Lần này tôi trở lại Hà Nội với một ý nguyện tìm lại cho được cô bạn gái đã xa cách 15 năm qua. Tuy ngần ấy năm cách trở, nhưng thỉnh thoảng tôi lại ngóng về phương Bắc với nỗi nhớ bâng khuâng về đôi mắt long lanh và hiền dịu của Hạnh.
Tình yêu đầu tiên bao giờ cũng đẹp, người ta nói vậy mà tôi cũng thấy thế. Thực tình tôi với Hạnh chưa hề có chuyện hai người yêu nhau, mà đó chỉ tình yêu đơn phương, - tôi yêu Hạnh. Đó cũng là tình yêu đầu tiên của tôi. Tôi ấp ủ một niềm mong ước nho nhỏ là được trò chuyện, tâm sự và có dịp được ngắm gương mặt xinh xắn cùng đôi môi hồng luôn nhoẻn cười của Hạnh. Ngày ấy, Hạnh vừa tròn mười tám tuổi nhưng vẫn còn lưu giữ vẻ hồn nhiên nhí nhảnh của cái tuổi học trò. Còn tôi, mỗi khi gặp Hạnh cứ như bị mất hồn vía vậy, - đứng ngớ ra chẳng biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Có lần tôi ấp úng mãi không nhớ được những câu mình đã chuẩn bị sẵn để nói với Hạnh. Hai tai tôi nóng rực khi nhìn thấy Hạnh đang chăm chú nghe và chờ xem tôi định nói gì thì tôi lại càng bối rối và bất chợt ra một câu:
- Trời nóng ghê, Hạnh nhỉ?
Thế rồi Hạnh ôm mặt cười rũ rượi. Tôi chỉ biết hì... hì... theo. Nhưng ngay lúc đó, Hạnh gỡ thế bí cho tôi:
- Thảo nào em thấy tai anh như bị đốt cháy lên kìa. Trời sao nóng thế.
Nghe vậy mà thấy như có một luồng gió mát ào tới làm tôi bình tĩnh lại. Hạnh mỉm cười hỏi:
- Nghe nói anh xung phong đi bộ đội đấy à, còn thời chiến nữa đâu mà hăng hái thế?
Được lời như cởi tấm lòng, tôi bèn tâm sự:
- Trước khi lên đường, anh muốn nói với em một câu chuyện.
Tôi và Hạnh chậm chậm đi dọc con đường nhỏ từ trường về khu ký túc xá. Hạnh học sau tôi ba khóa. Tôi ở quê lên, còn Hạnh là người Hà Nội nên ở ngoại trú. Bạn bè cùng phòng đều biết tôi mê Hạnh. Chúng nó trêu chọc tôi suốt. Có đứa còn răn đe "đũa mốc mà chòi mâm son, đừng có mà mơ hão". Hạnh nhoẻn cười:
- Xin anh để dành câu chuyện ấy vào dịp khác. Hôm nay các bạn cùng lớp đã liên hoan chia tay anh chưa?
Về đến ký túc xá lúc nào không hay. Khi nghe thấy tiếng vỗ tay của mấy bạn trên tầng tư, tôi mới giật mình dừng chân và rụt rè nói với Hạnh:
- Lên phòng bọn anh chơi đi! Chúng nó nhắc đến em luôn đấy.
Hạnh im lặng một lát, rồi ngước mắt nhìn tôi và nhẹ nhàng nói:
- Em xin gửi lời cảm ơn các anh. Ngày mai em sẽ cùng các bạn tiễn anh lên đường.
Tôi ấp úng:
- Em...!
Hạnh nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thiện cảm, chẳng nói một lời chỉ gật đầu chào rồi quay đi.
*
* *
Thế rồi tôi lên đường mang theo nỗi nhớ về đôi mắt to đen và ngời ngời ánh sáng ấy...
Tôi tự an ủi chỉ vài năm sau, tôi hy vọng có ngày trở về sẽ gặp lại Hạnh. Lúc ấy tôi sẽ cứng cỏi hơn, mạnh mẽ hơn và lẽ dĩ nhiên sẽ chẳng còn rụt rè nữa. Tôi nghĩ rằng, ngày gặp lại tôi sẽ đủ can đảm mà ôm chầm lấy Hạnh và hôn lên đôi mắt bồ câu đáng yêu ấy.
*
* *
Nhưng sau khi xuất ngũ tôi lại theo học Đại học Quân sự ở phía Nam. Sau khi tốt nghiệp tôi đến làm việc ở một đơn vị kỹ thuật quân sự ở một tỉnh lẻ gần biên giới Việt - Lào. Công việc bận liên miên theo năm tháng, nhưng vào những lúc thư thả hoặc những đêm mất ngủ tôi đều nhớ về mối tình đơn phương ngày nào. Đôi mắt bồ câu và nụ cười rạng rỡ như hoa của Hạnh chẳng hề phai mờ theo thời gian. Mặc dù trong những năm đầu nhập ngũ, tôi đều viết thư cho Hạnh, nhưng chẳng khi nào được phúc đáp. Tôi ngỡ tưởng tình cảm của cả hai chưa có gì sâu sắc nên mọi chuyện sẽ qua đi. Nhưng có ngờ đâu, nỗi nhớ nhiều lúc vẫn ám ảnh tôi. Tôi khao khát, nếu có dịp ra Hà Nội nhất quyết sẽ tìm gặp Hạnh.
*
* *
Thời cơ ấy đã đến, tôi được cử ra Hà Nội báo cáo công trình khoa học và kết hợp giai đoạn bảo vệ luận án tiến sĩ. Thấm thoắt đã mười lăm năm, tôi thấy mình bồn chồn khó tả khi bước chân trên con đường quay lại mái trường xưa.
Tôi biết chắc chắn là Hạnh đã lấy chồng và sinh con bởi ngần ấy năm rồi còn gì. Tính đến bây giờ Hạnh đã ngoài ba mươi tuổi, chắc sẽ khác nhiều so với trước. Nhưng trong lòng tôi luôn nhớ tới một cô bé ngày nào. Với tôi, Hạnh vẫn luôn là một cô gái mười tám tuổi. Đôi mắt em vẫn to tròn, nụ cười vẫn tươi tắn như chẳng thể nào khác được. Nghĩ vậy, tôi mạnh dạn bước tới phòng giáo dục để hỏi tin tức và địa chỉ của gia đình Hạnh.
*
* *
Tôi lẩn thẩn chuẩn bị cái gì cũng hai thứ. Quà cho mẹ và cho con. Cái khăn, cặp tóc và lẽ dĩ nhiên có thêm một gói ô mai. Tôi khấp khởi trên đường. Hà Nội với tôi nay thật sự xa lạ. Sau mười lăm năm xa cách, tôi thấy Hà Nội đổi thay quá nhiều. Đường phố rộng ra không như tôi vẫn hình dung. Nhà cửa thì cao đẹp đến nỗi tôi không tưởng tượng ra được. Tôi ngập ngừng hỏi một anh chàng xe ôm con đường về phố Hàng Bè, rồi nhờ anh chở đi.
Đường đi ngoằn ngoèo mãi mới tới nơi. Thì ra đây là một phố chợ. Người buôn bán qua lại thật nhộn nhịp. Tiếng cười, nói xôn xao khắp phố. Trong lòng tôi rạo rực một niềm vui khó tả. Tôi hồi hộp rẽ vào một ngách nhỏ, rồi bước tới ngôi nhà có cánh cửa màu xanh và bấm chuông.
- Ai đấy?
Một giọng nói vọng ra. Tôi vội đáp:
- Dạ, cháu ạ!
- Nào xem cháu nào đây.
Một bà cụ mở cửa và chăm chú nhìn tôi:
- Anh là...
- Dạ, cho cháu hỏi đây có phải nhà chị Hạnh không ạ?
- Đúng đấy! Nhưng bây giờ mẹ con nó xuống ở dưới Thanh Trì rồi. Hạnh nó dạy học ở dưới đó mà. Chắc cháu lâu không gặp?
- Vâng! Cháu là bạn học cũ của Hạnh ở trường sư phạm đấy ạ.
Bà cụ vội mời tôi vào nhà rồi ghi địa chỉ và số điện thoại của Hạnh cho tôi. Nhưng gương mặt bà bỗng trở nên buồn bã. Bà nói:
- Đời nó chẳng vui gì. Khi gặp anh lựa lời mà nói chuyện kẻo em nó buồn.
Tôi lúng túng chào bà cụ, rồi quay ra.
*
* *
Anh xe ôm tận tình giúp tôi tìm được đến tận khu nhà của Hạnh ở phố huyện. Tôi ngồi chờ ở một quán nước gần đó. Có lẽ buổi sáng cả hai mẹ con cùng đến trường. Bác chủ quán nước đon đả hỏi tôi:
- Chú bộ đội đến nhà ai đó?
- Dạ, cháu đợi cô giáo Hạnh.
Nói rồi, tôi chỉ tay về ngôi nhà ở bên kia đường.
- Ô, thế chú là...?
- Cháu là bạn học cũ từ ngày xưa cơ, bác ạ.
- Thế mà tôi cứ tưởng chú là bạn của chồng cô ấy!
Tôi giật mình hỏi:
- Vậy bây giờ chồng cô ấy ở đâu ạ?
Bác chủ quán vừa rót nước cho tôi vừa kể:
- Thật tội cho cô giáo Hạnh. Cách đây dăm năm, chỉ vì bảo vệ học trò của mình mà bị bọn người xấu rạch mặt. Suýt nữa thì mù mắt.
Tôi rùng mình và thấy đau nhói trong tim.
- Ôi! Đôi mắt ấy ư? Ông trời sao ác vậy.
Bác chủ quán bùi ngùi kể lại:
- Cô ấy rõ là đẹp, còn tốt nết nữa. Cả phố, cả trường ai cũng quý trọng. Ấy thế mà chuyện vừa xảy ra, anh chồng đã vội bỏ ra đi không hề đoái hoài nữa.
Tôi bàng hoàng và thấy miệng khô đắng. Chén nước trên tay tôi sóng sánh tràn cả ra ngoài. Tôi trấn tĩnh hỏi:
- Chuyện xảy ra như thế nào ạ?
- Ôi, cả huyện này ai cũng nói cô Hạnh là một mình chống lại "ma phi a" đấy!
Bác tóp tép nhai miếng trầu, rồi kể tiếp:
- Một số học trò trong trường huyện nghiện hút hít mà anh. Trong đó có một học sinh của lớp cô giáo Hạnh nghiện nặng lắm. Gia đình nó không làm sao mà dạy bảo nổi. Càng ngày nó càng sinh hư. Nhà trường kết hợp với gia đình dùng đủ biện pháp mà mấy đứa ấy nó có chừa đâu. Nào ăn cắp, cướp giật thậm chí còn có đứa giết người cướp của đã bị bắt đi tù rồi đó.
Bác chủ quán nhăn nhó và tỏ ra buồn bực khi nói chuyện. Tôi hồi hộp lắng nghe, bác kể tiếp:
- Chẳng ai dám liều như cô giáo Hạnh này cơ. Ai lại dám đứng ra bảo lãnh và kèm cặp thằng bé ấy. Cô theo sát nó từng bước từ nhà đến trường rồi lại từ trường về đến nhà. Đến tối cô Hạnh lại còn đến kèm cặp cho nó học hành tử tế. Ấy thế rồi...
Bác chủ quán giọng trầm xuống, thì thào với tôi:
- Bọn trùm ma túy ở đây bắn tin đe dọa cô Hạnh, nếu cô còn tiếp tục án ngữ con nghiện của chúng. Anh biết không, cô Hạnh là người mạnh dạn làm việc này để làm gương cho các nhà khác. Đồng thời hễ có động tĩnh gì là cô lại báo công an hỗ trợ, nên bọn chúng tức lắm.
Hình như nói đến đây bác chủ quán tỏ ra lo lắng. Bác ta nhìn trước ngó sau, rồi mới nói:
- Bọn chúng ngầm đe dọa cô Hạnh nhiều lần rồi mà không được. Thế là chúng ra tay.
Nghe đến đây tôi tức khí đấm tay xuống bàn nước làm đổ tung tóe mọi thứ. Bác chủ quán giật bắn mình nhìn tôi rồi vội xua tay:
- Ấy! Cứ coi như tôi chưa nói gì nhé.
Tôi đứng dậy đi đi lại lại, bồn chồn như lửa đốt trong lòng. Lát sau lấy lại bình tĩnh, bác chủ quán cũng đứng lên bước lại gần tôi nói:
- Nhưng nói để anh khỏi lo, sau cái vụ đó bọn chúng đã bị bắt đi tù hết rồi.
Bất chợt bác chỉ cho tôi:
- Mẹ con cô giáo Hạnh về rồi kia kìa.
Tôi đi như người mất thăng bằng vậy. Hạnh kia ư? Tôi bước tới trước mặt mẹ con cô ấy lúc nào không biết nữa. Hạnh bỏ kính râm ra nheo mắt nhìn tôi. Còn bé gái ngơ ngác hết nhìn tôi rồi nhìn Hạnh. Tôi trở nên lóng ngóng đúng như cách đây mười lăm năm khi mới gặp Hạnh. Đôi mắt to đẹp ngày ấy đâu rồi? Tôi sững người một lúc, rồi mới trấn tĩnh hỏi:
- Hạnh có nhớ tôi là ai không?
Nhìn tôi một lúc lâu, Hạnh lại nheo đôi mắt thương tật, rồi ngập ngừng nói:
- Anh... Chiến phải không?
Không đợi tôi trả lời, Hạnh reo lên:
- Đúng rồi, anh Chiến! Vẫn bộ đội à?
- Chứ sao!
Tôi cười rồi đi tới đưa gói quà cho bé gái:
- Bác là bạn học của mẹ con đó.
*
* *
Tôi theo mẹ con Hạnh vào nhà. Nhìn thấy tấm hình của Hạnh chụp cùng với lớp học, tôi bồi hồi bước tới. Hạnh đứng ở phía sau, gương mặt tươi rói như một bông hoa vừa chớm nở. Đôi mắt bồ câu ngơ ngác vẫn còn đó long lanh như đang nhìn tôi. Hạnh bước tới gần nhìn tấm ảnh, rồi thở dài.
Bất chợt tôi quay lại ôm lấy Hạnh. Quả là liều lĩnh, nhưng tôi không kìm giữ nổi tình cảm của mình. Hạnh rụt rè gỡ bàn tay của tôi:
- Thật muộn màng. Em chẳng còn gì nữa.
Tôi kéo Hạnh trở lại trong vòng tay của mình và nói:
- Anh biết hết mọi chuyện rồi. Em dũng cảm lắm. Với anh, em vẫn như ngày xưa. Vẫn như cách đây mười lăm năm và có lẽ mãi mãi anh chẳng thể nào quên.
Còn bé gái đứng ngây ra nhìn chúng tôi và bất ngờ