Tương Lai Xán Lạn Chương 22


Chương 22
2003 Cả ông nữa, đađa: nhảy đi!

Bé gái chơi trong phòng khách, ở dưới chân ông nó, với những nhân vật của phim truyền hình Teletubbies mà Helen vừa mua cho ở cửa hàng Toysaurus cuối tuần này. Bà nó vẫn không thể vui lên được khi nhìn thấy cái đầu tròn rất đáng yêu của cháu chăm chú vào những nhân vật ngồ ngộ màu tím, xanh, vàng và đỏ (nó thích nhất nhân vật Laa-Laa) mà nó ấn vào bụng để nghe mãi một câu duy nhất phát ra từ mỗi nhân vật ấy. Jacob hẳn đã nhận ra rằng vợ mình đang trong tâm trạng bực bội nên ông không nói gì và thậm chí không nhìn bà, chỉ chờ đợi như lệ thường cho cơn dông qua đi. Có lẽ ông tin rằng đó là vì cái máy tính mới đã được đưa đến từ ba ngày trước mà bà vẫn chưa lắp đặt được.

Từ sáng, bà đã thấy đau trong ổ bụng, cứ nôn nao trong người khiến bà buồn nôn. Bà thở khó nhọc. Bà cố không để cho cháu biết tình trạng này của mình. Marie đã nói sẽ đến vào bốn giờ để đưa con bé đi công viên chơi trong khi Helen nấu cơm chiều, nhưng đã gần năm giờ rồi và hiển nhiên là con dâu bà vẫn chưa đến. Marie luôn đến muộn. Cô luôn có lý do xác đáng: tàu điện không thấy đến, người ta gọi cô từ Pháp đúng lúc cô sửa soạn đi, cô không tìm thấy chìa khóa, v.v. Khi Camille còn bé, việc chậm trễ này là nỗi kinh hoàng đối với Helen và Jacob. Đôi lúc chậm ba mươi phút, một tiếng. Con bé gào thét, đói lả. Để dỗ cháu, một lần Helen đã nghĩ ra việc mở đĩa nhạc Hava Nagila và bế cháu lượn vòng quanh phòng khách. Camille nín. Vì cháu gái, ở tuổi sáu mươi ba, Helen bắt đầu khiêu vũ trở lại. Marie không đồng ý để cho con bú sữa ngoài vì phải để cho nó đói nếu không nó sẽ không bú cạn vú mẹ và sữa mẹ sẽ không tiết ra đủ nữa. Cái ngày Helen nêu giả thiết trước mặt con dâu là sữa mẹ có lẽ không đủ để nuôi dưỡng Camille, đã xảy ra căng thẳng. "Lenoush, bà đã can thiệp vào việc không liên quan đến mình đấy", Jacob sau đó đã trách móc bà. "Nhưng con bé đói!" Helen tự bào chữa.

Giờ đây, vấn đề nảy sinh không phải là Camille nữa, cũng không phải việc Marie về muộn. Không phải máy vi tính. Không phải chuyện xảy ra với hàng xóm. Helen giao Camille cho ông nó đang vừa nghe một bản giao hưởng của Brahms vừa gõ những ngón tay lên thành ghế bành, để ra sân hút một điếu thuốc. Bà ngồi xuống, uống một vài ngụm Pepsi. Cảnh mặt trời lặn trên dòng Hudson tỏa ra muôn ánh hồng và da cam lên vách những tòa nhà bằng kính và thép cũng không làm bà khuây khỏa. Bà muốn khóc, nhưng nước mắt không chảy. Bà bị ám ảnh bởi câu nói của Jacob sáng nay khi bà đưa cho ông một cốc nước:

- Cảm ơn bà! Bà chăm sóc tôi tốt lắm. Tôi hi vọng là người ta trả công bà xứng đáng.

Bà đã tưởng là ông nói đùa. Nhưng đôi mắt đen của ông nhìn bà không có dấu hiệu biết ơn nào cả.

 

- Jacob đấy ư? Jacob! Helen khiếp đảm kêu lên.

Ông đã không phản ứng gì. Cái nhìn trống rỗng của ông khó chịu đến mức Helen đột ngột bật dậy và trốn ra sân châm một điếu thuốc lá. Khi bà quay trở lại phòng khách, Jacob nói với bà:

- Lenoush ơi, bà không thấy kính của tôi à?

Ông đã không nhận thức được bản thân đã có một lúc quên, không thể tin vào điều đó và còn bật cười. Nhưng bà


thì không.

Cách đây một tháng, bác sĩ của Jacob đã đưa ra một chẩn đoán khủng khiếp: bệnh Alzheimer. Cuối cùng, từ này chính là tên gọi y học cho vô số những đãng trí của Jacob. Trong chừng mực nào đó, họ thấy được giải tỏa. Jacob đã cảm thấy được minh oan. Vậy là, ông không có lỗi nếu quên không lấy thư từ trong hòm thư hoặc quần áo ở máy giặt tự động dưới tầng hầm. Đó không phải đơn thuần là việc ông thiếu thiện chí như Helen không ngừng trách móc ông. Sự lẫn lộn, sự đãng trí và lỗ hổng trí nhớ là những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh Alzheimer. Bà không quen biết ai mắc bệnh này nên đã tìm hiểu trên mạng. Điều đọc được đã khiến bà khiếp đảm. Trong những thời kì cuối của bệnh, nhân cách người bệnh bị hủy hoại hoàn toàn, và người bệnh không còn chút nào khả năng kiểm soát các chức năng trong cơ thể mình. Đêm hôm sau, bà không ngủ được. Qua điện thoại, với một giọng bình tĩnh và an ủi, Alexandru nhắc lại với bà rằng bác sĩ đã nói đó chỉ là khởi đầu của Alzheimer. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, nếu chưa chặn đứng được hoàn toàn, vẫn có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Jacob phải uống thêm nhiều thuốc nữa: thuốc cho bệnh tim, thuốc cho dạ dày và thuốc cho Alzheimer, tổng cộng mỗi ngày là hai mươi bốn viên. Tám viên vào bữa điểm tâm, tám viên bữa trưa và tám viên bữa tối. Ngoài việc phải nỗ lực thêm để lấy chúng ra khỏi vỏ bọc bằng bạc, cuộc sống của họ đã không vì thế mà thay đổi. Helen đã dần dần chấp nhận cái từ mới "Alzheimer" này, cũng như bà đã quen với "bệnh tim", "cholestérol", "huyết áp cao", "đau rát dạ dày" vì đó là một động vật mới mà cuối cùng ta cũng biết và thuần hóa nó.

Cho tới tận sáng nay. Bà bỗng nhận ra viễn cảnh rõ ràng, chi tiết và chuẩn xác về tương lai treo lơ lửng như một lưỡi gươm trên đầu bà. Bà sẽ sống đến tận cuối đời với một người tàn tật, một người sẽ nói và hiểu ngày càng ít đi, một người ốm không kiểm soát được bài tiết mà bà phải chăm sóc từ sáng đến tối và một ngày nào đó sẽ không nhận ra bà nữa. Bởi vì sẽ có ngày, có thể không xa xôi lắm, bà sẽ không còn là Lenoush đối với ông, mà chỉ là một cô y tá tốt bụng nào đó mà thôi. Bà sẽ không còn ai để giao tiếp. Nhưng đó không phải là nỗi sợ chính của bà. Điều làm bà hãi hùng nhất, điều mà thậm chí bà không thể tiên liệu, là Jacob chết. Bà sợ khả năng này đến mức bà biết rằng bà sẽ không thể rời ông hơn năm phút được nữa vì ngộ nhỡ có một cơn đau tim xảy ra trong năm phút ấy. Sẽ không còn những cuộc tản bộ lâu dài ở Central Park, những chuyến viếng thăm khu Metropolitan vào buổi chiều trong khi ông ở nhà nghe nhạc. Bà đã mất tự do. Bà trở thành nô lệ, không phải của một ông già đau ốm mà của nỗi hoảng sợ của chính bà nếu ông chết.

Tiếng động trong phòng khách kéo bà ra khỏi cơn mộng mị ảm đạm. Cửa ra vào kẹt mở. Camille reo lên vui vẻ. Cha mẹ nó vừa về. Nó khoe họ những nhân vật Teletubbies. Helen rời sân thượng đến với các con.

Trong bữa cơm tối, Alexandru nói về chủ hãng mà địa vị hình như bị lung lay - đây chắc chắn là một điều tốt cho anh vì giữa họ có nhiều căng thẳng. Helen lơ đãng vừa nghe vừa bày các món ớt ngọt nướng, cà chua và cà tím nghiền lên khăn trải bàn trắng thêu chim xanh mà con dâu tặng dịp Noël.

- Vẫn luôn luôn ngon, Marie nói. Mẹ không ăn ạ?

- Mẹ không đói.

Marie, Alexandru và Jacob ăn ngon lành. Helen đứng lên rửa đĩa của Camille, nó vừa ăn xong món mì ống và muốn xem vô tuyến.

- Hàng xóm của mẹ có khỏe không ạ? Marie hỏi.

- Mẹ không biết.

- Con tưởng là ngày nào mọi người cũng gặp nhau cơ mà?

- Giờ không vậy nữa, Helen đáp giọng tỉnh khô.

- Có chuyện gì xảy ra ạ?

- Sáng hôm qua, mẹ đi cùng thang máy với ông bác sĩ. Mẹ nói với ông ấy là mẹ vừa nhận được một chiếc máy vi tính và mẹ đang tìm cách lắp đặt. Con muốn biết ông ta nói thế nào không?

- Thế nào ạ?

- Ông ta đã nói: "Tội nghiệp Jacob! Từ nay ông ấy sẽ phải đến nhà chúng tôi ăn tối mất thôi!" Chấm hết. Mẹ không còn muốn gặp họ nữa.

Bà khua tay vào khoảng không để diễn tả quyết định dứt khoát của mình.

- Mẹ ơi, chỉ là đùa thôi mà! Marie nói.

- Không. Mẹ biết ông ta nghĩ gì. Rằng mẹ không phải là một người vợ đảm. Ông ấy tưởng có một bà vợ tốt nhất trần đời vì bà ấy dành cả đời cho bếp núc. Bà ấy không bao giờ đi làm. Trong ý nghĩ của ông bác sĩ, vị trí của phụ nữ là trong bếp chứ không phải trước máy vi tính. Ông ấy rất cổ hủ. Tất cả đàn ông Rumani đều thế hết. Dẫu sao thì những món ăn của bà ấy cũng quá nhiều đạm nên Jacob không ăn được. Khi họ cho chúng ta một ít, mẹ phải bỏ đi. Mẹ biết họ không thích món mẹ làm. Giờ đây đã có cái máy nướng điện, mẹ nấu cá và thịt không có mỡ. Đối với họ thì thế không đủ ngậy. Và khi mẹ muốn cho họ một miếng bánh ngọt, họ từ chối. Bánh mẹ làm rất nhẹ, không trứng cũng không bột mì, nhưng mà ngon, phải không, Jacob?

Chồng bà gật đầu:

- Tuyệt.

Bà dọn những chiếc đĩa bẩn và mang từ bếp ra những miếng lườn gà nấu bằng máy nướng điện và đậu cô ve đông lạnh, "sản phẩm Pháp/ product of France", mà hôm qua bà thấy có ở Fairway và ngon hơn những loại khác.

- Dù sao chăng nữa, - bà vừa nói tiếp vừa ngồi xuống, - mẹ bằng lòng chấm dứt quan hệ. Mẹ sẽ không cần ngày nào cũng đến bấm chuông nhà họ nữa và không phải mất công tìm kiếm mỗi khi muốn biếu họ cái gì.

- Nhưng, cha mẹ rất thường xuyên đến thăm họ kia mà! - Marie thốt lên - Đó là bạn cha mẹ. Họ sẽ không hiểu nổi!

- Mẹ không quan tâm. Và rồi Jacob cũng không có gì để nói với họ cả.

Bà quay về phía chồng, ông xác nhận với một nụ cười:

- Họ chỉ nói về cái họ ăn thôi.

- Thấy chưa! - Helen thốt lên - Jacob không muốn làm bạn với họ. Vậy thì tại sao mẹ cứ phải cố níu kéo?

 

Không ai đáp lại. Bà ra sân thượng. Đứng tựa lan can, hướng lên bầu trời đêm, bà rít thuốc. Hình như Marie cố tình nói trái ý bà. Thực ra, ông bác sĩ Rumani và vợ ông chưa bao giờ là những người bạn vì họ là hiện thân cho mọi định kiến Rumani mà bà đã chạy trốn - ngoại trừ chủ nghĩa bài Do Thái, vì họ là người Do Thái. Bà sẽ chẳng nhớ họ. Bill và Tatiana, những đồng nghiệp, là những người bạn duy nhất của bà ở Mỹ. Sau khi về hưu, bà cố duy trì quan hệ. Bà đã ăn trưa cùng họ hai hoặc ba lần. Dần dần, mối quan hệ gián đoạn. Bình thường thôi vì họ còn phải làm việc. Ở New York, chẳng ai có thời gian.

Helen châm một điếu khác và ngồi xuống cái ghế nhựa. Qua cửa để mở, bà nghe thấy Alexandru nói với cha về một cuốn sách anh vừa đọc về sự gia tăng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Ixraen. Trước đây - không lâu lắm - thì Jacob đã bày tỏ ý kiến của mình về một chủ đề ông tâm đắc. Bây giờ thì ông yên lặng nghe và cúi xuống đĩa để đưa dĩa lên miệng bằng một bàn tay run nhè nhẹ. Đã đành là ông ốm, nhưng bà lại không thể không nghĩ rằng ông không thể hiện chút nghị lực nào. Bà dụi thuốc, trở vào phòng ăn và chồng đĩa bẩn lên nhau.

- Cha con thậm chí không thể đọc được một bản hướng dẫn, - bà đột ngột quay về phía Alexandru nói - Mẹ chỉ yêu cầu ông ấy có thế. Đọc hướng dẫn và giúp mẹ lắp đặt máy vi tính. Phức tạp đến thế cơ à? Tại sao mẹ lại phải tự làm tất tật? Ông ấy không chủ động bao giờ cả. Không bao giờ. Khi về hưu, người ta phải sắp xếp thời gian trong ngày và tìm ra các hoạt động để bắt các tế bào thần kinh làm việc. Bộ não cũng như một bắp thịt. Phải rèn luyện, nếu không nó teo lại. Chính vì thế mà mẹ tìm hiểu về những họa sĩ mẹ quan tâm. Mẹ khuyên cha viết cái gì đó về những buổi hòa nhạc mình thích, nhưng ông nhún vai bảo chẳng để làm gì cả. Nghe nhạc thôi chưa đủ! Thế là thụ động. Mẹ đã lập một danh sách nhiều việc khác nhau mà ông có thể làm ở nhà để giúp mẹ và mẹ đã đặt nó trên bàn làm việc, chỗ dễ thấy nhất. Ấy vậy mà ông chẳng thèm ngó ngàng gì đến. Chả nhẽ xem một danh sách lại phức tạp đến vậy sao? Cha con phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Mẹ phát chán. Mẹ mệt mỏi lắm.

Jacob so vai rụt cổ. Helen bắt gặp ánh mắt Marie nhìn ông đầy thương cảm. Bà thấy cô đơn đến độ muốn khóc.

- Thưa mẹ, chiều mai con sẽ đến lắp đặt máy vi tính cho mẹ, Alexandru nói.

May thay, bà vẫn còn con trai. Và Camille ngoan ngoãn, đứa cháu gái bé bỏng tuyệt vời của bà mà lâu không nghe thấy tiếng nó là bà lo lắng chạy bổ vào phòng thì thấy bé gần như thiếp đi trước máy vô tuyến, mồm ngậm ngón tay cái, nách ôm Laa-Laa.

 

*

 

- Mẹ anh căng thẳng quá! Cha anh thật tội nghiệp! - Marie nói trong xe taxi đưa họ về nhà vào chín giờ tối. Camille đã ngủ, đầu đặt trên gối mẹ.

- Mẹ anh cũng tội nghiệp. Không dễ đối với bà.

- Nhưng bà không ngừng chỉ trích cha anh. Bà không nể nang ông chút nào.

- Bà hẫng hụt từ khi nghỉ hưu. Bà không già và sức khỏe tốt nên cần phải hoạt động. Bà yêu công việc của mình

- Vậy thì tại sao bà lại xin về hưu?

- Để ở nhà cùng cha. Ông đã yêu cầu bà vậy mà.

- Em hiểu. - Marie gật đầu - Nhưng dù sao thì bà cũng lạ thật. Chuyện với những người hàng xóm ấy! Bà có vẻ hài lòng vì đã tìm ra một cớ để cắt đứt quan hệ với họ - như thể bà không hề muốn có bạn bè. Có thể nói là sự thân tình làm bà sợ.

- Rất có thể là vậy. Ở Rumani, bà đã trải qua ba mươi lăm năm luôn cảnh giác, đề phòng. Đâu cũng thấy sự phản bội.

- Hẳn vậy. Nhưng bà thực sự quá kiêu hãnh và quá nhạy cảm. Đúng không?

- Mẹ anh thế đấy, Marie ạ.

Hôm sau, Marie gọi cho mẹ chồng để cảm ơn về bữa ăn tối hôm trước. Bà nằm liệt giường vì bị sốt. Bà không bao giờ ốm thế mà đã bị cúm - chắc giống như Camille mấy ngày trước. Helen nằm trên giường một tuần và tuần tiếp theo nghỉ ngơi, quá mệt nên không thể chăm sóc cháu gái. Tuần thứ ba trôi qua. Khi Marie gọi điện, Helen không hỏi gì về Camille hoặc về họ. Dù Marie kể bà nghe về một bữa ăn tối với những người bạn mà Helen rất biết, một từ ngồ ngộ của Camille hoặc một lễ hội do trường mẫu giáo tổ chức, mẹ chồng cô hình như đều không hào hứng nghe.

- Em có cảm giác mẹ anh bị trầm cảm, Alex ạ.

- Bà rất lo lắng về cha anh. Ông sa sút nhiều quá. Anh cũng thấy lo ngại.

Tháng Năm trôi qua. Marie gọi cho Helen để mời cha mẹ chồng đến ăn tối.

- Cảm ơn con, Marie. Hiện nay không được. Mẹ mệt lắm.

- Một tuần nữa Camille và con sẽ về Pháp và đến giữa tháng Chín mới trở lại, cha mẹ có cả mùa hè nghỉ ngơi mà. Camille muốn gặp cha mẹ. Nó luôn hỏi con Nounoush và Đađa đâu. Nó nhớ ông bà lắm!

- Để mẹ xem.

- Nếu cha mẹ ngại đi, con có thể đưa Camille đến vào cuối tuần này.

- Mẹ không biết, Marie. Mẹ mệt.

- Chúng con sẽ không ở lại lâu, chỉ đến để tạm biệt cha mẹ thôi ạ!

Marie không thể không nài nỉ dù đã cảm thấy rằng như vậy chỉ làm cho mẹ chồng từ chối quyết liệt hơn.

- Em không hiểu nổi mẹ anh, - cô nói với Alex - Không gì làm bà vui sướng bằng được gặp Camille cơ mà. Làm sao bà lại không muốn để mẹ con em ghé thăm một lát trước khi đi nhỉ?

- Mẹ mệt, Alex nhún vai đáp nhưng ánh mắt anh lộ vẻ
lo âu.

Tuy nhiên, anh quá bận nên không thể tìm hiểu ngọn ngành vấn đề. Còn cô cũng vùi đầu chuẩn bị cho chuyến đi nên cũng không có thời gian tự hỏi liệu nỗi lo lắng nào khiến mẹ chồng kiệt sức đến vậy. Sự khước từ kiên quyết của Helen làm cô khó chịu. Cô thấy thương cho Jacob, cháu gái đã đặt tên cũng là "Đađa" khi nó bắt đầu học nói vì nghe ông không ngừng đáp "đa... đa..." với bà. Với lợi thế của cô bé ba tuổi rưỡi, Camille là người duy nhất trên đời còn có thể làm bùng lên những tia lửa cuộc sống và sự hóm hỉnh trong đôi mắt Jacob. Hẳn ông nhớ cháu ghê lắm.

Giữa tháng Sáu, Camille và Marie đi Pháp. Họ ở Paris vài tuần rồi hai tháng ở Bretagne, nơi mà Camille sống cả mùa hè ở ngoài trời, chân trần, chơi trên cát và giỡn sóng, thỏa thích ăn bánh kếp và cua. Giữa tháng Tám, Alex đến với họ, ngạc nhiên vì thấy cô bé người Mỹ của anh lại Bretagne hóa đến vậy. Marie không nghĩ tới cha mẹ chồng nữa, ngoại trừ việc gửi cho họ một vài lá thư trong suốt mùa hè để mô tả vô số tiến bộ của cháu gái họ.

Giữa tháng Chín, Camille và Marie trở lại. Ngay hôm sau, họ đến thăm Jacob và Helen, và được ông bà niềm nở đón tiếp. Camille đã quên tiếng Anh. Nó chỉ nói mỗi tiếng Pháp với ông bà. Nó hiểu lõm bõm điều ông bà nói. Tuy nhiên, nó sung sướng khi gặp lại họ. Họ cũng vậy. Họ kinh ngạc nhìn con bé Camille bốn tuổi mới lạ, da rám nắng, mái tóc dài hơn và xoăn hơn, nó đã lớn lên và không còn cái bụng em bé nữa. Nó đi về phía dàn âm thanh nổi.

- Mở nhạc lên, Nounoush!

Helen cho một đĩa nhạc vào máy. Một hợp âm các nốt nhạc vui vang lên trong phòng. Camille bắt đầu nhảy.

- Hay quá, Marie nói. Đó là đĩa gì đấy ạ?

- Hava Nagila. Đĩa nhạc mà mẹ đã mở cho Camille nghe khi nó còn bé tí.

Camille cầm tay bà xoay tít. Jacob đứng gần ghế trường kỉ màu hạt dẻ nhìn hai bà cháu. Trong hè, ông đã già đi nhiều. Dù trời dịu, ông vẫn mặc một cái áo len cộc tay màu be bên ngoài áo sơ mi trắng. Tóc ông đã hoàn toàn hoa râm, còn lưng thì còng xuống cứ như có một cái bướu. Ông già trước tuổi. Tuy nhiên, đôi mắt đờ đẫn của ông ánh lên sự trìu mến khi nhìn Camille. "Hẳn ông đã mong ngóng cháu nhiều lắm", Marie nghĩ. Bên ông, cháu gái rạng rỡ với làn da rám nắng, đôi mắt xanh và đầy sinh lực: một thiên thần với những mớ tóc xoăn vàng óng.

Một thiên thần độc đoán. Nó đứng trước mặt ông, hếch mũi lên, nắm bàn tay già nua gân guốc và ra lệnh bằng tiếng Pháp:

- Cả ông nữa, Đađa: nhảy đi!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88962


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận