Jên Erơ Chương 14


Chương 14
Mấy ngày sau, tôi ít gặp ông Rôchextơ. Hình như về buổi sáng ông bận công việc túi bụi,

đến chiều lại có các vị khách ở Mincôt hoặc các vùng lân cận đến thăm và đôi khi còn ở lại ăn bữa chiều với ông nữa. Khi chỗ sai khớp xương đã đỡ nhiều, có thế đi ngựa được, ông đi đây đó luôn, có lẽ đi thăm trả lễ khách khứa, vì thường thường đến khuya ông mới về.

Trong quãng thời gian đó, ngay Ađen cũng ít khi được ông cho gọi đến gặp mặt. Còn tôi chỉ dàn mặt ông những lúc gặp ông ở phòng lớn, trên cầu thang hoặc ngoài hành lang. Những lúc ấy, có khi ông kiêu hãnh, lạnh lùng đi qua trước mặt tôi; chỉ khẽ gật đầu hoặc nhìn tôi một cách nhạt nhẽo để tỏ rằng ông biết có tôi ở đấy, có khi ông cúi chào hoặc mỉm cười nhã nhặn một cách lịch sự. Tính nết thất thường của ông không làm tôi khó chịu, vì tôi thấy rằng mình chẳng dính dáng gì đến chuyện đó. Tính tình ông thay đổi như thủy triều lên xuống là do những nguyên nhân hoàn toàn không liên quan gì đến tôi.

Một hôm có khách đến ăn chiều, ông cho gọi đem cái cặp đựng tranh của tôi lên, chắc hẳn là để khoe với khách. Sau đó, theo lời Fefăc kể lại, khách ra về sớm để đi dự một cuộc họp công cộng ở Mincôt. Nhưng tối hôm ấy trời mưa gió ẩm ướt, ông Rôchextơ không đi. Ngay sau khi khách về, ông rung chuông cho người gọi tôi và Ađen xuống dưới nhà. Tôi chải đầu cho Ađen và sửa lại quần áo cho nó; và sau khi yên chí rằng bộ áo kiểu tín đồ Quaker tôi thường mặc đã chỉnh tề - nghĩa là mọi thứ đều nhã nhặn và giản dị, kể cả tóc tết, không lo có gì lôi thôi - chúng tôi xuống gác. Ađen thắc mắc có lẽ cái "hòm nhỏ" của nó đã gửi đến, vì một sự nhầm lẫn nào đó, món quà đến nay vẫn chưa thấy gửi tới. Con bé đoán không sai. Lúc bước vào phòng ăn, chúng tôi thấy trên bàn có một cái hộp nhỏ bằng bìa cứng. Hình như linh tính báo cho Ađen biết.

- A hộp của tôi, hộp của tôi, nó kêu lên, chạy về phía cái hộp.

- Đúng, hộp của cháu đấy, rõ thực là con gái Pari chính cống, đem ra một góc kia lôi ruột nó ra mà chơi. Ông Rôchextơ nói bằng một giọng trầm tĩnh và hơi có vẻ chế nhạo, ông ngồi trong một chiếc ghế bành rộng kê bên lò sưởi, ông nói tiếp:

- Và nhớ đừng có làm phiền bác với những chi tiết của việc giải phẫu ấy, hoặc với bất cứ ý kiến gì với bộ ruột trong đó. Cứ yên lặng mà xem cho kỹ; nhớ ngồi yên, hiểu không?

Hình như câu nói đó đối với Ađen là thừa, nó đã cầm cái kho tàng quý giá đó lui vào một chiếc ghế sôfa, chăm chú cởi chiếc dây buộc nắp hộp. Mở nắp và lật tờ giấy thiếc bọc ngoài, nó bật kêu lên:

- Oh! ciel! que c’est beau!(1) rồi nó ngây người ra ngắm.

Ông chủ bây giờ mới hỏi:

- Cô Erơ có đấy không? Ông Rôchextơ hơi nhích người khỏi ghế quay nhìn ra phía gần cửa, chỗ tôi đang đứng.

- À! Hay lắm, cô ngồi xuống đây. - ông kéo một chiếc ghế lại gần chỗ ông ngồi và nói tiếp: - Tôi không thích nghe trẻ con lại láu táu nói chuyện, vì một người đứng tuổi không vợ như tôi chẳng thú vị gì ngồi nghe chúng lắp bắp. Nếu phải đối diện với chúng cả buổi tối với một đứa con nít thì tôi không thể chịu đựng nổi. Đừng kéo ghế lùi ra xa, cô Erơ ạ! Cứ ngồi đúng chỗ tôi vừa đặt nó... nghĩa là nếu cô bằng lòng. Cái lối lễ phép kiểu cách rởm! Tôi cứ luôn luôn quên điều ấy. Mà tôi cũng không đặc biệt thích những bà già ngu độn. À, mà tôi phải nhớ đến bà già của tôi; không chú ý đến bà ta là sai. Bà ta là người trong họ Fefăc hay đúng ra là dâu con của họ này "Giọt máu đào còn hơn ao nước lã", người ta bảo thế(1).

Ông rung chuông và cho mời bà Fefăc, lát sau bà đến ngay, tay vẫn còn cầm chiếc giỏ đựng đồ đan.

- Chào bà, tôi mời bà lên để nhờ bà một việc. Tôi đã cấm không cho Ađen nói gì với tôi về món quà tôi cho nó, mà nó thì thích mê lên; nhờ bà ngồi chịu chuyện nó hộ tôi, đấy cũng là một trong những việc thiện tốt đẹp nhất của bà.

Quả nhiên Ađen vừa mới thấy bà Fefăc đã gọi inh bà lại, ngồi xuống ghế sôfa với nó, và vội vàng xếp vào lòng bà những đồ chơi bằng sứ, bằng ngà và bằng sáp đựng trong chiếc hộp, vừa tuôn ra hàng tràng những lời giảng giải, những lời say sưa bằng một thứ tiếng Anh lõm bõm.

Ông Rôchextơ nói tiếp:

- Thôi, bây giờ thế là tôi đã làm trọn nhiệm vụ của một gia chủ, để cho các vị khách của tôi chơi vui vẻ với nhau, thì đến lượt tôi cũng phải được quyền nghĩ đến niềm vui của mình chứ. Cô Erơ, cô xích ghế về phía trước một chút, cô còn ngồi lùi ra đằng sau nhiều quá. Tôi không thể nào nhìn cô mà lại điềm nhiên không phải cựa quậy trên chiếc ghế bành dễ chịu này; tôi không muốn làm như vậy chút nào.

Tôi theo lời ông, mặc dù tôi muốn ngồi lùi vào chỗ khuất một chút; nhưng ông Rôchextơ có cái lối ra lệnh rất là dứt khoát, hình như phải lập tức tuân theo ông là điều dĩ nhiên.

Như tôi đã nói, lúc ấy chúng tôi ở trong phòng ăn, chùm đèn nến trên trần đã thắp lên trong bữa ăn bấy giờ chiếu sáng trưng cả gian phòng; lửa trong lò sưởi đốt to đỏ rực, những tấm màn rộng đỏ chói buông rủ xuống trước khung cửa sổ cao và cửa tò vò cao hơn nữa. Căn phòng yên lặng, chỉ có tiếng Ađen nói rì rầm (nó không dám nói to). Lúc nào nó ngừng nói, lại nghe thấy tiếng những hạt mưa mùa đông đập vào ô cửa kính.

Ông Rôchextơ ngồi trên chiếc ghế phủ dạ Đamat, trông khác hẳn những lần tôi gặp trước đây; không còn cái vẻ khó đăm đăm và âm thầm nữa. Đôi môi ông nở một nụ cười, mắt sáng long lanh, tôi không dám chắc có phải là vì ông vừa uống rượu hay không, nhưng tôi cho là có lẽ thế. Tóm lại, ông có cái vẻ của một người vừa ăn uống no nê, cởi mở tươi tỉnh và cũng dễ dãi với mình chứ không khắc khổ lạnh lùng như buổi sáng. Tuy nhiên, ông vẫn còn cái vẻ dữ dội làm sao, cái đầu to tướng ngả vào đệm ghế đằng sau, ánh lửa chiếu hắt vào những nét mặt như tạc vào đá và đôi mắt to đen láy của ông; vì ông có cặp mắt to đen láy, và cũng rất đẹp - thỉnh thoáng, trong đôi mắt sâu thăm thẳm ấy cũng thoáng qua một ánh sáng khác nếu không phải là sự dịu dàng thì ít nhất nó cũng gợi cho ta tình cảm ấy.

Ông đăm đăm nhìn vào ngọn lửa đến hai phút, trong khi đó tôi vẫn nhìn ông; đột nhiên quay lại, ông chợt bắt gặp tôi đang chăm chú ngắm ông.

- Cô quan sát tôi đấy à, cô Erơ; thế nào, cô có thấy tôi đẹp trai không?

Nếu tôi có thời gian suy nghĩ, có lẽ tôi đã trả lời bằng một câu nói ước lệ xã giao và lễ phép, nhưng đằng này bất thần nên tôi buột mồm không kịp suy nghĩ:

- Không, thưa ông.

- Ồ, nói thật chứ, ở cô có một cái gì khác thường đấy, - ông nói, - cô có cái vẻ của một nữ tu sĩ, kỳ dị, lặng lẽ, thâm trầm, và giản dị, lúc cô ngồi hai tay đặt trước mặt và mắt thường nhìn xuống đất (trừ những lúc cô chăm chú nhìn xoáy vào mặt tôi, như bây giờ chẳng hạn). Và khi có người nào hỏi cô, hoặc buộc cô trả lời về một nhận xét nào đó thì cô đáp gọn thon lỏn ngay một câu nếu không phải là phũ phàng thì cũng là thô bạo. Cô nói như thế là nghĩa làm sao?

- Thưa ông, tôi xin lỗi vì đã quá thực thà, đáng lẽ tôi phải thưa với ông rằng: trả lời bất chợt một câu hỏi về vấn đề hình thức bề ngoài là một điều rất khó; rằng sở thích của người ta khác nhau; và sắc đẹp không phải là điều quan trọng, hoặc một câu trả lời nào đó tương tự.

-Đáng lẽ cô không nên trả lời như vậy. Sắc đẹp không phải là điều quan trọng, thực không? Chính vì cô muốn làm dịu bớt cái điều xúc phạm tôi vừa rồi để an ủi cho tôi dịu lòng, mà cô đã cầm dao đâm sâu thêm nữa vào tai tôi. Cô cứ nói tiếp đi, cô thấy tôi có những nhược điểm gì? Xin cô cứ nói! Tôi nghĩ rằng tôi cũng có đủ tay chân và hình thù như một người đàn ông khác chứ?

- Ông Rôchextơ, ông đừng chấp câu trả lời ban đầu của tôi; tôi không hề có ý định trả lời một cách sâu cay, đó chỉ là một điều sơ suất.

- Đúng thế, tôi nghĩ vậy; nhưng dù sao cô cũng có trách nhiệm về sự sơ suất đó. Cô cứ việc phê bình tôi. Có phải cô không ưa vầng trán tôi không?

Ông ta hất mớ tóc đen che ngang trán lên, để lộ một vầng trán cương nghị, nhưng thiếu cái dấu hiệu dịu dàng của lòng nhân hậu.

- Thế nào, trông tôi có đến nỗi ngu đần lắm không, cô?

- Hoàn toàn không, thưa ông; nhưng có lẽ ông sẽ cho tôi là một người thô lỗ, nếu tôi hỏi lại rằng: ông có phải là một người bác ái không?

- Đấy nhé, lại cứ thế! Thêm một nhát dao nữa khi cô muốn tỏ ra an ủi tôi, chỉ vì tôi bảo rằng tôi không thích gần trẻ con và các bà già (ta nên nói khẽ thôi!). Không đâu cô ạ, nói chung là tôi không phải là một người có lòng bác ái, nhưng tôi là một người có lương tâm - rồi ông chỉ những bướu trên đầu để chứng minh điều đó, những bướu cũng khá to, choán một phần lớn trên đầu của ông. Ngoài ra, trước kia tôi cũng có nhiều tình cảm. Vào trạc tuổi cô, tôi là một thanh niên hay xúc động, dễ thông cảm với những kẻ yếu đuối, bị đời hắt hủi, chà đạp. Nhưng từ hồi ấy với số mệnh đã đánh tôi ngã gục, giày xéo lên tôi, và giờ đây tôi tự hào là mình cứng rắn và bền bỉ như một quả bóng cao su, tuy còn một hai kẽ hở để cho nước thấm vào, và chỉ có độc một điểm cảm xúc được ở trong lòng quả bóng đó. Đúng thế, liệu tôi còn có chút hy vọng nào chăng?

- Hy vọng gì thưa ông?

- Hy vọng rằng cuối cùng quả bóng cao su ấy sẽ trở lại thành da thịt như cũ.

Tôi nghĩ thầm: "Chắc chắn ông này lại quá chén rồi, và không biết trả lời câu hỏi lạ lùng của ông ta như thế nào, làm sao mà nói được rằng ông có thể biển đổi được hay không?"

- Trông có vẻ bối rối lắm, cô Erơ ạ; mặc dù sắc đẹp của cô so với tôi cũng chẳng hơn gì, nhưng cái vẻ bối rối đó rất họp với cô. Vả lại, như vậv tôi càng thấy tiện, vì nó khiến cho đôi mắt soi mói của cô tránh mặt tôi để cứ nhìn xuống những hoa in trên tấm thảm; vậy cứ việc bối rối đi. Cô em ạ, tối nay tôi muốn có bầu có bạn và thổ lộ tâm tình.

Vừa nói vậy, ông vừa rời khỏi chiếc ghế bành, đứng tì tay lên mặt đá lò sưởi. Trong dáng điệu đó, tôi nhìn rất rõ khuôn mặt cũng như thân hình ông. Bộ ngực rộng khác thường hầu như không cân đối với chiều dài của chân tay. Tôi chắc rằng nhiều người phải cho là ông xấu trai; ấy thế mà ông vẫn như vô tình có thái độ tự hào về dáng dấp của mình, ông vẫn có cái ung dung trong cử chỉ, và tỏ ra hoàn toàn không quan tâm gì đến bề ngoài xấu xí đó; vì vậy, khi nhìn ông, người ta không tránh khỏi cùng chung với ông thái độ không quan tâm đến hình thức bề ngoài, và hầu như cũng mù quáng, tin tưởng như ông.

Ông Rôchextơ nhắc lại:

- Tối nay tôi muốn chan hòa và thổ lộ tâm tình, vì vậy, nên tôi cho mời cô đến. Ánh lửa và đèn nến không đủ làm bạn cho tôi; cả con Pilôt cũng vậy, vì tất cả đều không biết nói chuyện, Ađen có hơn tí chút nhưng tôi cũng thấy không đủ; cả bà Fefăc cũng thế. Còn cô, tôi tin rằng cô có thể: thích hợp với tôi, nếu như cô muốn. Buổi tối đầu tiên tôi mời cô xuống đây, cô đã làm tôi bối rối đấy. Từ tối hôm đó, hầu như tôi quên bẵng hẳn cô; nhiều điều suy nghĩ khác đã làm cho tôi không nhớ đến cô được. Nhưng tối nay, tôi đã quyết định để cho tâm hồn thư thái, tôi quyết định gạt bỏ mọi điều bực bội và nhớ lại những chuyện vui vẻ. Lúc này, tôi mong muốn cô sẽ cởi mở để tôi hiểu thêm về cô. Vậy cô hãy nói đi.

Tôi không nói mà chỉ mỉm cười, cái cười không ra hài lòng mà cũng chẳng ra phục tùng lắm. Ông giục:

- Nói đi, cô.

- Nói về chuyện gì, thưa ông?

- Bất cứ chuyện gì cô thích. Tôi để cô hoàn toàn tùy ý lựa chọn vấn đề và đề cập đến bằng cách nào cũng được.

Tôi vẫn ngồi im, bụng bảo dạ: "Nếu ông ta tưởng rằng mình nói chỉ để mà nói và phô trương mình ra thì ông ấy sẽ thấy là đã chọn nhầm người đấy".

- Cô Erơ, cô bị câm rồi.

Tôi vẫn lặng thinh, ông hơi nghiêng đầu về phía tôi, và đưa mắt nhìn nhanh chòng chọc vào mắt tôi.

- Bướng bỉnh và khó chịu! À, mà cũng đúng thôi; vì cái lối hỏi của tôi thật là vô lý, hầu như hỗn xược. Cô Erơ, tôi xin lỗi cô nhé. Tôi muốn nói điều này một lần, xin cô nhớ mãi cho; sự thật là tôi không hề muốn đối xử với cô như một kẻ dưới. Nghĩa là (ông tự bào chữa) tôi chỉ muốn nhận tôi hơn cô hai mươi lăm tuổi tác và một thế kỷ kinh nghiệm mà thôi. Điều đó là chính đáng, "et j’y tiens"(1) như Ađen thường nói. Chính nhờ cái ưu thế ấy và cũng chỉ nhờ có điểm ấy thôi mà tôi mong rằng bây giờ cô vui lòng nói chuyện với tôi một chút, cho ý nghĩ tôi được khuây khỏa, kẻo xưa nay nó khổ vì nỗi cứ bị đóng tịt ở một chỗ, như một chiếc đanh đã lâu ngày han gỉ.

Ông đã hạ mình cố giải thích, hầu như là xin lỗi tôi; không phải là tôi không cảm thấy xúc động trước thái độ của ông, và cũng không muốn để lộ ra điều ấy.

- Tôi rất muốn làm cho ông khuây khỏa nếu như có thể; tôi rất sẵn lòng; nhưng tôi không biết nói gì về vấn đề gì, vì tôi làm sao biết được ông thích chuyện gì? Xin ông cứ đặt câu hỏi, rồi tôi sẽ hết sức cố gắng trả lời.

- Thế trước hết cô có đồng ý với tôi rằng tôi có quyền tỏ ra có phần bề trên, thô bạo không đã, có thể là đôi khi cũng khó tính, vì những lời lẽ tôi đã nói với cô; nghĩa là đối với cô, tôi đáng tuổi người cha, tôi đã từng lăn lộn tiếp xúc với nhiều hạng người trên những đất nước khác nhau, và đã từng in dấu chân trên nửa quả địa cầu này, trong khi cô chỉ biết sống bình lặng với một nhóm người trong một ngôi nhà thôi?

- Xin ông cứ làm theo ý ông.

- Đó chưa phải là một câu trả lời, hoặc đúng hơn là một câu nói làm cho tôi bực mình, vì nó lấp lửng; hãy trả lời tôi rõ ràng đi.

- Thưa ông, tôi không nghĩ rằng ông có quyền ra lệnh cho tôi chỉ vì ông nhiều tuổi hơn, hoặc vì ông biết nhiều điều trên đời này hơn tôi. Cái quyền bề trên của ông chính là do ông đã sử dụng thì giờ và kinh nghiệm của ông như thế nào.

- Hừm, cô đối đáp nhanh đấy. Nhưng tôi không công nhận như vậy, vì thấy như thế không lợi cho tôi; vậy là tôi đã chẳng sử dụng được gì, nếu không nói là sử dụng tồi, cả hai điểm ưu thế đó. Bây giờ gác chuyện bề trên bề dưới sang một bên, cô cũng phải đồng ý thỉnh thoảng nghe tôi nói bằng cái giọng ra lệnh mà không tự ái chứ?

Tôi mỉm cười và nghĩ bụng "cái ông Rôchextơ này kể cũng kỳ, hình như ông ta quên phắt rằng ông ta trả mình 30 bảng mỗi năm là cốt để mình tuân lệnh ông ta".

Nắm ngay lấy vẻ mặt thoáng qua ấy của tôi, ông nói:

- Mỉm cười tốt lắm, nhưng phải nói lên kia.

- Thưa ông tôi đang nghĩ rằng rất ít ông chủ lại phải băn khoăn hỏi người làm công ăn lương xem nghe mình ra lệnh họ có tự ái hay không?

- Những người làm công ăn lương! Thế nào, cô là người làm công ăn lương của tôi à? Ồ nhỉ, tôi quên bẵng cả chuyện lương lậu! Được, thế trên cơ sở vấn đề lương bổng, cô bằng lòng để cho tôi có chút quyền hành chứ?

- Không, thưa ông, không phải trên cơ sở đó; nhưng trên cơ sở ông đã quên rằng tôi là người làm công của ông, và ông cứ lo không biết người làm công có hài lòng trong địa vị phụ thuộc của mình không. Như thế thì tôi hoàn toàn đồng ý.

- Thế cô có vui lòng bỏ qua những hình thức và ngôn ngữ xã giao, và không cho rằng tôi đã hỗn xược vì quên những điều đó chứ?

- Thưa ông, tôi tin chắc rằng tôi sẽ không bao giờ lầm lẫn lối ăn nói tự nhiên với sự hỗn xược, tôi cũng thích nói tự nhiên, còn sự hỗn xược thì một người tự do không thể nào chịu đựng được, dù là vì tiền lương đi nữa.

- Lầm to! Hầu hết những thứ người tự do đều sẵn lòng chịu đựng bất cứ cái gì, miễn là được trả công. Vì thế, cô nên biết gì nói nấy, đừng liều lĩnh bàn về những vấn đề chung mà cô hoàn toàn chưa hiểu. Tuy nhiên, tôi rất tán thành câu trả lời của cô, dù nó không đúng và tán thành cả nội dung lẫn cái cách cô nói câu đó, cách nói rất thẳng thắn và thành thực; ít khi người ta thấy ai có lối nói như cô. Trái lại thường người ta đáp lại sự bộc trực thẳng thắn bằng thái độ giả tạo, hời hợt, hoặc bằng một sự hiểu lầm ngu xuẩn thô bỉ về ý nghĩa câu nói. Ba nghìn cô giáo trẻ họa ra mới có ba người trả lời tôi như cô vừa trả lời. Nhưng không phải tôi có ý tâng bốc cô đâu, nếu cô được sinh ra trong khuôn khổ khác mọi người thì cô cũng chẳng nên hãnh diện, vì đó là do tạo hoá sinh ra. Và như vậy là tôi đã quá vội kết luận, vì theo như tôi hiện biết, rất có thể cô cũng chẳng hơn trăm ngàn người khác. Cô rất có thể có, những lỗi lầm không dung thứ được bên cạnh một vài đức tính.

Tôi nghĩ thầm: "Có thể là ông cũng như vậy". Mắt tôi chợt bắt gặp cái nhìn của ông, hình như ông đã đọc được ý nghĩ ấy trong ánh mắt tôi, nên ông trả lời như thể những gì chứa đựng trong ánh mắt tôi đều đã thốt cả ra lời rồi:

- Đúng, đúng như thế, cô nghĩ rất phải; bản thân tôi có rất nhiều lỗi lầm đó, tôi biết lắm và tôi cũng không hề tìm cách che đậy những lỗi lầm đó, xin cô tin cho như vậy. Có điều là tôi không được quyền quá nghiệt ngã đối với người khác. Tôi có một cuộc sống dĩ vãng, có những hành động và lối sống để nghiền ngẫm trong lòng, những điều ấy rất đáng khiến tôi nhận lấy cho bản thân những lời chê trách giễu cợt người chung quanh. Cũng như tất cả những kẻ phạm lỗi lầm, tôi thích trút một phần sai trái cho hoàn cảnh và cho số phận hẩm hiu. Tôi đã bắt đầu, hay nói đúng hơn là đã bị xô đẩy vào con đường lầm lỡ hồi mới hai mươi mốt tuổi đầu. Và từ đấy tôi không còn trở lại được con đường phải nữa. Nhưng đáng lẽ tôi đã có thể là một con người khác hẳn, đáng lẽ cũng tốt như cô. Tôi ước gì có một tâm hồn thư thái, một lương tâm trong sạch, một dĩ vãng không hề bị hoen ố như cô. Cô em bé nhỏ ạ, một hồi ức không vết nhơ, không tì ố, là một nguồn vui mát dịu trong lành không bao giờ cạn đấy. Có đúng thế không?

- Thưa ông, thế hồi mười tám tuổi thì hồi ức của ông ra sao?

- Ồ, hồi đó nó trong sáng lành mạnh lắm, không một nguồn nước cặn bẩn thỉu nào biến nó thành ao tù xú uế. Hồi mười tám tuổi, tôi cũng như cô, hoàn toàn như cô thôi. Tạo hóa sinh ra tôi, nói tóm lại, là để làm một con người tốt, cô Erơ ạ, một người hết sức tốt, nhưng cô xem đấy, tôi không phải là một con người như thế. Chắc cô sắp nói rằng cô không thấy như vậy, hay ít nhất tôi tự phỉnh mình là nhìn mắt cô tôi đoán ra như vậy (nhân tiện, xin cô hãy coi chừng những ý nghĩ hiện lên trong ánh mắt cô, tôi cũng nhanh trí nhận ngay ra được đấy). Cô hãy tin những lời tôi nói, tôi không phải là một kẻ xấu xa. Cô không nên nghĩ như vậy, không nên cho tôi là một người xấu thậm tệ đến thế. Nhưng tôi tin chắc rằng, do hoàn cảnh hơn là do khuynh hướng tự nhiên, tôi chỉ là một kẻ lầm lỗi thông thường, quen dấn mình vào những chuyện chơi bời nho nhỏ đáng thương, như tất cả những kẻ giàu có và kẻ tầm thường vẫn làm trong cuộc sống của họ. Cô có lạ lùng thấy tôi thú nhận những điều đó với cô không? Cô nên biết rằng trên đường đời cô sẽ còn luôn luôn thấy những người quen biết cứ đến bắt cô phải nghe những điều kín đáo, người ta sẽ tự nhiên cảm thấy, cũng như tôi cảm thấy rằng: cô không giỏi nói chuyện về mình đâu mà chỉ giỏi nghe người khác thổ lộ tâm tình. Họ cũng sẽ cảm thấy rằng cô không tỏ vẻ khinh bỉ có ác ý khi nghe họ bộc lộ tâm sự, mà trái lại, cô có một sự thông cảm tự nhiên, có tác dụng phấn khích và an ủi họ, vì nó biểu lộ ra một cách tế nhị, kín đáo.

- Sao ông biết? Sao ông có thể đoán tất cả những điều đó thưa ông?

- Tôi biết rõ điều đó, cho nên tôi cứ tự cởi mở với cô thoải mái như khi tôi ghi những dòng tư tưởng của tôi vào nhật ký. Hẳn cô sẽ bảo đáng lẽ tôi phải thắng được hoàn cảnh. Đáng lẽ tôi phải thế... đáng lẽ tôi phải thế... nhưng, cô thấy đấy, tôi đã không thắng nổi. Khi số mệnh rơi xuống đầu tôi, tôi đã không đủ khôn ngoan để điềm nhiên chịu đựng, tôi đã chán chường rồi đâm ra sa đọa. Bây giờ nếu có một kẻ xấu xa ngu xuẩn nào đem những lời lẽ ô uế để gây cho tôi sự kinh tởm thì bản thân tôi không dám tự hào rằng mình tốt đẹp hơn nó, tôi buộc phải tự thú nó và tôi là cùng một giuộc. Tôi ước gì trước kia tôi vững tâm được. Có trời mới biết là tôi mong ước thế? Hãy nên e sợ hối hận khi mình sắp bị cám dỗ vào con đường lầm lạc, cô Erơ ạ, hối hận là thuốc độc của cuộc đời đấy.

- Thưa ông, người ta thường bảo ăn năn là thuốc giải độc.

- Không phải đâu. Có thể sự cải tạo là thuốc giải độc, và tôi có thể làm như thế... Tôi còn có đủ sức để thực hiện điều đó... nếu... nhưng một kẻ tồi tàn, tội lỗi, đáng nguyền rủa như tôi, thì nghĩ đến chuyện đó làm gì nhỉ? Vả chăng, khi hạnh phúc cứ nhất định lánh xa tôi, nhưng tôi cũng có quyền hưởng lạc thú ở đời chứ. Nhất định tôi sẽ tìm lạc thú với bất cứ giá nào.

- Ồ, thưa ông, ông lại càng sa đọa thêm thôi.

- Rất có thể, nhưng sao tôi lại sa đọa thêm nếu tôi có thể tìm thấy một lạc thú ngọt ngào, tươi mát? Và tôi có thể tìm được một lạc thú cũng ngọt ngào, tươi mát như mật hoa rừng mà những con ong hút được ở chốn đồng hoang.

- Mật ấy sẽ có vị đắng đấy, thưa ông.

Làm sao cô biết? Cô đã nếm nó bao giờ đâu. Trông cô mới nghiêm trang, mới trịnh trọng làm sao, thế mà về vấn đề ấy, cô hiểu biết không hơn gì một cái đầu phỗng đá này (vừa nói, ông vừa nhấc một chiếc đầu phỗng đá bầy trên lò sưởi lên). Cô không có quyền thuyết giáo cho tôi, cô là một người còn non nớt, chưa bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời, chưa hiểu một chút gì về những điều bí ẩn của nó.

- Tôi chỉ nhắc ông nhớ lại những lời chính ông vừa nói thôi, thưa ông; ông nói rằng sự lầm lạc đưa đến hối hận, và ông bảo rằng hối hận là thuốc độc của cuộc đời.

- Nhưng bây giờ ai nói về sự lầm lạc? Tôi không hề nghĩ rằng cái ý niệm thoáng qua trong óc tôi lại là một sự lầm lạc. Tôi tin rằng đó là một cảm hứng hơn là một sự cám dỗ, nó rất thú vị, rất êm đềm... tôi biết như vậy. Đấy, nó trở lại nữa đ 35ab y! Tôi cam đoan với cô, nó chẳng phải là ma quỷ, và dù có thế đi nữa, nó cũng đã khoác lên mình bộ áo của thiên thần ánh sáng. Tôi nghĩ tôi phải đón rước một vị khách quý như vậy khi vị đó muốn xâm nhập vào trái tim tôi ư.

- Đừng tin vị khách đó thưa ông, đấy không phải là một thiên thần chân chính đâu.

- Lại một lần nữa, sao cô biết? Nhờ linh tính gì mà cô phân biệt được giữa vị thần đồi trụy của vực thẳm với vị thiên sứ của thiên đường vĩnh cửu, giữa người soi đường và kẻ cám dỗ?

- Tôi phán đoán do vẻ mặt của ông, ông có dáng bối rối khi ông nói rằng ý niệm kia đã trở lại với ông. Tôi cảm thấy nó sẽ làm ông càng đau khổ nếu ông nghe theo nó.

- Không phải thế, nó đem lại cho tôi một tin tức êm dịu nhất đời. Vả lại cô không phải là người chỉ đạo linh hồn tôi, vậy cô đừng nên bận tâm. Đây, hãy vào đây, hỡi vị thần lang bạt tươi vui!

Ông ta nói như đang trò chuyện với một ảo ảnh nào mà chỉ riêng mắt ông nhìn thấy; rồi hai cánh tay ông hơi dang ra, vòng lại trước ngực, như để ôm chặt lấy một người vô hình nào đó. Ông lại tiếp tục hỏi tôi:

- Bây giờ tôi đã đón nhận vị khách hành hương, mà tôi thực sự tin là một vị thần cải trang. Vị đó đã ban phước lành cho tôi. Trái tim tôi trước đây là một mộ địa, nay nó sẽ trở thành nơi thờ thánh.

- Thưa ông, thú thực rằng tôi không hiểu ông một chút nào, tôi không thể tiếp tục chịu chuyện vì nó trượt ra ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi chỉ biết có một điều: ông bảo rằng ông không tốt được như ông mong muốn, và ông hối tiếc về những khuyết điểm của ông. Tôi chỉ có thể hiểu được một điều: ông thổ lộ rằng có một dĩ vãng tì ố, đó là một mối hận ngàn đời. Tôi thấy hình như nếu ông cố gắng phấn đấu, ông sẽ có thể kịp thời trở thành người như chính ông mong mỏi; và nếu bắt đầu từ hôm nay, ông quyết tâm uốn nắn lại ý nghĩ và hành động của ông thì chỉ trong một vài năm nữa ông sẽ có cả một mớ hồi ức trong trắng, mà ông có thể nhớ lại một cách sung sướng.

- Cô Erơ ạ, nghĩ thế rất đúng, nói vậy rất phải; và lúc này đây tôi đang lát địa ngục bằng những ý định tốt đẹp.

- Thế nào kia, thưa ông?

- Tôi hạ quyết tâm, vững như bàn thạch. Chắc chắn những người bạn đời và những mục đích tôi theo đuổi sẽ khác hẳn trước.

- Và tốt hơn chứ?

- Và tốt hơn... tốt hơn như quặng nguyên chất tốt hơn chất xỉ bẩn thỉu. Hình như cô còn hoài nghi tôi. Tôi biết rõ mục đích của tôi như thế nào, và động cơ của tôi là gì; và lúc này đây tôi ra một điều luật, bất di bất dịch như luật của người Međơ và người Ba-tư, để xác nhận là cả mục đích lẫn động cơ của tôi đều chính đáng.

- Thưa ông, không thể chính đáng được, nếu mục đích và động cơ của ông đòi hỏi một pháp lệnh mới để hợp pháp hóa.

- Cô Erơ ạ, chính đáng chứ, dù chúng nhất thiết cần có một pháp lệnh mới; những trường hợp đặc biệt đòi hỏi những luật lệ cũng đặc biệt.

- Đó có vẻ là một châm ngôn nguy hại, ông ạ, vì người ta có thể nhận thấy ngay rằng nó có thể đưa đến sự lạm dụng.

- Ồ, một nhà hiền triết nghiêm nghị! Đúng thế đấy, nhưng tôi xin thề có quỷ thần hai vai, là tôi sẽ không lạm dụng nó.

- Ông là một con người, và có thể, mà con người là yếu đuối.

- Tôi như vậy; cô cũng thế... rồi sao nữa?

- Con người yếu đuối không được tự do ban cho mình một quyền lực mà chỉ những bậc thần thánh vẹn toàn mới có được!

- Quyền lực nào?

- Quyền nói về bất cứ một đường lối hành động nào kỳ quặc và không được thưa nhận rằng: "Hãy coi đó là đường chính đáng".

- "Hãy coi đó là đường chính đáng", đúng là những lời này; cô phát ngôn ra.

- Cầu cho nó chính đáng như vậy, - nói đến đây tôi đứng dậy, thấy rằng tiếp tục câu chuyện cũng chăng ích lợi gì, vì nó hoàn toàn mịt mù khó hiểu đối với tôi; vả chăng tôi cũng cảm thấy tôi không sao hiểu thấu được tính tình của người tôi tiếp chuyện, ít nhất là trong lúc đó, và tôi cũng cảm thấy một sự mơ hồ, một cảm giác lờ mờ về sự bất trắc sau khi đã biết rõ là mình dốt nát.

- Cô định đi đâu thế?

- Tôi đưa Ađen đi ngủ; đã quá giờ ngủ của nó rồi.

- Cô sợ tôi, vì tôi nói chuyện giống như một con quái vật(1).

- Những lời ông nói thật là khó hiểu, thưa ông; nhưng dù có ngỡ ngàng, tôi cũng chẳng việc gì mà sợ.

- Cô có sợ... Lòng tự ái của cô lo phạm phải một sự vụng về.

- Vâng, tôi lo ngại điều đó... và tôi không muốn nói ra những câu vô nghĩa.

- Nếu cô nói những câu vô nghĩa thì cô sẽ nói với một thái độ trầm tĩnh, nghiêm túc hết sức, khiến tôi sẽ lầm là lời nói có lý. Cô có bao giờ cười không, cô Erơ? Cô đừng bận tâm khi trả lời tôi...Tôi biết ít khi cô cười, nhưng cô có thể cười rất vui vẻ. Cô hãy tin lời tôi, về bản chất cô không phải là người khắc khổ, cũng như tôi, về bản chất không phải là kẻ xấu xa. Những sự gò bó ở Lôut còn ít ảnh hưởng đến cô, cô kiềm chế vẻ mặt mình, ngập ngừng trong lời nói, cử chỉ cũng dè dặt. Và đứng trước mặt một người đàn ông, một người anh hoặc một người cha, một ông chủ hoặc ai đấy tùy ý cô - cô còn sợ không dám cười quá vui vẻ, nói năng quá tự do, hoặc cử chỉ quá nhanh nhẹn nữa. Nhưng tôi tin rằng rồi đây đối với tôi, cô sẽ trở nên tự nhiên hơn, cũng như tôi thấy không thể nào kiểu cách với cô được. Hiện giờ thì cô còn chưa dám, nhưng rồi thái độ và cử chỉ của cô sẽ thay đổi, linh lợi và nhiều màu vẻ hơn. Đôi khi tôi thoáng thấy cô có ánh mắt của một con chim bị giam cầm đầy nhựa sống, sôi nổi cương quyết... Nếu được tự do thì nó sẽ bay vút lên chín tầng mây. Cô vẫn cứ muốn cáo lui à?

- Đồng hồ vừa điểm chín giờ, thưa ông.

- Không sao, đợi một phút đã. Ađen đã sẵn sàng đi ngủ đâu. Cô Erơ ạ, tôi đứng đây quay lưng về phía lò sưởi và nhìn vào giữa phòng, tiện cho việc quan sát lắm. Trong lúc nói chuyện với cô, tôi cũng thỉnh thoáng lưu ý đến Ađen, (tôi có những lý riêng để nghĩ rằng nó đáng là một đối tượng cho ta quan sát; những lý do đó, một ngày kia, tôi có thể, không, tôi sẽ nói cho cô rõ). Cách đây mười phút, nó lôi ở trong hộp ra một cái áo lụa màu hồng. Lúc giở áo ra, vẻ mặt nó sáng hẳn lên vì sung sướng. Thói làm đỏm đã thấm vào mạch máu nó, ăn sâu vào đầu óc và tủy não nó. Nó kêu lên: "Il faut que je l’essaie, et à 1’instant même!"(1) rồi nó nhảy xổ ra khỏi buồng. Bây giờ nó đang cùng với Xôphi mặc thử áo, chỉ vài phút nữa nó sẽ quay vào thôi, và tôi đã đoán trước mình sẽ nhìn thấy gì, một Xêlin Varen tý hon, như nàng vẫn thường xuất hiện trên sân khấu khi màn vừa kéo lên cho vở kịch...(2) nhưng cô đừng quan tâm đến điều đó làm gì. Tuy nhiên những tình cảm êm đềm nhất của tôi sắp sửa bị kích động mạnh đấy, cô hãy nán lại xem điều đó có đúng không.

Chỉ một lát sau, có tiếng chân Ađen bước qua phòng. Nó bước vào và đã thay đổi đúng như ông Rôchextơ đoán trước. Nó đã thay chiếc áo màu nâu, và mặc một chiếc áo rất ngắn bằng satanh hồng, mà váy thì thật rộng. Một vòng búp hồng ôm lấy vầng trán nó. Chân nó đi tất lụa xỏ trong đôi dép satanh trắng tinh.

"Est-ce que ma robe va bien(1), Ađen kêu lên và chạy xổ về phía trước; "et mes souliers? et mes bas? Tenez, je crois que je danser".

Nó nhảy lướt qua buồng, váy xòe ra, lúc đến sát gần ông Rôchextơ, nó nhẹ nhàng kiễng chân quay tròn một vòng rồi quỳ đầu gối xuống trước mặt ông, kêu lên:

Monsieur, je vous remercie mille fois de votre bonté"(2) rồi nhỏm dậy nó nói tiếp "C’est comme cela que maman íaisait n’est-ce pas, monsieur?".

Đú...u...úng! Ông Rôchextơ trả lời, và "comme cela"(3) - bà ấy đã quyến rũ những đồng tiền vàng Anh-cát-lợi chui ra khỏi túi quần Anh-cát-lợi của tôi. Tôi cũng đã có thời trẻ trung, cô Erơ ạ; phải, cái vẻ trẻ trung tươi tắn của cô bây giờ cũng không hơn gì tôi hồi ấy đâu. Song, mùa xuân của cuộc đời tôi thì đã qua rồi; tuy vậy nó đã để lại trên tay "đóa hoa Pháp nhỏ bé này", đóa hoa mà có lắm lúc tôi chỉ muốn tống khứ đi cho xong. Bây giờ tôi không quý hóa gì cái gốc rễ đã nảy sinh ra bông hoa đó - vì tôi đã nhận thấy loại cây ấy chỉ có thể bón bằng vàng bạc - cho nên tôi cũng chẳng yêu đóa hoa này thắm thiết cho lắm, nhất là trông nó lại có cái vẻ giả tạo như bây giờ. Tôi gìn giữ và vun xới cho nó là theo đúng với nguyên lý Cơ-đốc giáo La-mã, lấy một hành vi từ thiện của mình để chuộc lại bao nhiêu tội lỗi lớn nhỏ đã phạm. Thôi để hôm khác tôi sẽ nói rõ câu chuyện với cô. Chúc cô ngủ ngon.



1. Trời ơi, đẹp quá chừng!

1. Nguyên văn: "Người ta bảo rằng còn đặc hơn nước lã".

1. Và tôi quyết giữ vững.

1. Một con quái vật nửa người nửa sư tử (sphinx).

1. Em phải mặc thử và mặc ngay bây giờ mới được!

2. Cho vở kịch... Khi màn vừa kéo lên để bắt đầu vở kịch...( ba dấu chấm thay cho tên vở kịch mà Xêlin Varen trước đây vẫn đóng- NXB).

1. Có phải áo em vừa vặn không... còn giày, còn bít tất nữa? Này, em nhảy thử xem sao nhé.

2. Cháu cám ơn lòng tốt của ông vô vàn. Trước kia mẹ cháu cũng làm như thế đấy, có phải không ông?

3. Cũng như thế.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84526


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận