Jên Erơ Chương 8


Chương 8
Nửa giờ chịu hình phạt chưa hết, đồng hồ đã điểm năm tiếng, các lớp tan cả và học sinh đều vào phòng ăn để dùng trà.

Lúc ấy tôi cũng đánh bạo bước xuống ghế, trời tối mịt; tôi lùi vào một góc buồng và ngồi ngay xuống sàn. Cái ma lực đã phấn khích tôi lúc nãy bây giờ bắt đầu tan biến; sự phản ứng trỗi dậy, và ngay sau đó, nỗi đau khổ tràn ngập giày vò cõi lòng, tôi gục xuống, mặt úp trên sàn. Lúc này tôi khóc sướt mướt, Hêlen Bơc không có ở đấy, không có gì nâng đỡ để an ủi tôi; trơ trọi một mình, nước mắt tôi thấm ướt cả sàn nhà. Đến Lôut tôi đã quyết tâm ăn ở ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, để có nhiều bạn bè, gây được cảm tình với mọi người, được mọi người quý trọng. Tôi đã đạt nhiều tiến bộ rõ rệt. Chính buổi sáng hôm đó, tôi đã được xếp vào hàng đầu trong lớp; cô Milơ đã ngợi khen tôi nồng nhiệt và cô Tempơn cũng mỉm cười biểu lộ đồng tình; cô hứa nếu hai tháng tới tôi vẫn giữ mức như vậy, cô sẽ dạy tôi vẽ và cho tôi học cả tiếng Pháp nữa. Các bạn bè đều niềm nở với tôi; tôi được những bạn cùng lứa tuổi đối xử bình đẳng, và không hề bị ai ức hiếp. Thế mà lúc này đây, bị chà đạp, bị giày xéo; liệu bao giờ tôi mới mở mày mở mặt ra được?

"Không bao giờ nữa", tôi nghĩ thế và ước gì chết quách đi cho rảnh. Trong lúc tôi nức nở thốt ra điều ước vọng ấy thì như có người nào tiến lại gần. Tôi giật mình nhỏm dậy; lần này cũng lại là Hêlen Bơc đến bên tôi. Ánh lửa leo lét trong lò đủ soi để tôi nhìn thấy cô đang đi qua căn buồng dài, trống trải; cô đem cà phê với bánh đến cho tôi.

- Này, ăn một chút đi, - Hêlen nói; nhưng tôi gạt các thứ ấy ra, cảm thấy rằng tình cảm tôi đang như thế này thì chỉ một giọt nước hay một mẩu bánh cũng đủ làm tôi chết nghẹn. Hêlen nhìn tôi, có lẽ cô ngạc nhiên lắm mặc dù tôi đã hết sức cố gắng nhưng cũng không kìm nổi xúc động; tôi vẫn tiếp tục khóc to. Hêlen ngồi xuống bênh cạnh tôi, hai tay bó gối, đầu gục xuống; cô cứ ngồi như thế, lặng lẽ như một người Ấn Độ. Tôi lên tiếng trước:

- Hêlen, sao chị lại ngồi với một đứa mà tất cả mọi người đều tin là kẻ gian dối?

- Tất cả mọi người ư, Jên? Không chỉ có tám mươi người nghe nói chị như vậy thôi, mà trên đời này có hàng trăm triệu người!

- Nhưng tôi có cần gì đến hàng trăm triệu người ấy? Hiện có tám mươi người mà tôi biết đã khinh bỉ tôi.

- Jên ạ, chị nhầm đấy, có lẽ không một ai trong trường hợp này khinh rẻ và ghét bỏ chị đâu. Tôi chắc chắn rằng nhiều người còn rất thương chị nữa kia!

- Làm sao họ thương được tôi sau khi đã nghe ông Brôkơn-hơc nói thế?

- Ông Brôkơn-hơc không phải là ông trời, cũng chẳng phải là một nhân vật cao cả được mọi người mến phục gì. Ở đây không mấy ai ưa ông ta; ông ta chưa hề làm gì để cho người ta yêu mến. Giá thứ ông ấy có đặc biệt thiên vị đối với chị thì chỉ tổ làm cho chị bị mọi người xung quanh thù ghét thôi, hoặc lộ ra ngoài mặt, hoặc ngấm ngầm. Sau sự việc vừa rồi, nếu mọi người dám tỏ rõ thái độ thì phần lớn họ đều muốn tỏ ra thông cảm với chị. Có thể là các cô giáo và học sinh nhìn chị bằng con mắt lạnh nhạt độ một hay hai hôm gì đó, nhưng trong thâm tâm họ vẫn giấu những tình cảm thân yêu, và nếu chị vẫn kiên nhẫn học hành ngoan ngoãn thì những tình cảm đó lại càng lộ ra rõ ràng hơn nữa sau một thời gian tạm bị nén lại. Vả chăng, Jên ạ... Bơc bỗng im lặng.

- Thế nào? Hêlen? Tôi hỏi và đặt tay vào bàn tay Hêlen; cô xoa nhè nhẹ để cho những ngón tay tôi nóng ấm lên và nói tiếp:

- Dầu cho tất cả mọi người có ghét bỏ chị và tin là chị xấu xa đi nữa, nhưng nếu lương tâm chị hiểu cho chị, không kết tội chị thì không phải là chị sẽ không có bạn đâu.

- Không, tôi biết rằng mình chẳng có gì đáng trách nhưng như thế không đủ; nếu tôi không được mọi người yêu mến, tôi muốn thà chết đi còn hơn. Tôi không thể nào chịu được cuộc sống lẻ loi, bị hắt hủi, Hêlen ạ? Này, để chiếm được chút tình thương yêu thành thực của chị, hay của cô Tempơn hoặc của bất cứ người nào khác mà tôi thực tâm yêu mến, thì dù tôi có bị gãy cánh tay, hoặc chịu cảnh voi giày ngựa xé tôi cũng vui lòng chịu.

- Thôi, Jên? Chị chú trọng quá nhiều về tình yêu của người đời đấy; chị quá nóng nảy và sôi nổi. Bàn tay Thượng đế đã nặn ra hình hài chị và ban cho nó sự sống, còn cung cấp thêm cho chị những nguồn an ủi khác ngoài cái thể chất yếu đuối của chị hoặc những sinh vật cũng yếu đuối như chị. Ngoài cõi trần tục này, ngoài loài người ra, còn có một thế giới vô hình và một vương quốc của những linh hồn; cái thế giới đó ở ngay xung quanh ta, vì nó ở khắp mọi nơi; những linh hồn đó luôn luôn theo dõi chúng ta, vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ chúng ta. Nếu chúng ta chết trong đau đớn nhục nhằn, nếu chúng ta bị khinh bỉ vùi dập bốn bề, và bị sự ghét bỏ giày xéo, thì các vị thiên thần sẽ nhìn thấu những hành hạ đó và chứng giám cho sự vô tội của chúng ta (nếu thực chúng ta vô tội; vì tôi biết rằng chị bị ông Brôkơn-hơc đổ oan cho bằng cách thổi phồng lên một cách kém cỏi khi nhắc lại những lời của bà Rit, vì tôi nhìn thấy rõ bản chất chân thực trên ánh mắt sáng ngời và trên vầng trán thanh thản của chị). Thượng đế chỉ đợi cho khi nào linh hồn chúng ta thoát khỏi thể xác là đội lên đầu chúng ta một vòng hoa khen thưởng. Vậy thì có lẽ nào ta lại ủ rũ vì buồn khổ, khi mà cuộc sống rồi cũng sớm qua đi và cái chết mới là cửa ngõ chắc chắn đưa chúng ta tới hạnh phúc... tới vinh quang?

Tôi yên lặng, Hêlen đã làm cho lòng tôi dịu lại. Nhưng trong sự bình thản Hêlen truyền sang cho tôi có đượm một nỗi buồn khó tả; trong lúc cô nói, tôi thấy một cảm giác đau đớn làm sao, nhưng tôi cũng không hiểu nguyên nhân từ đâu. Nói xong, Hêlen thở hơi gấp và húng hắng ho khan; lúc ấy tôi quên ngay nỗi buồn khổ của mình và thấy man mác lo ngại cho Hêlen.

Tôi ngả đầu lên vai Hêlen và vòng tay ôm lấy người cô. Hêlen kéo tôi sát lại, và hai đứa ngồi yên lặng. Chúng tôi ngồi như vậy chưa được bao lâu thì có một người bước vào. Trên nền trời những đám mây u ám, bị gió cuốn đi để lộ ra vầng trăng. Ánh trăng sáng tỏ, tràn vào qua khung cửa sổ bên cạnh, chiếu rọi vào hai đứa chúng tôi và bóng người đang đi tới. Chúng tôi nhận ngay ra đó là cô Tempơn. Cô nói:

- Cô đang đi tìm em đây, Jên Erơ ạ! Cô muốn em vào buồng cô, và tiện có cả Hêlen Bơc ở đây, cả hai cùng vào cũng được.

Chúng tôi đi theo cô hiệu trường, phải qua mấy dãy hành lang ngoắt ngoéo và lên một chiếc cầu thang rồi mới tới buồng cô trong phòng có đốt lửa, trông tươi vui đầm ấm. Cô Tempơn bảo Hêlen Bơc ngồi xuống một chiếc ghế bành thấp kê bên lò sưởi, còn cô cũng ngồi vào một chiếc và bảo tôi đến bên cạnh.

- Em hết buồn rồi chứ? Cô hỏi và cúi nhìn xuống mặt tôi. Em đã khóc vơi hết nỗi buồn chưa?

- Em sợ rằng không bao giờ vơi được.

- Sao thế?

- Vì em đã bị kết tội oan uổng; và bây giờ cô cùng tất cả mọi người đều cho em là đứa hư đốn.

- Không, các cô chỉ đánh giá em theo những điều các cô thấy về việc em làm, em bé ạ? Em cứ tiếp tục tỏ ra là một em nhỏ ngoan ngoãn đi, như vậy em sẽ làm cô vừa lòng.

- Thực thế ư, cô Tempơn?

- Thực chứ, cô nói, và đưa tay ôm vòng lấy người tôi. Bây giờ em nói cho cô hay cái bà mà ông Brôkơn-hơc gọi là ân nhân của em là ai nào?

- Đấy là bà Rit, vợ của cậu em, cậu em đã mất rồi, giao em lại cho bà ấy chăm nom.

- Có phải bà ấy miễn cưỡng mà phải nuôi em không?

- Vâng, thưa cô; bà Rít rất khó chịu vì phải làm việc ấy. Nhưng lúc hấp hối, cậu em đã bắt bà ấy phải hứa rằng sẽ cưu mang em mãi mãi, em thường được nghe các gia nhân xì xào như vậy.

- Thôi, được rồi, Jên ạ, em hiểu, hay ít nhất thì cô cũng phải đảm bảo cho em hiểu là khi một người bị buộc tội thì bao giờ cũng có quyền thanh minh để tự bảo vệ. Em đã bị người ta kết tội là gian dối, em hãy hết sức tự bênh vực mình trước mặt cô. Em hãy nói lại bất cứ điều gì em nhớ là đúng sự thực, nhưng đừng thêm bớt gì hết.

Tôi đã quyết định trong thâm tâm sẽ tỏ thái độ hết sức từ tốn và đúng mực.

Rồi suy nghĩ vài phút để xếp đặt lại cho có mạch lạc những điều sắp nói, tôi bắt đầu kể cho cô nghe tất cả câu chuyện về quãng đời thơ ấu u buồn của tôi. Nghẹn ngào vì cảm động, nên giọng nói của tôi từ tốn, dịu dàng, khác hẳn những lúc thường ngày tôi vẫn kể về câu chuyện rầu rĩ đó. Và nhớ kỹ lời Hêlen Bơc khuyên chớ nên buông mình theo thói thù hằn, tôi đưa rất ít vào câu chuyện cái giọng chua cay oán hận như mọi ngày. Câu chuyện được kể lại giản dị phải chăng như thế, nghe có vẻ thành thực hơn. Trong khi kể, tôi cảm thấy cô Tempơn hoàn toàn tin lời tôi.

Tôi có nhắc đến tên ông Lôi, người đã đến thăm bệnh cho tôi sau cơn mê hoảng, vì tôi không thể nào quên được những giờ phút kinh hãi đối với tôi trong căn phòng đỏ. Trong khi nói chi tiết, sự kích động của tôi không thể kìm lại được và chắc đã lộ ra một phần nào, vì không gì có thể làm dịu đi trong trí nhớ của tôi nỗi sợ hãi nó làm lòng tôi đau thắt lại khi bà Rít không đoái hoài đến lời van xin tuyệt vọng của tôi, và còn nhốt tôi một lần thứ hai vào trong căn buồng có ma tối mù mịt ấy.

Tôi kể xong, cô Tempơn yên lặng nhìn tôi vài phút rồi bảo:

- Cô có hơi biết ông Lôi, cô sẽ viết thư hỏi ông, nếu ông ấy cũng công nhận những lời em nói là đúng, thì em sẽ được thanh minh là hoàn toàn vô tội trước mặt mọi người. Còn đó với cô thì ngay từ giờ phút này, em là người trong trắng.

Cô hôn tôi và vẫn giữ tôi bên cạnh (tôi rất sung sướng được đứng bên cô, vì tôi có niềm thích thú của trẻ thơ được ngắm bộ mặt cô, quần áo cô, vài thứ đồ trang sức, vầng trán trắng trẻo, những búp tóc quăn bóng, và đôi mắt đen sáng ngời của cô). Cô quay sang hỏi Hêlen Bơc:

- Tối nay em thấy thế nào, Hêlen? Hôm nay em có ho nhiều không?

- Có lẽ cũng không ho nhiều lắm, thưa cô.

- Thế còn cái chứng tức ngực ấy ra sao?

- Thưa cô, cũng đã đỡ.

Cô Tempơn đứng dậy cầm lấy tay Hêlen bắt mạch. Rồi cô quay về chỗ, lúc cô ngồi xuông, tôi nghe thây cô khẽ thở dài. Trong mấy phút, cô có vẻ đăm chiêu, rồi lại đứng dậy vui vẻ nói:

- Hai em đều là khách của cô tối nay; cô phải đối đãi với các em như thế. Cô rung chuông.

- Bacbara, cô bảo chị ở gái, lúc ấy nghe tiếng chuông bước vào. Tôi chưa uống trà, vậy chị đem cho khay trà lên đây và đem cả chén cho hai cô đây nữa.

Khay trà được bưng lên ngay. Đối với tôi những bình sứ và chiếc ấm tráng men bóng, đặt trên chiếc bàn tròn nhỏ gần lò sưởi, trông mới đẹp chứ! Nước trà bốc hơi tỏa hương và mùi bánh nướng bơ mới thơm làm sao! Tuy nhiên tôi chán quá (lúc ấy tôi bắt đầu thấy đói bụng) vì thấy chỉ có một miếng bánh con con. Cô Tempơn cũng thấy thế. Cô bảo:

- Bacbara, chị có thể đem thêm một ít bánh và bơ nữa không? Ba người mà có ngần này thì không đủ.

Bacbara quay ra, lát sau trở lại ngay:

- Thưa bà, cô Hacđơn nói rằng đã đưa đủ phần thường lệ.

Phải nói rằng, cô Hacđơn là quản gia, một người đàn bà thật hợp ý ông Brôkơn-hơc, được tạo thêm một nửa bằng xương cá voi, một nửa bằng thép:

- Thôi được, chúng tôi sẽ thu xếp lấy vậy.

Lúc Bacbara quay ra, cô mỉm cười nói thêm:

- May quá, cô lại có sẵn thứ để bù vào chỗ thiếu này.

Cô mời Hêlen và tôi lại gần chiếc bàn, đặt trước mặt mỗi đứa một tách trà và một miếng bánh nướng bơ ngon lành nhưng mỏng dính, rồi đứng dậy mở khóa ngăn kéo, lấy ra một bọc giấy và giở ra; đó là một chiếc bánh to tướng có rắc hạt hồi.

- Cô định cho mỗi em một phần bánh đem về nhưng vì không có nhiều nên đành ăn ngay ở đây vậy.

Rồi cô cắt bánh thành từng miếng bằng những bàn tay hậu hĩnh.

Tối hôm ấy hình như chúng tôi được ăn một bữa tiệc toàn là bồ đào tiên tửu và cao lương thượng giới. Chúng tôi càng vui hơn vì cô Tempơn mỉm nụ cười hài lòng ngắm nhìn chúng tôi, trong lúc chúng tôi ngốn ngấu cho thỏa cơn đói những thức cô cho phép ăn thỏa thích. Bữa trà xong, chiếc khay được dọn đi, cô Tempơn bảo chúng tôi đến bên lò sưởi. Chúng tôi ngồi mỗi đứa một bên cô, và cô bắt đầu trò chuyện với Hêlen; quả thực tôi coi là một đặc ân được ngồi nghe câu chuyện đó.

Cô Tempơn lúc nào cũng có một cái gì thanh tao trong dáng điệu, đường hoàng trong cử chỉ, và tao nhã đúng mực trong ngôn ngữ khiến cho mọi sự nóng nảy bồng bột, sôi nổi không xảy ra được. Người nào được nhìn cô và nghe cô nói cũng đều cảm thấy một niềm vui trong sáng, do sự phải e dè nó gìn giữ mình; chính cảm tưởng của tôi lúc này là thế, còn về phía Hêlen Bơc, thì cô làm cho tôi hết sức ngạc nhiên.

Bữa ăn ngon lành, ánh lửa tươi vui, sự có mặt của cô giáo nhân hậu yêu quý hay có một cái gì có lẽ còn hơn cả những cái đó, một sự gì trong tâm hồn đặc biệt của Hêlen, đã làm trỗi dậy những sức mạnh tiềm tàng trong con người cô. Sức mạnh ấy thức tỉnh nhen lên; trước hết đôi má Hêlen xưa nay vẫn tái xanh vì thiếu máu, bây giờ bừng lên một màu hồng tươi tắn. Rồi nó khiến cho đôi mắt cô sáng long lanh, đột nhiên trở nên đẹp một cách đặc biệt, còn hơn cả đôi mắt cô Tempơn. Một vẻ đẹp không phải vì màu sắc, vì lông mi dài cong, cũng chẳng phải vì đường lông mày thanh tú như vẽ, mà đẹp vì cái ý nghĩ, cái linh hoạt và cái vẻ sáng ngời của tâm hồn. Tâm hồn cô hiển hiện trên đôi môi, và lời cô nói tuôn ra trôi chảy mà tôi cũng không hiểu nó bắt nguồn từ đâu. Một cô bé mười bốn tuổi sao mà có được một tâm hồn lớn mạnh đủ để chứa một dòng suối ăm ắp tuôn ra được những lời hùng hồn, trong sáng và sôi nổi như vậy? Đó là nét đặc trưng trong lời nói của Hêlen trong buổi tối đáng ghi nhớ đối với tôi đó. Tinh thần của Hêien như muốn vội vàng sống, chỉ trong một quãng thời gian ngắn ngủi mà đầy đủ cũng không kém bao cuộc đời khác trong một kiếp sống lê thê.

Hai người có nói đến nhiều điều tôi chưa hề được nghe về các quốc gia, về các thời quá khứ; những đất nước xa xôi, những điều huyền bí của thiên nhiên đã được khám phá hoặc còn đang phỏng đoán. Hai người bàn về sách vở, họ đọc quả là nhiều! Họ nắm được biết bao nhiêu là kiến thức? Hai người hình như rất quen với những tên bằng tiếng Pháp và các tác giả Pháp. Nhưng tôi kinh ngạc đến tột cùng khi thấy cô Tempơn hỏi Hêlen xem có lúc nào tranh thủ ôn lại tiếng La tinh mà cha cô đã dạy cho không. Rồi lấy một cuốn sách trên giá xuống, cô bảo Hêlen đọc và dịch một đoạn thơ của thi sĩ Viêcgin. Hêlen vâng lời; mỗi dòng thơ đọc lên làm tôi thêm cảm phục. Nhưng Hêlen vừa đọc xong thì tiếng chuông báo hiệu giờ ngủ đã vang lên, chúng tôi không được phép nán lại thêm, cô Tempơn hôn hai đứa, ôm cả hai vào lòng và nói:

- Chúa phù hộ cho các em!

Hêlen được cô ôm lâu hơn tôi một chút; cô buông Hêlen ra cũng một cách miễn cưỡng hơn; cô nhìn theo Hêlen ra tận cửa. Cũng vì Hêlen, cô lại buồn bã thở dài lần nữa, và vì Hêlen cô chấm một giọt nước mắt lăn trên gò má.

Vừa đến buồng ngủ, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cô Xcatsơ. Cô đang kiểm tra các ngăn kéo, và vừa mở đúng ngăn kéo của Hêlen Bơc ra xong, nên vừa bước vào Hêlen đã bị cô gay gắt mắng cho một chập, rồi cô bảo cho Hêlen biết sáng mai sẽ bị ghim vào vai nửa tá quần áo đã gấp không cẩn thận. Hêlen lẩm bẩm nói nhỏ với tôi: "Đồ dùng của mình quả có bề bộn thật; mình đã định bụng sẽ thu dọn lại, nhưng rồi quên khuấy đi mất".

Sáng hôm sau cô Xcatsơ viết hai chữ "bừa bãi" to tướng lên một mảnh bìa và buộc nó như một cái bùa lên vầng trán rộng, hiền dịu, thông minh sáng sủa của Hêlen. Cô đeo mảnh bìa đó đến tận tối, kiên nhẫn không oán hận, coi như mình bị phạt thế là đáng. Lúc đó cô Xcatsơ ra khỏi lớp sau buổi học chiều, tôi chạy lại với Hêlen, giật mảnh giấy xé đi, vứt vào lò sưởi. Sự giận dữ mà Hêlen không thể có được ấy đã nung nấu tâm hồn tôi suốt ngày, và những giọt nước mắt nóng hổi luôn luôn hoen trên má tôi, cái cảnh tượng Hêlen âm thầm cam chịu khiến lòng tôi đau xót vô cùng.

Chừng độ một tuần lễ sau khi xảy ra những việc vừa kể ở trên, cô Tempơn viết thư cho ông Lôi và đã nhận được thứ ông trả lời. Hình như những điều ông nói phù hợp với câu chuyện của tôi. Cô Tempơn triệu tập tất cả học sinh lại, tuyên bố kết quả điều tra về những điều Jên Erơ đã bị kết tội, nói rằng cô rất sung sướng báo cho biết Jên Erơ hoàn toàn không có lỗi lầm gì. Lúc đó các cô giáo bắt tay và hôn tôi, trong đám bạn bè cũng nổi lên tiếng rì rầm bàn tán vui vẻ.

Trút bỏ được gánh nặng lo âu, từ giờ phút đó tôi lại hăng hái làm việc, quyết tâm vạch một con đường vượt qua mọi khó khăn. Tôi làm việc rất hăng say, và sự cố gắng của tôi đã đem lại những kết quả xứng đáng. Do bẩm sinh trí nhớ của tôi không tốt lắm, nhưng được rèn luyện nên có khá hơn. Nhờ sự vận dụng, trí tuệ của tôi thêm minh mẫn; chỉ trong mấv tuần lễ tôi được lên ngay một lớp; chưa đầy hai tháng tôi đã bắt đầu học tiếng Pháp và học vẽ. Trong cùng một ngày tôi học chia hai thì đầu tiên của động từ "être"(1) và vẽ cái nhà đầu tiên mà tường còn xiêu vẹo hơn cả tháp nghiêng Pisa(2). Tối hôm đó lúc đi ngủ, tôi quên không chuẩn bị để tưởng tượng đến bữa ăn tối với khoai rán nóng hổi hoặc bánh bột trắng và sữa tươi, như mọi tối tôi thường nghĩ để đánh lừa cơn đói cồn cào trong bụng. Thay vào đấy tôi thưởng thức cảnh tượng những tác phẩm hội họa lý tưởng mà tôi nhìn thấy trong bóng tối; tất cả những tác phẩm do tay tôi vẽ nên, những nét bút chì phóng khoáng phác họa nhà cửa cây cối, những núi đá, những cảnh hoang tàn kỳ thú, những đoàn gia súc, những bức tranh êm đềm vẽ những con bướm lượn lờ trên những nụ hồng chưa hé nở, những con chim mổ vào trái anh đào chín mọng, những nhánh trường xuân con quấn quanh những tổ chim hồng tước lấp ló vài viên trứng trong như hạt ngọc. Tôi cũng mơ tưởng đến chuyện có thể dịch trôi chảy một cuốn truyện tiếng Pháp nho nhỏ mà cô Pierô ngày hôm ấy đã đưa cho tôi xem; vấn đề này giải quyết chưa được thỏa đáng thì tôi đã thiếp đi trong một giấc ngủ êm đềm.

Xalômôn rất có lý khi nói rằng: "Thà ăn một bữa toàn rau cỏ mà có tình thương yêu, còn hơn ăn một con bò béo mà bị ghét bỏ".

Bây giờ thì tôi sẽ chẳng khi nào muốn đánh đổi Lôut với cuộc sống thiếu thốn lấy cái Gatơhet với sự xa hoa, thường ngày của nó.

 



1. Một động từ thường dùng trong tiéng Pháp.

2. Tên một cái tháp tại thành phố Pisa bên Ý; tháp này có đặc điểm là hơi nghiêng nhưng vẫn đứng vững, bắt chấp quy luật vật lý học.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83752


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận