Thầy Lang (Znachor) Chương 5.2

Chương 5.2
Hôm ấy, ông sửa soạn đóng cửa cối xay muộn hơn thường lệ. Ông cứ chờ mãi.

Người nhà không hiểu tại sao ông lại cáu bẳn thế, vì ông chẳng nói với ai nửa lời. Nhưng trong lòng ông thì sôi sùng sục. Thì chính ông đã nói rõ ràng rằng nó phải đến đúng vào ngày thứ sáu kìa mà, thằng Ka-zi-uc đi mất rồi. Từ ngày mai, việc sẽ bừa ra đấy, thế mà ở đây cứ phải đứng chờ, có bực không kia chứ!

- Mày cứ đợi đấy, đồ chó con mất dạy, - lão khẽ rầm rừ, tay xoắn xoắn bộ râu. Lão thề độc trong bụng sẽ không thèm nhận nó nữa, dù nó có đến ngay sáng sớm tinh mơ ngày mai. Thứ bảy không phải là thứ sáu. Tốt nhất cứ lấy một người ngoài đường, dù là kẻ cắp, còn hơn chịu nhận Ni-nit-ka.



Nhưng ngày hôm sau Ni-nit-ka cũng không ló mặt. Đành phải lấy tạm một người làm đỡ trong đám nông dân chở lúa đến xay.

Ngày hôm sau nữa là chủ nhật, cối xay nghỉ, lão Prô-cốp cầu nguyện xong - mặc dù nỗi bực bội cản trở lão đọc kinh - bước ra trước nhà, ngồi xuống ghế dài. Lão muốn ban cho thằng bé một thứ đặc ân thế mà nó lại không thèm ló mặt đến. Chắc là ở Ô-smi-an nó đã tìm được việc làm nên không tới nữa, nhưng cái đó cũng chẳng thanh minh cho nó được kia mà.

- Rồi bọn Rô-ma-nhi-uc còn phải nhớ đời về việc này, - lão lẩm bẩm, rít tẩu thuốc.

Mặt trời chiếu sáng rỡ. Ngày ấm áp và thanh bình. Hàng lũ chim tụ tập trên các đầm chứa nước để săn đuổi côn trùng. Đột nhiên trên đường cái có tiếng động cơ nổ vang. Ông lão đưa tay che mắt nhìn. Một chiếc xe mô-tô đang phóng.

- Ngày lễ mà chúng nó dám làm thế đấy, - lão nhổ đánh toẹt. - Chẳng biết sợ Chúa nữa à.

Lão biết lão đang nói về ai. Từ dạo mùa xuân, cả vùng này đều biết đó là cậu chủ Trưn-xki, con trai ông chủ nhà máy ở Lu-đơ-vi-kốp. Cậu ấy học xong bằng kỹ sư ở ngoại quốc, giờ về thăm cha mẹ để nghỉ ngơi. Người ta đồn rằng cậu sẽ điều hành nhà máy thay cha, nhưng trong óc cậu ta chỉ toàn nghĩ đến cái mô-tô, cái máy quỷ quái gì không biết, ban đêm chẳng để cho ai ngủ nghê, chỉ tổ khiến lũ ngựa dọc đường giật mình.

Ông lão bực mình nhìn theo đám bụi mù đang khuất dần trên đường cái, và khi nhìn về phía ấy, lão chợt thấy một người đàn ông đang đi về phía cối xay. Người ấy bước khoan thai, nhịp nhàng, vai vác chiếc gậy con treo toòng teng khăn gói. Thoạt tiên lão Prô-cốp nghĩ rằng đó là Ni-nit-ka, máu dồn ngay lên mặt lão, nhưng khi người ấy lại gần thì hóa ra ông ta không còn trẻ nữa, chòm râu đen đã ngả màu sương.

Ông ta đến gần, cúi chào, làm dấu thánh chúc phúc, rồi hỏi:

- Ông có vui lòng cho phép tôi ngồi nghỉ và hỏi xin ít nước hay chăng? Ngày nóng quá, đâm ra khát.

Người chủ cối xay chăm chú nhìn ông, ngồi dịch ra nhường chỗ rồi gật đầu.

- Ngồi thì ai cũng có quyền. Còn nước thì, ơn Chúa, chỗ chúng tôi đây không thiếu. Đó, trong hành lang, có chiếc thùng đặt đó.

Lão thấy người khách vừa đến có vẻ dễ cảm tình. Ông ta có nét mặt buồn buồn, bản thân lão Prô-cốp cũng đã từng trải biết bao lo phiền nên chẳng thích những nét mặt vui tươi. Hơn nữa mắt người khách lộ ra vẻ gì đó tốt lành. Và, qua mỗi người lãng du đều có thể biết được thêm đôi điều thú vị. Mà người này thì rõ ràng là khách phương xa, bởi lẽ giọng nói của ông ta khác hẳn.

- Thế Chúa đưa ông từ đâu lại? - Lão Prô-cốp hỏi khi người khách không quen quay trở ra, ngồi xuống, đưa mu bàn tay quệt những giọt nước đọng trên râu cằm và ria mép.

- Từ xa lắm. Vừa rồi thì tôi từ Grôt-nô đến. Đi tìm việc.

- Ở Grô-nốt không tìm được việc làm sao?

- Có. Tôi làm một tháng ở nhà một người thợ rèn tại Mi-xku-nư. Nhưng rồi công việc hết, thế là tôi lại đi tiếp.

- Ở Mi-xku-nư à?

- Vâng.

- Tôi có viết tay thợ rèn đó. Có phải Vô-uô-vich không?

- Vô-uô-vich Ju-zep. Một mắt.

- Phải. Tàn lửa làm ông ta bị chột. Thế ra ông cũng biết rèn?

Người khách mỉm cười.

- Cũng biết rèn mà cũng không. Việc gì tôi cũng làm...

- Sao lại thế?

- À. Thì cũng ngót mười hai năm nay tôi lang thang trên thế giới, nên cũng học được nhiều nghề.

Ông lão liếc nhìn người khách từ dưới đôi mày rậm.

- Thế ông có biết làm các chi tiết cối xay không?

- Không. Chưa có dịp nào. Nhưng tôi cũng xin thú thật, ông Mi-en-nhich ạ. Tôi trú đêm ở làng Pô-bô-rê-diê, tại nhà một ông Rô-ma-nhi-úc nào đó. Những người thật tốt bụng. Tại đó tôi nghe nói rằng ông sẽ nhận con trai họ vào làm chỗ ông. Nhưng cậu ta đã tìm được việc làm ở Ôs-mi-an, nhận chân kèm trẻ học ấy mà, nên không quay về nữa.

Lão Prô-cốp sầm mặt.

- Nhà Rô-ma-nhi-úc cử ông đến đây phải không?

- Đâu có. Nhưng ở đó tôi nghe chuyện, nghĩ bụng thử tranh thủ cơ hội xem sao. Đến nơi hỏi thăm cũng chẳng tội lỗi gì. Ông muốn thì nhận tôi, không muốn thì đừng nhận.

Lão Prô-cốp nhún vai.


- Tôi nhận ông sao được, cho người lạ vào nhà mình à?

- Tôi cũng không ép.

- Ông làm thế là đúng. Tôi không biết ông, cũng chẳng một ai ở đây biết cả. Tự ông cũng hiểu đấy. Có thể ông là một người tốt, không có ý đồ xấu, nhưng cũng có thể ông là người xấu. Thậm chí ngay tên ông tôi cũng chẳng biết, ông sinh ở đâu tôi cũng không hay...

- Họ tên tôi là An-tô-ni Kô-si-ba, quê tôi miền Ka-lis.

- Ai biết cái xứ Ka-lis ấy ở đâu.

- Hẳn là thế, cũng xa đấy.

- Thế gian rộng lắm, lão Prô-cốp thở dài, - có đủ mọi hạng người.

Im lặng bao trùm, nhưng lát sau người chủ cối xay lại hỏi:

- Thế sao ông cứ phải đi mãi như vậy, không ngồi đâu cho ấm chỗ? Ông không có nhà cửa à?

- Không có.

- Thế vợ cũng không có ư?

- Không.

- Tại sao?

- Tôi cũng không biết nữa... Vợ con chẳng mang lại gì tốt lành trên đời cả.

- Cái gì đúng, vẫn đúng, - lão Prô-cốp thừa nhận. - Họ chỉ gây toàn những chuyện lo lắng phiền muộn mà thôi. Nhưng dù sao cũng phải lấy vợ. Luật của Chúa thế rồi.

Và lão Prô-cốp nghĩ thầm rằng cái luật kia đối với bản thân lão sao mà khắc nghiệt. Vợ lão quả có sinh cho lão ba thằng con trai và một đứa con gái, nhưng chẳng phải để làm vui, chỉ mang lại toàn bất hạnh mà thôi.

Dòng suy tư của lão bị người khách cắt ngang:

- Ông không quen biết tôi thật, nhưng tôi đã từng làm cho nhiều người, tôi có chứng nhận đây. Ông có thể xem qua.

- Tôi chẳng đọc làm gì. Biết đọc biết viết cũng chẳng hay ho gì đâu.

- Giấy tờ tôi có đủ. Nếu như tôi là đồ trộm cắp, tôi sẽ chẳng đi tìm việc làm gì, chỉ ăn cắp là đủ sống. Mà nếu tôi là đồ trộm cắp thì đã bị tống giam từ lâu rồi. Đã mười hai năm nay tôi đi lang thang. Tôi chẳng biết nương tựa vào ai bởi chẳng có một ai gần gũi.

- Thế sao ông không có?

- Còn ông có chứ? - Người khách hỏi lại. Câu hỏi khiến chủ cối xay phân vân.

- Sao không? Tôi có gia đình chứ?

- Thế nếu như, xin Chúa bỏ qua, gia đình chết cả, liệu ông có tìm thấy ai gần gũi nữa không? Ông có tìm thấy những người tốt bụng chân thành giúp đỡ ông trong hoạn nạn?...

Người đàn ông không quen nói, như đầy cay đắng, chua xót và nhìn thẳng và mắt lão Prô-cốp.

- Không có một người gần gũi nào cả, - ông kết luận, còn lão Mi-en-nhich, không đáp. Lần đầu tiên trong đời người ta nói với lão điều đó, và lão thấy đó là điều đúng đắn. Vì vậy, lão nhìn người khách với nhiều cảm tình hơn.

- Không biết người nói hay nghĩ gì về tôi, - lão nói, - tôi cũng chẳng quan tâm gì đến chuyện đó. Chắc chắn người ta cũng đã kể cho ông nghe những chuyện vớ vẩn nào đó. Còn tôi, tôi tự biết cần phải sống ra sao. Tôi chẳng muốn xúc phạm đến ai hay làm ai phải khổ. Ai đến với tôi, ra đi bụng không phải chịu đói. Có Chúa chứng giám! Với ông tôi cũng nói thế này: nhà tôi không thiếu bánh mì, ông cứ việc ăn thật no. Và chắc chắn tôi không để ông phải ngủ đêm trong rãnh. Một góc nhà thể nào cũng có. Nhưng việc làm cho ông thì tôi không có. Tôi bảo ông thật nhé: ông không có vẻ gì là người ngu ngốc và cũng có thể là người ngay thật đấy. Nhưng tôi cần một người thợ trẻ, đủ sức lực. Mà ông thì đã có tuổi rồi.

Nghe thấy thế, người khách đứng lên, không nói một lời. Cách nhà vài bước chân có một thớt cối xay vỡ đôi nằm lẫn trong cỏ. Ông ta khom người, luồn tay dưới nửa thớt cối, dang rộng chân lấy đà, rồi nhấc lên cao trên đầu. Ông cứ giữ nguyên như thế hồi lâu, im lặng ngó lão Mi-en-nhich, rồi ném mạnh đi, khiến đất rung lên.

Lão Prô-cốp im lặng nhồi tẩu thuốc. Người khách ngồi xuống bên cạnh, rút thuốc lá trong túi ra. Ông châm thuốc, người chủ cối xay nói:

- Chiều rồi đấy.

- Chiều rồi, - người khách đồng tình, liếc nhìn lên vầng dương.

- Đến giờ ăn trưa rồi. Không biết các mụ này làm gì mà chẳng giữ đúng giờ giấc ngày lễ gì cả (22).

Song thực ra thì "các mụ" đã giữ đúng, vì từ trong hiên nhà chợt vang ra giọng thanh thanh của một bé gái:

- Ông ơi! Ăn cơm!

- Đi, mời ông ăn với chúng tôi những gì Chúa ban cho, - lão Prô-cốp vừa lẩm bẩm vừa đứng dậy.

- Chúa sẽ đền ơn - người khách đáp rồi đi theo ông.

Nguồn: truyen8.mobi/t110305-thay-lang-znachor-chuong-52.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận