1600-1700:
THƯƠNG MẠI VÀ THUỘC ĐỊA
1600-1700-THẾ GIỚI
Vào thế kỷ 17, mậu dịch châu Âu đã mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Trong cuộc tìm kiếm vàng, đồ gia vị và các mặt hàng có giá khác, các thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và Pháp đã thiết lập các trạm mậu dịch ở từng châu lục trên thế giới. Ở châu Mỹ, dân chúng từ châu Âu - thường do phải chạy trốn khỏi các cuộc khủng bố tôn giáo hay vì các khó khăn kinh tế - đã theo bước các thương nhân lập nên các thuộc địa. Vào khoảng năm 1700, các thế lực chính của châu Âu vốn làm giàu nhờ tiền lãi kiếm được trong thương mại quốc tế, đã cai trị các đế quốc và lãnh thổ lớn gấp mấy lần lãnh thổ họ.
Thế giới tự do. Không phải mọi quốc gia dều chịu ảnh hưởng thế lực ngày một lớn mạnh của châu Âu. Năm 1683, người thổ Ottoman hùng mạnh đã gần như đè bẹp phần Trung Âu khi họ tấn công Vienna, trong khi Trung Quốc, dưới sự cai trị vững mạnh của triều Mãn Thanh, đã bước sang một thời kỳ kinh tế thịnh vượng lâu dài nhờ xuất khẩu đồ gốm tơ lụa. Nhật Bản tập trung vào việc làm ăn trong nước và bắt đầu một thời kỳ bế quan tỏa cảng tương đối tách khỏi châu Âu, kéo dài trên 200 năm. Ở Ấn Độ, các hoàng đế Moghul đã giành được vinh quang tuyệt đỉnh, nhưng đến cuối thế kỷ này, đế quốc của họ bị phân tán và đứng bên bờ vực sụp đổ. Nhiều vương quốc ở châu Phi đã thịnh vượng lên, mặc dù Tây Phi và Angola ngày càng bị hủy hoại bởi việc buôn bán nô lệ.
1600 - 1700 - CHÂU PHI
VIệc buôn bán nô lệ ở châu Phi bắt đầu từ những năm 1500, và đã phát triển mạnh vào giai đoạn này. Các thủ lãnh châu Phi hoảng sợ về số lượng dân chúng bị người châu Âu bắt làm nô lệ. Thủ lãnh vương quốc Ndongo là nữ vương Nzinga chống đối kịch liệt , một phần do các báo cáo về những điều kiện kinh khủng trong đó những người nô lệ bị đưa sang Mỹ. Ở sâu trong lục địa các quốc gia mạnh vẫn phồn thịnh như đế quốc đang phát triển Oyo ở mạn Tây châu Phi. Ở gần mỏm Nam châu Phi, người Hà Lan bắt đầu lập nghiệp và phát triển mau chóng. Về phía Đông châu Phi, quyền lực Bồ Đào Nha xuống dốc khi người Hồi giáo Omani liên kết với các trung tâm thương mại dọc theo bờ biển.
NHỮNG NĂM 1620 - CUỘC CHIẾN CỦA NỮ VƯƠNG NZINGA
Năm 1623 vua của vương quốc Ndongo ở Angola băng hà và năm sau em gái ông là Nzinga trở thành nữ vương. Bà tuyên chiến với những người Bồ Đào Nha, từ chối không chịu cung cấp đủ số nô lệ họ yêu cầu để chuyển qua thuộc địa Brazil của họ. Bà liên minh với các quốc gia lân bang để chống lại họ. Sau khi bị người Bồ Đào Nha buộc phải ra khỏi Ndongo bà chiếm vương quốc Matamba lân cận và tiếp tục chiến đấu. Đến 1663 khi bà qua đời Matamba vẫn độc lập.
1652 - (THÀNH PHỐ) CAPE TOWN ĐƯỢC THÀNH LẬP
Năm 1652, Công ty Đông Ấn của Hà Lan phái 80 người đi tìm thuộc địa, do Jan Van Riebeeck dẫn đầu, thành lập một trạm thương mại ở mỏm Nam châu Phi để tiếp tế lương thực cho những chiếc tàu đi từ châu Âu qua châu Á và ngược lại. Họ gọi đó là Thành phố Mũi (Cape Town). Ban đầu những người định cư phải chiến đấu, nhưng vào những năm 1680 đám dân tị nạn Huguenot của Pháp tới và đứng vững được. Ban đầu quan hệ giữa người Âu và người Phi không cân bằng và không được tốt đẹp. Để đáp ứng nhu cầu lao động của họ, người định cư sử dụng người địa phương làm đầy tớ hay người làm công và mua nô lệ từ Guinea, Angola và Madagascar. Vào khoảng những năm 1690, có khoảng 200 tàu đừng lại ở Cape Town mỗi năm. Cảng được biết như ''Quán trọ của hai biển''.
1600 - 1700 - CHÂU Á
Sau nhiều năm chế ngự nền thương mại ở châu Á, người Bồ Đào Nha bị buộc phải để cho các quốc gia châu Âu mạnh hơn nhập cuộc. Đó là những nước Anh, Pháp và Hà Lan, ba quốc gia đã thành lập công ty Đông Ấn ở Trung Quốc, triều Mãn Thanh một thế lực hùng mạnh mới từ mạn Bắc Trung Quốc chiếm quyền vào những năm 1640 và cai trị gần 300 năm. Bốn hoàng đế đầu tiên của nhà Mãn Thanh đều là những thủ lãnh có tài năng, và Trung Quốc phồn thịnh dưới thời của họ. Tại Nhật trận Đại chiến Sekigahara chấm dứt một loạt các cuộc nội chiến và tiếp theo sau là một thời kỳ đất nước tự cô lập.
1600 - CÔNG TY ĐÔNG ẤN CỦA ANH ĐƯỢC THÀNH LẬP
Sau khi đi tiên phong theo lộ trình biển với Ấn Độ, người Tây Ban Nha chiếm và củng cố căn cứ ở các vị trí như Moluccas (Đảo Ngũ hương), Ma Cao ở Trung Quốc và Goa ở Ấn Độ. Từ đó trong gần 1 thế kỷ họ độc quyền buôn bán gia vị, kiếm được rất nhiều lợi nhuận với châu Âu nơi có nhu cầu lớn về sản phẩm này. Người Anh và Hà Lan ý thức được mối lợi từ công cuộc này bắt đầu tranh chấp độc quyền thương mại của Bồ Đào Nha ở mạn Đông châu Á. Năm 1599, 80 lái buôn Luân Đôn hiệp lực với nhau thành lập công ty - Đông Ấn, được Elisabeth I phê chuẩn năm 1600, cho phép công ty có độc quyền buôn bán ở mạn Đông Ấn Độ. Hai năm sau, công ty Đông Ấn của người Hà Lan được thành lập. Sự kình địch giữa Anh quốc và Hà Lan lên tới điểm cao nhất tại Amboyna ở Moluccas năm 1623 (một căn cứ mà người Hà Lan chiếm của người Bồ Đào Nha), khi 10 người Anh bị hành hình vì buôn bán ở đấy. Người Hà Lan thắt chặt sự kiểm soát việc buôn bán đồ gia vị và năm 1638 họ thuyết phục được người Nhật cho họ thay thế Người Bồ Đào Nha để buôn bán ở Nhật. Người Anh hướng về Ấn Độ, tại đó họ xây dựng được một nền thương mại đồ sợi đưa lại rất nhiều lợi nhuận.
1600 - TRẬN SEKIGAHARA
Khi nhà độc tài Hideyoshi qua đời, ở Nhật nảy sinh cuộc chiến giành quyền lực giữa Tokugawa Ieyasu - một đồng minh thân cận của Hideyoshi, và địch thủ chủ yếu nhất của leyasu là Ishida Mitsunari, một người có năng lực và được Hideyoshi yêu quí Mitsunari đem lòng thù hận Ieyasu. Mitsunari khơi dậy sự hận thù với Ieyasu bằng cách khích động các kẻ thù của ông này và vào tháng 10 năm 1600 cuộc nội chiến nổ ra. Một trận thư hùng xảy ra ở đèo Sekigahara miền Trung nước Nhật và Ieyasu đã thắng, một trận thắng tuyệt đối. Nó đánh dấu sự cáo chung của một loạt những cuộc nội chiến và bình minh của thời kỳ Tokugawa. Mitsunari bị hành quyết và Ieyasu được phong làm Tướng quân nhiếp chính (Shogun). năm 1603. Ông ta là Shogun đầu tiên của thời kỳ Tokugawa.
CHỨC VỊ CỦA SHOGUN (TƯỚNG QUÂN NHIẾP CHÍNH)
Trên lý thuyết Đại Tướng tối cao là những lãnh tụ quân đội được hoàng đế chỉ định để duy trì hoà bình và trật tự. Trên thực tế hầu hết các hoàng đế đều yếu kém về mặt cai trị và buộc phải chọn lãnh tụ quân đội có quyền thế nhất làm Tướng quân nhiếp chính. Tướng quân nhiếp chính hữu hiệu đầu tiên là Minamoto Yoritomo, cai trị từ năm 1192. Sau khi dòng tộc Minamoto kết thúc, những Tướng quân nhiếp chính bù nhìn được chọn lựa trừ nhiều gia đình khác nhau. Hideyoshi bị ngăn cản không được làm Tướng quân nhiếp chính do nguồn gốc gia đình, nhưng Ieyasu có quyền yêu sách chức Tướng quân nhiếp chính ấy do ông thuộc dòng dõi của Minamoto. Ông và con cháu ông nắm chức vụ này tới năm 1868.
1644 - TRIỀU ĐẠI MÃN THANH ĐƯỢC THIẾT LẬP Ở TRUNG QUỐC.
Năm 643 cuộc nổi dậy chống lại vương triều nhà Minh và chiếm thủ đô Bắc Kinh. Kết quả Sau Tsung (Sùng Trinh), vị hoàng đế cuối cùng của nhà Minh tự tử. Một vị tướng của nhà Minh, Wu Sanghi (Ngô Tam Quế) yêu cầu Dorgon (Đa Nhi Cổn) quan nhiếp chính của Mãn Châu mạn Bắc Trung Quốc giúp ông ta đuổi đám người nổi dậy. Dorgon dẹp được cuộc khởi nghĩa và năm 1644 ông ta lập cháu ông lên ngai vàng của Trung quốc. Điều này đánh dấu giai đoạn khởi đầu triều đại của nhà Mãn Thanh. Ở vài địa phương của Trung Quốc có chống đối mạnh mẽ, về phần họ, người Mãn Thanh cố gắng tỏ ra tử tế và thân thiện với người Trung Quốc, chấp nhận một số những tập quán và đường lối của người Trung Quốc và phân phối cho người Trung Quốc những chức vị cao trong việc điều hành các lãnh địa. Vị đầu tiên trong những hoàng đế, người đã chấp nhận danh xưng của triều đại là ''Thanh'' và được biết dưới tên Thuận Trị qua đời vào năm 1661 và được người con 7 tuổi của ông kế nghiệp dưới tước hiệu hoàng đế Khang Hi. Khang Hi sử dụng những năm đầu cai trị của mình để liên tục đàn áp sự phản kháng của nhà Minh, và ông cũng thắng trong chiến dịch chống lại người Mông Cổ. Khang Hi là vị thủ lãnh rất có khả năng của Trung Quốc. Ông ta cố gắng hợp nhất người Mãn Châu với người Trung Quốc và thường thực hiện những chuyến thanh tra để xem chính quyền của ông hoạt động như thế nào. Ông khích lệ dân chúng làm việc cho ích lợi chung. Khang Hi cai trị được 61 năm, một trong những triều đại lâu nhất của lịch sử Trung Quốc.
TRIỀU ĐẠI MÃN THANH
1644. Thuận Trị trở thành hoàng đế nhà Thanh đầu tiên của Trung Quốc.
1661. Khang Hi (tới 1722) kế nghiệp cha Thuận Trị.
1736. Càn Long, cháu nội của Khang Hi trở thành hoàng đế (tới 1796).
1726-1750. Sự phát triển cửa đồ sành gia đình Hồng ở những lò nung của hoàng gia ở Jingde Zhen.
1759. Turkestan ở Trung Á sau được biết dưới tên XinJiang được đưa vào đế quốc Trung Quốc.
1839-1842. Chiến tranh thuốc phiện giữa Trung Quốc và Anh.
1850-1865. Cuộc nổi loạn Thái Bình gần như làm suy tàn triều đại Mãn Thanh.
1895. Hiệp ước Simonoseki: Trung Quốc nhìn nhận sự độc lập của Triều Tiên và giao nộp Đài Loan cho Nhật Bản.
1911. Triều đại Mãn Thanh bị cuộc cách mạng quốc gia đẩy lùi. Tôn Dật Tiên được bầu làm Tổng thống.
1600 - 1700 - CHÂU ÂU.
Ba mươi năm chiến tranh làm rung chuyển cả châu Âu không đem lại lợi lộc gì cho bên nào, ngoại trừ nước Pháp trỗi dậy như một quốc gia chiến thắng. Nước Anh không có liên quan gì đến cuộc chiến 30 năm, nhưng nội chiến đã bùng ra. Ở đấy nhà vua bị hành hình và một chiến binh vĩ vị đại kiêm chính trị gia, Oliver Cromwell, lên nắm quyền. Một thủ lãnh có năng lực khác, John Sobieski, vua nước Ba Lan, chặn đứng bước tiến của người Thổ Ottoman ở Đông Nam châu Âu.
1618 - Chiến tranh 30 năm nổ ra. Sau thời kỳ Phục hưng, gia đình Thiên Chúa giáo Hapsburg vốn đã chế ngự được châu Âu, nỗ lực áp đặt Thiên Chúa giáo lên các quốc gia Tin Lành trong vương quốc của họ. Năm 1618 những người Tin Lành Bohemian quá mệt mỏi vì sự áp bức của Thiên Chúa giáo, ném các sứ giả của gia đình Hapsburg ra ngoài cửa sổ. Điều này bắt đầu một cuộc chiến kéo dài 30 năm và lôi kéo hầu hết châu Âu vào cuộc. Quân đội Hapsburg đè bẹp những nguời Bohemian, rồi thắng luôn những thủ lãnh nhóm Tin Lành Người Đức cùng các đồng minh của họ, do vua Đan Mạch chỉ huy. Gustavus II Adolphus của Thụy Điển và cuối cùng cả nước Pháp, mặc dầu là Thiên Chúa giáo, cũng tham gia lực lượng Tin lành để cắt đứt quyền lực của Hapsburg. Sau một vài chiến thắng của người Pháp, chiến tranh chấm dứt với Hiệp ước Westphalia. Những quốc gia Thiên Chúa giáo vẫn giữ nguyên Thiên Chúa giáo, những quốc gia Tin Lành được đảm bảo sự độc lập.
CHIẾN TRANH 30 NĂM.
1618. Những quan Tổng đốc của hoàng gia ở Bohemia bị ném ra ngoài cửa sổ.
1620. Lực lượng hoàng gia thắng những người Tin Lành Bohemian trong trận Bạch Sơn.
1629. Vua Tin Lành người Đan Mạch Christian IV rút lui khỏi cuộc chiến sau những lần thất bại.
1631 -1632. Gustavus II Adolphus làm cho những người Thiên Chúa Giáo ở Breitenfeld và Lutzen tháo chạy.
1635. Nước Pháp tuyên chiến với Tây Ban Nha của gia đình Hapsburg.
1643. Người Pháp thắng lực lượng Tây Ban Nha trong trận Rocroi.
1648. Hiệp ước Westphalia.
1683. Vua BaLan đánh bại người Ottoman ở Vienna. Năm 1665 một người quí tộc Ba Lan, John Sobieski, trở thành tư lệnh tối cao quân đội Ba Lan. Ông là một con người có nghị lực phi thường. Mạn Trung châu Âu thường xuyên đứng trước nguy cơ bị những người Thổ Ottoman xâm chiếm. Năm 1673 John đập tan quân đội Thổ trong trận Chozim. Chiến thắng này khiến ông được chọn làm vua Ba Lan và uy thế của Ba Lan nổi lên khắp châu Âu. Năm 1683 một đội quân hùng hậu của người Thổ do Kara Mustapha lãnh đạo tiến đánh vây hãm Vienna. Với một đội quân nhỏ nhưng được huấn luyện tốt John Sobleski tức tốc đi đến đó và đánh đuổi người Thổ, gây cho họ những thiệt hại nặng nề. Mối nguy hiểm của người Thổ đối với châu Âu tan biến.
1600 - 1700 - CHÂU MỸ
Ở Bắc Mỹ các thương gia và các thừa sai người Pháp thăm dò rộng rãi và cố định sự hiện diện ở Canada. Các thương gia và những người ly khai về tôn giáo Anh thì thành lập các thuộc địa dọc theo bờ biển Đại Tây Dương, bao gồm James - Town (1607), Plymouth (1620) và Massachussetts (1630). Các nhà thuộc địa Thụy Điển và Hà Lan cũng bắt đầu tới. Về phía Nam người Tây Ban Nha thám hiểm vùng California, thành lập Tân Mehico và triển khai đế quốc của họ ở Mexico và Peru. Bồ Đào Nha tiếp tục thuộc địa hoá Brazil.
1608 - Samuel de Champlain thành lập Quebec. Không lâu sau đó Jacques Cartier thám hiểm vùng Quebec trên sông St Lawrence ở Canada. Một vài nỗ lực thành lập thuộc địa ở đó đã không thành. Năm 1593, một người Pháp tên là Samuel de Champlain tham gia cuộc hành trình tới Canada và thám hiểm vùng St Lawrence tới tận ghềnh Lachine. Trở về Pháp, ông thuyết phục vua Henry IV (1553 - 1610) cung cấp tài chính cho cuộc hành trình thành lập thuộc địa dọc theo sông St Lawrence. Ông dong buồm với 28 người tuỳ tùng lội ngược dòng sông, vào đầu tháng 7-1608 ông thành lập một trạm thương mại. Địa điểm đó trở thành Quebec, thành phố đầu tiên ở Canada. Ông tiếp tục thám hiểm khu vực và ở lại Canada hầu như hết cuộc đời của ông. Năm 1663, 28 năm sau khi ông chết, Quebec trở thành thủ đô của Tân Pháp Quốc.
1620 - Cuộc hành trình của chiếc tàu Mayflower. Vào đầu thế kỷ 16, nhiều người Tin Lành Anh bất mãn với Giáo hội Anh. Một nhóm trong những người ly khai tôn giáo ấy (sau này được biết dưới tên Những Người Hành Hương) quyết định tái định cư Bắc Mỹ, ở đó họ hy vọng được yên ổn trong cuộc sống và việc phụng thờ. Tháng 9 năm 1620, khoảng 100 người ly khai rời khỏi nước Anh trên một chiếc tàu tên là Mayflower (Hoa Tháng Năm). Định lên vùng Virgina, họ lại lên bờ biển Tân Anh Quốc sau một cuộc hành trình đầy dông bão. Trước khi lên bờ, những Người Hành Hương thảo một thoả ước, Hiệp ước Mayflower, thành lập một chính phủ cho thuộc địa của họ, mà họ gọi là Đồn Điền Plymounth. Một nửa không sống sót nổi qua mùa đông đầu tiên ở Mỹ, và thuộc địa đã có thể thất bại nếu không có dân bản địa ở Mỹ giúp đỡ. Nhưng Plymounth đã tồn tại và cuối cùng phát triển. Mười năm sau cuộc đổ bộ của Những Người Hành Hương, những người Thanh Giáo thuộc địa Anh quốc bắt đầu lớp lớp đến Tân Anh Quốc.
Những người định cư ở Mỹ. Nhiều dân cư từ các đảo nước Anh, Pháp, Hà Lan và các quốc gia khác đến Bắc Mỹ vào thế kỷ 17. Một số hy vọng mau trở nên giàu có nhờ buôn bán, đặc biệt là buôn bán da thú. Số khác đến đó để tìm sự tự do tôn giáo: những người Thanh giáo ở Massachusetts, những người thuộc nhóm Rửa Tội ở Rhode Island, và nhóm Quaker ở Pennsylvania và Công giáo La Mã ở Maryland. Trong những vùng thuộc địa Anh ở mạn Nam, người ta mở các đồn điền trồng thuốc lá và các thứ khác để xuất khẩu. Các đồn điền này hoạt động theo tính cách giao kèo. Những người di dân ''bị bó buộc'' làm việc cho các chủ đồn điền cho tới khi họ trả hết lệ phí hành trình qua Mỹ của họ. Cả những dân di cư bị cường ép - nô lệ từ châu Phi - cũng đến các thuộc địa của Anh.
1600 - 1700 - CHÂU ÚC
Các năm 1600 chứng kiến những cuộc đổ bộ đầu tiên của người Hà Lan lên châu Úc để tìm thêm những nguồn thương mại. Abel Tasman tới Tasmania, Tân Tây Lan, Tongo, và Fiji. Willem Jansz vẽ bản đồ một phần bờ biển bắc châu Úc. Các thủy thủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng thám hiểm sâu hơn vào Thái Bình Dương. Quintos đến Vanuatu và Torres đã qua lại giữa Tân Guinea và châu Úc.