Jên Erơ Chương 11


Chương 11
Một chương mới trong một cuốn tiểu thuyết cũng giống như một màn mới trong vở kịch.

Và lần này khi tôi kéo màn lên, thưa bạn đọc, xin hãy tưởng tượng trước mắt bạn, là một căn phòng trong Quán vua Giorgiơ ở Mincôt. Tường phủ giấy có vẻ những hình lớn, như buồng các quán trọ khác. Cũng tấm thảm, cũng những thứ đồ đạc, những đồ trang trí trên mặt lò sưởi, cũng những bức tranh như vậy; kể cả một bức chân dung vua Giorgiơ đệ tam, và một bức chân dung ông hoàng xứ Gan(1) và còn một bức nữa vẽ cái chết của Wonfơ(2). Tất cả những thứ ấy được một ngọn đèn dầu treo trần và một ngọn lửa ấm cúng soi sáng. Tôi ngồi cạnh ngọn lửa, mặc áo khoác và đội mũ. Bao tay lông và dù của tôi đặt trên bàn còn tôi thì ngồi sưởi cho ấm, người rét cóng vì suốt mười sáu tiếng đồng hồ ngoài trời tháng mười giá lạnh. Tôi rời Lôtơn lúc bốn giờ sáng, và bây giờ chuông đồng hồ thành phố Mincôt vừa điểm tám tiếng.

Thưa bạn đọc, mặc dù trông tôi có vẻ thoải mái, nhưng thực ra đầu óc tôi không thư thái chút nào. Tôi cứ tưởng rằng lúc xe ngựa đến nơi hẳn sẽ có một người nào ra đón. Trong lúc đặt chân lên chiếc bục gỗ người ta đặt sẵn để tôi xuống xe cho dễ, tôi băn khoăn nhìn quanh, chờ người lên tiếng gọi tên tôi và xem có chiếc xe nào chực sẵn để đưa tôi về Thornơfin không. Nhưng chẳng thấy gì cả. Và khi tôi hỏi một người hầu ở quán trọ xem có ai lại tìm Jên Erơ không thì người đó cũng bảo không có. Tôi chẳng còn cách nào khác đành phải bảo đưa vào một phòng trọ; tôi ngồi đợi ở đấy; tâm trí hoang mang vì đủ mọi nỗi ngờ vực, lo sợ.

Thật là một cảm giác lạ lùng đối với một người con gái ít kinh lịch, khi cảm thấy mình hoàn toàn đơn độc giữa cuộc đời, bị bỏ bơ vơ không người thân thích. Không biết liệu có thể tới đích được không và muốn quay về nơi cũ thì lại gặp những điều trắc trở. Nhưng sự thú vị vì phiêu lưu cũng làm cho cảm giác ấy dịu bớt, ngọn lửa tự hào đã sưởi ấm cho cảm giác ấy, nhưng rồi lại bị nỗi bồn chồn vì sợ hãi giày vò; và khi đợi đã quá nửa giờ vẫn không thấy ai, thì sự sợ hãi đã hoàn toàn xâm chiếm tâm hồn tồi. Tôi quyết định bấm chuông gọi.

- Anh có biết quanh vùng này có chỗ nào gọi là Thornơfin không? Tôi hỏi người hầu bàn khi anh này nghe tiếng chuông chạy lên.

- Thornơfin à? Thưa cô tôi không biết, để tôi ra chỗ quầy bán rượu hỏi đã nhé.

Anh ta chạy vội đi nhưng rồi lại quay về ngay.

- Có phải tên cô là Erơ không?

- Phải.

- Có người đợi cô ở đây.

Tôi đứng phắt dậy cầm lấy bao tay và dù rồi bước vội ra hành lang. Một người đàn ông đứng ngay cạnh cửa, và dưới ánh đèn ngoài phố, tôi lờ mờ thấy có chiếc xe một ngựa.

- Hành lý của cô đây phải không? - Người đó đường đột hỏi lúc trông thấy tôi, tay anh chỉ vào chiếc hòm đặt ở hành lang.

- Vâng.

Anh ta bê hòm lên xe, đó là một kiểu xe ngựa hòm, và tôi bước vào xe; trước khi anh ta đóng cửa, tôi hỏi anh xem đây cách Thornơfin bao xa.

- Khoảng sáu dặm nữa.

- Chúng ta phải đi mất bao lâu mới tới nơi?

- Độ gần tiếng rưỡi.

Anh ta đóng chặt cửa xe rồi nhẩy lên ghế ngồi riêng ở bên ngoài; xe bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi đi một cách nhàn hạ, vì vậy tôi có nhiều thì giờ để suy nghĩ. Tôi lấy làm thỏa mãn khi thấy sắp kết thúc cuộc hành trình; xe tuy không lấy gì làm sang trọng lắm nhưng ngồi cũng thoải mái; dựa lưng vào thành xe tôi tha hồ suy nghĩ.

Tôi nghĩ bụng: "Cứ nhìn cái vẻ giản dị của người đầy tớ và chiếc xe ngựa, xem chừng bà Fefăc không phải là người thích cầu kỳ cho lắm, nhưng thế càng tốt. Đời mình mới chỉ sống một lần với những người giàu có thôi, mà gần họ mình đã phải chịu bao điều khổ sở. Không biết có phải bà ta chỉ sống một mình với em nhỏ kia không, nếu đúng thế và tính tình bà ta có phần dễ chịu, thì mình tin chắc vẫn có thể chung sống với bà được. Mình sẽ cố gắng làm hết sức. Thật đáng buồn khi cố gắng làm hết sức mình mà không bao giờ được đáp lại. Thực ra thì ở Lôut mình cũng quyết định ăn ở đối xử như thế, mình đã thực hiện điều đó và cũng khiến được mọi người vui lòng; nhưng đối với bà Rit, mình còn nhớ rất rõ rằng những cố gắng của mình chỉ được đáp lại bằng sự khinh bỉ. Cầu trời ước gì bà Fefăc không phải là một bà Rit thứ hai; nhưng nếu bà ta như thế đi nữa thì cũng chẳng có gì bó buộc mình phải ở với bà, đã xấu thì cho xấu một thể, mình vẫn có thể lại đăng báo một lần nữa. Không biết xe đã đi được đến đâu rồi?".

Tôi hạ cửa kính xuống và nhìn ra ngoài, Mincôt đã lùi lại phía sau chúng tôi; căn cứ vào vô số những ngọn đèn của nó thì đó là một thành phố khá lớn, rộng hơn Lôtơn nhiều. Lúc này, cứ như tôi đoán thì xe đã tới một thị trấn, với những ngôi nhà rải rác đó đây. Tôi cảm thấy mình đến một vùng khác hẳn Lôut, đông đúc hơn, nhưng không ngoạn mục bằng, hoạt động hơn, nhưng kém phần thơ mộng.

Đường khó đi, đêm phủ đầy sương; suốt dọc đường người xà ích mặc cho ngựa đi thủng thẳng, vì thế đáng lẽ chỉ cần một giờ rưỡi, tôi tin chắc đã mất đến hai giờ. Cuối cùng anh ta vẫn ngồi yên tại chỗ ngoái đầu lại nói:

- Bây giờ gần đến Thornơfin rồi.

Tôi lại nhìn ra ngoài, chúng tôi đi qua một ngôi nhà thờ; cái tháp chuông to và thấp in lên nền trời, một hồi chuông rung lên báo một khắc. Trên sườn một ngọn đồi thấp thoáng một chùm ánh đèn chứng tỏ đấy là một thôn xóm hay một làng mạc nào đó. Chứng mười phút sau người đánh xe nhảy xuống, mở toang hai cánh một chiếc cổng; xe chúng tôi vào và cánh cửa đóng sầm lại, xe đi từ từ trên một con đường dẫn đến một ngôi nhà mặt trước khá rộng. Từ một khung cửa sổ che rèm có ánh sáng hắt ra; mọi chỗ khác đều tối om. Xe đỗ ngay trước cửa chính; một người hầu gái ra mở, tôi xuống xe bước vào nhà.

- Xin cô đi về phía này, - người hầu gái nói, tôi đi theo chị ta qua một gian phòng lớn vuông vắn, bốn bề có cửa ra vào rất cao. Chị dẫn tôi vào một căn buồng sáng choang cả ánh lửa lẫn ánh nến, làm cho lúc đầu mắt tôi chói lòa, vì tôi đã quen với bóng tối suốt trong hai giờ đồng hồ. Lúc đã nhìn rõ, tôi thấy một cảnh tượng êm đềm thân mật bày ra trước mắt.

Đó là một căn phòng xinh xắn, ấm cúng, có một chiếc bàn tròn kê bên lò sưởi; một bà có tuổi, người nhỏ nhắn ăn vận diểm dắn; ngồi trên một chiếc ghế bành kiểu cổ có lưng dựa rất cao; bà đội một chiếc mũ quả phụ, mặc áo dài lụa đen và đeo một chiếc tạp dề bằng vải trắng phau, thực đúng như bà Fefăc trong trí tưởng tượng của tôi, chỉ hơi khác là bà này không bệ vệ bằng, nhưng lại có vẻ dịu dàng hơn. Bà đang ngồi đan, một con mèo to ngồi chầu hẫu dưới chân; tóm lại thật là một bức tranh đầy đủ về cảnh tượng ấm cúng của sinh hoạt gia đình. Khó mà tưởng tượng ra được một cảnh đón tiếp cô giáo mới nào lại có thể khiến cô giáo được yên tâm hơn, không có gì long trọng khiến tôi phải ngại ngùng, không có gì uy nghi khiến tôi phải bối rối. Và lúc tôi bước vào, bà đứng dậy, vội vàng thân mật bước ra đón.

- Cô khoẻ chứ, cô giáo thân mến? Tôi e rằng cuộc hành trình của cô buồn tẻ đấy; Jôn cho xe đi dềnh dàng quá, chắc cô bị lạnh; vào đây ngồi sưởi đi.

- Dạ, có lẽ bà là bà Fefăc?

- Vâng, cô nói đúng, cô ngồi xuống đây.

Bà dẫn tôi đến chỗ ghế bà ngồi; rồi bắt đầu bỏ khăn ra cho tôi và cởi dây mũ nữa. Tôi xin với bà chớ phải bận tâm vì tôi như vậy.

- Ồ có gì mà bận tâm, tôi chắc tay cô đến bị tê cóng vì rét mất thôi. - Li, đi hâm ngay ít rượu vang và cắt hộ một hai cái bánh xenđuych nhé; chìa khóa tủ đựng thức ăn đây.

Bà móc túi lấy một chùm chia khóa đồ sộ và đưa cho chị hầu gái. Rồi bà nói tiếp:

- Nào, xích lại gần lò sưởi đi, cô có đem theo hành lý đấy chứ, có phải không, cô giáo thân mến của tôi?

- Thưa bà, vâng.

- Tôi sẽ đem cả vào buồng cô.

Bà nói xong, vội vàng bước ra.

Tôi nghĩ thầm: "Bà ấy tiếp đãi mình như một người khách; mình không hề chờ đợi một sự tiếp đón như vậy. Mình cứ đoán là sẽ được đón tiếp khác hẳn với những điều mình nghe nói về các cuộc tiếp đón những cô giáo dạy trẻ; nhưng mình không nên quá vội vui mừng".

Bà quay vào; lần này bà tự tay dọn dẹp đồ đan và mấy cuốn sách trên bàn để lấy chỗ cho Li đặt cái khay vừa bưng vào và chính bà lấy thức ăn đưa mời tôi. Tôi cảm thấy bối rối vì chưa bao giờ mình được chú ý săn sóc như vậy, hơn nữa người săn sóc lại là bà chủ, người bề trên của mình. Nhưng vì chính bà cũng không để ý bà làm thế là không đúng với cương vị của bà, nên tôi nghĩ tốt hơn là cứ lặng yên tiếp nhận sự săn sóc lịch sự đó.

- Liệu tôi có hân hạnh gặp cô Fefăc đêm nay không? - Tôi hỏi sau khi bà ăn xong.

- Cô nói gì vậy; cô thân mến? Tôi hơi nghễnh ngãng đấy. - Người đàn bà nhân hậu quay lại hỏi, ghé sát tai vào tôi.

Tôi nhắc lại câu hỏi rõ ràng hơn.

- Cô Fefăc đấy à? Ồ, cô muốn cô Varen chứ gì! Varen là tên đứa học trò tương lai của cô đấy.

- Thực thế ư? Vậy cô ấy không phải là con gái của bà sao?

- Không, tôi không có gia đình.

Đáng lễ tôi còn muốn tiếp tục hỏi nữa, xem Varen có họ hàng với bà ta như thế nào, nhưng tôi lại nhớ rằng hỏi nhiều quá là thiếu lễ độ, vả lại, rồi về sau thế nào tôi chẳng rõ.

Trong lúc bà ngồi xuống đối diện với tôi, bà ôm con mèo đặt lên gối và tiếp:

- Tôi rất sung sướng, rất sung sướng vì cô về đây với tôi, cuộc sống ở đây bây giờ sẽ thú vị vì có thêm một người bạn. Thực tế, ở đây bao giờ cũng thú vị, vì Thornơfin là một toà lâu đài cổ rất đẹp, có lẽ mấy năm gần đây nó không được người ta chú ý tới, nhưng cũng là một nơi đáng quý trọng. Tuy nhiên cô cũng biết về mùa đông, dù sống ở những tòa nhà đẹp nhất người ta vẫn cảm thấy buồn vì thấy mình hoàn toàn lẻ loi; tôi nói lẻ loi vì Li là một đứa ở gái ngoan ngoãn thực đấy, còn Jôn và vợ anh ta cũng là những người rất dễ chịu, nhưng dù sao họ vẫn là những kẻ ăn người làm, không thể nào chuyện trò bình đẳng với họ được, không nên luôn gần gũi với họ, vì như vậy sẽ làm nhờn. Mùa rét vừa rồi (đó là một mùa rét rất khắc nghiệt, hẳn cô còn nhớ, khi nào trời không có tuyết là lại có mưa gió), ngoài người bán thịt và người đưa thư ra, chẳng có ai lai vãng đến ngôi nhà này suốt từ tháng một(1) cho tới tháng hai. Đêm này qua đêm khác ngồi vò võ một mình, tôi cảm thấy buồn hết sức, thỉnh thoảng tôi gọi Li lên đọc sách cho tôi nghe, nhưng tôi biết con bé khốn khổ ấy không thích công việc này lắm; nó miễn cưỡng mà phải đọc thôi. Đến mùa xuân và mùa hè thì còn dễ chịu hơn; ánh nắng và ngày dài làm cho đời sống thay đổi hẳn; thế rồi, đúng vào đầu mùa thu này, cô bé Adela Varen cùng với chị bảo mẫu đến đây, có trẻ con nhà cửa vui hẳn lên, và bây giờ có thêm cô ở đây tôi lại càng vui.

Trong lúc nghe người đàn bà đáng quý ấy nói, lòng tôi ấm lại, tôi kéo ghế ngồi gần bà thêm một chút, và ngỏ với bà lòng mong muốn thành thực của tôi là gần gũi bà tôi sẽ làm cho bà dễ chịu như bà mong đợi.

Bà ta nói:

- Nhưng tôi không muốn để cô phải thức khuya đêm nay; sắp sửa mười hai giờ đêm rồi đấy; cô đi suốt ngày, hẳn là phải mệt. Nếu chân cô sưởi đã ấm thì tôi sẽ đưa cô lên buồng ngủ của cô. Tôi đã sửa soạn sẵn cho cô một căn buồng ngay cạnh buồng tôi. Đó chỉ là một căn buồng nhỏ nhưng tôi tin chắc cô sẽ thích nó hơn những căn buồng lớn đằng mặt nhà. Dĩ nhiên là đồ đạc ở đây sang trọng hơn, nhưng các buồng ấy buồn tẻ lạnh lẽo lắm! Chính tôi cũng chẳng bao giờ ngủ trong các buồng ấy.

Tôi cảm ơn bà vì đã cẩn thận chọn cho như vậy; tôi cảm thấy quá mệt mỏi vì cuộc hành trình dài ngày hôm ấy, nên tôi ngỏ ý sẵn sàng trở về phòng mình. Bà cầm cây nến, tôi theo chân bà bước ra khỏi buồng. Trước hết bà ra xem cửa phòng lớn đã khóa chưa; rút chìa ra khỏi ổ xong, bà bước lên thang gác. Bậc thang và tay vịn bằng gỗ sồi; cửa sổ cầu thang rất cao và có chấn song hoa. Cái cửa sổ này cùng với dãy hành lang dài, có cửa thông vào các phòng ngủ, trông như kiểu ở một nhà thờ hơn là ở một nhà riêng. Không khí lạnh như trong mồ bao trùm cả hành lang và cầu thang gác, gợi nên một ấn tượng ảm đảm và hoang vắng, và cuối cùng khi được đưa vào phòng, tôi rất thích thú vì thấy nó xinh xắn và có những đồ đạc thông thường hợp thời.

Sau khi bà Fefăc đã thân mật chào tôi và tôi đóng cửa lại rồi bấy giờ tôi mới thảnh thơi nhìn ngắm xung quanh, tôi quên dần cái cảm giác kỳ lạ khi thấy gian phòng thênh thang, cái cầu thang lớn âm u và dãy hành lang dài lạnh lẽo nọ, và ngắm nhìn cái quanh cảnh vui tươi trong gian phòng xinh xắn của tôi, tôi nhớ rằng sau một ngày thể xác mệt mỏi, tinh thần lo lắng, lúc này tôi đã đến được bến nghỉ an toàn. Lòng biết ơn rạo rực tràn ngập trong lòng, tôi quỳ xuống bên giường hướng về Chúa dâng lời cảm tạ, và trước khi đímg dậy, tôi cũng không quên cầu xin được phù hộ trên đường đời sau này, xin cho tôi sức mạnh để xứng đáng với sự tử tế dành cho tôi trước khi tôi xứng được hưởng. Chiếc giường tôi nằm đêm đó không có chông gai; căn phòng đơn độc không có gì đáng sợ hãi. Mệt mỏi nhưng thỏa mãn, tôi ngủ say một giấc say sưa. Khi tôi bừng tỉnh, trời đã sáng rõ.

Gian phòng nom vui hẳn lên khi mặt trời chiếu vào cửa sổ qua bức rèm xanh lơ, rọi sáng các tường căng giấy và mặt sàn trải thảm, chúng khác hẳn cái sàn trơ trọi với những bước tường lem luốc ở Lôut; nhìn thấy thế lòng tôi rộn hẳn lên. Những hình thức bề ngoài có ảnh hưởng lớn đối với tuổi trẻ; tôi nghĩ một cuộc sống mới tươi đẹp hơn đã bắt đầu đến với tôi, một cuộc đời đầy hoa vui thú nhưng cũng đầy chông gai vất vả. Trước cảnh đổi thay, những năng lực trong người tôi rộn lên, cái cảnh mới mẻ dành cho bao niềm hy vọng, tất cả hình như đang trỗi dậy. Tôi không sao xác định được chúng chờ đợi cái gì, nhưng hẳn là một điều gì thú vị, có thể không phải là cho ngày hôm ấy hoặc tháng ấy, mà là cho một tương lai không rõ rệt.

Tôi trở dậy, mặc áo chỉnh tề; tôi bắt buộc phải ăn mặc giản dị (vì chỉ có những y phục thực nhã nhặn và đơn giản) bản tính tôi còn ưa gọn ghẽ nữa. Tôi không quen để bề ngoài cẩu thả, hoặc không quan tâm đến những ấn tượng mình gây ra. Trái lại, bao giờ tôi cũng muốn cho mình được dễ coi và làm hết sức cho mọi người ưa mình tuy tôi kém bề nhan sắc cung cấp. Đôi khi tôi cũng ao ước có một cái má hồng tươi, cái mũi dọc dừa và cái miệng nhỏ xinh như trái anh đào. Tôi ước gì có được thân hình cao lớn, đường bệ, với những đường nét nở nang. Tôi cho rằng mình bé nhỏ, xanh xao, với những nét mặt không cân đối lộ hẳn ra như vậy là một điều bất hạnh. Vì sao tôi lại có những ước muốn và tiếc hận như vậy? Thực khó mà phân tích được; bản thân tôi cũng không nói rõ được với chính tôi điều đó; nhưng tôi vẫn có một lý lẽ, lại là một lý lẽ rất hợp lý tự nhiên nữa. Tuy nhiên, sau khi tôi đã chải đầu thật mượt và mặc một chiếc áo đen - tuy may theo kiểu Quakơ(1), nhưng ít ra trông cũng vừa vặn gọn ghẽ - lại cài một chiếc cổ áo trắng sạch bong, tôi nghĩ mình trông cũng tương đối đứng đắn để ra mắt bà Fefăc; và ít nhất cô học trò mới của tôi cũng không đến nỗi thấy ác cảm mà lại lánh xa tôi. Mở cửa buồng xong, và thấy các thứ trên bàn trang điểm đã ngăn nắp gọn gàng rồi, tôi mới đánh bạo bước qua.

Qua dãy hành lang dài có trải thảm, tôi bước xuống những bậc thang trơn bóng bằng gỗ sồi, rồi vào gian phòng lớn. Tôi dừng ở đấy một phút ngắm vài bức tranh treo tường (tôi còn nhớ một bức vẽ người đàn ông rất nghiêm nghị, mặc áo giáp, và một bức vẽ phụ nữ tóc có rắc phấn và cổ đeo một chuỗi ngọc), một cây đèn bằng đồng, buông từ trên trần nhà xuống, một chiếc đồng hồ lớn vỏ bằng gỗ sồi, chạm trổ những hình kỳ dị và vì dùng đã lâu ngày và lau luôn nên đã ngả thành màu đen bóng như sừng. Tất cả mọi thứ đối với tôi đều rất quan trọng uy nghi, vì tôi rất ít khi được thấy những thứ lộng lẫy. Cửa ra vào của căn phòng lắp kính một nửa vẫn để mở; tôi bước qua ngưỡng cửa. Hôm ấy một buổi sáng mùa thu tuyệt đẹp, ánh bình minh tỏa êm đềm trên những lùm cây vàng hoe và trên cánh đồng quê còn xanh mởn. Tôi nhẹ bước trên bãi cỏ, ngẩng đầu nhìn mặt đằng trước tòa nhà. Nó gồm ba tầng, không đồ sộ lắm nhưng cũng khá lớn; đó chính là dinh cơ của một người lịch sự, chứ không phải lâu đài của một nhà quý tộc. Những lỗ châu mai quanh mái nhà khiến ngôi nhà trông có vẻ mỹ lệ. Mặt trước ngôi nhà màu xám nổi bật hẳn trên nền những lùm cây, nơi cư trú của đàn quạ lúc này đang bay lượn; chúng lượn qua bãi cỏ và khu đất chung quanh rồi đến đậu xuống một cánh đồng cỏ rộng. Cánh đồng này bị một hàng rào xiêu vẹo ngăn cách với bãi cỏ và khu đất, ở đấy có một dãy cây gai(2) lớn, lâu đời, cứng cáp, có nhiều mấu, tán rộng như những cây sồi, những cây này giải thích ngay nguồn gốc cái tên Thornơfin đặt cho ngôi nhà. Xa hơn nữa là những ngọn đồi, không quá cao như những ngọn đồi ở quanh Lôut, không nhiều sỏi đá bằng và cũng phải như những hàng rào ngăn cách với thế giới sinh động bên ngoài, tuy nhiên chúng cũng khá lặng lẽ và trơ trọi, hình như chúng vây quanh lấy Thornơfin khiến cho nó thành một nơi ẩn dật mà tôi không ngờ lại có được ở gần ngay một địa phương nhộn nhịp như Minôt. Rải rác trên một ngọn đồi, những mái nhà của một thôn xóm nhỏ ẩn hiện bên các lùm cây. Ngôi nhà thờ địa phương ở gần Thomơfin hơn, đỉnh tháp cổ kính của nhà thờ vươn hẳn lên sau một mô đất, giữa ngôi nhà và những cánh đồng.

Tôi còn đang thưởng thức phong cảnh yên tĩnh và hưởng không khí êm đềm mát mẻ, thích thú lắng nghe tiếng quạ kêu, ngắm nhìn mặt đằng trước rộng rãi của ngôi nhà và nghĩ bụng một người đàn bà nhỏ bé, đơn độc như bà Fefăc ở đấy thật là quá rộng, thì bỗng bà ta hiện ra trước cửa. Bà hỏi tôi:

- Thế nào, đã ra ngoài này rồi kia à? Cô là một người quen dậy sớm nhỉ.

Tôi bước lại gần bà, bà bắt tay và thân ái ôm hôn tôi.

- Cô có thích Thomơfin không? Bà hỏi tôi, tôi trả lời rằng rất thích.

- Phải, đây là một nơi rất đẹp, nhưng tôi sợ rằng nó sẽ bị bỏ hoang hủy, trừ phi ông Rôchextơ có ý định đến ở đây thường xuyên, hoặc ít nhất cũng đi lại đây luôn, những tòa nhà lớn và những khu đất đẹp cần phải có sự có mặt của chủ nhân.

Tôi kêu lên:

- Ông Rôchextơ! Ông ấy là ai?

- Là chủ nhân của Thornơfin, - bà ta thản nhiên trả lời. - Thế cô không biết tên ông ta là Rôchextơ à?

Dĩ nhiên tôi không biết - tôi chưa hề nghe nói đến tên ông ta; nhưng người đàn bà có tuổi đó hình như coi việc ông ta có mặt trên đời là một sự việc mà ai cũng đều biết cả, và mọi người phải quen với điều đó là lẽ tự nhiên thôi.

Tôi nói tiếp:

- Tôi lại cứ nghĩ Thornơfin là của bà.

- Là của tôi? Chúa ban phúc cho cô em; thực là một ý nghĩ kỳ lạ! Là của tôi? Tôi chỉ là người quản gia, một người quản gia. Tôi cũng có họ xa với ông Rôchextơ nhưng về đằng ngoại, hay nói cho đúng hơn là nhà tôi mới có họ với ông, nhà tôi là mục sư của Hây - cái làng trên lưng ngọn đồi kia kìa - và ngôi nhà thờ gần cổng ấy chính là của ông ấy đấy. Bà thân sinh ra ông Rôchextơ hiện giờ thuộc dòng họ Fefăc, chị em họ xa với nhà tôi; nhưng tôi chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện đó; thực tế thì điều ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi. Tôi tự coi mình hoàn toàn như trăm ngàn người quản gia khác; ông chủ bao giờ cũng đối xử với tôi rất hòa nhã, tôi cũng không mong gì hơn.

- Thế còn cô bé... Cô học trò của tôi?

- Nó là con nuôi của ông Rôchextơ, ông giao cho tôi nhiệm vụ tìm cho nó một cô giáo. Tôi cho rằng ông có ý định nuôi dạy nó ngay trong quận nhà. Kìa nó đã đến kia, cùng với chị "nụ" nó gọi chị bảo mẫu như vậy.

Cái điều bí ẩn thế là đã được giải thích, bà quả phụ nhỏ nhắn, nhân hậu, dịu dàng này không phải là một bà lớn nào cả, mà chỉ là một người làm công như tôi. Không phải vì thế mà cảm tình của tôi đối với bà kém đi; trái lại, tôi còn thấy dễ chịu hơn bao giờ hết. Sự bình đẳng giữa bà và tôi là sự thực, chứ không phải chỉ là do sự hạ cố của bà. Như thế càng hay, địa vị của tôi càng được thoải mái hơn.

Tôi đang nghĩ ngợi về cái điều vừa khám phá ra thì một cô bé chạy qua bãi cỏ lớn, theo sau nó một chị hầu gái. Tôi ngắm nhìn đứa học trò của mình; hình như lúc đầu nó không chú ý đến sự có mặt của tôi. Đó là một đứa bé chừng bảy hoặc tám tuổi, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt nhỏ nhắn, trắng xanh, mớ tóc dày, những búp cong buông xoã xuống.

- Chào Ađela, - bà Fefăc nói, - hãy đến chào cô đi, cô giáo đấy; cô sẽ rèn luyện cho em sau này trở thành một người có học thức.

Cô bé chạy lại gần hỏi:

- C’est là, ma gouvemate(1)? Cô bé chỉ tôi và hỏi chị bảo mẫu.

- Mais oui, certainement(2).

- Họ là người ngoại quốc à? Tôi ngạc nhiên hỏi, lúc nghe thấy hai người nói tiếng Pháp.

Chị bảo mẫu là người ngoại quốc, còn Ađela sinh ở lục địa; tôi tin rằng trước đây khoảng sáu tháng, con bé chưa hề bao giờ rời khỏi lục địa. Khi mới đến đây nó không biết một tiếng Anh nào; nhưng bây giờ nó cũng nói được bập bõm; nghe nó nói tôi không hiểu; nó đá lẫn cả tiếng Pháp vào nữa. Nhưng cô thì chắc nghe hiểu, tôi tin như vậy.

Cũng may mà tôi lại học tiếng Pháp do chính một bà giáo người Pháp dạy. Và cũng vì tôi luôn luôn tranh thủ nói chuyện với bà Pierô; ngoài ra, bảy năm gần đây, ngày nào tôi cũng học thuộc lòng một bài Pháp văn; tôi đã khổ công luyện giọng và cố gắng bắt chước đúng giọng nói của cô giáo Pháp; tôi đã được một trình độ nhất định, nói đúng và nhanh thứ tiếng đó; nên trong lúc tiếp xúc với Ađela, tôi không hề bị bối rối. Ađela đến bắt tay tôi lúc nó biết tôi là cô giáo của nó. Và trong lúc tôi dắt Ađela vào ăn món điểm tâm, tôi nói với nó vài câu bằng tiếng Pháp. Lúc đầu nó trả lời tôi vắn tắt, nhưng lúc chúng tôi đã ngồi vào bàn rồi, sau khi đã ngước đôi mắt to màu hạt dẻ ngó tôi 675e ến mười phút, đột nhiên nó bắt đầu nói liến thoắng:

- A! Nó kêu lên bằng tiếng Pháp . - Cô nói tiếng của em không kém gì ông Rôchextơ. Em có thể nói chuyện với cô như nói với ông ấy, và cả Xôphi cũng sẽ có thể nói với cô như vậy. Hẳn chị ấy sẽ thích lắm, vì ở đây chẳng ai hiểu chị ấy nói gì. Bà Fefăc hoàn toàn là một người Anh. Còn Xôphi là chị bảo mẫu của em; chị ấy đi cùng với em qua biển trên một chiếc tàu lớn có ống khói phun khói lên. - Gớm, khói phun lên cuồn cuộn. Em bị say sóng, chị Xôphi cũng say sóng, cả ông Rôchextơ nữa. Ông Rôchextơ nằm trên một chiếc ghế xôpha trong một gian phòng xinh xắn, gọi là phòng khách, còn Xôphi và em thì nằm trên những chiếc giường con, kê ở chỗ khác. Em suýt bị ngã vì giường nhỏ như một cái giá để sách. Còn cô, tên cô là gì ạ?

- Erơ, Jên Erơ.

- Erơ à? Gớm, tên khó đọc quá. Thế rồi một buổi chiều còn tinh mơ, tàu chúng em cập bến một thành phố lớn - một thành phố to gớm ghê, có những ngôi nhà đen sì và ám khói tất cả, khác hẳn cái thành phố xinh xắn, sạch sẽ nơi em ra đi. Ông Rôchextơ bế em trong tay bước lên tấm ván bắc vào bờ, còn Xôphi đi theo sau; và tất cả chúng em lên một chiếc xe ngựa; xe chạy đến một ngôi nhà đẹp và rộng, đẹp hơn và rộng hơn ngôi nhà này, gọi là khách sạn. Chúng em ở đây đến gần một tuần lễ, em và Xôphi hàng ngày vẫn thường đến một nơi cây cối um tùm gọi là công viên; ngoài em ra ở đấy còn có bao nhiêu là trẻ con, và một cái chuồng lớn có nhiều con chim rất đẹp, em thường vứt những mẩu bánh cho chúng nó ăn.

- Nó nói nhanh như thế liệu cô có hiểu được gì không? - Bà Fefăc hỏi.

- Tôi hiểu hết, vì tôi cũng đã quen nghe bà Piero nói rất nhanh.

Bà Fefăc nói tiếp:

- Tôi muốn cô thử hỏi nó một vài câu về cha mẹ nó, xem nó còn nhớ gì chăng.

- Này Ađen, tôi hỏi. - Thế em ở với ai trong cái thành phố xinh xắn sạch sẽ mà em vừa nói?

- Đã từ lâu em vẫn ở với má, nhưng rồi má đi theo Nữ thánh đồng trinh. Má thường dạy em nhảy múa,, hát và ngâm thơ. Có rất nhiều các ông bà sang trọng lại chơi với má; em thường nhảy cho họ xem hoặc ngồi trên đùi họ hát cho họ nghe. Em thích thế lắm. Thế bây giờ cô có muốn nghe em hát không?

Cô bé đã ăn điểm tâm xong; tôi cho phép nó trổ tài một chút. Nó tụt xuống ghế và đến leo lên đùi tôi, rồi trịnh trọng chắp hai tay nhỏ nhắn trước ngực, hất những búp tóc ra phía sau, ngước mắt nhìn lên trần nhà, nó bắt đầu hát một bài trong một bản nhạc kịch. Đó là lời than vãn của một thiếu phụ bị bỏ rơi; sau khi oán trách người tình nhân phụ bạc, nàng kêu gọi lòng kiêu hãnh hãy đến trợ lực cho nàng. Nàng muốn người hầu gái hãy trang điểm cho nàng bằng những vật trang sức rực rỡ nhất, những tấm áo lộng lẫy nhất, và quyết định đến gặp con người bạc tình ngay đêm ấy tại một buổi khiêu vũ, và bằng dáng điệu vui vẻ tỏ cho gã hiểu rằng việc gã quất ngựa truy phong không mảy may khiến nàng xúc động.

Chọn đề tài đó cho một đứa trẻ hát thì thật là lạ lùng; nhưng tôi cho rằng họ cho nó trình diễn chỉ cốt để nghe không thôi, từ miệng một đứa trẻ thơ bập bẹ những điệu yêu đương hờn giận; thì cũng là một cách thưởng thức kém cỏi, ít nhất, thì đó cũng là ý kiến của tôi.

Ađen hát cũng khá đúng với giọng ngây thơ non nớt của tuổi nó. Hát xong, nó nhảy xuống đất và nói:

- Thưa cô, bây giờ em ngâm cô nghe một đoạn thơ nhé.

Lấy điệu bộ, nó bắt đầu bài thơ ngụ ngôn: La ligue des rats, fable de la Fontaine(1). Nó đọc bài thơ ngắn ấy, chú ý từng chỗ ngắt câu, từng chỗ nhấn mạnh... Cái giọng khi lên khi xuống và những điệu bộ, quả thực không thích hợp với tuổi của nó; điều này chứng tỏ con bé đã được huấn luyện rất công phu. Tôi hỏi:

- Có phải má đã dạy em bài thơ ngụ ngôn đó không?

- Vâng, má em còn ngâm đoạn ấy như thế này:

"Qua’avez vous done? lui dit in de ces rats; parlez"(2). Má còn bảo em giơ tay lên thế này... thế... để cho em nhớ lúc đặt câu hỏi là phải nâng cao giọng lên. Thế bây giờ cô có muốn xem em nhảy không?

- Thôi thế cũng đủ, em ạ; nhưng sau khi má đã đi theo Nữ thánh đồng trinh, như lời em nói, thì em ở với ai?

- Ở với bà Frêđêrich và chồng bà ấy; bà trông nom em, nhưng không có họ hàng gì với em cả. Em cho rằng bà ấy nghèo, vì nhà bà không đẹp như nhà của má. Em ở đấy với bà cũng không lâu, vì ông Rôchextơ hỏi em rằng có muốn đi theo ông về ở bên nước Anh không, thế là em trả lời có, vì em còn biết ông Rôchextơ trước bà Frêđêrich cơ. Ông Rôchextơ lúc nào cũng quý em, cho em bao nhiêu là quần áo và các thứ đồ chơi đẹp lắm. Nhưng cô biết đấy, ông ấy chẳng giữ đúng lời hứa gì cả; ông ấy đưa em về nước Anh rồi ông lại bỏ em mà đi một mình, và em chẳng còn thấy ông ấy đâu nữa.

Sau bữa điểm tâm, Ađen và tôi vào trong phòng sách; căn buồng này hình như ông Rôchextơ đã cho dùng làm buồng học; phần lớn các sách đều để trong tủ kính khóa kín, nhưng cũng có một ngăn để mở, gồm những sách cần cho các lớp trình độ sơ đẳng, và có nhiều cuốn về văn chương, thơ, tiểu truyện, truyện phiêu lưu, vài quyển tiểu thuyết v.v... Hẳn ông Rôchextơ cho rằng những sách đó là tất cả những thứ cần thiết cho một cô giáo dạy trẻ dùng riêng. Sự thực thì lúc này tôi cũng thấy thế là đầy đủ thỏa mãn; vì so với số sách ít ỏi mà tôi đã dùng để thỉnh thoảng lượm lặt chút ít kiến thức ở Lôut, thì đó là cả một mùa gặt phong phú cho sự giải trí và học vấn. Trong buồng còn kê một chiếc dương cầm mới nguyên, âm thanh rất hay, và có cả một cái giá vẽ với hai quả địa cầu.

Tôi thấy Ađen cũng dễ bảo, nhưng ít chăm chỉ. Nó chưa có thói quen làm việc đều đặn về bất cứ môn gì. Tôi cho rằng nếu gò bó nó ngay từ phút đầu thì không hợp lý. Vì vậy sau khi đã nói chuyện rất nhiều với nó và chỉ cho nó học chút thôi, và khi trời đã gần trưa, tôi cho phép nó nghỉ để về với chị bảo mẫu. Rồi tôi định làm việc cho đến giờ ăn trưa, phác họa một vài bức vẽ để cho nó tập.

Tôi đang đi lên gác lấy chiếc bảng vẽ và bút chì thì bà Fefăc gọi tôi.

- Giờ dạy buổi sáng của cô thế là xong rồi chứ? Bà ta đứng trong một gian phòng mở cửa rộng; khi nghe thấy bà gọi tôi bước vào. Đó là một gian phòng rộng, bề thế, kê những ghế bành bọc nhung đỏ, cửa buồng rèm đỏ, sàn trải thảm Thổ Nhĩ Kỳ, tường lát gỗ, có một cửa sổ rộng gắn kính màu, trần nhà cao ráo có đắp những hình nổi công phu. Bà Fefăc đang phảy bụi cho những chiếc bình bằng đá băng lan đỏ ở trên tù buypfê.

- Căn buồng đẹp quá! - Vừa nhìn xung quanh tôi vừa kêu lên vì xưa nay tôi chưa từng thấy có gian phòng nào lộng lẫy được bằng nửa như vậy.

- Vâng, đây là buồng ăn, tôi vừa mở cửa sổ để ánh nắng lọt vào và cho nó thoáng khí một chút, vì trong những gian phòng ít được dùng đến mọi thứ đều ẩm hết cả. Còn gian phòng khách đằng kia thì cứ như cái nhà mồ vậy.

Bà chỉ cho tôi một chiếc cửa vòng cung lớn tương xứng với cửa sổ, và cũng có buông một chiếc màn xanh thẫm, nhưng lúc ấy đã vén lên. Tôi bước qua hai bực rộng trước vòm cửa nhìn vàò bên trong; tôi ngỡ là đã thấy một quang cảnh thần tiên hết sức lộng lẫy trước đôi mắt ít lịch lãm của tôi. Tuy nhiên đây chỉ là một căn phòng khách rất sang trọng trong đó lại có một phòng phụ nữ, cả hai đều trải thảm trắng tinh, trên mặt thảm nom như có rắc những tràng hoa óng ánh; trên trần có đắp nổi những chùm nho và lá trắng tinh như tuyết, tương phản hẳn với những ghế nằm Thổ Nhĩ Kỳ đỏ chói ở bên dưới, nổi bật trên lò sưởi cẩm thạch màu nhạt, có nhiều vật trang trí bằng thuỷ tinh Bôhêm đỏ và sáng long lanh như hồng ngọc. Giữa các cửa sổ, nhiều tấm gương lớn phản chiếu sự hỗn hợp giữa màu tuyết trắng và màu lửa đỏ chói. Tôi nói:

- Bà giữ những căn phòng này ngăn nắp quá, bà Fefăc ạ; không có lấy một hạt bụi, mà không phải dùng vải phủ, nếu không có cái không khí giá lạnh thì người ta có thể cho rằng hàng ngày phòng này vẫn có người ở.

- Kìa, cô Erơ, tuy ít khi ông Rôchextơ về đây, nhưng bao giờ về cũng rất đột ngột, bất ngờ; tôi để ý thấy nếu cứ để mọi thứ bọc vải, thì ông rất bực mình, nên tôi nghĩ cứ giữ cho các buồng lúc nào cũng ngăn nắp, sẵn sàng là hơn.

- Ông Rôchextơ có phải là một người khó tính lắm không?

- Không hẳn thế, nhưng ông là một người có những sở thích và thói quen của người thượng lưu; ông muốn mọi sự phải được sắp đặt cho hợp với sở thích và thói quen ấy.

- Bà có ưa ông ấy không? Ông ta có thường được mọi người yêu mến không?

- Ồ có chứ, ở đây gia đình ông rất được kính nể. Hầu hết những đất đai mênh mông bát ngát quanh đây đều là của họ Rôchextơ từ lâu đời lắm rồi.

- Vâng, nhưng không kể đến chuyện đất đai thì bà có ưa ông ấy không? Người ta có yêu mến ông vì bản thân ông ấy không?

- Tôi không vì cớ gì mà không quý ông ấy được. Tôi tin rằng đối với các tá điền thì ông là một vị điền chủ công bình và rộng rãi; nhưng ông chẳng sống gần gũi họ nhiều bao giờ cả.

- Thế ông ấy không có tính tình gì đặc biệt à? Tóm lại tính nết ông ấy ra sao?

- Ồ, theo tôi thì tính nết ông chẳng có gì đáng chê trách. Có thể là ông hơi đặc biệt một chút; ông đi nhiều, và biết rất nhiều nơi trên thế giới, tôi tin thế. Có thể nói ông là một người có nhiều tài năng, nhưng tôi cũng ít khi nói chuyện với ông.

- Ông ấy đặc biệt như thế nào ạ?

- Tôi không rõ - khó nói ra lắm - không có gì thật rõ ràng đâu, nhưng khi nào nói chuyện với ông ấy cô sẽ thấy. Nhiều khi không biết chắc được là ông ấy nói đùa hay nói thực, ông ấy hài lòng hay bực bội; tóm lại người ta không thể hiểu được ông ấy... ít nhất, riêng tôi thấy như vậy; nhưng cũng chẳng sao; đó là một ông chủ rất tốt.

Tôi hỏi dò bà Fefăc về ông chủ của bà và cũng là ông chủ của tôi nữa chỉ được có thế. Có những người hình như chẳng có lấy một khái niệm về cách phác họa một tính cách hoặc quan sát và miêu tả những điểm độc đáo của người khác hay là của sự vật gì. Rõ ràng cái bà Fefăc hiền hậu này thuộc loại người đó. Những câu hỏi của tôi làm bà ta lúng túng, nhưng cũng không khiến bà nói rõ thêm được gì. Trước mặt bà thì ông Rôchextơ chỉ là Rôchextơ, một người thượng lưu, một vị điền chủ không hơn không kém; bà cũng chẳng cần tìm hiểu gì hơn; rõ ràng bà ta rất ngạc nhiên khi thấy tôi cứ muốn tìm biết đích xác hơn về ông chủ.

Khi chúng tôi ra khỏi phòng ăn bà tỏ ý muốn đưa tôi đi xem khắp mọi nơi trong nhà. Tôi theo bà hết lên gác lại xuống gác; đến chỗ nào tôi cũng cảm phục vì thấy đâu đâu cũng ngăn nắp và đẹp đẽ. Tôi cho rằng những căn buồng rộng phía mặt trước nhà có vẻ đặc biệt bề thế hơn cả; và mấy căn phòng trên gác ba, mặc dù thấp và tối cũng đáng chú ý vì cái vẻ cổ kính của chúng. Đồ đạc trước kia kê ở dưới nhà, một khi không hợp thời nữa đều dần dần được chuyển lên đây. Ánh sáng yếu ớt lọt qua các cửa sổ hẹp rọi vào những chiếc giường cổ hàng trăm năm; những tủ bằng gỗ sồi hay gỗ đào hoa tâm, có những hình chạm trổ kỳ lạ - những cành lá cọ và đầu các vị thiên sứ - trông giống như những cái hòm đựng pháp điển của người Do Thái; hàng dãy ghế uy nghi, mà hẹp, lưng dựa cao; những chiếc ghế đẩu nom còn cổ kính hơn nữa, vết tích những hình thêu trên đệm gần như đã bị xóa mờ hết, những hình đó đã được thêu bởi các bàn tay từ hai thế hệ trước, giờ đây đã thành cát bụi trong mồ. Tất cả những di vật ấy đã khiến tầng gác thứ ba của lâu đài Thornơfin có cảnh tượng một ngôi nhà của thời xa xưa, một nơi đền đài của kỉ niệm. Ban ngày tôi ưa cái lặng lẽ, âm thầm, cái vẻ kỳ dị của những chốn ẩn dật này. Nhưng nhất định tôi chẳng ao ước được nghỉ đêm ở đây, nằm trên một trong những chiếc giường thênh thang, nặng nề kia, vài chiếc kê sau những tấm cửa gỗ sồi kín mít, những chiếc khác bị những tấm dạ cổ Anh-cát-lợi trùm lên, trên thảm thêu nổi những hình hoa kì dị, những con chim kỳ lạ hơn, và những hình người quái đản. Dưới ánh trăng lờ mờ, tất cả những thứ đó trông hẳn là kì quái lắm. Tôi hỏi:

- Các gia nhân có ngủ trong những căn buồng này không?

Không, họ ngủ trong những căn buồng nhỏ hơn phía sau nhà, không ai ngủ ở đây bao giờ. Có thể nói rằng nếu ở Thornơfin này mà có ma, thì đây chính là chỗ nó lẩn quất.

- Tôi cũng nghĩ thế, vậy ở đây không có ma chứ?

- Tôi chưa hề nghe nói là có bao giờ, bà Fefăc mỉm cười trả lời tôi.

- Cũng không có chuyện ma gì truyền lại à? Không có câu chuyện ma quái nào ư?

- Tôi tin là không. Tuy nhiên người ta đồn rằng trước kia những người thuộc dòng họ Rôchextơ sống ngang tàng sôi nổi chứ không bình thản. Có lẽ vì vậy mà bây giờ họ lặng lẽ yên nghỉ dưới mồ đấy.

- Vâng, tôi lẩm bẩm - "Sau một cuộc sống sôi nổi, người ta an nghỉ êm đềm"(1).

Thấy bà Fefăc bước đi, tôi hỏi:

- Thế bây giờ bà đi đâu đấy, bà Fefăc?

- Đi lên sân thượng, cô có muốn lên đấy mà ngắm phong cảnh không?

Tôi bước sau bà, lần theo một chiếc cầu thang rất hẹp lên căn buồng sát ngay mái, rồi từ đấy leo thang chui qua một lỗ cửa con lên tới đỉnh tòa nhà. Bây giờ tôi đã đứng ngang tầm với xứ sở của lũ quạ và có thể nhìn rõ vào trong tổ chúng. Tựa trên những lỗ châu mai từ nóc nhà nhìn xuống phía dưới xa tắp, tôi thấy những khoảng đất trông như một bức họa đồ. Bãi cỏ tươi mơn mởn như nhung viền sát nền tường xám của tòa nhà. Cánh đồng rộng mênh mông như một công viên mọc đầy những cây cổ thụ lớn. Lách qua cánh rừng âm u, tàn úa, là một con đường đầy rêu, xanh hơn cả những vòm cây. Ngôi nhà thờ ngay gần cổng, con đường và những trái đồi lặng lẽ, tất cả đều đắm trong ánh nắng mùa thu. Đường chân trời vây quanh dưới bầu trời xanh thẳm, vẩn lên màu đá bạch ngọc. Cảnh vật không có nét gì dị thường nhưng thật là thú vị. Lúc xuống, chui qua lỗ cửa con, tôi không nhìn rõ lối đi ở gần cầu thang. Cái buồng sát mái tối như chiếc hầm, chẳng bù với vòm trời xanh thẳm tôi vừa đứng ngắm, và những lùm cây, bãi cỏ, cùng những trái đồi xanh rờn, chan hòa ánh nắng, mà tòa nhà là điểm trung tâm, những cảnh đó tôi đã đứng ngắm một cách thú vị.

Bà Fefăc còn nán lại sau tôi một lát để đóng chiếc cửa con. Tôi quờ quạng tìm lối đi ra khỏi gian buồng xép tối tăm và lần xuống chiếc cầu thang hẹp. Tôi còn quanh quẩn một lát ở đường hành lang dài tiếp giáp cầu thang, ngăn giữa hai dãy buồng phía trước và phía sau của tầng gác thứ ba; hành lang hẹp, thấp và âm u, chỉ có mỗi chiếc cửa sổ nhỏ ở tận đằng cuối, với hàng cửa hẹp màu đen, đóng im ỉm, giống như dãy hành lang trong tòa lâu đài của con yêu Râu xanh(1).

Trong lúc tôi đang nhẹ nhàng bước đi thì một âm thanh bỗng vang lên trong khoảng tịch mịch đó, một chuỗi cười đập vào tai tôi, chuỗi cười kỳ quái, khanh khách mà lại ảo não. Tôi đứng lại, tiếng cười cũng tắt, nhưng chỉ một lát nó lại vang lên, và lần này to hơn: vì ban đầu tiếng cười tuy rành rọt, nhưng nghe rất nhỏ. Lúc này nó vang hẳn lên như muốn thức tỉnh những âm vang của tất cả những căn buồng cô tịch, mặc dù nó chỉ phát ra từ một căn buồng và tôi có thể chỉ rõ được cánh cửa nơi đã phát ra tiếng cười ấy. Tôi gọi to.

- Bà Fefăc! - Tôi gọi to, vì lúc này tôi nghe thấy tiếng chân bà bước từ cầu thang chính xuống. - Bà có nghe thấy tiếng cười không? Ai cười đấy?

- Chắc lại đứa người làm nào chứ ai? Có lẽ là Grêxơ Pun.

- Bà có nghe thấy không? - Tôi hỏi gặng.

- Có nghe rõ, tôi nghe thấy nó cười thế luôn. Nó vẫn ngồi khâu trong một gian buồng kia, đôi khi có cả Li nữa; chúng nó thường nô như giặc ấy.

Tiếng cười lại vẳng lên nhỏ nhỏ, ngắt quãng, rồi kết thúc bằng những tiếng rì rầm kỳ dị.

- Grêxơ! Bà Fefăc kêu lên.

- Quả thực, tôi không nghĩ rằng lại có một cô Grêxơ nào đó trả lời, vì tiếng cười đó thực là thê thảm, kỳ khôi, một tiếng cười tôi chưa từng nghe thấy bao giờ.

Lúc ấy vào giữa buổi trưa nên không thể nào có trường hợp ma quái hiện theo tiếng cười kỳ quái được, cả thời gian lẫn môi trường không thể gây cho người ta sự sợ hãi, nếu không, có lẽ tôi đã mê tín mà rụng rời đổ đốt. Tuy nhiên, sự việc đó chứng tỏ tôi là một đồ ngốc, thần hồn nát thần tính, dù chỉ lấy thế làm ngạc nhiên.

Cánh cửa gần tôi nhất bỗng mở, một chị hầu bước ra - chị ta trạc ba bốn mươi, khổ người đậm mà chắc, tóc hung, mặt mũi khắc khổ, thô kệch. Khó mà tưởng tượng được một sự xuất hiện nào kém tính chất lãng mạn và ma quái hơn.

- Làm ầm quá đấy, Grêxơ! - Bà Fefăc nói. - Phải có trật tự chứ!

Grêxơ lặng lẽ cúi đầu rồi lui vào buồng. Bà quả phụ nói tiếp:

- Chúng tôi mượn chị ta ở đây để khâu vá và đỡ đần chị Li trong công việc dọn dẹp; không phải là chị ta không có những điểm đáng trách, song chị ấy cũng được việc. À thế còn cô, sáng hôm nay dạy học trò mới cô thấy thế nào?

Câu chuyện chuyển sang Ađen; chúng tôi vừa đi vừa chuyện cho đến lúc cùng xuống tới chỗ nhà dưới sáng sủa và vui vẻ. Ađen chạy đến với chúng tôi trong phòng lớn và kêu lên:

- Mesdames, vous êtes servies(1) - và nói thêm - J’ai bien faim, moi.

Bữa ăn đã dọn, sẵn sàng chờ chúng tôi ở phòng bà Fefăc.



1. Hoàng thái tử nước Anh.

2. Wolfz: đại tướng Anh (1727- 1759) bị chết trong trận Quebec (Canada).

1. Tức tháng 11.

1. Quark: Một phái tôn giáo, ở đây ý nói chiếc áo giản dị

2. Nguyên văn: Thom (Thornơ)

1. Đây là cô giáo cùa tôi à?

2. Vâng, đúng đấy.

1. Hội đồng chuột, ngụ ngôn của La Fôngten.

2. Một con trong đám chuột hỏi nó rằng: "Anh có chuyện gì thế? Nói đi!".

1. Câu này gợi lại lời của Macbet khi nhắc tới Đowsan, kẻ bị Macbet hãm hại (Kịch Macbet của Sêcxpia).

1. Con yêu Râu xanh, trong truyện cỏ tích của Charles Perrault chuyên đi hỏi vợ đem về lâu đài để hãm hại.

1. Thưa các bà, bữa ăn đã dọn - Tôi đói lắm rồi.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84522


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận