Sáu giờ, Helen dậy đi vệ sinh. Vừa ra khỏi phòng ngủ, bà bước ngay sang phòng khách. Trong ánh hoàng hôn sắp rạng, bà thấy nhẹ mình vì nhận ra trong tấm chăn trắng có người. Bà đã không nghe thấy tiếng Marie về đêm qua. Có quá nhiều kẻ điên khùng ở New York, nhất là về đêm nên bà sợ con dâu bị tấn công trên phố, bị đâm trong tàu điện ngầm, hoặc bị bắt cóc bởi một tài xế taxi. Helen quay lại nằm bên Jacob và mở vô tuyến bằng điều khiển từ xa, để âm thanh ở mức thấp nhất.
Khi họ dậy, đã tám giờ. Giờ đây không còn phải làm việc nữa nên Helen không cần vội vàng mỗi buổi sáng. Qua phòng khách, bà thấy Marie vẫn ngủ say. Quần áo của cô vứt bừa bãi trên một ghế bành xám, quần bó sát màu da, áo nịt ngực và quần lót ở phía trên. Helen lật chúng xuống để che lấp quần áo lót đi và nhận ra con chim bằng vàng và hồng ngọc cài ở phần trên của cái váy đen bằng bông. Bà mỉm cười và vuốt nhẹ con chim bằng đầu ngón tay. Bà từng sợ là Marie đã đánh mất nó sau những chuyến đi và những lần chuyển nhà. Trong bếp, bà khẽ đặt ấm đun nước lên cái bếp ga nhỏ, lưu ý để không đánh thức con dâu. Bà chuẩn bị khay ăn cho Jacob, bát hạt yến mạch, bánh mì, tách cà phê và thuốc uống. Bà bưng khay ra phòng ăn rồi nhẹ nhàng quay lại phòng ngủ báo cho Jacob biết bữa điểm tâm đã dọn. Giống như mỗi sáng, ông mặc một chiếc áo sơ mi sạch sẽ và tự mình là cẩn thận. Gần như đó là việc duy nhất mà ông còn biết làm chu đáo. Ông đã phải bỏ ra nhiều tuần lễ để lắp đặt những đồ đạc mà họ đã mua ở cửa hàng Ikea cách đây sáu tháng, và còn cần phải có bà giúp đỡ đọc hướng dẫn và tìm kiếm những con ốc phù hợp. Ông chậm đi nhiều. Không phải vì đã về hưu. Bà cũng đã về hưu nhưng với việc sắp xếp căn hộ thì bà chưa bao giờ tích cực như vậy.
Họ cùng ngồi ở bàn ăn. Bà theo dõi trong khi ông đưa thìa đầu tiên lên miệng. Đúng như bà mong đợi, mặt ông biểu lộ sự ngạc nhiên. Bà nhếch mép mỉm cười.
- Ngon chứ?
- Tuyệt. Bà đã làm gì vậy?
- Tôi đã cho thêm nho khô, những mẩu táo nướng và sirô nhựa cây phong. Vẫn có mùi cáctông chứ?
- Bà thắng rồi.
Phản ứng như đứa trẻ ngoan của Jacob làm tan đi sự bực tức của Helen từ buổi họ tranh cãi ở siêu thị hôm trước. Bà đã bảo ông tự chọn ngũ cốc vì ông không thích những loại bà chọn, và ông đã lấy đúng những thứ theo thường lệ. Khi bà trách ông thiếu chủ động và óc tưởng tượng, ông đã phản ứng một cách thiếu thiện chí rằng hiển nhiên là tất cả các loại ngũ cốc đều có mùi cáctông.
Bà đưa mắt liếc vào phòng khách. Cái hình thù dưới chăn trắng không động đậy. Ngay cả khi chiếc trường kỉ-giường đã mở che phủ hết tấm thảm, gian phòng vẫn cho cảm giác rộng rãi là nhờ bức tường có cửa sổ trông ra sông Hudson. Bà muốn bỏ những chiếc trường kỉ và ghế bành to bằng da màu hạt dẻ, nhưng nếu mua mới thì lại quá đắt. Họ vừa mới sắm được một tủ sách lớn ở cửa hàng Ethan Allan, trên đó họ đặt vô tuyến, giàn nhạc âm thanh nổi, và chỉ một vài vật trang trí: hai chiếc cốc to bằng pha lê Bohême, ba bình thủy tinh Ixraen, và hai tấm ảnh đóng khung đám cưới Alexandru và Marie, trên nền biển và núi đá xứ Bretagne. Không gì làm Helen khiếp sợ hơn là một căn hộ đầy những đồ mỹ nghệ - một căn hộ của người già.
Trong khi chờ Jacob ăn xong, bà uống một cốc Pepsi, quấn một cái khăn len to xù và ra sân thượng hút điếu thuốc đầu tiên. Bà ngắm phong cảnh không chán mắt - nước và những vách đá dựng đứng của New Jersey ở phía bên kia. Tiếng ì ầm thường xuyên vọng lên từ đường cao tốc dưới hai mươi chín tầng lầu. Ban đêm, xe cộ chạy vòng quanh Manhattan như một con rắn với ánh sáng ngoằn ngoèo. Một tháp Trump ở bên phải tòa nhà của họ đã hoàn thành và một tháp nữa đang vươn lên đúng phía đối diện. Sáng thứ bảy, công việc tạm ngừng. Do đó, người ta không nghe thấy tiếng búa máy.
Chẳng bao lâu nữa họ sẽ chỉ còn nhìn được một phần sông Hudson. Nếu chọn căn hộ tầng sáu, rẻ hơn một chút như Jacob muốn, họ đã không còn nhìn thấy gì nữa. Nếu bà nghe theo Jacob, họ đã không ở New York. Cách đây ba năm, khi Alexandru giục họ bán ngôi nhà ở New Jersey để dọn về Manhattan khi giá bất động sản còn phải chăng, bà đã phải nói mãi Jacob mới đồng ý. Ông sợ họ đã về hưu sẽ không đủ khả năng để sống ở Manhattan. Biết bao cuộc tranh luận đã nổ ra về tiền nong, thuế nhà đất và quỹ hưu trí! Ông đã hầu như thuyết phục được bà. Nhưng cuối cùng bà đã thắng. Mà Jacob cũng thấy sung sướng hơn nhiều. New York đáp ứng tốt hơn New Jersey cho nhu cầu của những người về hưu. Họ có thể đi bộ đến bảo tàng và các phòng hòa nhạc ở Trung tâm Lincoln, nơi mà chiều chiều họ đến nghe các buổi tập không mất tiền. Bà chỉ tiếc một điều: những chuyến du ngoạn cuối tuần ở thôn quê và những thành phố ở các bang lân cận. Họ đã phải bán xe. Ở Manhattan không thể đỗ xe và bảo hiểm thì lại quá đắt.
Khi bà trở lại phòng khách, Jacob đã tráng bát đĩa của bữa ăn sáng. Bà liệt kê danh sách cần mua trong khi ông mặc quần áo, đưa bà tới tận lối ra vào và khẽ khàng khép cửa lại. Mười một giờ thì Marie dậy. Trong khi cô ăn sáng, Helen cất ga trải giường. Chiều nay, Jacob sẽ đến chỗ máy giặt tự động của khu nhà. Đó là một trong những nhiệm vụ của ông, vì bà không thích xuống tầng hầm. Bà gấp chăn, cho vào bao bằng nhựa và xếp vào tủ tường ở phòng bà. Marie hiện ra ở ngay cửa, trong chiếc áo ngủ, tóc rối tung.
- Lẽ ra mẹ phải để con làm chứ ạ!
- Đừng ngại. Không hề gì.
- Con không tin nổi là chiều nay Alex đã về. Tám tiếng nữa nếu máy bay của anh không bị muộn! Mẹ sung sướng chứ ạ, Helen?
Mắt long lanh, cô cười và vui vẻ làm vài bước nhảy.
Sung sướng ư? Helen tự hỏi ở sân thượng, nơi bà ra hút một điếu thuốc nữa. Trời mưa bụi, mái sân thượng che cho bà. Bà hài lòng vì được gặp con trai, dĩ nhiên rồi. Tuy nhiên, mất hai mươi lăm giờ bay để chỉ ở lại New York có hai ngày? Hẳn là kiệt sức. Bà có thể nói gì với Marie? Bà không hiểu nổi cung cách sống ngày nay và cách thế giới được nhào nặn. Con trai bà đơn độc trong một đất nước xa xôi và lại là Hồi giáo nữa. Vợ nó một mình trong một thành phố nhỏ của Connecticut cách hàng nghìn cây số. Cả hai bất hạnh. Làm sao Helen có thể sung sướng? Phải chăng Alexandru không thể tìm được việc làm ở New York sau khi mất việc cách đây bốn năm vì công ty của nó đã bị một công ty lớn hơn mua lại? Nếu nó không có lựa chọn, Marie không thể sống cùng chồng ở Thổ Nhĩ Kỳ ư? Khi cô được nghỉ phép một năm và đến với Alexandru ở Thổ Nhĩ Kỳ, hai năm trước, Helen đã tưởng cuối cùng rồi chúng cũng ở cùng nhau và xây đắp một gia đình. Nhưng sau một năm, Marie đã trở lại Mỹ.
- Con không có quyền nghỉ làm hai năm liền, - cô đã giải thích với cha mẹ chồng. - Con có thể xin nghỉ việc, nhưng thế không phải ý hay vì chúng con sẽ cần đến lương và bảo hiểm y tế của con vào ngày Alexandru trở về Mỹ tìm việc làm - chắc sẽ không còn lâu đâu.
Hợp lý. Quá hợp lý. Helen đã không thể không nghĩ rằng Jacob và bà đã vượt qua mọi loại thử thách, nhưng luôn cùng nhau vì phải chăng đó là ý nghĩa của hôn nhân? Làm sao mà một đôi vợ chồng có thể sống cách xa nhau ở hai châu lục? Tất nhiên, bà đã không nói với họ điều mình nghĩ. Bà quá sợ mất con trai một lần nữa. Quá sợ Marie, như thể con dâu là một thần tượng toàn năng mà bà phải chinh phục bằng mọi cách. Marie và tình yêu của con trai đối với cô gái Pháp vẫn là một bí ẩn mà bà không còn muốn giải mã nữa.
Cho đến một cú điện thoại cách đây một năm, khi mà Marie đã trở lại Mỹ. Điện thoại đã reo vào một tối, khoảng mười giờ rưỡi. Helen và Jacob đã nằm trên giường và ngủ thiếp đi trước máy vô tuyến. Helen nhấc máy. Khi nghe thấy con dâu khóc nức nở, bà có cảm giác mình muốn đổ gục xuống. Ngay lập tức bà nghĩ tới điều tồi tệ nhất: một tai nạn, một cuộc mưu sát khủng bố trong khu nhà của tổ chức Soros nơi Alexandru làm việc. Tổ chức này giúp đỡ người Kurdes nên là một mục tiêu. Jacob tỉnh dậy, đã bật đèn và lo lắng nhìn bà. Helen không hiểu nổi Marie nói gì vì con dâu cứ khóc nấc lên và nói không rõ.
- Có chuyện gì vậy, Marie? Chuyện gì xảy ra vậy?
“Không có gì ạ” là câu trả lời mà cuối cùng bà nghe được. Marie khóc vì nhớ Alex khủng khiếp, và đã quá muộn để gọi cho anh vì chênh lệch múi giờ, cô không hiểu mình làm gì trong cái thành phố này của Connecticut, nơi cách xa người đàn ông cô yêu hàng nghìn cây số. Helen cũng không hiểu được. Bà nhận ra rằng Marie cũng là một nạn nhân, và ở cô cũng có sự dịu dàng và dễ bị tổn thương. Một câu mà con trai bà đã nói với bà cách đây ba năm trong lúc quá giận bỗng trở lại với bà: “Mẹ! Mẹ đã không bao giờ mở lòng người mẹ với cô ấy!”
- Sao con lại không đến New York vào cuối tuần để bớt cô đơn, Marie? - Bà đã bật ra nói. - Con là vợ con trai chúng ta. Con là con gái chúng ta. Nhà chúng ta là nhà con.
Marie đồng ý ngay. Từ một năm nay, mọi kì nghỉ cuối tuần, nếu không ở Istanbul, cô đều đến nhà cha mẹ chồng. Thứ năm, Helen nấu nướng để Marie được ăn món cô thích và mang phần còn lại về Connecticut. Sáng thứ sáu, bà đi mua một chiếc bánh mì tươi dài ở Fairway và chiều thứ sáu bà đẩy cái bàn thấp nặng bằng cẩm thạch ra để mở cái trường kỉ-giường, vì Marie không thích ngủ trên cái trường kỉ gấp. Bà phải tự xoay xở từ khi J acob bị đau lưng sau khi giúp bà. Marie đến, và năm phút sau ngôi nhà trở nên bừa bãi. Cô để áo khoác trên một ghế bành, mũ và khăn trên một ghế khác, sách và giấy của cô có ở khắp nơi. Cô hiếm khi ăn tối với họ. Cô tìm lại những người bạn hoặc những người Pháp qua lại để đi dự những cuộc hội luận, khai mạc triển lãm tranh, những cuộc tiếp tân hoặc lễ hội. Cô hiếm khi trở về nhà trước hai hoặc ba giờ sáng. Helen đã đưa cô một chìa khóa. Marie ở nhà họ như ở khách sạn. Buổi sáng, cô dậy muộn rồi đọc và sửa văn bản trong phòng khách một vài tiếng. Helen và Jacob không thể bật vô tuyến to vì tiếng động và thậm chí ánh sáng cũng làm phiền cô. Sau khi cô đi, Helen thường tìm thấy một khăn Kleenex kẹt dưới máy điện thoại hoặc sợi chỉ nha khoa vương trên thành chậu rửa mặt.
Ấy thế nhưng Helen vẫn trông ngóng những chuyến thăm của Marie, những cơn lốc đảo lộn trật tự ngôi nhà và nhịp sống của họ. Khi nghe thấy chuông kêu và mở cửa cho cô, bà biết rằng Jacob và bà không cô đơn trên đời này. Họ có một đứa con trai, một cô con dâu, tức là một gia đình. Và Helen bắt đầu hiểu Marie - hoặc đúng hơn là chấp nhận sự khác biệt. Bà đã thấy Marie chờ đợi Alexandru ở New York. Bà đã thấy Marie chuẩn bị đi Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đã thấy Marie trở lại từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đã thấy Marie tối chủ nhật, sau khi Alexandru ra sân bay. Không còn chút nghi ngờ nào trong tâm trí Helen: Marie yêu Alexandru và muốn được ở bên anh hơn mọi thứ trên đời. Cô không có tình nhân - nếu không thì tại sao cô lại chọn ngủ ở nhà cha mẹ chồng? Và dẫu sao thì cô vẫn có thể vui chơi với bạn bè ở New York. Helen khâm phục con dâu có một cuộc sống độc lập, nhiều hoạt động xã hội và văn hóa. Đó là một cuộc sống mà Helen ưa thích.
*
Nằm ngửa, đầu tựa vai Alex, Marie ngắm nhìn căn phòng có kê những cái giá sách và một cái tủ hiệu Ikea trắng. Chăn cũng trắng, trắng như là những tấm rèm cửa mà Helen đã may mùa thu này. Tất cả đều màu trắng thật đẹp. Cô hít mùi Alex trộn lẫn với mùi nước thơm cây hương bài anh bôi sau khi cạo râu. Yêu nghĩa là yêu mùi của người kia ở hố nách, cô nhớ đã đọc điều này ở đâu đó. Cô vuốt ve bụng và khuôn ngực khỏe mạnh phủ những sợi lông đen mịn của anh.
Cô nghĩ có một điều nghịch lý nào đó khi làm tình ở trên giường của cha mẹ chồng. Cô đã quên sự điên rồ của họ cách đây năm năm chưa nhỉ? Trong bốn năm, cô không tin họ. Khi Alex mất việc làm và nợ nần đã bắt đầu chồng chất, chỉ quẫn bách lắm có lẽ cô mới nói với Helen và Jacob về khó khăn tài chính và cuộc sống vợ chồng của họ. Cô có cảm giác họ luôn âm thầm mong vợ chồng cô đổ vỡ. Thế mà bây giờ họ lại là hai người gần gũi nhất của cô trên lục địa này. Gia đình anh, cô có thể tin tưởng trăm phần trăm. Cha mẹ Alex là những người duy nhất anh nhớ giống như nhớ cô và họ có thể hiểu được cô. Hai con người này đã hầu như hủy hoại cuộc đời cô nhưng cũng là những người hiền lành, nhiệt tình và hiếu khách nhất. Marie không tìm cách lý giải. Cô chỉ thừa nhận điều đó. Cách đây một tháng, đúng sau chuyến về thăm nhà gần nhất của Alex, cô đi mua hàng với Helen. Bà dẫn cô đến một cửa hiệu quần áo da. Marie đã thử một chiếc áo vét bằng da màu đen thắt eo, vừa với cô đến mức cứ như được may đo cho cô. Áo giá bảy trăm đô la. Marie chưa bao giờ mua cho mình một cái áo đắt như vậy và cô cũng không có một món tiền như vậy để tiêu. Hơn nữa, cô đang cố để có thai - thậm chí cô hi vọng đã có từ hôm trước rồi - và nếu vậy, sau một tháng nữa, cô sẽ không thể cài khuy áo vét này được. Tuy nhiên, có lẽ cô phải tiêu bảy trăm đô la này, chịu hi sinh món tiền này để có thai chăng? Cô vừa tự ngắm mình trong gương vừa kéo da áo để thử xem liệu có vừa vặn cho một cái bụng chửa nho nhỏ không thì Helen đã nói với cô: "Này Marie, để mẹ tặng con cái áo ấy. Coi như quà năm mới tặng trước. Con mặc vừa lắm mà!" Theo bản năng, Marie cảm nhận được rằng Helen đã đoán được ý nghĩ của cô và muốn mua cho cô cái áo vét để bù đắp cho việc chưa có em bé.
Rèm cửa đã kéo nhưng vải tương đối mỏng nên Marie vẫn nhìn thấy như trong kịch cái bóng Trung Hoa hình dáng tròn tròn của mẹ chồng ngoài sân thượng phía bên kia cửa sổ. Một mùi thuốc lá thoang thoảng lọt vào phòng qua điều hòa nhiệt độ. Marie nhăn mũi. Điều duy nhất ở Helen còn làm cô khó chịu là bà thường hút thuốc buổi sáng với mùi rất khó chịu. Alex khẽ ngẩng đầu lên.
- Ồ, đừng dậy vội thế! Đang rất khoan khoái mà anh.
Anh mỉm cười.
- Xin lỗi em yêu, nhưng anh phải đi tiểu.
Anh đứng lên và cô nhìn anh mặc quần dài. Cô thích đôi vai cơ bắp cuồn cuộn của anh, nước da sẫm hơn của anh so với da cô.
- Có triển lãm Jackson Pollock mới mở cửa ở MOMA. Anh có muốn đi không, Alex? Đã lâu rồi chúng mình không vào bảo tàng.
- Anh rất thích, nhưng anh phải đi.
- Bây giờ á? Mới trưa mà.
- Chuyến bay của anh là mười sáu giờ mười.
- Sao anh không đi chuyến chín giờ tối như mọi khi?
- Anh có hẹn ở Ankara vào sáng mai.
- Gì cơ? Em cứ tưởng chúng mình còn cả buổi chiều nay, thế mà anh đi à?
- Anh đã bảo em rồi mà.
- Không, anh đã không nói với em! Nếu có, em phải
Anh vứt cái túi xuống đất và ra khỏi phòng. Marie biết anh đi đâu: hút một điếu thuốc, như mỗi lần cô trách anh. Cô khoác vội quần áo ngoài và theo anh ra sân. Mẹ anh đang ở đó, ngồi trên cái ghế nhựa trắng của bà. Helen nói bằng tiếng Rumani với Alex, anh hút một trong những điếu thuốc dài của mẹ. Marie vẫn đứng gần cánh cửa kính và nhìn anh không nói gì. Anh ngoảnh lại phía cô, cau mày.
- Thôi đi, Marie. Thái độ của em làm mọi việc khó khăn hơn. Đấy không phải lỗi của anh, nếu anh phải làm việc.
- Nhưng tại sao anh đã không thèm nói với em là anh phải đi sớm hơn?
Cô biết Alex nổi giận vì cô trách móc anh trước mặt mẹ, như thể cô đã không nhớ bài học của mình. Cô cũng biết rằng anh đã chấp nhận ở trên máy bay hai mươi lăm giờ để kịp gặp cô vào ngày tháng phù hợp trong khi anh bận tối mắt tối mũi, chỉ vì cô rất mong muốn có em bé. Tuy nhiên, cô giận vì anh đã không nghĩ tới việc cho cô biết giờ phải ra đi, và thấy buồn vì anh đi, một nửa tiếng nữa là anh không còn ở nhà nữa, vì chuyến về thăm nhà của anh kết thúc bằng sự cãi vã, và họ sẽ lại xa nhau sáu tuần nữa.
- Đừng nói với Marie bằng cái giọng ấy, Alex. - Helen bỗng nhiên xen vào - Con không biết nó phải chịu đựng thế nào đâu. Nó nhớ con kinh khủng. Nó rất can đảm đấy.
Alex bĩu môi như thể một bé trai bị mắng sau khi làm một điều dại dột. Bị hai người phụ nữ, vợ và mẹ, chống lại thì anh còn biết nói gì được. Marie nhìn Helen và mỉm cười với bà, ngạc nhiên thấy mẹ chồng bảo vệ cô và đứng về phía cô chống lại chính giọt máu của bà. Lần đầu tiên giữa họ có một sự đoàn kết của phái nữ.
*
Điện thoại đánh thức bà dậy vào bảy giờ sáng. Helen giật mình, đưa tay nhấc máy. Khi nhận ra giọng con trai, bà đoán được chuyện gì xảy ra. Bà ứa nước mắt.
- Chúc mừng các con!/Mazel tov!
Jacob nghiêng mình nhỏm dậy và nhìn bà với vẻ dò hỏi.
- Một bé gái, bà nói. Tên là Camille. Cháu sinh đêm qua, vào mười một giờ rưỡi.
Marie đã chắc sẽ là một cậu bé. Một bà thấu thị đã tiên đoán với cô vậy, cũng như tất cả những người mà cô từng gặp, vì cái bụng chửa to của cô chĩa về phía trước. Họ đã chọn một cái tên Rumani là Liviu. Helen hài lòng vì đó là một bé gái.
Một giờ sau, Jacob và Helen đã ở Grand Central để đi tàu tới thành phố nhỏ Connecticut. Đến ga, họ đi taxi thẳng đến bệnh viện. Mười phút sau đó, cháu gái với tên đầy đủ là Camille Elena Elvire Tibb đã nằm gọn trong tay bà. Helen không nghĩ cháu nhẹ đến thế. Bà nhẹ nhàng ấp vào bộ ngực to bự của mình đứa trẻ sơ sinh bé xíu quấn tã bệnh viện và ru nó. Bà ngạc nhiên vì cháu gái có nước da sáng, tóc vàng và mắt xanh.
- Bé giống con, Marie ạ, - bà nói với con dâu đang dõi theo bà, còn mệt mỏi sau hai mươi ba giờ ở cữ - Và đường nét rất thanh mảnh! Nó xinh lắm.
Marie mỉm cười. Helen dịu dàng nói với cháu bằng
tiếng Anh.
- Sao mẹ không nói với cháu bằng tiếng Rumani?
Marie hỏi.
- Ồ không. Mẹ không thể. Nó là người Mỹ mà.
Trước khi ra về, Helen bỏ ra ba giờ liền trong căn hộ mà Alex và Marie thuê lại gần trường đại học để cọ rửa bếp và phòng tắm, hút bụi, xếp lại quần áo vứt bừa bãi, giặt giũ, và để vào tủ lạnh tất cả những món ăn mà bà đã nấu từ New York.
Điện thoại reo vào buổi sáng ngày thứ năm, khi mà Marie và Camille đã rời bệnh viện được hai ngày. Helen nhấc máy và nghe thấy con dâu khóc. Bà lạnh người.
- Marie hả? Bà thầm thì bằng một giọng yếu ớt.
- Xin lỗi mẹ. Không phải về Camille đâu, cháu khỏe ạ. Mà là, mẹ đẻ con mai sẽ đến và con sợ quá! Con chắc chắn mẹ con sẽ buồn chán khi ở đây. Con sợ bà sẽ làm lây buồn chán sang con. Con sợ bà sẽ nói gì đó để rồi mãi mãi con không thể tha thứ được. Con không muốn gặp mẹ con. Con chỉ muốn được yên ổn và chơi đùa với em bé của con! Không phải con bị trầm cảm sau khi sinh đâu ạ. Nếu mai mẹ con không đến, mọi cái sẽ đều ổn cả!
Marie khóc nấc lên. Helen nghĩ tới mẹ mình, tới hậu quả tai hại của một lời nói châm chọc hoặc chỉ là vô tình. Bà thấy mẹ của Marie quá thanh lịch, quá Paris, rất hiểu biết và thuộc giới thượng lưu, không hề phù hợp với cái thành phố nhỏ bé Connecticut này. Bà nói với Marie những lời an ủi đột nhiên đến như thể từ khi có Camille, Marie đã là con gái bà vậy.
- Đừng khóc con, Marie, - bà nói bằng một giọng đầy trìu mến - Mẹ chắc mọi cái sẽ ổn cả thôi. Đó là mẹ đẻ con. Bà yêu con. Con là con của bà. Bà đến thăm con và thăm em bé của con. Có lẽ mẹ con cũng lo sợ y như con bây giờ vậy. Bà chắc sợ làm con thất vọng.