Jên Erơ Chương 7


Chương 7
Ba tháng đầu ở Lôut đối với tôi như một thế kỷ, và tất nhiên không phải là thế kỷ hoàng kim;

nó trôi qua trong một cuộc đấu tranh chán nản với mọi nỗi khó khăn, để tập cho quen với những nguyên tắc mới và những công việc còn bỡ ngỡ. Sự e ngại bị thất bại về các điểm này làm tôi mệt mỏi nhiều hơn là những nỗi vất vả thiếu thốn về thể chất, mặc dù những cái đó không phải là không đáng kể.

Trong suốt tháng giêng, tháng hai và cả một phần tháng ba nữa, tuyết phủ dày đặc, rồi sau khi tuyết tan, các đường sá hầu như không thể đi lại được, khiến chúng tôi không bước ra quá phạm vi khu vườn, trừ khi nào đi nhà thờ. Nhưng trong phạm vi ấy, mỗi ngày chúng tôi bắt buộc phải ra ngoài trời một giờ. Quần áo chúng tôi không đủ ấm trước cái giá lạnh khắc nghiệt; ủng không có, tuyết thấm vào giày và tan ra trong đó; tay không có bít tất, nên tay bị rét cứng và nứt nẻ ra cũng như chân vậy. Tôi còn nhớ rõ tôi bị ngứa ngáy đến phát điên lên mỗi buổi tối, khi hơi nóng làm cho hai chân tôi tấy lên, và nỗi cực hình mỗi buổi sáng khi phải nong những ngón chân sưng phồng lạnh buốt và khô cứng vào giày. Thế rồi thức ăn lại thiếu thốn mới cực chứ; tuổi trẻ đang đà phát triển, ăn uống đang ngon miệng, mà lý do tại sao tôi e ngại sự có mặt của ông, nhưng cuối cùng rồi ông cũng đến.

Tôi ở Lôut đã ba tuần. Một buổi trưa trong khi tôi đang ngồi cầm tấm bảng đá đen, bấn lên với một con tính dài dằng dặc, bỗng tôi ngẩng nhìn ra cửa sổ, thấy một bóng người vừa đi qua. Hầu như tự nhiên, tôi nhận ra cái bóng khẳng kheo ấy; rồi hai phút sau, khi tất cả trường, kể cả cô giáo, đứng dậy một loạt, tôi chẳng cần ngẩng lên nhìn mới biết rõ cái người bước vào được mọi người chào ấy là ai. Có những bước chân dài đi qua phòng học, và rồi cũng cái cột đen đã đứng trên tấm thảm ở Gatơhet cau mày dọa nạt nhìn tôi ấy, đến ngay bên cạnh cô Tempơn, chính cô cũng đã đứng lên. Tôi liếc nhìn trộm cái công trình kiến trúc ấy. Đúng, tôi đã không nhầm, đó là ông Brôckơn-hơc áo cài khuy lên đến tận cổ, trông ông dài ra, quắt queo và cứng nhắc hơn bao giờ hết.

Sự xuất hiện này làm tôi kinh khủng, vì nhiều lý do riêng. Tôi còn nhớ quá rõ những lời bóng gió quỷ quyệt của bà Rit về tính nết tôi, và lời hứa của ông Brôkơn-hơc sẽ nói lại với cô Tempơn và các cô giáo về bản chất xấu xa của tôi. Suốt từ dạo ấy tôi cứ lo ngay ngáy về sự thực hiện lời hứa này. Hàng ngày tôi chờ đợi "con người sắp đến", sắp nói rõ hết cuộc sống quá khứ của tôi và sẽ mãi mãi khắc vào tên tôi cái dấu hiệu một đứa trẻ hư đốn, bây giờ ông ta đến rồi đây. Ông đứng bên cạnh và nói nhỏ vào tai cô Tempơn. Không nghi ngờ gì nữa, đúng là ông ấy đang vạch những thói hư tật xấu của tôi, và tôi đau khổ lo lắng nhìn đôi mắt cô Tempơn, chăm chắm đợi con mắt thăm thẳm của cô liếc về phía tôi một cái nhìn ghê tởm và khinh bỉ.

Tôi lắng nghe nữa, và tình cờ tôi ngồi ngay ở đầu phòng nên tôi thấy hầu hết những lời nói, câu chuyện của hai người làm cho tôi vơi nhẹ ngay nỗi lo âu:

- Cô Tempơn ạ, tôi nghĩ số chỉ tôi mua ở Lôtơn có thể dùng được đấy; tôi thấy nó đúng là loại dùng để khâu áo sơ mi trúc bâu nên tôi đã chọn kim hợp với loại chỉ này. Cô nói hộ với cô Xmit rằng tôi quên mất, không làm tờ ghi về những kim để mạng, nhưng tuần tới thế nào cô ấy cũng sẽ nhận được mấy gói, và cô ấy sẽ không được phân phát cho mỗi học sinh mỗi lần quá một chiếc, dù là cớ gì đi nữa. Nếu có nhiều, học sinh có thể sẽ không cẩn thận, đánh mất đi. À, này bà! Tôi mong rằng những bít tất len được giữ gìn hơn nữa. Lần trước đến đây tôi có ra vườn rau xem những quần áo phơi trên dây; có một số bít tất len vá víu rất tồi, cứ nhìn cỡ những lỗ thủng tôi dám chắc rằng học sinh đã bỏ kệ không chịu thỉnh thoảng đem vá chúng lại cẩn thận.

Ông ngừng một lát.

- Thưa ông, lệnh của ông sẽ được thi hành, - cô Tempơn nói.

- Còn điều này nữa, bà, ông nói tiếp, chị giặt sống áo cho tôi biết một số học sinh được những hai chiếc cổ áo lá sen sạch mỗi tuần, như thế nhiều quá, nguyên tắc mỗi học sinh chỉ được một thôi.

- Tôi nghĩ có thể trình bày về trường hợp này, thưa ông, Anêt và Catơrin Jônxtôn thứ năm trước có được mời đi dự tiệc trà với mấy cô bạn, nên nhân dịp đó tôi cho phép họ thay một chiếc cổ áo mới.

Ông Brôkơn-hơc gật đầu.

- Phải, một lần thôi thì được, nhưng xin bà đừng để cho trường hợp ấy xảy ra luôn. Và còn điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, khi kiểm tra các khoản chi tiêu với chị quản lý, tôi được biết là trong nửa tháng vừa qua có bữa ăn dọn ra cho học sinh đến hai lần, có cả bánh mì với pho mát. Thế là thế nào? Tôi xem ra trong nội quy không hề thấy có khoản nào ghi bữa ăn trưa như vậy cả. Ai đã bày ra lối cải cách ấy, và lấy quyền hành gì mà làm như thế?

Cô Tempơn trả lời:

- Điều đó tôi xin chịu trách nhiệm, thưa ông. Bữa điểm tâm tồi tệ quá đến nỗi học sinh không nuốt trôi nên tôi không dám để cho các em phải nhịn đói mãi đến bữa chiều.

- Khoan đã, thưa bà, chắc bà biết phương pháp giáo dục của tôi đối với học sinh là không để cho chúng quen với sự xa hoa và dễ dãi, mà làm cho chúng quen kham khổ, kiên nhẫn, không nghĩ đến bản thân. Nhỡ có xảy ra khó chịu cỏn con về ăn uống, như một bữa nấu hỏng, gia vị không đủ hay quá cay, thì với việc ngẫu nhiên đó ta không nên dung hòa bằng cách bù vào đấy một cái gì đó ngon lành hơn, như vậy là quá nuông chiều cái thân thể và làm sai mục đích của nhà trường, mà phải bồi dưỡng cái tinh thần cho học sinh bằng cách khuyến khích chúng tỏ ra can đảm chịu đựng sự thiếu thốn nhất thời, một bài diễn thuyết ngắn vào những dịp này không phải không đúng lúc đâu, trong đó nhà giáo dục đúng đắn sẽ nhân cơ hội nhắc lại những đau khổ của các tín đồ Cơ đốc đầu tiên; những nỗi giày vò khổ ải của những kẻ tử vì đạo; những lời khuyến dụ của chính đấng Cứu thế kêu gọi đệ tử và vác cây thánh giá lên và đi theo Người; những lời Người dạy rằng con người không chỉ sống bằng bánh mì, mà còn sống bằng từng lời Chúa truyền phán; những lời người an ủi: "Nếu các con chịu đói khát vì ta thì các con sung sướng". Ồ, thưa bà, khi bà cho lũ trẻ ăn bánh mì và phó mát, chứ không phải cháo khê, tức là bà nuôi dưỡng cái thể xác tầm thường của chúng mà không nghĩ rằng bà để cho linh hồn bất diệt của chúng bị chết đói như thế nào!

Ông Brôckơn-hơc lại ngừng lại, có lẽ ông nghẹn ngào vì xúc động. Ngay từ lúc ông Brôkơn-hơc bắt đầu nói, cô Tempơn đã cúi nhìn xuống đất, nhưng lúc này thì cô đăm đăm nhìn thẳng phía trước; mặt cô vốn đã xanh như ngọc thạch, giờ có cái vẻ cũng lạnh lùng và cứng rắn của chất đá đó; đặc biệt là miệng cô mím lại, tưởng như phải dùng đến cái đục của nhà điêu khắc mới có thể mở ra được, đôi lông mày của cô dần dần nghiêm cứng lại như đá.

Trong khi đó ông Brôkơn-hơc đứng trước lò sưởi, tay chắp sau lưng, hách dịch quan sát khắp trường. Đột nhiên mắt ông chớp chớp hình như bị chói hoặc vướng một vật gì. Ông quay lại nói, bằng một giọng hấp tấp mà từ nãy đến giờ ông chưa dùng đến.

- Cô Tempơn, cô Tempơn, thế nào, đứa bé tóc quăn kia là thế nào? Tóc đỏ bẻm, lại quăn, quăn tít lên thế?

Ông giơ gậy chỉ vào cái vật kinh khủng, tay ông run lên.

- Đấy là em Julia Sêvơc, cô Tempơn trả lời rất thản nhiên.

- Julia Sêvơc, hử bà? Thế tại sao nó, hoặc một đứa nào khác, lại để tóc quăn? Tại sao nó lại dám coi thường mọi quy lệ và nguyên tắc của nhà trường - ở đây, trong cái tu viện làm phúc theo giáo lý Cơ đốc này - mà đua đòi, ngang nhiên theo đời, để mớ tóc sù sù và quăn tít lên thế?

- Tóc của Julia quăn tự nhiên, cô Tempơn lại càng thản nhiên hơn trả lời.

- Tự nhiên, vâng, nhưng chúng ta không được thuận theo tự nhiên được. Tôi muốn những nữ sinh này phải là những đứa con của Chúa. Tại làm sao lại để tóc nhiều thế? Tôi đã nhắc đi nhắc lại là tôi muốn rằng tóc phải cắt phẳng, giản dị, khiêm tốn. Cô Tempơn ạ, bộ tóc của con bé này phải cắt hẳn đi, ngày mai tôi sẽ phái đến đây một người thợ cắt tóc. Nhưng tôi thấy còn có những đứa khác tóc dài và bờm lên như thế... Con bé lớn kia, bà bảo nó quay mặt lại đây xem. Bà bảo tất cả học sinh lớp nhất đứng cả dậy quay mặt vào tường.

Cô Tempơn đưa khăn tay lên môi, hình như để giấu một nụ cười không kìm được; tuy nhiên cô vẫn ra lệnh và khi các nữ sinh lớp nhất đã hiểu họ phải làm gì, họ vâng lời. Ngồi trên ghế hơi ngả người về đàng sau, tôi trông thấy những cái nhìn và nhăn mặt của họ trong khi họ làm theo lệnh; thật đáng tiếc ông Brôkơn-hơc không được chứng kiến cảnh ấy; có lẽ ông cũng cảm thấy rằng dù ông có thể làm gì đối với cái vẻ ngoài chăng nữa, ông vẫn cứ không kiểm soát nổi những ý nghĩ trong lòng họ, khác xa hẳn với điều ông tưởng tượng.

Ông nhìn xoi mói mặt sau những chiếc mề đay sống này đến năm phút, rồi lên án, lời ông vang như tiếng chuông kết tội:

- Tất cả những mớ tóc kia đều phải cắt đi.

Cô Tempơn hình như có ý định phản đối.

- Thưa bà, ông nói tiếp, tôi có một Đức Chúa để phục vụ mà vương quốc của Người không phải ở thế giới này; nhiệm vụ của tôi là phải làm thui chột những ham muốn về nhục thể của những đứa con gái này, dạy cho chúng biết ăn mặc khiêm tốn và giản dị, chứ không phải với bím tóc, quần áo đắt tiền. Mỗi đứa con gái trước mặt chúng ta đây đều có một mớ tóc tết bím, do chính cái tính kênh kiệu của chúng tết thành. Tôi xin nhắc lại rằng những mớ tóc đó phải cắt đi; hãy nghĩ đến thì giờ phí phạm, đến...

Ông Brôkơn-hơc bỗng ngừng lời, lúc ấy có ba người khách khác, ba người đàn bà, bước vào phòng. Đáng lẽ họ đến sớm chút nữa mà nghe bài diễn thuyết của ông ta về cách ăn mặc mới phải, vì họ diện mới lộng lẫy chứ, toàn nhung, lụa, lông thú... Hai người trẻ nhất trong số ba người (hai cô con gái xinh đẹp, trạc mười sáu và mười bảy) đội mũ lông hải ly màu xám, theo "mốt" bây giờ, và có cắm lông đà điểu; dưới vành chiếc mũ duyên dáng đó xõa xuống một mớ tóc mỏng chải lượn sóng rất công phu. Bà đứng tuổi quàng một chiếc khăn san nhung rất quý, viền lông chồn; bà trùm một mớ tóc giả quăn kiểu phụ nữ Pháp.

Mấy người này được cô Tempon tiếp đón rất trịnh trọng, đó là Brôkơn-hơc phu nhân và các tiểu thư, họ được mời đến chỗ ngồi danh dự ở cuối phòng. Hình như họ cùng đi một chuyến xe với ông Brôkơn-hơc và đã quan sát tỉ mỉ các buồng trên gác, trong khi ông ta hỏi người quản lý về công việc, hỏi người giặt giũ và nghiêm trách bà hiệu trưởng. Bây giờ họ bắt đầu nói những nhận xét này nọ và mắng mỏ cô Xmit, người giữ việc trông nom quần áo và giám thị phòng ngủ; nhưng tôi chẳng có thì giờ đâu nghe chuyện họ, vì còn nhiều điều khác khiến cho tôi phải chú ý tới.

Cho đến lúc bấy giờ, trong khi nghe ông Brôkơn-hơc và cô Tempơn nói chuyện với nhau, tôi vẫn không quên bảo vệ cẩn thận sự an ninh cho bản thân mình. Tôi nghĩ chuyện sẽ ổn nếu tôi tránh được mọi người để ý. Vì thế tôi ngồi thật ngả người trên ghế dài và làm như đang bận làm bài tính cộng, tôi cầm cái bảng đen thế nào để giấu được mặt mình đi. Đáng lẽ tôi tránh được sự chú ý của mọi người nếu không bị cái bảng phản thùng bất thình lình tuột khỏi tay, rơi đánh chát một cái, thế là mắt mọi người đổ dồn về phía tôi. Tôi biết thôi thế là hết, và cúi xuống nhặt hai mảnh bảng vỡ, cố thu thập sức lực để chịu đựng điều bất hạnh nhất. Điều đó đã tới.

- Một con bé lơ đễnh, ông Brôkơn-hơc nói, và ông tiếp luôn:

- Nó là đứa học sinh mới thì phải.

Tôi chưa kịp thở ông lại nói:

- Tôi không được quên rằng tôi có điều cần nói về nó; rồi ông nói to, đối với tôi, tiếng ông ta sao mà to thế! "Bảo con bé đánh vỡ bảng lại đây".

Cứ để một mình tôi thì tôi không còn cử động được nữa, tôi đã bị tê liệt; nhưng hai cô học sinh lớn ngồi hai bên đã xốc tôi dậy và đẩy tôi đến trước mặt viên quan tòa đáng sợ. Và rồi cô Tempơn nhẹ nhàng dìu tôi lại sát ngay bên ông ta, cô thì thầm bảo tôi:

- Không việc gì mà sợ, Jên ạ, cô biết đó chỉ là nhỡ tay thôi; em sẽ không bị phạt đâu.

Lời nói dịu hiền đó khác nào như dao găm đâm vào tim tôi. Tôi nghĩ bụng: "Rồi một phút nữa cô sẽ khinh ghét tôi là một kẻ vờ vĩnh, giả nhân giả nghĩa". Nghĩ đến điều ấy, một sự căm phẫn đối với bà Rit, ông Brôkơn-hơc và cả bầy lũ, lại trỗi dậy sục sôi trong huyết quản tôi. Tôi không phải như Hêlen Bơc.

- Bưng chiếc ghế kia lại đây, - ông Brôkơn-hơc và chỉ vào một chiếc ghế đẩu rất cao và một cô giảng viên vừa rời khỏi; chiếc ghế lập tức được bê đến.

- Đặt con bé lên đấy.

Tôi bị đặt lên chiếc ghế, còn ai đặt, tôi cũng không biết nữa. Trong hoàn cảnh ấy tôi không nhớ rõ được những chi tiết. Tôi chỉ biết là họ đưa tôi lên cao đến tận ngang mũi ông Brôkơn-hơc, cách ông không đến một mã; và những chiếc áo choàng bằng lụa óng ánh màu da cam, màu đỏ thắm, xòa ra, cùng một đám mây lông chim bạc tỏa rộng và lượn sóng phía dưới chân tôi.

Ông Brôkơn-hơc hắng giọng:

- Này mấy mẹ con nó, ông ta nói và quay lại phía gia đình, cô Tempơn, các cô giáo và các em học sinh, ai nấy đều nhìn rõ con bé này chứ?

Tất nhiên là họ nhìn rõ, vì tôi cảm thấy mắt họ chiếu thẳng vào tôi như những tấm gương chói sáng soi vào bộ mặt chín nhừ của tôi.

- Mọi người đều thấy nó còn bé, và nó có đủ vẻ ngoài của một đứa trẻ thơ; Chúa đã thương tình ban cho nó có một hình hài giống hết thảy mọi người chúng ta; không có một sự lệch lạc nào tỏ ra nó có một tính cách gì đặc biệt. Ai có thể ngờ nó lại là đày tớ và tay sai của quỷ dữ! Tuy nhiên tôi rất đau buồn mà nói rằng sự thật là như thế.

Im lặng một lát, trong lúc này tôi bắt đầu tự trấn tĩnh, cảm thấy đã vượt qua Rubicơn(1), và đã không thể tránh được sự thử thách, thig phải can đảm mà chịu đựng nó.

- Con thân mến, - ông thầy tu như một khối đá đen đó nói tiếp bằng một giọng cảm động; đây là một điều rất đau buồn, vì bổn phận của ta là phải báo cho các con biết rằng đứa con gái này đáng lẽ có thể là một con chiên của Chúa nhưng lại là một đứa nhỏ bị đọa đầy; nó không phải là một phần tử trong bầy chiên chân chính mà rõ ràng là một kẻ xâm nhập vào đây, một con chiên lạ. Các con phải coi chừng đối với nó, chớ có bắt chước nó; nếu cần thì lánh xa nó đi, không cho nó cùng chơi đùa; và đừng nói chuyện với nó. Các cô giáo, các cô cần chú ý đến nó, phải để mắt đến mọi cử chỉ của nó, cân nhắc kỹ những lời nó nói, quan sát mọi hành động của nó, hành phạt thể xác để cứu lấy linh hồn nó, nếu việc tế độ này còn có thể làm được, vì (lưỡi tôi ngập ngừng e ngại khi nói điều này) đứa con gái này, đứa bé này, sinh ở đất của Chúa mà xấu xa hơn cả những quân tà giáo cầu kinh Brama và quỳ trước Jugơcnôt, đứa con gái này là một đứa gian dối.

Rồi im lặng độ mười phút, trong lúc ấy (tôi đã hoàn toàn định thần lại rồi), tôi nhìn đám vợ con ông Brôkơn-hơc, họ rút khăn tay ra chấm lên mắt; bà vợ lắc lư người và hai cô con gái lẩm bẩm; "thật tệ quá!".

Ông Brôkơn-hơc lại nói tiếp:

- Điều này tôi được bà ân nhân của nó cho biết, một người đàn bà ngoan đạo, bác ái, vì tình cảm côi cút của nó nên đã nuôi nấng nó, coi nó như con đẻ, nhưng con bé bất hạnh đó đã đền đáp lại lòng tốt và đô lượng của bà bằng một sự vô ân bội nghĩa tồi tệ, quái gở, đến nỗi cuối cùng bà đỡ đầu nhân hậu này đã buộc lòng phải ngăn con cái không cho gần nó, sợ rằng gương xấu của nó làm hoen ố lây những bộ óc ngây thơ trong trắng. Bà ấy giao nó đến đây để giáo dục, cũng như người Do Thái đời xưa gửi người bệnh đến đầm Bêthexda(1). Còn các cô giáo và bà hiệu trưởng, tôi xin các bà và các cô chớ có để cho nước bị tù hãm quanh người nó.

Cùng với lời kết thúc cao cả này, ông Brôkơn-hơc cài lại chiếc khuy cổ áo, lẩm bẩm điều gì đó với vợ con, bà vợ và các cô gái đứng dậy cúi chào cô Tempơn rồi cả bọn người quan trọng đó phấp phới rời khỏi buồng. Bước đến cửa, ông quan tòa của tôi còn ngoái cổ lại dặn:

- Cứ để cho nó đứng nguyên trên ghế ấy nửa giờ nữa và không ai được nói chuyện gì với nó suốt ngày hôm nay.

Vậy là tôi cứ đứng nguyên, cao lênh khênh trên ghế, chính tôi, người đã từng nói không thể nào chịu được cái nhục đứng ở giữa buồng trên đất, thì lúc này đây lại phải đứng phơi mặt trước mặt mọi người, trên một cái bệ cao ô nhục. Cảm giác của tôi bấy giờ ra sao, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Nhưng đúng lúc cảm giác ấy đang trỗi dậy, làm nghẹn thở và tắc cổ tôi, thì một chị học sinh đi qua mặt tôi và ngước mắt lên nhìn. Một ánh sáng thật kỳ lạ bừng lên trong đôi mắt ấy! Ánh mắt đó đã chiếu vào tôi một cảm giác kỳ diệu nhường nào? Tình cảm mới mẻ ấy khuyến khích tôi mạnh mẽ xiết bao! Tựa hồ đó là một người tuẫn nạn, một vị anh hùng đi qua mặt một kẻ nô lệ hay một kẻ bị hy sinh, và truyền thêm nghị lực cho kẻ đó. Tôi trấn tĩnh mọi náo loạn trong đầu óc, ngẩng đầu cao lên, đứng một cách chững chạc lại trên ghế đấu. Hêlen Bơc hỏi cô Xmit một câu vẩn vơ gì đó về công việc, bị cô mắng liền vì cái tội hỏi những điều vụn vặt. Bơc trở về chỗ ngồi, lúc đi qua gần tôi, cô sẽ mỉm cười. Nụ cười mới tươi làm sao! Bây giờ tôi vẫn còn nhớ nụ cười đó, tôi biết đó là biểu hiện của sự thông minh tế nhị, của lòng can đảm thực sự. Nó làm rạng rỡ những nét hốc hác trên khuôn mặt mỏng manh, đôi mắt trũng màu xám, như ánh lên từ một hình ảnh thiên thần. Vậy mà lúc ấy cánh tay Hêlen vẫn đeo cái bảng đề chữ "đứa trẻ bẩn thỉu", trước đấy độ gần một giờ tôi đã nghe thấy cô Xcatsơ tuyên bố phạt Hêlen chỉ được ăn bánh mì với nước lã bữa trưa mai, vì trong lúc chép bài tập, Bơc đã đánh giây mực vào bài. Con người ai mà hoàn toàn được! Đến những hành tinh sáng nhất, cũng còn có vết nữa là. Và những con mắt như cô Xcatsơ thì chỉ có thể nhìn thấy những khuyết điểm vặt vãnh, chứ nhìn sao thấy nổi(1) ánh sáng rạng rỡ của vì tinh tú.



1. Tên một con sông giữa Ý Đại Lợi và các nước Gôlơ xưa. Người ta nói vượt sông Rubicơn để tỏ ý quyết tâm một cách mạnh bạo điều gì.

1. Kinh thánh kể chuyện ở Jérusalem có một cái đầm, tên là Beethexda, nước đầm có thể chữa khỏi mọi bệnh tật.

1. Nguyên văn: mù trước ánh sáng.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83751


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận