Jên Erơ Chương 15


Chương 15
Thế rồi, về sau, cũng có dịp ông Rôchextơ nói rõ về chuyện đó với tôi.

Vào một buổi chiều, ngẫu nhiên ông gặp tôi và Ađen chơi ở ngoài vườn, trong khi Ađen mải chơi cầu với con Pilôt, ông rủ tôi đi tản bộ trên một con đường có trồng những cây dẻ gai để vẫn nhìn thấy Ađen.

Lúc ấy ông mới kể cho tôi hay rằng Ađen là con một vũ nữ người Pháp, Xêlin Varen, người mà xưa kia ông đã từng thương yêu bằng một mối tình mà ông gọi là một "grande passion"(1). Đáp lại mối tình say đắp đó, Xêlin tỏ ra còn nồng nàn hơn nhiều. Mặc dù xấu trai, ông cứ thần tượng của nàng, ông tin rằng, như ông nói, nàng yêu cái "taille d’athelète"(2) của ông hơn là cái vẻ thanh nhã của tượng thần Apôlông ở lầu Benvêđe(3).

- Cô Erơ ạ, việc nàng tiên kiều diễm xứ Gôlơ để cho một con quỷ hồng-mao lọt vào mắt xanh như thế khiến tôi sung sướng thuê khách sạn cho nàng ở, bao nàng đủ thứ tiện nghi, nào là gia nhân hầu hạ, xe ngựa, khăn quàng, kim cương, đăng ten, v.v... không thiếu thứ gì; tóm lại tôi bắt đầu cái quá trình khánh kiệt theo đúng kiểu bao gái thông thường như bất cứ anh chàng si ngốc nào khác. Hình như tôi cũng không tìm ra được con đường mới nào đi đến sự hổ nhục đồi bại cả, mà chỉ cứ theo đúng đường mòn cũ một cách ngu xuẩn, không đi chệch một mảy may. Tôi cũng chịu chung số phận của những kẻ si ngốc, kể cũng đáng kiếp thôi. Một buổi tối Xêlin không hẹn đợi, tôi ngẫu nhiên đến thăm, nhưng nàng đi vắng. Đó là một buổi tối ấm áp; sau một hồi nện gót lang thang trên kinh thành Pari. Tôi đã thấy mệt mỏi bèn đến nghỉ trong phòng nàng, tôi sung sướng hít cái hương vị thần tiên của nàng còn đượm lại trong phòng. Không... tôi đã nói phóng lên như thế thôi, chứ không hề bao giờ nghĩ rằng nàng có một đức tính thần tiên nào hết. Nói đúng hơn thì đó là mùi thơm của một thứ kẹo còn thoang thoảng rớt lại, một mùi xạ hương hơn là một hương thơm thần thánh gì. Tôi bắt đầu thấy choáng váng đi vì mùi hoa và hương thơm quá ngột ngạt đó nên muốn mở cửa sổ ra và đứng chơi ngoài bao lơn. Ánh trăng chiếu vằng vặc cùng với ánh đèn, cảnh vật lặng lẽ và trong sáng, ở bao lan sẵn có một hai chiếc ghế tựa, tôi bèn ngồi xuống và lấy một điếu xì gà ra hút. Xin lỗi, nếu cô cho phép bây giờ tôi cũng muốn hút một điếu.

Ông ngừng một lát, rút một điếu thuốc ra châm. Sau khi rít một hơi, thở ra một làn khói đặc mùi thơm của thuốc Havana tỏa trong bầu không khí lạnh giá vắng bóng mặt trời, ông lại kể tiếp:

- Hồi đó, tôi rất thích ăn kẹo, cô Erơ ạ, tôi vừa nhá (cô bỏ qua cho tiếng dùng thô kệch này) kẹo sôcôla vừa hút thuốc, ngóng nhìn chiếc xe ngựa chạy dọc theo những dãy phố lịch sự tiến về nhà hát gần đó, thì một cỗ xe có hai con ngựa Anh đẹp đẽ kéo, hiện ra dưới ánh sáng đường phố, tôi nhận ra chính là chiếc xe tôi tặng Xêlin. Nàng đã về. Tất nhiên là tim tôi đập hồi hộp trong lúc đứng tì ngực vào chiếc lan can bằng sắt. Đúng như tôi mong đợi, xe đỗ lại trước cổng khách sạn. Nàng tiên(1) của tôi (đó chính là danh từ người ta dùng trong một bản nhạc kịch tình say đắm(2)) nhẹ nhàng bước xuống. Tuy nàng khoác một chiếc áo ngoài - chiếc khoác rất thừa trong một buổi tối tháng sáu ấm áp như thế - song nhìn đôi chân nhỏ nhắn lộ ra dưới tấm váy, tôi nhận ngay ra khi nàng bước xuống bực xe. Tôi cúi mình trên bao lơn, đã toan khẽ gọi: "nàng tiên của anh", bằng một giọng tất nhiên chỉ với cái tai của kẻ yêu đương mới nghe rõ được, thì một người nữa trên xe cũng nhảy xuống theo, người này cũng khoác áo ngoài; nhưng lần này thì là tiếng gót giày có đóng đanh thúc ngựa nện vang trên hè phố, rồi một cái đầu đội mũ đàn ông đi vào trong cổng khách sạn.

Chắc cô chưa bao giờ cảm thấy ghen tuông, cô Erơ nhỉ? Tất nhiên là chưa; tôi bất tất phải hỏi, vì cô đã yêu bao giờ đâu. Cả hai tình cảm đó, rồi cô cũng sẽ trải qua thôi. Tâm hồn cô hiện đang trong giấc êm đềm, nhưng rồi những va chạm sẽ đến đánh thức nó dậy. Cô nghĩ rằng dòng đời cứ êm ả như từ thời thơ ấu của cô cho đến bây giờ. Cô cứ để mình trôi theo cuộc sống, mắt khép lại, tai bưng kín; cô có thấy đâu những mỏm đá lởm chởm giữa dòng mà cũng chẳng nghe thấy tiếng sóng nước réo sôi quanh vòm đá. Nhưng tôi nói để cô hay - cô hãy nhớ lấy lời tôi - rồi một ngày kia cô sẽ tới một khúc sông đầy đá ngầm lởm chởm, nơi tất cả dòng đời đang tung lên thành một cơn lốc mịt mùng, sóng gào tung bọt nước, khi đó, hoặc cô sẽ bị tóe ra từng giọt nhỏ bắn vào mỏm đá, hoặc sẽ được dâng lên và trôi theo một đợt sóng cồn nào đó đến một dòng đời êm ả hơn, như tôi hiện giờ.

"Tôi thích ngày hôm nay, thích cái bầu trời màu thép, thích sự cằn khô lặng lẽ của thế giới dưới bầu trời giá buốt này. Tôi yêu Thơrnơfin, với cái vẻ cổ kính quạnh hiu, với những cây cổ thụ đầy tổ quạ và những cây sồi già; tôi yêu cái phía trước mặt lâu đài màu xám với dãy cửa sổ u tối phản chiếu bầu trời u ám màu chì. Ấy thế mà đã bao lâu nay, tôi ghê tởm cả đến ý nghĩ về nó, tôi lánh xa nó như một ngôi nhà chứa bệnh dịch hạch! Tôi vẫn còn ghê tởm nó biết chừng nào...

Ông nghiến răng lại và thôi không nói nữa. Ông dừng bước, nện mạnh gót dày trên nền đất khô cứng. Hình như một ý nghĩ căm hờn đã ghì giữ lấy ông, khiến ông không thể cất bước được nữa.

Chúng tôi đang đi ngược lên thì ông ngừng bước, tòa lâu đài sừng sững trước mặt chúng tôi. Ngước nhìn những lỗ châu mai, ông quắc mắt lên mà từ trước đến bây giờ tôi chưa từng thấy. Những tình cảm đau đớn, tủi nhục, tức giận, bồn chồn, kinh tởm, gớm ghiếc, lúc đó hình như đang đấu tranh kịch liệt với nhau trong con ngươi mở to dưới cặp lông mày đen nhánh của ông. Cuộc đấu tranh man rợ phải đến chỗ quyết liệt, nhưng một tình cảm khác nổi lên và thắng thế; một cái gì gay gắt, tàn tệ, ngang ngạnh và kiên quyết; nó làm dịu cơn sôi nổi trong lòng ông khiến vẻ mặt ông gần như đá. Ông lại tiếp tục kể:

- Cô Erơ ạ, phút yên lặng vừa rồi là tôi đang dàn xếp với số mệnh của tôi đấy. Số mệnh tôi đứng kia kìa, ngay cạnh thân cây dẻ ấy, đó là mụ phù thủy giống như những con mụ hiện lên gặp Macbet trên cánh đồng Forơt(1). Mụ giơ ngón tay lên hỏi tôi "Người có thích lâu đài Thornơfin không!", rồi mụ viết vào không khí một câu bằng những chữ ma quái, dọc phía trước tòa nhà, ở giữa hai dãy cửa sổ tầng trên và tầng dưới.: "Cứ việc thích nó nếu ngươi có thể! Cứ việc thích nó nếu ngươi dám?". Tôi trả lời: "Ta sẽ thích nó, dám thích nó đấy" và (ông ta nói tiếp vẻ bực bội) tôi sẽ giữ lời, tôi sẽ bẻ gẫy trở lực để đi tới hạnh phúc, tới sự tốt đẹp hơn, khác hẳn con người tôi trước kia và hiện nay; cũng như con quái vật Leviahan của Jôp bẻ gẫy mọi vũ khí, đối với tôi, những ngọn giáo mác, những trở ngại mà mọi người coi như sắt thép, sẽ chỉ là rơm rạ, củi mục.

Lúc ấy, Ađen chạy trước mặt ông với quả cầu. Ông nghiêm khắc quát:

- "Cút ra chỗ khác, ranh con; hãy vào trong nhà mà chơi với con Xôphi!". Tôi im lặng đi theo ông, và đánh bạo nhắc ông câu chuyện bỏ dở.

- Thế lúc cô Varen vào thì ông vẫn không rời bao lơn ư?

Tôi hầu như chờ đợi ông gắt gỏng sau câu hỏi hơi thừa không đúng lúc đó, nhưng trái lại, ông bừng tỉnh, không còn vẻ lơ đãng cau có nữa, đưa mắt nhìn tôi, và đám mây u uất cũng tan đi trên vầng trán ông.

- Ừ nhỉ! Tôi quên mất câu chuyện Xêlin!... Được, tôi kể tiếp. Khi nhìn thấy nàng tiên của tôi bước vào nhà kèm theo một chàng công tử, tôi tưởng như nghe thấy "tiếng phun phì phì, rồi con rắn ghen tuông xanh lè bỗng uốn khúc ngóc đầu lên khỏi cái bao lơn ngợp trong ánh trăng", nó luồn vào dưới chiếc áo lót, và chỉ trong hai phút nó đã tìm đường lách vào đến tận đáy trái tim tôi. Thực kỳ lạ! Ông bỗng kêu lên rồi nói sang vấn đề khác. - Thật lạ lùng! Ai đời tôi lại đi tìm một người con gái như cô để kể tất cả những chuyện này nhỉ? Kỳ hơn nữa, cô lại lặng lẽ nghe tôi nói, coi việc một người như tôi đem chuyện tình duyên của mình với các cô đào hát ra kể với một cô gái lạ lùng, ít kinh nghiệm như cô, là chuyện rất thường tình. Nhưng cái điều khác thường sau chứng minh cho cái điều khác thường thứ nhất, như tôi đã nói với cô một lần rồi, với cái vẻ nghiêm trang, thận trọng, và ý tứ của cô, quả thật cô là một người sinh ra để nghe những điều uẩn khúc của kẻ khác. Vả chăng tôi cũng biết mình trao đổi tâm tình với một người có tâm hồn thế nào chứ? Tôi biết đây là một tâm hồn không dễ lây những sự xấu xa, đây là một tâm hồn đặc biệt, đây là một tâm hồn có một không hai. May được cái rằng tôi không hề có ý định làm hại nó, mà nếu tôi có muốn thế nào đi chăng nữa thì nó cũng sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì. Chúng ta càng nói chuyện lại càng có lợi; bởi vì nếu tôi không thể làm cho cô bị sầu não thì trái lại cô có thể gột rửa được cho tôi trong sạch.

Sau một hồi nói ra ngoài đề, ông lại tiếp tục câu chuyện:

- Tôi vẫn đứng nguyên trên bao lơn, và nghĩ thầm: "Thế nào chúng nó cũng vào buồng; mình phải sửa soạn cái bẫy mới được". Luồn tay vào chiếc cửa bỏ ngỏ tôi kéo tấm rèm, chỉ để hé một chút để nhòm vào quan sát bên trong. Rồi tôi lại đóng cửa sổ lại, nhưng vẫn chừa một kẽ hở vừa đủ để nghe những lời thề thốt thầm thì của cặp tình nhân. Xong đâu đấy tôi rón rén về chỗ ngồi, đúng lúc đó thì chúng bước vào phòng. Tôi vội ghé mặt vào kẽ hở. Chị hầu gái bước vào, thắp đèn để trên bàn, rồi quay ngay ra. Đôi trai gái hiện ra rõ ràng trước mặt tôi. Cả hai đều bỏ áo choàng và Varen lộng lẫy trong bộ y phục satanh và những bộ trang sức - dĩ nhiên là những thứ tôi đã tặng cô ta. Người tình của nó mặc binh phục sĩ quan, tôi biết gã là một tử tước, một thanh niên phóng đãng, một gã đầu óc rỗng tuếch, mà đôi khi tôi vẫn gặp trong những cuộc thù tiếp xã giao; tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện căm ghét hắn ta vì khinh bỉ hắn ta quá đỗi, khi tôi nhận ra gã rồi, thì răng nanh con rắn ghen tuông trong người tôi gẫy ngay, vì liền lúc đó, tình yêu của tôi đối với Xêlin cũng tan thành mây khói. Một người đàn bà có thể phản bội tôi vì một gã như vậy thì chẳng nên đếm xỉa đến làm gì, nó chỉ đáng khinh bỉ, nhưng cũng không đáng khinh bỉ bằng tôi, kẻ đã bị nó lừa gạt.

"Chúng bắt đầu nói chuyện, chuyện của chúng làm cho tôi dễ chịu; nó vớ vẩn, lý tài, không tình cảm, vô nghĩa, khiến người nghe không thấy bực tức mà chỉ thấy mệt. Nhìn thấy một tấm danh thiếp của tôi trên bàn, thế là trong câu chuyện chúng nói đến tôi. Cả hai, không đứa nào có đủ nghị lực và trí tuệ để dứt khoát hạ nổi tôi, nhưng chúng cũng phỉ báng tôi thô bỉ hết sức theo cái lối ti tiện của chúng. Nhất là Xêlin, nói rất hăng đến những nhược điểm về con người tôi, mà nó gọi là những dị tướng. Thế mà nó vẫn làm ra bộ khâm phục cái "beaute’ mêle"(1) của tôi, theo như lối gọi của nó. Về điểm đó, nó khác hẳn cô; đối với cô thì chỉ lần thứ hai gặp tôi, cô đã bảo thẳng tôi rằng tôi chẳng đẹp trai gì. Sự trái ngược đó, lúc ấy làm tôi xúc động mạnh và...

Bỗng Ađen lại chạy đến:

- Ông ạ, anh Jôn vừa đến bảo rằng có người quản lý đến tìm và muốn gặp ông.

- À! Trường hợp này tôi phải kể tóm tắt vậy. Mở toang cửa sổ, tôi bước đến trước mặt hai đứa. Tôi không nhận bao Xêlin nữa, và báo cho nó biết phải rời khỏi khách sạn, cho nó một số tiền để chi tiêu ngay những việc cần, tôi chẳng thèm để ý đến những lời kêu xin, van vỉ, và cử chỉ quằn quại giãy giụa của nó, tôi hẹn với anh chàng kia một cuộc gặp gỡ trong rừng Bulônhơ. Sáng hôm sau, tôi được cái vui thú chạm trán với gã và cho gã xơi một viên đạn vào cánh tay khốn khổ, gầy guộc, trói gà không chặt của gã(1). Tôi nghĩ thế là mình đã thanh toán dứt khoát với chúng, nhưng khốn thay, sáu tháng trước đấy, Varen đã sinh ra con bé Ađen này, nó quả quyết rằng đứa bé chính là con gái tôi. Cũng có thể như vậy, mặc dù tôi chẳng thấy trên mặt nó có nét nào giống tôi cả. Con Pilôt còn giống tôi hơn nó. Tôi đoạn tuyệt với Xelin được mấy năm, thì nó bỏ đứa con gái lại và đi theo một anh ca sĩ nhạc sĩ nào đó sang Ý. Hồi ấy tôi không công nhận cho Ađen có quyền đòi tôi phải nuôi dưỡng nó, mà bây giờ cũng vậy, vì tôi có phải là cha nó đâu. Nhưng thấy con bé bơ vơ, tôi đã kéo nó ra khỏi đống bùn nhơ bẩn của kinh thành Pari và đem nó về vun trồng ở đây, cho nó lớn lên trong sạch trên mảnh đất lành mạnh của một khu vườn nông thôn nước Anh. Bà Fefăc đã tìm ra cô để dạy dỗ nó; nhưng bây giờ cô đã biết rõ nó là một đứa con hoang, và mẹ nó là một cô đào Pháp, có thể cô sẽ thay đổi ý kiến đối với việc làm và đứa trẻ. Rồi một ngày kia cô sẽ báo cho tôi biết rằng cô đã tìm được một nơi làm khác, rồi yêu cầu tôi tìm một cô giáo khác thay chân... có phải không?

- Không. Ađen không có trách nhiệm gì về những lỗi lầm mà mẹ nó hoặc của ông. Tôi có cảm tình với nó và bây giờ tôi biết rằng nó không cha mẹ, nó bị mẹ bỏ rơi và - không được ông công nhận tôi lại càng tha thiết với nó hơn trước. Làm sao tôi lại có thể yêu quý một đứa trẻ được nuông chiều trong một gia đình giàu có, coi cô giáo dạy mình là một cái vạ hơn một đứa trẻ mồ côi trơ trọi, nương tựa vào cô giáo như dựa vào một người bạn?

- Ồ, quan điểm của cô là thế đấy? Thôi, tôi phải vào nhà. Cả cô nữa, trời tối rồi.

Nhưng tôi còn ở lại ngoài vườn thêm mấy phút với Ađen và Pilôt; tôi chạy và chơi với Ađen một ván cầu vợt. Lúc vào nhà, khi đã cởi bỏ áo mũ cho Ađen, tôi bế nó ngồi lên đùi đến một giờ đồng hồ, cho nó tha hồ nói huyên thuyên, cũng chẳng nỡ mắng, dù đôi lúc nó nói năng hơi tự do bừa bãi, con bé thường có cái thói như vậy mỗi khi được người ta săn sóc tới. Điều đó để lộ cái tính tình hời hợt mà có lẽ nó thừa hưởng của mẹ nó, tính tình ấy khó thích hợp với tâm hồn người Anh. Tuy nhiên nó vẫn có những đức tính riêng, tôi sẵn sàng đánh giá cao những mặt tốt trong con người nó. Tôi cố tìm trong cử chỉ và nét mặt con bé xem có gì giống ông Rôchextơ không, nhưng tuyệt nhiên không thấy; không một nét nào, không vẻ nào tỏ ra nó thuộc dòng máu của ông. Thực tội nghiệp, nếu nó giống ông, có lẽ ông sẽ chăm sóc đến nó hơn.

Cho mãi đến khi đã về buồng riêng để ngủ, tôi mới ngẫm lại kỹ câu chuyện ông Rôchextơ kể cho tôi nghe. Như ông nói, bản thân câu chuyện có lẽ chẳng có gì là đặc biệt; một người Anh giàu có say mê một vũ nữ Pháp và bị nàng phản bội, rõ ràng là một chuyện rất thường tình xảy ra hàng ngày trong xã hội. Nhưng nhất định có một điều gì rất lạ trong việc ông bất thình lình bị xúc động đến cực điểm khi ông nói hiện thời ông rất hài lòng và thú vị lại được sống trong tòa lâu đài cũ với những quang cảnh xung quanh. Tôi ngạc nhiên ngẫm nghĩ về thái độ đó, nhưng dần dần cũng thôi vì thấy không thể nào hiểu nổi, tôi quay ra nghĩ đến thái độ của ông chủ đối với tôi. Câu chuyện tâm tình mà ông nghĩ đem gửi gắm nơi tôi là thích hợp, hình như là một sự đền đáp đối với thái độ kín đáo của tôi. Tôi đánh giá và tiếp nhận nó với ý nghĩa như vậy, cách đối xử của ông với tôi mấy tuần nay cũng bình đẳng hơn trước. Hình như tôi không còn là chướng ngại vật trước mặt ông nữa; ông không còn có những lúc lạnh lùng kênh kiệu nữa; khi bất chợt gặp tôi, ông có vẻ dễ chịu vì thường thường ông nói một câu dịu dàng, hoặc đôi khi mỉm cười với tôi. Mỗi khi mời tôi đến, ông đều tiếp đón ân cần, khiến tôi cảm thấy mình quả có khả năng làm cho ông vui vẻ, và những buổi tối trò chuyện như thế, được ông ưa chuộng vì nó đem lại vui thích cho ông cũng như lợi ích cho tôi.

Tôi nói tương đối ít, nhưng tôi rất thích nghe ông nói chuyện. Bản tính ông cởi mở; ông thích hé mở ra cho một tâm hồn ít tiếp xúc với đời thấy những khía cạnh, những lối cư xử trong cuộc sống (đây tôi không muốn nói đến những khía cạnh đồi bại và những đường lối xấu xa, mà là những khía cạnh đang chú ý vì cái địa bàn hoạt động rộng lớn của chúng và tính chất mới lạ khi chúng được kể lại). Và tôi rất thú vị tiếp nhận những ý tưởng mới mẻ của ông, tưởng tượng những cảnh mới mẻ ông diễn tả, hoặc theo dõi ông trong óc qua những vùng mới mẻ ông mở ra trước mặt tôi, tâm trí không hề bị kích động hoặc bối rối vì một lời nói bóng gió độc hại nào.

Thái độ tự nhiên của ông khiến tôi không còn phải dè dặt ngại ngùng nữa. Sự thẳng thắn thân mật vừa đúng mức vừa thân ái càng làm cho tôi thấy gần gũi ông. Đôi khi tôi cảm thấy ông như là một người thân thích chứ không phải là một ông chủ nữa. Tuy nhiên thỉnh thoảng ông vẫn còn vẻ hách dịch, nhưng tôi cũng chẳng để tâm; tôi biết bản tính ông như vậy. Niềm vui thú mới mẻ này đến với cuộc đời khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và không còn buồn phiền vì không họ hàng thân thích nữa. Số phận mong manh nhỏ nhoi của tôi được mở rộng ra, cuộc đời không còn thấy trống rỗng, sức khỏe tôi cũng khác hẳn, người đẫy đà khỏe mạnh hẳn lên.

Liệu lúc này trước mắt tôi, ông Rôchextơ còn xấu trai nữa không? Không, thưa bạn đọc, sự biết ơn cùng với nhiều sự liên tưởng tốt đẹp và thú vị khiến tôi thấy mặt ông ưa nhìn nhất đời. Sự có mặt của ông trong buồng còn tươi vui hơn cả ngọn lửa sáng chói nhất. Tuy nhiên không phải là tôi đã quên những khuyết điểm của ông. Thực tế, tôi không thể quên được là vì những thói xấu của ông cứ luôn luôn lộ ra. Ông kiêu ngạo, mỉa mai, khắc nghiệt đối với sự thấp kém dưới mọi dạng thức. Tôi thầm nghĩ lòng tốt của ông đối với tôi cũng ngang với sự bất công nghiệt ngã đối với nhiều kẻ khác. Ông u uất, khó hiểu. Nhiều lần được gọi đến đọc sách cho ông nghe, tôi thấy ông ngồi đơn độc trong phòng sách, đầu gục trên hai cánh tay khoanh lại, lúc ngẩng đầu lên, nét mặt ông có vẻ lầm lì, buồn thảm, hầu như dữ tợn nữa. Tôi cho rằng nguyên nhân của cái tính khí thất thường khắc nghiệt và những lỗi lầm xưa kia của ông (tôi nói xưa kia vì hiện nay hình như ông đã sửa chữa) là một sự éo le độc địa nào đó của số phận. Tôi tin rằng về bản chất ông có những khuynh hướng tốt hơn, những nguyên tắc cao quý hơn và những sở thích lành mạnh hơn, chứ không phải như hoàn cảnh đã tạo nên, hoặc sự giáo dục hay số phận đã đem đến cho ông. Tôi nghĩ trong con người ông có những chất liệu rất tốt, mặc dầu hiện tại chúng bị tì ố và hỗn độn rối bời. Tôi phải thú nhận rằng tôi đau khổ vì nỗi đau khổ của ông, không kể đau khổ như thế nào, và thường tôi cố gắng làm dịu bớt những nỗi đau đớn đó.

Tôi đã tắt nến, ngả mình xuống giường, nhưng không sao chợp mắt được vì vẫn bị cái nhìn của ông ám ảnh, lúc ông chợt dừng bước và nói với tôi rằng số mệnh đã đứng sững trước mặt ông, nó thách ông sống hạnh phúc được trong lâu đài Thornơfin. Tôi tự hỏi: "Sao lại không nhỉ? Có cái gì ngăn cách ông với ngôi nhà này? Liệu ông có sắp bỏ đi nữa không? Bà Fefăc đã bảo ít khi ông ở lại lâu đài tới quá mười lăm hôm liền, thế mà bây giờ ông ở đây đã tới tám tuần lễ rồi. Nếu ông đi thật, thì thực là một sự thay đổi đáng buồn. Giả sử ông vắng mặt suốt cả ba mùa: xuân, hạ và thu thì những ngày nắng ấm đối với ông sẽ tẻ nhạt đến đâu.

Sau lúc nghĩ ngợi lan man như vậy, không biết tôi có thiếp đi hay không, chỉ biết tôi đột nhiên giật mình tỉnh hẳn vì nghe có tiếng rì rầm mơ hồ kỳ lạ, mà thê thảm làm sao, hình như ở ngay trên đầu mình. Tôi tiếc sao lúc nãy lại không để nến cháy, vì đêm tối sợ hãi hết sức, và tâm trí tôi như bị tê liệt. Tôi ngồi nhỏm dậy trên giường, lắng nghe. Tiếng rì rầm tắt hẳn.

Tôi cố ngủ lại, nhưng trong lòng khắc khoải, sự yên ổn trong tâm hồn đã bị khuấy động. Chuông đồng hồ dưới nhà ngân nga điểm hai tiếng. Vừa lúc ấy hình như có tiếng người chạm cả vào buồng tôi, như có những ngón tay sờ soạng trên mặt gỗ lần mò tìm lối đi ra ngoài hành lang tối. Tôi cất tiếng hỏi:

- Ai đấy?

Không có tiếng trả lời, tôi sợ lạnh toát cả người.

Ngay lúc ấy tôi nhớ ra có lẽ là con Pilôt; khi nào cửa bếp vô tình để ngỏ, nó thường hay tìm đến nằm ở cửa buồng ông chủ, sáng sáng chính tôi vẫn thấy nó nằm ở đấy. Ý nghĩa đó làm tôi yên tâm đôi chút, tôi lại đặt mình nằm xuống. Sự vắng lặng khiến tâm trí tôi trở lại bình tĩnh; cả tòa nhà bây giờ đắm chìm trong tĩnh mịch, tôi bắt đầu cảm thấy giấc ngủ trở lại. Nhưng số mệnh bắt tôi không sao ngủ được đêm hôm đó. Giấc mơ vừa thoáng đến bên tai, tôi đã phải hãi hùng tan biến đi ngay vì một sự việc kinh khủng, sợ đến lạnh người.

Đó là một chuỗi cười ma quái, khàn khàn, ằng ặc, sâu thẳm, hình như phát ra ngay ở lỗ khoá cửa buồng. Đầu giường tôi lại ở gần ngay cửa, nên thoạt đầu tôi tưởng con quỷ thốt ra tiếng cười đó đứng cạnh giường, hoặc có thể nó ghé sát ngay bên gối tôi. Tôi nhỏm dậy, ngơ ngác nhìn quanh, nhưng có gì đâu; trong lúc tôi đang ngó trừng trừng, tiếng cười kỳ lạ lại nổi lên và tôi biết ngay là nó phát ra từ phía sau cửa. Cử chỉ đầu tiên của tôi là đứng dậy cài then cửa, và kêu lên lần nữa:

- Ai đó?

Có tiếng gì ùng ục, rền rĩ và ngay sau đó là tiếng chân bước ngoài hành lang, đi về phía cầu thang gác ba. Cầu thang đó vừa làm thêm một cánh cửa, tôi nghe tiếng cánh cửa ấy kẹt mở và đóng sập lại, rồi yên lặng hẳn.

Tôi nghĩ bụng: "Có phải là Grêxơ Pun không? Chị bị ma ám chăng?". Không thể cứ ở trong buồng một mình được nữa, tôi phải đi tìm bà Fefăc. Tôi choàng khăn và khoác một chiếc áo, tay run run, rút then mở cửa ra.

Ngoài hành lang có một cây nến đang cháy, đặt trên mặt thảm. Thấy vậy, tôi ngạc nhiên quá; nhưng tôi còn sửng sốt hơn khi trông thấy không khí mù mịt như đầy những khói. Tôi đang nhìn quanh xem làn khói xanh này bốc ra từ đâu thì bỗng ngửi thấy có mùi cháy khét.

Có tiếng gì nứt vỡ, đó là tiếng cửa buồng ông Rôchextơ hé mở và khói từ đó cuồn cuộn tuôn ra. Tôi không còn nghĩ gì đến bà Fefăc, đến Grêxơ Pun, đến tiếng cười ma quái gở nữa; tôi lao ngay vào buồng. Lửa đã liếm xung quanh giường, những tấm màn đang bốc cháy. Giữa đám khói lửa mịt mù đó, ông Rôchextơ vẫn nằm yên, ngủ li bì.

"Dậy mau! Dậy mau!" Tôi kêu lên, tôi lay ông, nhưng ông chỉ lầm bầm nói gì rồi giở mình, khói đã làm cho ông mê mệt đi rồi. Không thể chậm trễ một phút, cả đến khăn trải giường cũng đã bén lửa; tôi nhảy bổ đến chỗ cái chậu và cái bình xách nước; cũng may mà cái chậu khá to và cái bình cũng khá sâu, cả hai đều đầy nước. Tôi bê cả hai dội ào lên giường và cả người nằm, rồi chạy vội về buồng, lấy bình nước của tôi dội nốt vào. Nhờ trời tôi dập tắt được ngọn lửa đang cháy lem lém.

Tiếng lửa tắt xèo xèo và chiếc bình tôi tuột tay đánh rơi vỡ khi đổ nước xong, và nhất là nước tưới ướt sũng người làm ông Rôchextơ bừng tỉnh. Dù tối mờ mịt, tôi cũng biết ông Rôchextơ đã tỉnh, vì nghe ông tuôn ra một tràng những lời chửi rủa khi thấy mình nằm trong một vũng nước.

- Lụt hay sao thế này? - ông kêu lên.

- Không phải đâu, thưa ông, tôi đáp, nhưng vừa có hỏa hoạn đấy; ông dậy ngay đi, người ông sũng nước; tôi sẽ đem đến cho ông một cây nến.

- Nhân danh mọi ma quỷ nơi đất Chúa, có phải Jên Erơ đấy không? Cô định là 2e3a m gì tôi đấy, cô phù thủy? Ngoài cô ra còn có ai trong này nữa? Có phải cô âm mưu dìm chết tôi không?

- Tôi sẽ đem đến đây cho ông một cây nến. Lạy Chúa, xin ông hãy dậy ngay. Có kẻ âm mưu chuyện gì đây. Ông không thể nào khám phá ngay ra chuyện này và thủ phạm đâu.

- Đây, tôi dậy rồi đây, nhưng dù có nguy hiểm cô cũng đi tìm cho tôi cây nến. Cô hãy đợi hai phút để tôi tìm quần áo khô thay đã; nếu còn cái nào khô. À, áo ngủ của tôi đây rồi. Thôi, cô chạy mau đi!

Tôi chạy vội ra, đem cây nến vẫn còn ở ngoài hành lang vào. Ông cầm nến giơ lên soi giường, thấy cháy xém đen cả, đệm ướt sũng, tấm thảm lũng bũng nước. Ông hỏi:

- Thế này là thế nào? Kẻ nào gây ra chuyện này?

Tôi kể lại vắn tắt những điều mình biết, tiếng cười kỳ dị nghe thấy ngoài hành lang, tiếng chân bước lên từng gác ba, khói và mùi khét khiến tôi phải lao vào buồng ông, rồi lúc vào thấy cảnh tượng thế nào, và vớ được bất cứ cái gì có nước tôi cũng đổ vào giường ông.

Ông trầm ngâm nghe tôi nói, trong lúc đó, mặt ông có vẻ suy nghĩ hơn là ngạc nhiên; ông không đáp lại ngay khi nghe tôi kể xong. Tôi hỏi ông:

- Tôi có nên gọi bà Fefăc không?

- Bà Fefăc à, thôi gọi bà ta làm quái gì. Bà ấy thì làm gì được, để yên cho bà ấy ngủ.

- Thế tôi đi tìm Li và đánh thức vợ chồng anh Jôn dậy.

- Không cần, cứ lặng yên. Cô có quàng khăn san chứ? Nếu cô chưa đủ ấm thì choàng thêm cái áo khoác của tôi kia kìa, và ngồi xuống ghế bành đây. Bây giờ cô để chân lên ghế đẩu cho khỏi ướt. Tôi đi bộ vài phút và cầm theo cả cây nến nữa. Cô cứ ngồi yên, đợi tôi quay lại; phải im như hến ấy. Tôi còn lên tầng gác hai xem sao. Nhớ đừng có động đậy và gọi ai cả.

Ông bước ra, tôi nhìn theo ánh sáng xa dần; ông đi thật nhẹ nhàng qua hàng lang, mở chiếc cửa lối lên cầu thang rất khẽ. Ông bước lên rồi đóng ngay lại, ánh sáng cuối cùng thế là tắt. Còn lại một mình tôi trong bóng tối dày đặc. Tôi lắng tai nghe, như không có một tiếng động. Một hồi lâu tôi thấy mệt mỏi, tuy khoác chiếc áo choàng mà vẫn lạnh giá, và thấy mình ngồi lại như vậy cũng chẳng ích gì, vì tôi không được khua mọi người dậy. Tôi đã định tuân theo lời ông Rôchextơ và như vậy có thể làm ông phiền lòng, thì vừa lúc ấy có ánh sáng le lói rọi lên tường hành lang, và có tiến chân đi đất bước trên thảm. Tôi tự nhủ: "Ước gì chính ông Rôchextơ và không có chuyện gì không may hơn xảy ra nữa".

Ông bước vào buồng, mặt tái, vẻ rầu rĩ. Ông vừa đặt cây nến lên bàn rửa mặt vừa nói:

- Tôi đã khám phá ra hết, thực đúng như tôi nghĩ.

- Thế nào, thưa ông?

Ông không trả lời, đứng khoanh tay nhìn xuống đất. Vài phút sau, ông hỏi tôi bằng một giọng hơi khác thường:

- Tôi quên khuấy đi mất, có phải cô nói rằng lúc mở cửa buồng, cô nhìn thấy một cái gì thì phải?

- Không, thưa ông, chỉ có mỗi một cây nến đặt trên mặt sàn.

- Nhưng cô đã nghe thấy tiếng cười quái gở? Tôi cho rằng trước đây cô đã nghe thấy tiếng cười ấy, hoặc thấy một hiện tượng tương tự như thế?

- Vâng, thưa ông, có một người đàn bà vẫn khâu vá và ở đây tên là Grêxơ Pun, chị ta vẫn cười như vậy. Thật là một người đàn bà kỳ dị.

- Đúng, Grêxơ Pun, cô đoán đúng đấy. Chị ta, quả như cô nói, rất là kỳ dị. Được, tôi sẽ suy nghĩ về chuyện này. Đồng thời, tôi rất hài lòng thấy rằng ngoài tôi ra, cô là người độc nhất biết rõ chi tiết về việc xảy ra đêm nay. Cô không phải là người bạ đâu nói đấy, vậy cô chớ nói nhé. Cứ mặc tôi giải thích về chuyện này (ông chỉ vào chiếc giường). Bây giờ cô về buồng nghỉ đi. Còn tôi, tôi ngủ trên chiếc ghế dài trong phòng đọc sách cho đến sáng cũng được. Gần bốn giờ rồi, chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là các gia nhân trong nhà sẽ lục tục trở dậy thôi.

Tôi đi ra và nói:

- Vậy chúc ông ngon giấc.

Ông có vẻ ngạc nhiên - thật là phi lý - vì chính ông vừa bảo tôi đi ra.

- Thế nào, ông kêu lên, cô về đấy à, cô bỏ đi như thế sao?

- Ông bảo tôi đi mà, thưa ông.

- Nhưng không phải là không một lời từ biệt, không phải không có một vài câu cáo từ hoặc vài lời thân mật; tóm lại, không phải là bỏ đi một cách đơn giản và vô tình thế đâu. Cô đã cứu sống tôi... Cô đã kéo tôi ra khỏi một cái chết đau đớn kinh khủng! Thế mà cô lại đi qua trước mặt tôi như thể chúng ta là người xa lạ! Ít nhất thì cũng phải bắt tay một cái chứ!

Ông chìa tay ra, tôi cũng giơ tay cho ông bắt; mới đầu ông còn nắm bằng một tay, sau ông đưa nốt cả tay kia ra nắm chặt lấy bàn tay tôi.

- Cô đã cứu tôi thoát chết, tôi vui mừng chịu ơn cô cái ơn trời biển đó. Tôi không biết nói gì hơn. Tôi sẽ không bao giờ chịu ơn đến như vậy đối với một người nào khác trên đời, nhưng đối với cô thì khác; tôi cảm thấy rằng ân huệ của cô không canh cánh bên lòng, cô Jên ạ.

Ông ngừng lời, chăm chú nhìn tôi, môi ông mấp máy những lời nói không nghe rõ, nhưng giọng ông nghẹn lại.

- Một lần nữa xin chào ông. Có gì đâu mà nói chuyện nợ nần, ân huệ, chịu ơn này nọ.

- Tôi đã biết, - ông nói tiếp, - thế nào cũng có ngày cô làm điều tốt cho tôi bằng cách này hay cách khác. Ngay từ phút đầu tiên gặp cô, tôi đã nhìn thấy thế trong đôi mắt cô. Không phải là vô cớ mà cái vẻ tươi cười của đôi mắt cô đã làm cho (ông ngừng lại) làm cho... (ông vội vàng nói tiếp) từ đáy tim tôi rộn lên một niềm vui sướng. Người ta thường nói đến những cảm tính tự nhiên của con người. Tôi đã nghe đến những vị phúc thần, trong câu chuyện truyền kỳ hoang đường nhất cũng có đôi chút sự thật. Hỡi vị ân nhân thân mến của tôi, xin chúc cô ngủ ngon!

Giọng nói của ông toát ra một nghị lực kỳ lạ, cái nhìn của ông lóe lên một ánh lửa khác thường.

- Tôi lấy làm mừng rằng ngẫu nhiên đã thức giấc! - Tôi nói, rồi bước ra.

- Thế nào, cô muốn đi à?

- Tôi thấy lạnh, thưa ông.

- Lạnh à! Ừ nhỉ? Đứng trong một vũng nước! Vậy cô đi, cô Jên, cô đi nhé! - Miệng nói vậy nhưng ông vẫn nắm tay tôi, không sao gỡ ra được. Tôi nghĩ ra một kế liền bảo:

- Tôi thấy hình như có tiếng bà Fefăc đã dậy, thưa ông.

- Ừ, thế cô đi.

Ông buông tay ra và tôi đi thoát.

Tôi trở về giường nằm, nhưng không thiết gì ngủ nữa. Suốt đến lúc rạng đông tôi bị vật vã trên một mặt biển sóng động nhẹ nhàng, những đợt sóng ưu tư lẩn ngầm dưới những làn sóng êm đềm hạnh phúc. Đôi khi tôi tưởng tượng sau biển nước hung hãn kia là một bờ biển êm đềm như dãy đồi Bơla(1). Và chốc chốc niềm hy vọng lại đánh thức một luồng gió mát dịu đắc thắng đưa tâm hồn tôi đến bến bờ. Nhưng tôi không thể nào tới được đích, dù chỉ là trong tưởng tượng một trận gió thổi ngược lại từ lục địa ra, luôn luôn đẩy tôi trở lại.

Lương tri cứ chống lại sự mê sảng, trí phán đoán kìm hãm lòng say đắm. Lòng bồi hồi quá không sao ngủ được, tôi dậy ngay lúc trời mới tảng sáng.



1. Một mối tình rất say đắm

2. Thân hình lực sĩ

3. Bức tượng nổi tiếng của thần Apolong, tượng trưng cho cái đẹp lí tưởng của nam giới.

1. Nguyên văn: ngọn lửa.

2. Nguyên văn: For an opera inamorata: để chỉ một innamorata trong vở nhạc kịch (Inamorata: tiếng Ý: một người đàn bà đáng yêu và được yêu - NXB).

1. Trong vở kịch Macbet của Sêchxpia.

1. Vẻ đẹp đàn ông.

1. Nguyên văn: cánh tay khốn khổ, gầy guộc, yếu như cánh con gà con ấp trong trứng.

1. Một nơi kỳ thú êm đềm để nghỉ ngơi, được nói tới trong tác phẩm "Chuyến đi của người hành hương" của John Bunyan (1628-1688).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84527


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận