thường nhật trên báo chí, vang lên trong những buổi hội thảo, chói chang trên các tấm quảng cáo trước các rạp chiếu phim và các nhà hát. Các tiểu thuvết và tập truyện ngắn của ông in với tia-ra không dưới 50.000 bản. Tác phẩm của ông được chuyển thể thành kịch bản phim, kịch bản sân khấu, được dịch để giới thiệu ra nước ngoài. Vinh quang đến với ông dồn dập. Và tất nhiên, cũng có một đôi chút bổng lộc, ít thôi, nhưng so với thời ấy thì cũng đủ làm ông mát mặt. Ông được người ta cho đi tham quan hai, ba chuyến nước ngoài. Nhuận bút của ông, có cuốn mua cho con được chiếc xe đạp, có cuốn sắm cho vợ được một cái Tết. Cuốn sáng giá nhất được tặng giải thưởng Hội Nhà văn, kèm theo một chiếc Mô-bi-lét hàng viện trợ, ông đi cho mãi tới bây giờ.

Cuốn sách ấy có tựa đề "Nơi ta cất cánh". Đó là cuốn tiểu thuyết đậm đặc chất sử thi và anh hùng ca, tiêu biểu

 

nhất cho khuynh hướng và phong cách sáng tác của ông. Ngay sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, có nhà phê bình bốc lên đã lấy tên sách của ông để khái quát cả một dòng văn học: dòng văn học cất cánh.

Sau này cuốn tiểu thuyết ấy, cũng như bao nhiêu phong trào "Cờ ba nhất", "Gió Đại Phong", cũng như bao nhiêu điển hình "Vũ Thắng", "Định Công",... của thời ấy dần đi vào quên lãng. Chính ông cũng quên đi đứa con tinh thần của mình. Nhưng, cái vùng đất để ông viết cuốn tiểu thuyết ấy, những con người cùng ông sống những năm ở đó thì ông không thể nào quên được. Cái vùng đất ấy, những con người ấy, như một phần định mệnh của đời ông, cứ bám riết lấy ông, ám ảnh cho mãi tới bây giờ.

Đó là một vùng đồi núi nằm khuất nẻo trong dải núi cánh cung vùng Đông - Bắc. Nếu không có chiến tranh, có lẽ, mãi mãi nó sẽ là một nơi khỉ ho cò gáy. Ngày giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nơi đây bỗng nhiên nằm trong tầm mắt của các nhà quân sự. Ba tiểu đoàn công binh cơ giới cùng hàng nghìn thanh niên xung phong hỏa tuyến được điều gấp về đây. Một sân bay dã chiến được khẩn trương xây dựng.

Nhà văn Minh Quang có mặt cùng với những người lính công binh đầu tiên. Hồi ấy anh vẫn còn trẻ, mới hơn ba mươi tuổi. Anh ăn ngủ cùng bộ đội, cùng thanh niên xung phong, cùng lao động và sinh hoạt với họ. Tư liệu cho cuốn tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh" đặc kín bốn cuốn sổ tay.

Những ý tưởng về cuốn tiểu thuyết chỉ thực sự được bắt đầu khi anh gặp nhân vật hình mẫu của mình. Nàng là thanh niên xung phong, một cô gái nông thôn đoan trang và mơ mộng.

Thắm, tên nàng, gợi một cái gì đó dân dã và trữ tình, khiến anh liên tưởng đến một chiều quê tháng mười vàng rực, một buổi hội làng với nón thúng quai thao và tiếng hát trao duyên ngân dài theo những bờ đê óng mềm sắc cỏ. Anh bị Thắm chinh phục ngay từ lần gặp đầu tiên. Đúng hơn là chiến công của nàng chinh phục anh. Anh choáng váng và sửng sốt. Một cô gái hai mươi tuổi, nhỏ nhắn và mảnh dẻ, chỉ nặng có bốn mươi nhăm kilôgam, mà vác nổi một tảng đá nặng hơn năm mươi kilô chạy phăm phăm hàng trăm mét. Anh là người duy nhất trong đội ngũ các nhà văn nhà báo có mặt trên công trường sân bay dã chiến thu được hình ảnh Thắm vào ống kính chiếc máy Zenhít của mình. Ơ-rê-ca! Anh thầm reo lên cái câu của Ác-si-mét, và ngay đêm ấy, tại căn nhà lợp giấy dầu của đội thanh niên xung phong, anh đã viết ngay một bài báo về chiến công của Thắm gửi về Hà Nội. Cũng chính đêm ấy, đề cương cuốn tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh" được phác thảo.

Sau này, càng tiếp xúc với Thắm anh càng phát hiện ra ở nàng những phẩm chất siêu phàm. Trong ba lô của nàng có đầy đủ một bộ sách giáo khoa phổ thông lớp mười, lớp cuối cấp phổ thông trung học thời ấy. Thì ra vừa tốt nghiệp cấp ba nàng đã viết đơn tình nguyện ra tuyến lửa ngay. Đi thanh niên xung phong, nhưng nàng vẫn ấp ủ ước mơ trở về trường đại học. Cũng trong ba lô của nàng, ngoài bộ sách giáo khoa, còn có hai cuốn tiểu thuyết: "Người lính đi dép cao su" và "Chào tuổi thơ ra trận". Chao ơi, hai cuốn sách đầu tay của anh không ngờ đã trở thành những cuốn sách gối đầu giường của nàng. Nàng trong trắng như một con chiên ngoan đạo, nàng bị anh dẫn dắt, mê hoặc ngay từ tuổi thiếu nữ.

Có một tình cảm nào đó đã ngầm gắn kết giữa anh và nàng. Anh yêu tuổi trẻ và phẩm chất của nàng, yêu đôi mắt to pha giữa sắc đen và nâu mỗi lần nhìn anh luôn dè dặt và xa vời, tựa như con chiên với Đức Cha, như cô học trò ngây thơ trước bậc vĩ nhân. Và nàng, dường như cũng không kìm giữ được tình cảm của mình. Có một lần đi chơi bên bờ suối, không biết bằng cách nào nàng đã ép vào cuốn sổ ghi chép của anh một bông tầm xuân trắng muốt, thơm ngát hương rừng.

Cuốn tiếu thuyết "Nơi ta cất cánh" của anh đã được viết trong ánh sáng của nàng. Ba tháng ở trại viết của Hội Nhà văn, anh viết trong những cơn nhập đồng. Bốn trăm trang bản thảo - ba phần tư cuốn tiểu thuyết - hầu như


đã xong.

Nhưng, đúng vào lúc anh bắt tay viết nốt phần kết của cuốn tiểu thuyết thì một tin sét đánh bỗng ập đến: Sân bay dã chiến bị máy bay Mỹ oanh kích và Thắm đã hy sinh trong khi đơn vị nàng đang san lấp đường băng.

Minh Quang bỏ dở cuốn sách, tức tốc lên sân bay.

Những vòng hoa rừng phủ kín nấm mộ, héo rũ trong cái nắng cuối hè. Anh đốt một nắm nhang và đứng lặng. Nước mắt hoen trên má anh. Nước mắt thú nhận một tình yêu mà lâu nay anh cố kìm giữ.

 

Phần cuối của cuốn sách đáng lẽ phải viết trong cảm xúc bi thương như cuộc đời vốn có. Lẽ ra nhân vật của anh phải chết, một cái chết hoàn toàn lô-gích trong chiến tranh. Nhưng anh không kết thúc như vậy. Trung thành với quan điểm nghệ thuật đầy chất lý tưởng của mình, anh đã cho nhân vật của mình trở thành nữ anh hùng, được nhà nước cử đi học ở nước bạn để làm hạt giống quý cho tương lai.

"Nơi ta cất cánh" ra đời, lập tức trở thành một hiện tượng văn học. Nhưng chính cái lúc tác phẩm của anh gần như trở thành sách mẫu, được đặc cách đưa gấp vào chương trình học trong nhà trường, thì trong thâm tâm anh dần nhận ra sự hời hợt và giả tạo của mình. Cái chết của Thắm như một ám ảnh. Nó đè nặng lên anh đến nỗi trong mấy năm liền anh không thể viết được một cái gì.

Cũng trong thời gian ấy, cái làng quê đồng chiêm của anh liên tiếp mất mùa. Hợp tác xã lên quy mô toàn xã nhưng ngày công lao động không được nửa cân thóc. Vợ anh xơ xác như một bà già. Các con anh có tháng phải ăn khoai trừ bữa đi học. Lên thăm lại sân bay dã chiến, được những người bạn ở đó gợi ý, anh quyết định đưa cả vợ con lên vùng đất ấy.

Căn nhà của vợ con anh nằm cách xa nơi Thắm nghỉ một triền đồi. Nàng chính là một phần của quá khứ còn trống vắng trên trang viết của anh. Dẫu chưa bù đắp lại được bằng bút mực, thì sự có mặt hàng tháng, hàng năm của anh bên cạnh nàng cũng giúp tâm hồn anh thanh thản ít nhiều.

 

 

*

*      *

 

Thấm thoát đã ngót hai mươi năm. Nhà văn Minh Quang bây giờ tóc đã pha sương. Ở tuổi này, với một sự nghiệp như thế, lẽ ra ông có thể yên tâm với chính mình. Nhưng cái nghiệp văn chương vẫn cứ đeo đẳng ông đến khốn khổ. Ông nhận ra rằng, toàn bộ sự nghiệp của ông dường như vẫn chưa có gì. Ông mới chỉ đụng đến cái khoảnh khắc mà chưa vươn tới được cái vĩnh cửu.

Đã bao đêm ông tự giày vò mình. Ông điểm lại toàn bộ những tác phẩm từng nổi tiếng của mình và cảm thấy rằng sao chúng nông cạn và hời hợt, thậm chí chúng hết sức vô bổ trong cái kho tàng tinh thần mà các thế hệ cha ông đã truyền lại.

Ông quyết định viết một cuốn sách của đời mình, viết bằng sự sám hối với chính mình.

Ông xin về nghỉ trước tuổi hưu và tình nguyện là người đầu tiên không lấy phụ cấp sáng tác của Hội Nhà văn. Hãy thử sống bằng nhuận bút. Nếu không viết được thì trồng cây, nuôi gà, chăn lợn. Có người bảo ông hâm và ngang, nhưng ông lặng thinh. Văn chương xưa nay đâu có nuôi nổi ai. Phàm đã cầm bút thì cố mà viết lấy một cái gì để đời.

Trả lại căn phòng mười mét vuông ở tầng năm khu tập thể, nhà văn Minh Quang thu xếp hành lý về ở hẳn Che Dưa Trang - tên cái trang trại toàn chè và dứa của vợ con ông mà các bạn văn chương thường gọi đùa trong các bữa rượu, lâu ngày thành quen. Nơi ấy bây giờ lại trở nên heo hút, bởi từ ngày hòa bình, sân bay dã chiến không hoạt động nữa. Dân sơ tán, dân đi kinh tế mới cũng lục tục về xuôi hết. Chỉ còn thưa thớt dăm bảy nóc nhà, người Kinh lẫn với người La Chí, Sán Dìu.

Một buổi chiều, không hiểu sao ông lại đi tha thẩn đến vạt đồi có ngôi mộ Thắm. Ông đi như một người mộng du, chân bước lâng châng trên từng vạt cỏ. Ôi, hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân nở trắng dọc đường mòn thưa dấu chân người. Trong cuốn sổ tay của ông vẫn còn giữ bông hoa tầm xuân ngày ấy. Tưởng như mới hôm qua thôi, Thắm vừa ngắt ở vạt đồi kia lén ép vào những trang viết của ông.

Sắp đến chỗ ngôi mộ, ông bỗng đứng sững lại. Ai? Người con gái kia là ai? Cũng một mái tóc dài, một tấm lưng ong như Thắm. Hay là Thắm? Thực hay mơ đây? Chẳng lẽ oan hồn của Thắm vẫn còn lẩn quất? Những câu hỏi vụt lên trong óc ông. Ông bấm vào tay mình. Không, ông vẫn hoàn toàn tỉnh táo.

Ông rón chân trên vạt cỏ, với ý định quyết giáp mặt người con gái xem cô ta là ai. Nhưng hình như người con gái đã nhận ra tiếng chân ông. Cô quay ngoắt lại.

- Trời ơi. Thắm! Chính là em đấy ư? - Ông thốt kêu lên. Toàn thân ông bủn rủn. Ông muốn chạy lại phía nàng, đưa tay về phía nàng, nhưng dường như thần kinh ông đã bị tê liệt. Ông đứng sững trong một cảm giác đầy kinh dị.

 

Cô gái quả là giống Thắm lạ lùng. Cũng một gương mặt trái xoan, làn da trắng mịn và đôi mắt to. Nghe tiếng gọi của ông, cô hốt hoảng vùng chạy xuống chân đồi.

Mãi lâu sau khi cô gái đã khuất trong bóng chiều nhập nhoạng, nhà văn Minh Quang mới định thần lại được. Ông đi đến ngôi mộ. Một bó hoa tầm xuân còn tươi nguyên đặt ngay ngắn trên cỏ. Hoa đây mà người đâu? Hay người đã biến trong những đóa hoa này? Chợt nghĩ đến những truyện quái đản trong "Liêu trai chí dị", cả người ông bỗng lạnh sởn da gà.

 

*

*      *

 

Suốt cả tuần sau nhà văn Minh Quang đi tha thẩn khắp vùng đồi. Ông không tin người con gái ông gặp bên mộ Thắm kia là ma. Phải tìm ra người con gái đó.

Có những người bạn có thể giúp ông lần ra manh mối. Đó là những đứa trẻ. Một vùng đất dù heo hút, thưa người đến đâu thì những người bạn dễ gặp nhất vẫn là những đứa trẻ. Chúng thường kết lại thành từng nhóm vài ba đứa, cùng chăn trâu, thả bò, hái chè, đào củ hoặc nghịch ngợm một trò gì đó.

- Này các cháu, cho bác hỏi - Ông túm lấy ba cậu bé đang hì hục dồn đẩy hai con bê lại gần nhau rồi lấy dây rừng buộc chặt hai cái đuôi của chúng lại làm một. Tiếp đó một thằng cao kều, một thằng béo mập nhảy phóc lên lưng hai con bê, còn thằng gầy choắt cầm một mồi lửa gí vào chỗ đuôi chập nhau của chúng. Hai con bê lồng lên, hai cái đuôi căng ra tưởng đứt. Rồi bất thần sợi dây tung ra. Cả thằng béo và thằng cao kều cùng đập gáy vào nhau, ngã lăn chiêng xuống cỏ. Hai con bê hốt hoảng chạy thục mạng trên đồi.

Phải sau cái trò chơi quái quỷ này, bọn trẻ mới nhận ra ông.

- Ông hỏi gì? - Thằng gầy choắt sau trận cười hở đúng tám cái răng sứt, mới quay lại ông, mặt vênh váo đến xấc xược.

- Bác muốn hỏi các cháu có biết một cô gái nào hay hái hoa tầm xuân mang đến ngôi mộ kia không?

Cả ba cậu bé đều nhìn ông với những cặp mắt đầy soi mói. Thằng cao kều chợt nhếch miệng cười:

- Ông già thế, mà vẫn thích đi tìm con gái kia à? Ma đấy. Có một con ma chuyên đi hái hoa tầm xuân.

- Gặp con ma ấy, ông sẽ mê ngay - Cậu bé béo mập nháy mắt với hai bạn. Cái nháy mắt của nó rất khả ố và thớ lợ.

Rồi cả ba cùng hát vống lên:

Con mả con ma

Nước da trắng ngà

Tóc đen môi đỏ

Vú hai cái giỏ

Mông hai cái giành

Ma hỡi ma hời

Hãy đến cùng anh

Là hãy đến cùng anh...

 

Đoạn kết, chúng cùng hướng về ông, gào lên. Rồi chúng chạy biến vào những lùm cây.

Ông lê bước trở về nhà, lòng trĩu nặng một nỗi buồn chán và thất vọng. Trẻ con ở đây ma mãnh, quỷ quái quá. Người ta tuyên truyền ra rả trên đài báo về thế hệ mầm non đất nước, vậy mà bọn trẻ ông vừa gặp lại hoàn toàn là một lũ vô học.

Tuy vậy, ông vẫn chưa tuyệt vọng. Có lẽ bởi dư âm "cái thời lãng mạn" của thế hệ ông vẫn còn dai dẳng đến bây giờ. Ông quyết săn tìm bọn trẻ để lần ra người con gái bí ẩn kia.

Một chiều nọ, tình cờ ông bắt gặp hầu như toàn bộ lũ trẻ trong vùng đang đùa giỡn ở đoạn vực nơi con suối xoáy vào vách tạo thành. Bốn đứa con trai và ba đứa con gái. Vẫn ba cái thằng cao kều, béo mập và gầy choắt lần trước. Thêm một thằng đen cháy nữa. Còn ba đứa con gái tuổi suýt soát nhau khoảng mười hai, mười ba, tức là chúng đang vào tuổi thiếu nữ. Điều kỳ cục là tất cả bọn chúng đều tắm truồng. Các cô bé nồng nộng, vú đã chúm hạt cau, vậy mà tịnh không có chút e lệ nào. Chúng té nước vào nhau, đuổi bắt nhau, lấy cuội sỏi ném nhau, hồn nhiên và mông muội như cái thuở hồng hoang. Ông xấu hổ quá không dám lại gần chúng. Ngắt một bông tầm xuân, ông tìm một tảng đá khuất, ngồi đợi.

- Các cháu ơi, cho bác hỏi thăm một chút - Đúng lúc ba cô bé tắm xong, về qua, ông vội đứng dậy, chạy theo.

- Ôi, bác. Một bông tầm xuân đẹp quá - Cô bé lớn nhất mở tròn mắt nhìn bông hoa nơi tay ông. Cả ba cô bé cùng mở tròn mắt. Những đôi mắt đen láy, có một vẻ đẹp hết sức hoang dã.

- Có một người rất thích hoa tầm xuân và vẫn thường mang hoa tới ngôi mộ ở chỗ đồi thông kia. Đố các cháu là ai nào? - Nhà văn Minh Quang đưa mắt nhìn các cô bé và khoát một cử chỉ đầy bí ẩn.

Các cô bé cũng đưa mắt nhìn nhau. Một cô có cái răng khểnh bỗng reo lên:

- Chị Hồng. Đúng rồi. Chị ấy có mái tóc dài và nước da rất trắng, phải không bác?

Ông khẽ reo thầm trong đầu.

- Các cháu đoán giỏi lắm. Thế nhà chị Hồng ở
đâu nào?

- Xì. Bác đừng có đố chúng cháu. Chúng cháu vẫn đến chơi và mượn sách của chị ấy. Chị ấy xinh và hiền lắm nhé.

- Thế nhà chị ấy ở đâu?

- Nhưng mà bác hỏi làm gì? Bác yêu chị ấy à?

- Đúng rồi. Bác ấy yêu mới hái hoa tầm xuân thế này...

Các cô bấm chí nhau, cười khúc khích, khiến nhà văn Minh Quang cũng phải đỏ bừng mặt.

Nhưng rồi cuối cùng thì các cô bé cũng chỉ cho ông ngôi nhà xa mãi phía bên kia đồi, nơi có những vòm mít xanh đen và những vạt chè vồng lên như sóng. Các cô còn giao hẹn sáng hôm sau sẽ đón ông ở đó.

 

*

*      *

 

Mãi về sau này, cho dù tới khi nhắm mắt, ông sẽ không thể quên buổi gặp nàng hôm ấy. Chao ơi, Thắm đấy ư? Đúng là Thắm rồi. Như hai giọt nước. Chỉ có điều là Thắm hai mươi tuổi, còn nàng hình như đã ngoài ba mươi. Nhưng nàng đẹp. Một vẻ đẹp u buồn và hoang dại.

Lúc ấy, không hiểu sao tim ông bỗng đập một cách hoảng loạn. Tựa hồ như ông đang sống lại cái cảm xúc hơn hai mươi năm trước, ngày ông vẫn còn trẻ, ngày mà tình yêu đối với ông vẫn còn tươi mới, vẫn còn đủ độ đắm say và rung động. Ông buột kêu lên:

- Thắm!

Nhưng nàng chỉ đáp lại tiếng gọi tha thiết của ông bằng ánh mắt dè dặt và phòng ngừa, rồi lại vội vã cúi xuống trang sách đang để mở. Ngay lúc ấy ông cảm thấy mình bối rối. Ông đã trót lầm lẫn. Người đàn bà kia quá giống Thắm về hình hài, nhưng với ông lại hoàn toàn
xa lạ.

Rất may là mấy cô bé đã gỡ thế bí cho ông. Các cô
reo lên:

- Bác ấy đến kìa. Chị Hồng ơi, người ta đến để xem mặt chị kìa...

Ông cố trấn tĩnh lại.

- Chào các cháu. Bác đến, giữ đúng lời hứa nhé. Các cháu hãy giới thiệu bác với chị Hồng đi.

- Chúng cháu giới thiệu rồi. Bác phải tự nói chuyện với chị ấy chứ - Cô gái có chiếc răng khểnh liếc xéo một cái nhìn từ ông sang nàng rồi ôm miệng cười khúc khích.

 

Nàng vẫn im lặng. Hình như nàng cố ngồi thu người nhỏ lại. Hình như nàng muốn lẩn trốn ông. Ông đành phải xóa đi sự bối rối bằng cách cầm lên quyển truyện tranh mà các cô bé vừa xem.

- Các cháu thích đọc sách lắm phải không? Thử kể cho bác xem quyển sách này viết về cái gì nào?

Bọn trẻ không đứa nào trả lời. Ông nhìn vào mắt chúng. Chúng cùng xấu hổ quay đi, mặt chín nhừ như những học trò không thuộc bài.

Ông lại bị rơi vào một cảnh huống khó xử. Có điều gì uẩn khúc chăng?

Đang băn khoăn để tìm một phương cách đối thoại thì ông chợt nghe tiếng nói từ trong căn nhà gỗ vọng ra:

- Nói chuyện với chúng nó cho nó phí nhời. Toàn một lũ câm với mù cả đấy. Mời bác vào trong này.

Một bà cụ lưng còng đón ông ở bậc cửa. Bằng linh cảm của người viết văn, tự nhiên ông cứ tin chắc rằng đó là mẹ của Thắm.

Quả nhiên, điều linh cảm của ông đúng. Câu chuyện của người mẹ dẫn ông đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hóa ra Hồng chính là em gái Thắm.

- Cái số con Hồng nó khổ lắm anh ạ - Bà cụ kể - Mười bảy tuổi vào trường đại học. Chưa hết năm học thì bom Mỹ nó bỏ trúng nơi sơ tán. Không chết, nhưng mà bị chấn thương sọ não, rồi bị câm từ đó. Cũng năm đó thằng anh nó hy sinh ở trong Nam. Buồn quá, ông nhà tôi quyết định chuyển từ nhà quê lên đây. Cũng là để gần gũi con Thắm cho vong linh nó đỡ tủi. Cơ ngơi này ông cháu gây dựng cả đấy. Những cây mít kia đã mười sáu năm rồi. Người ta bảo "trẻ trồng na, già trồng mít". Thế mà ông cháu cũng chẳng được sống mà hưởng...

Chao ơi, cái nghiệt ngã của chiến tranh. Những thân phận mà ông đã giấu biệt trong những tác phẩm nổi tiếng của mình vẫn còn sờ sờ ra kia. Ông thầm trách mình, trách cái thói vô tâm và hời hợt của mình. Gia đình nàng đã lên đây mười mấy năm rồi mà sao ông không biết!

- Mấy con bé kia, sắp lấy chồng rồi mà cũng mù cả đấy bác ạ. Là tôi nói mù chữ ấy. Cầm sách thế kia nhưng chỉ biết xem tranh thôi chứ chả đọc được chữ nào. Cũng là con các cô gái thanh niên xung phong cả đấy. Cái xóm ở bên suối kia gọi là xóm hoang, vì toàn các cô không chồng, hoặc tranh cướp chồng của người khác. Có nhà ba, bốn đứa con thì ba, bốn bố. Khổ, ăn còn chẳng đủ, lấy tiền đâu mà học. Với lại cũng chẳng ai hơi đâu mà đến đây dạy học. Lớp mở mấy lần rồi lại tan. Bác mới về đây không biết chứ vùng này khối đứa đang nằm trong nhà đá. Toàn tội cờ bạc, trộm cắp, đĩ điếm...

Đôi mắt nhà văn Minh Quang hoe đỏ. Câu chuyện của bà mẹ làm tim ông se thắt. Trời ơi, ông đang sống giữa một vùng đất đầy chất tiểu thuyết. Đây mới chính là cái mỏ để các nhà văn đào bới. Nếu đời ông có thể làm nên một kiệt tác thì đây chính là lúc mà ông đang được tiếp cận với những nguyên - liệu - Người đích thực của văn chương.

- Thưa mẹ, có cách nào để nói chuyện được với Hồng? - Ông nói.

 

- Bác nói chuyện bằng giấy bút với em nó được đấy. Nó có cả một tủ sách. Cứ sẩy việc sao, hái chè ra là lại ôm lấy quyển sách...

Đọc những dòng ông viết, nàng mở tròn đôi mắt nhìn ông hồi lâu. Cũng một đôi mắt đen pha nâu như mắt Thắm, cũng cái nhìn đầy ngưỡng mộ của Thắm ngày xưa. Rồi nàng mỉm cười với ông và lặng lẽ đi vào nhà mang ra một chồng sách.

Ông ngồi thụp xuống như vồ lấy từng cuốn sách của chính mình. Ôi, đây rồi: "Người lính đi dép cao su", "Chào tuổi thơ ta ra trận". Và đây nữa: "Tiền phương vẫy gọi", đây nữa: "Nơi ta cất cánh"... Hầu như toàn bộ tác phẩm của ông, không thiếu một cuốn nào. Ông nhận ra hai cuốn tiểu thuyết mà ông đã thấy trong ba lô của Thắm ngày ấy.

"Của chị Thắm gửi về cho em đấy - Nàng viết vào cuốn sổ của ông - Ông có muốn xem những lá thư mà chị Thắm viết về ông không?"

Ông gật đầu. Nàng mở cửa sổ đưa cho ông những tờ giấy pơ-luya đã ố vàng. Ông nhận ra những dòng chữ
của Thắm.

"... Hồng ơi, chị mới được quen một nhà văn nổi tiếng. Nhà văn Minh Quang, tác giả cuốn tiểu thuyết "Chào tuổi thơ ta ra trận" em đã học rồi đấy. Những trang văn như giục giã lòng người. Ôi, giá mà yêu được một người
như thế...".

Một giọt nước mắt lớn nhỏ trên trang giấy, ông không đọc được nữa. Ông tin rằng, cho tới bây giờ, chỉ có một độc giả duy nhất còn nguyên vẹn tình yêu đối với ông. Nhưng nàng đã chết rồi.

"Nhà văn các ông chắc ai cũng thích được giải Nôbel lắm nhỉ?"

Người con gái câm chủ động "đối thoại" với ông trên trang giấy.

Ông lắc đầu. Cái lắc đầu không hẳn là chối bỏ mà chỉ là một cử c 195f hỉ gần như thuộc về bản tính của kẻ sĩ.

"Em tin rằng nhà văn các ông đều là những người hám danh. Các ông vì thích được nổi tiếng, chứ không hẳn đã viết về con người. Đọc ông, trước kia em thích, còn bây giờ thì không, ông viết giả quá...".

Nhà văn Minh Quang sững sờ nhìn vào mắt nàng. Chao ôi, đây mới chính là những lời phê bình chân thật nhất mà ông được biết từ trước tới giờ. Không có một nhà phê bình nào dũng cảm như nàng và chân thực như nàng. Tiếc thay những ý nghĩ thật lại là của những người không nói được.

"Ông đừng giận em - Nàng lại viết lên trang giấy - Em quý ông, nhưng em tiếc cho ông. Ở đây, không có ai biết đến ông cả, ngoài em. Nhưng em lại chỉ là một cô gái câm, không nói được, không biết tuyên truyền cho ông. Ông có biết không, tất cả bọn trẻ ở đây đều mù chữ. Tất cả những tác phẩm nổi tiếng của ông, đối với chúng nó đều vô nghĩa. Tất cả nhà văn các ông đối với chúng nó đều
vô nghĩa".

Bàn tay nàng run lên. Những dòng chữ cũng run rẩy và nguệch ngoạc. Nước mắt nàng chảy tràn trên má.

 

Ông như chộp lấy bàn tay nàng ép chặt. Bàn tay của một thời chắc mềm mại và thon nhỏ lắm, giờ thô ráp và đen xỉn vì nhựa chè.

- Em... hãy tha lỗi cho tôi... - Ông khẽ thốt lên - Từ lâu tôi đã mong manh nhận ra điều này. Không chỉ những người mù chữ, cả những độc giả có chữ họ cũng không cần đọc tôi nữa. Cám ơn em. Em đã chỉ ra cho tôi điều này: cần phải tạo dựng lại một lớp độc giả của mình...

Nàng ngước lên. Bàn tay vẫn để nguyên trong tay ông. Đôi mắt nàng cười đẹp đến mê hồn.

 

*

*      *

 

Ông dẹp lại căn phòng viết của mình, tạo cho nó có dáng dấp của một lớp học. Bàn viết của ông được dùng làm bàn thầy giáo. Bàn học trò là những tấm ván ghép lại. Bảng viết là một tấm vải giả da màu xanh ông gửi mua từ thị xã.

Lớp học của ông có chín học trò. Đó là toàn bộ nhóm tắm truồng ở bên suối ngày nào, cộng thêm một cô bé, một cậu bé bảy tuổi do Hồng đưa đến. Nàng, bây giờ đã trở thành một người bạn thân thiết của ông lắm rồi. Thậm chí nhiều khi ông không cần phải nói chuyện trên giấy mà có thể trực tiếp nói với nàng bằng ánh mắt, bằng cử chỉ. Hôm ông "nói" với nàng cái ý định mở lớp học cho bọn trẻ. Nàng bỗng a lên một tiếng, nhìn ông đến choáng ngợp, và cầm bút viết vội vào cuốn sổ của ông:

 

"Đây mới là một kiệt tác không cần giải Nobel. Đến bây giờ thì em đánh giá rất cao tư cách nhà văn của ông. Ông có nhớ thời kỳ Lép Tol-xtoi ở Ia-sơ-na-ia Pô-lia-na không? Lép vĩ đại cả khi ông không viết một trang văn nào".

Chao ôi, nàng dám so sánh cái Che Dưa trang của ông với Pô-lia-na của Lép Tol-xtoi. Nàng đánh giá cái lớp học của ông còn cao hơn cả một kiệt tác. Ông biết ơn nàng, và hiểu rằng, với Thắm, với nàng, ông còn một món nợ, có thể cho đến hết đời cầm bút ông cũng không trả nổi.

Ba tháng trôi qua.

Nhà văn Minh Quang dường như đã quên cả những công việc nhà văn để nhận thiên chức một người thầy. Những đứa học trò của ông không ngờ lại rất thông minh và hiếu động. Thằng cao gầy, thằng béo mập, thằng đen sắt, cô răng khểnh... đều là những học trò xuất sắc. Chúng đã đọc tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh" của ông một cách trôi chảy. Và kỳ lạ thay, không hiểu bằng cách nào, bằng những con chữ kỳ diệu trong cuốn sách hay bằng những tin đồn đại trong vùng, mà chúng hiểu rõ rằng tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh" chính là viết về vùng quê của chúng, viết về chị "Hồng câm", nhân vật chính mà ông yêu mến. Bài "luận văn" đầu tiên chứng nhận trình độ thoát nạn mù chữ của chúng là bức thư tập thể của chúng gửi cho nàng:

"Chị Hồng ơi. Đọc cuốn tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh", chúng em mới biết thầy giáo chúng em, nhà văn Minh Quang, đã viết về chị. Cứ hệt như hình dáng chị ở ngoài đời. Sướng thế. Chị nói với thầy Minh Quang viết chúng em vào một cuốn sách nào của thầy đi".

Suốt đêm, nàng đã ấp lá thư ấy vào ngực. Nàng nhớ và thương chị lắm. Nàng thấy yêu những đứa trẻ. Từ nay chúng đã được hưởng cái quyền làm người, quyền làm một độc giả bình thường của những nhà văn. Và riêng nàng... ôi, lần đầu tiên ở tuổi ba mươi bảy, nàng thấy cháy bỏng một khát vọng yêu...

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84062


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận