Jên Erơ Chương 13


Chương 13
Tối hôm đó, hình như theo lời thầy thuốc, ông Rôchextơ đi ngủ sớm, mà sáng hôm sau ông cũng vẫn dậy muộn.

Khi ông xuống nhà để bắt tay vào công việc; người đại lý và vài tá điền đã đến túc trực để trình công việc với ông.

Ađen và tôi hôm đó phải rời buồng đọc sách, vì phòng này bây giờ dùng làm chỗ tiếp khách hàng ngày. Người ta đốt lửa lên ở một căn phòng trên gác; tôi đem sách lên đấy thu xếp để làm buồng học. Sáng hôm ấy tôi nhận thấy lâu đài Thornơfin thay đổi hẳn; nó không còn im lặng như một ngôi nhà thờ nữa; cứ độ một hai tiếng đồng hồ lại vang lên tiếng gõ cửa, tiếng chuông rung, và luôn luôn có những tiếng chân bước qua gian phòng lớn và những tiếng người lạ khác nhau ở dưới nhà.

Dòng suối của cuộc sống bên ngoài đã tràn vào trong nhà; ở đây đã có một vị chủ nhân; riêng phần tôi, tôi thích thế hơn.

Ngày hôm ấy dạy được Ađen học không phải dễ dàng gì; nó không chuyên tâm học tập, con bé luôn luôn chạy ra cửa ngó qua hàng lan can xem có thấy ông Rôchextơ không; rồi nó tìm đủ mọi cớ để xuống nhà dưới, tôi đồ chừng nó muốn vào phòng sách mà ở đấy tôi biết chẳng ai cần đến nó. Có lúc hơi bực mình tôi bắt Ađen phải ngồi yên, thì nó lại huyên thuyên kể chuyện về "ông bạn Eđua Fefăc đờ Rôchextơ" của nó, nó phong tước cho ông như vậy(1) (trước đây tôi chưa hề nghe thấy chữ họ của ông bao giờ) và Ađen đoán xem ông ta sẽ đem đến cho nó món quà gì; hình như tối hôm trước ông Rôchextơ đã cho nó biết là hôm nào hành lý của ông được đưa từ Mincôt về thì sẽ có một cái hộp đựng một thứ quà nó rất thích. Ađen nói:

- Étcela doit signiffer qu’ily aura là dedans un cadeau pour moi, et peut être pour vous aussi, mademoiselle. Monsieur a parle’ de vous, il m’a demande’ le nom de ma gouvemante et si elle e’tait pas une petite persone assez mince et un peu pâle. J’ai dit qu’oui: car c’est vrai n’est ce pas, mademoiêlle(2).

Tôi và Ađen vẫn ăn trong buồng bà Fefăc như thường lệ. Chiều hôm ấy trời nổi gió và có tuyết nên chúng tôi ngồi suốt buổi trong buồng học. Lúc trời tối, tôi cho phép Ađen nghỉ và chạy xuống nhà dưới, vì lúc ấy dưới nhà tương đối yên tĩnh, không có tiếng rung chuông ở cửa nữa; tôi đồ chừng lúc này ông Rôchextơ đã rỗi rãi. Còn lại một mình, tôi bước lại gần cửa sổ, nhưng ở đấy cũng chẳng có gì mà nhìn, tuyết rơi trong lúc nhá nhem khiến bầu trời mù mịt ngay những cây nhỏ trên bãi cỏ cũng không trông rõ nữa. Tôi buông màn cửa xuống và quay vào bên lò sưởi.

Trong đám lửa hồng tôi hình dung ra một cảnh giống như bức tranh của lâu đài Hêđenbec trên bờ sông Ranh mà tôi nhớ đã được xem; chợt bà Fefăc đi vào, làm tan vỡ những mảnh hình rực rỡ đang chắp lại với nhau, đồng thời làm tiêu tan những ý nghĩ nặng nề khó chịu đã bắt đầu tràn ngập nỗi lòng cô quạnh của tôi. Bà bảo tôi:

- Ông Rôchextơ mời hai thầy trò cô dự bữa trà với ông tối nay; vì bận việc suốt ngày nên ông không gặp được cô sớm hơn.

Tôi hỏi lại:

- Thế ông dùng trà vào mấy giờ?

- À, vào quãng sáu giờ, vì ở nhà quê, ông quen ăn sớm; bây giờ có lẽ cô nên thay áo thì hơn; để tôi giúp cô một tay. Cây nến đây này.

- Có cần phải thay áo không?

- Cần chứ, thay đi thì hơn. Khi ông Rôchextơ về đây, bao giờ buổi tối tôi cũng ăn mặc chỉnh tề.

Cái nghi thức này tôi thấy hình như có phần trịnh trọng, nhưng tôi cũng trở về buồng và để bà Fefăc giúp tôi thay áo; tôi cởi chiếc áo đen thay bằng áo lụa cùng màu; đó là tấm áo độc nhất và đẹp hơn cả, không kể một tấm áo màu xám nhạt, mà theo quan niệm của tôi hồi ở Lôut về cách phục sức, tôi cho là sang quá, nên chỉ mặc vào những trường hợp đặc biệt thôi. Bà Fefăc bảo tôi:

- Cô cần gài một cái trâm.

Tôi chỉ có mỗi một vật trang sức bằng ngọc mà cô Tenpơn tặng tôi làm kỷ niệm hồi cô rời khỏi nhà trường, tôi đeo nó vào rồi chúng tôi xuống gác. Rất ít khi giao tiếp với người lạ, nên việc được mời đến gặp ông Rôchextơ một cách long trọng thế đối với tôi hầu như là một sự thử thách. Khi vào phòng ăn, tôi nhường bà Fefăc đi trước và cứ bước theo sau, nấp bóng bà khi qua gian phòng. Chúng tôi bước qua một chiếc cửa tò vò có màn buông rủ, bước vào căn phòng lộng lẫy liền bên.

Trên bàn và trên mặt lò sưởi đều có thắp mỗi nơi hai cây nến. Con Piôt nằm dài dưới ánh lửa rực rỡ; Ađen quỳ cạnh nó. Ông Rôchextơ ngả người trên một chiếc đi văng, chân đặt trên chiếc gối bông, đang nhìn Ađen và con chó; ánh lửa chiếu rõ mặt ông, tôi nhận ra người khách đi đường với đôi mày đen rậm. Bộ tóc đen xén phẳng phía trước làm vầng trán lại càng vuông vức hơn. Tôi nhận ra cái mũi nghiêm nghị, đáng chú ý vì tính khí hơn là vì đẹp; lỗ mũi rộng chứng tỏ ông là một người nóng nảy; mồm, cằm và hàm trông khắc khổ, phải, đúng như vậy, không thể nhầm được. Lúc này trông ông không mặc áo choàng, nên thân hình trông vuông vức rất hợp với bộ mặt. Tôi cho đó là một thân hình đẹp, theo nghĩa cái đẹp của một lực sĩ, ngực nở, sườn thon, mặc dù không cao lớn điểm đắn cho lắm,

Ông Rôchextơ lúc ấy chắc hẳn biết có tôi và bà Fefăc bước vào, nhưng ông có vẻ không chú ý đến chúng tôi, vì lúc chúng tôi đến gần, ông không hề ngẩng đầu lên.

- Thưa ông, đây là cô Erơ, - bà Fefăc nói với giọng trầm lặng thường ngày.

Ông nghiêng đầu, nhung mắt vẫn không rời Ađen và con chó. ông ta bảo: "Mời cô Erơ ngồi chơi", và hình như trong cái chào miễn cưỡng cứng nhắc, tuy giọng nói có vẻ bực mình tuy vẫn khách sáo hình như có ý muốn nói thêm "Cô Erơ có ở đây hay không thì tôi cần quái gì chứ, bây giờ không phải là lúc tôi muốn nói chuyện với cô ấy".

Tôi ngồi xuống rất bình tĩnh. Một sự đón tiếp rất mực lịch sự có lẽ sẽ làm tôi bối rối. Vì về phần tôi, tôi không biết dùng sự duyên dáng và tao nhã để đáp lại. Nhưng lối đón tiếp thô lỗ lạ lùng này khiến tôi không phải ràng buộc gì cả, trái lại thái độ lịch sự khiến tôi chiếm được ưu thế. Ngoài ra, cách cư xử của ông ta rất lộ liễu, tôi cảm thấy thú vị muốn xem ông ta tiếp tục đối xử ra sao.

Ông ta vẫn yên như pho tượng, không động đậy mà cũng chẳng nói chẳng rằng. Hình như bà Fefăc cho rằng cần phải có một người tỏ ra khả ái, nên bà bắt đầu nói. Vẫn giọng nói dịu dàng như mọi khi - và, cũng như mọi khi, vẫn có phần tầm thường vô vị - bà phàn nàn cho ông bận việc túi bụi suốt ngày, lại còn bị sai khớp xương, rồi bà ca ngợi sự kiên tâm chịu đựng của ông.

- Bà ạ, bà cho tôi in ít trà, ông chỉ trả lời bà ta có thế. Bà Fefăc vội rung chuông gọi; lúc khay trà đã bưng lên, bà sửa soạn chén, thìa hết sức nhanh nhẹn, chu đáo. Tôi và Ađen lại chỗ bàn, nhưng ông chủ vẫn không rời khỏi đi văng. Bà Fefăc bảo tôi:

- Cô đưa giúp cho ông Rôchextơ chén trà được chứ? Ađen bưng sợ đánh đổ mất.

Tôi làm theo lời bà. Trong lúc ông Rôchextơ đỡ chén trà ở tay tôi, Ađen nghĩ đây là dịp thuận lợi để hỏi ông Rôchextơ cho tôi:

- N’est-ce pas monsieur, qu’il y a un cadeau pour mademoiselle Eyra, dans votre petit coffee?(1)

- Ai bảo có quà cơ? Cô có chờ đợi một món quà không cô Erơ? Cô có thích quà biếu lắm không?

Rồi ông soi mói nhìn mặt tôi với đôi mắt tối sầm bực bội và thắc mắc.

- Tôi cũng không biết, thưa ông, tôi ít khi được quà biếu, nhưng người ta thường nghĩ đó là những thứ được người ưa thích.

- Người ta thường nghĩ thế à? Nhưng cô thì nghĩ sao?

- Tôi cần phải suy nghĩ một lát đã, thưa ông, rồi mới có thể trả lời một cách đáng để ông nghe. Một thứ quà biếu có thể xét theo nhiều mặt, có phải không ạ? Và người ta cần phải đánh giá cả mọi mặt trước khi có ý kiến về tính chất của nó.

- Cô Erơ ạ, cô kiểu cách hơn Ađen, nhiều lúc thấy tôi là nó cứ đòi quà ầm ĩ lên, còn cô, cô cứ nói quanh.

- Bởi vì tôi không coi mình có quyền như Ađen được. Ađen có thể dựa vào chỗ đã biết ông từ lâu, và cũng do thói quen nữa vì nó vẫn khoe ông thường cho nó đồ chơi luôn. Còn tôi, nếu tôi phải bày tỏ ý kiến về trường hợp của mình, thì tôi sẽ rất khó nói, vì tôi là một người lạ, không lấy danh nghĩa gì mà đòi quà.

- Ồ, cô chớ quá khiêm tốn như vậy! Tôi quan sát Ađen và thấy rằng cô đã khó nhọc rất nhiều vì nó, nó không phải là đứa thông minh, cũng chả có tài gì, thế mà trong có một thời gian ngắn, nó đã tấn tới rất nhanh.

- Thưa ông, thế là ông ban cho tôi "quà" rồi đó; tôi hết sức cảm ơn ông, phần thưởng mà các cô giáo ước mong hơn cả là được thấy người ta khen học trò mình tiến tới.

- Hừ! Ông Rôchextơ sẽ kêu - rồi ông lặng lẽ uống trà.

Khi khay trà đã được dọn đi và bà Fefăc đã ngồi đan ở một góc nhà, ông chủ gọi:

- Lại gần chỗ lò sưởi đây!

Lúc ấy, Ađen đang cầm tay tôi dắt đi quanh phòng, chỉ cho tôi xem những cuốn sách đẹp và những đồ vật trang trí trên các giá đóng tường và trong các tủ nhỏ. Chúng tôi vâng lời, coi đó là một bổn phận. Ađen muốn ngồi lên đùi tôi, nhưng ông Rôchextơ ra lệnh cho nó ra chơi với Pilôt.

- Cô đến ở đây đã được ba tháng?

- Vâng, thưa ông.

- Thế trước kia cô ở đâu?

- Ở trường học Lôut, thuộc vùng...

- À, đó là một trường mồ côi. Cô ở đó được bao lâu.

- Tám năm.

- Tám năm! Cô thật là giỏi chịu đựng. Tôi nghĩ bất cứ ai chỉ sống một nửa quãng thời gian như vậy ở đó cũng đủ đi đời rồi. Kể ra trông cô như từ một thế giới khác đến, cũng không có gì là lạ. Tôi ngạc nhiên không hiểu cô lấy ở đâu được khuôn mặt như thế. Chiều qua, lúc gặp cô trên đường đến xóm Hây, tự nhiên không hiểu sao tôi nghĩ đến một chuyện tiên, và suýt nữa tôi hỏi có phải cô đã làm mê hoặc con ngựa của tôi không. Đến bây giờ tôi vẫn còn nghĩ như vậy. Thế ông bà thân sinh ra cô là ai?

- Tôi không còn cha mẹ.

- Cũng như chưa bao giờ có, tôi đoán thế, cô có nhớ mặt cha mẹ không?

- Không nhớ nữa.

- Tôi không tin như vậy. Khi cô ngồi ở cái bậc ấy là để đợi người nhà cô phải không?

- Người nhà nào thưa ông?

- Những con yêu tinh ấy; đêm ấy trăng sáng thật thích hợp với chúng. Có phải vì tôi đã cản trở một cuộc nhảy múa của các cô, nên cô đã trải cái mảng băng khốn kiếp ấy lên mặt đường không?

Tôi lắc đầu và cũng nói với một vẻ nghiêm trang như ông:

- Các yêu tinh biến khỏi đất Anh-cát-lợi đã từ một thế kỷ nay rồi. Cả trên mặt đường đến xóm Hây lẫn trên những cánh đồng không mông quạnh quanh vùng cũng không hề có dấu vết của chúng. Tôi nghĩ rằng vào mùa hè, hoặc vào vụ gặt hay dưới ánh trăng mùa đông đi nữa cũng không bao giờ thấy những cuộc nhảy múa của chúng.

Bà Fefăc bỏ đồ khâu xuống, nhíu lông mày lên, có vẻ ngạc nhiên là không hiểu chúng tôi nói chuyện gì nữa.

- Ừ, thế cô không có cha mẹ thì ít ra cũng phải có họ hàng chứ, chú bác cô dì chẳng hạn?

- Không, tôi chẳng có ai cả.

- Còn nhà cô?

- Tôi không có nhà.

- Thế anh chị em cô sống ở đâu.

- Anh chị em, tôi cũng không có.

- Ai giới thiệu cô đến đây?

- Tôi đăng báo tìm việc, rồi nhận được thư của bà Fefăc.

- Đúng thế! - Người đàn bà hiền lành lúc này mới hiểu rõ chúng tôi đang nói chuyện gì, nói xen vào. - Và ngày nào tôi cũng cảm ơn trời đã dun dủi cho tôi chọn được cô Erơ; cô là một người bạn quý vô cùng đối với tôi, và là một cô giáo rất tận tâm của Ađen.

Ông Rôchextơ trả lời:

- Hà tất bà phải bận tâm tán dương tính nết cô ấy, những lời ca tụng không có tác dụng gì đối với tôi đâu; tự tôi sẽ đánh giá lấy. Mở đầu cô ấy đã đánh ngã con ngựa của tôi đấy.

- Thưa ông? - Bà Fefăc kêu lên.

- Nhờ ơn cô ấy mà tôi được sai khớp xương.

Bà quả phụ ngơ ngác không hiểu.

- Cô Erơ, đã bao giờ cô sống ở tỉnh thành chưa?

- Chưa, thưa ông.

- Cô đã giao tiếp nhiều chưa?

- Tôi chưa hề giao tiếp với ai ngoài các bạn đồng nghiệp, các học sinh ở Lôut, và bây giờ là những người ở lâu đài Thornơfin này.

- Cô đọc có nhiều không?

- Tôi gặp được quyển nào thì đọc quyển ấy, nhưng sách cũng chẳng có nhiều, và cũng không sâu sắc lắm.

- Cô đã trải qua cuộc sống của một nữ tu sĩ, chắc hẳn cô đã hưởng thụ một nền giáo dục sâu xa của Nhà thờ. Ông Brôckơ-hơc, người lãnh đạo nhà trường, theo chỗ tôi hiểu là một mục sư, có phải không?

- Thưa ông, đúng.

-  Còn cô và các học sinh có lẽ sùng bái ông ta như các nữ tu sĩ trong một tu viện thường sùng bái bề trên của họ đấy nhỉ.

- Ồ, không.

- Cô thật là vô tình! Lạ nhỉ! Một tín đồ mới mà lại không sùng bái đức cha! Thật là giọng nói của kẻ báng bổ Chúa.

- Tôi không ưa ông Brôckơn-hơc, mà cũng chẳng riêng gì mình tôi. Ông ta là một người nghiệt ngã, vừa tự phụ vừa hay soi mói, và keo kiệt đến nỗi mua cho chúng tôi toàn những kim chỉ vứt đi, không thể nào vá được.

Lại một lần nữa hiểu được câu chuyện, bà Fefăc chêm vào:

- Cái lối tiết kiệm như thế là sai.

Ông Rôchextơ hỏi:

- Có phải chỉ vì thế mà ông ta đáng trách không?

- Trước khi hội đồng nhà trường được thành lập, ông ấy được toàn quyền quản lý việc cung cấp, ông ấy bắt chúng tôi phải ăn đói, mỗi tuần một lần, ông ấy làm khổ chúng tôi bằng những bài nói chuyện dài dằng dặc, và cứ buổi tối ông ta bắt chúng tôi đọc những sách do chính ông ấy viết ra, nói về những cái chết bất ngờ và những cuộc phán xử, làm cho chúng tôi sợ hãi đến không dám đi ngủ nữa.

- Hồi đến Lôut cô độ bao nhiêu tuổi?

- Độ lên mười.

- Và cô ờ đấy tám năm, vậy bây giờ cô mười tám?

Tôi gật đầu.

- Cô thấy không, toán học có ích lợi thật. Không nhờ có nó thì tôi khó mà đoán được tuổi cô. Như trường hợp cô, vẻ người và nét mặt chênh lệch nhau như thế thì làm sao mà đoán đúng được, ở Lôut cô học những gì? Cô có biết đàn không?

- Biết đại khái.

- Tất nhiên, đó là câu trả lời cửa miệng. Đi vào phòng đọc sách!... Ý tôi muốn nói là mời cô vào...(Xin lỗi vì cái giọng ra lệnh của tôi, tôi quen nói "làm việc này đi", và thế là người ta làm việc ây. Tôi không thể nào sửa được thói quen ấy chỉ vì một người mới đến) - Vậy thôi, hãy vào phòng đọc sách đi, nhớ cầm theo cây nến và cứ để cửa ngỏ, ngồi vào dương cầm mà dạo một bài.

Tôi bước vào, làm theo lời ông. Được vài phút, ông gọi.

- Thôi đủ rồi, tôi thấy cô chơi cũng "đại khái", như một nữ sinh người Anh; có thể khá hơn một vài cô khác, nhưng cũng thường thôi.

Tôi đậy nắp đàn, quay về chỗ cũ, ông Rôchextơ lại tiếp:

- Sáng nay Ađen có cho tôi xem mấy bức họa và bảo rằng do cô vẽ; tôi không biết có thực do cô vẽ lấy không, có thể là một thầy giáo nào giúp cô chăng?

- Ồ không, tôi kêu lên.

- À, đã bị chạm tới lòng tự kiêu rồi đấy. Được, cô đem cái cặp bìa vẽ ra đây, nếu có thể chứng minh những bức họa đó chính là của cô; nhưng đừng nên nói chắc vội, trừ phi đúng là tay cô vẽ thực, tôi phân biệt được vàng thau đấy.

- Đã thế tôi sẽ chẳng nói gì nữa, tùy ông xét đoán lấy thôi.

Tôi vào buồng đọc sách mang cặp tranh vẽ ra. Ông ra lệnh:

- Cô dịch cái bàn kia lại đây.

Tôi đẩy cái bàn lại gần phía cái đi-văng ông nằm, còn bà Fefăc và Ađen sán lại gần để xem tranh.

- Đừng có túm tụm lại như thế, ông Rôchextơ nói, tôi xem xong cái nào sẽ đưa cho cái ấy, nhưng chớ nghé sát mặt vào mặt tôi như vậy.

Ông ta ngắm cẩn thận từng bức phác họa, từng bức vẽ màu, rồi để riêng ba bức sang một bên; còn những bức khác, sau khi xem xong, ông gạt cả đi.

- Bà Fefăc, hãy để bức tranh lên cái bàn kia và ra đấy mà xem với Ađen; còn cô (ông đưa mắt nhìn tôi) trở lại chỗ ngồi và hãy trả lời những câu tôi hỏi. Tôi thấy rằng những bức tranh này đều do tay một người vẽ, có phải chính cô không?

- Vâng.

- Cô lấy thì giờ đâu mà vẽ, những bức tranh ấy đòi hỏi nhiều thì giờ và còn phải suy nghĩ nữa.

- Tôi vẽ trong hai vụ nghỉ hè cuối cùng ở Lôut, hồi ấy tôi chẳng có việc gì bận cả.

- Cô lấy mẫu ở đâu?

- Ở trong đầu tôi.

- Cái đầu hiện tôi nhìn thấy trên đôi vai này của cô ấy à?

- Vâng, thưa ông.

- Liệu cái đầu ấy còn có đề tài nào khác cùng loại này không?

- Tôi tin là có thể có, mà còn hy vọng khá hơn nữa kia.

Ông lại trải những bức tranh ra và lần lượt ngắm từng bức.

Trong lúc ông Rôchextơ mải ngắm như thế, tôi xin thưa chuyện với bạn đọc về những bức vẽ đó, trước hết phải nói rằng nó không có gì là kỳ diệu. Thực vậy, các đề tài đã hiện lên trong óc tôi một cách sinh động. Vì tôi đã nhìn thấy chúng bằng một nhãn quang tinh thần, nên trước khi tôi biến chúng thành những hình ảnh thực, chúng là những cảnh thực mỹ lệ; nhưng bàn tay của tôi không thích ứng được với trí tưởng tượng, và trong mỗi trường hợp chỉ có thể diễn tả lại một cách mờ nhạt vụng về những điều tôi hình dùng trong óc.

Những bức này vẽ bằng thuốc nước. Bức thứ nhất trình bày những lớp mây thấp và nhợt nhạt, cuồn cuộn trên mặt biển nổi sóng; phía xa chìm trong bóng tối, phía trước cũng vậy, hoặc nói cho đúng hơn, chỉ thấy những đợt sóng cồn, mênh mông chẳng thấy đất liền đâu cả. Một tia sáng làm nổi bật lên một cột buồm đã chìm một nửa, trên đó đậu một con hải điểu khổng lồ, lông đen, hai cánh điểm bọt nước, mỏ ngậm một chiếc vòng đeo tay bằng vàng nạm đá quý; những mặt đá này tôi đã chấm bằng những màu rực rỡ nhất chọn ở bảng pha màu và dùng bút chì cố tô cho thật nổi bật. Phía dưới con hải điểu và đoạn cột buồm, một xác người chết đuối chìm lỉm dưới làn nước xanh thẳm, chỉ còn nhô lên một cánh tay đẹp mà chiếc vòng đeo tay đã bị sóng đánh tuột hoặc đã bị con chim ngậm mất.

Bức thứ hai vẽ một đỉnh đồi; mờ nhạt, cỏ cây giạt đi như bị gió thổi; phía xa và trên cao là bầu trời mênh mông một màu xanh bảng lảng như trong buổi hoàng hôn. Một bóng đàn bà nửa người in trên nền trời; tôi cố tô bóng dáng đó bằng những màu xàm xạm nhờ nhờ. Phía trên vầng trán mơ hồ có điểm một ngôi sao. Những nét dưới trán nàng mờ nhạt như nhìn qua một làn mây khói mông lung, đôi mắt thăm thẳm và man rợ, tóc xõa tối một màu ảm đảm, trông như một đám mây đen bị bão rung chớp giật tơi bời. Cổ nàng ánh lên một màu mờ nhạt như ánh trăng. Dải mây chiều mong manh cũng ánh lên một thứ ánh sáng như vậy, và làm nổi bật cái hình ảnh hư ảo của "Ngôi sao hôm" đó.

Bức thứ ba trình bày một ngọn núi băng nhô trên bầu trời đông giá lạnh miền địa cực. Một chùm tia sáng mờ nhạt miền Bắc cực chiếu lên tua tủa như những chiếc lao xếp liền nhau, ở phía chân trời xa. Nổi bật lên phía trước là một cái đầu - một cái đầu khổng lồ dựa vào ngọn núi băng. Hai bàn tay mảnh dẻ đan vào nhau đỡ lấy vầng trán và giữ một mảnh lụa mỏng đen che lấp phía trước mặt. Người ta chỉ trông thấy vầng trán xanh xao, trắng như ngà, và con mắt trống rỗng, ngó trân trân, như mất hồn, trơ như thủy tinh, đầy vẻ tuyệt vọng. Bên trên thái dương, giữa những nếp khăn quấn đầu bằng lụa đen, mong manh, mơ hồ như mây khói, lấp lánh một vòng lửa bạc, có điểm những tia sáng óng ánh, chói lọi hơn. Cái hình lưỡi liềm mờ mờ này là hình ảnh một vương miện ấy được đặt lên "một hình thể không có hình gì cả".

Ông Rôchextơ quay lại hỏi tôi:

- Lúc cô vẽ những bức tranh, cô có thấy hứng thú không?

- Tôi làm việc rất say sưa, thưa ông, và tôi rất hứng thú. Tóm lại, vẽ những bức tranh này là một trong những niềm vui lớn nhất đối với tôi.

- Điều ấy cũng chẳng nói lên được cái gì nhiều. Cô đã nói rằng cô rất ít niềm vui. Nhưng tôi dám chắc rằng, cô đã sống trong một thế giới mộng mơ của nghệ sĩ, lúc cô pha trộn và bố trí những màu sắc dị thường này. Hàng ngày cô ngồi vẽ có lâu lắm không?

- Hồi ấy là dịp nghỉ hè, tôi chẳng có việc gì làm, nên tôi ngồi vẽ từ sáng sớm đến trưa, rồi lại từ trưa đến tối mịt. Những ngày hè đằng đẵng thích hợp với khuynh hướng muốn chuyên tâm của tôi.

- Thế cô có thỏa mãn về kết quả của việc làm hăng say ấy không?

- Không thoả mãn chút nào. Tôi rất khổ tâm vì dự kiến và việc làm mâu thuẫn với nhau. Mỗi khi vẽ, tôi hoàn toàn bất lực vì không thể hiện nổi điều mình tưởng tượng.

- Không hẳn thế đâu, cô đã nắm bắ 1b74 t được cái bóng của ý nghĩ, nhưng có lẽ chỉ có thế thôi. Cô không có được kỹ xảo và nghệ thuật của một nhà họa sĩ thể hiện nó thật đầy đủ. Tuy nhiên, đối với một nữ sinh thì những bức họa này rất trội, về mặt tư tưởng, thì những bức tranh đó có tính chất thần tiên. Đôi mắt trong bức "Ngôi sao hôm" hẳn cô đã nhìn thấy trong một giấc mơ. Sao cô lại có thể vẽ chúng rất trong mà lại không ánh lên một chút nào vậy? Vì ngôi sao ở phía trên làm mờ ánh mắt đi. Đôi mắt sâu thẳm và trang nghiêm ấy có một ý nghĩa gì vậy: Và ai dạy cô vẽ gió? Trong bầu trời và trên đỉnh đồi có một cơn bão táp. Cô đã trông thấy Lamôx(1) ở đâu? Vì đó là Lamôx. Thôi... cất những bức tranh đi.

Tôi chưa kịp buộc xong cái dây cặp vẽ thì ông nhìn đồng hồ và đột ngột nói:

- Chín giờ rồi đấy. Cô Erơ, cô nghĩ thế nào mà lại để Ađen thức khuya như vậy? Cho nó đi ngủ thôi.

Trước khi bước ra, Ađen bước đến ôm hôn ông ta. Ông để yên cho hôn, nhưng hình như ông cũng chẳng thích gì hơn con Pilôt, nếu có được hôn như vậy mà có phần kém nữa.

- Bây giờ chúc tất cả ngủ ngon, ông ta nói và giơ tay về phía cửa, tỏ vẻ chán và muốn tống khứ chúng tôi. Bà Fefăc cuộn đồ đan lại, tôi cầm lấy cái cặp vẽ. Sau khi cúi chào và được ông đáp lại một cách lạnh nhạt, chúng tôi bước ra ngoài. Khi đã cho Ađen đi ngủ, tôi theo bà Fefăc vào phòng bà và hỏi:

- Bà bảo ông Rôchextơ không có gì đặc biệt độc đáo?

- Phải, có đúng ông ấy như thế không?

- Tôi thấy có thế, ông ấy tính nết thất thường và thô bạo.

- Đúng đấy, người lạ hẳn phải có cảm tưởng như vậy đối với ông ta, nhưng tôi thì quen tính với nết ông lắm rồi, tôi chẳng bao giờ để ý đến điều đó. Và nếu tính tình ông có kỳ dị chăng nữa thì cũng nên thông cảm.

- Tại sao vậy?

- Phần vì bản tính của ông như thế, và chúng ta không ai thay đổi được bản tính trời sinh; phần vì ông ấy hẳn có nhiều ý nghĩ đau đớn giày vò làm cho tâm tính ông đâm ra thất thường.

- Về chuyện gì vậy?

- Chuyện lủng củng trong gia đình là một phần.

- Nhưng ông ấy không có gia đình kia mà.

- Hiện giờ thì không, nhưng trước đây đã có... hoặc ít nhất cũng có những bà con thân thích, ông đã mất người anh cả cách đây mấy năm.

- Người anh cả à?

- Phải, ông Rôchextơ được thừa hưởng gia sản này cũng chưa lâu, mới độ chín năm nay.

- Chín năm thời gian cũng khá dài rồi. Ông ấy quý người anh đến nỗi bây giờ vẫn chưa khuây khoả được hay sao.

- Ồ không. Có lẽ không phải thế. Tôi tin rằng giữa hai người có sự bất hòa. Ông Rôlen Rôchextơ đối xử không hoàn toàn đúng với ông Eđua; và có lẽ còn xúi giục cha ghét bỏ ông ấy. Ông cụ là một người lý tài, chỉ lo sao giữ cho gia tài nguyên vẹn. Cụ không muốn gia sản chia sẻ bớt đi - nhưng lại cũng muốn ông Eđua trở nên giàu có, để giữ lấy thanh danh, ông Eđua đến tuổi trưởng thành được ít lâu, cụ đã làm những việc không được tốt lắm, do đã gây nên nhiều hậu quả tai hại. Cụ cố Rôchextơ và ông Rôlen đã bàn nhau đưa ông Eđua đến một hoàn cảnh khiến ông rất đau đớn, lấy cớ là để ông trở nên giàu có. Tôi chưa bao giờ được biết tường tận về hoàn cảnh đó ra thế nào, nhưng ông Eđua đâu như không chịu nổi cảnh đau đớn ấy. Ông không phải là một người dễ tha thứ, nên ông đã cắt đứt với gia đình, và từ bao năm nay, ông sống một cuộc đời lang bạt. Từ ngày ông anh chết đi không để lại chúc thư, do đó ông trở thành chủ nhân gia sản này, tôi chưa hề thấy ông ở liền mười lăm ngày trong lâu đài Thornơfin bao giờ. Thực thế, tôi không lấy làm ngạc nhiên thấy ông cứ muốn xa lánh nơi ở cũ.

- Tại sao ông muốn xa lánh thế nhỉ?

- Có lẽ ông cảm thấy nó u uất.

Câu trả lời thật là lấp lửng; tôi muốn biết rõ chuyện hơn, nhưng bà Fefăc hoặc không thể hoặc không muốn nói rõ thêm cho tôi biết nguyên nhân nỗi đau lòng của ông Rôchextơ. Bà thú nhận rằng đó vẫn là một sự bí mật đối với chính bà và những điều bà biết phần lớn chỉ do phỏng đoán thôi. Rõ ràng là bà muốn gác bỏ câu chuyện ấy đi, nên tôi cũng chiều ý bà.



1. Ở nước Pháp chữ "đờ" đặt trước tên một người chỉ người đó thuộc tầng lớp quý tộc.

2. Và như thế có nghĩa là trong đó sẽ có một món quà cho em, và có thể cho cả cô nữa, cô ạ. Ông ấy đã nói về cô, ông hỏi em tên cô giáo em, và có phải một người nhỏ nhắn, mảnh khảnh, da hơi xanh không? Em bảo vâng: bởi vì đúng thế, có phải không cô?

1. Có phải trong cái hòm của ông có một món quà tặng cô Erơ không?

1. Latmos: tên một ngợn núi Tiểu - Á Tế - Á.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84524


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận