Cấu tạo của núi băng trôi như thế nào?
Những tảng băng nước ngọt bao phủ toàn bộ phần đất miền cực và có thể dày đến 2000 mét. Nó trượt từ từ về phía biển, rồi nó trôi trên biển và tạo nên những hòn đảo băng khổng lồ, những đảo băng này nổi trên nước và trôi tự do theo chiều các dòng hải lưu. Người ta gọi chúng là những tảng băng trôi, hoặc núi băng trôi.
Những hòn đảo trôi này có thể có kích thước đáng kể: núi băng trôi lớn nhất và nổi tiếng nhất có diện tích bằng diện tích của nước Bỉ với 385 km chiều dài và 278 km chiều rộng. Độ dày của nó có thể lên tới 700 hoặc 800 mét nhưng do trọng lượng riêng của băng rất gần với trọng lượng riêng của nước, nên khi những cái đỉnh nham nhở của nó nổi lên 100 mét so với mặt nước, nó tựa trên một cái đế chìm bằng băng dày 800 mét không thể trông thấy được dưới nước.
Vào năm 1912, 1500 hành khách cùng toàn bộ thủy thủ tàu Titanic đã bị chết chìm sau cú va chạm với núi băng trôi ở phía nam đảo Đất Mới. Ngày nay các con tàu được trang bị ra đa cho phép tránh được những sự va chạm đáng tiếc trong ngày sương mù hoặc trong đêm tối.
Chỉ tránh những cú va chạm thôi cũng chưa đủ, cần phải thận trọng để không tiến sát lại gần những khối băng khổng lồ này bởi vì đôi khi chúng lật bất thình lình một cú khi mà phần chìm dưới nước tan nhanh hơn phần nhô lên. Vào năm 1937, một nhóm các nhà khoa học Nga đã đặt được một phòng thí nghiệm trên một núi băng trôi nổi theo một dòng hải lưu ở Bắc Băng dương và duy trì nó hoạt động trên đó trong vòng hai năm trước khi bắt buộc phải rời bỏ núi băng này.