Thiên Long Bát Bộ Hồi 196: Thâu doanh thành bại, hựu tranh do nhân toán

Thành bại hơn thua cũng bởi trời,

Cuộc đời nghĩ lại tưởng như chơi.

Trăm sự chẳng qua do mạng số,

Phúc phận cho mình được đấy thôi.

Xe đi lộc cộc ngày đêm không nghỉ. Huyền Nạn, Đặng Bách Xuyên, Khang Quảng Lăng cả bọn đều là những nhân vật có bản lãnh trong võ lâm, lúc này võ công đều mất hết, trở thành những người tù tùy thuộc vào tay người khác bảo sao chịu vậy. Mọi người chỉ đoán chừng đoàn xe đang đi về hướng đông nam.

Cứ như thế đi tám ngày liền, đến ngày thứ chín, mới sáng sớm đã đi lên một sơn đạo. Đến trưa hôm đó, địa thế càng lúc càng cao, đến sau xe lớn không thể lên nổi. Bọn đệ tử phái Tinh Tú gọi bọn Huyền Nạn ra khỏi xe, đi bộ chừng hơn nửa giờ đến một nơi thấy trúc mọc dầy đặc, cảnh sắc thanh nhã, bên giòng suối là một tòa lương đình dựng toàn bằng tre lớn, cấu trúc tinh nhã thật là khéo léo, trúc là đình, đình là trúc khiến thoạt vừa trông không biết đó là rừng trúc hay đình viện. Phùng A Tam tấm tắc khen ngợi, nhìn ngang nhìn ngửa trong lòng bán tín bán nghi.

Mọi người liền vào trong đình ngồi nghỉ, từ sơn đạo có bốn người rảo bước đi xuống. Hai người đi trước là đệ tử của Đinh Xuân Thu, chắc là khi xe vừa dừng bánh đã lên núi thám thính hoặc báo tin. Đi sau là hai thanh niên ăn mặc theo lối nhà nông, đến trước mặt Đinh Xuân Thu khom lưng hành lễ, trình lên một phong thư.

Đinh Xuân Thu mở ra xem qua, cười khẩy nói:

- Hay lắm! Hay lắm! Ngươi vẫn chưa thoái chí đòi quyết một trận sinh tử, ta sẽ bồi tiếp.

Người thanh niên lấy trong túi ra một cái pháo hiệu, đốt lửa châm, nghe bùng một tiếng, chiếc pháo đã bay vọt lên không. Những pháo bình thường nổ một tiếng bay lên rồi sẽ nổ bạch một tiếng vỡ tung ra, còn chiếc pháo hiệu này lên trên trời nổ bạch bạch bạch liên tiếp ba tiếng. Phùng A Tam ghé tai Khang Quảng Lăng nói:

- Đại ca, pháo này do bản môn chế tạo.

Không bao lâu từ sơn đạo một đoàn người đi xuống, tổng cộng phải đến hơn ba chục người, đều mặc theo lối nhà quê, tay cầm binh khí dài. Đến gần hơn mới thấy đây không phải là binh khí mà là đòn gánh, cứ hai chiếc đòn gánh lại có mắc một chiếc võng để cho người ngồi. Đinh Xuân Thu cười nhạt:

- Chủ nhân chiều khách, các ngươi không phải khách sáo, lên võng đi thôi.

Bọn Huyền Nạn các người liền lên cáng, những thanh niên đó hai người khiêng một người, bước đi nhanh nhẹn chạy thẳng lên núi. Đinh Xuân Thu tay áo rộng phất phới, đi trước. Y đi không có vẻ gì gấp gáp nhưng cứ theo sơn đạo khúc khuỷu mà vùn vụt như cưỡi gió lướt đi, chân không chạm đất, chỉ một thoáng đã biến mất trong khu rừng trúc.

Bọn Đặng Bách Xuyên bị trúng Hóa Công Đại Pháp của Đinh Xuân Thu đều phẫn nộ cho rằng mình bị yêu pháp làm hại, chưa đánh đã thua bây giờ thấy khinh công của y cao siêu như thế, bản lãnh đó không thể đánh lừa được, ai nấy thán phục nghĩ thầm: "Nếu y không sử dụng công phu yêu quái chăng nữa thì mình cũng chẳng phải là đối thủ." Phong Ba Ác khen ngợi:

- Lão yêu này khinh công cao siêu quá, quả thật bội phục hết sức.

Y vừa mở miệng tán thưởng, bọn đệ tử phái Tinh Tú lập tức ùa theo xưng tụng, nói là võ công Đinh Xuân Thu đương thế không ai sánh kịp đã đành mà các võ học đại sư từ xưa đến nay, dù cho Đại Ma lão tổ… cũng chẳng bằng, toàn những lời nịnh hót chưa ai từng nghe bao giờ. Bao Bất Đồng nói:

- Này các vị lão huynh, công phu của phái Tinh Tú quả thực hơn hẳn các môn phái khác, quả đúng là tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả.

Bọn đệ tử ai nấy mừng rơn, một người liền hỏi lại:

- Theo ý của huynh đài, công phu ghê gớm nhất của môn phái chúng tôi là công phu gì thế?

Bao Bất Đồng đáp:

- Nào phải chỉ một môn, ít ra cũng phải ba môn.

Bọn đệ tử càng thêm phấn khởi, nhao nhao hỏi:

- Ba môn nào?

Bao Bất Đồng nói:

- Môn thứ nhất là Mã Thí Công.(31.1) Công phu này luyện không tinh, e rằng không sống nổi trong quí phái được một ngày một buổi. Môn thứ hai là Pháp Loa Công,(31.2) nếu không thổi phồng tài ba đức hạnh của quí môn lên rõ to thì chẳng những bị sư phụ ghét bỏ mà ngay cả đồng môn cũng chèn ép, không còn đường nào mà ngóc đầu lên. Còn môn công phu thứ ba là Hậu Nhan Công.(31.3) Nếu không biết táng tận lương tâm, mặt dày mày dạn thì làm sao luyện cho thành được Mã Thí và Pháp Loa hai đại kỳ công?

Y nói ra rồi, tưởng rằng quần đệ tử phái Tinh Tú sẽ nổi giận đùng đùng, xông lại tẩn cho một trận, nhưng mấy câu đó đã lên đến cổ, không nói không chịu được, ngờ đâu bọn kia nghe xong, ai nấy lặng lẽ gật gù. Một người nói:

- Lão huynh quả thực thông minh, biết rất rõ những kỳ công của bản phái. Có điều ba môn kỳ công Mã Thí, Pháp Loa, Hậu Nhan tu tập cực kỳ khó khăn. Những người tầm thường bị nhiễm thói của thế tục, luôn luôn nghĩ đến tốt, xấu giữ trong lòng cái thói hủ lậu phân biệt thiện ác, chia ra thị phi thì khi tu tập môn Hậu Nhan Công, cố gắng nhiều, thành tựu chẳng bao nhiêu, lúc nào cũng thắc thỏm, công phu sẽ kém đi một mức.

Bao Bất Đồng ra lời châm chích, nào có ngờ được bọn này lại thản nhiên như không, chẳng nghi ngờ gì cả, không khỏi kinh ngạc, cười nói:

- Thần công của quí phái thâm áo không đâu sánh kịp, tiểu tử vốn thầm ngưỡng mộ, mong được đại tiên mở đường khai lối.

Gã kia nghe Bao Bất Đồng gọi mình là đại tiên, mặt liền câng câng đắc ý nói:

- Ngươi không phải là người trong bản môn, cái bí áo của thần công ta không thể nào truyền thụ cho ngươi được. Thế nhưng cái đạo lý thô thiển mặt ngoài có nói cho ngươi biết cũng không sao. Bí quyết trọng yếu hơn cả là phải coi sư phụ không khác gì thần minh, dù cho lão nhân gia có đánh rắm…

Bao Bất Đồng liền cướp lời:

- Đương nhiên phải khen thơm rồi. Lại phải hít lấy hít để, ca ngợi hết lời…

Gã kia chặn lại:

- Lời của ngươi nói chung thì đúng nhưng vào chi tiết cũng có khuyết điểm, không phải là " hít lấy hít để" mà phải là " hít rõ mạnh, thở thật êm."

Bao Bất Đồng khen rối rít:

- Đúng quá! Đúng quá! Đại tiên chỉ điểm thật phải, nếu như thở phào ra thì có phải đã coi rắm của sư phụ… không… không thơm lắm hay sao.

Người kia gật đầu nói:

- Đúng đó, thiên tư của ngươi cực tốt, nếu như đầu nhập bản phái thì cũng có triển vọng, tiếc rằng lầm đường lạc lối tả đạo bàng môn. Công phu bản môn biến hóa vô cùng nhưng công quyết cơ bản thì cũng không phức tạp lắm đâu chỉ cần nhớ kỹ bốn chữ rũ sạch lương tâm là làm gì cũng không sai sẩy nhiều.

Bao Bất Đồng gật gù liên tiếp nói:

- Quả đúng là "Nghe ngài nói chuyện một đêm, Còn hơn đọc sách mười năm dùi mài."(31.4) Tại hạ trong lòng từng ngưỡng mộ quí phái từ lâu, tiếc thay không được đầu nhập làm môn hạ, không biết đại tiên có vui lòng tiến dẫn chăng?

Gã kia mặt nhơn nhơn, mỉm cười đáp:

- Gia nhập bản môn nào phải chuyện đùa, phải qua bao nhiêu khảo nghiệm cực kỳ khó khăn năm này tháng nọ, chỉ sợ ngươi không chịu nổi mà thôi.

Một tên khác liền chặn lại:

- Nơi đây tai mắt lắm người, không nên nói chuyện nhiều. Họ Bao kia, nếu ngươi quả có lòng muốn xin vào bản môn, đợi khi nào sư phụ ta trong lòng khoan khoái, ta sẽ nhân đó nói tốt cho ngươi vài câu. Bản phái thu nhận đồ đệ rất đông, ta xem ngươi căn cốt cũng không đến nỗi tệ, nếu được sư phụ mở lòng từ bi, nhận ngươi làm học trò, may ra mai sau cũng nở mày nở mặt.

Bao Bất Đồng mặt nghiêm lại đáp: xem tại t_r.u.y.ệ.n.y_y

- Đa tạ! Đa tạ! Ân đức của đại tiên, Bao mỗ quyết không bao giờ quên được.

Bọn Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can nghe Bao Bất Đồng phỉnh nịnh bọn đệ tử phái Tinh Tú, trong bụng không khỏi vừa tức cười, vừa lộn ruột nghĩ thầm: "Trên đời này sao lại có những kẻ hèn mạt vô sỉ đến thế, lấy trò bốc thơm, bợ đít làm vinh, quả thực chưa từng nghe đến."

Trong khi nói chuyện, đoàn người đã đi vào một sơn cốc, bên trong thung lũng toàn là cây tùng, gió núi thổi đến tiếng reo dạt dào như sóng vỗ. Đi thêm chừng một dặm nữa thì đến ba gian nhà gỗ. Trước nhà là một cây cổ thụ bên dưới hai người ngồi đối diện nhau. Người phía bên trái có ba người đứng sau lưng. Đinh Xuân Thu đứng xa xa, ngẩng đầu nhìn trời, thần tình cực kỳ ngạo mạn.

Đoàn người đến gần, Bao Bất Đồng nghe thấy Lý Khổi Lỗi ở cáng phía sau ồ lên một tiếng, dường như định nói gì nhưng lại cố nén lại. Bao Bất Đồng quay đầu lại nhìn, thấy mặt y tái nhợt, thần tình cực kỳ hoảng hốt. Bao Bất Đồng hỏi:

- Ngươi làm sao thế? Trông thấy ma à? Làm gì mà sợ vậy?

Lý Khổi Lỗi không trả lời, làm như không nghe thấy y nói gì. Đến gần hơn nữa, thấy giữa hai người ngồi là một phiến đá lớn, bên trên có một bàn cờ, hai người đang đánh. Người ngồi bên phải là một ông già nhỏ bé gầy gò, còn phía bên trái là một thanh niên công tử. Bao Bất Đồng nhận ra thanh niên đó chính là Đoàn Dự, trong lòng chán ngắt, nghĩ thầm: "Ta đối với tiểu tử này cực kỳ vô lễ, hôm nay y thấy mình thân tàn ma dại thế này, gã thể nào chẳng buông lời nhạo báng."

Chỉ thấy bàn cờ được khắc vào một phiến đá xanh lớn, quân trắng quân đen đều bóng lộn, hai bên đã để được đến trên trăm quân. Đinh Xuân Thu chậm rãi đến gần xem hai người, ông già thấp bé cầm một quân đen để xuống, đột nhiên đôi lông mày nhướng lên, dường như trông thấy cuộc cờ đi vào chỗ biến hóa kỳ diệu. Đoàn Dự cầm một quân cờ trắng, trầm ngâm chưa đặt xuống. Bao Bất Đồng kêu lên:

- Này, tiểu tử họ Đoàn kia, ngươi hỏng rồi, cờ vào thế tiến cũng dở ở không xong chịu thua quách đi thôi.

Ba người đứng sau lưng Đoàn Dự liền quay lại hầm hầm nhìn y, chính là bọn Chu Đan Thần ba người hộ vệ. Bất thình lình, Khang Quảng Lăng, Phạm Bách Linh cả bọn Hàm Cốc bát hữu người nào cũng từ trên cáng gắng gượng nhảy xuống, đi đến cách bàn cờ bằng đá xanh chừng một trượng, cùng quì cả xuống. Bao Bất Đồng kinh ngạc nói:

- Làm trò quỉ gì đây?

Vừa mới nói ra khỏi miệng lập tức hiểu ngay, ông già mình hạc xác ve kia chính là Lung Á lão nhân Thông Biện tiên sinh, sư phụ của Hàm Cốc bát hữu. Thế nhưng ông ta cũng là kẻ tử đối đầu của Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu, kẻ đại thù trước mặt sao vẫn còn nhàn hạ ngồi đánh cờ? Đối thủ của ông ta lại chẳng phải là một nhân vật trọng yếu mà chỉ là một anh đồ gàn không biết võ công?

Khang Quảng Lăng nói:

- Lão nhân gia xem chừng còn khang kiện hơn xưa, bọn hậu bối tám người chúng tôi mừng không sao kể xiết.

Hàm Cốc bát hữu đã bị Thông Biện tiên sinh Tô Tinh Hà đuổi khỏi sư môn nên không dám gọi ông bằng thầy. Phạm Bách Linh nói:

- Huyền Nạn đại sư của phái Thiếu Lâm đến thăm lão nhân gia đó.

Tô Tinh Hà đứng bật dậy, quay về mọi người vái một cái thập sâu nói:

- Huyền Nạn đại sư giá lâm, lão hủ Tô Tinh Hà không kịp nghinh tiếp, thật đáng trách lắm.

Ông ta chỉ liếc ngang mọi người một cái rồi lại quay ngay trở lại bàn cờ. Mọi người đã nghe Tiết Mộ Hoa kể rõ nguyên nhân tại sao sư phụ ông ta bị ép phải giả như câm như điếc, lúc này ông ngang nhiên mở miệng nói năng, xem ra đã quyết cùng Đinh Xuân Thu một mất một còn. Khang Quảng Lăng, Tiết Mộ Hoa cả bọn không thể không liếc qua nhìn Đinh Xuân Thu một cái, trong lòng vừa phấn khởi, vừa âu lo.

Huyền Nạn nói:

- Không dám! Không dám!

Ông thấy Tô Tinh Hà coi bàn cờ trọng như thế nghĩ thầm: "Người này tạp vụ quá nhiều, thư họa cầm kỳ, không môn gì không tinh thông, thảo nào võ công không bằng sư đệ."

Trong khi không ai nói một tiếng nào, bỗng dưng Đoàn Dự cất tiếng:

- Được rồi, đi vào đây.

Chàng vừa nói vừa đặt một quân cờ trắng xuống bàn cờ. Tô Tinh Hà mặt lộ vẻ vui mừng, gật đầu, dường như đã hiểu tay đặt một quân cờ đen khác. Đoàn Dự đã nghĩ xong được mươi nước trước, liền hạ thêm một quân trắng khác, Tô Tinh Hà lại để một quân cờ đen.

Hai người đặt được hơn mươi quân rồi, Đoàn Dự thở dài một tiếng, lắc đầu nói:

- Lão tiên sinh bày bàn cờ Trân Lung này quả là thâm áo xảo diệu, vãn sinh không phá giải nổi.

Xem ra Tô Tinh Hà đã thắng, tuy nhiên mặt ông ta lại lộ vẻ thất vọng nói:

- Kỳ tứ của công tử quả là tinh mật, mười nước vừa đi thật cao, nhưng chưa nghĩ được sâu thêm một chút, thật là đáng tiếc! Đáng tiếc thay! Ôi, thật đáng tiếc thay, đáng tiếc lắm thay!

Ông ta liên tiếp chép miệng, miệng nói bốn lần đáng tiếc quả thực biết bao ngậm ngùi. Đoàn Dự nhặt mười quân cờ trắng mình vừa đi lên, bỏ trở lại vào hộp, Tô Tinh Hà cũng lấy mười viên cờ đen của mình mới bỏ xuống, bàn cờ trở lại trận thế như lúc đầu.

Đoàn Dự lùi lại đứng qua một bên, nhìn bàn cờ ngẩn ngơ suy nghĩ: "Thế cờ Trân Lung này chính là bàn cờ hôm trước ta đã thấy trong thạch động núi Vô Lượng. Vị Thông Biện tiên sinh này và thần tiên tỉ tỉ trong động ắt có uyên nguyên, đợi khi nào thuận tiện ta sẽ len lén hỏi ông ta nhưng không thể để cho người ngoài hay biết. Nếu không mọi người sẽ tìm đến để nhìn thần tiên tỉ tỉ, chẳng phải khinh mạn nàng lắm hay sao?"

Người thứ hai trong Hàm Cốc bát hữu là Phạm Bách Linh cũng là một người mê đánh cờ, từ xa đứng nhìn kỳ cục, biết rằng không phải sư phụ cùng thanh niên kia đánh cờ mà là sư phụ bố trí bàn cờ Trân Lung, còn thanh niên kia thử vào phá giải nhưng giải không được. Y quì dưới đất nên nhìn không rõ, đầu gối lập tức nhấc lên, vươn dài cổ định nhìn cho rõ.

Tô Tinh Hà nói:

- Tất cả các ngươi mau đứng dậy! Bách Linh, thế cờ Trân Lung này có ảnh hưởng rất lớn, ngươi lại đây xem thử, nếu như phá giải được thì thật hay không đâu cho hết.

Phạm Bách Linh mừng rỡ vội đáp:

- Vâng!

Y liền đứng lên, đi đến bên cạnh bàn cờ, ngưng thần xem xét. Đặng Bách Xuyên hỏi nhỏ:

- Nhị đệ, sao lại gọi là Trân Lung?

Công Dã Can cũng thì thầm trả lời:

- Trân Lung tức là nạn đề của môn cờ vây. Đó là cờ thế do người ta cố ý bày chứ không phải do hai người đánh cờ mà thành, do đó hoặc sinh, hoặc kiếp nước nào cũng thật khó mà đoán được.

Những thế Trân Lung tầm thường, ít thì mươi quân, nhiều có khi lên đến bốn năm chục quân, thế nhưng bàn cờ này có đến hơn hai trăm, gần như kín cả bàn cờ rồi. Công Dã Can cũng không hiểu biết bao nhiêu, xem một hồi chẳng hiểu gì cả nên không coi nữa.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-196/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận