Tài liệu: Tính miễn dịch và suy giảm miễn

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ lâu người ta đứng trước một vấn đề nan giải là cùng những điều kiện môi trường giống nhau, tại sao người này mắc bệnh, người kia không?
Tính miễn dịch và suy giảm miễn

Nội dung

Tính miễn dịch và suy giảm miễn

Hệ HLA và tính miễn dịch là gì?

Từ lâu người ta đứng trước một vấn đề nan giải là cùng những điều kiện môi trường giống nhau, tại sao người này mắc bệnh, người kia không? Các khái niệm “cơ địa”, “di truyền”, “tố bẩm” mà các thầy thuốc đưa ra dựa vào những trường hợp bệnh có tính chất gia đình chỉ là một khái niệm chung chung, chưa có một cơ sở sinh học nào cả.

Sở dĩ chúng ta không “bình đẳng” trước bệnh tật là vì hệ thống giám sát và phòng vệ của cơ thể được đặt dưới sự chỉ huy của một cơ quan “tổng hành dinh” sinh hóa học được gọi là hệ “HLA” mà cơ quan này có những nhược điểm tùy từng cá thể.

Hệ HLA là gì?

Hệ HLA[1] là một tập hợp các gen, nghĩa là một đoạn ADN mà các nhà sinh học đã xác định được vị trí của nó trên thể nhiễm sắc tố số 6. Mỗi người chúng ta có hai thể sắc nhiễm số 6 (trong tổng số 23 cặp thể nhiễm sắc), nên mỗi người có 2 hệ HLA.

Trong hệ HLA, người ta đã định vị trí của 4 gen HLA-A, HLA-B, HLA-C, HLA-D. Theo quy luật chung của sinh học phân tử, trong mỗi lần tế bào sinh sản, 4 gen nói trên của hai hệ HLA đó là “mã hóa” - tức là tổ hợp - với 8 protein. Tám protein này không giống nhau tùy từng người, và chính điều này mang lại cho mỗi chúng ta một tính cách độc đáo.

Như đã nói ở trên, 8 protein của hệ HLA tạo ra cho mỗi cá nhân một dấu hiệu riêng biệt. Tám protein này nằm ở bề mặt các màng của hết thảy các tế bào có nhân của cơ thể. Do vậy tất cả các tế bào của cùng một người biết nhận dạng lần nhau và nhận dạng ra hết thảy mọi tế bào của một cá nhân khác. Sau cùng bất cứ một đổi thay nào của các dấu tích của một tế bào cũng đều dẫn tới một hậu quả là mất đi khả năng nhận dạng rằng tế bào đó chỉnh là tế bào của cơ thể. Nó bị xem như một tế bào lạ và bị loại bỏ.

Mặc dù hết thảy mọi tế bào có nhân đều có dấu tích song vẫn có những khoảng lệch về số lượng giữa các tế bào. Các tế bào lympho và các tế bào của lách chứa số lớn các dấu tích, còn các tế bào thần kinh thì ít hơn.

- Phép dùng binh, của bộ máy miễn dịch

Khi một kẻ lạ xâm lược, một vi khuẩn hay một cơ quan ghép chẳng hạn, vượt qua các biên giới cơ thể, thì hết thảy các dấu tích tế bào và nhất là các dấu tích một loại bạch cầu - tế bào lympho - được đặt trong một tình trạng báo động. Tức khắc những tế bào lympho đó cũng giống như các “binh sĩ” có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể xông vào trận đánh.

Cùng được đào tạo trong tủy xương, song các tế bào lympho gồm T, B và K.

Tế bào lympho T được mệnh danh là những “đơn vị lục quân”, chúng giao tranh giáp lá cà với quân địch cho đến khi bọn này chết vì bị đầu độc (tế bào lympho chế tiết ra sản phẩm là những chất độc cực kỳ mạnh). Cơ chế này được gọi là tính miễn dịch qua trung gian tế bào, diễn ra chủ yếu trong trường hợp thải bỏ mảnh ghép và các phản ứng diễn ra mặt đối mặt với những kẻ địch là vi khuẩn hoặc virus.

Ngược lại, trong cơ chế miễn dịch dịch thể diễn ra trong máu thì chính các tế bào lympho B tham gia cuộc chiến. Các tế bào này là những “pháo thủ” tấn công quân địch bằng cách bắn vào kẻ địch những chất do chúng tiết ra: các kháng thể.

Sau cùng các tế bào lympho K có vai trò như một đội biệt động. Chức năng của chúng là gắn vào một vài kháng thể “không móc mồi” do tế bào lympho B phóng thích ra. Nhờ tiếp xúc như vậy, nên kháng thể được hoạt hóa và có thể phá hủy được quân địch.

Ngoài các tế bào lympho, còn có một loại khác cũng tham gia các lực lượng phòng vệ cơ thể. Đó là một nhóm bạch cầu khác mà người ta mệnh danh đại thực bào. Đó là những tế bào chứa đầy các men có năng lực phá hủy, có nhiệm vụ tiêu hóa các xác chết còn lại trên trận địa.

Giữa các tế bào lympho khác nhau có một sự hiệp đồng mà các mệnh lệnh được phát ra từ một cơ quan cao nhất của các lực lượng miễn dịch: đó là hệ HLA.

Sự hợp đồng tác chiến này được thực hiện nhờ vai trò trung gian được khám phá: các chất điều chỉnh này đáp ứng miễn dịch được mã hóa bởi một gen mang tên Ir (gọi là gen đáp ứng miên dịch) nằm ngay trên hệ HLA. Gen Ir này là vị tổng chỉ huy của các lực lượng phòng vệ miễn dịch đã nói ở trên.

Như vậy là hệ HLA tham gia trực tiếp vào sự nhận dạng kẻ địch và phép dụng binh để tiêu diệt kẻ thù. Một sai sót của hệ thống này là chiếc cửa mở cho các bệnh phát sinh. Hệ thống này, nếu theo các giả thuyết nói trên, có thể bị lệch lạc theo nhiều cách. Cũng có thể đó là một sự dị thường của các gen HLA -A, - B và – D đã nảy sinh ra từ xưa và di truyền lại cho đến ngày nay. Trong trường hợp này hệ HLA không nhận dạng được kẻ địch và chịu để cho chúng tàn phá cơ thể.

Một giả thuyết khác: các kháng nguyên hòa hợp tổ chức nghĩa là các protein được hệ HLA chế tạo ra có thể bị biến đổi bởi một số virus nào đó. Trong trường hợp này, tế bào bị hy sinh bởi virus được coi như một tế bào lạ và bị thải bỏ. Khả năng thải bỏ tế bào này là một phương tiện phòng vệ của cơ thể. Tuy vậy cũng có khi virus đến ở ngay trong lòng tế bào mà không có hiện tượng thải bỏ tế bào đã bị nhiễm virus nên cứ phát triển.

Giả thuyết cuối cùng có thể là một sự thích nghi tồi của đáp ứng miễn dịch do một sai sót của gen Ir gây ra.

- Hệ HLA và bệnh tật

Hiện nay người ta đã khám phá ra sự kết hợp của nhiều bệnh tật với hệ HLA. Ví dụ hiển nhiên nhất là sư kết hợp giữa bệnh viêm cột sống dính khớp với dấu tích HLA-B27. Dấu tích này chỉ tìm thấy trong 6% toàn bộ dân số nói chung, song chiếm 95% trong số người mắc bệnh nói trên.

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu đầu tiên về hệ HLA cho thấy đại bộ phận các kháng nguyên được thế giới thừa nhận đều được phát hiện. Nhóm có tần suất cao là HLA-A2, HLA-A11, HLA-A9 rồi Bw40, Bw17, ít gặp hơn là HLA-A1, HLA-A8, v.v...

- Triển vọng to lớn của y học dự phòng

Sự hiểu biết những kết hợp dấu tích bệnh cho phép xác định những đối tượng có nhiều nguy cơ trong một quần thể. Như vậy là sự hiểu biết hiện tượng kết hợp HLA-B27 với bệnh viêm cột sống dính khớp mà các triệu chứng lâm sàng xuất hiện ở lứa tuổi 15 đến 25 cho phép tìm kiếm trong các gia đình những thanh niên mang dấu tích đó và nhờ chẩn đoán sớm nên có thể điều trị được rất sớm. Hoặc giả trong một bệnh nặng như bệnh đái tháo đường thiếu niên chẳng hạn, người ta có thể đưa ra lời khuyên nên hủy thai sau khi xác định được nhóm HLA của thai trên tế bào dịch ối.

Song, lợi ích to lớn nhất của sự khám phá này là có thể phát hiện trong quần thể những cá nhân nhiều nguy cơ nên việc khám phá ra hệ HLA ngày nay cho phép xây dựng một nền y học dự phòng đặc hiệu thích hợp cho từng người. Người ta hy vọng những dấu tích kết hợp chặt chẽ với bệnh tật sẽ cho phép ta phát hiện chính xác những người có nhiều nguy cơ và tiến hành sớm các biện pháp điều trị dự phòng.

Như vậy là y học dự phòng trong tương lại sẽ mang tính đặc hiệu hơn, ít tốn kém hơn và đặc biệt có hiệu quả hơn.

Khi nào có suy giảm miễn dịch?

Bộ máy miễn dịch bao gồm các cơ quan có thẩm quyền miễn dịch như tuyến hung, các hạch bạch huyết nơi đó sản xuất ra các tế bào miễn dịch như tế bào lympho T và tế bào lympho B. Chính các tế bào sau cùng này có nhiệm vụ sản xuất ra các kháng thể (còn gọi là globulin miễn dịch) như IgA, IgM,. v.v...

Khi một hoặc nhiều cơ quan trên có khuyết tật hay bị tê liệt hoặc không hoạt động được, đứa trẻ luôn đứng trước nguy cơ bị nhiễm khuẩn nặng và tái phát, đó là tình trạng suy giảm miễn dịch (hay thiếu hụt miễn dịch).

Trước hết tình trạng thiếu hụt thực bào bao gồm: thiếu hụt thực bào lưu động như bệnh giảm bạch cầu hay tiệt bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân trung tính là các lực lượng xung kích tiền tiêu chống lại các tác nhân nhiễm khuẩn), hay thiếu hụt các chức năng bạch cầu: thiếu hụt thực bào cố định trong lách xảy ra khi không có lách bẩm sinh, hoặc trong bệnh giảm sản lách có tính chất gia đình hay một hội chứng sau khi cắt lách.

Các bệnh thiếu hụt miễn dịch tiên phát có thể có liên quan đến tế bào T (trong bệnh giảm sản tuyến hung) hay tế bào B (các trường hợp không có globulin miễn dịch trong máu) hoặc bệnh thiếu hụt miễn dịch kết hợp (thiếu cả lympho T lẫn B).

Tình trạng suy giảm miễn dịch thứ phát có thể xảy ra trong các trường hợp mắc bệnh ung thư của mô lympho hoặc các mô tạo máu; trong khi đang dùng thuốc hủy miễn dịch như corticoid, các thuốc chống chuyển hóa, các globulin kháng lympho bào v.v... Những trường hợp suy sinh dưỡng nặng cũng dẫn tới suy giảm miễn dịch là vì chức năng tế bào lympho T bị hư biến nghiêm trọng. Biểu hiện chính của các trạng thái suy giảm miễn dịch là nguy cơ dễ mắc bệnh và tái phát nhiễm khuẩn do tụ cầu khuẩn, phế cầu, màng não cầu, cúm như viêm mủ da, viêm kết mạc có mủ, viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, ứ mủ, viêm khớp có mủ, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết v.v...

Các biện pháp chính dự phòng cho những trường hợp suy giảm miễn dịch bao gồm:

- Phát hiện sớm: nếu một đứa trẻ trong một gia đình có biểu hiện suy giảm miễn dịch thì nên tiến hành thăm dò những anh chị em của nó. Người ta sẽ không thấy mô tuyến ức, số lượng tế bào lympho trong máu ngoại vi giảm, không có IgA và IgM trong huyết thanh.

- Tiến hành điều trị một cách thích đáng bằng hóa dược nếu đã xảy ra một bệnh nhiễm khuẩn và làm giảm vi khuẩn chí ngoài da, niêm mạc ruột và niêm mạc hô hấp.

- Bảo vệ chống lại nhiễm khuẩn bằng cách giữ trẻ trong môi trường ít vi khuẩn gây bệnh và bằng tiêm gamma globulin để dự phòng.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4345-02-633795305609218750/Di-ung---Mien-dich-va-tiem-chung/Tinh-mie...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận