Tương Lai Xán Lạn Chương 3


Chương 3
1943-1945 Chạy trốn

 Một con tàu chở súc vật. Họ ngồi bệt xuống sàn giữa những chiếc vali. Những tuần lễ trước chuyến đi, tại biệt thự hồng đã có vô số cuộc trao đổi nghiêm chỉnh, những cuộc viếng thăm, thì thầm, tranh cãi và rồi nước mắt. Dượng và dì cô suốt các buổi tối chỉ nghe đài. Chả ai để ý đến Elena bị cấm vào phòng khách. Cuối cùng, bà cũng giải thích cho cô rằng Bessarabie, đất nước của cô, sắp bị nước Nga chiếm đóng. Dượng và dì không muốn trở thành người Nga và sống dưới một chính phủ Xô viết. Họ phải rời Bessarabie ngay để di cư đến một nước láng giềng, nơi người ta nói cùng thứ tiếng, nước Rumani. Elena rất sợ. Cô tưởng tượng người Nga như những tên khổng lồ sẵn sàng xâm lăng nước cô, bắt cóc trẻ con và ăn thịt chúng.

Cuộc hành trình dài. Tàu chạy chậm và thường dừng lại. Ở mỗi chặng dừng, có một người đàn ông luôn mở cửa toa tàu để họ có thể hít thở không khí trong lành và đi giải. Nông dân ở những làng họ đi qua mang cho họ trà nóng và rượu rum. Ai đó đưa một cái chén dưới mũi Elena. Mùi vị mạnh đến mức cô bắt đầu ho và mọi người phá lên cười. Mắt ngấn lệ, cô không thích người ta chế giễu mình.

Trước khi đi, dượng đã kịp gửi lên xe tải những đồ đạc đẹp nhất của họ cho một người quen sống ở Bucarest, thủ đô của Rumani, ông Ionescu. Dì cô đã cẩn thận đóng gói từng thứ đồ một. Elena biết dì lo lắng cho số phận của đồ đạc biết bao. Không có gì đảm bảo dì sẽ thấy lại chúng.

Họ xuống tàu ở một thành phố mà Elena đọc được tên trên một tấm biển: AIUD. Cái tên với âm thanh tròn làm cô thích thú. Phố xá của thành phố mới đầy bùn sau cơn mưa. Dì than phiền: Thành phố tỉnh lị, nhà bé và đồ đạc nghèo nàn. Elena nghĩ đến Papusha mà họ đành phải để lại ở nhà những người hàng xóm của Kichinev. Con chó cũng buồn chứ nhỉ? Loài chó có trí nhớ không? Nhà không tiếng chó sủa thật tĩnh lặng.

Cô vào học lớp một (CP) trong một trường công giáo. Mỗi sáng, các bé gái cầu nguyện nửa tiếng trong nhà thờ cạnh trường. Ngồi im lặng đối với Elena không khó khăn gì. Suốt nửa giờ nghiền ngẫm, cô ngắm nghía một pho tượng to tướng đằng sau ban thờ hình Đức Mẹ Marie ôm chúa Giêsu trong lòng. Bà xơ phụ trách bọn trẻ đã nói với cô rằng đó là một pho "pietà". Đôi khi, Elena quỳ trước bức tượng. Gỗ tỏa mùi thơm dễ chịu, và chúa Giêsu ngủ yên bình trong lòng mẹ đến mức ngài không có vẻ chết chóc gì cả. Mẹ Marie đôi má tròn trịa và nụ cười hiền dịu. Một bà xơ biết điêu khắc trên gỗ đã làm một pho pietà nhỏ xíu tặng cô nhân ngày sinh nhật. Những đường nét của khuôn mặt và nếp gấp váy áo không tinh tế như của pho tượng lớn, nhưng đó là Marie, dịu hiền và đầy tình mẫu tử ôm trong lòng đứa con trai bị đóng đinh câu rút. Elena không thể ngủ được nếu không có pho tượng nhỏ. Mỗi tối, cô đặt tượng trên gối, giữa cô và bà. Khi mở mắt, đó là thứ đầu tiên cô nhìn thấy, cô nói chuyện với tượng. Sự mến mộ của cô đối với Đức Mẹ đồng trinh làm bà ngoại phì cười.

Nhưng họ lại ra đi. Một buổi chiều, sau giờ học, cô nhìn thấy tất cả vali ở lối vào. Sáng hôm sau, họ rời Aiud, trường công giáo, các bà xơ và pho tượng pietà lớn. Thành phố mới không xa, chỉ cách đó không đầy một giờ tàu chạy. Họ vội vàng vừa đưa kịp vali và đồ đạc xuống thì người phụ trách ga thổi còi. Khi hoàn hồn, Elena không thấy pho tượng đâu. Cô lục tìm trong túi xách của mình và của bà, thậm chí còn dốc ngược các túi trên sân ga. Giàn giụa nước mắt, cô xin bà gọi người soát vé cho dừng con tàu đã chạy xa.

- Đừng thút thít nữa, Elena. Dì mệt và đau đầu lắm - dì cô nói.

Bà ngoại ôm cô.

- Nếu cháu bị mất, bà sẽ kiếm cho cháu pho tượng khác, cháu yêu, đừng lo.

Cô bám chặt váy bà khóc nức nở. Dượng đét vào đít để cho cô có lý do mà khóc.

Cô không thích thành phố mới với cái tên thật khó nghe, Turda. Mùa hè. Nhà của họ tối tăm và ẩm ướt với một cái sân nhỏ xám xịt. "Ra ngoài mà chơi", bà nói với cô. Elena ngồi trong một góc sân bụi bặm. Cô nghe thấy tiếng trẻ con cười trong những mảnh vườn bên cạnh. Ngày lễ "Đức Mẹ lên trời", mười lăm tháng Tám, dì thưởng cho cô một pho tượng nhỏ Đức Mẹ Marie bằng sứ, được vẽ tay bởi một nghệ sĩ địa phương, với váy áo xanh da trời và những đường nét tinh tế. Elena để tượng trên giá. Iulia kết luận là cô đã mất hứng thú với tôn giáo.

Họ lại dọn nhà lần nữa. Lần này, cô hài lòng ra đi. Dì cũng vậy. Hành trình kéo dài suốt một ngày, với hai lần đổi tàu và hai giờ chờ đợi. Họ đi về phía đông. Đêm tối đen khi họ đến nơi. Craiova, một thành phố với cái tên nghe bình lặng và quý phái. Ga rộng hơn ga Turda nhiều. Elena vào học lớp hai (CE1) trong một trường tư. Cô phải mặc đồng phục. Một váy áo màu xanh nước biển, một áo khoác, một mũ xanh lơ, tất trắng và giày đánh xi. Cô mặc đồng phục trông xinh xắn. Cô giáo chủ nhiệm hiền lành mang tên một loài hoa và mái tóc đen nhánh. Cô trở thành học sinh ngoan. Luôn giơ tay đầu tiên. Nhớ thơ rất tuyệt. Cô chạy nhanh mặc dù người thấp bé, và những cô gái khác đều muốn "cô bạn mới" ở trong đội chạy tiếp sức của mình. Cô kết bạn với một cô bé có các bím tóc nâu buộc bằng dây xanh nhạt. Giờ chơi, các cô chơi trò nhảy ô với nhau. Một chủ nhật, bạn gái mời cô đến nhà ăn trưa. Cô bé ở trong một ngôi nhà sang trọng tại trung tâm thành phố, có một phòng ngủ riêng và một phòng khác chỉ để bày những con búp bê. Các cô dùng bữa trong một căn phòng rộng rãi, có một cô hầu phục vụ, với một cái bàn cổ khiến Elena nhớ đến cái bàn ở Kichinev. Khi bà mẹ hỏi về gia đình, Elena trả lời mơ hồ. Lên tám tuổi, cô đã hiểu tốt hơn hết là không nên nói cô từ nước Nga tới, cô sống nhờ vào dượng và dì, và cô đã bốn lần dọn nhà từ thành phố này sang thành phố khác. Người giúp việc mang đồ tráng miệng tới khiến bạn của Elena reo lên thích thú. Mận tẩm bột rán, món tủ của đầu bếp nhà họ. Elena chưa bao giờ ăn gì ngon như thế, ngay cả món bột mì bọc phó mát tuyệt vời của bà cô cũng không bằng. Lẽ ra cô có thể ăn ngấu nghiến cả đĩa, nhưng không làm như cô bạn gái đã bỏ năm hoặc sáu miếng vào đĩa ăn, cô đợi mẹ bạn mời ăn thêm. Cô mong muốn lại được mời đến đó nữa.

Ngày mà cô giáo tuyệt vời báo với học sinh là cô sẽ theo các em lên lớp ba (CE2), Elena chạy từ trường về để khoe tin mừng. Cô trông thấy những chiếc vali mở toang trên giường và òa lên khóc. Iulia đang đóng gói, bực mình ngẩng đầu lên:

- Đừng nhõng nhẽo thế, Nounoush. Cháu tưởng ta được lựa chọn sao? Mình phải đến nơi nào dượng tìm được việc làm. Nhờ có dượng mà chúng ta có một mái nhà, có cái ăn, và cháu có thể đến trường.

Hai ngày sau, họ ra đi. Brăila, một thành phố lớn gần biên giới nước Nga. Dượng cô được nhận làm quản lí trong một bệnh viện còn dì cũng tìm được một công việc thư kí. Họ dọn đến một ngôi nhà dễ chịu có một mảnh vườn nhỏ với những giàn nho. Lần đầu tiên kể từ khi rời Bessarabie, họ bắt đầu sinh hoạt xã hội. Elena thích dượng và dì mời khách tới ăn trưa dưới giàn nho trong vườn. Cô học đàn pianô ở nhà một bà già thường tổ chức một năm hai lần những buổi hòa nhạc trong phòng khách lịch sự của bà. Cô tự hào bước tới cây đàn pianô, trên người là chiếc váy đen mà bà đã may cho. Từ năm lên chín, cô được quyền ra ngoài một mình. Một buổi chiều, từ rạp chiếu phim về, cô nhìn thấy khói bốc lên ở đầu phố, nơi có nhà cô. Cô lao về, tim đập loạn xạ. Nhưng nhà vẫn đó, nguyên vẹn, và dì với bà không phải đang ngồi khóc bên đống đổ nát mịt mù khói. Những cuộn khói đó là do người ta đốt lá từ một khu vườn bên cạnh. Elena bật cười về sự hoảng hốt của mình.

Buổi tối hôm dượng và dì gọi cô vào phòng họ, cô miễn cưỡng vào. Cô đã biết điều đó nghĩa là gì: lại một cuộc ra đi, một thành phố khác, một ngôi nhà khác, một trường học khác. Dì nằm dài trên giường, một bên là dượng ngồi trên ghế bành và bên kia là bà trên ghế tựa.

- Elena, dượng nói, chúng ta có hai tin quan trọng. Tin thứ nhất, chúng ta sắp dọn nhà đến thủ đô Bucarest. Dượng đã được thuyên chuyển. Dì cháu rất vui.

Iulia mỉm cười rạng rỡ. Elena cố kìm nước mắt và lơ đãng nghe nốt.

- Và đây là tin thứ hai. Mọi người đã không muốn nói với cháu trước khi hoàn tất các thủ tục pháp lí. Dì và dượng đã chính thức nhận được một lá thư ngày hôm nay. Thế là xong. Chúng ta nhận cháu làm con nuôi. Từ nay, cháu là con gái của dì, dượng.

- Cháu phải gọi chúng ta là cha và mẹ, dì cô nói thêm.

Một tia nắng xuyên qua cửa sổ làm con chim bằng vàng và hồng ngọc cài trên áo trắng của bà ngoại lấp lánh, đôi cánh chim hướng lên cao như thể sắp bay đi. Bà đã hứa sẽ cho cô đồ trang sức ấy khi cô lớn và đã phá lên cười khi cô nói chắc như đinh đóng cột: "Cháu đã lớn rồi ." Bỗng cô nhận ra một vết đỏ cạnh cái ghim nhỏ xinh - là anh đào, nước xốt hoặc vang đỏ. Bà luôn quá sạch sẽ nên chắc đã không phát hiện ra.

- Vâng, thưa dì Iulia.

- Nhóc con! Ta vừa bảo con thế nào? Mẹ chứ! Lại ôm hôn chúng ta đi nào.

Elena lại gần. Dì đưa tay ghì chặt đầu làm cô đau. Dì hôn đánh chụt lên trán cháu gái, chắc chắn để lại một vết son môi. Dượng cũng ôm hôn cô. Bà ôm cô vào lòng.

- Nó chả nói gì cả! - Dượng thốt lên. - Cháu không hài lòng ư, Elena?

- Dĩ nhiên là có chứ! - Bà đáp thay. - Nó chỉ quá xúc động nên không nói nên lời!

Ngày hôm sau, trong lúc điểm danh, cô giáo đi từ "Bucur Ottilia" đến thẳng "Dumitrescu Antonia" bỏ qua cái tên thứ tư trong danh sách là "Cosma Elena". Elena nhướn mày, quá nhút nhát nên không dám ngắt lời cô. Hình như không có ai trong lũ trẻ nhận ra sai sót đó. Vào cuối danh sách, cô giáo đọc một cái tên mà Elena chưa bao giờ nghe thấy, cứ như thể có một học sinh mới: "Tiberescu Elena". Không ai giơ tay. Hai cô bé có tên Elena của lớp hình như cũng dửng dưng như cô. "Tiberescu Elena", cô giáo vừa nhắc lại vừa nhìn Elena, cô bé chợt nhớ rằng cái họ với âm thanh quen quen ấy là họ dượng cô, và như vậy đó sẽ là họ cô từ nay trở đi. Má đỏ bừng vì ngượng, cô giơ một bàn tay run rẩy lên. Đến giờ chơi, những đứa trẻ tò mò vây quanh cô:

- Elena, tại sao cậu không còn là Cosma? Cái họ mới này là thế nào?

Elena lấy tay bịt chặt tai và trốn chạy vào một góc sân. Cô không muốn nói rằng người ta vừa nhận cô làm con nuôi, rằng cô không có cha mẹ, cô không phải là ai cả.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86737


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận