Chương 5 Đúng chính giữa quãng đường từ Ra-đô-li-xki đi Nhe-xku-pa, từ thuở xa xưa nào đó không ai nhớ nổi, đã có một chiếc cối xay chạy bằng sức nước. Ngày trước, nó là tài sản của các cha thuộc dòng Ba-zi-li ở tu viện Vi-xku-nư được dựng lên vào triều vua Ba-to-rư (17), còn bây giờ là tài sản của ông Prô-cốp Sa-pi-en, người cả vùng đều gọi là Prô-cốp Mi-en-nhich theo tiếng Bạch Nga (18).
Đất đai trong vùng không quá giàu có cũng chẳng quá phì nhiêu, chỉ là đất thường trồng khoai tây, hắc mạch, chủ yếu thuộc về các quí tộc nhỏ và nông dân, song ông Prô-cốp vẫn không thiếu lúa mạch để xay, vì trong vùng chẳng hề có ai cạnh tranh, nếu không kể đến cái cối xay gió nằm cách đấy năm cây số, tại làng Bi-e-rơ-vin-tư của người Lít-va. Chiếc cối xay gió nằm cách đấy năm cây số, tại làng Bi-e-rơ-vin-tư của người Lít-va. Chiếc cối xay gió kia thì lại chẳng đủ phục vụ cho tám mươi nóc nhà, bởi người Lít-va nối tiếng là giỏi canh, và chẳng phải là một người biết thu hoạch từ năm đê-xia-chin (19) ruộng một lượng thóc lúa nhiều hơn nông dân Bạch Nga thu từ bẩy hoặc tám đê-xia-chin.
Ở Nhe-xku-pa cũng thế, Ở đó có họ hàng nhà Mô-xka-le, những người theo cựu giáo, ngày xưa từ Nga di cư tới đây. Tất cả đều là những nông dân to lớn, khỏe mạnh, lam làm, họ có thể theo cày từ mờ sang đến chập tối, mà họ cày rất sâu. ở Bi-e-rơ-vin-tư người ta cũng chẳng cày sâu đến thế. Còn ở Ra-đô-li-xki thì cũng giống như ở mọi thị trấn khác, có dân Do Thái, họ chuyên nghề thu mua trên qui mô nhỏ ngũ cốc từ các làng xa để cung cấp cho đám thị dân cũng như để tải đi Vin-nô. Nhờ họ, ông Prô-cốp cũng có thêm việc làm. Vì vậy ông chẳng có gì phàn nàn, và chỉ cần không có hạn hán, chỉ cần không thiếu nước trong các đầm chứa thì quả thực ông cũng chẳng có lý do mà ta than. Mà hạn hán thì rất hiếm hoi tại vùng này, thảng hoặc nếu có chăng cũng chẳng rõ nó phải kéo dài đến bao lâu mới không đủ nước cho cặp bánh xe. Bởi mặc dù các đầm chứa được đào từ vài trăm năm trước, nhưng rất sâu và vững chãi, cứ mươi năm lại được vét bùn một lần để khỏi bị lay sậy mọc lấn.
Có ba đầm chứa tất cả. Hai cái thượng và một cái hạ. Quanh các đầm đều có những cây liễu mọc dày. Độ chênh mực nước so với đầm khá lớn, quãng hai xa-gien (20), ngoài máng dẫn chính đưa nước và bánh guồng còn có thêm hai cống xả lũ nữa để phòng khi lụt. Trong các đầm cá nhiều vô kể; nào cá đáy, cá tuyết sông, cá rô, nhưng thiếu nhất vẫn là cá bống. Tôm cũng không thiếu. Trong những hố sâu dưới lòng những bộ rễ cây đã bị nước rửa trôi đất, chúng tụ tập cả hàng trăm con. Hai chàng thợ phụ của ông Prô-cốp, nhất là anh chàng Kzi-uc trẻ tuổi hơn, rất thích bắt tôm. Nó đứng ngâm trong đất sâu ngập đến gối, cứ mỗi lần cúi người xuống, thò tay vào hang sâu tới khuỷu hoặc hơn một chút là lại lôi ra được một chú tôm.
Thực ra chẳng có ai trong cối xay biết ăn tôm, người ta coi chúng như loài sâu bọ, nhưng trong thị trấn, ở Ra-đô-li-xki, lúc nào cũng có thể bán chúng được ngay: cả cha cố thiên chúa giáo, cả cha cố chính giáo, lẫn ông đốc tơ, nhất là ông này - đều là những người thích chén tôm. Ông thích được trả công ba chục tôm hơn là hai chục trứng hay ba zuốt-ty.
Trong cái nhà máy ở cách thị trấn chừng mười hai vi-o-rơ-xta (21) cũng không thiếu những người nghiện tôm nhưng muốn đến đấy phải có dịp. Đi bộ thì quá xa, mà ngựa thì ông Prô-cốp chẳng bao giờ chịu cấp cho những chuyện vớ vẩn như thế, dù đó là con nghẽo đã già nua tuổi tác và béo ị như lợn. Thì thức ăn cho nó có bao giờ thiếu đâu. Chỉ nguyên đứng một chỗ thôi nó cũng luôn phải đổi chân và kêu rừ rừ ầm ĩ cả chuồng. Chuồng gia súc rất lớn, vững chãi, được xây dựng bằng những thanh tròn lớn. Ngoài con ngựa ra còn có hai con bò sữa và lũ lợn trong các ngăn nữa. Cả chiếc xe và cỏ khô cũng được chứa dưới mái che.
Ngôi nhà được xây kế vào cối xay. Nhà có ba buồng trong đó ông Prô-cốp sinh sống cùng gia đình và những người phụ việc, ngoài ra còn một nhà ngang hoàn toàn mới mà ông làm cho con trai cả, anh An-bin khi An-bin định lấy vợ. Từ khi An-bin chết đi, nhà ngang vẫn để trống, vì đứa con thứ hai vừa dọn xuống đó hôm trước thì hôm sau đã gặp ngay tai họa. Người ta đồn rằng chắc có ai đó đã yểm bùa vào ngôi nhà ấy hoặc đã liếc cặp mắt độc vào móng nhà. Không biết có thật thế không, có điều chẳng ai muốn vào ở đó, mặc dù cũng có những kẻ nói vụng nói trộm rằng không phải cái nhà ngang bị yểm bùa độc mà chính Đức Chúa đã trừng phạt hậu duệ ông Prô-cốp Mi-en-nhich vì tội ông đã đuổi em ruột của mình đến nỗi phải bị gậy ra đi. Những lời bàn tán vụng trộm ấy khiến ông Prô-cốp tức tối kinh khủng. Ông không tài nào chịu nổi và không ít kẻ vì nỗi ngờ vực của mình đã bị ông trừng trị nặng nề.
Nhưng chắc hẳn trong chuyện đó cũng phải có một cái gì đó. Bởi lẽ ông Mi-en-nhich có tới ba anh con trai. Anh con thứ bị chết trận, anh con cả thì ngay trước đám cưới say rượu bước nhầm xuống mặt băng, băng vỡ, anh bị chết đuối. Còn đứa con trai út, khi đang đóng chiếc chêm vào cối ở tít trên cao thì bị ngã, may mà chưa mất mạng, nhưng bị gãy cả hai chân. Người ta đưa bác sĩ đến, bác sĩ cố định hai chân anh ta vào ván, nhưng cũng chẳng ích gì. Anh đành chịu cảnh tàn tật suốt đời, không thể đi lại được. Đã suốt năm tháng trời nay anh chỉ nằm hoặc ngồi chẳng làm được một việc gì cả, mới mười tám tuổi đã trở thành gánh nặng cho cha.
Cô con gái cả cũng chẳng khiến cho ông Mi-en-nhich vui sướng gì. Cô ta lấy chồng làm thợ cả ở xưởng gạch nhưng anh thợ cả nọ bị chết trong một trận hỏa tai, còn cô, đang lúc bụng mang dạ chửa nên sinh một đứa bé bệnh hoạn, mắc chứng động kinh.
Chính vì thế mà ông lão Prô-cốp cứ âm thầm như đêm tối, nhìn ai cũng gườm gườm, mặc dù mọi người vẫn ghen với gia tài của ông, dù cái cối xay chẳng phải nghỉ việc bao giờ, còn bản thân ông chưa có điều gì phải kêu ca về sức khỏe.
Năm ấy, đến mùa thu ông lại có thêm một chuyện lo phiền nữa: anh chàng thợ phụ trẻ nhất Ka-zi-uc, bị bắt sung vào lính. Ông lão Prô-cốp không muốn lấy một kẻ vớ vẩn nào đó thay chân anh ta. Công việc ở cối xay đòi hỏi phải có trách nhiệm, phải thận trọng và có sức khỏe. Một tay mục đồng tầm thường không thể đảm đương nổi. Ông lão cứ cân nhắc mãi, cuối cùng chọn được gã Ni-nit-ka Rô-ma-nhi-uc ở làng Pô-bê-rê-diê. Cha Ni-nit-ka có hai con trai đã có vợ con, còn thằng trẻ nhất ông muốn cho lên phố kiếm việc làm. Nó vốn là thằng có sức khỏe, biết việc, thậm chí có bằng tốt nghiệp nữa kia.
Ý đã quyết, hôm thứ năm, đúng ngày phiên chợ tại Ra-đô-li-xki, ông lão Prô-cốp chuẩn bị lên đường. Từ cối xay đến xưởng cưa cũng chẳng xa xôi gì, chưa đến một vio-rơ-xta. Mà trên đường thì nông dân đang lũ lượt kéo đi chợ phiên. Xe ngựa và xe kéo nối theo nhau. Ai cũng chào ông Mi-en-nhich, bởi lẽ mọi người đều biết ông. Cũng có những kẻ không hãm ngựa lại, vừa chào vừa tò mò liếc xem ông lão đón nhận sự trừng phạt của Chúa giáng xuống đứa con trai út của ông, cậu Van-sin-ka ra sao. Nhưng qua nét mặt của ông Prô-cốp không thể nhận ra một điều gì hết. Cũng như mọi khi, ông chỉ nhíu mày và nhúc nhích bộ râu cằm nhọn hoắt đã nhuốm bạc của mình.
Cuối cùng, ông Rô-ma-nhi-uc cũng tới. Chắc hẳn ông đi chợ sắm sửa, bởi xe ông rỗng không, đằng cuối xe là mụ vợ.
Lão Prô-cốp vẫy tay chào rồi bước theo cạnh xe. Họ xiết chặt tay nhau.
- Thế nào, đằng ấy ra sao? - Ông Rô-ma-nhi-uc hỏi. Bác vẫn đang tự vỗ béo đấy chứ, người anh em?
- Tôi đang sống nhờ lượng Chúa. Nhưng cũng có điều đang lo nghĩ đây.
- Tôi có nghe nói.
- Không phải chuyện ấy. Có điều người ta lôi thằng Ka-zi-uc vào lính?
- Lôi vào lính à?
- Ừ, vào lính.
- Thế đấy?...
- Ừ. Mà bác biết đấy, chỗ tôi kiếm tiền cũng khá. Người làm công chẳng những không bị đói mà còn để dôi ra được ít nhiều.
- Thì hẳn rồi, - ông Rô-ma-nhi-uc thừa nhận.
- Tôi có nghĩ, thằng bé Ni-nit-ka nhà bác có thể làm việc ấy chăng.
- Sao không?
- Nào, thế thì sao?
- Sao cái gì?
- Nào, thì việc thằng Ni-nit-ka ấy?
- À, để nó đến chỗ ông làm phải không?
- Ừ. Ông Rô-ma-nhi-uc gãi đầu, trong đôi mắt bạc màu nhỏ bé của ông thoáng lên niềm vui. Song ông cũng vẫn nói bằng giọng dửng dưng.
- Thằng bé khỏe đấy...
- Vậy thì ơn Chúa, - lão Prô-cốp vội lẩm bẩm nhu thể sợ ông Rô-ma-nhi-uc chợt nảy ra ý định hỏi thăm sức khỏe thằng Va-sin nhà lão chăng, - Có điều nó phải đến đúng thứ sáu tuần tới, vì thứ sáu thằng Ka-zi-uc phải đi rồi.
- May mà ông nói, người anh em ạ, vì hiện nó không có nhà. Nó đang đi Ô-smi-an.
- Tìm việc à?
- Đúng vậy.
- Nhưng nó sẽ về chứ?
- Sao lại không về? Chốc nữa, tới Ra-đô-li-xki tôi sẽ gửi bưu thiếp cho nó.
- Vậy thì hay lắm. Để sao cho thứ sáu...
- Tôi hiểu rồi.
- Bây giờ công việc nhiều, tôi không kham nổi nếu thiếu người làm, - ông Prô-cốp nói thêm.
- Nó sẽ đến đúng hẹn.
- Chào bác.
- Chào ông.
Ông Rô-ma-nhi-uc lúc lắc dây cương, điều mà thực ra cũng chẳng làm cho con ngựa nhỏ bé lông xám bụng ỏng phải để ý, và ông chìm trong những suy nghĩ đầy thỏa mãn. Thật là một phần thưởng lớn, khi mà trong ngần ấy người, lão Mi-en-nhich đã chọn chính con trai ông.
Ông quay người lại nhìn vợ. Tấm khăn san dày dặn phủ kín cả đầu bà, chỉ còn nom thấy mỗi mắt và mũi.
- Ông Mi-en-nhich lấy thằng Ni-nit-ka của ta đấy - ông nói.
Bà vợ thở dài.
- Chúa tôi, lạy chúa tôi!...
Không rõ bà mừng vui hay lo lắng. Vả lại, ông Rô-ma-nhi-uc cũng chưa bao giờ suy nghĩ kỹ về chuyện đó. Giọng bà vốn đã rền rĩ thế rồi.
Còn ông lão Prô-cốp cũng mừng. Ông rất không thích đổi thay và những chuyện lo lắng. Thế là việc đã giải quyết xong. Ít nhất thì ông cũng tưởng thế cho đến tận tối thứ sáu.
------------------------------------
(17) Dòng Bazili là một dùng tu chinh giáo của đàn ông, được lập ta từ thế kỷ IV, dựa theo giáo lý của Bazili (330-379). Vua Stefan Batory (1533-1586), lễ đăng quang năm 1576, người có nhiều công trong lịch sự dân tộc Ba Lan. (N.D)
(18) Mielnik - tiếng Bạch Nga nghĩ là "chủ cối xay". (N.D)
(19) Đê-xia-chin - đơn vị diện tích ruộng đất cổ của Nga (N.D)
(20) Đơn vị đo độ dài cổ, bằng chiều dài một sải tay. Ở Ba Lan, mỗi xagien dài từ 1, 728 đến 1, 729m (N.D)
(21) Đơn vị đo độ dài cổ ở Nga bằng 1066, 8m. (N.D)