ĐIỆN TRỞ CỦA CHẤT DẪN ĐIỆN
Nước chảy trong đường ống chịu ảnh hưởng sức cản do lực ma sát. Dòng điện chạy trong dây dẫn là chất dẫn điện cũng phải chịu trở lực nào đó.
Các kim loại dẫn điện bao gồm các nguyên tử có hạt nhân và điện tử. Hạt nhân tích điện dương và các điện tử chuyển động tự do. Dưới tác dụng của nguồn điện từ bên ngoài, các điện tử tự do trong kim loại sẽ chuyển động có định hướng. Khi chuyển động có thể va chạm với các nguyên tử và các hạt nhân có tích điện dương gây trở ngại cho chuyển động định hướng của các điện tử. Loại trở ngại này được gọi là điện trở.
Thực nghiệm chứng minh điện trở của các chất dẫn điện phụ thuộc nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng điện trở của kim loại cũng tăng. Sợi đốt bóng đèn (sợi Wolfram) khi không phát sáng, nhiệt độ chỉ vào khoảng mấy chục độ, điện trở rất nhỏ, nhưng khi đèn phát sáng, nhiệt độ lên đến gần 2000oC, điện trở của sợi tóc đèn tăng lên nhiều lần. Bóng đèn dùng lâu thường hay bị đứt dây tóc. Nhưng dây tóc đèn thường hay bị đứt đúng vào lúc bật công tắc đèn, vì lúc đóng điện nhiệt độ thấp điện trở sợi tóc đèn còn bé nên dòng điện qua sợi tóc đèn lớn hơn khi đèn sáng rất nhiều.
Vào năm 1911 nhà vật lý học Hà Lan Onnes đã tiến hành một thí nghiệm: Ông cho thuỷ ngân lạnh đến -40oC, ông thấy điện trở của thuỷ ngân giảm dần. Khi nhiệt dộ xuống đến 4,173oK (-268,977oC) ông kinh ngạc nhận thấy điện trở của thuỷ ngân không còn nữa.
Ở nhiệt độ rất thấp (4,1730K là nhiệt độ hóa lỏng của Hêli N.D.), điện trở của thuỷ ngân đã ''không cánh mà bay''. Phát hiện này đã gây chấn động lớn trong giới khoa học thời đó và được mọi người hết sức coi trọng. Sau này người ta đã phát hiện được thêm nhiều kim loại khi nhiệt độ hạ xuống quá một giới hạn nào đó, điện trở của chúng hầu như biến mất người ta gọi hiện tượng điện trở đột nhiên biến mất là “hiện tượng siêu dẫn” còn các chất có điện trở đột nhiên biến mất người ta gọi đó là các chất siêu dẫn.
Việc phát hiện hiện tượng siêu dẫn đã mở ra một phương hướng mới trong lĩnh vực tìm cách tiết kiệm điện. Các nhà khoa học đang ra sức tìm tòi các chất có tính siêu dẫn ở nhiệt độ cao.