Jên Erơ Chương 9


Chương 9
Nhưng rồi những sự thiếu thốn hay nói cho đúng hơn những sự nghiệt ngã ở Lôut cũng bớt dần đi.

Mùa xuân dần tới, chúa xuân đã thực sự trở về. Cái giá lạnh mùa đông không còn nữa; tuyết tan, những luồng gió cắt da cắt thịt cũng dịu dần. Đôi bàn chân khốn khổ của tôi nứt nẻ sưng phồng, đi không được, vì những cơn gió khắc nghiệt tháng giêng, đã bắt đầu khỏi dần nhờ làn gió tháng tư dịu dàng đầm ấm. Sáng sớm và chiều tối, tiết trời lạnh giá như ở Gia-nã-đại không còn làm máu trong người tôi bị đông lại nữa. Bây giờ chúng tôi đã có thể chịu đựng được những giờ ra chơi ở ngoài vườn. Đôi khi những buổi trời hừng nắng, chúng tôi còn cảm thấy những giờ chơi ấy thoải mái thú vị nữa. Những nệm cỏ xảnh đã trồi lên phủ những mảnh đất màu nâu, mỗi ngày lại thêm tươi tắn, gợi cho ta ý nghĩ rằng đêm đến thần Hy Vọng đã lướt qua và sáng sáng để lại những vết chân ngày càng tươi thắm hơn. Những bông hoa tuyết sương, hoa kỵ phù lan, hoa ngọc trâm đỏ thắm và hoa hoàng lan lấp ló trong vòm lá xanh mơn mởn.

Chiều thứ năm - được nghỉ nửa ngày - chúng tôi đi chơi ở ven đường; bên những bờ giậu những đóa hoa đua nở còn tươi thắm hơn. Tôi lại khám phá ra rằng ở phía bên ngoài bờ tường cao lởm chởm những cọc bao xung quanh mảnh vườn chúng tôi, còn có bao nhiêu cảnh vui thú rải ra đến tận chân trời xa tít. Phong cảnh kỳ thú này là do những đỉnh núi cao hùng vĩ vây quanh miền thung lũng xanh um bóng lá tạo thành. Ở đây róc rách một dòng suối trong veo lô xô đá xám và những hòn cuội bóng nhẵn. Phong cảnh thực khác hẳn khi tôi ngắm nó rải ra dưới bầu trời đông xám xịt màu chì lạnh cứng trong giá băng, phủ một màn tang dưới làn tuyết lạnh, khi làn sương mù rét buốt như tử thần bay theo làn gió đông dọc theo đỉnh núi trập trùng đỏ thẫm kia, rồi hạ xuống thấp hòa lẫn trong màn sương mù giá buốt trên dòng suối. Con suối về mùa ấy còn là một cái thác đục ngầu và hung hãn, nó xẻ đôi khu rừng ra và dội lên thinh không tiếng réo ầm ầm, nó thường được những trận mưa rào dữ dội hoặc những trận mưa đá tiếp cho hung hãn thêm. Cảnh rừng mùa đông ven hai bờ suối hiện ra khung cảnh một dẫy cây cành xơ xác nom như những bộ xương khô.

Tháng tư qua, tháng năm tới, trời quang quẻ trong sáng, bầu trời xanh lơ ánh nắng hiền hòa ấm áp, làn gió từ phương tây hoặc phương nam hiu hiu thổi suốt ngày đêm. Hồi này cỏ cây tràn đầy sức sống. Lôut hắt những mớ tóc cho rũ xuống, cây cỏ xanh tươi hoa thơm khoe sắc. Những bộ xương khổng lồ của các cây đu, cây thanh lương trà, cây sồi, đã hồi lại sức sống tràn trề. Những cây cối trong rừng trỗi lên la liệt khắp các khe núi, trong những hốc sâu đủ các loại rêu mọc dày, làm cho những nơi sâu kín kỳ lạ, dưới ánh dương đã lộ ra cái cảnh phong phú của những cây dã thảo. Tôi thấy ánh vàng nhàn nhạt rọi vào cả những nơi có bóng râm âm u như rắc gieo những ánh sáng êm đềm.

Tất cả cảnh này, tôi thường được thưởng thức một cách thoải mái tự do, không bị ai xoi mói đến, và hầu như chỉ có một mình. Sự tự do và vui thú đặc biệt đó có một nguyên nhân, mà bây giờ tôi thấy cần phải kể lại cho bạn đọc rõ.

Phải chăng tôi đã diễn tả nơi tôi ở là một chốn thú vị khi tôi nói nó nằm lọt vào giữa những trái đồi với rừng cây, và ở ngay bên bờ suối? Khá thú vị thì chắc chắn rồi, còn việc nó trong lành hay không lại là một chuyện khác.

Cái thung lũng um tùm như rừng mà Lôut nằm gọn trong đó là một chiếc nôi đầy sương mù, từ đó phát sinh ra bệnh dịch nguy hại. Mùa xuân tới mau, sương mù cũng vội vã tràn theo len lỏi vào cái viện cô nhi này, gieo rắc bệnh đậu lào trong các buồng ăn, buồng học chật ních những người; tháng năm chưa tới mà nhà trường đã biến thành nhà thương.

Ăn uống thiếu thốn và mặc không đủ chống lạnh đã khiến đa số học sinh nhiễm bệnh. Cùng một lúc bốn mươi nhăm trong số tám mươi học sinh bị nằm liệt. Các lớp đều nghỉ, kỷ luật bỏ lỏng lẻo. Còn một số ít học sinh lành mạnh gần như được phép chơi thả cửa, không còn ai ngăn cấm, vì thầy thuốc bảo học sinh cần vận động luôn để bảo vệ sức khỏe. Vả lại dù không phải như thế, thì cũng chẳng ai còn thì giờ đâu mà trông coi ngăn cấm chúng. Cô Tempơn đem toàn tâm lực ra trông nom các bệnh nhân; cô ở ngay trong phòng họ; không lúc nào rời buồng, trừ phi ban đêm cô phải tạm nghỉ vài giờ. Các cô giáo đều bận rộn sửa soạn hành lý cần thiết cho các học sinh sắp rời khỏi nhà trường, những học sinh này may mắn vì có bạn bè họ hàng có điều kiện và sẵn lòng đưa họ ra khỏi nơi có bệnh truyền nhiễm. Nhiều học sinh, mắc bệnh nặng quá, được đưa về nhà chỉ để chết thôi, còn một số chết ngay tại trường và được chôn cất vội vàng; không kèn trống; vì tính chất của bệnh bắt buộc phải chôn ngay, không để lâu được.

Trong khi bệnh dịch đã thành kẻ ngụ cư ở Lôut, và chết chóc đã trở nên vị khách đến thăm thường ngày, trong khi sự âm u ghê rợn lẩn quất trong những tường thành của nó; trong khi từ các buồng, các hành lang xông lên mùi nhà thương, và thuốc thang đem đến để chống lại cái chết đều vô hiệu, thì ở bên ngoài, bầu trời tháng năm tỏa sáng rực rỡ không gợn một áng mây, trên đỉnh những ngọn đồi trập trùng và cánh rừng xanh tươi. Khu vườn của nhà trường nở đầy hoa, những cây hoa đường quỳ mọc cao ngang các ngọn cây, hoa huệ hé cánh, những đóa quỳ và hồng nhung nở rộ. Những dãy hoa viền quanh các khoảnh vườn nhỏ tươi hẳn lên với những đóa cẩm chướng và những bông uyên minh cúc. Hương thơm ngòn ngọt của hoa dã tường vi thoang thoảng sớm chiều như mùi hương liệu hoặc mùi táo. Cái kho đầy hương ngát này chẳng đem lại gì bổ ích cho các nữ sinh ở Lôut, chỉ có đôi khi đem lại một nắm hoa tang để đặt trên một chiếc quan tài.

Còn tôi, và một số chưa nhiễm bệnh, được tha hồ hưởng cảnh đẹp mùa xuân. Họ mặc chúng tôi đi lang thang trong rừng như những kẻ giang hồ lang bạt, suốt từ sáng đến tối. Chúng tôi muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Ăn uống cũng đầy đủ hơn trước. Hồi này mất tăm không còn thấy bóng ông Brôckơn-hơc và vợ ông bén mảng đến gần Lôut. Việc quản lý trong nhà trường không còn ai nhìn đến vì sợ lây bệnh dịch, mụ quản gia khắc nghiệt đã lánh cho xa. Người thế chân mụ là một bà giám thị cũ của một nhà thương làm phúc Lautơn; bà này không quen với lề lối của nhà trường nên cho chúng tôi ăn uống tương đối rộng rãi. Vả lại còn được bao nhiêu người ăn nữa đâu, mà bệnh nhân thì ăn có mấy tí. Bữa điểm tâm, bát của chúng tôi cũng đầy hơn: Gặp phải khi không kịp sửa soạn bữa thường lệ, mà việc này thường xảy ra luôn, bà lại cắt cho mỗi đứa một miếng patê thật to, hoặc một khoanh bánh lớn phết bơ; chúng tôi đem cả ra ngoài rừng, mỗi đứa chọn một chỗ ngồi mình thích nhất, rồi giở ra tha hồ ăn uống với nhau.

Chỗ tôi ưa ngồi nhất là một tảng đá rộng, phẳng phiu, nhô lên trắng xóa và khô ráo ngay giữa một dòng suối; muốn đến tảng đá chỉ có mỗi một cách là lội xuống nước; tôi thường đi chân không lội ra đấy. Tảng đá cũng khá rộng, đủ để tôi và một người bạn nữa ngồi thoải mái. Hồi này tôi đã chọn được một cô bạn là Mary An Uynxơn, một cô bé có óc quan sát rất tinh tế; đánh bạn bên cô, tôi thấy vui thích, phần vì cô linh lợi và độc đáo, phần vì thái độ của cô làm tôi dễ chịu. Mary hơn tôi vài tuổi; cô hiểu biết việc đời hơn, và có thể kể cho tôi nhiều điều tôi muốn biết. Gần cô, tôi được thỏa mãn tính tò mò; cô rất khoan dung đối với những lỗi lầm của tôi và không bao giờ cô ngắt lời hoặc kìm giữ tôi nói. Mary thích kể chuyện mà tôi thích phân tích. Cô thích mách bảo mà tôi thì thích hỏi; vì vậy hai đứa rất tâm đầu ý hợp, nếu không có lợi ích nhiều, thì ít ra nói chuyện với nhau chúng tôi cũng thấy là rất thú vị.

Nhưng trong những giờ phút này không hiểu Hêlen Bơc ở đâu? Tại sao tôi không cùng san sẻ những ngày tự do êm đềm này với Hêlen? Tôi quên cô rồi chăng? Hay là tôi đã không xứng đáng, nên chán cái tình bạn thanh cao của Hêlen? Rõ ràng là Mary An Ưynxơn mà tôi nói đó còn kém người bạn ban đầu của tôi. Mary chỉ có thể kể cho tôi nghe những chuyện vui và thỏa mãn tôi bằng những câu chuyện ba hoa châm chọc chua chát mà tôi ưa thích. Còn Hêlen, thì phải thú nhận rằng cô có điểm đặc biệt là đem đến cho những ai được hân hạnh nghe cô nói chuyện, cái phong vị của những điều cao đẹp hơn nhiều.

Thưa bạn đọc, thực tế, tôi cũng biết và cảm thấy điều đó; và dù tôi chỉ là một con bé tầm thường, lắm tật xấu, ít điểm tốt để bù lại, nhưng tôi cũng không hề bao giờ chán Hêlen Bơc, mà cũng không bao giờ rứt bỏ lòng quyến luyến đối với cô; chưa bao giờ trái tim tôi rạo rực vì một tình cảm mạnh mẽ, âu yếm và đầy kính trọng như vậy. Làm sao có thể khác được khi mà bất cứ lúc nào, bất cứ trường họp nào, Hêlen cũng đều tỏ ra có một tình bạn trầm lặng, thủy chung đối với tôi, cái tình bạn không trở nên gay gắt khi buồn bực, không vẩn đục khi tức giận? Nhưng hiện giờ Hêlen đang ốm; từ mấy tuần trước người ta đã đem cô đi biệt tăm đến một phòng nào trên gác tôi cũng không rõ nữa. Tôi được người ta cho biết Hêlen không nằm trong căn nhà những bệnh nhân bị truyền nhiễm, vì cô mắc bệnh đau ngực, chứ không phải bệnh đậu lào, theo sự hiểu biết ngu dốt của tôi, tôi cho rằng đó là một thứ bệnh nhẹ, chỉ cần có thời gian chữa chạy cẩn thận, chắc chắn thế nào cũng khỏi.

Ý nghĩ này càng được vững tin vì thực tế là những buổi chiều nắng ráo ấm áp, có một đôi lần Hêlen xuống thang gác ra vườn và được cô Tempơn dắt đi.

Song những dịp ấy tôi không được phép ra và nói chuyện với Hêlen. Tôi chỉ được nhìn thấy cô qua cửa sổ phòng học nhưng cũng không rõ ràng lắm, vì cô trùm khăn kín và ngồi dưới hành lang mãi tận đằng xa.

Một buổi chiều vào đầu tháng sáu, tôi và Mary An chơi ở ngoài rừng rất muộn; cũng như mọi khi, chúng tôi rủ nhau đi chơi riêng xa mọi người, lang thang xa quá đến nỗi lạc đường. Chúng tôi phải vào lều tranh lẻ loi giữa rừng hỏi thăm; đó là nhà vợ chồng một người chăn lợn, họ chăn một đàn lợn gần như lợn hoang và cho chúng ăn những quả dẻ rừng. Khi chúng tôi quay về thì trăng đã lên; ở giữa vườn có buộc một con ngựa mà chúng tôi biết là của ông thầy thuốc. Mary An đoán chắc phải có người nào bị bệnh nặng lắm thì vào giờ này mới phải mời đến ông Bêt. Mary bước vào nhà, tôi còn đứng lại vài phút trong vườn để trồng một nắm mầm cây tôi đã đào ở trong rừng, vì sợ để đến sáng hôm sau nó sẽ héo đi mất. Trồng xong, tôi còn thơ thẩn ngoài vườn một lát. Hoa đượm hơi sương tỏa hương thơm dịu dàng thoang thoảng; đó là một buổi tối êm đềm, trăng thanh ấm áp. Phía trời tây còn đượm ánh hồng của vừng dương đã tắt, hứa hẹn một buổi mai đẹp trời sáng sủa. Chị Hằng nhô lên ở phía trời đông uy nghi diễm lệ. Tôi đang lặng ngắm và thưởng thức cảnh vật như một đứa trẻ con có thể thưởng thức được, thì một ý nghĩ len lỏi vào tâm hồn tôi, một ý nghĩ xưa nay chưa hề có: "Giờ phút này mà phải nằm trên giường bệnh thì đáng buồn biết baọ, mà còn trong tình trạng nguy hiểm có thể bị chết nữa chứ? Thế gian này thực là thú vị, thê thảm nếu phải xa rời cõi trần và không biết còn phải đi đến đâu!".

Rồi lần đầu tiên tâm trí tôi thực sự cố gắng tìm hiểu những điều đã lĩnh hội về thiên đường với địa ngục; lần đầu tiên tôi thấy lo sợ bối rối, và cũng là lần đầu tiên nhìn sau, nhìn trước, tôi thấy xung quanh như có một cái vực thẳm. "Tôi chỉ nhìn thấy chỗ dựa vững vàng duy nhất, đó là hiện tại; tất cả những cái khác đều là những áng mây trôi bất định, một vực thẳm trống rỗng. Tôi rùng mình với ý nghĩ mình có thể lao đao và sa vào chỗ hỗn độn đó. Trong lúc đang mải suy tưởng về ý nghĩ mới lạ này, tôi bỗng nghe thấy tiếng cửa mở; ông Bêt bước ra cùng bà khán hộ. Bà này thấy ông Bêt đã lên ngựa đi rồi, bà quay vào, sắp đóng cửa, thì tôi chạy xổ đến.

- Hêlen Bơc ốm ra sao hở bà?

- Nặng lắm, bà đáp.

- Có phải ông Bêt đến thăm bệnh cho chị ấy không?

- Phải.

- Thế ông ta bảo bệnh tình chị ấy ra sao?

- Ông ấy bảo Hêlen không còn ở đây lâu nữa.

Nếu tôi nghe câu này vào ngày hôm qua thì tôi chỉ cho rằng Hêlen sắp được đưa về nhà cô ở Nothâmbơclen. Hẳn tôi không chút nghi ngờ rằng nói vậy có nghĩa là Hêlen sắp chết, nhưng bây giờ thì tôi hiểu ngay, tôi hiểu rõ rệt rằng Hêlen đang sống những ngày cuối cùng của đời cô và cô sắp được đưa lên cái thế giới của những linh hồn, nếu quả có thế giới đó thật. Tôi rùng mình kinh hãi, rồi thấy lòng đau đớn xót xa, rồi thấy muốn... thấy cần phải được nhìn mặt bạn. Tôi bèn hỏi xem Hêlen nằm ở buồng nào.

- Cô ấy nằm trong buồng cô Tempơn?

- Tôi có thể đến nói chuyện với Hêlen được không?

- Ồ không, em ạ! Không nên, và đã đến lúc em vào nhà đi thôi; em sẽ bị cảm nếu còn đứng mãi ngoài trời sương thế này.

Bà khán hộ đóng cửa chính lại, tôi đi vào bằng lối cửa bên dẫn đến buồng học. Tôi về vừa đúng giờ; chuông đồng hồ điểm chín tiếng, và cô Milơ đang gọi các học sinh đi ngủ.

Tôi đi nằm có lẽ đã đến hai tiếng, hình như lúc ấy đã gần mười một giờ, nhưng tôi không sao chợp mắt được; thấy gian phòng ngủ im lặng như tờ, tôi nghĩ hẳn các bạn đã đắm trong giấc ngủ say sưa, bèn se sẽ nhổm dậy, khoác thêm chiếc áo dài lên áo ngủ, rồi chân không giầy dép gì cả, tôi rón rén ra khỏi buồng để tìm đến phòng cô Tempơn. Phòng đó ở tận cuối dãy nhà, nhưng tôi đã thuộc đường; lại thêm có ánh trăng mùa hạ không vẩn mây rọi qua các cửa sổ, chiếu sáng hành lang từng chỗ, nên tôi tìm cũng không khó khăn lắm. Một mùi long não và mùi giấm đốt nồng lên báo cho tôi biết sắp đến gần buồng người ốm. Tôi vội bước nhanh qua cửa phòng, sợ rằng người khán hộ ngồi trực suốt đêm có thể nghe thấy tiếng chân tôi. Tôi rất lo bị gặp và bị đưa về buồng, vì tôi nhất định phải được nhìn thấy Hêlen, tôi cần được ôm lấy Hêlen trước khi cô từ giã cõi đời, tôi phải hôn Hêlen một lần cuối cùng, nói với Hêlen một lần chót.

Sau khi đã xuống cầu thang, đi được một quãng trong căn nhà dưới và đã lọt qua hai cái cửa nữa, mở đóng không một tiếng động, tôi tới một cầu thang khác. Tôi bước lên thang, đối diện ngay trước mặt cầu thang là gian buồng cô Tempơn. Ánh sáng chiếu ra qua lỗ khóa và qua khe hờ dưới chân cửa; một không khí im lìm bao trùm tất cả. Lại gần, tôi thấy cánh cửa khép hờ, có lẽ cố để cho không khí mát bên ngoài lọt vào chút ít trong căn phòng bệnh kín mít. Đang lúc không cần suy tính, lại thêm nóng lòng sốt ruột, tinh thần và thể xác tôi rạo rực vì một nỗi đau xót tê tái, tôi đẩy cửa nhìn vào. Tôi đưa mắt tìm Hêlen, chỉ lo nhìn thấy xác chết của bạn.

Sát ngay bên giường cô Tempơn, có một chiếc giường con, một nửa bị tấm màn trắng che khuất tôi nhìn thấy một hình người trùm chăn nhưng mặt lại bị màn rủ che mất. Bà khán hộ ban nãy tôi hỏi ngoài vườn ngồi trong một chiếc ghế bành đang ngủ. Một ngọn nến quên chưa gạt bấc, leo lét cháy trên bàn; không thấy cô Tempơn đâu cả, về sau tôi được biết lúc đó người ta gọi cô đến trông coi một bệnh nhân mê sảng trong phòng bệnh đậu lào. Tôi tiến lên, rồi dừng lại bên chiếc giường con; tay tôi nắm lấy tấm màn, nhưng tôi muốn cất tiếng trước rồi mới vén màn lên, vì tôi vẫn cứ sợ phải nhìn thấy thây ma.

Tôi se sẽ gọi:

- Hêlen, chị còn thức không?

Cô cựa mình và gạt màn ra; tôi thấy mặt Hêlen xanh xao, hốc hác, nhưng vẫn rất bình thản, trông cô không có gì thay đổi lắm, nên nỗi lo âu của tôi biến hết ngay.

- Kìa, lại có thể là chị ư, Jên? Cô hỏi tôi, vẫn với giọng dịu dàng.

Tôi nghĩ bụng: "Ồ, không phải Hêlen sắp chết; họ đã nhầm, nếu cô sắp chết thì sao giọng nói và vẻ mặt lại bình tĩnh như vậy được!".

Tôi cúi xuống giường và hôn Hêlen; trán cô lạnh ngắt, đôi má cô gầy guộc lạnh lẽo, cả cổ tay bàn tay cũng vậy, nhưng cô vẫn mỉm cười như mọi khi.

- Sao lại đến đây làm gì hở Jên? Đã qua mười một giờ đêm rồi, tôi vừa nghe chuông đồng hồ điểm cách đây vài phút.

- Tôi đến để thăm chị, Hêlen ạ, vì nghe thấy người ta bảo chị ốm nặng, tôi không thể nào chợp mắt nếu chưa được nói với chị vài lời.

- Vậy thì chị đến để vĩnh biệt tôi; có lẽ chị đến vừa đúng lúc đấy.

- Chị sắp đi đâu, Hêlen? Chị về nhà phải không?

- Phải, về nhà lâu dài... về ngôi nhà cuối cùng.

- Không, không Hêlen! Tôi ngừng lại, lòng đau đớn. Tôi đang cố kìm nước mắt, thì bỗng Hêlen lên cơn ho rũ rượi; tuy vậy tiếng ho cũng không làm cho bà khán hộ thức giấc. Cơn ho dứt, Hêlen kiệt sức nằm im một lát, rồi cô thì thầm:

- Jên, chị đi chân không kia kìa, nằm xuống đây đắp chung chăn với tôi.

Tôi chui vào chăn, Hêlen quàng tay ôm lấy tôi và tôi rúc vào người cô. Yên lặng một lúc lâu cô lại tiếp, vẫn giọng thầm thì:

- Tôi vui sướng lắm, Jên ạ, và bao giờ chị nghe thấy người ta bảo tôi chết rồi, thì chị phải tin và không được buồn nhé. Việc gì mà buồn. Một ngày kia rồi tất cả chúng ta ai cũng phải chết; cái bệnh của tôi chết cũng không đau đớn gì; nó nhẹ nhàng, từ từ, tâm hồn tôi đang thư thái lắm. Tôi chết đi, cũng chẳng có mấy ai thương tiếc tôi nhiều, tôi chỉ còn một người cha, ông vừa lấy vợ kế xong và ông cũng sẽ chẳng thấy thiếu tôi đâu. Chết non, tôi càng tránh được mọi nỗi đau khổ lớn trên đời. Tôi chẳng có đức, có tài gì để làm nên sự nghiệp vẻ vang trên đời này, tôi sẽ cứ mãi mãi mắc những điều lỗi lầm.

- Nhưng chị sắp đi đâu chứ, Hêlen. Chị có thể trông thấy không? Có thể biết được không?

- Tôi nghĩ là có biết; tôi tín ngưỡng, tôi sắp lên thiên đàng với Thượng đế.

- Thượng đế ở đâu? Thượng đế là gì?

- Là đấng sinh thành ra tôi và chị; Người sẽ không bao giờ hủy diệt những gì mà Người đã tạo nên. Tôi toàn tâm toàn ý tin ở sức mạnh của Người và hoàn toàn tự giao phó cho lòng bác ái của Người. Tôi tính từng giờ cho đến giờ phút long trọng tôi được trở lại với Người, và được thấy Người hiển hiện trước mắt tôi.

- Vậy thì, Hêlen, chị chắc chắn rằng có một chốn thiên đàng như vậy, và khi nào chết linh hồn chúng ta sẽ được lên đó sao?

- Tôi tin chắc rằng có một kiếp hậu thế. Tôi tin rằng Thượng đế nhân từ; tôi có thể gửi gắm nơi Người cái phần bất diệt của tôi không hề áy náy. Thượng đế là cha tôi, là bạn của tôi. Tôi yêu Người và tin rằng Người cũng thương yêu tôi.

- Thế khi tôi chết, liệu tôi có được gặp chị nữa không, Hêlen?

- Chị cũng sẽ đến cùng một thiên đàng hạnh phúc, được cùng một người Cha quyền lực vạn năng tiếp nhận, chắc chắn thế, Jên thân mến ạ.

Tôi lại hỏi thêm, nhưng lần này chỉ hỏi thầm trong bụng: Không hiểu thế giới đó ở đâu nhỉ? Liệu có thực hay không? Và tôi vòng hai tay ôm chặt Hêlen thêm nữa; lúc này hình như Hêlen thân thiết với tôi hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy như không thể nào để Hêlen xa tôi được; tôi nằm mặt úp vào cổ Hêlen. Ngay lúc này, cô nói với tôi bằng một giọng hết sức ngọt ngào:

- Tôi thấy dễ chịu lắm! Cơn ho vừa rồi làm tôi hơi mệt; tôi thấy như có thể ngủ được. Nhưng cứ nằm đây, đừng đi đâu, Jên nhé! Tôi muốn có chị nằm bên cạnh.

- Tôi sẽ nằm lại với chị, Hêlen thân mến ạ, không ai có thể bắt tôi xa chị được.

- Bạn yêu quý, có ấm không?

- Ấm.

- Thôi, Jên ngủ đi.

- Hêlen cũng ngủ đi.

Cô hôn tôi và tôi cũng hôn lại, rồi hai đứa chợp đi.

Lúc tôi tỉnh dậy, trời đã sáng; có một cái gì động đậy khác mọi ngày làm tôi thức giấc; mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trong cánh tay một người nào; thì ra bà khán hộ bế tôi; bà ẵm tôi qua hành lang về buồng ngủ. Tôi không bị mắng mỏ gì về cái tội đã rời khỏi giường; mọi người còn bận lo những việc khác, tôi hỏi nhiều câu nhưng chẳng ai trả lời. Nhưng vài hôm sau tôi được biết rằng sáng sớm hôm ấy, lúc trở về buồng, cô Tempơn thấy tôi nằm trên chiếc giường con, mặt úp vào vai Hêlen, hai tay vòng lấy cổ cô. Tôi thì đang ngủ say, còn Hêlen thì... đã chết từ bao giờ.

Hêlen được chôn trong nghĩa địa Brôckơnbritgiơ, mười lăm năm sau mộ cô vẫn chỉ là nấm đất cỏ mọc dày; nhưng hiện giờ đã có một tấm bia đá chôn ở đó, đánh dấu mộ phần, trên tấm bia có khắc tên cô và chữ "Resagum"(1).

 

 



1. Tái sinh (Chữ la tinh).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83753


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận