Tài liệu: 1500 – 1600: những nhà cai trị vĩ đại

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

1500 – 1600: NHỮNG NHÀ CAI TRỊ VĨ ĐẠI 1500 - 1600 - THẾ GIỚI Những tiến bộ mới trong ngành đóng tàu và nền khoa học hàng hải ngày càng phát triển đã c
1500 – 1600: những nhà cai trị vĩ đại

Nội dung

1500 – 1600:

NHỮNG NHÀ CAI TRỊ VĨ ĐẠI

1500 - 1600 - THẾ GIỚI

Những tiến bộ mới trong ngành đóng tàu và nền khoa học hàng hải ngày càng phát triển đã cho phép các thủy thủ châu Âu thám hiểm ra xa khỏi vùng bờ biển của họ mà vẫn ung dung giữa đại dương mênh mông. Cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương trước đó của Columbus, chuyến đi biển vòng quanh trái đất của Ferdinand Magetlan khoảng 1519-1522, và nhiều cuộc thám hiểm khác nữa đã cho người châu Âu biết nhiều hơn về các bờ biển châu Phi, châu Á và châu Mỹ.

Những nhà cai trị hùng mạnh. Trong suốt giai đoạn này, nhiều quốc gia trên thế giới đã trải qua những thời kỳ chính quyền vững mạnh lâu dài. Ở châu Âu, bất chấp sự xáo trộn gây ra bởi các quan điểm bất đồng về tôn giáo trong thời kỳ cải cách, Nga, Pháp và Anh vẫn được cai trị bởi các vị quốc vương hùng mạnh nối tiếp nhau, trong khi hoàng tộc Hapsburg thống lãnh Tây Ban Nha, Thánh Địa La Mã, và phần lớn Italy. Tuy nhiên, sự thảm bại của vua Philip II đã mở đường cho sự bành trướng của cả người Anh lẫn người Hà Lan. Khắp châu Á cũng nổi lên một bức tranh tương tự. Người Ottoman trị vì Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các vị tân vương tướng lãnh Ba Tư, Miến Điện, và Nhật Bản, cùng lúc đế quốc Moghul được thành lập ở Ấn Độ.

1500 - 1600 - CHÂU PHI

Đế quốc Songhai trị vì xứ sở Mali cổ kính và nhiều xứ khác dưới triều hoàng đế Mohammed Turré vĩ đại. Sau khi ông qua đời, những tranh chấp trong nội bộ đã làm suy yếu đế quốc này. Năm 1590-1591, nó bị Maroc chinh phục. Châu Phi bắt đầu thu hút sự chú ý của người châu Âu, đặc biệt là các nhà thám hiểm và các thương nhân Bồ Đào Nha, những người đã xông pha thiết lập nên các mạng lưới mậu dịch lâu đời, dựng lên các trạm mậu dịch và thông thương buôn bán với người dân bản địa. Trên bờ biển phía Tây, họ bắt đầu chuyên chở nô lệ đến châu Mỹ.

NHỮNG NĂM 1500 - SONGHAI LỚN MẠNH

Sau khi Sonni Ali, hoàng đế của đế quốc Songhai qua đời năm 1492, một trong những viên tướng của ông là Mohammed Turré đã mở ra triều đại Askia đóng đô ở Gao xứ Mali. Mohammed Turré thiết lập một chính quyền đầy hiệu lực, thành lập lực lượng cảnh binh, ban hành các loài thuế định kỳ và các tiêu chuẩn cân đo, xây dựng một hệ thống kênh rạch ở Niger để cải thiện nông nghiệp và thiết lập một lực lượng quân đội thường trực. Cùng với quân đội của mình, ông mở rộng đế quốc ra phía Bắc chiếm lấy các quặng muối ở Sahara, đồng thời tiếp tục bành trướng về hướng Đông. Mohammed Turré sống một cuộc sống rất xa hoa. Để đựng hết số long bào của ông, người ta cần đến bảy mươi chiếc túi da báo. Tục truyền rằng trong một chuyến hành hương đến Mecca, ông đã phung phí trên 250.000 đồng vàng.

1500 - 1600 - CHÂU Á

Thế kỷ 16 đối với châu Á là một thời kỳ của các đế quốc hùng mạnh và các nhà cai trị xuất chúng. Đế quốc Ottoman rộng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới triều đại của Sultan Sulayman đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực. Triều đại các vị hoàng đế Hồi giáo Moghul, hậu duệ của Tamerlane và Thành Cát Tư Hãn đã lên trị vì ở Ấn Độ. Họ xây dựng những đền đài tráng lệ và tổ chức một mạng lưới mậu dịch  rộng lớn. Sau nhiều thời kỳ bị chia cắt, Ba Tư được hợp nhất dưới triều đại những nhà cai trị mới Safavids. ở Nhật Bản, Oda Nobunaga và người kế vị ông là Toyotomi Hideyoshi đã thống nhất đất nước và lần đầu tiên thiết lập một chính quyền vững mạnh trong nhiều năm liền.

1501 - SHAD ISMAIL SÁNG LẬP KINH ĐÔ SAFAVID

Người Safavid là những người Hồi giáo Shi'ite miền Tây Bắc Ba Tư (ngày nay là Iran), các lãnh tụ của họ tự xưng là con cháu của Ali, người anh em họ của Mohammed. Năm 1501, hoàng đế Shad Ismail chiếm Tabriz làm thủ đô của mình. Ông chinh phục toàn bộ Ba Tư và các phần đất của Iraq, đồng hoá dân chúng theo lễ giáo Shi'ite. Quân Ottoman là đạo quân duy nhất đã đánh bại Shad Ismail từ Azerbaidjan đến miền Bắc Ba Tư vào năm 1514 và người ta nói rằng kể từ đó, ông không bao giờ mỉm cười nữa. Shad Ismail qua đời năm 1524, nhưng  bất chấp các cuộc tấn công triền miền của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Uzbeks hòng vây hãm các hoàng đế kế vị, sự thống nhất của Ba Tư vẫn được duy trì. Lần đầu tiên dân chúng cảm thấy họ là một nước thống nhất.

1520 - SULAYMAN  I TRỞ THÀNH SULTAN CỦA OTTOMAN

Vào năm 1500, đế quốc Ottoman đã là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Nung nấu bởi một sứ mệnh tôn giáo là phải làm cho các dân tộc láng giềng theo Hồi giáo, các hoàng đế của Ottoman đã chinh phục các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Tây Á và Đông Nam châu Âu. Sulayman I (1520-1566) được gọi là ''al-Qanuni'', tức Đấng Ban luật, bởi thần dân của ngài và “vị hoàng đế oai phong lẫm liệt” bởi đỉnh cao uy quyền. Năm 1526, ông đánh chiếm Hungary và ba năm sau bao vây Vienna (Áo). Ông tiếp tục xâm chiếm các vùng lãnh thổ Bắc Phi và Iraq, các hạm đội thủy chiến của ông thống lãnh toàn Địa Trung Hải.

Đế quốc Ottoman

Khoảng 1300. Osman sáng lập triều đại của các hoàng đế Ottoman ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

1359 - 1451. Quân Ottoman chinh phục phần lớn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan.

1453. Quân Ottoman chiếm Constantinople (Istanbul), nối liền lãnh thổ của họ từ châu Á đến châu Âu.

1520-1566. Đế quốc Ottoman mở mang rộng lớn nhất, dưới triều đại của hoàng đế Sulayman ''Oai phong lẫm liệt".

1571. Chiến thuyền Kito giáo tiêu diệt hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Lepanto.

Khoảng 1600. Đế quốc Ottoman bắt đầu suy yếu.

1918. Các hiệp ước hoà bình chấm dứt đại chiến thế giới thứ nhất đã làm đế quốc này tan rã.

1923. Nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ ra đời dưới chính quyền của tổng thống Kemal Ataturk.

1526 - Quân Moghul xâm lược Ấn Độ. Năm 1500, Ấn Độ bị chia cắt thành các bang Hindu và Hồi giáo kình chống lẫn nhau. Babur, một người Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và Tamerlane, lên trị vì vương quốc Kabul ở Afghanistan. Là một vị hoàng đế đầy tham vọng, ông xâm lược Ấn Độ, đánh bại Sultan xứ Delhi năm 1526 và đem quân đến vùng  biên giới Bengal. Lãnh địa của ông bắt đầu được biết dưới cái tên đế quốc Moghul, một biến âm của từ Mongol (Mông Cổ) để chỉ lai lịch tổ tiên của ông. Babur qua đời năm 1530, để lại một triều đình suy yếu. Con trai ông, Humayun không thể duy trì sự thống nhất của đế quốc mình. Năm 1540, Sher Khan Suri, một viên tướng người Afgha, đánh chiếm Agra và Delhi, và Humayun đã không thể thu phục lại hai sứ sở này cho tới năm 1555. Con trai ông là Akbar đã làm thay đổi bộ mặt vương quốc Moghul, mở rộng tất cả các mặt biên giới, ông giành được sự ủng hộ của người Hindu vì đã để họ được tự do tín ngưỡng và sự ủng hộ của nông dân vì đã giảm siu thuế. Ông tổ chức lại chính quyền, cho phép các quan chức cao cấp được giữ các chức vụ quân đội và dân sự. Họ được ban thưởng rộng rãi nhưng không được phép định cư lâu dài ở riêng một bang nào hết.

Đế quốc Moghul

            1504, Babur, vị hoàng đế Moghul đầu tiên đã chiếm được Kabul.

            1526. Trận chiến Panipat, Babur đánh bại Sultan xứ Delhi.

            1540. Sher Khan Suri người Aghan giành quyền từ tay Humayun, con trai  Babur, và trị vì đến năm 1555.

            1556-1605. Chính quyền Akbar, người cải cách chính quyền.

            1628 - 1658. Nghệ thuật phát triển rực rỡ dưới triều đại hoàng đế Shad Jahan.

            Khoảng 1664. Quân Marathas Hindu khiêu chiến với người Moghul ở phía Tây.

            Những năm 1720. Đế quốc Moghul bắt đầu tan rã.

            1739. Nadir Shad từ Ba Tư xâm chiếm Delhi.

            1858. Hoàng đế Moghul cuối cùng bị người Anh đầy biệt xứ.

            1551 - Bayinnaung cai trị Miến Điện. Vào thế kỷ 16, hai nhà cai trị hùng mạnh ra sức xây dựng một đế quốc ở Miến Điện. Vào đầu thế kỷ Miến Điện bao gồm các bang nhỏ tập hợp lại với nhau. Năm 1531,Tabinshwehti trở thành vua của một trong các bang này là Toungoo ở phía Đông Nam. Từ 1535, ông chinh phục dân chúng miền châu thổ sông Irrawaddy, chiếm Pêgu, kinh đô của vương quốc Mon ở phía Nam và lấy nó làm kinh đô của ông. Ít lâu sau ông làm chủ vương quốc Pagan ở phía Bắc nhưng thất bại trong các cuộc xâm lược Thái Lan trước khi ông mất trong một cuộc biến loạn ở Mon. Năm 1551, người anh em rể Bayinnaung đã dẹp yên cuộc biến động và lên ngôi kế vị ông Bayinnaung là người vĩ đại nhất trong tất cả các vị vua Miến Điện, có mộng bá vương và đã đè bẹp Thái Lan, nhưung sự vắng mặt của ông tại Pegu khi ông đang bận việc binh đao đã dẫn đến một cuộc nổi loạn và thành phố đã bị tàn phá nặng nề. Ông đã dẹp yên được cuộc biến loạn và xây dựng lại thành phố cực kỳ tráng lệ.

            1568 - Nhật bản bắt đầu thống nhất. Vào đầu thế kỷ 16, Nhật bản bị xâu xé bởi cuộc nội chiến giữa các lãnh chúa. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo quân sự hùng mạnh nổi lên lập lại trật tự và thống nhất đất nước. Oda Nobunaga, một lãnh chúa nhỏ đầy tham vọng, đã chiếm lấy thủ phủ Kyoto năm 1568, và năm 1573 đã phế truất vị thống soái Ashikaga, tức vị tướng chỉ huy quân đội. Ông tấn công vào các lãnh chúa của các địa hạt lân cận và khuất phục họ. Sau khi ông qua đời vào năm 1582, Hideyoshi, một viên tướng của ông trở thành Kampaku, tức một nhà độc tài dân sự, vào năm 1585. Hydeyoshi đã bành trướng uy quyền của mình cho tới cuối năm 1591, khi ông đã nghiễm nhiên trở thành vị chủ soái của Nhật Bản. Tham vọng của ông là tập hợp toàn châu Á vào một đế quốc to lớn. Ông xâm lược Triều Tiên, nhưng quân đội của ông bị đẩy lùi khi Trung Quốc tham chiến. Ở Nhật Bản, Hideyoshi ra sức thiết lập trật tự bằng cách đẩy mạnh việc phân chia giai cấp. Những luật lệ mới nghiêm cấm các hiệp sĩ  Samurai không được rời bỏ lãnh chúa của họ và nông dân không được rời bỏ ruộng đất.

1500 – 1600 - CHÂU ÂU

            Sự kiện then chốt của thế kỷ này là Cải cách. Phong trào cải cách nhà thờ Thiên  chúa giáo bắt đầu ở Đức và lan ra khắp Bắc Âu. Mặc dù giáo hội Thiên chúa giáo đã đáp lại bằng việc giới thiệu những cải cách trong nội bộ, các cuộc bạo động giữa các phần tử Thiên chúa giáo và Cải cách (gọi là phe Tin Lành) vẫn tiếp diễn.

1517 - CÁCH MẠNG TÔN GIÁO

            Sự bất bình ngày một lan rộng đối với thực trạng của giáo hội được đưa ra ánh sáng bởi Martin Luther (1483-1546), một nhà thần học Đức đồng thời là một nhà cải  cách tôn giáo. Những chỉ trích của ông về những việc làm của Giáo hội đã làm dấy lên một làn sóng phản đối cuốn theo hầu hết Bắc Âu ly khai khỏi Giáo hoàng và giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Các nhà thờ Tin lành mới được mọc lên, khởi xướng bởi Luther, nhà cải cách Thụy Sĩ Ulrich Zwingli, nhà thần học Pháp John Calvin và những người khác. Họ chủ trương chỉ tuân theo những giáo huấn của Thánh Kinh và gạt bỏ các truyền thống của Giáo hội. Một số nhà vua và hoàng tử uy danh đã ủng hộ họ.

            1534 - Vua Henry ly khai với Giáo hội La Mã. Henry VIII (1491-1547) nắm quyền lãnh đạo nhà thờ Anh  quốc vì Giáo hoàng không cho phép ông li dị người vợ cả. Ông giải tán các tu viện và tịch biên tài sản của họ nhưng vẫn cho phép các nghi thức lễ được tiếp tục như cũ. Dưới triều đại của con trai ông, Edwar VI (1537-1553), chính quyền Tin lành đã đưa phong trào cải cách đến Anh quốc. Các nghi thức lễ được thay đổi và cách trang hoàng nhà thờ được đơn giản hoá. Sau khi Edward qua đời, người chị cùng cha khác mẹ của ông là Mary, một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo, đã ra sức khôi phục lại uy quyền nhà thờ của bà ở Anh quốc và trên đường thực hiện việc này, bà đã xử trảm rất nhiều Tín đồ Tin Lành. Sau cái chết của Mary “tàn bạo” năm 1558, Elizabeth I đã ủng hộ một hình thức ôn hoà của Tin lành và phản bác cả cánh Thiên Chúa giáo lẫn phe Tin Lành cực đoan, đối với những người này, nhà thờ Anh quốc không bao giờ được cải cách đầy đủ.

PHONG TRÀO CẢI CÁCH TÔN GIÁO

            1517. Martin Luther phản bác  sự lạm quyền của nhà thờ.

            1520-21. Luther viết các tác phẩm có tầm ảnh hưởng rất lớn đề nghị cải cách giáo hội.

            1526. Wiliam Tyndale, một nhà thần học người Anh đã dịch Tân Ước sang tiếng Anh.

            1534. Henry VIII ly khai giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã.

            1536. John Calvin, một nhà cải cách người Pháp, khởi xướng chương trình cải cách ở Geneva, Thụy Sĩ: tầm ảnh hưởng đã lan rộng khắp châu Âu.

            1545. Hội đồng Trent của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã (1545-63) đã họp tại Italy để bắt đầu một chương trình Phản-cải-cách.

            1547 - Ivan nắm quyền lực ở Nga. Ivan IV nối ngôi Hoàng thân xứ Muscovy khi mới lên ba, năm 1533. Việc triều chính thời kỳ đó rất rối ren lúc đầu do cha mẹ ông điều khiển, kế đến là do Hội đồng Boyar (Hội đồng các nhà quý tộc điều khiển, cho đến mãi năm 1547 khi Ivan lên ngôi Sa Hoàng nước Nga; ông trị vì trong vài năm, với sự hỗ trợ của một hội đồng nội các do ông tựu chọn, gồm các địa chủ và các nhà quý tộc (boyars). Ông cải cách quân đội và hệ thống chính quyền, mở mang buôn bán với nước ngoài và chinh phạt các vương quốc Kazan và Astrakhan của người Tatar. Nhưng rồi cái chết của người vợ thứ nhất của ông, năm 1560, dường như đã làm ông loạn trí. Ông chia đất nước ra làm hai phần; một được cai trị bởi Hội đồng Boyar, phần kia do chính ông cai trị một cách hết sức độc tài với sự hỗ trợ của một lực lượng cận binh vũ trang rất đáng sợ (gọi là Oprichnina). Ông dẫn dắt một triều đại gieo rắc kinh hoàng đã mang lại cho ông biệt danh “Tên bạo chúa” và tàn phá tan hoang đất nước. Phần lớn lãnh thổ mất về tay Ba Lan và Thụy Điển, mặc dù cuộc chinh phạt Tây Siberia ngay trước khi Ivan  qua đời năm 1584 đã phần nào cân bằng lại những mất mát này.

1558 - Nữ vương Elizabeth I của nước Anh. Công chúa Elizabeth, một tín đồ Tin lành, đã lên ngôi nữ vương nước Anh năm 1558. Bà chọn William Cecil, một quan chức tầng lớp trung lưu, làm tổng quản thượng thư cho bà. Ông trở thành một trong những người cố vấn giỏi nhất mà một vị quân vương nước Anh có được. Họ đã tuyên bố nước Anh theo Tin lành nhưng vẫn cho phép những người Thiên Chúa giáo được giữ đạo của mình miễn là họ trung thành với nữ vương. Trong nhiều năm liền, ngôi vị của nữ vương luôn bị đe doạ bởi người đòi quyền kế vị thuộc phái Thiên Chúa giáo, Mary, nữ vương của người Scotland. Nguy hiểm còn đến từ các vị vua nước ngoài, đặc biệt là vua Philip II của Tây Ban Nha, người bảo hộ Thiên Chúa giáo; vị hoàng đế này phái hạm đội Armanda đến đánh nước Anh năm 1588 nhưng đã bị đánh bại hoàn toàn. Khi Elizabeth qua đời năm 1603, một giai đoạn lịch sử đầy sôi động của nước Anh cũng qua đời với bà.

1572 - Cuộc thảm sát giữa ban ngày ở St. Barthélemy. Khi phong trào cải cách tôn giáo lan rộng khắp châu Âu, như các nước khác, Pháp cũng bị chia rẽ thành hai giáo phái Tin lành (chủ yếu là những người theo giáo phái Calvin gọi là những người Huguenot) và Thiên Chúa giáo. Vua Charles IX và mẹ ông, Catherine de Médicis, đều là người Thiên Chúa giáo, nhưng sự trung thành của giai cấp quý tộc đã bị phân tán. Chẳng bao lâu sau, nước Pháp chìm đắm trong các cuộc xung đột tàn khốc. Năm 1572, tất cả các thủ lãnh phái Huguenot đều đến Paris để dự tiệc cưới của Henry xứ Navarre (sau này là vua Henry IV của Pháp), một người Tin Lành, sẽ kế vị ngai vàng. Với sự chấp thuận của thái hậu Catherine, hầu hết các lãnh tụ Tin Lành, kể cả vị tổng chỉ huy, tướng Coligny, và vài ngàn người Tin Lành khác, đã bị giết chết trong một cuộc thảm sát kinh hoàng. Khi Henry lên ngôi vua năm 1589, ông cố gắng chấm dứt xung đột. Ông trở thành một người Thiên Chúa giáo, nhưng với sắc lệnh Nantes năm 1598, ông đã phê chuẩn việc hoà giải tôn giáo trên khắp nước Pháp.

1500 - 1600 - CHÂU MỸ

Việc tin chắc rằng ở châu Mỹ có rất nhiều vàng, cộng với sự bùng nổ dân số ở châu Âu đã thúc đẩy các nhà thám hiểm vượt Đại Tây Dương để tìm kiếm những nguồn của cải và những miền đất mới. Các đế chế Aztec và Inca cổ Xưa ở Trung và Nam Mỹ đã mau chóng sụp đổ trước quân Tây Ban Nha; cùng lúc đó ở phía Bắc, cũng lo thôi thúc bởi mong muốn tìm thấy vàng và các miền đất sinh hoa lợi cho triều đình , người Anh và người Pháp đã quyết định thử nghiệm những cuộc định cư lâu dài.       

Những năm 1500. Người Pháp thám hiểm Canada tiếp bước những cuộc hành trình của Columbus đến Caribean (1492- l 504), nhiều thủy thủ châu Âu đã thám hiểm châu Mỹ trong suốt thế kỷ kế tiếp. Họ lên để tìm kiếm vàng và các tài nguyên khác, kể cả để tìm kiếm thuộc địa. Năm 1534, Jacques Cartier (1491 - 1557), một là đi biển người Pháp rất quả cảm, đã thám hiểm các eo biển Belle Isle trên vùng biển phía Đông Canada và công bố Canada thuộc về Pháp. Ông thực hiện cuộc hành trình thứ hai lên con sông St.Lawrence đã được các ngư dân Pháp thám hiểm trước đó và ghé thăm hai ngôi làng ở Huron mà sau này là Quebec và Montreal. Năm 1541, người Pháp cố thiết lập một thuộc địa ở Montreal nhưng không thành công. Chế độ thực dân Pháp ở Canada bắt đầu vào thế kỷ sau đó.

1519 - SỰ DIỆT VONG CỦA ĐẾ QUỐC AZTEC

Hernan Cortés (1485-1547), một người lính và một nhà thám hiểm Tây Ban Nha, đã rời Cuba vào tháng 2-1519 để đến Mehico. Ông được hộ tống bởi một đội quân chở gồm khoảng 500 người có vũ khí. Họ đến thủ đô Tenochtitlan của Aztec vào tháng 10. Cortés rất kinh ngạc trước quang cảnh một thủ đô tráng lệ với các cung điện, đền thờ và phố xá rộng rãi, và khi ông vào đến thành phố, vị hoàng đế Aztec vĩ đại Montezuma đối đãi với các vị khách với cung cách nhà vua. Nhưng Cortés đã phản bội Montezuma, lập tức tống giam ông và thảm sát hàng trăm nhà quý tộc Aztec. Choáng váng trước những điều xảy ra, các lãnh tụ Aztec còn lại đã tổ chức một cuộc nổi dậy năm 1520, khi Cortés đang vắng mặt. Rất nhiều người Tây Ban Nha đã bị giết, nhưng Cortés đã tập hợp được các dân tộc láng giềng chống lại Aztec, Montezuma bị giết, Tenochtitlan bị phá hủy và Cortés trở thành nhà cầm quyền của Mehico.

1532 - ĐẾ QUỐC INCA SỤP ĐỔ

Hoàng đế Inca, Huayna Capac, qua đời năm 1525. Các con ông đánh lẫn nhau  để tranh quyền kế vị, và Atahualpa đã lên ngôi năm 1532. Khi tiến binh về Cuzon để làm lễ đăng quang, Atahualpa và đoàn tuỳ tùng của ông bị bao vây bởi 168 hiệp sĩ mặc giáp cưỡi ngựa dẫn đầu bởi một tên thực dân Tây Ban Nha, Francisco Pizarro. Toàn bộ đoàn quân  Inca bị tiêu diệt,  chỉ trừ Atahualpa, ông được tha với điều kiện phải nộp một số tiền chuộc lớn cho quân Tây Ban Nha. Atahualpa đã cống nạp những món hàng theo yêu cầu - một căn nhà khổng lồ chất đầy vàng bạc, nhưng liền ngay sau đó bị vặn cổ chết. Cái chết của ông báo hiệu ngày cáo chung của đế quốc Inca vĩ đại.

 

 

1500 - 1600 CHÂU ÚC VÀ THÁI BÌNH DƯƠNG.

Các cường quốc châu Âu bắt đầu tổ chức các cuộc hành trình thám hiểm Thái Bình Dương. Người Bồ Đào Nha đã đặt chân lên một vài hòn đảo ở Thái Bình Dương như Tân Guinea, và các thủy thủ Tây Ban Nha cũng đã đến đó. Ferđinand Magellan, một người Bồ Đào Nha làm việc cho Tây Ban Nha, đã thám hiểm Thái Bình Dương và đến được Philippine, nơi đây ông đã bị những dân trên đảo nổi giận giết chết. Trong lúc đó, người Maori ở New Zealand đã xây dựng các hàng rào công sự, và người Tonga đã gây dựng hai triều đại mới, không hay biết gì về những cuộc thám hiểm kia.

NHỮNG NĂM 1550 - NGƯỜI MAORI XÂY DỰNG CÁC HÀNG RÀO PHÒNG THỦ.

Người Maori ở cả Bắc lẫn Nam quần đảo New Zealand đã xây dựng những khuôn rào bảo vệ, gọi là ''pa'', cho mọi sinh hoạt của họ. Những khuôn viên này có kích thước chênh lệch từ nhỏ hơn 1/5 hecta (nửa mẫu Anh) đến 40 hecta (100 mẫu Anh). Phần lớn các khuôn viên này được phòng vệ bằng công sự. Các ''pa'' lớn hơn được dùng làm khu dân cư cho các cộng đồng Maori. Hàng rào công sự gồm ba loại: các khuôn viên có đất đai, các hàng rào công sự bao quanh một mũi đất và các hàng rào công sự được bao bọc bởi các giao thông hào. Một số các “pa” này đã được đào xới lên, cho thấy dấu tích của các kho chứa vũ khí, các hầm trữ mùa màng, các sàn đấu nhô cao lên, và các căn nhà gỗ dài với lò sưởi và mái có đầu hồi. Khi người châu Âu ghé New Zealand lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18, họ đã nhìn thấy các cộng đồng Maori vẫn còn sinh sống trong các pa.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/268-26-633348832151840725/Lich-su-the-gioi/1500--1600-nhung-nha-cai-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận