Đại tiểu thư không ngờ Trần Quang liễu lĩnh mặc kệ tính mạng bản thân chỉ đành biết trơ mắt bàng hoàng nhìn. Đại tiểu thư bàng hoàng một, lão cung chủ lại bàng hoàng trăm ngàn lần. Lão nhẩm tính, Trần Quang bị đại tiểu thư tập kích sau lưng nhất định nhảy sang một bên tránh né, lão nhân đó đánh bồi hai chưởng để lấy mạng y. Ngờ đâu y vẫn lao thẳng đến trước mặt lão. Lưng Trần Quang vừa trúng chưởng của đại tiểu thư thì lão cung chủ cũng bị hất tung lên trời như con diều đứt dây. Lão bị trúng hai chưởng nặng như núi lỡ của Trần Quang văng thẳng vào bờ tường miếu thổ thần.
Văn Viễn lần ở miếu thổ thần ngoại thành trấn Ngô Phong đã thấy Trần Quang trổ thần uy đánh bại Thiết Chưởng Văn Bá. Lần đó, Trần Quang còn có mấy phần nương tay nên Văn Bá tuy thảm hại nhưng chưa đến nổi nguy hiểm tính mạng. Riêng lúc này, Trần Quang đã tính đến nước một mạng đổi một mạng cho nên y gom hết uy lực đảo trời lật đất của Tử Hà Thần Công mà đánh ra. Lão cung chủ bị hất văng vào vách tường bao quanh miếu thổ thần làm vỡ mấy mảng lớn. Lão ta nằm yên bất động xem chừng khó bề gượng dậy nổi.
Đại tiểu thư kinh hoàng vội lạng người đến cạnh lão cung chủ xem xét. Lão cung chủ nằm đè lên đống gạch đá đổ nát hơi thở chỉ còn đứt quãng. Đại tiểu thư điểm liền mười mấy huyệt đạo trên người lão rồi tức thì truyền nội công để giúp điều thương.
Trần Quang bây giờ cũng không cầm cự được đã ngồi bịch xuống đất thở hổn hển. Khắp người y tự nhiên xuất hiện làn khí tím. Tuy nhiên, làn khí tím chỉ tản mát lúc mờ lúc tỏ. Y muốn tranh thủ thời gian để cố cầm cự nhưng nội công đã cạn kiệt không sao dùng phép vận công Tử Hà để tự khôi phục sức lực được.
Văn Viễn từ bên trong gian thờ nhìn ra e ngại. Ông toan liều mình nhảy ra giúp Trần Quang thì Vương Y Nguyệt như đoán được liền nắm tay giữ lại:
- Ngài muốn làm gì?
Văn Viễn đáp:
- Tại hạ không thể trơ mắt nhìn y bị hại chết được!
Vương Y Nguyệt liền hừ nhạt:
- U Minh Cung bắt được Trần Quang cũng không dám giết! Vậy ngài còn lo lắng để làm gì? Bản lãnh của đại tiểu thư thì đừng nói là Trần Quang, cộng thêm cả ta vào ngài cũng chớ hề chiếm được chút thượng phong nào! Ngài chớ nên làm ẩu!
Bản lãnh của Đại Tiểu Thư thì Văn Viễn đã hiểu rất rõ. Ông nghẫm lời Vương Y Nguyệt nói thì thấy hợp lý nên ngoan ngoãn ngồi yên không động đậy. Ông hỏi:
- Tiểu thư chưa nói cho tại hạ biết vì sao U Minh Cung không thể giết Trần Quang?
Vương Y Nguyệt đáp:
- Bọn họ muốn bắt Trần Quang để khống chế một người! Người này so bề nội công hau mưu trí đều nhất nhì thiên hạ! Nếu hắn đứng ra ngăn cản, có mười U Minh Cung cũng khó bề rớ đến bí ẩn Tử Hà Thần Công được!
Văn Viễn nghe vậy càng thêm tò mò:
- Rốt cuộc tiểu thư muốn nói đến là kẻ nào?
Vương Y Nguyệt đáp:
- Chưởng môn Hoa Sơn Cố Thiên Lượng!
Văn Viễn ở núi hoa đào đã được Lạc Tín Phủ thuật lại chuyện Cố Thiên Lượng giả chết cho nên không còn lấy làm lạ. Nhưng ông ngẩm một lúc lại hỏi:
- Trần Quang tính ra cũng chỉ là đệ tử của lão họ Cố kia! Lão ta vì muốn mưu toan tư tình không tiếc hại các đệ tử bị thiên hạ đuổi giết! Chứng tỏ lão chẳng hề coi trọng Hoa Sơn Thất Hiệp! Dù có bắt được Trần Quang nhưng dễ gì khống chế được lão?
Vương Y Nguyệt cười mỉm ý nhị:
- Ngài thử đoán xem tại sao?
Vương Y Nguyệt thách đố khiến Văn Viễn không khỏi chột dạ. Ông chau mày nghĩ ngợi rồi hỏi:
- Lẽ nào Trần Quang và lão Cố Thiên Lượng kia có máu mủ ruột thịt?
Vương Y Nguyệt gật gù:
- Đầu óc ngài quả nhiên là mau lẹ! Muốn khống chế cha thì dễ dàng nhất là bắt đứa con để uy hiếp! Thần Chưởng Ngọc Thủ Trần Quang chính là con trai duy nhất của Cố Thiên Lượng! Vì vậy chỉ có mỗi mình hắn trong Hoa Sơn Thất Hiệp là được học thành tựu Tử Hà Thần Công!
Vương Y Nguyệt ngó chừng ra bên ngoài rồi bắt đầu kể:
- Ta và Hoàng Kỳ sau khi kết thân thường ở đỉnh Nghinh Vân sau lưng núi Hoa Sơn mà uống rượu! Trong một lần quá chén, ta và hắn thuận hứng đã quy ước sẽ kể cho nhau một bí mật kinh thiên động địa chưa từng có ai biết đến! Nếu ai không kể được sẽ bị phạt một cân rượu!
Văn Viễn nghe đến đây chợt nhớ đến lần đấu rượu với Tửu Thần ở trấn Ngô Phong thì tự nhiên thấy hào hứng. Ông liền gióng tai nghe tiếp:
- Ta bí nước bèn đem bí ẩn Tử Hà Thần Công ra mà kể! Hoàng Kỳ chớ hề nghe nên gật gù tâm đắc đó là bí mật kinh thiên động địa! Đến lượt hắn phải kể! Hắn bèn đắn đo liên hồi rồi mới nói về thân thế của Trần Quang! Thì ra Cố Thiên Lượng khi trẻ là tay phong lưu bay bướm! Không thể đếm xiết bao nhiêu trâm anh khuê các đã ngã vào vòng tay y! Nhưng sau cùng, y lại phải lòng một nữ đệ tử tục thế của phật gia tên gọi Thiên Nhược! Bà ta làm ni cô tục huyền coi giữ am bồ tát ở núi Thành Vân! Cả hai lén lút qua lại tạo nên Trần Quang! Lúc đó, Cố Thiên Lượng đã làm chưởng môn phái Hoa Sơn thành ra không thể công khai chuyện có con với một ni cô! Ni cô kia cũng được truyền lại chức chủ trì am bồ tát hiển nhiên càng phải giấu kín việc lang chạ trên! Vậy là, cha thì an nhiên làm chưởng môn nhân, mẹ bình thản coi ngó am viện! Cố Thiên Lượng bế Trần Quang mới được tháng tuổi về núi nói là côi nhi nhặt được!
Văn Viễn từ lúc gặp Trần Quang đã mến phục khí thái lẫm liệt của y. Ông chẳng ngờ y có xuất thân như vậy nên không khỏi ngậm ngùi:
- Trên đời này có cha mẹ như vậy ư? May mắn là Trần Quang chẳng hề biết đến! Bằng không nhất định hắn sẽ chua xót vô cùng!
Vương Y Nguyệt kể tiếp:
- Cố Thiên Lượng sau này phải để râu hàm! Kẻ nào không biết cứ tưởng hắn muốn tạo bề thế uy nghiêm! Chẳng qua Trần Quang càng lớn càng giống hắn như tạc! Cho nên hắn phải để râu hòng khác biệt! Ta lúc đó không tin lắm cho nên bắt Hoàng Kỳ phải kiểm chứng! Hôm sau, Hoàng Kỳ chủ động mời Cố Thiên Lượng lên Nghinh Vân uống rượu! Sau đó, y lại cho gọi thêm Trần Quang! Ta nấp trong một chổ kín nhìn ra! Quả nhiên nếu cắt bỏ râu hàm ria mép, khuôn mặt Cố Thiên Lượng với Trần Quang như giọt nước chẻ đôi!
Văn Viễn bất chợt hỏi:
- Chuyện bí mật Tử Hà Thần Công tiểu thư chỉ nói với Vô Tình Kiếm Hoàng Kỳ, làm sao sau này Cố Thiên Lượng biết mà bày mưu giả chết rồi loan truyền tin tức ra khắp giang hồ?
Vương Y Nguyệt thở dài đáp:
- Hoàng Kỳ sau khi nghe ta nói lại sợ nếu có kẻ khác biết sẽ sanh lòng chiếm đoạt! Y bèn nói lại cho Cố Thiên Lượng hay hòng tìm cách phòng hờ! Chẳng ngờ lão Cố kia nhân đó bày ra kế ác! Bảy kẻ Hoa Sơn Thất Hiệp bao năm qua trốn chui trốn nhủi khắp nơi tránh bị thiên hạ truy sát thật tội nghiệp! Chẳng kẻ nào ngờ đầu têu lại từ ân sư thụ nghiệp của mình! Ngẫm lại cũng đáng thương vô cùng!
Văn Viễn ngao ngán:
- Lão Cố kia đã biết Trần Quang là con ruột nhưng vẫn thản nhiên đẩy y vào chổ chết hòng lập gian kế! Là lão ta si tình quá đổi hay độc ác quá đổi đây?
Văn Viễn chợt nhớ đến Độc Ông Thiên Phạt cùng Lãnh Diện Lãng Ông nhất mực si tình đại tiểu thư mà âm thầm khổ luyện. Ông lại nhớ đến nhà sư Vô Sách cũng vì khối tình si đó bày kế dụ ông vào Giang Nam. Ngô Ân Ân cũng vì si tình với ông mà nguyện chết thay cha mẹ. Văn Viễn càng ngẫm nghĩ càng thấy ruột gan ảo nảo. Bản thân ông chẳng phải đã vì si tình một bà bà thần tiên do Đại Tiểu Thư giả mạo mà tự làm nhiều chuyện điên rồ chút nữa đã mất mạng. Ông ngán ngẫm thở dài:
- Các nhà sư chia trần gian ra bảy cái khổ lớn, sanh, lão, bệnh, tử, oán tận ngộ, ai biệt ly, cầu không được! Nhưng chẳng phải các khổ trên cũng từ chữ tình mà ra đó ư?
Văn Viễn chợt nhớ đến tổng đốc Hàng Châu Văn Thiên Tú từ quan cùng giai nhân ẩn cư, lại nhớ đến chuyện cha cùng mẹ lớn mẹ nhỏ của ông một đời sum vầy hạnh phúc thì cười mỉm:
- Âu không phải do chữ Tình làm khổ ải! Chỉ là lòng tham chiếm hữu cầu không được lấy cớ ái tình biến tướng mà thôi! Than ôi, tham sân si, ba thứ này trần gian mấy ai bỏ được! Đến đức Thích Ca Như Lai vẫn tham cầu phổ độ chúng sanh là gì! Thà cứ như Trang Sinh vẫn hơn! Phận nào yên vui nấy, người thì đã sao? Bướm thì đã sao! Cứ an nhiên mà sống tự tại trong phận mình!
Văn Viễn nghĩ thấu đáo nên tâm tư nhẹ nhàng không còn nặng trĩu sầu nảo. Vương Y Nguyệt cười mỉm:
- Ngài là con mọt sách biết phép tự dối gạt mình!
Hiển nhiên, nàng ta nói ý mai mỉa. Văn Viễn dầu nghĩ thấu đáo thế nào nhưng làm sao gạt bỏ được khối tình với đại tiểu thư. Vương Y Nguyệt điểm trúng vấn đề này khiến Văn Viễn không khỏi đỏ mặt xấu hổ:
- Tiểu thư nói phải lắm! Tại hạ chỉ đang tự dối gạt mình mà thôi!
Vương Y Nguyệt toan châm chọc thêm mấy câu thì bị tiếng quát lanh lảnh của đại tiểu thư cắt ngang. Nàng ta cùng Văn Viễn liền im lặng nhìn ra bên ngoài. Đại tiểu thư sau khi điều thương lão cung chủ xong thì hướng về Trần Quang nghiến răng ken két:
- Không giết ngươi được cũng không sao! Ta cứ phế bỏ võ công của ngươi rồi đem vứt ở giữa chợ! Giang hồ này kẻ có thù với ngươi cũng không ít! Để ta xem bọn họ hành hạ ngươi như thế nào!
Trần Quang nghe vậy thì nhíu mày căm phẫn. Y gắng gượng đáp:
- Muốn giết ta thì cứ giết đừng hòng sỉ nhục được ta! Ta chỉ có một cái mạng! Ngươi cứ tự nhiên đến lấy! Nếu ta kêu nửa lời thì ta không mang họ Trần!
Đại tiểu thư cười mai mỉa:
- Ngươi nào có phải là họ Trần!
Văn Viễn ngó thấy đại tiểu thư cung tay toan phóng chưởng nhằm vào Trần Quang thì không thể ngồi yên được. Vương Y Nguyệt tức thì giữ ông lại:
- Ngài chớ làm ẩu! U Minh Cung có thể theo được dấu Trần Quang thì lão Cố Thiên Lượng kia cũng lần mò ra được! Con lâm nạn, cha ruột không cứu, chúng ta người ngoài nhiều chuyện làm gì? Ngài không ngửi được mùi gì ư?
Văn Viễn định thần. Quả nhiên còn có một mùi hương lạ đang lẩn khuất quanh miếu thổ thần. Ông vừa kịp nhận ra thì lập tức quay sang ôm chặt Vương Y Nguyệt vào lòng. Nàng ta kinh hãi:
- Ngài…ngài làm gì vậy?
Vương Y Nguyệt hỏi chưa dứt lời thì khắp miếu thổ thần tự nhiên nổi lên trận gió. Các phiến ngói thi nhau khua loảng xoảng tựa chừng sắp rơi xuống. Sau đó là trận cười lớn dữ dội. Tiếng cười chát chúa như tiếng búa nện chan chát vào tai. Văn Viễn vận hàn nhiệt gần như tận lực nhưng toàn thân vẫn bị rúng động. Mạch tượng trong người ông đều đã dần đập loạn. Ông thầm la hãi:
- Nội lực…nội lực người này thật đáng sợ!
Vương Y Nguyệt ban đầu toan xô Văn Viễn ra bao nhiêu thì giờ này nàng ta càng ôm chặt ông bấy nhiêu. Ví chừng Văn Viễn không nhanh tay ứng phó, Vương Y Nguyệt nhất định đã thổ huyết nằm ngay đơ trên sàn. Dầu thần tiên tái thế cũng không cứu nàng được.
Đại tiểu thư một tay chống ngang hông, một tay nắm chặt huyệt Đàn Vũ nơi góc vai trái của lão cung chủ để giúp lão chống chọi tiếng cười. Nàng thản nhiên đứng nghe không hề có chút bận tâm. Riêng Trần Quang không hề bị tiếng cười loạn công tâm. Dường như kẻ phát ra tiếng cười nọ không hề có ý đả thương y.
Tiếng cười đột nhiên im bặt như khi nó xuất hiện. Tức thời có bốn luồng chỉ lực màu tím nhè vào các đại huyệt trên lưng Trần Quang điểm tới. Trần Quang lập tức thấy trong người khỏe khoắn. Nội thương của y đã thuyên giảm được mấy phần. Y giật mình kinh hãi:
- Tử…Tử Hà Thần Công?
Lúc này trên sân miếu đã xuất hiện một kẻ cao lớn mặc y phục màu đen. Khuôn mặt hắn bịt kín chỉ chừa đôi mắt sáng rực như lửa. Hắn nhìn lão cung chủ đang trừng mắt sợ hãi thì cười hà hà:
- Mấy tiếng cười vừa rồi của ta có làm nhạc phụ đại nhân khó chịu hay không?
Đại tiểu thư liền hừ nhạt:
- Cái gì là nhạc phụ nhạc mẫu ở đây! Ngươi chớ ăn nói hàm hồ!
Tên nọ vẫn cười hà hà đáp:
- Nàng sao lại giấu đi khuôn mặt mỹ miều sau chiếc mặt nạ ghớm ghiếc kia? Nàng không cho ta gọi thì ta không gọi! Nàng đừng nên giận dữ làm gì!
Văn Viễn nghe thanh âm đoán chừng kẻ mặc hắc y cũng ngoài sáu mươi tuổi. Ông nhẩm tính, Trần Quang đã hơn ba mươi, nếu tên nọ là Cố Thiên Lượng thì chí ít cũng phải chừng đó tuổi.
Cố Thiên Lượng chỉ vào Trần Quang mà nói:
- Hắn làm gì đã khiến nàng nổi giận phải quyết ra tay lấy mạng! Thôi được, để ta khấu đầu với nàng mấy cái xem như thay mặt hắn tạ lỗi!
Cố Thiên Lượng nói xong không cần biết đại tiểu thư có đồng ý hay không liền cúi đầu xá liền ba cái. Văn Viễn nấp bên trong miếu thờ nhìn ra lẩm bẩm:
- Hắn đã cao tuổi, còn là tôn sư một phái lại bỏ mặc hết thảy sỉ diện ba lần bốn bận hạ mình! Lạc Tín Phủ nói đúng lắm, tất cả cũng chỉ vì tình si mà ra!
Đại tiểu thư chờ Cố Thiên Lượng khấu đầu xong mới thong thả lên tiếng:
- Coi như ta nể mấy cái xá vừa rồi của ngươi!
Nàng ta quay sang nắm lấy lão cung chủ U Minh Cung rồi dùng khinh công đi mất dạng. Văn Viễn ngửi thấy mùi hương son phấn càng lúc càng xa dần. Hiển nhiên, đại tiểu thư đã bỏ đi thật. Nàng ta cùng lão cung chủ bày mưu cốt muốn bắt Trần Quang để uy hiếp Cố Thiên Lượng. Lão họ Cố xuất hiện lúc này rõ ràng đã phá hỏng kế hoạch. Đại tiểu thư dầu ấm ức nhưng so bề thiệt hơn đành phải bỏ đi.
Trần Quang ban đầu còn ngơ ngác nhưng khi nghe người áo đen cất giọng nói liền nhận ra:
- Ân sư! Ân sư còn sống ư?
Cố Thiên Lượng gằn giọng:
- Tất nhiên là ta còn sống mới đứng trước mặt ngươi đây!
Trần Quang mừng rỡ đến rơi nước mắt. Y gắng gượng khom mình dập đầu quỳ lạy. Cố Thiên Lượng chỉ đứng khoanh tay khinh khỉnh nhìn. Lão nói:
- Mấy năm không gặp thành tựu của ngươi đã hơn trước nhiều! Chỉ cần thêm vài ba năm tới, ta cũng chẳng thể đối chưởng với ngươi được!
Trần Quang giật mình vội đáp:
- Đệ tử nhờ công dưỡng dục của ân sư, nào dám mơ tưởng đến chuyện tranh hơn thua!
Cố Thiên Lượng chỉ hừ nhạt. Lão xoay người nhìn lơ đểnh bốn phương tám hướng ra vẻ rất lạnh nhạt. Văn Viễn thấy vậy liền hạ giọng nói với Vương Y Nguyệt:
- Tiểu thư xem, dường như họ Cố không hề mặn mà chuyện nhìn nhận con cái! Thói đời cha mẹ gặp được con sao lại lãnh đạm đến vậy?
Vương Y Nguyệt đáp:
- Ngài thật khéo hỏi! Nếu lão ta thật sự muốn nhận Trần Quang làm ruột rà thì sao đành lòng giả chết phao tin về bí ẩn Tử Hà Thần Công để thiên hạ hùa nhau truy sát Trần Quang? Lão từ lâu trong lòng đã không có đứa con này rồi!
Văn Viễn ngẫm thấy có lý thì chau mày buột miệng:
- Nếu đã như vậy thì lão còn cứu Trần Quang làm gì?
Vương Y Nguyệt thuận miệng đáp:
- Theo ta thì lão chẳng có ý tốt đẹp gì!
Nàng đáp xong tự nhiên tròn mắt sửng sốt như nghĩ ra điều gì đó. Văn Viễn cũng cả kinh run giọng:
- Lão…lão ta…muốn trừ hậu hoạn ư?
Văn Viễn kinh hãi toan cất tiếng la lớn. May, Vương Y Nguyệt đã đoán trước. Nàng liền dùng cả hai tay bịt miệng ông lại:
- Ngài muốn chúng ta chết ư?
Văn Viễn chợt nhớ ra tình hình hung hiểm trước mặt nên ngoan ngoãn ngồi yên. Ông dầu có thí mạng cộng thêm cả Vương Y Nguyệt cũng chưa phải là đối thủ của lão họ Cố. Văn Viễn đăm chiêu suy tính thì giật mình nghe giọng Trần Quang run run hỏi bên ngoài sân miếu:
- Ân sư! Ân sư…sao lại…!
Trần Quang chỉ nói được đến đó thì đã có âm thanh chát chúa vang lên. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt tức thì nhìn chăm chú ra ngoài. Trần Quang đã bị hất tung đi hơn hai mươi bước chân. Khoảng sân miếu trước mặt y chỉ còn lởm nhởm gạch đá bể nát. Cố Thiên Lượng lựa lúc Trần Quang không để ý đã đánh liền hai chưởng. Trần Quang nửa vì bất ngờ nửa vì ngơ ngác nên chẳng thể trở tay kịp. Cố Thiên Lượng cười hà hà:
- Giỏi lắm! Thân đã mang nội thương, nội lực cũng đã cùng kiệt nhưng trúng chưởng của ta vẫn sống sót được! Quả nhiên là đứa học trò giỏi của ta!
Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt chỉ thuận ý đoán bừa. Cả hai nhất thời nghĩ được nhưng cũng chẳng thể ngờ Cố Thiên Lượng quả thật đã ra tay với con ruột của mình. Tất nhiên người bàng hoàng nhất là Trần Quang. Y chẳng thể gượng dậy nổi đành nằm dài trên nền sân miếu thổ thần mà run giọng hỏi:
- Ân sư! Ân sư…sao lại ra tay với con!
Văn Viễn tự nhiên nghe thanh âm của Trần Quang đầy chua chát xót xa. Ông lẩm bẩm:
- Lẽ nào y đã biết Cố Thiên Lượng là cha ruột của mình?
Trần Quang gắng gượng hỏi đến hai lần, Cố Thiên Lượng mới đáp:
- Ngươi chỉ làm vướng chân vướng tay của ta! Ngươi chết rồi thì chẳng còn ai có thể dựa vào ngươi mà uy hiếp ta được!
Trần Quang kinh hãi ngỡ ngàng rồi tự động đáp:
- Phải! Phải lắm! Con đáng chết lắm!
Hắn nói thanh âm chua xót chẳng thể nào diễn tả nổi. Hắn nói xong lạ bật ra tiếng khóc hu hu đến gỗ đá cũng phải trở mình:
- Đáng chết lắm! Đáng chết lắm!
Văn Viễn ở trong gian thờ cũng đã chảy dài hai dòng nước mắt căm phẫn. Ông nghiến răng giận dữ:
- Trên đời này có người cha như vậy ư?
Vương Y Nguyệt chẳng hề thân thiết với Trần Quang nên không màng an nguy sống chết của y. Nàng chỉ thấy Văn Viễn tỏ vẻ quý mên họ Trần, còn đồng cảm khóc thương thì tự thầm trong bụng:
- Trên đời này chuyện gì mà chẳng xảy ra! Ngài đã trải qua bao nhiêu phen sống chết mà vẫn còn tin vào mộng hão thế gian toàn người hiền của thánh nhân ư? Ngài quả nhiên là con mọt sách chưa thấu hết lẽ đời!
Trần Quang khóc thỏa thê thì hạ giọng hỏi:
- Nhị đệ Sầu Thiên Thu, tam muội Phong Tuệ Nhã có phải do ân sư ra tay gia hại hay không?
Văn Viễn nghe y hỏi thì giật mình:
- Hai…hai kẻ đó cũng bị lão họ Cố này giết rồi ư?
Văn Viễn chỉ gặp Sầu Thiên Thu một lần lúc hắn đến Mai Hoa Trang cầu thảo dược trị thương. Riêng Phong Tuệ Nhã đã mấy phen làm Văn Viễn lao đao. Ông chút nữa còn mất mạng dưới kiếm của nàng. Văn Viễn đối với cả hai không thiện cảm cũng chẳng oán ghét. Cho nên hay tin họ chết, ông chỉ bàng hoàng không ngờ kẻ ra tay cũng là Cố Thiên Lượng. Bọn họ chỉ vì bảo vệ Tử Hà Thần Công không ngừng lẩn trốn thiên hạ truy sát, kết cuộc lại chết trong tay chính ân sư thụ nghiệp. Văn Viễn đoán chừng trước lúc chết, Sầu Thiên Thu cùng Phong Tuệ Nhã cũng chua xót không kém Trần Quang lúc này.
Cố Thiên Lượng nghe Trần Quang hỏi thì cười nhạt:
- Tên nhị đệ của ngươi là kẻ thông minh! Hắn đã ngầm phát hiện ra chân tướng chuyện ta giả chết nên liền ra ám hiệu triệu tập môn đệ Hoa Sơn! Ta ban đầu chỉ muốn giết hắn để bịt miệng nhưng ngẫm lại đã làm thì làm cho trót! Vì vậy, ta âm thầm theo dõi hắn! Chỉ đợi hắn hội họp với các sư đệ sư muội của ngươi, ta sẽ hốt sạch cả bọn! Chẳng ngờ chỉ có con bé Phong Tuệ Nhã tìm đến! Ngũ đệ của ngươi đang làm đường chủ U Minh Cung hiển nhiên chẳng dám thò mặt xuất hiện! Tứ đệ cùng thất đệ của ngươi thì bặt vô âm tính! Còn tên họ Phan đã chết mất xác từ lâu! Vì vậy ta đã thành toàn cho cả hai đệ muội của ngươi!
Lão nói trơn tru không chút gì tỏ ra thương xót. Văn Viễn nấp trong gian thờ càng nghe càng sôi gan nhưng tự biết chẳng thể địch lại đành phải cắn răng nín nhịn.
Ông nghe giọng Trần Quang đầy phẫn uất, hỏi:
- Ả đàn bà đó đối với ân sư còn hơn cả chúng đệ tử hay sao?
Ả đàn bà mà Trần Quang nói tất nhiên ám chỉ đại tiểu thư, chứng tỏ khối tình si của Cố Thiên Lượng đã bị Trần Quang nhìn rõ từ lâu. Cố Thiên Lượng tức thì đánh liền một chưởng nhằm vào Trần Quang mà quát:
- Ai cho phép ngươi bất kính với nàng?
Trần Quang đã không còn sức kháng cự. Y trúng chưởng lại văng thêm mười bước chân, ngực áo rách bươm. Y gắng gượng ngước nhìn Cố Thiên Lượng rồi chảy dài hai dòng nước mắt chua xót. Cố Thiên Lượng gằn giọng:
- Các ngươi vốn chỉ là côi nhi do ta nhặt về từ nhỏ! Năm xưa nếu ta không nhặt các ngươi về thì các ngươi đã chết từ lâu! Các ngươi dám tự so bì với nàng ư?
Trần Quang đau đớn đáp:
- Phải lắm! Bọn con…chỉ là…côi nhi!
Y nói đến đây thì ngả đầu sang một bên. Hơi thở của y chỉ còn thoi thóp. Văn Viễn nghe thanh âm của y đoán chừng lành ít dữ nhiều. Ông nổi giận đến mờ mắt. Nếu không phải bị Vương Y Nguyệt đã ngừa xa ôm chặt lấy thân thể thì Văn Viễn nhất định lao ra ngoài liều một phen sống chết với Cố Thiên Lượng.
Lão họ Cố đến cạnh Trần Quang xem xét rồi gật gù nói:
- Nể tình sư trò mấy mươi năm, ta để cho ngươi thoải mái sang cực lạc! Ngươi chớ nên oán ta! Có oán hãy oán người mẹ của ngươi đã sanh ra ngươi làm gì!
Cố Thiên Lượng cười một tràng ha hả văng mình bỏ đi tức thì. Vương Y Nguyệt sợ Văn Viễn hấp tấp lao ra ngoài, lão họ Cố bất ngờ quay lại xem như cả hai sẽ có kết cục bi thảm chẳng khác gì Trần Quang. Nghĩ vậy nên Vương Y Nguyệt càng nhắm mắt nhắm mũi lấy hết sức bình sanh ôm chặt lấy Văn Viễn không buông. Nàng biết ông nhân từ lại trọng lễ nghĩa nên không nỡ làm nàng đau. Bằng không, với một nữ nhân liễu yếu đào tơ lại chẳng có chút nội công trong người, cùng lắm Văn Viễn chỉ hất nhẹ đã thổi nàng bay đi như chiếc lá.
Văn Viễn ban đầu nôn nóng cứu Trần Quang lại phải để bụng phòng hờ Cố Thiên Lượng chưa đi bao xa nên chẳng quan tâm. Chừng khi chắc chắn lão họ Cố đã bỏ đi thật, ông mới bình tâm toan đứng dậy thì nhận ra Vương Y Nguyệt đang ngồi trong lòng mình. Nàng ta còn nhắm mắt giang tay ôm chặt lấy ông chẳng hề có ý buông ra. Nam đơn nữ chiếc nấp trong xó còn ôm ấp nhau còn gì là lễ nghĩa. Văn Viễn hiển nhiên ngượng chín mặt. Ông ấp úng hạ giọng:
- Tiểu…tiểu thư! Lão ta…lão ta đã đi thật rồi!
Lúc này Vương Y Nguyệt mới giật mình. Nàng liền buông Văn Viễn bẽn lẽn đứng dậy:
- Ta…ta chỉ có ý sợ ngài vì nghĩa khí làm càn nên…nên…mới như vậy! Ngài chớ suy nghĩ viễn vông!
Văn Viễn đỏ mặt đứng dậy vòng tay đáp:
- Đa tạ tiểu thư quan tâm! Tại hạ nào dám tơ tưởng!
Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt đều sượng sùng không biết phải nói thêm gì. May thay, Trần Quang ở bên ngoài bật ra tiếng rên khe khẻ vô tình trở thành cứu cánh. Vương Y Nguyệt liền lên tiếng:
- Chúng ta mau ra xem bằng hữu của ngài như thế nào rồi!
Nàng ta nói xong thì vội vàng đi trước. Văn Viễn lập tức bước theo sau.
Trần Quang trước sau trúng ba chưởng cực mạnh của Cố Thiên Lượng. Y vốn từ nhỏ chuyên tu nội công nên cơ thể có sự chịu đựng mạnh mẽ vô cùng. Phàm kẻ khác nhất định đã tắt thở từ lâu. Tuy nhiên, Văn Viễn sau khi dò mạch xem xét thì lắc đầu ngao ngán:
- Các huyệt đạo đều ứ máu bầm! Kinh mạch đều đã đứt gần hết! Chỉ e khó lòng sống được!
Văn Viễn không suy nghĩ dựng Trần Quang ngồi dậy. Ông áp tay lên huyệt Vị Khải bên trái xương sống họ Trần mà đưa hàn nhiệt vào trong. Huyệt Vị Khải là một vị trí không hề liên thông với các huyệt đạo khác. Các thầy lang bình thường thậm chí đến người tu luyện võ công đôi khi cũng chẳng hay công dụng của nó là gì. Riêng Văn Viễn trước đây có sở thích tìm tòi y thuật nên khá rành. Kinh mạch của Trần Quang phần bị đứt phần bị rối loạn. Nếu lúc này theo lối thông thường truyền nội công cho y chẳng khác nào hại y chết càng sớm. Huyệt Vị Khải chỉ nối với đan điền. Văn Viễn tống hàn nhiệt vào đấy đã tức thì giúp đan điền đang trống rỗng của Trần Quang có thêm khí lực. Quả nhiên chỉ một khắc sau, Trần Quang đã cựa mình ho ra mấy ngụm máu lớn.
Trần Quang tự biết bản thân khó cầm cự lâu dài được. Y cố gắng vái tạ Văn Viễn rồi nói:
- Xin hãy…đưa ta đến miếu quan âm ở Lư Sơn!
Văn Viễn chẳng biết đó là nơi nào đành quay sang cầu cứu Vương Y Nguyệt. Nàng ta liền đáp:
- Cách đây một ngày đường ở hướng tây! Nơi đó chỉ có một miếu quan âm duy nhất!
Nàng ta nói xong thấy nét mặt Trần Quang le lói chút khí sắc thì hiểu ra:
- Hắn muốn đến tìm mẹ ư?
Văn Viễn cũng đoán ra được cớ sự tự nhủ:
- Ngươi này thật thê thảm! Sanh ra đã bị vất bỏ, giờ còn bị cha ruột xuống tay hạ sát, ta phải cố sức giúp hắn trước lúc chết được thấy được mẹ ruột!
Ông toan cõng Trần Quang chạy đi nhưng chợt nhớ ra Vương Y Nguyệt không hề biết võ công. Ông mà chạy đi thì nàng ta lủi thủi đi bộ đến mấy ngày cũng khó lòng theo kịp. Văn Viễn thầm suy tính rồi nói với Vương Y Nguyệt:
- Nhờ tiểu thư chăm sóc hắn! Tại hạ chạy vào thị trấn mua một cỗ xe ngựa!
Vương Y Nguyệt biết Văn Viễn khi cấp bách vẫn quan tâm đến mình thì tự nhiên thấy sung sướng trong dạ. Nàng ta chỉ vừa ừ ra tiếng đã thấy Văn Viễn mất dạng.
Văn Viễn vận hết hàn nhiệt thi triển khinh công như gió cuốn quay trở về trấn Thạch Bích. Ông tìm mua một cổ xe bốn ngựa kéo vững chắc rồi lại chạy ngược về miếu thổ thần ở thôn Thạch Bích. Hai bận đi về vừa hơn canh giờ.
Văn Viễn để Vương Y Nguyệt lên trước mới cõng Trần Quang đặt ngay ngắn vào trong xe. Ông thu xếp ổn thỏa toan đánh ngựa chạy đi thì nhớ đến xác Sa tiểu thư đang nằm lạnh lẽo nơi góc sân miếu. Văn Viễn sợ Trần Quang không cầm cự được lâu nên chẳng muốn rề rà thêm. Ông lẩm bẩm:
- Sớm mai có người viếng miếu tự nhiên sẽ chôn cất nàng ta tử tế!
Nghĩ vậy nên Văn Viễn yên tâm đánh ngựa đi về hướng tây. Ông trong bụng tuy vẫn oán ghét Sa tiểu thư nhưng một bậc tài sắc vẹn toàn lại có kết cục như vậy vẫn khiến Văn Viễn động lòng ngậm ngùi.
Xe ngựa ra khỏi miếu thổ thần cứ nhằm hướng tây mà đi. Dọc đường, Vương Y Nguyệt đàn liên tục các khúc nhạc trị thương. Trần Quang bấy giờ lúc mê lúc tỉnh. Y cứ chìm vào mê sảng lại cách hai khắc bất thần cất giọng hỏi:
- Đã…đã đến miếu quan âm chưa?
Vương Y Nguyệt chỉ còn cách đáp bừa:
- Ngài cố gắng nghỉ ngơi, chỉ chừng nửa khắc là đến rồi!
Trần Quang nghe vậy thì an tâm liền chợp mắt. Văn Viễn đang thúc cương cho ngựa chạy đi không khỏi ái ngại trong lòng. Cả ông và Vương Y Nguyệt đều tự biết thực chất Trần Quang đang cố gắng gượng chịu đựng để được thấy mặt mẹ ruột lần cuối. Nếu không nhờ nghị lực kiên định này, dầu Vương Y Nguyệt có là Diệu Thủ Cầm Ma tái sanh đánh hàng trăm khúc nhạc trị thương cùng lúc cũng chẳng được tác dụng gì.
Xe ngựa chạy không ngơi nghỉ đến ửng sáng đã thấy được ngọn núi nhỏ trước mặt. Văn Viễn đoán chừng chính là Lư Sơn. Ông mừng rỡ càng ra roi thúc ngựa chạy nhanh. Chừng hết một khắc đã thấy ngôi miếu quan âm dựng nơi chân núi. Xe ngựa vừa tới được cổng miếu thì Trần Quang cũng choảng tỉnh dậy. Y hỏi:
- Đã đến nơi chưa?
Vương Y Nguyệt liền đáp:
- Tới nơi rồi! Ngài muốn tìm ai trong miếu quan âm này?
Nét mặt Trần Quang đang xanh xao thoáng chốc ánh lên nét rạng rỡ:
- Xin…xin dìu ta xuống! Ta muốn gặp…muốn gặp…Thiên Nhược sư thái!
Văn Viễn biết y chỉ còn chút hơi tàn nên không dám dây dưa. Ông tức thì cõng Trần Quang xuống xe ngựa rồi cắm đầu chạy thẳng vào trong. Vương Y Nguyệt tò mò muốn nhìn thử mẹ ruột của Trần Quang như thế nào nên tất tả chạy theo. Văn Viễn cõng Trần Quang chạy qua hai lần thềm đá đã gặp một ni cô trẻ tuổi đang quét dọn trước điện. Ni cô nhìn bộ dạng Văn Viễn thì ngơ ngác, lại nhìn sang Trần Quang toàn thân lấm lem máu hơi thở chỉ còn thoi thóp không khỏi sợ hãi. Văn Viễn biết nơi này toàn là ni cô nên không dám chạy ẩu vào trong. Ông đặt Trần Quang ngồi xuống một bậc thềm đá rồi vái lễ nói:
- Xin báo với Thiên Nhược sư thái có thân quyến đến thăm!
Ni cô kia biết chuyện cấp bách nên vội vàng vứt bỏ cây chổi đang cầm trên tay mà chạy vào trong. Lát sau đã nghe có tiếng hỏi:
- Thân quyến nào của ta đến thăm?
Văn Viễn nhìn thấy một ni cô đã ngoài năm mươi đang xăm xăm cùng mấy ni cô trẻ tuổi khác bước ra. Văn Viễn vội vàng vái lễ. Bà ta quan sát Văn Viễn rồi nói:
- Ta dường như chưa gặp thí chủ bao giờ! Thí chủ là thân quyến của ta ư?
Văn Viễn liền chỉ sang Trần Quang đang ngồi bệch dưới thềm đá:
- Người này mới là thân quyến của sư thái!
Thiên Nhược sư thái lúc này mới nhìn xuống. Bà ta tức thì giật mình kinh hãi:
- Người này…người này…!
Trần Quang khuôn mặt đẫm nước mắt ngước nhìn sư thái Thiên Nhược. Hắn ú ớ gần tàn nửa nén hương mới nên lời:
- Người…người có…có nhận ra…con không? Có nhận ra không?
Văn Viễn đoán chừng mẹ con nhận nhau sẽ không ít cảnh hờn tủi. Ông bèn ý nhị lùi ra xa sóng đôi với Vương Y Nguyệt. Cả hai đều nhẹ nhỏm trong lòng. Trần Quang hiển nhiên là khó sống nổi. Nhưng trước khi chết, y có thể đoàn viên với mẹ ruột xem như là niềm an ủi lớn. Vương Y Nguyệt khẽ kéo tay áo Văn Viễn mà nói:
- Chúng ta nên đi thôi! Hai mẹ con họ nhất định có nhiều chuyện muốn nói với nhau! Chúng ta là người ngoài không tiện để nghe!
Văn Viễn liền gật đầu.
Ông cùng Vương Y Nguyệt mới quay lưng chưa kịp nhấc chân thì nghe Thiên Nhược sư thái nói:
- Ta…ta không hề quen biết thí chủ! Thí chủ là ai sao dám tự tiện nhận thân thích với ta?
Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt cứ ngỡ Thiên Nhược sư thái nhận ra Trần Quang sẽ ôm chầm lấy y mà khóc kể, chẳng ngờ bà ta lại lạnh lùng đến vậy. Cả hai ngơ ngác quay lại nhìn. Chỉ thấy Trần Quang nét mặt bàng hoàng hỏi lại:
- Người…không quen biết ta ư?