CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ KHI CAI SỮA CHO CON?
Đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, cùng với sự lớn lên của tháng tuổi, dần dần sẽ tăng thêm các thức ăn khác, giảm bớt lượng sữa bú và số lần bú, cuối cùng chấm dứt hẳn việc bú sữa mẹ rồi chuyển sang bữa ăn của trẻ. Quá trình này gọi là thời kì cai sữa. Thức ăn cho trẻ ăn trong thời kì cai sữa được gọi chung là thức ăn thời kì cai sữa, hay còn gọi là thức ăn phụ trợ. Những đứa trẻ nuôi bộ bằng sữa bò, sữa cừu hoặc các chế phẩm sữa, sản phẩm thay thế sữa... cũng có lúc giảm dần sữa đổi thành bữa ăn gia đình thông thường nhưng thường không được gọi là cai sữa. Vì sữa các loại được coi là loại thực phẩm có dinh dường tốt cần cho cả trẻ nhỏ lẫn trẻ đã lớn, không nên cắt bỏ hoàn toàn không ăn. Ở những vùng tương đối thiếu thịt, trứng, cá,... lại càng phải để cho trẻ sau khi cai sữa mẹ uống một lượng sữa nhất định, để thỏa mãn nhu cầu về protein động vật.
Cai sữa là quá trình tất yếu khi trẻ đã sinh trưởng phát triển đến một giai đoạn nhất định. Bởi vì sữa mẹ tuy là nguồn thức ăn thiên nhiên lí tưởng nhất cho trẻ nhỏ, nhưng cũng có những khiếm khuyết nhất định, như lượng sắt và vitamin D thấp, vitamin A, B, C có lúc cũng không đủ,… Đến khi trẻ lớn được 3 - 4 tháng, lượng sữa mẹ cùng năng lượng mà sữa mẹ cung cấp đã không còn đủ cho nhu cầu của trẻ. Lúc này, chức năng tiêu hóa hấp thu của trẻ đã hoàn thiện dần, răng sữa bắt đầu nhú, chức năng nhai cắn mạnh hơn và cũng đã có điều kiện để tiếp nhận được các thức ăn cứng và nửa cứng tương đối thô, dày khác. Ngoài ra, cùng với sự lớn lên của tháng tuổi, cũng cần phải làm cho chúng dần dần thích ứng với năng lực ăn uống bình thường. Vì vậy, từ 4 tháng trở đi, dù là lượng sữa mẹ nhiều hay ít, cũng đều nên bắt đầu tăng thêm các thức ăn phụ trợ, để thỏa mãn đầy đủ hơn nhu cầu phát triển của trẻ và để chuẩn bị cho việc cai sữa. Đồng thời, tiếp tục cho bú sữa mẹ để tránh ảnh hưởng đến việc đưa các chất dinh dưỡng vào.
Trong điều kiện tăng thêm các thức ăn phụ trợ thuận lợi, khi trẻ từ 12 tháng đến 24 tháng là thời kì cai sữa thích hợp nhất. Lúc này, cùng với việc tăng thêm các thức ăn phụ trợ, nên giảm bớt dần số lần bú mẹ mỗi ngày, cho đến khi hoàn toàn không bú nữa. Vì thế, cai sữa là một quá trình tự nhiên có kế hoạch. Cai sữa tốt nhất nên được tiến hành trong tình trạng trẻ đang khỏe mạnh, vào mùa hè nóng bức và khi trẻ mắc bệnh ốm, thì không nên cai sữa. Trừ những trường hợp không thể khác được còn thì không nên cai sữa đột ngột, nếu không, đột nhiên thay đổi thói quen ăn uống, trẻ sẽ không thể thích ứng được với các thức ăn khác nên thường dẫn đến lười ăn và suy dinh dưỡng. Ở những vùng thiếu các loại sữa hoặc khó có thức ăn đạm, nếu sữa mẹ vẫn nhiều thì nên cho trẻ bú đến 1 tuổi rưỡi - 2 tuổi mới cai sữa. Nhưng phải đồng thời tăng cường luyện để trẻ thích ứng với các loại thức ăn khác.
Nuôi bằng sữa mẹ nếu thời gian kéo quá dài thì không chỉ dẫn đến suy dinh dưỡng, mà còn sẽ làm cho trẻ quyến luyến sữa mẹ mà cự tuyệt nếm thử các món ăn khác, cứ tiếp tục như vậy thì sẽ phát sinh chán ăn, ăn lệch. Đây là nguyên nhân thường gặp dẫn đến suy dinh dưỡng.