Nhưng không thể cứ nguyên xi giỏi giang, tốt bụng khi bạn gặp phải những yêu nữ công sở, hoặc những đồng nghiệp nam cầm tinh yêu quái.
Lúc này, dù chẳng muốn, bạn vẫn cần một chút “xấu xa”, nếu bạn gọi việc mạnh mẽ và khôn ngoan để tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình như vậy.
*
Bữa trưa công sở, chị bạn tôi làm ở phòng marketing công ty gần đó, lấp đầy bụng dạ bằng một tràng dài những chiến tích của cô nàng đồng nghiệp. Nàng là họ hàng gần xa của ông bạn của chủ tịch công ty. Nàng lười nhác, năng lực có hạn nhưng thủ đoạn vô biên. Nàng gác chân lên ghế mỗi khi văn phòng thảnh thơi, nhưng vờ cuống quýt làm việc mỗi bận sếp tổng lướt qua giám sát. Công lao của chị bạn tôi, cô nàng, vờ như... ngốc nghếch, vơ hết vào mình. Bạn tôi ấm ức, nhưng chẳng dám động vào tổ kiến lửa. Mỗi ngày đến cơ quan với chị là một cực hình, dần dà chẳng còn chút nhuệ khí nào để vươn lên nữa.
Nghe xong tâm sự ấy, cả bọn chúng tôi đã sẵn sàng tổng xỉ vả cô nàng vắng mặt kia một trận. Nhưng cơn thịnh nộ ấy bị kìm hãm lại bởi câu chuyện của một cô nàng khác.
Chuyện từ thời xa xửa xừa xưa, nhưng tới giờ nàng vẫn còn cay.
Khi đó, nàng trẻ. Mà khi người ta trẻ, thật khó có thể ngồi im một chỗ, gắn bó với đống giấy tờ của một công việc mà chẳng cần mở mắt ta cũng có thể hoàn tất ngon lành. Tuổi trẻ gắn với máu liều, nên nàng ưa nhảy việc. Tôi nghĩ ấy cũng là một xu thế của những con người năng động, không ngại thử thách.
Nàng đang là biên dịch viên cho một công ty đầu tư tài chính. Công việc với mức lương không tồi, nghe qua tưởng đơn giản: hằng ngày nàng vào những trang web uy tín, tìm kiếm, tổng hợp thông tin cần thiết và dịch ra tiếng Việt, đưa lên website công ty. Công việc không to tát gì nhưng nhiều vô kể, đòi hỏi sự kiên nhẫn và hơn mọi thứ, đó là... siêu nhàm chán. Tính nhảy việc tiếp, nàng bèn chỉnh sửa CV, lên mạng dò tìm vài trang web tuyển dụng rồi nộp đơn online. Đúng lúc yêu nữ cùng phòng đi qua, nhìn vào màn hình của nàng, hồn nhiên phán: “Vừa được tăng lương mà đã chê việc chán, coi bộ bây giờ khó giữ chân người tài ha!”. Cùng lúc đó, sếp đi qua, nghe thấy hết. Nàng bị “knock out” ngay khi chưa kịp nộp đơn xin việc, cũng như chưa kịp chuẩn bị bất cứ công việc nào cho quãng thời gian thất nghiệp. Bấy giờ nàng mới hay, thường ngày ngon ngọt chuyện trò, không có nghĩa yêu nữ công sở sẽ bao bọc ta những ngày gian khó!
Một người bạn tôi trầm ngâm, an ủi hai chị kia rằng, “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào gặp quả nấy”, rồi “đừng nóng vội, rồi ả sẽ sớm gặp báo ứng thôi!”... Thoạt nghe cũng có vẻ xuôi tai, tạm thời an ủi cơn giận đang sôi sùng sục.
Nhưng chẳng lẽ bạn cứ nhẫn nhịn để các yêu nữ công sở dồn bạn vào chân tường? Hãy nhớ đừng bao giờ lấy nhẫn nhịn làm đầu, cái ta cần là hiểu người, hiểu đời.
Một cô bạn từ thời đại học của tôi, một thân một mình vô Sài Gòn thử sức, bỏ mặc những mối quan hệ có thể mang đến cho nàng một công việc ổn định ở Hà Nội. Thoạt đầu, nàng thử việc cho một tờ báo. Những bài viết của nàng nhanh chóng có sức nặng và tầm ảnh hưởng. Sếp đưa nàng vào vị trí biên tập viên chính thức. Đó cũng là khi người phụ trách nàng, cũng là một phụ nữ, người từng dẫn dắt bạn những ngày đầu bỡ ngỡ, chị này nảy sinh nỗi sợ hãi bị soán ngôi, bèn tìm cách phá bạn. Những ý tưởng nàng không ngừng tuôn chảy, nhưng khi viết ra, nộp cho chị ta, sau vài ngày bỗng chốc được chị triển khai thành những đề tài tương tự, chỉ cách diễn đạt là khác, và tên tác giả là ai hẳn bạn cũng có thể đoán ra. Thay vào đấy, những đề tài khó nhằn chị đều đẩy cho cô nàng.
Nàng mệt mỏi, nhiều lần định bỏ cuộc. Nhưng không, cái mà nàng cần là sự công bằng, là sự đánh giá chính xác năng lực thực sự của nàng.
Cuối cùng, nàng quyết định, nghĩ ra ý tưởng mới, phát hiện những vấn đề hay, nàng gửi thẳng đến sếp. May cho nàng là bảng thành tích của nàng đủ làm bảo chứng cho những e-mail vượt cấp ấy. Nàng kể với sếp là nà ng có nhiều ý tưởng mới lạ, nhưng chị phụ trách không tin nàng có thể làm được nên không giao, song nàng lại muốn thử sức và cần sếp cho cơ hội. Sếp đồng ý. Nàng trở thành biên tập viên chính thức của tờ báo ấy. Nàng không ngoan ngoãn chịu thua! Nàng đã sử dụng “thủ đoạn”, và “xấu xa một chút”!
Một câu chuyện khác. Tôi vừa được một cô bạn khác mời đi ăn khao. Vì vụ gì ư? Nàng vừa giải cứu thành công chồng nàng khỏi một cô ả mê muội và lắm chiêu trò. Ả ta mê đắm chồng nàng, thổi vào tai chồng nàng những chuyện không hay về nàng, rằng nàng từng đến tìm ả và dọa dẫm đủ thứ, bạt tai túm tóc ả, này nọ... Dù yêu vợ nhưng ít nhiều cũng hoài nghi, lâu dần sinh ra chán nản. Ả kia tranh thủ thời cơ rủ chồng nàng ra ngoài cà phê cà pháo cho tiện bề... tâm sự.
Hèm, cô nàng khổ sở, khóc lóc. Nhưng nhất quyết nàng không đầu hàng. Nàng tìm ra những lí do hợp lí để chồng ở nhà nhiều hơn. Nàng nói với chồng về ả kia, những điều tốt đẹp, khen ả dễ thương, rằng ả coi nàng như em gái. Chồng nàng mới tá hỏa lên, hiểu ra mọi sự. Và tất nhiên, quay đầu là bờ, mái ấm và nàng vẫn luôn ở đó chờ đợi.
Một cô nàng đanh đá như tôi sẽ cho bạn một lời khuyên cũng hơi đanh đá: Đẹp thôi chưa đủ, phải “xấu xa”một chút! Bạn có thể vẫn giữ quan niệm sống và bản chất tuyệt vời của bạn. Tôi vẫn cứ yêu quý bạn và thỉnh thoảng sôi sùng sục tức hộ bạn như thể phải xem một bộ phim truyền hình về những cô gái nhẫn nhịn, bởi vì tôi là một cô gái hành động.
Ai cũng yêu những người phụ nữ đẹp và tốt bụng. Nhưng đẹp và tốt bụng khiến ta thành nhu nhược, cam chịu những bất công vô lí xảy đến với mình. Thực tình, tôi ước rằng bạn hãy cứ “xấu xa” một chút để bảo vệ chính mình, bảo vệ cả những người tốt quanh bạn.
Tất nhiên, là chớ nên thường xuyên sử dụng nó, đến nỗi cái “một chút” ấy ngấm vào máu, biến thành bản chất. Đó là khi cái đẹp trong bạn đã bị biến hình.