Có thể sản xuất thủy tinh mà không cần đốt nóng không?
Từ hàng trăm triệu năm nay, có những sinh vật đã phát triển những chiến lược giúp tạo ra thủy tinh silic đioxyt trong điều kiện ''dịu'' hơn so với điều kiện diễn ra trong núi lửa hoặc trong lò của thợ thuỷ tinh. Đặc biệt lý thú là ví dụ về khuê tảo (tảo silic). Loài vi tảo đơn bào này có trong đám sinh vật phù du, tiết ra vỏ silic gọi là vỏ hộp bảo vệ chúng, đồng thời vẫn cho ánh sáng cần thiết đi qua để quang hợp. Bộ xương ngoài này có tác dụng như kính của nhà kính, được tế bào tổng hợp từ silic đioxyt hòa tan trong nước biển. Đây không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều loài sinh vật khác như bọt biển hoặc trùng tia (trùng phóng xạ) cũng sản xuất silic đioxyt trong điều kiện tương tự. Sản lượng silic đioxyt mỗi năm từ các vi sinh vật này hiện nay là hơn một tỷ tấn, cao hơn nhiều so với các nhà máy sản xuất thủy tinh ở Pháp (5 triệu tấn thủy tinh mỗi năm). Sau khi chết, xương của khuê tảo đọng dưới đáy đại dương và biến đổi thành lớp trầm tích gọi là điatomit, loại đá xốp được dùng làm các bộ lọc công nghiệp Alfred Nobel đã làm giàu được vì chúng: thuốc nổ (dynamite) mà ông phát minh gồm có nitroglyxerin được cố định bằng cách thấm đất khuê tảo.