Jên Erơ Chương 16


Chương 16
Sau cái đêm trằn trọc không ngủ đó, tôi vừa muốn lại vừa sợ gặp ông Rôchextơ.

Tôi muốn lại được nghe giọng nói của ông nhưng lại sợ cái tia mắt nhìn của ông. Vào quãng sáng sớm có lúc tôi chờ đợi ông đến; thường thì ông không hay vào buồng học, nhưng đôi khi ông cũng tạt vào vài phút, và tôi có cảm tưởng chắc chắn hôm đó thể nào ông cũng đến.

Nhưng buổi sáng hôm ấy lại trôi đi như thường ngày, không có sự gì xảy ra làm gián đoạn buổi học yên tĩnh của Ađen cả. Chỉ có sau bữa điểm tâm một lát, tôi nghe thấy tiếng lao xao ở gần buồng ông Rôchextơ, giọng nói của bà Fefăc, của Li và của chị nấu bếp - vợ anh Jôn, và cả tiếng khàn khàn của Jôn nữa. Có những tiếng kêu: "May mắn quá ông chủ không bị chết cháy trên giường". "Đã bảo thắp nến đêm là nguy hiểm lắm mà lỵ". "Nhờ giời ông chủ lại nhanh trí nghĩ ngay đến bình xịt nước!". "Tôi lấy làm lạ sao ông không đánh thức ai dậy cả", "Mong rằng ông không bị cảm lạnh vì ngủ trên ghế dài trong buồng sách..."

Sau những lời bàn tán, tiếp đến tiếng lau chùi xếp dọn. Lúc xuống nhà dưới ăn bữa trưa, đi qua buồng ông, tôi nhìn thấy đồ đạc đã được bày biện lại ngăn nắp, riêng có giường là đã được tháo hết diềm màn ra, Li đứng trên thành cửa sổ đang lau những ô cửa kính bị ám khói. Tôi cũng định hỏi chị, vì muốn biết xem câu chuyện được kể lại ra sao; nhưng mới tiến vào vài bước tôi chợt thấy một người nữa cũng ở trong phòng - một người đàn bà ngồi trên ghế cạnh giường, đang đính những chiếc vòng vào cái diềm màn mới. Đó chẳng phải là ai khác mà chính là Grêxơ Pun.

Chị ngồi đấy, vẫn lặng lẽ lầm lì như mọi khi, mặc áo dài nâu, đeo tạp dề kẻ ô, với chiếc khăn tay trắng và đầu đội mũ ngủ. Chị chăm chú khâu, hình như tất cả tư tưởng đều tập trung vào công việc. Trên cái trán cằn cỗi và những nét mặt thô của chị không thấy cái vẻ xanh tái hoặc chán chường mà người ta những tưởng sẽ in lên mặt một người đàn bà vừa mưu chuyện giết người, một kẻ đêm qua đã bị nạn nhân chết hụt của mình theo đến tận sào huyệt và (theo tôi nghĩ) và lên án về tội ác định thực hiện. Tôi đâm ngạc nhiên và bối rối. Tôi đang nhìn chị, chợt chị ngửng đầu lên. Chị không giật mình, không đổi sắc mặt, không có dấu hiệu gì chứng tỏ chị bị xúc động hoặc có ý thức về tội lỗi của mình, hoặc e sợ bị khám phá. Chị cất tiếng "Chào cô" vẫn với cái giọng thản nhiên và cộc lốc như thường lệ, rồi lại cầm chiếc vòng khác tiếp tục khâu.

Tôi thầm nghĩ: "Mình phải thử chị ta xem sao; một thái độ kín đáo đến như vậy thì không sao hiểu nổi".

- Chào chị Grêxơ, tôi nói, có việc gì xảy ra ở đây thế hả chị? Hình như tôi vừa nghe thấy các người nhà bàn tán với nhau lúc nãy?

- Có gì đâu, đêm qua ông chủ nằm trên giường đọc sách, ông ngủ quên, cứ để nến cháy, lửa bén vào màn, nhưng cũng may, chăn màn và giường chưa bị cháy thì ông đã dậy và kịp thời lấy bình nước dập tắt.

- Lạ nhỉ! - Hạ thấp giọng tôi nói, rồi nhìn chằm chằm vào chị ta. Thế ông chủ không đánh thức ai dậy à? Mà không ai nghe thấy tiếng gì hay sao?

Chị lại ngước mắt nhìn tôi, và lần này trong khóe mất của chị có một ý nghĩa hẳn hoi. Hình như chị chăm chú quan sát tôi, rồi trả lời:

- Người nhà đều ngủ cách xa phòng ông chủ, cô biết đấy, họ khó mà nghe thấy được. Chỉ có buồng của bà Fefăc và của cô là gần hơn hết, nhưng bà Fefăc cũng bảo rằng không nghe thấy gì hết, mà tuổi già thường đã ngủ là say như chết.

Chị im lặng rồi lại tiếp, ra vẻ bình thản, nhưng với một giọng đặc biệt đầy ý nghĩa:

- Nhưng cô, cô còn trẻ, tôi nghĩ là cô tỉnh ngủ hon; chắc cô cũng nghe thấy có tiếng động chứ?

- Có, tôi hạ thấp giọng xuống để cho chị Li đang lau cửa kính không nghe thấy được. - Mới đầu tôi tưởng đó là Pilôt, nhưng Pilôt thì làm sao cười được, mà tôi thì nhất định có nghe thấy tiếng cười, một tiếng cười kỳ dị.

Chị rút một sợi chỉ, vuốt sáp cẩn thận rồi xỏ vào trôn kim một cách khéo léo, và nhận định rất bình tĩnh:

- Tôi cho rằng khó lòng mà ông chủ lại cười trong trường hợp nguy hiểm như thế, chắc là cô mê ngủ đấy.

- Tôi không mê đâu, - tôi nói, hơi bực mình vì cái thái độ lạnh như tiền của chị. Chị ta lại nhìn tôi vẫn với con mắt soi mói ý nghĩa ấy.

- Cô nói với ông chủ rằng cô nghe thấy tiếng cười không?

- Sáng nay tôi chưa có dịp nào nói chuyện với ông ấy?

Chị ta lại hỏi thêm:

- Thế lúc ấy cô không nghĩ đến mở cửa và nhìn ra hành lang à?

Hình như chị ta hỏi tôi bất chợt để dò biết điều gì. Tôi thoảng nảy ra ý bèn nói:

- Trái lại, tôi cài then cửa.

- Thế tối đến, trước khi đi ngủ, cô vẫn quên không cài cửa à?

Tôi nghĩ bụng: "Quân xảo quyệt, nó muốn biết chừng thói quen của mình để sắp xếp chương trình hành động đây". Lại phát cáu, tôi mất cả thận trọng, trả lời sắc cạnh:

- Từ trước đến giờ tôi quên không cài cửa, vì thấy không cần thiết. Tôi cho rằng ở lâu đài Thornơfin chẳng có gì nguy hiểm, đáng lo ngại, nhưng từ nay (tôi nhấn mạnh vào những tiếng này) tôi sẽ xem xét mọi cái cẩn thận trước khi đi ngủ.

Chị trả lời:

- Cô làm thế là phải. Vùng này cũng yên ổn như bất cứ nơi nào khác mà tôi biết; từ khi có lâu đài này tôi chưa từng nghe thấy nói đến chuyện kẻ trộm lọt vào đây, mặc dù ai cũng biết ở đây có nhiều đồ sứ, bát đĩa, đáng giá hàng trăm đồng. Cô xem đấy, một tòa nhà thênh thang thế này mà có mấy người làm đâu, vì ông chủ chẳng bao giờ ở lại đây lâu, và khi nào về, ông cũng không cần nhiều người hầu hạ, vì ông chưa có vợ con gì. Nhưng theo tôi nghĩ thì cẩn thận bao giờ cũng vẫn hơn. Đóng cửa chỉ thoáng cái là xong và cài then lại để đề phòng bất trắc là phải. Cô ạ, nhiều người cái gì cũng cứ dựa vào Trời. Nhưng tôi cho rằng Trời không can thiệp nhiều vào chuyện của người đâu, mặc dù vẫn phù hộ kẻ nào biết giữ gìn cẩn thận.

Đến đây chị ta ngừng thuyết lý, đặc biệt lần này chị ta nói dài, và lại thuyết lý trịnh trọng như một tín đồ Quaker.

Tôi vẫn còn đứng thần người ra trước thái độ tự chủ lạ kỳ và sự giả dối không sao lường được của chị ta, thì chị nấu bếp bước vào gọi:

- Chị Pun, bữa ăn của người nhà dọn sắp xong rồi đấy. Chị xuống đi chứ?

- Không, chị để giúp cốc rượu và một mẩu pu-đinh vào khay cho tôi, tôi sẽ đem lên gác.

- Chị có ăn thịt không?

- Chỉ một miếng thôi, và một mẩu pho mát, thế là đủ.

- Thế còn món hầm.

- Chị đừng bận tâm đến món ấy bây giờ, trước giờ uống trà tôi sẽ xuống, và sẽ tự làm lấy!

Bây giờ chị bếp quay lại bảo tôi rằng bà Fefăc đang đợi; tôi bèn đi ra.

Suốt bữa ăn trưa, tôi chỉ nghe mang máng những lời bà Fefăc kể lại chuyện cái màn bị cháy, vì óc tôi mải băn khoăn về tính tình bí hiểm của chị Grêxơ Pun, và tôi thắc mắc hơn về cái cương vị của chị ở lâu đài. Tôi ngạc nhiên không hiếu tại sao sáng nay chị ta không bị bắt hoặc ít nhất cũng bị tống cổ đi. Đêm qua hầu như ông chủ đã bảo rõ với tôi rằng ông tin chị ta là thủ phạm. Nguyên nhân bí ẩn nào đã khiến ông không dám kết tội chị? Tại sao ông lại phải bảo tôi giữ kín? Thật lạ lùng, một người táo tợn, hay hằn thù và kiêu ngạo như ông mà hình như lại bị kiềm chế dưới sức mạnh của một kẻ bề dưới thấp hèn nhất, bị kiềm chế đến nỗi chị ta dúng tay vào việc sát hại ông, ông cũng không dám đàng hoàng kết tội chị, lại càng không dám trừng phạt chị nữa.

Giá Grêxơ Pun trẻ trung xinh đẹp, thì tôi cũng có thể cho rằng không phải vì thận trọng hoặc sợ hãi mà vì những tình cảm êm đềm hơn, nên ông mới đối xử với chị như vậy. Khốn nhưng chị chẳng được vẻ gì, lại đã "nạ dòng" như thế thì không thể tin được chuyện ấy. Tôi nghĩ thầm: "Nhưng trước kia chị ta đã có một thời thanh xuân, mà tuổi trẻ của chị lại đồng thời với tuổi trẻ của ông Rôchextơ. Mình không tin là trước kia chị ta lại xinh đẹp, nhưng mình cho rằng có thể tính tình độc đáo và cương nghị của chị bù lại cho cái bề ngoài xấu xí. Ông Rôchextơ lại là người ưa tính cương quyết và độc đáo khác thường, ít nhất thì Grêxơ cũng có tính độc đáo. Có thể là trước kia ông đã có một lúc phóng túng, chuyện này rất có thể đối với một người có tính tình đột ngột, bướng bỉnh như ông Rôchextơ, khiến ông bị quyền lực của chị ta chi phối, nên bây giờ hành động của ông vẫn cứ chịu cái ảnh hưởng bí mật của chị, kết quả của sự dại dột của ông, mà ngày nay ông không sao rũ ra được, và cũng chẳng dám coi thường. Nhưng phỏng đoán như vậy thì cái bộ mặt vuông bèn bẹt, khô cằn và thô kệch của chị Pun lại hiện rõ ra trong trí óc tôi, nên tôi lại bụng bảo dạ: "Không, không thể được; mình phỏng đoán như vậy không đúng". Song một tiếng nói bí mật từ trong tim tôi thầm nhủ: "Chính cô cũng chẳng xinh đẹp gì, ấy thế mà có lẽ ông Rôchextơ lại ưng cô, dù sao thì cô cũng vẫn cảm thấy như thế và đêm hôm qua, cô hãy nhớ lại lời ông ta nói, nhớ lại cái nhìn, nhớ lại giọng nói của ông ta.!"

Tôi nhớ lại tất cả rất rõ, ngôn ngữ, khóe mắt, giọng nói của ông lúc ấy hình như sống lại trong óc tôi. Bấy giờ tôi đang ở trong buồng học. Ađen tập vẽ, tôi cúi xuống cầm tay nó cho nó đưa bút chì. Nó ngẩng lên nhìn tôi và giật mình nói:

Qu’avez-vous mademoiselle? Vos doigts tremblent comme la feuille, et vos joues sont rouges: mais rouges comme des cerises?(1)

- Tại cô cúi mãi nên nóng người lên đấy, Ađen ạ!

Tôi vội xua đuổi khỏi đầu óc ý nghĩ đáng ghét về Grêxơ Pun, nó khiến tôi ghê tởm. Tôi tự so sánh với chị ta, và thấy mình khác hẳn. Chị Betxi đã chẳng bảo tôi y hệt một vị phu nhân là gì; chị nói rất đúng, trước kia đã có vẻ là phu nhân. Hiện giờ tôi còn khá hơn hồi gặp chị Betxi nhiều, tôi hồng hào, đẫy đà hơn, linh lợi hơn và tôi có những niềm vui sâu sắc hơn.

"Trời sắp tối rồi", tôi tự nhủ khi đưa mắt nhìn qua cửa sổ. "Suốt ngày hôm nay mình không nghe thấy giọng nói và tiếng chân ông Rôchextơ ở trong nhà. Nhưng chắc chắn là mình sẽ gặp ông trước khi trời tối. Sáng nay mình ngại gặp ông; bây giờ mình lại muốn gặp bởi đợi chờ quá lâu, mình đâm ra sốt ruột".

Lúc trời tối hẳn, và Ađen đã bỏ vào buồng chơi với chị Xôphi, tôi lại càng nóng lòng muốn gặp ông Rôchextơ. Tôi lắng nghe xem có tiếng chuông rung dưới nhà không, xem Li có lên gọi tôi xuống chăng. Đôi khi tôi tưởng tượng như có tiếng chân ông Rôchextơ, nên tôi quay ra phía cửa đợi nó mở ra và để ông vào. Nhưng cửa vẫn đóng nguyên, chỉ có bóng tối tràn qua cửa sổ vào buồng. Tuy nhiên hãy còn sớm, mới độ sáu giờ, mà thường thì quãng bảy hay tám giờ ông mới cho lên tìm tôi. Chắc chắn là tối nay tôi không thể nào hoàn toàn thất vọng, khi tôi có biết bao nhiêu chuyện muốn nói với ông! Tôi lại muốn đề cập tới Grêxơ Pun, xem ông trả lời ra sao. Tôi muốn hỏi thẳng xem có thực ông tin chắc rằng Grêxơ Pun đã làm cái việc ghê gớm đêm qua không, và nếu đúng thì tại sao ông lại giữ kín tội ác đó của chị ta? Sự tò mò của tôi có làm ông bực dọc hay không thì cũng chẳng sao. Tôi đã biết cái thích thú hết làm cho ông khó chịu, lại làm cho ông nguôi dịu; đó là điều tôi thú vị nhất, và một bản năng chức năng luôn luôn kìm giữ tôi khỏi đi quá trớn, tôi không bao giờ phiêu lưu quá giới hạn đi tới khiêu khích, nhưng tôi cứ thích đến sát ranh giới để xem thử tài khéo léo của tôi ra sao. Luôn luôn giữ lễ độ, cử chỉ thích hợp với cương vị của mình, tôi vẫn có thể tranh luận với ông không lo phải lúng túng dè dặt, thái độ đó thích hợp với cả hai chúng tôi.

Bỗng có tiếng chân làm cho cầu thang kêu cọt kẹt. Li bước vào, nhưng chị chỉ nói cho tôi biết rằng trà đã pha xong ở buồng bà Fefăc. Tôi xuống đấy, ít nhất cũng thích thú được xuống nhà dưới, vì nghĩ càng được gần ông Rôchextơ hơn. Khi tôi vào buồng, bà Fefăc bảo tôi:

- Chiều nay cô ăn ít quá, hẳn là cô cần phải uống trà, tôi e hôm nay cô không được khỏe, trông mặt cô đỏ như bị sốt.

- Ồ, không đâu! Chưa bao giờ tôi thấy dễ chịu như bây giờ.

- Vậy cô phải chứng tỏ bằng cách ăn nhiều vào nhé. Cô có thể đổ trà vào ấm giúp, để tôi đan nốt đường này cho xong không?

Đan xong, bà nhỏm dậy hạ chiếc mành cửa mà từ nãy bà vẫn cuốn lên mà có lễ là để cho buồng thêm sáng, mặc dầu lúc ấy bóng tối đổ xuống rất mau.

Bà Fefăc nhìn qua cửa kính nói:

- Tuy không có sao, nhưng tối nay đẹp tuyệt. Cũng may ông Rôchextơ đi chơi gặp buổi tối đẹp trời.

- Đi chơi? Ông chủ đi đâu thế? Vậy mà tôi không biết đấy.

- À, ông đi ngay từ lúc ăn điểm tâm xong, ông đến lâu đài Li, chỗ ông Extơn ở, bên kia Mincôt mười dặm. Tôi chắc ở đấy lại có một cuộc hội họp gì đây. Nam tước Ingram, ngài Gorgiơ, Lyn, đại tá Đen và nhiều vị khác nữa.

- Bà có chờ ông ấy về tối nay không?

- Không, và cả ngày mai cũng thế. Tôi cho là có lẽ ông còn ở bên ấy hơn một tuần hay hơn nữa. Khi những người lịch sự đó gặp nhau thì họ có thiếu gì thú vui thanh lịch, có đủ thứ giải trí, không việc gì vội vã rời nhau. Đặc biệt là cần phải có các ông trong những dịp như vậy, mà ông Rôchextơ lại rất có tài và rất hoạt bát trong các cuộc thù tiếp, tôi cho rằng ông được mọi người yêu thích; các bà các cô lại càng yêu mến ông. Dù cô nghĩ rằng vẻ ngoài của ông cũng chẳng có gì là đặc sắc đối với mắt các bà, nhưng tôi cho là những kiến thức, khả năng, và có lẽ cả tiền của và dòng dõi của ông nữa, cũng đủ bù cho những thiếu sót nhỏ về hình thức bên ngoài.

- Ở lâu đài Li có các bà ư?

- Có bà Extơ và ba cô con gái, ba cô ấy thực là trẻ trung lịch sự, lại có hai tiểu thư Blăngsơ và Mary Ingram, là hai cô đẹp hết sức. Trước đây sáu hoặc bảy năm tôi đã có lần thấy cô Blăngsơ hồi cô ấy mười tám tuổi, cô ấy tới đây dự buổi khiêu vũ đêm lễ Giáng sinh do ông Rôchextơ tổ chức. Giá cô được thấy gian phòng ăn hồi ấy nhỉ. Gớm, trang hoàng mới lộng lẫy chứ, đèn thắp sáng trưng! Tôi nghĩ có đến năm chục vị khách, cả đàn ông đàn bà, toàn những người danh giá nhất trong vùng. Cô Ingram được coi là hoa hậu trong buổi dạ hội đó.

- Bà Fefăc, bà nói đã nhìn thấy cô ta, vậy cô ấy như thế nào?

- Vâng, tôi đã nhìn thấy cô ta. Cửa buồng ăn mở toang. Vì là đêm Nôen nên người nhà được tụ tập cả ở phòng lớn để nghe các bà hát và chơi đàn. Ông Rôchextơ bảo tôi vào phòng; tôi ngồi ở một góc ngắm mọi người. Chưa bao giờ tôi thấy một cảnh tượng nào huy hoàng hơn, các bà ăn vận thật lộng lẫy, phần lớn - ít nhất là số đông các bà còn trẻ, trông thực là đẹp. Nhưng cô Ingram nhất định là hoa hậu.

- Trông cô ấy như thế nào?

- Người cao dong dỏng, thân hình tuyệt đẹp; vai xuôi tròn, cổ thon thon thanh tú; nước da màu ôliu ngăm ngăm mà sáng; nét mặt quý phái; mắt hao hao giống mắt ông Rôchextơ, to đẹp và lóng lánh như những viên ngọc bích. Bộ tóc mới tuyệt làm sao, đen nhánh, chải gọn gàng, đằng sau tết bím cuộn lại, phía trước là những búp tóc dài nhất, bóng mượt nhất, mà chưa bao giờ tôi được thấy. Cô mặc bộ đồ trắng toát, choàng một chiếc khăn quàng màu hổ phách, vắt trên vai, bắt chéo qua ngực và tết lại ở bên sườn; các dải khăn có tua rủ xuống đến quá đầu gối. Trên mái tóc dài, cô ta cài thêm một đóa hoa cùng màu hổ phách, nó càng làm nổi bật trên những búp tóc đen nhánh.

- Hẳn cô ta phải được nhiều người ca ngợi?

- Vâng, đúng thế, không những vì sắc đẹp mà còn vì tài năng nữa. Cô ta là một trong số các bà trình diễn những bài ca, cô hát có một ông đệm dương cầm theo. Cô lại còn song ca một bài với ông Rôchextơ nữa.

- Ông Rôchextơ? Tôi không ngờ ông ấy hát được đấy?

- À, ông chủ có một giọng trầm rất hay, và có một khiếu thưởng thức tuyệt vời về âm nhạc.

- Thế còn giọng cô Ingram?

- Giọng cô rất ấm mà lại âm vang, cô hát hay tuyệt, nghe cô hát thật là sướng tai; rồi sau đấy cô chơi dương cầm. Tôi thì mít đặc về âm nhạc, nhưng ông Rôchextơ là người biết thưởng thức, ông bảo rằng cô ấy chơi giỏi lắm.

- Thế con người tài sắc ấy chưa có chồng à?

- Hình như chưa. Tôi cho rằng gia sản hai chị em cô ta không lớn lắm thì phải. Gia tài cụ Nam tước Ingram đâu như để lại cho người con trai lớn.

- Nhưng tôi cũng lấy làm lạ sao không có người thượng lưu hay quý tộc giàu có nào hỏi lấy cô ấy, như ông Rôchextơ chẳng hạn. Ông ấy giàu lắm phải không?

- Ồ, vâng, nhưng cô thấy đấy, tuổi hai người quá chênh lệch! Ông Rôchextơ gần bốn mươi rồi mà cô Ingram mới có hai mươi nhăm.

- Cái đó có sao! Ta còn gặp những cuộc hôn nhân còn chênh lệch hơn thế nữa.

- Đúng thế, tuy vậy tôi cũng không nghĩ rằng ông Rôchextơ có ý định ấy. Nhưng này, cô chẳng ăn gì cả, từ lúc uống trà, tôi chưa thấy cô đụng chạm đến miếng nào.

- Không, tôi chỉ khát chứ không đói. Xin bà một chén nữa được chứ?

Tôi bắt đầu định lái câu chuyện về một cuộc nhân duyên giữa ông Rôchextơ và cô thiếu nữ Blăngsơ kiều diễm thì Ađen chạy vào, vì thế chuyện lại xoay sang hướng khác.

Khi chỉ còn một mình, tôi ôn lại những điều bà Fefăc vừa cho biết; nhìn thẳng vào lòng mình xem có ý nghĩ và tình cảm gì, tôi cố gắng kìm giữ những ý định và tình cảm đang chơi vơi trong cõi tư tưởng bao la mù mịt để đưa nó trở lại nếp ổn định thông thường.

Cô nàng Ký ức bị đòi ra trước tòa án lương tâm của chính tôi, đã làm chứng cho những hy vọng, mơ ước và tình cảm mà tôi ấp ủ từ đêm qua, cho trạng thái tâm hồn của tôi trong gần nửa tháng nay. Rồi lý trí tiến lên, kể bằng giọng bình tĩnh đặc biệt của mình một câu chuyện giản dị, không tô vẽ, chứng minh rằng tôi đã xa rời thực tế, đắm chìm vào mộng ảo vẩn vơ như thế nào. Tôi bèn tuyên án như sau:

- Trên đời này không có ai lại điên rồ như Jên Erơ, một kẻ ngông cuồng ngu ngốc hơn cũng không bao giờ tự huyễn hoặc quá đáng với những sự lừa dối êm đềm, mà cứ ừng ực nuốt chất độc như rượu quý vậy.

Tôi tự bảo: "Mi" mà là báu vật của ông Rôchextơ? "Mi" mà có khả năng làm cho ông ta vừa lòng? "Mi" mà là một cái gì quan trọng đối với ông ta? Thôi đi! Sự điên rồ của mi làm ta phát ốm lên được. Chưa chi mi đã hởi lòng hởi dạ vì một dấu hiệu người ta tỏ ra chú ý đến mi - những dấu hiệu mơ hồ ở một người thượng lưu, dòng dõi, một người lịch lãm thạo đời, đối với một kẻ dưới, một kẻ non dại. Sao mi lại dám như vậy? Thật là một kẻ ngờ nghệch đáng thương! Ngay sự quan tâm đến lợi ích của bản thân cũng không làm mi khôn ngoan lên được sao? Sáng nay mi lại còn ôn lại cảnh tượng ngắn ngủi đêm qua ấy. Hãy che mặt đi và phải biết xấu hổ chứ! Ông ta đã nói câu gì để khen đôi mắt của mi phải không? Đồ mù? Hãy mở mắt ra mà nhìn cho rõ sự lố bịch của mi. Đâu phải một chuyện tốt lành cho một người phụ nữ khi được chủ khen, mà ông chủ lại không có ý định lấy mình làm vợ. Thực là điên rồ, nếu có những người đàn bà để cho ngọn lửa yêu đương thầm kín nhen lên trong lòng, rồi nếu nó không được đền đáp lại hoặc được biết tới, thì nó sẽ thiêu hủy cả cuộc đời kẻ ấp ủ nó, và nếu được biết tới, được đền đáp lại thì mối tình ấy lại như ánh ma trơi, dẫn tới một cánh đồng lầy mù mịt, không có lối ra.

"Jên Erơ, hãy nghe bản án của mi: ngày mai, mi hãy đặt một cái gương trước mặt, lấy bút chì tự vẽ hình mi hết sức trung thành. Đừng cố tình làm giảm bớt đi vẻ xấu xí, đừng bỏ qua một nét thô kệch nào, chớ có bôi mờ một nét lệch lạc nào không vừa mắt, rồi viết dưới đó dòng chữ: "Chân dung một cô giáo tầm thường nghèo khổ, không họ hàng thân thích".

"Rồi mi lấy một tờ giấy ngà thật trơn - mi vẫn có sẵn trong hộp đồ vẽ đấy; hãy lấy bảng pha màu ra pha những màu tươi nhất. Mi chọn chiếc bút thật mềm, hết sức cẩn thận vẽ ra một khuôn mặt đáng yêu nhất mà mi có thể tưởng tượng được, tô bằng những màu thật dịu dàng, theo đúng như lời bà Fefăc tả cô Blăngsơ Ingram. Nhớ đừng quên những búp tóc đen nhánh và đôi mắt phương đông của cô thế nào? Mi muốn lấy hình ảnh ông Rôchextơ ra làm mẫu à? Phải có kỷ luật! Không được khóc thút thít, không được tình cảm, không được tiếc hận. Ta chỉ có thể ưng chịu được sự biết điều và kiên quyết thôi. Hãy nhớ lại những đường nét trang trọng nhưng cân đối, cái cổ và nửa thân trên như của tượng Hy Lạp. Nhớ vẽ cánh tay tròn trặn, nõn nà, bàn tay xinh xắn, đừng quên những chiếc nhẫn kim cương và những chiếc xuyến vàng. Nhớ vẽ lại trung thành bộ y phục lộng lẫy với những dải đăng ten mỏng tang, áo satanh bóng loáng, chiếc khăn quàng duyên dáng và bông hồng vàng. Hãy gọi bức hình đó là "cô Blăngsơ, một thiếu nữ hoàn toàn, dòng dõi quý phái".

"Sau này, nếu có lúc nào mi nghĩ rằng ông Rôchextơ tưởng đến mi thì hãy đem hai bức hình đó ra mà so sánh và nói: ông Rôchextơ rất có thể chinh phục được tình yêu của người thiếu nữ quý tộc đó, nếu như ông muốn. Có thể nào ông hoài hơi sức nghĩ đến đứa con thứ dân nghèo hèn vô nghĩa hay không?"

Tôi quyết định: "Ta sẽ làm như vậy", sau khi đã quyết tâm, tôi thấy lòng mình bình thản, và ngủ thiếp đi.

Tôi đã làm đúng như lời. Dùng bút chì tự phác họa chân dung mình chỉ một hai tiếng là xong, và chưa đầy mười lăm hôm tôi đã hoàn thành bức hình tưởng tượng của cô Blăngsơ Ingram trên giấy ngà. Trông khuôn mặt cô thật đáng yêu, và khi đem so sánh với mặt tôi họa bằng bút chì, thì sự chênh lệch khá rõ rệt như con mắt bình tĩnh của tôi có thể mong muốn. Công việc này cho tôi được cái lợi là nó làm cho đầu óc và tay tôi phải bận rộn; nó tăng thêm sức mạnh cho những cảm tưởng mới mẻ mà tôi muốn khắc sâu vào tâm khảm.

Chẳng bao lâu tôi đã thấy có lý do để tự khen mình về cái kỷ luật tốt đẹp mà tôi cố gắng bắt tình cảm tôi phải tuân theo. Nhờ thế, tôi có thể đương đầu với những sự việc sắp xảy t 1ea i với thái độ bình tĩnh đúng mức: nếu tôi không sửa soạn trước, có lẽ tôi không thể nào giữ được vẻ bình thản, dù chỉ là bề ngoài.

 



1. Cô làm sao thế? ngón tay cô run rẩy như chiếc lá, má cô đỏ lên, mà đỏ như trái anh đào?

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84528


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận