Vũ Điệu Thiên Nga Truyện ngắn 1


Truyện ngắn 1
Vũ điệu thiên nga

 

- Anh đừng đi xem tiết mục biểu diễn của em tối nay!

Cô gái khẽ liếc nhìn người đàn ông có mái tóc dài, quăn đi bên cạnh.

- Sao vậy? Đây là một vũ điệu mới của em cơ mà?

Cô gái mỉm cười rồi thầm thì:

- Anh sẽ thấy đó là một ý tứ bi kịch dẫn tới cái chết đó.

Người đàn ông vạm vỡ quàng vai cô gái rồi áp sát tới. Cả hai dừng lại bên hồ. Vạt cỏ may long lanh dưới ánh đèn sáng trắng bất chợt rung rinh vì một làn gió nhẹ. Người đàn ông hôn nhẹ lên đôi mắt to đẹp của người vũ nữ rồi cất lời trầm ấm như hát vậy:

- Anh nguyện chết theo bi kịch ấy. Sống mãnh liệt, yêu mà để chết vì tình yêu cũng đáng.

Bất ngờ cô gái xinh đẹp gỡ bàn tay thô ráp của người đàn ông và lạnh lùng nói:

- Nhưng vợ anh còn đó, chết theo em, chị ấy sẽ bới tung áo quan của hai ta lên chứ bộ.

 

Rồi cả hai cười vang. Mặt hồ sóng sánh bởi gió hay tiếng cười của đôi tình nhân...

Đột nhiên người đàn ông gọi taxi. Cả hai lên xe đi về hướng nhà hát thành phố.

 

Một dải lụa trắng tạo hình sóng và gió rung lên trong âm thanh. Mây bước ra với dáng vóc thanh tao choàng trên vai một chiếc khăn xanh. Âm nhạc vang lên giai điệu bừng sáng. Một dáng vóc cân đối cùng với cặp chân thon dài tung lên trong sóng nhạc. Rồi những động tác quay đến chóng mặt thể hiện sự chống chọi quyết liệt. Sau đó lại là những bước nhảy như nâng tấm thân ngà ngọc kia bay vút lên không trung. Chuỗi âm thanh rung lên cuồng nhiệt. Người vũ nữ chợt dừng lại rồi quay như cơn lốc trong tiết tấu của âm nhạc. Sự va đập chát chúa. Người đẹp bỗng quỵ xuống trong cảm xúc đớn đau. Trận cuồng phong âm thanh bất ngờ bỗng xoáy lên làm tức thở những người xem ở phía dưới hàng ghế. Ông Nhất thấy mình nghẹt thở trong lồng ngực vì hình tượng sống động đầy sức mạnh vượt qua những bão táp cuộc đời. Và, rõ kìa gương mặt của Mây bừng dậy trong ánh sáng chói gắt. Nhưng tiếng trống và tiết tấu lại rộn ràng khốc liệt. Không phải là hình tượng cô gái đẹp rực rỡ kia mà chính là Mây của ông đang cong người chống trả rồi đứng thẳng dậy. Và đôi cánh thần tiên từ trên bờ vai nõn nà kia lại bay bổng. Một nụ cười sảng khoái của tinh thần lạc quan trước sự đau đớn của loài người. Hình tượng như tự cháy lên trong sắc đỏ rồi đột nhiên ngã quỵ.

Mọi người dưới hàng ghế bỗng đứng vụt dậy trong cảm xúc bàng hoàng. Trong lúc đó, ông Nhất ngồi lặng đi với bao niềm cảm thông. Bất ngờ, ông lao lên sân khấu trao tặng Mây một bó hồng nhung đỏ thắm. Giọng nói của ông run lên trong xúc động:

- Cám ơn em đã cho anh một triết lý.

Trên gương mặt Mây những giọt mồ hôi đang lã chã rơi. Lúc này, mọi người mới chạy lên chúc mừng. Họ xôn xao với sự sáng tạo nghệ thuật kỳ bí này. Trong khi đó, ông Nhất đứng chết lặng trên sân khấu. Đột nhiên, Mây tách mọi người bước tới gần ông, nhoẻn cười nói:

- Anh theo em xuống tặng lại những bông hoa này cho các thầy và Ban giám khảo.

Ông hãnh diện bước xuống cùng người đẹp trong niềm hân hoan rạo rực.

 

Hà Nội, ngày đầu thu. Đúng hẹn, ông đến nhà Mây để làm quen với cả gia đình. Nhưng ông Nhất không thể ngờ đó là một ngôi nhà nhỏ không bằng gian bếp nhà ông ở bên Mỹ. Có thể coi đây là một cái hộp có hai ngăn thì đúng hơn. Mây trong bộ quần áo lụa ngắn đứng dậy giữa đống giấy bồi với gương mặt ửng đỏ đầy mồ hôi. Cô nhoẻn miệng cười chào ông rồi mời vào nhà. Bố và mẹ Mây đều lúng túng trong xưng hô bởi thấy vị khách quý của con gái không kém mình mấy tuổi. Bố Mây là một họa sĩ đã quen giao tiếp nên trấn tĩnh ngay được và cất tiếng vui vẻ:

- Mời anh vô trong nhà uống nước. Nhà của nghệ sĩ nghèo lắm. Chúng tôi phải làm thêm đó. Anh thông cảm nhé.

Mây dẫn ông Nhất đến một cái bàn nhỏ xíu bày ở góc nhà. Lúc này, ông Nhất mới trao bó hoa đang cầm trên tay cho Mây. Mây khẽ khàng hỏi:

- Anh vừa ở bên đó hay vừa từ công ty ở Sài Gòn ra?

Chưa kịp nghe ông Nhất trả lời, Mây nói ngay:

- Anh cứ tự nhiên! Em xin giới thiệu nhé...

Nói rồi, Mây chỉ từng người một trong nhà để ông Nhất làm quen. Mọi người vẫn mải mê bồi giấy để dán bìa. Họ đang khẩn trương để giao hàng chiều nay. Nhìn quanh nhà, bất ngờ ông Nhất dừng lại ở bức ảnh lớn treo ở trên tường. Đó là hình ảnh ông đang tặng hoa cho Mây trong đêm biểu diễn ngày nào. Niềm xúc động lại trào dâng trong ông. Biết ý, Mây nhẹ nhàng tâm sự:

- Em chưa bao giờ có tấm ảnh đẹp như vậy. Ai cũng thắc mắc về anh. Họ xì xào mãi.

 

- Họ xì xào về chuyện gì?

Mây nhún vai:

- Đủ chuyện, nào là anh chàng Việt kiều này mê cái Mây rồi. Hay họ còn nói anh người đâu mà dễ xúc động, xem múa mà cũng khóc được. Thật đa sầu đa cảm.

Chẳng nói chẳng rằng, ông Nhất đứng dậy và đi loanh quanh trong căn nhà nhỏ, xem mọi người bồi giấy rồi bỗng dưng hỏi Mây:

- Cả nhà em bốn người thế này, đến tối ngủ vào đâu?

Mây cười có vẻ thích thú nói:

- Anh lạ lắm hả? Ngủ ngay tại cái buồng này chứ ở đâu. Dẹp đống hàng này lại là lăn kềnh ra sàn nhà thôi.

Nhìn ông Nhất lắc đầu tỏ ra ngạc nhiên, Mây còn giải thích:

- Các con dồn về phía trái, ông bà già dồn về phía phải, thế là ngáy.

Nói rồi, Mây cười rũ ra khi thấy ông Nhất cứ ngơ ngác không thể hình dung ra mọi chuyện. Nhưng bất ngờ, ông Nhất hỏi:

- Thế còn em ngủ ở góc nào?

Mây thú vị vì sự tò mò hiếu kỳ của ông Nhất, cô chỉ vào mép tường bên trái:

- Đấy, theo thứ tự em là con gái lớn được xếp ngủ


sát vách.

Ông Nhất đứng lặng người và không thể nghĩ rằng trước mặt mình là một con thiên nga rực rỡ trên sàn ba lê lại sống khổ sở đến như vậy. Bất ngờ, ông ôm chầm lấy Mây và nói trong nước mắt:

- Tôi sẽ xây nhà cho em cùng mọi người đến ở. Mỗi người một gian thật đàng hoàng.

Mọi người trong nhà đều ngỡ ngàng đứng bật dậy, ông khách kia lại khóc nức trên vai Mây như một đứa trẻ vậy. Nhưng ngay trong tức khắc, ông bố khẽ nhắc mọi người:

- Nào, tất cả làm đi chứ, chiều nay giao hàng rồi.

 

Nhận được điện của ông Nhất, liền sau đó lại nhận được cặp vé máy bay gửi từ Sài Gòn ra, Mây tất tả chuẩn bị hành lý. Thấy vậy, Ngọc Viên - em của Mây tò mò hỏi:

- Sướng nhỉ, vào Sài Gòn với bồ, chả ai được như chị, thế ngủ ở đâu?

Mây cau mặt:

- Kệ tao, chắc lão ấy sẽ phải thuê cho tao ở một khách sạn loại sang trọng nhất.

Ngọc Viên cười nhạt:

- Chuyện, giám đốc Công ty liên doanh Mỹ - Việt cơ mà. Thế chị có định lấy ông ta không đấy? Này, nhớ rằng ông ta bằng tuổi bố mình đấy.

Mây hẩy nhẹ cô em gái sang bên rồi nói:

 

- Vớ vẩn, cứ cặp bồ cái đã, lão hứa mua đất làm nhà cho gia đình mình.

- Chắc gì, lão ta chỉ hứa hão thôi. Lợi dụng chị xong rồi đá đít không biết chừng.

Mây thấy tức mình quát lên:

- Đừng chõ mũi vào việc của tao. Chỉ cuối năm nay mày sẽ có một cái phòng rồi đó.

Ngọc Viên cười như nắc nẻ:

- Ôi! Bà vũ nữ mơ mộng. Thật hão huyền!

Vừa lúc đó, bà Minh - mẹ của Mây - đi chợ về. Bà
khấp khởi:

- Nhớ cái đận này vào, con phải nói với anh Nhất là mẹ còn thích nhà mới phải có một mảnh vườn nữa, nhỏ thôi cũng được.

Ngọc Viên bĩu môi:

- Mẹ cũng rơi vào tình trạng mơ mộng rồi đó. Kỳ này chị Mây ra với hai bàn tay trắng thì mẹ đừng có thất vọng.

Bà Minh lẩm bẩm nói:

- Người ta là người tốt ai lại hứa suông. Mày chỉ
được cái...

Mây cười:

- Ở nhà này chỉ có mẹ là hiểu con nhất. Người ta được đấy chứ mẹ.

Ngọc Viên cười ré lên:

- Được, ha ha... được cái già bằng bố mình.

 

Câu nói chát chúa ấy làm cho bà Minh sững người. Mặt bà hơi tái đi. Nhưng ngay lập tức, Mây làm cho bà trầm tĩnh lại:

- Mẹ cứ yên tâm, mặc kệ con nặc nô ấy, hơi đâu mà nghe chỉ trích. Chị em kiến giả nhất phận. Con lo nhà xong ai không muốn thì đừng về.

Ngọc Viên lúc này định hét lên một câu gì đó, nhưng cô mím môi rồi chạy biến ra khỏi cửa.

Lúc này ông bố Mây mới lồm ngồm ngồi dậy từ trên chiếc ghế bằng vải bạt. Ông vừa gấp chiếc ghế vừa ho húng hắng. Đột nhiên ông lên tiếng:

- Vợ con người ta thế nào? Cẩn thận đấy. Nhà đâu không thấy mà lại bị họ xé xác ra.

Bà Minh vội xuýt xoa:

- Gớm chết cái ông này, ăn nói mới ghê chưa. Con nó chưa đi mà lại nói những điềm gở. Người ta tốt thế...

Mây ôm lấy mẹ nói trong nước mắt:

- Thôi con cũng đã ngoài ba mươi tuổi rồi. Nghề múa này chả còn gì để hy vọng nữa. Âu cũng là cái duyên số với anh ấy.

Nhưng chỉ một loáng sau, Mây gạt nước mắt quay lại nói với bố:

- Bố sẽ không phải ngủ giường bạt mãi đâu. Bố yên tâm đi. Anh ấy đang làm thủ tục li dị vợ rồi.

Bà Minh chậm chạp bước tới đưa va ly quần áo cho Mây rồi dặn dò:

 

- Tùy con lo liệu. Hãy làm cho nhà mình thoát cái cảnh cơm một niêu chiếu một manh. Mẹ trông cậy ở
con đó.

Tiếng còi taxi rú lên inh ỏi. Mây vội bước đi.

 

Sài Gòn tháng mưa. Mây theo chỉ dẫn của nhân viên khách sạn lên lầu hai. Những bước chân gọn gàng và nhịp nhàng của một nghệ sĩ múa đã gây cảm tình cho chàng nhân viên trẻ tuổi. Anh ta không khỏi ngỡ ngàng khi ngẩng lên nhìn thấy gương mặt đẹp của Mây. Lúng túng một lúc anh ta sực nhớ và nói:

- Thưa cô, ông Nhất có dặn tan buổi họp là trở lại đây ngay. Cần gì cô cho gọi con.

Mây nghiêng người cám ơn và rút ra tờ hai chục ngàn thưởng cho anh chàng lễ tân sau khi anh ta xách chiếc va ly đặt lên bàn.

Cánh cửa vừa khép, Mây trút ngay toàn bộ quần áo khoác ngoài và ra đứng trước gương tủ. Mây nghiêng nhìn lại cặp đùi tròn và dài của mình. Và lần này, Mây nhìn đến từng chi tiết xem có gì thay đổi theo thời gian. Cặp đùi này đã diễn tả cái chết của con thiên nga trên bãi biển và đã thu hút biết bao khán giả trong suốt hơn mười năm qua. Và, giờ đây ông Nhất đã chết mê chết mệt vì những đường cong trên thân thể Mây. Nghĩ đến đây, Mây mỉm cười rồi mở va ly tìm vội chiếc quần và lao thẳng vào buồng tắm. Mây lấy làm thích thú vì lát nữa thôi ông Nhất sẽ ngây ngất nhìn mình trong bộ quần áo trong suốt.

Bất ngờ có tiếng chuông cửa vang lên. Mây lúng túng chạy từ buồng tắm tới cửa hỏi vọng lại:

- Ai đó ạ?

- Anh đây!

Không hiểu sao, Mây cuống lên rút chốt cửa. Ông Nhất bước vào rất sửng sốt khi ngắm toàn bộ thân hình của Mây. Những giọt nước vẫn lăn trên cặp vú căng tròn và rơi xuống sàn. Mây khép chân lại, e thẹn:

- Em vừa tắm xong.

Ông Nhất bất ngờ ôm ghì Mây và hôn như mưa trên mặt nàng.

- Kìa anh, ướt hết quần áo của anh rồi.

- Kệ, anh thích thế!

Nói rồi, ông Nhất bế Mây lên giường và đỡ nàng nằm như một bức tượng khỏa thân trắng hồng bất động.

- Chờ anh nhé!

Ông Nhất cởi vội quần áo treo lên mắc. Nhưng ngay lúc đó, Mây cũng vớ lấy bộ quần áo ngủ mặc vội. Khi quay lại, ông Nhất thấy Mây nằm, co lại như một đứa trẻ.

- Sao thế em?

Mây nũng nịu nói:

- Chả sao cả, em sợ.

 

Ông Nhất càng thấy cồn cào cơn khát ôm lấy thân thể của người đẹp nhưng vẫn phải nói nhẹ nhàng:

- Có gì mà em sợ?

Mây càng co người lại:

- Bây giờ khác rồi, trao thân gửi xác cho anh không biết em sẽ đi về đâu?

Ông Nhất sững người vội nói to:

- Tưởng chuyện gì, anh sẽ bỏ vợ, sẽ xây nhà cho em và sẽ lấy em, được chưa?

Mây bất ngờ ngồi dậy:

- Cái gì cũng "sẽ". Chờ ba cái "sẽ" ấy, em chết già.

Mây như bắt được vía ông Nhất nên càng làm già:

- Đây, định thế nào nữa? Thì em cũng "sẽ" cho anh tấm thân ngọc ngà này khi nào ba cái "sẽ" của anh thành hiện thực.

Thấy ông Nhất thẫn thờ như tượng đá, Mây
nhoẻn cười:

- Thôi em đùa chút thôi, nhưng phải xây nhà cho em ngay đấy. Còn bỏ vợ để lấy em không thì tùy anh.

Ông Nhất quả quyết phất tay về phía trước nói:

- Ngay ngày mai, anh tạm đưa em vài chục cây trước để ra đặt cọc mua đất, được chưa?

Mây cố giấu niềm vui líu ríu nói:

- Ô kê! Nào... lại đây "bố già" của em.

 

Sài Gòn một ngày nắng trong. Ông Nhất thích thú ngắm lại bức ảnh mới nhất của Mây trong vũ điệu "Cái chết của con thiên nga". Cặp đùi tròn và dài ấy đã làm ngây ngất tâm hồn ông. Gương mặt Mây hiền dịu, thánh thiện trên làn da trắng mịn màng đã làm ông tràn đầy hạnh phúc trong những đêm ân ái. Mọi chuyện như vầng hào quang rực rỡ màu sắc đang bừng lên từ chân trời hạnh phúc mà ông đã vùi chìm đầu trong mộng tưởng...

- Chào ông chủ!

Ông Nhất giật mình bừng tỉnh thoát khỏi sự tưởng tượng. Anh chàng kiến trúc sư bước tới:

- Đây là bản thiết kế đúng như mẫu ở Bắc Mỹ - nơi mà ông đã từng sống mấy chục năm qua.

Ông Nhất như vẫn còn bị ám ảnh bởi những cảm xúc tuyệt mỹ từ hình ảnh Mây đã đem lại. Kiến trúc sư Hải rụt rè đứng bên cửa:

- Thưa ông, đây là...

- Tôi biết rồi, anh vào đi.

Lúc này ông Nhất mới đứng dậy nổi và vồn vã
đón Hải:

- Nào, anh đưa xem bản vẽ của cả khu nhà mà tôi đã đặt anh.

 

Kỹ sư Hải ngồi xuống tợp một ly rượu rồi tán tụng:

- Nghe mọi người trong thành phố đồn rằng ông Nhất có cô bồ trẻ đẹp và lại là một vũ nữ hàng đầu hiện nay.

Ông Nhất rời mắt khỏi bản vẽ ngước lên cải chính:

- Là một nghệ sĩ ba lê lừng danh nhất chứ không phải vũ nữ tầm thường chỉ đẹp mã đâu nhé.

Rồi bất chợt, Hải đứng dậy tỏ ra ngạc nhiên chỉ bức ảnh trên tường:

- Nếu tôi không lầm, hẳn người kia chính là nghệ sĩ ba lê, người tình của ông.

- Chứ còn ai nữa!

Ông Nhất khoái trá khoát tay có ý mời Hải bước tới mà ngắm con thiên nga rực rỡ của mình. Hải chậm chạp bước tới rồi bất ngờ quay lại hỏi:

- Thưa ông, tôi đoán chắc bản thiết kế ngôi biệt thự kia sẽ dành để cho thiên nga của ông bay nhảy.

- Ô kê! Chính vì vậy mà tôi mới trông cậy ở anh.

Kiến trúc sư Hải lim dim đôi mắt, nhún vai tỏ ý
thán phục:

- Ông thật là được giời phù hộ. Vậy biệt thự thiên nga này ông định xây ở quận nào vậy?

- Bí mật!

Ông Nhất lấy làm thú vị khi mình làm cho anh chàng kiến trúc kia ngỡ ngàng. Đột nhiên Hải lại hỏi:

- Thưa ông! Liệu bà nhà ta ở Bắc Mỹ lạnh giá kia biết tới chuyện này thì sao?

 

Ông Nhất trợn tròn mắt bực mình:

- Vớ vẩn, bả mà ghen hả. Tôi li dị liền.

Như chợt thấy mình sa đà những chuyện đâu đâu, kiến trúc sư Hải nói:

- Tôi xin lỗi vì hỏi ông những câu ngớ ngẩn. Chắc ông ưng bản thiết kế của tôi chứ hả?

Sau khi tiễn Hải ra cửa, ông Nhất quay lại đứng trước bức ảnh để ngắm Mây. Dường như ông lại trôi vào cơn mộng tưởng dưới đôi cánh thần kỳ của con thiên nga bé bỏng kia. Ông mỉm cười... Ngay lúc đó có tiếng chuông điện thoại...

- A lô! Nhất đây.

- Em! Anh...

Ông Nhất mừng rỡ khi nhận ra giọng nói của Mây ở đầu dây:

- Anh đã có trong tay bản thiết kế mẫu nhà cho em!

- Không! Anh ra ngay Hà Nội nhé, có chuyện đấy!

Giọng nói của Mây run run, hốt hoảng làm ông Nhất bồn chồn không yên.


 

Hà Nội ngày đầy gió. Taxi chở ông Nhất tới khách sạn Màu tím. Ông không thể ngờ rằng vợ ông biết chuyện đã vội vã bay về Hà Nội gặp Mây. Người phục vụ tận tình hướng dẫn ông lên phòng bà Mai, vợ ông.

 

Cửa vừa bật mở. Ông Nhất chậm chạp bước vào chợt giật mình trước một khung cảnh kỳ lạ. Mây đang ngồi trước mặt bà Mai với những giọt nước mắt còn vương trên khóe mắt. Thấy ông Nhất sững người đứng lại, bà Mai
cười khẩy:

- Sao? Không ngờ hả? Ông biết chị em tôi đã nói với nhau về ông ra sao không?

Ông Nhất tự nhủ mình cần phải bình tĩnh lại, bước tới bên bàn và ngồi xuống. Không khí như đổ chì vậy. Cả ba đều im lặng ngồi như tượng. Lát sau bà Mai cất tiếng:

- Thế nào, cô Mây nói gì đi chứ, hay để tôi nói với ông Nhất cho rõ câu chuyện?

Mây ngước nhìn ông Nhất như oán trách làm ông lạnh toát người và không biết đã xảy ra chuyện gì. Lúc này, ánh sáng từ cặp mắt huyền diệu ấy đã lấy lại bình tĩnh cho ông Nhất. Ông khẽ mỉm cười rồi nói:

- Tôi có lỗi với bà, nhưng...

- Nhưng sao...? - Bà Mai dằn giọng - Tôi không làm gì cô ấy đâu. Tôi khá khen cho ông gặp phúc khi làm bạn với cô Mây đây. Còn ngôi nhà ư?

Ông Nhất giật thót mình:

- Sao? Ngôi nhà nào?

Bà Mai mím môi lại. Những lời nói rít khẽ qua
hàm răng:

- Ông làm thâm hụt ngân quỹ của văn phòng đại diện của Công ty, sao tôi lại không quan tâm. Ông có ý định rút cổ phần chăng?

Ông Nhất lúng túng:

- Tôi nghĩ chúng ta cần phải nói chuyện riêng với nhau thì hơn.

Theo phản xạ, Mây đứng dậy định đi thì bà Mai
ngăn lại:

- Không! Tương lai đang thuộc về cô đấy. Chúng tôi không có chuyện gì bí mật cả.

Ông Nhất ấp úng:

- Chuyện làm ăn làm sao để cho người ngoài biết được.

Bà Mai lúc này mới tỏ ra gay gắt:

- Không có chuyện làm ăn gì nữa hết. Ông hãy chấm dứt mọi ràng buộc ở Công ty. Ngay ngày mai ông cần làm mọi thủ tục với văn phòng. Tôi là Chủ tịch xin nói thay quyết định của Hội đồng quản trị đó.

Ông Nhất tưởng như mình nghẹt thở đến nơi. Chưa hết, ngay lúc đó bà Mai mở va li lấy một tờ giấy đưa ra trước mặt ông Nhất:

- Còn đây là giấy li hôn tôi đã làm sẵn. Ông nên ký nhanh kẻo muộn!

Nói xong, bà Mai quay lại ghé sát mặt Mây mà nói như nhai từng lời một: Ông - ta - muốn - có - con - trai. Cô làm được điều đó chứ?

Bà Mai bước nhanh ra khỏi phòng. Mây thở phào. Cô nghĩ, thì ra mọi chuyện đã kết thúc nhẹ nhàng đúng như kịch bản của mình. Trước mắt cô không phải là hình ảnh ông Nhất đang lúng túng mà là một ngôi biệt thự sang trọng bên hồ.


 

Một ngày hội. Không phải một trăm cây vàng mà là hai trăm cây vàng ông Nhất đã đổ vào ngôi nhà ấy. Mọi chi tiết trong bản thiết kế được thực hiện nghiêm chỉnh đúng như mong muốn của ông. Nhiều bạn bè tới tấp ra Hà Nội chúc mừng ông trong ngày lễ khánh thành.

Hôm ấy, Mây rực rỡ như một nàng tiên. Cô mặc chiếc váy dài màu trắng với đôi vai để trần. Trông dáng vẻ tinh khiết trong veo như thiên nhiên của Mây làm ông 736e Nhất như bước vào một mê cung trước mặt mọi người. Ông say sưa chuốc rượu cho mọi người và cười nói oang oang:

- Nào xin mời! Xin mời!

- Chúc mừng ông với ngôi nhà. À mà không, chúc mừng ông với thiên nga huyền diệu.

- Ồ, xin cảm ơn!

- Xin mời!

- Hôm nay, ông Nhất nom trẻ như trai ba mươi, phong độ lắm.

- Còn gì hạnh phúc hơn nữa.

- Ô kê!

- Nào xin chúc mừng hạnh phúc.

Mây nhanh nhẹn đi khắp lượt nhún chân rất duyên dáng mời chào mọi người. Ai ai cũng nức nở khen ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc phương Đông nhưng lại mang dáng vẻ hiện đại làm Mây ngây ngất sung sướng. Hy vọng đến bất ngờ như trong mơ vậy. Cô cùng ông Nhất dẫn mọi người đi xem và giới thiệu từng căn phòng trong ngôi nhà.

- Đây là phòng của bố em.

- Ôi! Sang trọng quá.

- Đây là phòng của mẹ em.

- Ôi! Xinh xắn đáng yêu làm sao...

- Và đây...

Ông Nhất nhanh nhẹn chen vào:

- Còn đây là căn phòng hạnh phúc của chúng tôi.

Mây quay lại nguýt nhìn ông Nhất với ánh mắt đong đưa làm mọi người cười rộ lên:

- Nom rõ tình tứ chưa kìa.

- Quả là một ngày lên ngôi hoàng hậu.

Sau khi đi hết lượt mười phòng của nhà trên, khách quay trở lại đại sảnh tiếp tục buổi tiệc tân gia. Ông bố của Mây đi liên tục, hết góc này đến góc khác để chụp ảnh. Hồi này, bỗng dưng ông quẳng giá vẽ vào xó rồi choàng lên cổ mình cái máy chụp ảnh. Với con mắt sành điệu, ông cũng đã từng in được một số bức ảnh có giá trị trên vài tờ báo Hà Nội. Hôm nay quả là sự đổi đời của vợ chồng ông.

- Này!

Ông bố của Mây bỗng giật bắn mình khi có người
vỗ vai.

- Hả?

 

- Ông không gọi nhầm con rể bằng cụ đấy chứ?

Một người say rượu lè nhè đứng bên lúc nào không hay. Ông bực mình:

- Kệ tôi, dù sao nó cũng là phận con. Tuy vậy, nó chỉ bằng tuổi tôi chứ mấy.

- Sáu sọi hả?

Ông tỏ ra cáu kỉnh muốn đấm vào mõm hắn một cái, nhưng khốn nỗi ầm ĩ mọi chuyện lúc này thì chẳng hay ho tí nào. Ông bèn ghé tai hắn:

- Ông be bé cái mồm, nếu không đàn em tôi quẳng xác ông ra đường đấy.

Người say rượu kia giật thót mình rồi lại cười:

- Ô kê! Quẳng tôi lên giường ông thì có... hơ, hơ,
hí, hí...

Mọi người vẫn vui vẻ như chưa bao giờ có ngày vui như hôm nay. Nhạc nổi lên. Mây quay một vòng rồi kéo ông Nhất ra giữa sảnh để chạy lướt trên những bước tăng- gô bay bổng. Mọi người reo lên:

- Nào! Khiêu vũ...

- Nhạc to lên!

Tất cả như cuốn hút vào không khí âm nhạc đang rạo rực không cùng. Chỉ có bà mẹ của Mây nắm hai tay vào nhau. Bà nghẹn ngào trong cảm giác không biết buồn hay vui. Những giọt nước mắt rơi lã chã trên gò má đã nhăn nheo của bà.

 

Hà Nội thu. Phải đến vài tháng sau, ông Nhất mới thoát khỏi trạng thái mất trọng lượng. Suốt vài tuần liền, khách khứa liên miên đến chúc tụng và mừng hạnh phúc cho ông với người vợ trẻ. Nhưng đến sáng nay trong tâm trí trống trải bởi mọi người đi vắng cả. Mấy người khách nước ngoài đến thuê những căn phòng còn dư lại mà do mẹ vợ ông cùng cô em môi giới cũng đã ra phố làm ông Nhất buồn tênh.

Thời tiết khô hanh vào giữa thu, ông Nhất cảm thấy mình yếu hẳn. Đặc biệt giờ đây, ông không còn sức đi theo những buổi trình diễn của Mây.

Không còn những giờ phút hân hoan như mọi lần Mây cúi chào và khán giả bừng bừng đứng dậy vỗ tay.

Hơn nữa, hồi này Mây hay theo nhà hát đi biểu diễn ở các tỉnh xa. Dần dần ông mới thấy cái nghề múa cũng chẳng mấy người háo hức. Quanh quẩn mãi ở đất Hà Nội cũng hết khách xem. Thỉnh thoảng Mây được mời đi tham gia đóng phim, nhưng rồi chỉ thời gian ngắn mọi chuyện rơi tõm vào quên lãng. Lúc này, ông Nhất mới nhớ gia đình sum vầy của mình ở phương trời Bắc Mỹ xa xôi. Chắc hai cô con gái của ông đã lớn lắm. Ông hình dung ra chúng đang chạy nhảy tung tăng trong vườn cây và reo lên mỗi khi ông bay từ Việt Nam sang. Mọi thủ tục ly hôn đã xong xuôi. Ông ôm một phần ba tài sản với giá trị ba trăm cây vàng và ở lại Hà Nội với Mây. Hồi này, ông cũng chả còn thiết bắt quen với mấy cánh nhà báo, văn nghệ sĩ như hồi còn ở Sài Gòn. Và mọi chuyện đã an bài. Mây đã là vợ của ông trong sự ngạc nhiên của dư luận xã hội. Nhưng ông lại tự hào vì điều đó. Một nữ nghệ sĩ ba lê vào hạng nhất và còn trẻ hơn ông tới gần ba mươi tuổi. Sao lại không có quyền hãnh diện vì điều đó cơ chứ. Nghĩ tới đây, ông lại thấy phấn chấn rạo rực trong người. Có tiếng chuông điện thoại, ông nhanh tay nhấc máy, lẩm bẩm:

- Mây gọi về chắc!

- Đúng vậy em đây! Anh khỏe không?

- Giọng nói của em là thuốc tiên của anh đó.

- Rõ khéo tán. Em còn đi tiếp vài ngày nữa. Chương trình phục vụ còn dài thêm nhé.

- Ôi! Anh nhớ em quá!

- Em biết! Em sẽ về nhưng anh mua thêm một xe máy mới cho em đó.

- Chuyện vặt nhằm nhò gì! Khi về em sẽ thấy "Giấc mơ" của mình.

- Không, ứ chịu "Giấc mơ" đâu, cưng của em ạ!
Spacy cơ.

- Được rồi! Về ngay với anh đi!

- Ô kê, bai bai!

 

Con tim ông Nhất rộn ràng hẳn lên. Vậy là chính ông đang sống trong "Giấc mơ" của mình chứ đâu, nhìn ai ông cũng thấy có ánh mắt ganh tỵ. Điều đó càng làm ông thấy thú vị.

Vừa hay, mẹ Mây trở về. Nếu tính tuổi, ông Nhất còn hơn mẹ vợ mình đến dăm tuổi chứ chả ít, nhưng phận làm con ông đâu có tính đếm đến điều đó. Bà đon đả chào:

- Thế nào anh đã dậy rồi đó hả? Tôi đi mua quà ăn sáng cho anh đây.

- Sao mẹ không nấu cái gì ở nhà ăn cho tiện, đỡ phải đi lại vất vả.

Bà mẹ của Mây cười xởi lởi:

- Dào ơi! Mấy thằng cha Tây vừa trả tiền nhà, tội gì mà lận đận cho khổ. Ngày mai, tôi đi kiếm một con bé làm ô- sin giúp nhà mình cho đỡ vất.

Vừa bày xong các thứ ra bàn, bà mời ông con rể ra ăn, rồi chợt nhớ lời dặn của Mây, bà nói với ông Nhất:

- À, mà anh đừng để cái Mây phải đi lại vất vả với cái Cup 50 tòng tọc. Nó mà gầy yếu đi thì anh cứ chết với tôi.

- Mẹ cứ yên tâm, ngày mai con với mẹ ra cửa hàng xe máy, mua được ngay ý mà.

 

Đã gần một năm trôi qua. Ông Nhất chỉ quanh quẩn trong nhà mà chẳng biết đi đâu cả. Không hiểu sao ở đất Hà Nội này bỗng nhiên ông thấy mình xa lạ và cô độc. Bởi lẽ, Mây cứ đi hoài đi miết theo các chương trình lưu diễn ở các tỉnh lẻ. Mỗi bận về được vài hôm rồi Mây lại lên đường. Những đêm vợ chồng ân ái mà cứ vội như đi ăn trộm vậy. Hơn nữa, nhiều đêm, Mây cứ cáu bẳn vì những điều bực mình đâu đâu làm ông cũng không còn thấy hứng thú. Lại có lần ông định ôm hôn Mây, thì cô ta nhanh nhẹn như một con rắn chuồn khỏi vòng tay chậm chạp của ông và kêu ông hôi hám. Rồi có khi, ông đã chuẩn bị kỹ càng tinh tươm giường chiếu thì lại có tiếng chuông điện thoại reo lên, thế là Mây nói chuyện thả phanh hàng giờ liền. Ông mệt quá ngủ lúc nào không hay.

Hôm nay, lại với cảm giác chờ đợi vô vọng ấy, ông Nhất chậm chạp nâng li cà phê lên miệng. Lần này nhận ra rằng cà phê Hà Nội thật đắng chứ không có vị hơi chua nhè nhẹ như cà phê Sài Gòn. Ông vừa châm điếu thuốc trên môi thì bỗng thấy một ánh chớp loáng lên trong chốc lát. Ông Nhất giật mình quay lại thì thấy bố vợ đang lăm lăm chiếc máy ảnh trên tay. Ông bố của Mây cười ha hả:

- Kỳ này tôi ắt có những "pô" ảnh tuyệt vời về tâm trạng cùng với nỗi buồn ảm đạm trên gương mặt người đàn ông của anh đó. Thật giời đã cho tôi tác phẩm quý giá này.

Đúng là đôi mắt ông Nhất hiu hắt và làn mi trĩu nặng. Nhưng không hiểu sao, bất ngờ ông Nhất thấy ghét mọi người trong căn nhà này. Mọi đồ dùng từ bé cho đến cái quý giá nhất của mọi người trong gia đình này đều là từ tiền của ông mà ra cả. Trước đây, ông sẵn lòng rộng lượng ban phát bao nhiêu; ông nhìn cuộc sống và mọi người đáng yêu bao nhiêu, thì giờ đây đến khi nhẵn túi đã làm ông trở nên trĩu nặng ưu tư và thấy xa lạ với mọi người. Nhưng sự xa cách của Mây làm ông cay đắng nhất. Mặc dù vậy, Mây đã là vợ của ông nên ông vẫn còn nhiều hy vọng với thời gian. Và ông cũng rất mong muốn rằng đến một ngày nào đó Mây sẽ cho ông một đứa con. Hy vọng dâng trào con tim ông. Hơn nữa, Mây đã đến cái tuổi cũng mong một đứa con ra đời. Ông tin và vui vì điều đó. Ông chợt mỉm cười. Khói thuốc bay quanh gương mặt với mái tóc bạc. Và bên cạnh đó, ông không biết rằng, bố của Mây đang bấm máy liên tục, một lúc liền hết cả cuộn phim.


 

Ai cũng nghĩ ông Nhất ốm nặng vì trầm uất, nhưng hóa ra không phải. Sớm nay, mọi người rất ngạc nhiên vì sự vui vẻ bất thường của ông. Mấy người nước ngoài thuê nhà ở đó còn thấy ông hát to dưới bếp. Một anh chàng người Anh định tòm tem cô em Ngọc Viên của Mây đã thức dậy sớm cùng với ông Nhất. Anh chàng người Anh này là một dạng "tây ba lô" lang thang có chút ít vốn liếng và tiền của người nhà gửi sang thế là ở rịt lại cái nhà ven hồ này. Anh ta cũng mê tít thò lò cô em của Mây nên có những đồng cảm với ông Nhất. Anh ta hỏi:

- Anh có thể san sẻ niềm vui cho chú em đồng hao này không?

Ông Nhất cười phá lên vì cách nói năng láu cá của anh chàng lỏi con này. Đang vui ông Nhất khoe ngay:

- Tao sắp có con rồi.

- Ồ thì ra chị Mây có mang. Ông thật là người có diễm phúc lớn.

Ông Nhất cười tít cả mắt. Ông lại hát bài ca tình yêu ông thuộc từ ngày còn trẻ. Mọi khi giọng ông trầm khê mang một chút buồn theo năm tháng mà nay bỗng ấm và trong hẳn. Anh chàng "Tây" con kia pha giúp ông Nhất một cốc sữa nóng để mang lên buồng ngủ cho Mây.

Nhìn dáng ông Nhất lóng ngóng đi lên cầu thang, anh chàng Giôn cười phá lên rồi nói oang oang:

- Chúc ông có một cậu con giai nhé?

Ông Nhất gật gật cái đầu, ngoái lại nói:

- Xin cám ơn.

Mây ngồi dậy chờ ông Nhất thổi nguội từng thìa sữa rồi đút cho mình.

Dạo này, Mây mệt bã người và không còn bụng dạ nào để đi theo các tốp biểu diễn nữa. Và nhất là sau khi ông Nhất trao nốt cả số tiền còn lại cho Mây để gửi tiết kiệm.

 

- Nào cưng! Ăn thêm vài thìa nữa nhé. Cả hai mẹ con cần phải giữ sức đó.

Mây âu yếm nhìn ông Nhất rồi hỏi:

- Có con, anh vui lắm hả?

- Thật tuyệt vời em ạ! Anh cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc như lúc này.

- Nhưng lại con gái anh thích không?

Ông Nhất nhìn vào cặp mắt tình tứ của Mây nhẹ nhàng nói:

- Thêm một cô gái đẹp như em ra đời, trái đất này
như càng rực rỡ hơn. Anh càng có thêm niềm tự hào với thiên hạ.

Mây chúm chím miệng:

- Xạo thật đó, ông già của em ạ! Em biết mình đang ước con trai mà.

- Nếu được thế thì trái đất này vỡ tung mất.

Vừa nói ông vừa cười như phá lên. Đó là niềm vui tột đỉnh mà ông hằng mơ ước. Ông thấy thỏa mãn mọi điều mình đã trải qua, đã phải hy sinh, đã phải cam chịu. Mây nói ríu rít như chim hót trong buổi sớm mai:

- Thôi được! Lát nữa anh đưa em đi siêu âm nhé.

Lúc này bà mẹ của Mây vẫn đang nghe ngóng ở cửa phòng con gái. Bà thấu hiểu mọi chuyện và mỉm cười đắc ý, thế là cả vốn lẫn lãi con gái bà đã có đến bạc tỷ. Chợt nhớ đến câu nói: "Nghèo thì lâu, giàu mấy chốc".

 

Thấy tiếng ríu rít trong phòng Mây, bà định ghé tai nghe xem chúng nó nói chuyện gì với nhau thì bỗng giật mình bởi có tiếng bước chân đi tới. Trấn tĩnh nhận ra ông chồng bèn càu nhàu:

- Hôm nay, đổ đốn lại dậy sớm thế không biết.

Ông chồng vừa ngáp vừa nói:

- Hôm qua bà có nhận được điện của cái thằng...

Bà bỗng giật thót mình ra hiệu để ông chồng im lặng, rồi nói lí nhí:

- Ông muốn sống hay muốn chết hả?

- Rõ khỉ, có bà dở hơi mới muốn chết chứ bà lại hỏi tôi.

Bà vội kéo ông chồng đi nhanh về phòng như hai kẻ vụng trộm vậy. Căn buồng của Mây vang lên một khúc nhạc "ráp" và náo nức tiếng nói cười. Ông Nhất vui như mở cờ trong bụng.

 

Một ngày hè. Trọn vẹn một ngày nắng tràn đầy sự sống. Ông Trời thật phù hộ cho Mây khi bước tới nhà hộ sinh. Nghe tin một nữ nghệ sĩ múa nổi tiếng đến sinh con làm mọi người trong nhà hộ sinh cũng náo nức và xôn xao không kém một sự kiện lạ. Ai nấy chuẩn bị kỹ lưỡng như đỡ một ca khó đẻ dẫn tới sự nguy hiểm vậy. Thực ra, có ai đó đã lo mọi chuyện rất chu đáo cho nhà hộ sinh nên họ đôn đáo giống một việc cực kỳ hệ trọng sắp xảy ra. Mây được hai người đỡ lên giường đẩy đưa vào phòng đẻ. Khi ấy, ông Nhất ở ngoài cứ ôm khư khư thùng quà ngồi chờ đợi. Ai cũng trách ông sao không đưa Mây đến từ chiều hôm qua. Ông cũng chẳng hiểu tại sao lại quên khuấy mọi lời dặn dò của các cô hộ lý. Ngay từ hôm đi siêu âm biết là Mây sẽ đẻ con trai, ông Nhất cứ như một đứa trẻ vậy. Ông đi lại như mắc cửi trong ngôi nhà với mọi sự lo toan. Nào cái khăn, cái áo, cái nôi. Mọi chuyện cứ tưởng như chưa có gì mặc
dù ông cùng bà mẹ vợ lo tỉ mỉ. Xem ra, tờ giấy thống kê không còn ghi thêm được một khoản gì cần mua nữa ông mới thôi.

Ngồi chờ ngoài hành lang cùng với bà mẹ vợ mà ông lóng ngóng như kẻ mất hồn. Bà mẹ Mây thì cứ bình thản như không, thỉnh thoảng bà còn nhắc ông con rể:

- Anh cứ lúng túng như gà mắc tóc thế. Mọi chuyện đâu vào đấy cả thôi. Anh cứ làm như chỉ có một mình anh là biết lo.

Ông Nhất vuốt nhẹ mái tóc bạc ấp úng nói:

- Con mừng quá! Mẹ ơi đây là một quý tử nối dõi dòng họ của gia đình con. Con không lo thì còn ai lo vào đây
nữa ạ?

Bà mẹ bỗng nhếch mép cười và thong thả nói:

- Thế mà cũng có người còn lo hơn anh nữa ấy chứ.

Ông Nhất ngạc nhiên nhìn mẹ vợ dò hỏi:

- Con không hiểu mẹ nói gì ạ?

 

- Rồi anh sẽ biết thôi...

Bất ngờ có tiếng trẻ khóc ré lên. Tiếng khóc của con trai làm ông Nhất bừng tỉnh và đánh rơi gói quà trên ghế băng. Cô hộ lý mở cửa ra báo:

- Con trai, mẹ khỏe.

Ông Nhất nhảy cẫng lên như một đứa trẻ, vơ vội gói quà đặt lên tay cô hộ lý:

- Xin cám ơn, gọi là tý chút...

- Gớm bác cứ vẽ, đã có người gửi quà và tiền rồi cơ mà. Chúng cháu không dám lấy gì nữa đâu.

Ông Nhất sững người dường như không tin ở tai mình nữa bèn quay lại hỏi mẹ:

- Họ nói vậy là thế nào ạ?

- Là thế nào? Tôi biết đâu được với con Mây!

Bất ngờ, bà đứng dậy đi ra phía ngoài nhà hộ sinh. Một chiếc xe taxi đỗ xịch trước cửa. Bà ríu chân đi ra. Một anh chàng nom như người ngoại quốc mở cửa xe bước ra. Bà mẹ của Mây bước nhanh tới. Hai người nói chuyện với nhau có vẻ bí ẩn lắm. Ông Nhất không hiểu ra sao, rồi chuyện gì sắp xảy ra đây. Một cô hộ lý trẻ từ trong phòng bước ra hỏi:

- Ai là bố cháu bé?

- Dạ có tôi!

Cô hộ lý trợn tròn mắt nhìn ông Nhất hết sức
ngạc nhiên:

- Bác là bố của cháu bé mới ra đời ư?

 

- Vâng!

- Bác có lẫn không đấy. Hôm qua anh ta còn đến đây gặp chúng tôi mà. Anh ta còn trẻ và còn là một người ngoại quốc nữa cơ đấy...

Lúc này bà mẹ của Mây cùng người đàn ông ngoại quốc kia bước tới:

- Đây! Bố cháu bé đây. Cho chúng tôi vào ngắm cháu một lát.

Ông Nhất bàng hoàng nhìn mọi người. Nhất là bà mẹ của Mây tỏ ra lạnh nhạt và phớt lờ làm cho bầu không khí lạnh cứng xung quanh ông. Ngay lúc đó cô em gái của Mây và cậu Giôn cũng vội vàng chạy đến hỏi thăm ông. Nhưng có lẽ cô em gái của Mây đã tỏ tường mọi chuyện nên vội đi vào phòng bỏ Giôn đứng lại. Anh chàng Tây ba lô kia vội sát tới ông thì thầm:

- Lẽ ra ông nên biết chuyện này trước thì tốt hơn. Mọi người thật cay độc quá chừng.

Đến lúc này ông Nhất cũng vẫn chưa hiểu thật rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao nên vồ lấy Giôn như một vị cứu tinh. Hai người đi nhanh ra một quán nước. Giôn lấy lại bình tĩnh rồi kể:

- Mãi gần đây tôi mới biết chuyện, thì ra cái thai đó không phải của ông. Mây đã theo đuổi một cuộc tình khác với anh chàng ngoại quốc trong dịp đi nước ngoài biểu diễn.

Ông Nhất như muốn gục xuống bàn mà không được. Đôi mắt ông đờ dại hẳn. Những sợi lông mày bạc trên khóe mắt đục mờ kia run lên vì xúc động. Bỗng nhiên tuổi già kéo sập đến trong khoảnh khắc trên toàn cơ thể ông. Ông không ngờ chuyện lại tráo trở nhanh đến thế. Chẳng còn tâm trí nào để chào Giôn, ông chậm chạp bước đi lủi thủi trên đường! Giôn đuổi theo an ủi:

- Theo tôi ông cứ về ngủ một giấc rồi xem sự đời
ra sao.

 

Lập thu. Theo đúng văn tự, nhà đất đứng tên Mây. Vả lại không có chứng cớ gì để nói đó là tiền của ông làm nên cả. Hơn nữa ông chỉ là người đăng ký tạm trú, mặc dù có đăng ký hôn nhân. Do vậy theo quyết định của tòa án ông phải ra khỏi căn biệt thự mà ông đang ở. Để giải quyết cho gọi là có tình, Mây sẽ đền bù phần nào công sức cho ông.

Vụ xử ly hôn này vắng mặt Mây, chỉ có người được ủy quyền là mẹ của Mây với lý do Mây và cháu nhỏ đang bị ốm nặng.

Đến nước này, ông Nhất thấy không còn điều gì để nói nữa. Chẳng đợi thẩm phán tuyên bố, ông lững thững bước ra ngoài với tâm hồn nặng trĩu nỗi buồn đau. Thế là trắng tay, ông không còn biết sẽ về đâu nữa và cứ đi... cứ đi với cái đầu nhức như búa bổ.

 

Có tiếng người thét lên và còi inh ỏi làm ông Nhất bừng tỉnh. Nhưng không kịp nữa rồi, một bánh xe ô tô đã chèn qua chân ông. Không hiểu sao ông cũng không cảm thấy đau nữa, mặc dù chân phải đã bị gãy và máu chảy loang ra trên đường. Ông cứ ngồi nguyên thế mà nhìn ống chân nát vụn của mình. Mọi người vội chạy đến định xốc ông dậy. Nhưng ông lạnh lùng nhìn mọi người với cặp mắt thâm quầng lạnh lẽo.

Khi ô tô cứu thương rú còi lao đến, mọi người chạy dạt ra để các bác sĩ đặt ông lên cáng thương đưa vào xe. Lúc này bất chợt ông ngồi nhổm dậy nhìn mọi người nhếch một nụ cười héo hắt, méo xệch trên gương mặt nhăn nheo.

Ông ngước lên trời mồm lẩm nhẩm những câu mà mọi người xung quanh không thể hiểu:

- Thiên nga! Ôi! Thiên nga của tôi.

Họ cho là ông Nhất đã bị điên.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83424


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận