Thầy Lang (Znachor) Chương 6

Chương 6
Từ hôm ấy, ông An-tô-ni Kô-si-ba ở lại luôn trong cối xay của lão Prô-cốp Mi-en-nhich.

Mặc dù không bao giờ cười, cười mỉm cũng hiếm khi, nhưng ông thấy mình dễ chịu hơn từ trước đến giờ. Ông không ngại việc, chẳng phải sợ động tay hay dùng lưng, ông chẳng thích nói nhiều, cho nên ông lão Prô-cốp chẳng có điều gì phải chê trách ông. Ngược lại thậm chí lão còn hài lòng về người làm công mới. Nếu lão không hề để lộ ra điều đó chẳng qua cũng chỉ vì tính lão vốn quen thế mà thôi.

An-tô-ni Kô-si-ba làm tròn tất cả mọi việc được giao vào tay ông. Khi có thứ gì hư hỏng, ông lại ra tay sửa chữa, và vì lẽ bản tính ông vốn nhanh trí, nên người ta có thêm một tay rất được việc. Nhiều khi những má kẹp bị gẫy hay bánh cóc bị trượt trên trục, ông biết ngay cần phải làm gì, lại làm được ngay, không cần phải mời thợ rèn hay thợ làm bánh xe.



- Bác giỏi thật đấy, bác An-tô-ni ạ, - Vi-ta-lix bảo. - Rõ là người đi nhiều trên đời Lại một lần khác: - Mà bác cũng đã già đâu. Bác cứ làm cho ông Prô-cốp thật khá rồi bác xem, thế nào bác cũng kiếm được vợ nữa kia, Bác sẽ lấy cô Ôn-ga gái góa kia kìa...

- Anh cứ toàn nói những chuyện không đâu, - An-tô-ni Kô-si-ba nhún vai, - họ không nghĩ tới chuyện đó, tôi lại càng không nghĩ. Để làm chuyện gì cơ chứ?

Bánh cối quay rầm rập, dòng nước dư dả chảy ào ào, hạt ngũ cốc lao xao. Những bụi bột trắng xóa bay đầy trong không khí, khiến nó tràn ngập mùi bánh mì thơm ngon, từ sáng sớm đến không hết việc. Ngược lại không đủ thì giờ để làm nữa kia. Nhưng chủ nhật thì có thể xả hơi để cho xương cốt giãn ra một chút. Song ngay cả những lúc ấy, ông An-tô-ni cũng không hề có ý xán lại gần cô Zô-nhia vui vẻ hay cô Ôn-ga, mẹ của Na-tan-ka, mặc dù cả hai người đều mến ông và đối xử với ông đầy tình cảm. Những lúc rỗi ông thường hay chơi với cô bé Na-tan-ka.

Ngày ngày giống như nhau, và chính ông cũng tưởng mọi sự cứ tiếp diễn mãi như thế, giá như không xảy ra một việc, không những chỉ làm thay đổi tất cả, mà đối với gia đình ông Prô-cốp Mi-en-nhich nó còn là một sự kiện trọng đại.

Chuyện là thế này: vào hôm thứ bảy, ngay trước lúc bánh xe ngừng quay, một cái moay-ơ bằng gỗ sồi tự nhiên vỡ toác. Cần phải dùng đai sắt nẹp ngay nó lại. Ông Prô-cốp chạy như bay để mang đồ nghề đến và An-tô-ni phải mất ba tiếng đồng hồ đổ mồ hôi mới sửa xong. Và vì lão Prô-cốp hết sức quý đồ nghề, bao giờ cũng cất chúng ngay cạnh giường, nên lão bảo An-tô-ni cất ngay vào đó. An-tô-ni vác hòm đồ nghề lên vai đi cất. Cho đến nay chưa bao giờ ông đặt chân vào các buồng, vì ông không phải là kẻ tò mò và cũng chẳng có việc gì phải vào đó.

Trong buồng hết sức sạch sẽ, những chiếc rèm cửa trắng toát được hồ cứng treo trong khung cửa và những chiếc chậu cảnh trồng thu hải đường. Trên những chiếc giường cao chân chồng chất đến tận trần nhà, những chiếc kim tự tháp xây bằng các lớp xốp phồng căng, nền nhà được sơn màu đỏ.

Ông An-tô-ni lùi lại để chùi chân thật sạch, rồi mới bước vào. Ở phòng thứ hai ông gặp Va-sin-ka. Va-sin-ka đang nằm trên giường khóc nức nở. Khi trông thấy ông An-tô-ni, cậu cố nén, nhưng rồi đột nhiên cậu gào to:

- Ông An-tô-ni ơi, tôi không thể chịu đựng lâu hơn được nữa. Thà chết còn hơn phải sống thế này. Tôi tự tử cho rảnh nợ. Số tôi đã định như thế rồi.

- Đừng nói chuyện vớ vẩn thế, ông An-tô-ni bình tĩnh khuyên. Người đời gặp biết bao điều bất hạnh, thế mà người ta vẫn sống được đấy thôi, cậu ạ...

- Sống được à? Để làm gì kia chứ? Tôi là cái thớ gì, sống để rồi mục ruỗng ra như khúc gỗ kia ư?

- Sao lại mục ruỗng?

- Thế thì là gì? Chẳng có ích cho ai, chẳng có ích cho bản thân mình. Rồi cũng sẽ thế thôi. Tôi cứ nằm đây, nghĩ mãi rồi. Và tôi hiểu ra: không còn cách nào khác.

- Bỏ những điều vớ vẩn ấy đi, - ông An-tô-ni lầm bầm, - cố giấu nỗi xúc động: cậu còn trẻ lắm.

- Trẻ thì sao? Trẻ làm gì khi mà hai chân tôi không thể tự nhúc nhích được, nếu tôi già thì cũng đành... Còn đây là sự trừng phạt của Chúa vì tội ác của cha tôi. Tôi phải chịu tội thay hay sao? Vì sao lại là tôi kia chứ? Tôi cướp phần tài sản của cha tôi ư?... Không phải tôi! Không phải tôi! Cha tôi! Thế thì sao tôi lại phải gánh chịu nỗi tàn tật này?...

Ông An-tô-ni nhìn xuống. Ông không tài nào dám nhìn thẳng vào chàng trai trẻ xinh đẹp, gần như một đứa trẻ này, kẻ đang khóc than cho số phận của mình.

- Cậu hãy nghĩ đến chuyện khác đi vậy, ông ấp úng không chút thuyết phục.

- Tôi có thể nghĩ đến chuyện gì kia chứ, đến chuyện gì nào? Cứ trông thấy hai cái chân này là tôi thà không được sinh ra trên đời còn hơn! Ôi, ông nhìn này!

Cậu giật mạnh chăn, để phơi đôi chân ra.

Hai chiếc chân gầy guộc teo tóp một cách thiếu tự nhiên, trên đôi ống chân có những vết sẹo màu hồng chưa kịp ngả sang màu trắng và những cục lồi ra.

Va-sin còn nói gì đó nữa, nhưng ông An-tô-ni Kô-si-ba không hề nghe thấy, không phân biệt nổi những điều cậu nói. Ông nhìn chằm chằm như thể bị bùa mê. Ông cảm thấy có một điều gì lạ lùng lắm đang xảy đến với ông. Ông ngỡ như có hồi nào đó được nhìn thấy một cảnh tượng như thế này, hình như đúng hệt như thế. Một sức mạnh nào đó không thể cưỡng nổi xui khiến ông cúi xuống người bệnh đang nằm, ông đưa tay ra, bất ngờ sờ nắn hai đầu gối và ống chân, những ngón tay thô ráp phủ làn da chai cứng của ông, với một sự thành thạo không lầm lẫn, ấn ấn, tìm hiểu trên các cơ đã teo của người tàn tật, các chỗ cong cong của xương mọc không liền.

Ông thở hổn hển nặng nhọc, dường như đang phải làm việc gì cố sức, ông cố chống lại những ý nghĩ trong đầu. Nhưng đúng, đúng rồi; ông hiểu rất rõ chuyện này. Xương liền không đúng chỗ. Chỗ này không được, cả chỗ này nữa. Chứ sao!

Ông thẳng người lên, đưa tay áo gạt mồ hôi trán. Mắt ông sáng long lanh, nhưng mặt ông nhợt nhạt đến nỗi Va-sin-ka phải hỏi:

- Ông làm sao thế?

- Hượm đã, cậu Va-sin, ông An-tô-ni nói, giọng tự nhiên khàn đặc hẳn, cậu ngã gãy chân đã lâu chưa?

- Năm tháng rồi... Nhưng....

- Năm tháng? Nhưng người ta đã xếp lại xương cho cậu rồi chứ?

- Xếp lại rồi. Bác sĩ từ thị trấn Ra-đô-li-xki.

- Rồi sao?

- Ông ấy bảo là tôi sẽ khỏi. Ông ấy bỏ hai chân tôi vào ván kẹp. Tôi nằm suốt hai tháng trời, nhưng khi tháo ra.

- Thì sao?

- Thì ông ấy bảo không thể làm gì hơn được nữa. Xương bị gẫy đến mức không còn cách nào hết.

- Hết cách à?

- Vâng, cha tôi muốn mang tôi tới bệnh viện tận Vin-nô. Nhưng bác sĩ bảo chẳng để làm gì, bởi chính Đức Chúa cũng chẳng thể giúp gì trong chuyện này.

Ông An-tô-ni mỉm cười.

- Không đúng.

- Sao lại không đúng? Va-sin hỏi, giọng run run.

- Thì hẳn là không đúng rồi. Cậu thử động đậy ngón chân xem nào! Thấy chưa... Không đúng! Nếu cậu không động đậy được thì là xong. Thế còn gót?

- Không thể, Va-sin nhăn mặt, đau.

- Đau ư?... Phải đau mới được. Thế có nghĩa là tốt.

Ông chau mày hình như suy nghĩ. Cuối cùng ông nói đầy tin tưởng:

- Cái chân cậu phải làm gẫy lại rồi xếp lại xương. Phải như thế. Rồi cậu sẽ khỏi. Nếu như cậu không thể động đậy các ngón nhân thì không sao chữa nổi, nhưng thế này thì còn có thể.

Va-sin nhìn ông kinh ngạc.

- Sao ông biết, ông An-tô-ni?

- Sao à? An-tô-ni do dự. Tôi không rõ tại sao. Nhưng cái đó có gì khó. Ồ, cậu nhìn này, chỗ này xương phát triển cong, chỗ này nữa, còn chân kia thì tệ hơn nhiều. Chỗ này chắc phải gãy đến sát đầu gối.

Ông ấn ngón tay và hỏi

- Đau không?

- Đau lắm.

- Thấy chưa? Chỗ này nhất định cũng đau thế.

Người gãy chân thít lên khi ngón tay ông chạm vào.

An-tô-ni mỉm cười:

- Cậu thấy chưa?... Chỗ này phải cắt da và thịt. Rồi sau đó dùng búa hoặc là cưa xếp lại cho đúng.

Cái ông An-tô-ni này ngày thường vốn bình tĩnh hay đúng hơn là thản nhiên, giờ bị thay đổi đến khó lòng nhận ra nổi. Ông sôi nổi giải thích cho Va-sin rằng không được để phí thời gian, cần phải giải quyết thật sớm.

- Bác sĩ Páp-li-xki không đồng ý đâu, Va-sin lắc đầu. Ông ấy đã nói một là một, sau đó chẳng muốn nghe ai bàn khác nữa. Có lẽ phải đi Vin-nô chăng?

Cậu run cả người trước niềm hi vọng mà ông An-tô-ni đã thức tỉnh trong lòng, cậu nhìn ông lo lắng.

- Không cần phải đến Vin-nô! – Ông An-tô-ni bực mình trả lời. - Không cần đến ai cả. Tự tôi, tôi sẽ tự làm lấy!

- Ông á? Va-sin kêu lên, hoàn toàn không còn chút tin tưởng nào hết.

- Phải rồi, rồi cậu sẽ thấy, cậu sẽ đi bình thường như trước cho mà xem.

- Ông làm việc đó sao được cơ chứ? Phẫu thuật kia mà. Phải tốt nghiệp khoa học mới làm nổi, ông đã làm bao giờ chưa?

Ông An-tô-ni tự nhiên sa sầm cả mặt. Ông không sao cưỡng nổi niềm mong muốn khát khao đến lạ lùng này. Có một thứ gì đó buộc ông phải khăng khăng giữ ý định của mình. Song đồng thời ông cũng hiểu rằng người ta sẽ không để ông làm, người ta sẽ không cho phép, người ta sẽ không tin. Dĩ nhiên là chưa khi nào ông hành nghề chữa bệnh, lại càng chưa bao giờ xếp lại các xương bị gãy. Trong số rất nhiều nghề mà ông học được trong cuộc phiêu lưu nhiều năm của mình, ông nhớ rất rõ rằng ông chưa hề chữa bệnh cho bất kì một ai. Giờ đây chính ông cũng ngạc nhiên đối với bản thân mình, không rõ tại sao ông lại tin chắc, hoàn toàn tin chắc rằng sự tàn tật của Va-sin có thể chữa khỏi. Ông kinh ngạc nhưng điều đó không hề làm thay đổi ý định chút gì lòng tin tưởng của ông, không làm yếu đi quyết tâm của mình.

- Tôi đã làm bao giờ chưa à? Ông nhún vai. Tôi đã làm bao nhiêu lần rồi ấy chứ. Tôi sẽ làm cho cậu và cậu nhất định khỏi! Cậu không ngu ngốc gì? Cậu sẽ đồng ý phải không?

Cánh cửa hé ra, cô bé Na-tan-ka gọi:

- Bác An-tô-ni đi ăn tối! Còn cậu, cậu Va-sin-ka, cháu mang tận giường cho cậu nhé?

- Tao không ăn, Va-sin bực mình vì bị làm gián đoạn cuộc nói chuyện quan trọng đến thế, cậu sốt ruột gạt đi. Xéo đi, Na-tan-ka!

Rồi cậu hỏi kỹ ông An-tô-ni, cậu chỉ buông ông ra khi có tiếng mẹ giục ầm lên ngoài hiên.

Hai hôm sau, lão Prô-cốp gọi An-tô-ni ra trước cối xay gặp mình, ông lão đang ngồi phì phà nhả khói từ chiếc tẩu thuốc.

- Này An-tô-ni, ông đã bảo gì với thằng Va-sin-ka nhà tôi thế? Lão lên tiếng hỏi, vẻ suy nghĩ. Hình như chuyện chữa chạy gì đó phải không?

- Tôi nói đúng sự thật.

- Sự thật làm sao?

- Là tôi có thể chữa cho cậu ấy khỏi tàn tật.

- Ông cứu chữa cách nào cơ chứ?

- Phải mổ ra, đập gãy xương lần nữa rồi xếp. Xương xếp bị sai.

Ông lão nhổ nước bọt, vuốt chòm râu bạc của mình rồi phẩy tay.

- Thôi đi, chính ngài đốc tờ đã bảo rằng không thể làm gì hơn nữa, thế mà ông, một kẻ ngu dốt, vô học, lại muốn...? Đúng là ông biết rành nhiều thứ việc khác nhau của thợ đấy. Tôi không chối. Vì thật ra có ông... nhưng với thân thể con người thì không đơn giản như vậy đâu. Cần phải biết rõ cái xương con kia nằm chỗ nào, cái mạch máu tí xíu kia chỗ nào, cái nào ăn vào cái nào, cái nào có ý nghĩa như thế nào. Đích thân tôi đã từng mổ, nói ví dụ, con lợn hay con bê. Trên thân chúng có biết bao thứ mà tôi không hiểu nổi. Nhưng nói cho cùng thì chúng là giống gì?... Chỉ là đồ súc vật. Còn trong người mọi thứ đều là tinh tế cả. Cần phải có hiểu biết. Đối với anh nó đâu phải là cái máy cắt rơm để anh có thể tháo tung ra, xếp tất cả những đinh vít với những thứ cũ tỉ cũ tì gì khác lên mặt đất, rồi sau đó anh lắp lại, bôi dầu mỡ và nó cắt tốt hơn trước. Phải có kiến thức, phải qua trường, phải học hành chứ.

- Tùy ông thôi, - An-tô-ni nhún vai. - Tôi cũng có nài đâu chứ? Tôi nói tôi biết làm, vì đã nhiều lần cứu người ta khỏi những chuyện đau đớn như thế, tôi biết làm. Thế với tôi, ông đã bao giờ thấy tôi trả lời cho gió mang đi hay chưa?

Ông lão nín lặng.

- Đã có khi nào tôi nói về một việc gì đó là tôi biết làm, để rồi cuối cùng tôi lại làm hỏng hay chưa?

Lão Mi-en-nhich gật đầu.

- Đúng thế, chối là phải tội! Ông được vi c lắm và tôi không bị thiệt hại gì về ông. Nhưng đây là chuyện con trai tôi. Ông biết rồi đấy. Chuyện đứa con trai duy nhất còn sót lại của tôi.

- Thế ông muốn nó mãi mãi bị tàn tật thế à? Tôi xin bảo thực ông rằng càng ngày cậu ấy sẽ càng khổ sở hơn, chứ chẳng khá hơn được đâu. Chân cậu ấy có những mẩu xương đang chòi nhau. Ông bảo là phải có học, thì ông đã được một bài học rồi đấy thôi. Ông bác sĩ ở thị trấn là người có học đấy chứ. Thế mà ông ấy đã làm được gì nào?

- Người có học đã không làm được, thì kẻ vô học chẳng nên động tới làm gì. Trừ phi - ông ngần ngừ, trừ phi chở đến Vin-nô, đến bệnh viện. Nhưng tốn kém lắm, mà cũng chẳng biết có ích gì không...

- Đằng này không phải tốn kém. Ông sẽ không phải trả cho tôi một xu nào hết. Nhưng tôi không ép. Ông Prô-cốp, tôi xin nhắc lại, tôi không ép ông. Từ tấm lòng thành, từ lòng chân tình đối với cả nhà ông mà tôi muốn làm việc ấy. Nếu như ông sợ rằng cậu Va-sin bị chết hay bị đau đớn nặng nề hơn thì xin ông hãy lưu ý đến hai điều: Thứ nhất, khi ấy ông có quyền giết tôi. Còn nếu ông muốn, tôi sẽ ở lại làm công cho ông suốt đời. Mà tôi có làm gì đâu cơ chứ. Tôi chỉ thương thằng bé, tôi biết là tôi làm được. Điều thứ hai, ông Prô-cốp, ông không nghe không biết gì về những điều cậu ấy đang nghĩ hay sao?

- Nghĩ gì?

- Nghĩ về việc tự chấm dứt cuộc đời.

- Phù, đừng có nói nhằm giờ gở đấy, ông lão Mi-en-nhich rùng cả mình.

- Tôi không nói, nhưng chính cậu ấy, cậu Va-sin-ka luôn nghĩ tới chuyện đó, cậu ấy nói với tôi, với những người khác nữa. Ông hãy hỏi cô Zô-nhia hoặc bà A-ga-ta mà xem.

- Nhân danh Cha và Con!

- Còn ông, ông Prô-cốp, ông đừng cầu đến Chúa nữa đi. An-tô-ni giận dữ nói thêm, bởi ai cũng nói rằng nỗi bất hạnh với lũ con ông là sự trừng phạt của Chúa về tội lỗi với em trai ông...

- Ai nói thế? Ông lão gầm lên.

- Ai?...Ai?... Tất cả mọi người. Cả vùng này. Còn nếu ông muốn biết thì chính con trai ông cũng nói thế đấy. Tại sao, nó hỏi, tôi phải chịu sống tàn tật suốt đời chịu tội thay cho cha tôi?...

Im lặng. Lão Prô-cốp cúi đầu, ngồi như hóa đá. Mái tóc bạc trắng và chòm râu của ông khẽ phất phơ trước gió.

- Lạy Chúa, xin hãy rủ lòng thương, ông thì thào khe khẽ.

Tự nhiên ông An-tô-ni thấy hối. Ông đã ném vào mặt ông già tội nghiệp kia những lời buộc tội đau đớn nhất. Muốn phần nào làm dịu bớt chuyện ấy, ông cất tiếng nói dịu dàng:

- Dĩ nhiên người ta nói toàn chuyện mà người ta nghĩ ra thôi... Không ai có thể biết được những sự trừng phạt của Chúa. Cậu Va-sin hãy còn trẻ và ngu dốt. Tôi không tin chuyện đó đâu.

Ông lão không nhúc nhích.

- Tôi không tin, - ông An-tô-ni nói tiếp. - mà lý do chính là chỗ có thể chữa lành cho con trai ông, chính tôi sẽ chữa. Ông hãy cân nhắc cho kỹ, ông Prô-cốp, vì tôi chỉ mong điều tốt cho ông bởi vì tôi biết rằng ông cũng không muốn điều gì xấu cho tôi. Ông hãy nghĩ kỹ xem, chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như ngược hẳn những điều bàn tán kia, Va-sin khỏe lại, bắt đầu đi lại được, giống hệt những người khác, bắt tay vào làm việc? Ông sẽ có kẻ để mà kế thừa cái cối xay, những năm già yếu của ông, ông sẽ tìm được chỗ nương tựa và chăm sóc bởi một đứa con ruột thịt. Ông hãy nghĩ xem, khi thấy thằng Va-sin khỏi bệnh, những kẻ hay đồn hoáng có phải sẽ chịu ngậm miệng lại không nào?

Lão Mi-en-nhich nhỏm lên khỏi khúc gỗ một cách nặng nhọc và nhìn An-tô-ni, trong mắt lão có những tia lửa lo lắng.

- Ông An-tô-ni, nghe đây, ông có thề rằng thằng bé sẽ không chết chứ

- Tôi sẽ thề. - Một lời đáp trang trọng vang lên.

- Vậy thì đi.

Không nói một lời, lão bước đi trước. Lão nhìn vào các phòng. Không có ai cả. Trong góc, trước ảnh thánh, một ngọn đèn dầu nhỏ cháy leo lét.

Lão Prô-cốp gỡ bức tranh thánh ra khỏi chiếc đinh treo, trang trọng nâng lên quá đầu rồi nói:

- Thề có Đức Mẹ tối cao

- Thề có Đức Mẹ tối cao, ông An-tô-ni lặp lại.

- Thề có Chúa Jê-xu cứu thế

- Thề có Chúa Jê-xu cứu thế

- Tôi xin thề

- Tôi xin thề

- Tôi xin thề, - ông An-tô-ni lặp lại thêm lần nữa, và để khẳng định lời thề ông hôn bức tranh thánh mà lão Prô-cốp chìa ra cho ông.
Mọi sự phải tiến hành hoàn toàn bí mật. Lão Prô-cốp Mi-en-nhich không muốn chuyện lan ra để khỏi phải làm sống lại trong vùng những lời đồn đại về người em trai bị đuổi và sự trừng phạt của Đức Chúa giáng xuống đầu con trai ông. Bởi lẽ, mặc dù đã có lời thề của ông An-tô-ni, mặc dù lão tin tưởng ông một cách khác thường, lão vẫn dự tính đến khả năng con bị chết.

Vì vậy, ngay cả đối với những người gần gũi nhất, lão cũng không thông báo điều gì tỉ mỉ.

Ngày hôm sau, theo kế hoạch của ông An-tô-ni, đám đàn bà phải dọn thật sạch cái nhà ngang. Ở đó lò sưởi được nhóm lên, một xô nước được mang vào, hai chiếc sanh lớn nhất, cùng chăn nệm của cả Va-sin lẫn ông An-tô-ni.

Ông lão Prô-cốp chỉ bảo với đám phụ nữ và người làm công kia rằng:

- An-tô-ni có cách chữa, ông ta sẽ chữa cho thằng Va-sin-ka ở trong đó.

Trong khi đó, ông An-tô-ni chọn một trong số đồ nghề một chiếc búa, một chiếc cưa nhỏ, mài nó thật sạch bong bằng bột gạch và làm thêm cán. Rồi ông tìm cái đục và hai con dao. Cả hai thứ đó ông mài rất lâu, nhưng vì ông mài trong kho xép nên không ai có thể dòm ngó được gì. Cũng không ai biết rằng ông đã bào sẵn những tấm gỗ.

Ông lão Prô-cốp, ngay từ sáng sớm đã đi lên thị trấn, khi trở về ông mang vào nhà ngang cho An-tô-ni những cái gói gì đó. Đó là bông và cồn i-ốt. Băng thì An-tô-ni tự làm lấy bằng hai tấm vải trải giường.

Đến tối, người ta chuyển chỗ cho Va-sin và đêm đó cả hai ngủ cùng nhau trong nhà ngang. Trong nhà ngang có hai buồng với ba cửa sổ và một hõm tường kín. Người ta bố trí giường cho Va-sin trong một buồng. Hõm tường thì An-tô-ni chiếm. Cũng giống như bếp ở nhà trên, trong nhà ngang cũng có những chiếc ghế dài đặt dọc tường và một chiếc bàn lớn đặt trong góc.

Va-sin không tài nào ngủ được. Cậu cứ hỏi mãi ông An-tô-ni về các chi tiết.

- Cậu ngủ đi, rốt cuộc An-tô-ni phải mắng cậu. Sao? Thế ra cậu sợ đau như một mụ đàn bà phải không?

- Tôi không sợ đau. Làm gì có chuyện đó. Rồi ông xem. Tôi sẽ không rên một tiếng. Chính tôi muốn xin ông đừng ngại tôi đau. Tôi chịu được. Cốt sao cho tốt thôi.

- Sẽ tốt.

Tảng sáng, cối xay vẫn hoạt động bình thường. Chỉ có một điều khác thường là hai người đàn bà trẻ phải làm giúp, thay cho ông An-tô-ni.

- Sao thế? Ông Prô-cốp... - Đám nông dân đùa cợt: - “Ông bắt đàn bà đẩy cối xay đấy hả?”

Nhưng Prô-cốp không đáp lại câu đùa. Ông không còn tâm trí nào mà đùa cợt nữa. Ông làm việc của ông nhưng vẫn thầm cầu nguyện trong lòng.

Trong khi đó mặt trời đã ló ra khỏi làn sương mù treo trên chân trời và soi chiếu thế gian bằng ánh sáng ấp áp. Trong nhà ngang đã hoàn toàn sáng sủa.

An-tô-ni đã dọn dẹp từ nãy đến giờ, mệng lẩm bẩm điều gì đó. Va-sin đưa mắt nhìn theo ông và không hề nói một lời. Cậu ngỡ như người khổng lồ rậm râu này là một người đáng sợ, đầy bí ẩn và nguy hiểm. Trong cách cư xử của ông, trong sự vội vã, trong những phút trầm ngâm bất thần và ngắn ngủi, trong nụ cười nửa miệng và cách nhíu mày, có gì đấy gây nên một nỗi sợ sệt đầy mê tín. Va-sin hiểu rằng giờ này sẽ không có ai vào đây, cậu đành phó thác số mệnh vào tay ông ta. Cậu cũng hiểu rằng không một lời khẩn cầu nào giúp dược cậu, rằng ông An-tô-ni sẽ không chịu từ bỏ kế hoạch một ly nào hết. Câu có thể kêu cứu nhưng không sao thốt lên nổi. Cậu chỉ nhìn chằm chằm như thôi miên vào những động tác mà cậu không hiểu chút gì của ông An-tô-ni, nhìn ông bỏ các loại dụng cụ khác nhau vào nước đun sôi, nhìn ông lấy một tấm vải trải giường quấn quanh mình, nhìn ông bày những cuộn băng trên chiếc ghế đẩu, nhìn ông lấy đâu đó ra những đoạn dây thừng...

Va-sin nghĩ bụng chắc hẳn một tên đao phủ đang chuẩn bị tra tấn người ta cũng giống như lúc này. Vì vậy cậu ngạc nhiên khi đột nhiên nghe trên đầu mình một giọng nói ấm áp và chân thành, khác hẳn giọng ngày thường của ông An-tô-ni.

Ông An-tô-ni cúi xuống phía cậu và thân mật:

- Nào, anh bạn can đảm lên, theo kiểu đàn ông nhé! Phải chịu đựng một chút, nếu anh muốn lại được trở thành một thanh niên can trường, tráng kiện. Tất cả sẽ rất tốt đẹp. Nào, hãy tựa vào người tôi.

Ông bế cậu đặt lên bàn.

- Cháu thấy không? Ông bảo, chú biết cháu rất dũng cảm, cháu sẽ nghiến chặt răng, không kêu một lời nào. Nhưng vô tình cháu cũng có thể rùng mình, vì vậy chú phải buộc cháu lại, bởi lẽ những cái rùng mình ấy sẽ làm hỏng việc của chú, được không?

- Trói đi! - Va-sin thì thào.

- Đừng nhìn vào đây nhé! Cháu cứ nhìn lên trần nhà hoặc nhìn qua cửa sổ, ngắm những đám mây trên trời kia kìa.

Chính giọng nói bình thản ấy khiến thần kinh Va-sin dịu lại. Cậu cảm thấy những sợi dây thừng trói chặt người cậu, rằng giờ đây cậu bị gắn chặt vào bàn, không thể nhúc nhích một chút nào nữa. Cậu liếc sang một bên, thấy ông An-tô-ni đang xắn tay áo và rửa tay rất lâu trong nước đang bốc hơi.

Sau đó có tiếng dụng cụ kêu loảng xoảng, một giây nữa và cậu cảm thấy ở chân phải dường như bị một sợi dây nóng bỏng chạm vào hai lần, rồi hai lần nữa!... Nỗi đau tăng lên mỗi lúc một dữ dội hơn. Va-sin lấy hết sức nghiến chặt răng, nước mắt cậu ứa ra. Cậu ngỡ như hàng giờ ròng rã trôi qua, mà cái đau vẫn tăng lên mãi. Cuối cùng, qua hai hàm răng đang nghiến chặt vẫn lọt ra một tiếng hú dài bị nén lại.

- Aaaaaaa....

Đột nhiên một cú đập mạnh giáng xuống chiếc chân đang đau đớn. Cái đau bây giờ khủng khiếp đến nổi giống như lửa đã luồn vào tận tủy xương và khiến các bắp thịt co rúm lại trong cơn giãy chết. Những đốm sáng màu bạc đang quay cuồng trong mắt cậu. Mình chết mất, cậu thoáng nghĩ rồi ngất đi.

Khi tỉnh lại, ấn tượng đầu tiên là vị vốt-ca trong miệng. Cậu cảm thấy người yếu đến tột độ. Cậu không thể nhấc nổi mí mắt lên, không thể hiểu mình đang ở đâu và chuyện gì đang xảy ra với mình. Rồi sau, cậu cảm thấy mùi thuốc lá, tiếp đó cậu phân biệt được những giọng thì thầm. Hai người đang trò chuyện. Phải, cậu nhận ra giọng của cha và ông An-tô-ni.

Khó nhọc lắm cậu mới mở được mắt ra. Lát sau cậu đã quen dần với ánh sáng. Trên chiếc ghế dài đối diện với cậu và đang nhìn chằm chằm cậu là người cha. Bên cạnh là ông An-tô-ni.

- Nó mở mắt rồi, cha cậu thốt lên, Va-sin-ka, con trai ta! Chúa rủ lòng thương những kẻ tội lỗi chúng ta! Cầu cho tên tuổi người sáng láng đời đời! Con trai ta, con sống chứ con? Sống chứ?...

- Sao lại không sống? - Ông An-tô-ni bước lại gần giường. - Cậu ấy sẽ sống và chắc chắn sẽ khỏi.

- Chú xếp lại xương cho cháu rồi ư? Va-sin thì thào hỏi.

- Chứ sao nữa. mọi chuyện đều tốt cả. Cháu bị gãy kinh khủng quá, mà cái ông bác sĩ kia lại còn làm cho nó xấu thêm. Giờ thì cháu phải nằm thật yên. Rồi xương chắc chắn sẽ liền.

- Và cháu sẽ lại... sẽ lại đi được chứ?


- Sẽ đi được.

- Như mọi người sao?

- Hệt như thế.

Mi mắt Va-sin cụp xuống.

- Nó ngủ đấy, - ông An-tô-ni giải thích. - Để cho nó ngủ, giấc ngủ sẽ cho nó thêm sức.

Nguồn: truyen8.mobi/t110640-thay-lang-znachor-chuong-6.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận