Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 3

Chương 3
Mai Du về nhà nghỉ hè. Một buổi tối, khi hoàng hôn vừa buông xuống, Mai Du đang tắm cho út Hồng, không nhìn ra, cô vẫn có cảm giác rằng ai đó từ ngoài cửa đang nhìn mình.

Mai Du bước ra thềm, cái bóng áo trắng di chuyển ra xa một chút rồi dừng lại. Mai Du gọi với, lòng rộn ràng:

- Phú phải không? Vào đi! Sao không vào?

Người con trai bước trở lại, mỉm cười ngượng ngùng:

- Mình chờ Mai Du gọi. Mình đứng chờ lâu lắm rồi, mong cho Mai Du nhìn ra.

Chao ơi! Thật không ngờ! Đã một năm biệt vô âm tín, hôm nay Phú lại trở về. Cái hình dáng thân quen ấy Mai Du đã tưởng không bao giờ được gặp lại nữa. Thế mà nó đang hiển hiện mười mươi trước mắt cô đây. Cô nắm tay Phú kéo vào nhà như sợ rằng anh có thể đột nhiên biến mất. Phú hỏi Mai Du, thăm hỏi từng người trong gia đình cô. Còn Mai Du thì không còn nhớ quá khứ, không còn nhớ những giận hờn, tựa hồ giữa hai người chưa hề có sự sứt mẻ trong tình bạn. Có điều, Mai Du mừng rỡ, còn Phú thì vẫn có vẻ e dè, như đang có ý thăm dò. Anh mượn cớ nhờ Mai Du mua giùm bạn anh mấy cái nón để chuẩn bị lên đường. Rồi Phú nói giọng buồn buồn, thật thà: "Mình không thể đi mà không gặp lại Mai Du. Mình không thể để mất Mai Du được".

Cả nhà Mai Du vui hẳn lên. Bọn nhỏ Mai Hoa lại sà vào người anh Phú gọi rối rít, như những ngày nào.

Sáng hôm sau, Phú đến, cùng Mai Du đi chợ Vinh. Hai người đi khá lâu nhưng Phú chỉ nhờ Mai Du mua mỗi một cái nón. Mai Du sắm cho Phú mấy thứ để Phú mang đi. Khi trở về, cả hai đều vui lắm, không hề có sự cách bức gì nữa. Phú nói với Mai Du:

"Nón này chính là mình mua để tặng Mai Du làm kỷ niệm. Mai Du nhận cho mình đi được vui".

Tối ấy, Phú lại đến. Tối mùng một tháng chín có biết bao nhiêu trò vui. Hai người sánh vai nhau ra sông Cửa Tiền xem bơi trải, trở về chợ Vinh xem múa lân, rồi lại xuống trước cửa Bưu điện, nơi trung tâm thị xã, xem chăng đèn kết hoa. Khi người người xem hội đã lũ lượt trở về, hàng phố chìm vào trong giấc ngủ im lìm, họ vẫn đi, đi mãi. Họ đi trên đường Ngư Hải, đi qua cổng thành Vinh, đi xuống phía nam thị xã. Họ bước thong thả trên mọi nẻo đường thân quen như muốn tìm lại dấu vết ngày xưa. Ở đâu cũng gợi nhớ những kỷ niệm đẹp của đôi bạn nhỏ, sống thời thơ mộng của tuổi học trò. Hai người nói với nhau bao nhiêu điều tốt đẹp. Chuỗi ký ức thoáng hiện về như một cuốn phim quay nhanh. Cả hai đều cảm thấy một sự đồng điệu. Cả hai cùng chung ý nghĩ: sao mà giống nhau quá vậy? Ai cũng muốn làm lành, ai cũng thấy không thể để mất bạn, thế mà...

Khuya lắm, Phú mới chợt nhớ sau lưng mình xa xa, cô em gái của Phú đang ngoan ngoãn dắt xe đạp lẽo đẽo theo hai người. Bấy giờ, hai người mới quay trở lại. Anh em Phú tiễn Mai Du về tận nhà rồi mới lên xe đạp đèo nhau vào trong cổng thành.

Sáng hôm sau, Mai Du tiễn Lê Phú lên đường đi học ở Cộng hòa dân chủ Đức. Vẫn cái bến ô tô ấy, sao bây giờ trở nên ấm áp thân quen. Chân bước lên xe rồi mà tay Phú vẫn không nỡ rời tay bạn. Anh nói với Mai Du những lời


ngọt ngào:

"Mai Du ơi! Chuyến đi này mình chỉ muốn mang theo mỗi hình ảnh của Mai Du thôi. Trên mỗi chặng đường, mình sẽ viết thư về. Khi có địa chỉ Mai Du viết thư cho mình nhé! Nơi đất khách quê người ấy, mình có đứng vững được hay không là nhờ ở những lá thư của Mai Du...".

Phú nói nhanh như sợ rằng không kịp nói. Mai Du ngước nhìn bạn bằng đôi mắt ướt cười cười, tay siết chặt hơn một chút bàn tay bạn. Phú hiểu rằng hình ảnh ấy của Mai Du là biểu hiện một cảm xúc lẫn lộn giữa nỗi lưu luyến bịn rịn chia tay với niềm vui tái ngộ, vừa là tình cảm mến yêu tin tưởng lại vừa là một lời hứa với người đi xa.

Cả Phú và Mai Du đều giữ lời. Sợi dây tình bạn giữa hai người chẳng những được nối lại mà còn thắm, còn bền hơn xưa. Bạn trai trong trường thấy Mai Du thường xuyên có thư từ Matxcơva và từ CHDC Đức gửi về, họ đoán già đoán non xem quả thật "người yêu phương xa" của Mai Du, mà cô công nhận rằng "đã đính ước" từ mấy năm về trước, là người nào vậy?

Thư anh Thái viết không dài. Anh cũng có kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học hành, chuyện Matxcơva... cũng có khi anh miêu tả "đường bạch dương sương trắng nắng tràn" như trong thơ của Tố Hữu cho có vẻ ướt át một chút. Song thường thì anh chỉ thăm hỏi, dặn dò, hứa hẹn và động viên Mai Du "đợi anh về". Những lá thư ngắn gọn súc tích, chỉ viết những điều cần viết ấy hình như đã mang phong cách của một nhà khoa học? Còn thư của Phú thì không cần tiết kiệm chữ, tiết kiệm lời. Anh kể tỉ mỉ cho Mai Du nghe về cuộc hành trình hàng vạn dặm và cả những cảm xúc của anh mỗi lần đặt chân đến một miền đất mới. Mai Du hình dung rành rõ như đang được xem những đoạn phim mà người "quay" nó đã có những biểu hiện của một tâm hồn nghệ sĩ, đồng thời cũng chứng tỏ cốt cách của một chàng trai luôn tự ý thức và đã thực sự trưởng thành. Phú kể rằng anh đã đến Matxcơva, đã tìm tới trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, bởi anh quyết gặp cho được Hà Sinh Thái để xem anh ta là người thế nào.

Bữa ấy, tại ký túc xá trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Hà Sinh Thái và bạn thân của anh là Trịnh Hùng Duân đang đánh bóng bàn. Phú đến. Anh quan sát Hà Sinh Thái mãi, chưa đủ, vẫn cố chờ cho đến khi Trịnh Hùng Duân đặt cây vợt xuống, Phú cầm lên ngay, mà rằng: "tiếp anh Thái một séc", để có dịp đối diện. Anh Thái có thể không biết nhưng Phú thì rõ ràng có ý thức về việc làm của mình.

Nguồn: truyen8.mobi/t86815-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận