Cuối tuần, không còn có chuyện cưỡi xe Lincoln đi chơi nông thôn hoặc đi thăm một thành phố của bang lân cận nữa. Họ thậm chí không còn thời gian đi nghe hòa nhạc ngoài trời ở công viên Mont Clair, nơi mà thông thường họ vẫn đến vào các thứ bảy của tháng Bảy. Họ đành bằng lòng đi siêu thị rồi trở về với nặng trĩu thực phẩm. Elene dành cả chủ nhật nấu nướng. Bà làm những món ăn có thể giữ được nhiều ngày trong tủ lạnh như cà tím nghiền, ớt ngọt nướng, nấm nấu thìa là, gà nhồi. Ở cơ quan, từ thứ hai đến thứ sáu, bà làm việc nhanh nhất và hiệu quả nhất để có thể về nhà trước bảy giờ rưỡi. Bà thay đồ nhanh chóng, mặc một cái váy cũ và áo phông rồi xông vào bếp.
Khi Alex gọi vào tháng Năm để hỏi xem cha mẹ có thể cho Marie và anh ở nhờ một vài tháng vì anh đã tìm được việc ở New York cho mùa hè và không muốn dùng tiền lương để thuê nhà, Helen đã không ngại ngần gì cả. Bà còn đáp rằng anh chẳng cần phải hỏi bà. Bà chỉ mong muốn một điều: anh mãi mãi cảm thấy thoải mái khi ở nhà cha mẹ. Anh có chìa khóa, anh có thể đến, đi và muốn ở lại bao lâu cũng được. Bà thấy vui thích khi con trai và con dâu chọn ở cùng với họ.
Ngày mùng một tháng Sáu, Alexandru đến một mình với một cái xe chở đầy hành lí. Buổi chiều, anh đưa vợ ra sân bay. Buổi sáng, họ đã rời căn nhà ở Connecticut và sẽ không trở lại đó nữa. Họ đã chuyển tất cả đồ đạc gửi vào một kho đồ gỗ gần đường cao tốc. Marie về Pháp vì chị cả cô sẽ tái giá vào đầu tháng Sáu trong một nghi lễ riêng tư tổ chức tại Bretagne. Alex không thể đi cùng vì anh chẳng còn ngày phép nào hết. Đầu tiên, Helen ngạc nhiên khi biết Marie sẽ ở lại Pháp nhiều tuần lễ chứ không phải trở về ngay sau đám cưới, nhưng sau đó bà lại thấy thích thú vì có con trai ở cùng suốt một tháng. Các bà mẹ hiếm có cơ hội như vậy khi con trai đã lập gia đình. Alexandru đã không sống ở nhà cha mẹ kể từ mùa hè năm anh hai mươi tuổi. Bảy giờ sáng, họ cùng đi làm. Bà hãnh diện ngồi trong cái xe Ford màu vàng bên cạnh con trai vừa mới cạo râu, quá đẹp trai trong bộ âu phục sẫm màu, áo sơ mi trắng và ca vát lụa. Tối tối, họ ăn trong bếp và kể cho nhau nghe chuyện trong ngày. Cuối cùng, Jacob đã có thể nói chi tiết về bảo hiểm y tế mới của họ và về quỹ đầu tư cho hưu trí. Con trai họ rất sành sỏi. Ngày 30 tháng Sáu, anh đi đón vợ ở sân bay Kennedy. Marie đến ở nhà cha mẹ chồng.
Bận thêm, nhưng Helen sung sướng. Sự có mặt của Alexandru và Marie rất cần thiết vào giai đoạn chuyển đổi này. Sáu tháng trước, Jacob đã nghỉ hưu và khó thích ứng với cuộc sống mới. Ông đọc, nghe nhạc, đảm đương việc giặt là, đi chợ, sửa chữa hoặc thay thế những gì hỏng hóc trong nhà, và quản lý mọi loại giấy tờ, thuế, tờ khai bảo hiểm y tế, hóa đơn phải thanh toán, nhưng ngày dài quá. Ông không ngừng lo lắng cho tim mình, thậm chí lo hơn cả khi còn làm việc. Nhiều lần ông làm bà phát hoảng, họ gọi taxi và phóng đến phòng cấp cứu của bệnh viện. Lần nào cũng chỉ là báo động giả. Họ đã phát hiện ra rằng Jacob bị đau rát dạ dày mà triệu chứng có thể lẫn với một cơn đau tim. Ông không làm vườn nữa vì sợ hoạt động thể lực có hại. Bà cố thuyết phục ông mỗi ngày đi dạo một giờ như thầy thuốc khuyến cáo, nhưng ông dứt khoát từ chối. Ông đã mua một máy tập chạy đặt ở tầng hầm và mỗi ngày vừa tập hai mươi phút vừa xem tin tức trên tivi. Ông sợ ra ngoài một mình, cứ như là ông có thể ngã vật ra ở chỗ ngoặt của một con phố bất kỳ lúc nào vậy. Đó là một người bướng bỉnh mà người ta không thể dễ dàng bẻ bác lại những ý nghĩ dù phi lí của ông được. Trước khi Alexandru đến ở cùng, mỗi buổi sáng, ông thường buồn rầu nhìn Helen đi làm. Buổi chiều, trở về sau một ngày làm việc căng thẳng xen lẫn những lúc nghỉ uống cà phê với Tatiana hoặc Bill, bà thấy chồng như bị mắc chứng vô cảm đợi mình trước tivi đã tắt. Suốt ngày, ông không nói với ai. Bà như thấy có lỗi, nhưng cũng bực vì ông cam chịu trở thành một người già cả mà không nỗ lực chút nào.
Marie đến, thêm một phụ nữ trẻ trung trong nhà làm bữa ăn vui vẻ. Vì cô không nói tiếng Rumani, họ trao đổi bằng tiếng Anh và đó là một sự rèn luyện tốt cho Jacob vì ông chẳng có ai khác để thực hành ngôn ngữ này. Marie đã đặt máy tính và sách vở của mình trong phòng ăn trông ra vườn. Cô đang dịch sang tiếng Pháp một cuốn tiểu thuyết Mỹ dày cộm - theo một hợp đồng mà cô đã giành được với một nhà xuất bản Pháp cùng với một khoản tiền cho phép cô nghỉ việc một năm và đi theo Alexandru đến nơi nào mà anh tìm được việc làm. Trước khi cô trở lại, anh đã đi lấy chiếc xe đạp cho cô ở kho đồ gỗ ở Connecticut. Hiện chiếc xe đạp cũ ở kia, trong vườn, dựng bên tường nhà. Chiều chiều, Marie dùng xe đạp đến bể bơi thành phố. Nỗi lo lắng duy nhất của Helen là con dâu đi xe không mũ bảo hiểm. Bà có ý nhắc nhở. Marie nhún vai trả lời:
- Mẹ ơi, con rất thận trọng, con chỉ đi ở những phố ít người qua lại thôi.
- Ngộ nhỡ có một cái xe hơi, Jacob nói xen vào với một giọng điềm tĩnh.
- Cha nói đúng đấy, Marie, Alex nhấn thêm.
Cô chỉ mỉm cười. Helen biết chắc cô không thay đổi thói quen. Marie cũng bướng bỉnh.
Họ ăn chiều trong bếp, quây quần bên cái bàn kính sẫm màu. Khi đi làm về, Helen chuẩn bị bữa ăn cùng với Alexandru. Ngoài món nước xốt dầu giấm là món tủ và món bánh sôcôla nóng chảy mà cha chồng ưa thích, Marie không biết làm gì hơn. Thế cũng hay vì Helen thích quán xuyến việc bếp núc và nấu nướng cùng con trai là đầu bếp giỏi và bà thực sự là người theo chủ nghĩa nữ quyền. Sau khi đi bơi về, Marie ăn ngấu nghiến các món ăn do mẹ chồng nấu. Sau bữa ăn, Jacob rửa, còn Marie thì lau bát đĩa.
- Chúng tôi là một kíp ăn ý, Helen tự hào nói với đồng nghiệp của mình là Bill khi cho anh ta biết rằng con trai và con dâu bà đến ở cùng mùa hè này.
Anh ta bĩu môi lắc đầu.
- Con trai và con dâu chị ư? Đó là mầm mống của tai họa đấy Helen ạ.
Khi bà kể lại với người trong gia đình câu nói này của Bill, họ cùng cười vui vẻ.
- Cần phải có ngoại lệ chứ, Alexandru kết luận.
Một buổi chiều tối giữa tháng Bảy, anh từ cơ quan về mang theo một chai rượu Veuve Cliquot cùng với nụ cười rất tươi: tạp chí Kinh tế thuê anh làm việc trong mùa hè vừa dành cho anh một công việc ổn định của một biên tập viên. Helen lấy những chiếc cốc loe miệng bằng pha lê Bohême. Alexandru mở chai rượu. Bốp! Họ nâng cốc chúc mừng anh. Anh kể lại chi tiết cuộc phỏng vấn tuyển dụng và thời điểm tế nhị khi thủ trưởng tương lai hỏi anh về mức lương anh muốn có. Cần phải đúng mực: không quá ít - tự đánh giá mình thấp - cũng không quá nhiều - tỏ ra kiêu căng. Vì không ăn gì từ sáng, rượu sâmpanh làm Helen chao đảo và đến lượt mình, bà kể bằng một giọng sôi nổi vô số những cuộc phỏng vấn tuyển dụng của bản thân vì trong mười ba năm, bà đã thay đổi công ty sáu lần.
- Mẹ con là một nhà chuyên nghiệp thực thụ về trả lời phỏng vấn, Jacob mỉm cười nói và trìu mến nhìn vợ.
Helen cười phá lên. Mắt long lanh, bà thú nhận với con trai là bà thích anh mặc âu phục với sơ mi và ca vát chứ không phải là quần bò với áo phông mà anh từng mặc trong những năm đi học. Từ lâu rồi, bà không nhớ có bao giờ lại hạnh phúc như vậy.
Alexandru và Marie giờ đã biết là họ sẽ sống ở New York. Họ dành cuối tuần để đi xem những căn hộ ở Manhattan. Chiều tối chủ nhật, trong bữa ăn, họ đã tả lại cho Jacob và Helen: phần lớn các căn hộ thật kinh khủng, tối tăm và chật chội, nhưng cuối cùng họ cũng đã tìm được một căn sáng sủa gồm ba phòng ở tầng hai mươi của một tòa tháp mới trong Murray Hill, có hai phòng tắm bằng cẩm thạch trắng, một ban công chạy quanh và một cái nhìn toàn cảnh New York.
- Tuyệt! - Helen thốt lên. - Mẹ thực sự hài lòng khi các con sống ở Manhattan. Đừng hiểu lầm điều mẹ muốn nói, - bà vừa nói thêm vừa quay về phía con dâu: - các con không hề làm phiền cha mẹ, các con muốn ở với cha mẹ bao lâu cũng được. Tuy nhiên, ở đó tốt hơn cho các con và sẽ đỡ mệt hơn nhiều cho Alexandru. Trong ba năm, các con đã dọn nhà ba lần. Không thể cứ tiếp tục như thế mãi!
- Thực ra thì, - con trai bà nói tiếp, - nếu cha mẹ không thấy phiền, chúng con thích đợi đến đầu thu mới dọn nhà. Chúng con muốn tiết kiệm thêm một chút để trả hai tháng tiền đặt cọc và tiền hoa hồng cho hãng môi giới. Và vì mười ngày nữa Marie lại về Pháp nên dọn nhà bây giờ cũng không thích hợp lắm.
- Mười ngày nữa Marie lại về Pháp? Helen trố mắt
Jacob cũng nhướn mày.
- Cha mẹ không biết sao? - Đến lượt Marie ngạc nhiên. Con luôn đi nghỉ cùng gia đình con tại Bretagne vào tháng Tám.
Lần đầu tiên từ ba tuần nay, Helen thấy bực bội - như là khi người ta nghe thấy một nốt nhạc sai trong một bản giao hưởng. Không nói gì, bà chìa tay với bao thuốc lá. Ngay khi chỉ còn một mình với Jacob trong phòng, bà liền hỏi ông nghĩ gì về việc con dâu ở bên Pháp hai tháng trên ba mà không có chồng bên cạnh. Jacob nhún vai.
- Cái đó chỉ liên quan đến Alexandru thôi, Lenoush, chứ không phải chúng ta.
Mùng một tháng Tám, Marie ra đi. Helen lại được tận dụng thời gian bên con trai độc thân, nhưng không thấy thú vị và nhẹ nhõm như tháng Sáu. Bà không dám nói với Alexandru về vợ anh. Anh hình như buồn rầu mặc dù không ca thán gì. Anh có vẻ mệt mỏi. Cả ba đều mệt mỏi. Tháng Tám nóng nực này thật khó chịu.
Đầu tháng Chín, Marie trở về. Cô trông thon thả và rắn rỏi. Trên khuôn mặt rám nắng, đôi mắt cô trở nên xanh thẳm. Trong bữa ăn tối đầu tiên, cô chỉ nói về Bretagne.
- Màu sắc mới đẹp làm sao! Trước hết là đủ các loại xanh: xanh sẫm của thông, xanh tươi của các bụi cây, cỏ và dương sỉ sau mưa, xanh nhạt của những cánh đồng cỏ cao rung rinh trước gió. Đất màu nâu đỏ, thạch thảo màu hoa cà, kim tước vàng rực rỡ, cát trắng, biển xanh lam hoặc xanh sẫm... Ở đó, ngay màu xám cũng không phải là xám. Nó long lanh như một viên ngọc, và đầy sắc thái. Vào chín giờ tối, đúng lúc mặt trời sắp lặn, cả miền quê tắm trong một thứ ánh sáng vàng óng. Đó là thời khắc đẹp nhất. - Cô vừa nói thêm vừa cười xin lỗi: - Con xin lỗi vì có vẻ nhớ nhung quá. Nhưng mỗi lần rời Bretagne, con thấy khó thích ứng trở lại với văn minh. Khi còn niên thiếu, cứ vào cuối mùa hè, con lại thấy hoàn toàn chán nản. Con ghét Paris.
- Ở đó đẹp thực, - Alexandru gật đầu xác nhận. - Rất hoang dã. Một góc nhỏ thiên đường.
Jacob mỉm cười còn Helen không hiểu sao thấy khó chịu. Lúc ăn tráng miệng, Marie nói với họ về một căn nhà cổ đang rao bán:
- Ở ngay trước mặt nhà nguyện nơi chúng con làm lễ cưới. Mọi người có nhớ cái làng ấy không? Một xóm thì đúng hơn là làng. Đó là nơi con ưa thích trên bán đảo. Ở tận cùng đất liền, bao quanh là cánh đồng và những vách đá dựng đứng, và rất yên tĩnh vì con đường duy nhất đi qua đó là đường cụt dẫn đến những mỏ thạch anh tím trước đây. Ngôi nhà là phế tích, không đắt tí nào. Nhà được xây bằng đá trong vùng, có mái lợp ngói ác-đoa hơi nghiêng. Con đã xem rồi. Từ tầng trên cùng, ta có thể ngắm biển. Con sẽ có thể đặt bàn làm việc ở dưới cửa sổ nhỏ. Mua ngôi nhà này là mơ ước của con. Chúng mình có thể sống ở đó khi về già, anh Alex ạ.
Helen cảm thấy khó chịu tới mức thậm chí bà không thể ngước mắt lên. Bà bị ngỡ ngàng vì số lần Marie đã dùng những từ “của con” và “con”.
- Đó là một giấc mơ có thể trở thành cơn ác mộng, - Jacob cười mỉm nhận xét. - Một ngôi nhà cần nhiều công sức, Marie ạ, nhất là khi ta sống cách đó hàng nghìn cây số. Việc tu sửa rất tốn kém. Có thể sẽ phải lợp lại mái. Mỗi năm sẽ còn những vấn đề mới nảy sinh.
- Con biết ạ. Đó chỉ là mơ ước thôi. Dù sao chăng nữa, chúng ta không có tiền.
Helen tự hỏi có phải Marie đã mô tả chi tiết ngôi nhà với hi vọng cha mẹ chồng sẽ cho cô tiền để mua?
Ngay ngày thứ ba, Helen quyết định ăn tối sớm hơn cùng với Jacob và rút về phòng ngủ, để con dâu và con trai ở lại trong bếp. Bà cần sự yên tĩnh sau những ngày làm việc. Bà không muốn nghe Marie ca ngợi vùng Bretagne hoặc than phiền vì bể bơi không mái che mà cô thường đến các buổi chiều tháng Bảy đã đóng cửa sau ngày lễ Lao động, trong khi trời còn nóng.
- Cuối tuần, cha mẹ không bao giờ đi thăm bạn bè ạ? Marie đã hỏi bà một buổi sáng thứ bảy.
Helen rùng mình. Bà có cảm giác quen quen.
- Mẹ mệt, bà nói. Cuối tuần, mẹ cần thư giãn.
- Thế nhưng, thăm bạn bè thì có gì mà mệt ạ? - Marie đáp lại bằng một giọng khẳng định chắc nịch. - Ở đây con người quá thiên về công việc! Ở bên Pháp, cuộc sống xã hội được coi trọng hơn nhiều. Cha mẹ con không có tối thứ bảy nào mà lại không đi chơi hoặc mời bạn bè đến nhà. Thế còn những người bạn của cha mẹ, nhà Popescu, những người mà cha mẹ đã gặp hôm Noël ấy ạ?
Helen tái mặt. Cuộc sống ở Pháp hiển nhiên là hơn hẳn rồi. Marie biết gì về cuộc sống "ở đây" nhỉ? Cô dễ dàng coi thường cái nước Mỹ đã cho bà tự do và quốc tịch đến thế sao! Làm sao giải thích cho cô hiểu người ta không kết bạn ở tuổi bốn mươi giống như ở tuổi hai mươi và mẹ chồng cô thích cuối tuần đi xem phim với Jacob hoặc cùng với ông đi khám phá những thành phố nhỏ của Pennsylvanie hay bờ biển New Jersey hơn là chuẩn bị bữa tối mời những người quen sơ sơ hoặc những đồng nghiệp ở cơ quan?
- Cách đây vài năm, - Helen đáp như buộc phải tự bảo vệ mình, - khi vừa dọn đến đây, mẹ đã mời những người nhà Popescu đến dự bữa tiệc trong vườn. Chúng ta đã tổ chức "theo kiểu Mỹ", với đĩa giấy và cốc nhựa. Thủ trưởng của Jacob, một người rất giàu, đã mời cha mẹ dự một bữa tiệc ở nhà họ tại Greenwich và ông cũng đã tiếp cha mẹ y hệt như vậy. Thế nhưng, sau bữa tiệc trong vườn, bà Popescu đã gọi cho mẹ; thay vì để cảm ơn, bà ấy nói với mẹ rằng mời khách ăn bằng đĩa giấy là không được: lẽ ra mẹ phải tiếp đãi khách mời tốt hơn thế! Từ đó, chấm hết: mẹ mời họ mỗi năm một lần, một cách hình thức, trong phòng ăn với đồ dùng bằng sứ và cốc pha lê.
Marie mỉm cười không nói gì. Ngay cả sự im lặng của cô cũng như ẩn chứa một thái độ chỉ trích. Helen bỗng hiểu cảm giác quen quen đến với bà từ đâu: chuyến đến thăm của cha mẹ bà vào năm 1981. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối cha mẹ bà đến Mỹ.
Bà lo ngại cuộc viếng thăm của họ tới mức đã trì hoãn với nhiều lý do: căn hộ chật hẹp ở Queens, thời gian eo hẹp vì Jacob và bà phải quay lại trường để học lập trình cho máy vi tính, thiếu tiền vì còn nhiều món nợ phải trả... Sáu năm trôi qua. Họ đã có chỗ làm ổn định và được trả lương hậu hĩnh, họ đã trả nợ cho những người em Jacob, Alexandru đã được nhận vào Harvard, họ đã nhận được quốc tịch Mỹ, họ vừa mua nhà ở New Jersey. Không còn lý do chính đáng để cản trở cha mẹ đến thăm.
Ở sân bay, khi cánh cửa tự động mở ra và Helen nhìn thấy họ đi ra từ khu vực hành lý, bà đã rất xúc động. Theo như bà nhớ lại thì họ hình như thấp bé hơn trước, ngay cả cha bà. Tóc ông hoa râm còn tóc bà trắng xóa. Hai người già cả. Mọi thứ ở họ - giày mòn vẹt, áo khoác sờn, da nhợt nhạt, vali to đùng màu hạt dẻ buộc dây để ngăn không cho nhân viên hàng không ăn trộm những thứ tồi tàn bên trong - chứng tỏ nguồn gốc Đông Âu của họ. Helen bỗng thấy lại hôm cùng gia đình đến New York sáu năm trước. Cha mẹ bà thành thực thán phục chiếc áo khoác đẹp đẽ của Helen, chiếc xe hơi Mỹ to lớn của Jacob, và ngôi nhà ở New Jersey mặc dầu không rộng rãi nhưng có đủ tiện nghi hiện đại, điều hòa nhiệt độ, hệ thống sưởi ổn định, một vòi sen và một bồn tắm trong buồng tắm, một bếp lò và một tủ lạnh to mà ông bà Tiberescu chưa từng thấy. Đó như một tấm gương phản chiếu tất cả những thành quả của sáu năm trời mà Helen và Jacob chưa kịp có thời gian để chiêm ngưỡng. "Nước Mỹ này giàu có thực!" Iulia thốt lên, và khi con gái bà nói rằng họ đã phải làm việc cực nhọc, nhưng nước Mỹ cũng là nơi sức lao động bỏ ra được trả công xứng đáng, bà thậm chí còn khen ngợi con rể: "Chính Jacob đã có ý nghĩ về máy vi tính phải không? Đổi nghề như vậy ở tuổi bốn mươi, thực không thể tin được! Nó khá lắm!" Elena tự nhủ rằng khoảng cách cả về không gian và thời gian rồi cũng tạo ra được một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng.
Cuối bữa ăn của buổi tối đầu tiên, mẹ bà đi ra rồi quay lại bếp với một cái gói nhỏ xíu bọc giấy báo.
- Này Lenoush. Suýt nữa mẹ quên!
Khi xé giấy bọc và nhìn thấy lấp lánh con chim vàng nạm hồng ngọc, Helen bật khóc. Mẹ ôm lấy bà.
- Bà mất rất nhẹ nhàng, Lenoush ạ. Đang gọt khoai tây thì bà ra đi. Bà không đau đớn gì cả.
Helen gài cái ghim trên áo. Bà ngoại đã không quên. Thế là bà ngoại đang ở cùng bà, trong bếp, ở nước Mỹ.
Kì nghỉ cuối tuần đầu tiên, họ đi thăm Manhattan và mua nhiều thứ trong cửa hàng Macy’s vì mẹ đã mang theo một vali rỗng để đựng những đồ mua trong thời gian lưu lại Mỹ. Sáng thứ hai, Jacob và Helen phải đi làm. Bà không thể nghỉ một ngày phép nào vì vừa mới bắt đầu một công việc mới, nhưng cha mẹ trấn an bà: “Chúng ta đến để giúp các con, chứ không phải gây phiền hà!” Kì nghỉ cuối tuần thứ hai, họ đi đến tận Cambridge. Iulia thấy Alexandru còn đẹp trai hơn trong ảnh và bà hoan hỉ được gặp Lisa, chưa chi bà đã muốn tác thành cho cháu trai. Mặc dù trời mưa, họ vẫn đi dạo trên những đường phố lát đá xung quanh những tòa nhà bằng gạch đỏ phủ đầy dây trường xuân của khu đại học uy tín nhất thế giới, địa danh mà ở đó Helen thấy sung sướng nhất và bình đẳng nhất. Bà nhìn những thanh niên khỏe mạnh đi qua với vẻ vội vàng, tay ôm đầy sách, những người một ngày nào đó sẽ điều hành nước Mỹ, lồng ngực bà căng phồng niềm kiêu hãnh và niềm vui khi nghĩ rằng con trai bà, sinh tại Rumani, cũng là một người trong số ấy.
- Cha có ý kiến thế này, - cha của Elena nói khi họ trở về New Jersey vào tối chủ nhật. - Buổi sáng, cha có thể đưa các con ra ga. Rồi cha sẽ giữ xe lại trong ngày, như thế cả cha mẹ đều tự lo liệu được.
- Con sẵn lòng giao xe cho cha, nhưng hợp đồng bảo hiểm của con chỉ cho phép Alexandru và con được sử dụng xe, Jacob đáp.
- Nhưng không nói ra thì ai mà biết được! Cha Elena cười khe khẽ đáp lại.
- Không thể được đâu, cha. Nhỡ gặp tai nạn, chúng con sẽ là người chịu trách nhiệm. Việc này có thể tốn kém lắm ạ.
- Lenoush, con biết cha rồi đấy. Đó là người lái xe giỏi, rất cẩn thận nên sẽ không có tai nạn đâu.
- Mẹ ơi, con xin lỗi, không thể được ạ. Việc này không dính dáng gì đến cha.
- Nhưng mà sẽ chẳng có ai biết gì cả mà! Đừng ích kỉ thế, Lenoush! Con muốn cha mẹ làm gì cả ngày ở đây hả? Mẹ chưa thấy có nơi nào như thế này. Không có xe thì ta là tù nhân! Ngay cả đi chợ cũng cần có xe! Chúng ta ở giữa nơi lạ hoắc này! Cả ngày dài chờ đợi các con, không thể chịu đựng nổi nữa! Chán ngấy rồi! Con không nhận thấy à!
Helen nhìn xuống và hít một hơi dài cố nén cơn giận đang bốc lên trong người. Ích kỉ ư, trong khi bà không từ chối mẹ cái gì và chuyến đi này của cha mẹ, từ vé máy bay, đi chơi đây đó và quà cáp mang về Rumani đã tốn hơn cả những gì mà họ tiêu dùng cho bản thân trong sáu năm trời? Ích kỉ ư, khi mà từ mười ngày nay, bà không có phút giây nào cho riêng mình? Khi chỉ trích New Jersey mà bà đã chọn làm nơi ở vì đó đúng là nước Mỹ thực thụ, mẹ bà đã đâm một nhát dao vào giữa tim bà.
Bằng giọng bình tĩnh, Jacob đề nghị sẽ dành buổi chiều thứ tư để đưa cha mẹ vợ đến Manhattan hoặc trung tâm thương mại gần nhà họ. Helen nén giận và gợi ý mời cơm vào trưa thứ bảy tới một đôi vợ chồng người Rumani sống ở Queens, những người bạn của cha mẹ mà bà không hề thích. Hai đề nghị này đã làm cha mẹ bà dịu lại và mẹ bà dành nhiều ngày để chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Như Helen nhớ thì ông bà Petrescu là những người khó chịu. Mỗi lời khen của bà Petrescu đều phóng ra một mũi tên.
- Mua nhà ở New Jersey quả là một ý hay tuyệt! Xa Manhattan, nhưng chắc chắn là rẻ hơn ở Queens nhiều. Căn nhà đẹp lắm. Ồ, lại phải đi qua bếp mới đến được phòng ăn à? Thế thì lạ thật! Thế khi có khách thì xoay xở ra sao?
Trong khi cha mẹ và khách của họ đã yên vị ở bàn ăn, sôi nổi chuyện trò về những người mà họ quen ở Bucarest, Helen và Jacob không ngừng di chuyển từ bếp ra phòng ăn để mang rượu, bánh mì, món ăn mới, muối, nước. Helen có cảm giác như trở lại nhà cha mẹ ở Bucarest, khi còn là Elena. Bà ngồi nghỉ năm phút trong bếp, hút một điếu thuốc, trong khi giọng nói oang oang của ông Petrescu vọng đến từ phòng ăn. Nhận ra từ "shekel", bà chăm chú nghe. Ông Petrescu kể một câu chuyện về hai người đàn ông đang cầu nguyện ở Bức tường than vãn, một người giàu, một người nghèo. Người nghèo xin Chúa cho phép ông có được một trăm shekels để nuôi gia đình và chăm vợ ốm. Người giàu cầu Chúa cho ông có được hàng triệu shekels và làm cho công ty của ông ăn nên làm ra. Người nghèo ở bên cạnh vẫn tiếp tục: "Xin Chúa rủ lòng thương, cho con chỉ một trăm shekels thôi..." Cuối cùng, người giàu lấy một trăm shekels từ trong túi mình và quay về phía người nghèo: "Này, tiền của ông đây. Giờ hãy để Chúa giải quyết việc của tôi!".
Những người nhà Tiberescu và Petrescu phá lên cười. Khi Helen vào phòng ăn với những cái đĩa cho món tráng miệng, Jacob mỉm cười với bà và bà đọc được thông điệp trong mắt ông: "Đừng lo, Lenoush. Cái đó không quan trọng gì cả." Giận sôi lên nhưng Helen vẫn đưa cho thực khách phần bánh gatô của họ mà không nói một lời nào cho đến cuối bữa ăn. Sau khi ông bà Petrescu ra về, Helen vào căn phòng nhỏ nơi cha đang nghỉ trên chiếc trường kỉ dùng làm giường và mẹ bắt đầu gói ghém vô số những đồ đã mua.
- Làm sao cha mẹ lại có thể cười khi Domnul Petrescu đã kể câu chuyện bài Do Thái?
- Chỉ là chuyện đùa thôi mà, Lenoush, - Iulia đáp - Không ác ý gì cả.
- Tại sao mẹ lại nói thế? Chính vì thế mà chúng con đã rời Rumani! Chúng con muốn được tôn trọng! Những người này biết thừa Jacob là Do Thái, họ ăn cơm ở nhà chúng ta, ấy thế mà họ lại kể câu chuyện ấy! Sở dĩ con đã không tống cổ họ chỉ vì tôn trọng cha mẹ. Tuy nhiên, sẽ không có lần nữa đâu. Cha mẹ rõ chưa? Chấm hết!
Cha trố mắt, và mẹ lắc đầu.
- Con phải nghỉ ngơi, Lenoush. Con làm việc quá nhiều. Nước Mỹ không tốt cho con. Doamna Petrescu đã nhận xét là con có vẻ mệt mỏi.
Hôm sau, trên đường ra sân bay, mẹ lại nói huyên thiên cứ như không hề có chuyện to tiếng. Trước khi qua kiểm tra an ninh, mẹ ôm hôn con gái.
- Bây giờ các con là người Mỹ, các con có thể đi lại thoải mái! Lần sau, các con sẽ đến Bucarest, nhé? Một năm nữa, vào dịp Noël? Cả Alexandru và Lisa nữa?
- Còn xem đã, Helen đáp.
Tuy nhiên, bà biết chắc sẽ không bao giờ quay trở lại Rumani và sẽ không mời cha mẹ tới Mỹ nữa. Bà ôm hôn họ lần cuối cùng. Bà sẽ không để cho ai đe dọa sự cân bằng của cái thế giới mà bà đã dựng nên cùng với Jacob bằng chính đôi bàn tay của bà nữa.
Giờ đây Helen để ý mọi thứ mà trong tháng Bảy bà không thấy phiền toái gì. Sau một ngày dài làm việc ở cơ quan và hai giờ ngồi trên xe, lại chính là Alexandru đi chợ ở siêu thị, nấu ăn cho Marie và anh, chính là anh cho quần áo vào máy giặt. Marie thậm chí không dọn dẹp phòng ngủ. Chiếc trường kỉ - giường luôn mở và chút nỗ lực để dọn giường hình như là đòi hỏi quá cao đối với cô: chăn vẫn để thành đống, nhàu nhĩ. Helen thay ga trải giường mỗi tuần một lần.
- Mẹ để con giúp nhé? Marie nói khi nhìn thấy mẹ chồng hút bụi trong phòng.
- Không cần. Mẹ chỉ làm có năm phút là xong, Helen đáp, không ngẩng đầu lên.
Marie mặc quần áo ngủ suốt cả ngày để dịch sách, và rất hiếm khi tắm trước năm giờ chiều. Khi Marie về Pháp vào tháng Tám, Helen đã lấy tất cả quần áo của cô trong tủ tường ở phòng ngủ nhỏ để cho vào máy giặt, kể cả tất và quần lót. Bà không chịu được ý nghĩ có trong nhà mình những cái tủ đựng đầy quần áo không sạch sẽ lắm.
- Cảm ơn mẹ đã giặt giúp con quần áo, Marie đã nói với bà buổi sáng hôm trở về. Lẽ ra mẹ không nên thế. Mẹ lại còn là nữa chứ! Con không bao giờ mặc áo phông là. Sang quá đi mất!
- Là Jacob là đấy, Helen quay đi trả lời.
Điều tệ hại nhất là những cái khăn giấy Kleenex. Marie bỏ bừa bãi khắp nhà, trên bàn ngủ, trên bàn phòng ăn gần cái máy vi tính của cô, đôi khi cả trong bếp, những cái khăn Kleenex đã dùng mà Helen kinh tởm nhón tay nhặt và vứt đi.
Trong tuần, khi Marie còn ngủ thì Alexandru và mẹ đã rời nhà. Sáng sớm, Helen có thể thư giãn trong bếp với một cốc cà phê ngon và một điếu thuốc. Nhưng vào cuối tuần, khi Marie vừa vào bếp có mẹ chồng đang hút thuốc và chuyện phiếm với Alexandru thì cô bắt đầu ho hắng như để chỉ ra rằng thuốc lá làm phiền cô. Hồi tháng Bảy, Helen lập tức tắt thuốc hoặc đi ra vườn. Nhưng bây giờ, bà chẳng thiết nữa. Ở ngoài trời lạnh. Và suy cho cùng thì đây là nhà bà. Bếp của bà. Nơi duy nhất trên đời bà tự do làm gì tùy thích mà không ai ở đó có quyền bẻ bác. Tại sao Marie lại có thể áp đặt luật lệ của cô?
Cuối tuần, Alexandru mệt bã người. Helen biết tâm trạng của con trai sau năm ngày phải dậy từ sáu giờ mười lăm, lái xe đến tận Manhattan và làm việc mười giờ liền: anh không mong gì hơn là được bình yên ở nhà, đọc và nghỉ ngơi. Nhưng Marie lại thấy buồn chán. Suốt tuần, cô không làm gì. Cô muốn đi Manhattan dạo chơi, thăm bạn bè, dự lễ hội. Thế là Alexandru lại phải lấy xe, quay lại thành phố, đi ngủ muộn.
Cuối tháng Chín, Marie lăn ra ốm. Viêm phế quản. Helen nghe thấy cô ho ngày đêm và tự thấy như có lỗi mỗi khi bà châm một điếu thuốc, ngay cả ở dưới tầng hầm, vì khói hình như xuyên qua cả trần và tường nhà để đến chỗ con dâu. Về phần Alexandru, chỉ cần Marie ngửi thấy từ xa hơi thở hoặc quần áo của anh có mùi thuốc lá là cô đã rên lên rồi.
Vì bệnh tình của Marie, Alexandru dọn xuống tầng hầm, ngủ trên cái trường kỉ vàng cũ kĩ quá ngắn nên chân anh thò ra ngoài. Anh nói anh không thấy phiền và trường kỉ rất thoải mái. Khi Marie không còn sốt nữa, anh tiếp tục ngủ ở dưới ấy vì cô còn ho nhiều vào ban đêm. Helen không khỏi nghĩ rằng Jacob và bà luôn ngủ chung giường, ngay cả khi một trong hai người bị ốm. Đó mới là cuộc sống có đôi: hai người ngủ
cùng giường.
Giữa tháng Mười, Helen biết rằng Marie chuẩn bị trở về Pháp, ở đó cả tháng Mười một để dự đám cưới của một người anh họ vào đầu tháng và dự một cuộc hội thảo về dịch thuật vào cuối tháng. Những sợ hãi tồi tệ nhất của bà được khẳng định. Rõ ràng là Marie dự định tận dụng ngày phép của cô để về Pháp càng nhiều càng tốt. Cô sẽ tiêu ở Pháp tiền lương mà chồng cô lĩnh được ở Mỹ. Có thể cô sẽ mua căn nhà cũ ở Bretagne ngay khi họ có đủ tiền cho món trả góp đầu tiên. Có lẽ vì vậy mà họ vẫn chưa dọn nhà đến Manhattan: cô muốn tiết kiệm để mau có tiền mua căn nhà bên Pháp.
Hai ngày sau, ở cơ quan, Helen đứng lên và ngã ngửa. Khi mở mắt ra, bà thấy Bill, Tatiana và hai thư kí đang cúi xuống nhìn mình.
- Helen? Helen?
Họ muốn gọi xe cứu thương. Bà yêu cầu họ đừng làm gì cả. Bà nói bà không sao. Chỉ mệt thôi. Bà đã không ăn gì từ hôm trước bởi vì buổi sáng bà không đói, thế thôi. Bà tránh không nói rõ từ mấy hôm nay, bà không ăn gì ngoài cái kem đã giảm chất đường và chất béo, bất cứ thức ăn gì khác đều làm bà buồn nôn. Bill mang cho bà một cốc nước, một cái bánh mặn và một cục đường. Bà bảo đảm với họ là bà đã thấy khá hơn. Bà đi về nhà để nghỉ ngơi.
Jacob đến ga đón bà vào ba giờ rưỡi. Họ từ gara vào nhà. Jacob còn ở dưới trong khi Helen lên nhà thay quần áo. Khi qua phòng ngủ nhỏ, bà nghe thấy Marie nói tiếng Pháp, cười đùa rúc rích. Helen dừng lại nghe. Có cái gì đó quá thân mật, hầu như thân tình trong tiếng cười của Marie. Cửa bỗng mở và Helen mặt đối mặt với con dâu. Họ cùng giật nảy mình. Marie vẫn mặc quần áo ngủ. Cô thậm chí còn chưa chải đầu. Cô
đỏ mặt.
- Chào mẹ ạ! Mẹ về sớm thế! Mẹ khỏe không ạ?
- Cảm ơn, khỏe.
Yên lặng.
- Con đang nói chuyện điện thoại với một cậu bạn ở Paris vừa đến New York, Marie nói tiếp, mặt còn đỏ hơn nữa. Đó là một người bạn cũ tên là Frédéric. Cậu ta đã đến dự đám cưới chúng con. Mẹ nhớ không? Cậu ta bắt đầu học tiến sĩ về Lịch sử nghệ thuật ở trường Columbia. Cậu mê nhạc cũng như Jacob. Một ngày nào đó, con cần phải mời cậu ấy đến đây.
Helen mang máng nhớ một cậu thanh niên rất cao khiêu vũ với Marie buổi tối hôm đám cưới và ôm cô quá sát. Frédéric? Bà mở cửa phòng, không đáp lại.
- Mẹ có chắc là ổn cả không?
- Tôi mệt, bà nói rồi đóng cửa lại.
Bà ngủ ngay lập tức. Khi tỉnh lại, bà thấy chóng mặt. Cả phòng chao đảo. Bà không thể đứng lên được. Sáng hôm sau, Jacob đưa bà đến bác sĩ. Ông không thấy có gì bất thường và kê cho bà một loạt xét nghiệm máu. Helen lúc nào cũng đau đầu. Bà không thể làm gì được, không nấu ăn được, không ăn được, thậm chí xem vô tuyến cũng không được. Bà nhắm mắt nằm trên giường suốt ngày. Chứng chóng mặt làm bà không ngủ được. Những xét nghiệm máu không cho thấy có sự bất thường nào cả. Sau một tuần nghỉ, vì bà vẫn luôn chóng mặt, nên bác sĩ đa khoa đã giới thiệu bà đến một bác sĩ khoa thần kinh, ông này giới thiệu bà đến bác sĩ ung thư học. Về mặt y học, bà không làm sao. Nhưng bà không thể làm việc. Bà đứng không vững. Thủ trưởng đề nghị bà đến khám bác sĩ tâm thần. Chỉ có bác sĩ tâm thần mới có thể kéo dài thời gian nghỉ ốm của bà, vì về mặt thể chất, hiện không có một lý giải nào rõ ràng về tình trạng của bà. Đối với Helen, tất cả bác sĩ tâm thần và các nhà tâm lí học đều là lang băm. Bà không có vấn đề gì về mặt này. Bà mệt và lo lắng cho con trai, thế thôi. Bà là mẹ lo cho con là lẽ thường tình. Bà chỉ cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bà không được lựa chọn. Bà cần phải hẹn gặp bác sĩ tâm thần. Bà chọn hú họa một vị trong danh sách các bác sĩ theo luật bảo hiểm. Đó là bác sĩ Michael Levi. Cũng không hẳn là chọn hú họa. Bà lựa địa chỉ tốt nhất ở Đại lộ Thứ năm trong làng Greenwich. Phòng khám tối và cũ kĩ ở tầng trệt một khu nhà cổ không gây ấn tượng gì cho bà. Những chiếc trường kỉ ở phòng đợi trông cũ kĩ và được phủ một loại vải hoa với khiếu thẩm mỹ tồi. Bác sĩ tiếp bà. Người thấp, ông ta có lẽ năm chục tuổi, nhìn bà qua cặp kính dày cộp. Ông không mặc bờ lu trắng mà là một cái quần nhung màu be và một áo sơ mi Oxford xanh lơ - không cà vạt. Bà nhìn những bằng cấp trên tường. Ông thậm chí không phải là sinh viên y khoa nội trú bệnh viện. Buổi tối hôm ấy, bà vừa kể lại buổi khám bệnh vừa cười giễu cợt:
- Ấy thế mà ông ấy tưởng là thông minh hơn mẹ ư? Mẹ đã rất tuyệt. Mẹ đã không nói với ông ấy bất cứ điều gì để ông có thể tóm lấy và dùng để chống lại mẹ.
Bà nhận ra cái nhìn đầy ý nghĩa của Marie về phía Alexandru, như thể bà bị điên.
Đến nay đã được hai tuần bà nghỉ ốm. Bà ở nhà suốt ngày cùng Jacob và Marie. Buổi sáng, bà rời bếp trước khi Marie dậy và chờ cho con dâu đóng cửa phòng ăn thì mới ra khỏi phòng ngủ. Buổi chiều, bà xem vô tuyến hoặc nằm nghỉ trên chiếc trường kỉ ở tầng hầm, bên cạnh Jacob đang nghe nhạc, đọc sách hoặt tính toán. Khi Marie đi dạo bằng xe đạp vào cuối buổi chiều, đó là thời điểm duy nhất Helen cảm thấy tự do đi lại trong nhà mình.
Một buổi tối, bà đang trong bếp hút một điếu thuốc thì xảy ra một cuộc cãi cọ ở tầng hầm giữa Alexandru và Marie. Con dâu bà hét to đến mức Helen nghe được từng từ mặc dù cửa cầu thang đóng.
- Đó là cái túi em thích nhất! Anh bảo anh đã cất đi rồi, hóa ra anh đã để nó trong vườn! Em đã tin anh và không kiểm tra lại! Sáng nay, em thấy nó đẫm nước mưa! Thế là đi đứt!
- Xin lỗi Marie. Anh đã chắc mẩm cất nó rồi. Anh sẽ mua cho em cái khác.
- Em sẽ không tìm thấy cái như vậy! Em đã mua nó ở Boston cách đây ba năm rồi!
- Mình sẽ đi Boston vào cuối tuần này, nếu em muốn.
- Cửa hiệu đã đóng cửa rồi!
- Em có thể nói bé hơn được không?
- Kệ cho họ nghe! Anh chẳng để ý gì đến đồ đạc của em cả! Anh chẳng hề quan tâm gì đến em!
- Có im đi không?
Marie òa khóc nức nở. Helen thấy cơn đau đầu sắp trở lại. Bà đứng dậy quay về phòng, Jacob đã ngủ rồi. Bà không muốn nghe thêm một từ nào nữa. Tại sao Marie lại không tự mình cất túi của nó đi? Và sao Alexandru lại để cho vợ nói với nó bằng cái giọng như vậy?
*
Marie tỉnh dậy, ho. Cô nhìn thấy những chữ số huỳnh quang của chiếc đài-báo thức trên giá bằng gỗ anh đào đối diện với trường kỉ-giường chỉ 03h.10. Căn phòng ngủ nhỏ nóng và khô đến mức gần như ngạt thở. Cô luôn mở cửa sổ trước khi đi nằm, nhưng không khí lọt vào qua khung vuông chật hẹp được mở ra bằng một tay quay không đủ để giảm bớt cái nóng tỏa ra từ máy sưởi. Helen điều chỉnh máy ở ba mươi độ, để bà khỏi bị lạnh. Marie bật đèn, ngồi dậy và cầm cuốn sách trên bàn ngủ. Có nhắm mắt lại cũng vô ích, tắt đèn và ngủ lại cũng không được vì cô lại sắp bắt đầu ho. Dù bệnh viêm phế quản đã khỏi từ nhiều tuần nay, hằng đêm, cô vẫn thức giấc vì ho mặc dù đã uống loại xirô Coóctidôn rất công hiệu do ông bác sĩ thứ hai mà cô đến khám kê đơn cho. Cơn ho này có phải là một phản ứng tâm thể đối với bầu không khí độc hại của ngôi nhà? Hoặc là có ai định đầu độc cô bằng việc đổ một chất gì đó gây chết người vào trong đồ ăn hoặc thức uống của cô giống như trong phim Những ngờ vực của Hitchcock? Ai? Chắc mẹ chồng cô. Suy cho cùng, đó là Mỹ. Mọi ngày ta đọc trên báo nhiều sự việc như thế. Cô có thể bày tỏ những ngờ vực của mình với ai đây? Alex sẽ cho là cô điên rồi.
Chắc chắn cô đã điên nếu không gọi hằng ngày cho Frédéric, bạn trai từ xa xưa, cũng là người Pháp như cô, để có thể cười đùa và nói năng thoải mái. Cô thấy rất cô đơn trong ngôi nhà này, nơi mà cô cùng ở với hai người có tuổi hình như có ăng-ten để tránh cô. Cô không thấy phiền toái khi ăn sáng, thậm chí ăn trưa một mình. Nhưng cho đến tận tối thì ngày dài quá, và đến buổi chiều, nỗi cô đơn lại bắt đầu đè nặng lên cô. Nhà có vẻ trống rỗng, và còn tệ hơn khi biết rằng họ có ở đó, nấp trong phòng mà cửa ra vào lúc nào cũng đóng kín. Cô chờ Alex. Cô tuyệt vọng mong mỏi thấy anh và nói chuyện với anh. Rồi khi anh trở về, mệt mỏi và căng thẳng, thì anh lại muốn nghỉ ngơi ở tầng hầm, trước màn hình vô tuyến hơn là nghe những lời than vãn của vợ về bà mẹ trầm cảm và vùng ngoại ô buồn tẻ nơi cha mẹ anh sống. Họ cãi nhau. Cách đây hai ngày, cô đã tìm thấy cái túi xách của cô đẫm nước mưa, cô đã làm ầm ĩ lên. Cô biết mình vô lý, nhưng không thể kìm nén nổi. Cô đã khóc như điên. Tối qua, anh không nói gì với cô.
Hiển nhiên là lẽ ra họ đã phải dọn nhà. Khi cô từ Pháp trở lại vào đầu tháng Chín, họ không vội vã gì vì tháng Bảy đã qua rất suôn sẻ, và rồi họ cũng thích tiết kiệm thêm một tháng tiền thuê nhà. Chưa đầy một tuần, Marie đã hiểu rằng có gì đó đã thay đổi. Cô thấy cha mẹ chồng lạnh nhạt khi nhìn thấy cô. Họ lơ đãng nghe cô nói về kì nghỉ hè và về gia đình cô. Khi cô hỏi Alex tại sao cha mẹ anh không ăn tối cùng với họ nữa, anh đã nói rằng bình thường họ ăn sớm hơn, vào tháng Bảy là ngoại lệ, còn bây giờ họ trở lại giờ giấc bình thường. Marie đã cảm thấy có lý do gì khác. Vào lúc quyết định nói với Alex là họ phải tìm một căn hộ thì cô lại bị viêm phế quản. Và rồi bị thức dậy vì ho hằng đêm, cô thấy mệt đến mức không đủ can đảm để đi bộ ra ga và đi tàu đến Manhattan xem nhà thuê. Vài ngày nữa cô lại trở về Pháp nên cũng chưa vội. Ngay khi cô trở lại, họ sẽ dọn nhà.
Cô lại ho và lấy khăn giấy Kleenex trên bàn ngủ để hỉ mũi. Cô đỏ mặt khi bỗng nhiên nhớ lại điều mà Alex nói với cô cách đây một tuần khi cô hỏi anh có cho rằng ở mãi đây sẽ làm phiền cha mẹ:
- Hoàn toàn không. Điều duy nhất làm mẹ không hài lòng là những khăn Kleenex bẩn của em vứt khắp nơi trong nhà. Em có thể vứt chúng đi, được chứ?
- Khăn Kleenex của em? Chúng không có ở khắp nơi trong nhà đâu! Em chỉ để một cái trên bàn đầu giường và một cái gần máy vi tính của em thôi mà!
- Tại sao mỗi lần em không dùng một cái mới? Mẹ không sai đâu. Thật kinh.
Cô không bao giờ nghĩ rằng người ta có thể cho thói quen của cô là đáng chê trách - và Alex lại thay mặt mẹ để chỉ trích cô.
Cô khát và cầm cái cốc trên bàn ngủ. Cốc không. Cô lặng lẽ trở dậy, mở cửa và mò mẫm đi vào bếp. Chân trần, cô bước trên sàn ấm không phát ra tiếng động nào cả. Qua cánh cửa khép hờ phòng cha mẹ chồng, cô nghe thấy tiếng ngáy nhẹ của Jacob. Màn hình vô tuyến hắt ra một thứ ánh sáng xanh. Âm thanh giảm thiểu. Cô kiễng chân đi qua bếp tối mò đến tận tủ lạnh. Vào lúc cô mở tủ, cánh tay cô chạm vào cái gì đó: một con ma bất động, ngồi ở bàn. Cô nhảy lên.
“Aaaa!”
Tiếng kêu của cô làm con ma giật nảy mình - đó là Helen trong bộ quần áo ngủ. Trái tim Marie đập loạn xạ. Helen cũng đã không nghe thấy tiếng cô. Bà hình như chìm trong suy nghĩ. Bà đã ngồi trong bếp từ bao giờ? Có phải Marie ho làm bà thức giấc?
- Mẹ làm con sợ quá, Helen! Con vào lấy một cốc nước.
Con ma không đáp. Marie lấy trong tủ lạnh cái bình nước lọc, đổ nước vào cốc và đặt bình nước vào chỗ cũ.
- Mẹ không sao chứ ạ?
Mẹ chồng cô lắc đầu.
- Chúc mẹ ngủ ngon, Marie nói rồi quay trở về phòng.
Ngồi trên trường kỉ-giường, cô bật đèn đầu giường và mở sách. Một mùi thuốc lá thoang thoảng lọt vào làm cô ho. Cuối cùng cô cũng ngủ lại được và khi tỉnh dậy, nhà tĩnh lặng như thể cha mẹ Alex đã bỏ cô mà đi. Có lẽ Jacob có hẹn với bác sĩ. Marie ăn sáng trong bếp bóng loáng, chén tách trên bệ bếp có vẻ như đã khô từ lâu. Cô đánh răng rồi theo thói quen lui về phòng ăn và đóng cửa lại. Mười phút sau, cô ra khỏi phòng để đi tìm một cuốn sách và lại đụng đầu với con ma của đêm trước, quần áo chỉnh tề ngồi trước một cốc cà phê và một gạt tàn đầy mẩu thuốc. Helen chưa kịp tắt thuốc và rời phòng thì Marie đã ngồi xuống bàn tròn.
- Con ngồi đây được không ạ?
Helen ngước đôi mắt sợ hãi và lắc đầu. Bà có vẻ căng thẳng. Marie cũng vậy.
- Alex và con đang gặp chút khó khăn, cô vụng về nói.
Mẹ chồng cô giật nảy mình như thể Marie đã chạm vào một điểm nhạy cảm.
- Alex không thể ngủ với con vì con ho. Anh ấy sợ không trụ nổi ở cơ quan nếu mệt mỏi. Con hi vọng cơn ho quái ác này sẽ nhanh chóng chấm dứt. Con thực sự thấy nhớ khi không được ngủ cùng giường với anh ấy.
- Tôi không biết, Helen nói ngập ngừng.
- Mẹ không biết gì ạ? Marie hỏi ngay, nhẹ người vì cuối cùng mẹ chồng đã mở miệng.
- Tôi xin cô, Helen đáp bằng giọng khe khẽ, nửa cầu xin, nửa như dọa dẫm. Đừng bắt tôi phải nói ra.
Marie đỏ mặt. Cô đã hiểu. Không phải vì Helen đau đầu. Mà vì bà có quá nhiều điều cần nói mà tốt nhất là con dâu bà đừng có cật vấn bà.
Bản năng mách bảo với cô là sắp có một cuộc khủng hoảng như trước đám cưới của họ, và cô phải báo Alex trước khi trở về Pháp trong hai ngày nữa. Tối hôm ấy, anh đi làm về muộn, vào khoảng mười giờ. Anh thay quần áo dưới tầng hầm trong khi Marie nói với anh, và rồi tiếng Helen vang lên từ bếp:
- Alexandru!
Bà cắt ngang Marie, bằng tiếng Rumani, để hỏi con trai có muốn ăn cái gì không. Thông điệp rõ ràng: đối với một người vợ không quan tâm nuôi dưỡng chồng sau một ngày dài làm việc thì Alex cần có một người mẹ để chăm sóc mình.
- Cảm ơn mẹ! Anh lớn tiếng đáp. Bây giờ chưa ạ.
- Em nghĩ rằng mẹ anh không thích em. - Marie nói hạ giọng.
- Mẹ ốm mà. Mẹ có những mối lo khác em. Hãy đừng suy diễn mọi thứ theo ý chủ quan của mình nữa.
- Suốt ngày, em chẳng bao giờ trông thấy cha mẹ anh, Alex ạ. Em chắc chắn là họ tránh em. Hôm qua, đang làm việc, em vào nhà vệ sinh năm phút và khi quay lại phòng ăn, mẹ đã tắt tất cả đèn trong khi máy vi tính của em vẫn mở. Đó là một cử chỉ cố ý. Mẹ không muốn em ở đây.
Anh cau mày, lo lắng.
- Chớ cường điệu thế. Hẳn là mẹ chỉ tắt đèn theo phản xạ thôi. Mẹ và em đã ở trong cùng một nhà hơi quá lâu mà thôi. Dù sao chăng nữa, ngày kia em đi rồi, thật đúng lúc.
- Khi em trở lại vào tháng Mười một, chúng ta thực sự phải chuyển nhà.
- Được. Anh hứa.
Ngày ra đi, như thường lệ, Marie chỉ có một mình. Alex ở cơ quan, còn cha mẹ chồng ở trong phòng của họ. Khi nghe thấy tiếng còi xe taxi, cô đứng trước cánh cửa đóng của căn phòng:
- Jacob, Helen, con đi đây. Tạm biệt cha mẹ!
Không có tiếng đáp lại. Cô biết họ ở trong ấy vì xe của Jacob vẫn đỗ ở bên đường. Cô bước xuống những bậc thang dẫn từ trên bếp xuống tầng hầm. Có thể họ ngủ, nhưng cô chỉ đoán vậy. Cô bấm nút mở cửa tự động của gara liền kề tầng hầm và ra khỏi nhà, kéo theo chiếc vali có bánh xe. Lái xe người Pakixtan giúp cô cho vali vào cốp xe. Cô ngồi vào ghế sau mới nhớ ra là đã để mở một cửa sổ phòng ăn. Sự xao nhãng của cô có thể làm tăng thêm những nỗi sầu muộn của Helen.
- Anh có thể chờ tôi một phút được không?
Cô ra khỏi xe và chạy vào nhà bằng cửa gara vẫn còn mở. Từ tầng hầm, cô vắt chân lên cổ leo cầu thang lên bếp. Khi bước vào bếp, cô nhìn thấy mẹ chồng đứng trước cửa tủ lạnh đang mở. Helen sững người như kẻ cắp bị tóm lúc thò tay vào túi. Rõ ràng là bà đã ra khỏi chỗ ẩn nấp vào đúng giây phút bà tưởng là cuối cùng đã được giải thoát khỏi con dâu, thật bối rối cho cả hai người.
- Con quên một việc.
Marie vào phòng ăn và đóng cửa sổ lại. Khi cô trở lại bếp, Helen vẫn đứng trước tủ lạnh mở, bất động như hóa đá. Marie tiến lại gần để ôm hôn bà - một cử chỉ bình thường giữa mẹ chồng và con dâu sắp đi xa. Khi cô đến sát, Helen tự nhiên giơ cánh tay phải, bàn tay xòe ra, lòng bàn tay hướng về Marie để ngăn lại.
- Không.
Bà có vẻ hoảng sợ. Bàn tay và giọng bà làm Marie sững lại. Cô đỏ bừng mặt.
- Tạm biệt mẹ.
Cô quay bước, xuống cầu thang và lại ra khỏi nhà qua gara. Sự việc diễn ra không đầy nửa phút. Cô ngồi trong xe taxi. Người lái xe từ từ khởi hành. Có gì đó trong Marie tan vỡ theo tốc độ tăng dần của chiếc xe. Cô khóc. Cô nhận thấy rằng mẹ chồng ghét cô đến mức thấy ghê sợ khi chỉ có sự tiếp xúc đơn thuần giữa họ. Một bản năng cũng mạnh mẽ như nỗi khiếp sợ đã khiến mẹ Alex chìa tay đẩy Marie như thể cô là một con quỷ. Quỷ Sa tăng, hãy lùi lại!