Tương Lai Xán Lạn Chương 10


Chương 10
1990 Phương tây bay lên

Máy bay hạ cánh trước sáu giờ sáng một chút. Họ nhận lại hành lý, rồi Alex đổi tiền trong sân bay nhỏ hầu như trống rỗng và để Marie ở một góc với hành lý. Năm phút sau, anh trở lại cùng với một ông già tóc trắng. Ông hôn tay Marie và nói với cô những lời chào mừng bằng tiếng Pháp trau chuốt. Họ lên taxi về Bucarest. Họ đi qua thành phố, trống rỗng và tĩnh lặng trong ánh sáng rạng đông.

- Đây là quảng trường nơi cách mạng đã diễn ra, người tài xế nói.

Cô mở to mắt. Quảng trường yên ắng và hoang tàn. Tài xế chạy khoảng mười hoặc mười lăm phút thì đến một khu gồm những dãy nhà ở tầm tầm kiểu Xô viết xây hai bên một đại lộ rộng. Ông dừng xe. Mọi người xuống xe. Alex xem xét những tòa nhà rồi hướng dẫn họ đi giữa những khối bêtông hình chữ nhật giống nhau như đúc. Anh rẽ trái, rồi rẽ phải và dừng lại trước một khối chữ nhật ấy. Ô kính cửa ra vào bị vỡ, và mảnh kính nằm rải rác trên nền bụi bặm, giữa đám cỏ dại mọc xen kẽ.

 

- Coi chừng những mẩu kính vỡ, Marie.

Tiền sảnh có vẻ xập xệ với những hộp thư bằng kim loại méo mó và sơn xám tróc vảy. Anh ấn nút thang máy, không thấy động tĩnh gì. Anh lại ấn, rồi thở dài. Họ phải xách hành lý lên những bậc thang bêtông. Thấm mệt, cô thấy sao nó nặng thế. Anh dừng lại trước một khuôn cửa ở tầng bốn và bấm chuông. Họ đợi một hoặc hai phút.

- Anh chắc là đúng rồi chứ, Alex?

- Ờ.

- Chắc là họ ngủ và không nghe thấy tiếng chuông cửa?

- Có lẽ vậy.

Anh gõ gõ vào cửa cho dù có thể làm thức giấc những người cùng tầng.

- Nhưng mà làm sao anh có thể chắc chắn là ông bà còn ở đó, Alex? Đang mùa hè, họ có lẽ đang ở nhà bạn bè ở nông thôn? Lẽ ra anh phải gọi cho họ trước để báo chúng ta sắp đến!

- Đừng lo. Họ chẳng đi đâu bao giờ. Nếu anh gọi cho họ từ trước, họ sẽ không ngủ yên cho tới khi chúng ta đến.

Anh lại bấm chuông và đập cửa. Nhiều phút trôi qua. Việc thiếu liên lạc trong gia đình Alex là điều mà Marie không tài nào hiểu nổi. Anh đã không gặp ông bà từ bảy năm thế mà lại tin rằng sẽ gặp lại họ ở nơi anh đã rời xa họ.

- Phải làm sao bây giờ hả, Alex? Thật phi lí! Bọn mình đến để thăm họ cơ mà!

Đúng vào lúc ấy, họ nghe thấy tiếng động. Những bước chân. Có ai đó sau cánh cửa. Một giọng người già cất tiếng hỏi.

- Sunt Alexandru! Alex kêu lên.

Có tiếng thì thầm sau cửa. Những bước chân xa dần.

- Họ đang làm gì đấy nhỉ? Tại sao họ không mở cửa?

 

Hẳn là họ phải đi mặc quần áo.

Họ lại chờ thêm mười phút nữa. Alex đứng còn Marie ngồi trên những bậc thang xi măng. Cửa mở. Trước mặt họ là hai ông bà già thấp bé: bà mảnh khảnh với búi tóc trắng, khuyên tai vàng và bận một chiếc váy kiêm tạp dề có hoa, còn ông vai rộng với đầu và cặp kính to bự. Bà lão lao tới Alex và vừa ghì chặt anh vừa khóc. Bà cũng ôm chặt Marie và gọi tên cô như thể bà quen cô từ trước. Marie theo Alex và ông bà anh vào một phòng khách hẹp, chứa đầy bàn ghế và đồ đạc. Alex nói bằng tiếng Rumani với ông bà rằng ban đêm họ đã không ngủ và vợ anh mệt. Bà anh biến mất vào phòng và năm phút sau, Marie nằm trong chăn ga sạch sẽ.

- Em ngủ đi, Alex nói. Anh ngồi với ông bà một lát rồi


vào sau.

Căn phòng nhỏ kê chiếc giường to có thành bằng gỗ chạm, một tủ nhỏ trang trí mạ vàng và một tủ to cùng loại gỗ với thành giường chồng chất các hộp cáctông đến tận trần nhà. Không khí không lưu thông được mặc dù cửa sổ mở. Cực kì ngột ngạt và Marie vã mồ hôi, lả đi vì nóng. Cuối cùng cô cũng ngủ được và khi mở mắt ra thì đã thấy Alex nằm cạnh. Bàn tay sẫm màu của anh với những ngón dài đặt ở giữa họ. Chiếc nhẫn vàng đeo ở ngón tay làm anh trông nữ tính đi. Anh vẫn phàn nàn rằng nó làm anh ngứa ngáy. Cô ngắm khuôn mặt anh, đẹp ngay cả trong lúc ngủ. Người đàn ông này là chồng cô. Họ đang ở Bucarest. Cô thấy hạnh phúc tràn trề.

Một giờ chiều, họ ngủ dậy và đến bàn ăn ngay. Bà Alex đã mở chiếc bàn gấp kê ở phòng khách, giữa trường kỉ và những cái ghế bành. Bà đã nấu nướng trong khi họ ngủ. Bàn xếp đầy thức ăn: cà chua và dưa chuột thái lát mỏng, cà tím nghiền, ớt ngọt nướng, bánh mì, bánh ngọt...

 

- Bà kiếm đâu ra những thứ này hả, Alex? Em tưởng là ở Bucarest thiếu thốn lắm kia mà?

- Ở chợ đen. Sáng sớm nay, sau khi chúng ta đến, bà đã
đi chợ.

Marie đã thấy no sau khi ăn một đĩa sa lát và mấy miếng bánh ngọt rất mềm thì bà lại mang từ bếp ra một con ngỗng quay và món khoai tây nướng với kem và tiếp cho cô một phần đáng kể. Marie nuốt chầm chậm, từng miếng một. Ngay khi cô ăn hết, bà Alex lại cầm ngay lấy đĩa, thìa lăm lăm trên tay. Marie kiên quyết lắc đầu.

- Không ạ, không ạ! Cháu cảm ơn! Cháu không đói
nữa ạ!

Nhưng bà lão đã xúc tiếp cho cô.

- Alex ơi, anh nói với bà là ngon lắm, nhưng quả thực em không thể ăn nữa.

Sau khi trao đổi với bà bằng tiếng Rumani, anh quay lại phía Marie.

- Xin lỗi, Marie. Bà cho rằng em cần lấy lại sức sau chuyến đi. Anh chịu thôi.

Ông Alex lấy một chai rượu bám đầy bụi ở đáy tủ. Đó là tsuica làm thủ công, rượu mận, đồ uống dân tộc. Cô không hề thích rượu, nhất là rượu mạnh, mà lại uống vào buổi sáng nữa chứ, nhưng, đọc trong mắt Alex, cô hiểu nếu không chạm cốc cô sẽ làm mếch lòng ông bà anh một cách trầm trọng. Cô nín thở uống. Bữa ăn trở thành cực hình. Alex kể về đám cưới của họ ở Bretagne và cho xem ảnh. Họ chạm ly mỗi thành viên trong gia đình, ở New Jersey, ở Paris, ở Haïfa, ở Bretagne. Sau lần chúc thứ năm, Marie đã thuộc lòng lời chúc mừng:


"Sănătate lui tata si mama lui Alex si lui Marie, si casă de piatră, si fericire..."

Cô học thành ngữ "casă de piatră", có nghĩa là "ngôi nhà bằng đá", một lời chúc rượu cho cô dâu chú rể, chúc họ hôn lễ bền lâu.

Bà nhìn cô, đưa hai ngón tay lên miệng mình và nói: "Papă, papă, papă!"

Đó là từ dùng để dỗ cho trẻ con ăn. Bà thấy Marie quá gầy. Bà hỏi Alex khi nào thì họ có em bé. Marie hiểu bập bõm. Alex dịch cho cô chỗ chưa hiểu. Cô đau bụng và có cảm giác lo âu. Khi vào phòng vệ sinh, cô mới hiểu tại sao Alex đã bỏ vào hành lý của cô những cuộn giấy vệ sinh, vì dưới sàn chỉ có những mảnh giấy báo xé sẵn.

Họ ở trong phòng khách cả buổi chiều. Sau khi uống cà phê, bà dọn bàn còn ông thì lấy ra cỗ bài. Ông dạy họ một vài trò chơi. Họ mới chơi được một giờ thì bà đã trở lại bày bàn. Đã đến giờ ăn chiều. Họ lại ăn và uống. Đêm buông xuống. Họ mở những gói quà. Hàng chục gói mà bà đã chuẩn bị từ nhiều năm cho Alex và vợ tương lai của anh. Marie nhận thấy mình chiếm giữ một vai trò hiện hữu từ lâu trước khi cô gặp Alex. "Frumos!" cô lặp lại sau khi hỏi Alex từ "đẹp" là gì. Cô bị co cứng cơ gò má vì cười nhiều. Có những chiếc áo chui màu be không ra hình thù gì mà bà đã đan bằng loại len kém chất lượng. Một cho anh, một cho cô. Những đôi dép quá cỡ mà muốn đi vừa phải nhét thêm vào những nắm giấy báo, những khăn lót đĩa thêu tay, những khăn trải bàn cần phải giặt là sau mỗi lần dùng trong khi ngay cả bàn là họ cũng không có, một tấm thảm lớn bằng sợi tổng hợp màu xanh lá cây để treo lên tường phòng khách và giữ nhiệt, những thứ đồ vô dụng trong đó có một tác phẩm điêu khắc xấu xí, pho tượng cậu bé to như thật, nặng đến mức người ta đoán nó được làm bằng chì.

- Một đứa trẻ, bà nói bằng tiếng Pháp.

- Bằng đá, ông cười nói thêm, trước đó ông đã đố họ biết nó làm bằng chất liệu gì.

Phải đến mười một giờ đêm họ mới được về phòng ngủ mà ông bà nhường cho, còn ông bà thì ngủ trên những chiếc trường kỉ ngoài phòng khách. Khi Alex và Marie tỉnh dậy vào chín giờ sáng, bàn ăn đã sẵn sàng. Phải ngồi xuống, ăn, uống và chạm cốc.

Marie không biết cô chờ đợi gì từ chuyến đi Bucarest, về quá khứ của Alex, trong một đất nước vừa trải qua một cuộc cách mạng. Nhưng không phải thế này. Không phải hai ông bà già thấp bé mà cô thấy không có gì giống Alex và họ như có vẻ không biết rằng một cuộc cách mạng đã diễn ra trong chính đất nước họ. Cô không thể tin rằng họ chính là ông bà ngoại của Alex, là cha mẹ của mẹ anh. "Đó chính là gốc gác của anh", cô vừa nhủ thầm vừa ngắm căn hộ nhỏ chứa đầy ảnh và kỉ niệm thời thơ ấu của Alex, chúng tạo thành một ban thờ, nơi họ tôn thờ anh, bản sao trớ trêu của ban thờ mà cô vẫn mang trong tim mình. Trong phòng khách, trên vô tuyến, thậm chí còn có một vòng hoa hồng cũ kĩ bằng nhựa phủ bụi mà anh đã nhận được khi là thiếu niên tiền phong tham gia đào hố trong công viên Cismigiu. Đó là giải thưởng cho người đào đất cừ nhất. "Ceausescu đã bắt tay nó", bà tự hào tiết lộ.

- Cháu đã bắt tay Ceausescu, thật không? Thế mà cháu chẳng bao giờ kể cho bà!

Bà cười. Alex nhún vai, khó chịu, không cười.

 

Ngày thứ ba, rồi họ cũng rời căn hộ để đi thăm thành phố. Họ đi tàu điện ngầm đến tận trung tâm. Hành trình kéo dài gần một giờ. Họ dời ga ở một đại lộ có những tòa nhà xấu xí bằng bêtông kế tiếp nhau, rồi đi vào một đại lộ rộng không bóng râm mà hai bên là những tòa nhà mới bằng đá trắng lấp lánh dưới nắng mặt trời, vượt qua những thảm cỏ rộng khô khốc để đến cung Nhân dân hoành tráng, trắng như một cái bánh ngọt phủ kem đông lạnh.

- Khá đẹp, Marie nói bằng tiếng Pháp.

- Im đi, Alex ra lệnh.

Cô sửng sốt nhìn anh.

- Ceausescu đã san bằng cả một khu phố để xây cái cung của kẻ mắc chứng vĩ cuồng này đây, Marie. Ông ta đã phá hủy những nhà thờ Barốc giống như những đồ trang sức xinh xinh, những nhà thờ Do Thái, một mê cung những phố nhỏ và những nhà cổ. Không bao giờ được nói từ beau(1). Ở đây, người ta cũng nói tiếng Pháp đấy.

Cô xin lỗi anh, nhưng Alex sẵng giọng đã làm cô tự ái. Có phải lỗi tại cô khi anh sinh ra trong một đất nước bị một tên bạo chúa nắm quyền trong hai mươi năm đâu? Tại sao anh lại trách cô dửng dưng? Sau khi đi vòng quanh cung điện rộng lớn còn dang dở, họ trở lại quảng trường Đại học, nơi mà những dấu vết duy nhất còn lại của cuộc cách mạng là một vài hình chữ thập trắng với những bức ảnh dựng lên ở giữa đại lộ. Cô đọc hàng chữ: "Jos dictatorul!". Alex chỉ cho cô những lỗ đạn bắn trên những bức tường của thư viện. Đi bộ dưới ánh nắng trời tháng Tám quả là kiệt sức. Nhiệt độ ít nhất lên đến bốn mươi độ. Cô theo anh đến tận một khu trống rỗng giữa hai tòa tháp bêtông. Anh chỉ lên một tầng trên cao:

- Nhà anh đã ở đây, trên tầng chín.

Cô ngồi lên một cái đu hoen rỉ.

- Anh từng có một bộ sưu tập các mô hình máy bay, - Alex tiếp tục nói bằng giọng rầu rầu, đầu ngẩng cao về phía cái cửa sổ cũ của anh. - Các đồng nghiệp của hai cụ đã mang chúng về cho anh từ Tây Âu. Anh đã phải bỏ chúng lại khi cả nhà ra đi.

Cô muốn nói gì đó nhưng cơn khát đã làm cạn nguồn tưởng tượng của cô.

- Anh đã chơi ở trong khu này à?

- Ờ. Khi lên sáu, anh đã bị ngã từ trên cầu trượt xuống. Mẹ đã chạy đến tận bệnh viện. Anh đái ra máu. Anh còn cái sẹo trên thái dương đây này.

Anh chỉ cho cô một vệt hồng nhỏ trên thái dương mà cô chưa bao giờ nhận thấy.

- Alex, mình có thể đi uống cái gì được chứ? Em chết khát mất.

Anh sững lại. Hẳn anh đã nhận ra vẻ mất kiên nhẫn trong giọng nói của cô.

- Marie, anh đã cảnh báo em rằng đi Bucarest chẳng có gì hay ho cả cơ mà.

Thực vậy, chính cô đã nài nỉ để được khám phá cái thành phố nơi anh sinh ra, nơi ông bà anh sống, nơi mà một cuộc cách mạng đã xảy ra mùa đông vừa qua. Anh đã nói với cô đừng viển vông và sẽ chẳng có gì để xem cả. Cô đứng lên.

- Đi uống cái gì đi anh.

Họ im lặng bước, anh trước, cô sau, cho đến tận một cửa hàng giải khát với những cái bàn kê trong vườn. Họ ngồi trong bóng râm của một cái cây. Một vài đôi đang uống bia. Người phục vụ đi ngang qua nhưng không để ý đến họ.

- Tại sao anh không gọi anh ta hả, Alex?

- Anh ta đã thấy chúng ta rồi. Phải kiên nhẫn. Ở đây là vậy đấy.

Anh hình như đang bực, không phải với người phục vụ không quen biết mà với cô, người đã không hiểu tập quán nước anh. Dù tức cô vẫn nín lặng. Quá khứ của Alex là một bãi mìn mà chỉ cần một lời nói của cô thôi cũng đủ phát nổ. Họ chờ đợi mười lăm phút không nhìn nhau, có vẻ còn xa cách nhau hơn cả quãng thời gian suốt năm mỗi người ở một bên bờ đại dương. Cuối cùng, người phục vụ cũng đến bàn họ. Anh ta trao đổi ngắn gọn với Alex bằng tiếng Rumani. Alex đứng lên.

- Anh đã gọi một coca cho em chưa, Alex?

- Họ đóng cửa. Mình phải đi thôi.

- Sao cơ? Mình đã đợi nửa tiếng rồi cơ mà! Không được! Em phải bảo anh ta!

Alex cầm cổ tay cô giữ lại. Ngón tay anh siết chặt như một cái kẹp bằng sắt.

- Họ đóng cửa vì chẳng còn gì để uống nữa, Marie.

- Không còn gì à? Anh nói gì thế?

- Không còn gì. Không còn coca, không còn nước ngọt, không còn bia, ngay cả nước cũng thế.

Anh có vẻ kìm chế. Cô nhận ra rằng anh không giận, nhưng buồn. Họ đi ra và lại im lặng bước, người này sau người kia, trên đường phố ngột ngạt. Ở Rumani, Alex có dáng vẻ của người Rumani. Anh có cùng bộ tóc đen và lưỡng quyền rộng như đồng bào mình. Anh không còn là kẻ xa lạ quyến rũ mà cô từng chết mê chết mệt. Khi trở lại thư viện, cô nhìn những cái lỗ trên tường. Không thể tưởng tượng có người chết ở đây dưới làn đạn. Cổ họng cô cháy bỏng. Họ vào một cửa hàng khác có bán thứ đồ uống duy nhất là một loại sirô pha nước mà Alex không dám để cô uống, sợ nước không sạch. Trên tàu điện, trong một tiếng liền, họ không nói với nhau lời nào. Ngay khi về nhà ông bà, cốc nước mát đã làm cô tỉnh hẳn người.

Hôm sau, cô hài lòng ở lại suốt ngày ăn uống và chơi bài trong căn hộ nhỏ sạch sẽ và tương đối mát mẻ, khác hẳn những phố phường bụi bặm ở trung tâm. Sự hiền lành của ông làm cô nguôi ngoai và cô ngấu nghiến ngon lành những món ăn tuyệt diệu mà bà nấu, như thể dạ dày cô đã phình ra trong ba ngày. Buổi chiều, như muốn xóa đi sự căng thẳng giữa họ, Alex và cô lui vào phòng ngủ. Họ đang làm tình, Marie đang cưỡi lên Alex thì bà vào không gõ cửa. Bà vẫn tiếp tục lải nhải không hề lúng túng tí nào khi nhìn thấy cảnh hai tấm thân trần truồng.

"Bà ra ngay!" Alex hét lên bằng tiếng Rumani.

Bà đủng đỉnh đi ra. Alex đẩy Marie ra, quay nghiêng rồi trở dậy mặc quần áo. Anh có vẻ giận dữ. Marie ngây ngất vì khoái lạc và rất ngượng vì bị bắt gặp trong một tư thế dung tục như vậy, nhưng lại phá lên cười khi nhìn thấy bà đang đứng ở đuôi giường tiếp tục ba hoa như thể chứng kiến việc sản xuất em bé là điều bình thường.

- Buồn cười thật đấy.

- Không. Bà vẫn luôn như thế, không hề tôn trọng sự riêng tư của người khác. Anh rất yêu ông, ông hiền lắm, nhưng bà làm anh tức điên. Khi anh bé, vẫn vậy đấy. Người mà anh yêu, là cụ bà anh.

- Người mà anh mang tên?

- Ờ.

 

- Dù sao chăng nữa, đó không phải là bà thực sự của anh, vì mẹ anh là con nuôi. - Thực ra, cũng không rõ nữa.

- Sao vậy?

- Một bạn gái của ông bà anh trước đây đã nói với mẹ rằng họ là cha mẹ thực của mẹ. Mẹ đã được thai nghén trước đám cưới nên để cứu vớt danh dự, mẹ của mẹ đã đi về nhà chị gái ở nông thôn, ở Bessarabie để sinh nở. Khi chị gái bị tai nạn xe, bà đã lợi dụng cơ hội đó để giành lại con gái và nhận làm con nuôi.

Marie sửng sốt. Cô không tài nào tưởng tượng được rằng bà lão nhỏ thó, lặp đi lặp lại "Papă, papă, papă!" lại là nhân vật nữ chính lãng mạn bí mật sinh một đứa trẻ ở tận cùng làng quê.

- Chuyện kì lạ thật! Thế nhưng, đó là mẹ của mẹ hay không phải?

- Mẹ anh đã không bao giờ có thể hỏi bà. Mẹ không biết. Đó là một trong những lý do mẹ không muốn gặp lại bà.

Marie ngượng ngùng nhớ lại lúc cô hỏi mẹ chồng liệu bà có muốn trở về nước như khách du lịch vì biên giới đã mở trở lại. "Không", Helen đã đáp không chút lưỡng lự, nét mặt đanh lại. Một cái nhìn của Alex làm Marie hiểu không nên xoáy sâu thêm nữa. Đối với Marie, thái độ của Helen là một bí ẩn. Tại sao người ta có thể không nhớ nhung gì đất nước quê mình? Tại sao người ta có thể giận cha mẹ mình tới mức không muốn gặp lại họ một lần trước khi họ quy tiên? Helen gọi điện thoại, đều đặn gửi tiền và thuốc thang cho họ, nhưng bổn phận con cái chỉ dừng lại ở đó. Marie bắt đầu hiểu.

Buổi tối, họ đi thăm bạn gái thuở thơ ấu của Alex là Pusha. Pusha vẫn luôn ở cùng gia đình, cha mẹ và ông bà trong căn nhà kề với nhà mà Alex đã ở cùng với ông bà và cụ bà cho đến khi năm tuổi. Họ ăn cùng loại bánh ngọt, nếm cùng loại rượu mận và lại cùng chạm cốc chúc sức khỏe của tất cả thành viên trong gia đình các bên. Người phụ nữ trẻ cho một em bé vài tháng tuổi bú, bé bị quấn tã chặt như xác ướp để ngăn không cho mút tay, má đỏ ửng vì hét và gắng cử động hai cánh tay bị buộc. Cũng như gia đình mình và ông bà của Alex, Pusha cho rằng cuộc sống dễ chịu hơn dưới thời Ceausescu. Trước đây, ít ra những người du cư không xâm phạm khu phố của họ. Họ tán thành quyết định của Iliescu, tổng thống mới được bầu vào tháng Năm với đa số 85% mà phương Tây tố cáo là một kẻ gian lận, đưa công nhân mỏ đến đập vỡ sọ bọn lưu manh ở Bucarest. Alex gắng giải thích cho họ rằng "bọn lưu manh" ở đây thực ra là những sinh viên và trí thức đòi dân chủ và không muốn cách mạng bị đánh cắp.

- Tốt hơn là họ nên làm việc thay vì lang thang trên đường phố, - ông Pusha kết luận, ông Alex tán thành.

Tối ấy, khi trở về, Alex rất u uất.

Buổi tối cuối cùng, họ đi uống ở khách sạn Intercontinental với người bạn thân nhất của anh ở trường tiểu học, Razval, hiện là một thanh niên cao ráo đã có vợ và là cha của hai con trai bé bỏng. Nhìn anh ta, Marie tưởng tượng hình ảnh của Alex nếu không rời đất nước. Razval và vợ anh diện những bộ đẹp nhất. Quần áo họ bằng sợi tổng hợp với họa tiết nhiều màu và kiểu cắt không đối xứng, xấu đến nỗi che lấp cả vẻ duyên dáng của khuôn mặt họ. Người phụ nữ trẻ với mái tóc quá vàng nói với họ về bảy lần nạo thai bất hợp pháp của chị, về mánh lới để có được sữa bột ở chợ đen, và nhất là về sự hằn thù của chị với đứa con trai thứ, mới sáu tháng tuổi:

- Nó sinh ra vào ngày cách mạng. Tôi đã không thể xuống đường. Sự kiện quan trọng nhất đời tôi, tôi đã nhỡ vì đứa trẻ này. Tôi biết không phải lỗi tại nó, nhưng tôi không thể tha thứ cho nó. Tôi không yêu nó.

Vẻ ngây thơ và đôi mắt lấp lánh ánh lửa làm cho sự thú nhận của chị không có vẻ gì khủng khiếp cả. Quyền tự do mới khiến chị sướng phát điên. Chị chỉ chờ đợi một điều: những quyển hộ chiếu sẽ cho phép hai vợ chồng chị vượt qua biên giới và khám phá Tây Âu, để lại con cái cho cha mẹ chị trong một vài tháng. Họ đã để dành được ba trăm đô la. Alex và Marie viết cho họ giấy mời sang Pháp, sẽ giúp họ xin thị thực nhưng không nỡ nói với họ rằng trên đường chỉ cần một trục trặc nhỏ đối với cái xe Dacia cũ kĩ của họ là đã tốn hơn ba trăm đô la rồi.

Ở sân bay Bucarest, đúng lúc trước khi lên máy bay, họ đã vứt bỏ hầu hết các món quà. Họ sẽ còn đến Tây Ban Nha hai tuần lễ nên không thể mang theo hành lý nặng cồng kềnh được. Hơn nữa, ở Mỹ, họ không có chỗ để và cũng không biết dùng những đồ vật ấy vào việc gì. Pho tượng thằng bé nặng không thể tin được rơi đánh choang xuống đáy thùng rác kim loại. Họ phá lên cười. Tấm thảm xanh, những cái áo chui, những cái lót đĩa, những đôi dép, tất cả đồ vật do bà làm ra hoặc mua bằng những khoản tiết kiệm của một đời người, chịu chung số phận. Đó là một cử chỉ phũ phàng, nhưng ở đây không có chỗ cho tình cảm. Phương Tây bay lên để phương Đông ở lại đáy một thùng rác.

- Anh hài lòng ra đi, Alex nói.

- Em cũng vậy. Nhưng chưa chi em đã thấy nhớ ông với những trò chơi bằng cỗ bài, và bà với những chiếc bánh ngọt. Papă, papă, papă! Có lẽ mình sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa.

Anh nhún vai.

- Có lẽ vậy.



1. Beau: Tiếng Pháp nghĩa là đẹp.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87362


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận