Tài liệu: Có phải thủy tinh lúc nào cũng trong suốt không?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Độ trong suốt của thủy tinh đòi hỏi vật liệu phải đồng nhất và không chứa thể vùi nào như bọt hoặc các vi tinh thể.
Có phải thủy tinh lúc nào cũng trong suốt không?

Nội dung

Có phải thủy tinh lúc nào cũng trong suốt không?

Độ trong suốt của thủy tinh đòi hỏi vật liệu phải đồng nhất và không chứa thể vùi nào như bọt hoặc các vi tinh thể. Trong nhiều thế kỷ, người ta chỉ biết làm ra ''bột thủy tinh'' mờ đục. Phải đợi đến thế kỷ III trước công nguyên người ta mới đạt được nhiệt độ đủ để thực hiện công việc tinh luyện loại bỏ bọt khí và cuối cùng tạo ra một vật liệu đồng nhất và trong suốt. Rồi những bí mật về độ trong suốt đã được giữ bo bo ở những nơi cách biệt. Chẳng hạn ở thế kỷ XIII, thợ thủy tinh ở Venise/Venice đã bị tụ tập trên đảo Murano. Họ không được rời khỏi đó nếu không thì chết! Độ trong suốt của thủy tinh đã lên đến tuyệt đỉnh ở thế kỷ XX với thành tựu sợi quang học dùng trong ngành viễn thông.

Ngược đời là hiện nay, các nhà sản xuất kính lại tìm cách kiểm soát độ trong suốt của thủy tinh nhằm tăng thêm giá trị cho loại vật liệu đã trở nên rất thông dụng này. Để đạt được điều đó, họ phủ lên mặt thủy tinh một màng mỏng (dày khoảng một micromet) có thành phần khác nhau để điều biến tính chất quang học của nó. Một bộ cửa kính như thế có thể phản xạ ánh sáng để tạo ra một vẻ kim loại hoá hoặc ngược lại, tránh ánh phản chiếu để không ngăn cản tầm nhìn. Nó cũng có thể kiểm soát sự trao đổi nhiệt với bên ngoài bằng cách phản xạ bức xạ hồng ngoại nhưng vẫn để ánh sáng nhìn thấy đi qua. Người ta cũng thấy ngày càng nhiều các bộ cửa kính “thông minh”, trong đó độ trong suốt thay đổi theo một tác nhân kích thích quang học (quang sắc) hoặc điện (điện sắc).

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1931-02-633464683415781250/Thuy-tinh/Co-phai-thuy-tinh-luc-nao-cung-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận