PHỤ NỮ MANG THAI CẦN ĐƯỢC TÍNH TOÁN DINH DƯỠNG VÀ BỮA ĂN NHƯ THẾ NÀO?
Dinh dưỡng
Phụ nữ khi có thai, lượng dinh dưỡng cần thiết không chỉ cần để duy trì nhu cầu của bản thân người phụ nữ mang thai, mà còn cần để làm cho một cái trứng đã được thụ tinh nhỏ bé phát triển được thành thai nhi nặng khoảng 3 kg trong vòng 40 tuần, đồng thời cung ứng cho sự phát triển tử cung, nhau thai và bầu vú, nhu cầu về các chất dinh dưỡng dự trữ cho lúc đẻ và tiết sữa,...
Cho nên, trong thời kì mang thai, bắt buộc phải có đầy đủ các chất dinh dưỡng thì mới có thể đảm bảo được sức khỏe cho cơ thể người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi.
1. Mối quan hệ giữa dinh dưỡng với sức khỏe ở phụ nữ mang thai
Trong thời kì mang thai, sự trao đổi chất và chức năng hệ thống của các cơ quan trong cơ thể người mẹ có rất nhiều sự biến đổi sinh lí mang tính thích ứng, đồng thời, thai nhi phải hấp thu một lượng lớn chất dinh dưỡng từ cơ thể người mẹ để cung cấp cho sự sinh trưởng và phát triển của bản thân, lúc này nếu không chú ý đến dinh dưỡng thì rất dễ dẫn đến thiếu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai. Nếu phụ nữ mang thai thiếu sắt trong ăn uống, thì sẽ gây ra thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu độ nặng sẽ làm cho thể chất suy yếu, khi sắp đẻ lực co bóp của tử cung sẽ yếu, nên thường phải mổ đẻ, ngoài ra còn dẫn đến băng huyết sau khi đẻ, gây choáng sốt. Thiếu canxi và vitamin D làm cho chân tay bị chuột rút và co giật, thiếu nặng sẽ dẫn đến các chứng xương sụn hóa và loãng xương. Thiếu vitanmin C sẽ gây ra sưng lợi, chảy máu lợi. Thiếu protein sẽ gây ra phù nề suy dinh dưỡng. Hội chứng huyết áp cao trong thời kì mang thai có tỉ lệ phát bệnh tương đối cao ở những phụ nữ mang thai bị mắc chứng thiếu dinh dưỡng. Phụ nữ mang thai bị suy dinh dưỡng, bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như protein, canxi, kẽm... thì sẽ giảm bớt được tỉ lệ phát sinh các biến chứng khi mang thai. Nhưng nếu ăn uống kiêng khem một cách mù quáng hoặc đưa vào quá nhiều một vài loại chất dinh dưỡng nào đó, thì sẽ làm cho phụ nữ mang thai bị béo phì, thể trọng quá nặng, thai nhi sinh trưởng quá mức, tăng thêm gánh nặng cho mọi hoạt động, gây khó khăn khi đẻ. Có những phụ nữ do ăn uống không cân đối dẫn đến béo phì, đẻ xong vài năm rồi mà vẫn không thể khôi phục lại được, làm ảnh hưởng đến hình thể. Lượng dinh dưỡng quá thừa có mối liên quan mật thiết với các bệnh đái tháo đường, huyết áp cao mãn tính.
Vì vậy, phải sắp xếp một cách khoa học và hợp lí việc ăn uống cho phụ nữ mang thai để vừa đáp ứng được nhu cầu lại vừa không quá lượng.
2. Mối quan hệ giữa dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai với sự phát triển của thai nhi.
Dinh dưỡng của người mẹ mà đầy đủ thì sẽ phòng ngừa được thai nhi có cân nặng quá thấp khi sinh ra, hạ thấp tỉ lệ tử vong của trẻ em trong thời kì cận sản; còn ngược lại thì sẽ làm cho đứa trẻ khi sinh ra có cân nặng quá thấp, tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Có phụ nữ do bị thiếu dinh dưỡng nên đã làm cho các cơ quan trong cơ thể thai nhi phát triển không hoàn thiện hoặc phát triển chậm, một vài chức năng sinh lí bị ảnh hưởng, thậm chí còn dẫn đến sảy thai, thai lưu hoặc thai nhi dị dạng,...
Mức dinh dưỡng protein có mối liên quan hết sức chặt chẽ đối với sự phát triển của thai nhi. Nhu cầu về protein của thai nhi 5 tháng tăng lên rõ rệt, cân nặng của thai nhi 6 tháng bằng 1% thể trọng mẹ, còn hàm lượng protein bằng 3% cơ thể mẹ, cân nặng của thai nhi đủ tháng bằng 8 - 9% thể trọng mẹ, có chứa 437g protein, chiếm 15% cân nặng của bản thân thai nhi bằng khoảng 45% toàn bộ lượng protein dự trữ của người mẹ.
Cho nên, nếu là protein và nhiệt năng đưa vào không đủ thì sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh sôi các tế bào của thai nhi khi bị thiếu nặng sẽ dẫn đến ngừng phân hóa tế bào mô thai nhi, gây loạn phát về phôi.
Chất khoáng và vitamin cũng hết sức quan trọng. Quá trình vôi hóa bộ xương và răng của thai nhi bắt đầu khi được 2 tháng, sau 8 tháng tăng lên rất nhanh, đến khi ra đời thì thai nhi đã hình thành đủ 20 chiếc răng sữa. Cặp răng vĩnh viễn đầu tiên cũng đã vôi hóa, điều này đòi hỏi phải bổ sung thêm canxi, photpho và vitamin D, thai nhi đủ tháng trong cơ thể cần có 20 - 30g canxi. Trong thời kì thai nhi, nếu những chất dinh dưỡng này không được cung cấp đủ, thì đứa trẻ không chỉ mọc răng muộn mà thể chất sẽ suy yếu, dễ mắc chứng thiếu canxi. Sắt đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo máu và các mô cơ cho thai nhi đồng thời gan thai nhi còn cần phải có lượng dự trữ sắt thỏa đáng để cung ứng cho nhlu cầu tiêu hao trong vòng 6 tháng sau khi sinh. Vì vậy, cơ thể người mẹ khi mang thai phải có khoảng 300mg sắt thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thai nhi và nhau thai, nếu lượng sắt đưa vào cơ thể người mẹ không đủ thì sẽ ảnh hưởng đến lượng sắt dự trữ của đứa trẻ sơ sinh, khiến cho đứa trẻ sớm xuất hiện hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt. Các loại vitamin và nguyên tố vi lượng cũng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể thai nhi và sự kiện toàn các loại chức năng.
Người mẹ bị suy dinh dưỡng thường là nguyên nhân chính làm cho thai nhi bị phát triển chậm trong tử cung. Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng thấp dưới 2500 gam được gọi là trẻ đủ tháng nhẹ cân, chủ yếu là do người mẹ mang thai bị suy dinh dưỡng, khiến cho dung lượng máu và lượng nhịp tim giảm, từ đó làm cho lưu lượng máu ở nhau thai cũng ít, dẫn đến thai nhi sinh trưởng, phát triển chậm. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ đủ tháng nhẹ cân cao hơn những đứa trẻ bình thường, hơn nữa, vì sinh trưởng phát triển chậm mà bị mắc các bệnh về hệ thần kinh tương đối nhiều, trí lực tương đối thấp, khả năng bị dị dạng bẩm sinh cao hơn gấp 8 lần so với trẻ bình thường.
Sự phát triển của tổ chức não và trí lực cũng có mối tương quan chặt chẽ với dinh dưỡng ở người mẹ.
Từ giai đoạn thai nhi đến 1 tuổi là thời kì mấu chốt của sự phát triển não, trong đó, tuần thứ 10 - 18 sau khi hình thành thai nhi và 3 tháng đầu sau khi sinh là 2 đỉnh cao về phát triển não, tốc độ sinh sôi bình quân của tế bào não đạt tới vài triệu tế bào mỗi phút, nếu lúc này không được đảm bảo về dinh dưỡng, thì ở giai đoạn phân chia, sinh sôi tế bào của tổ chức não sẽ làm cho sự phân chia tế bào giảm dần, số lượng tế bào giảm đi, còn thể tích tế bào thì không thay đổi.
Ở giai đoạn tế bào tổ chức não to lên, nếu thiếu dinh dưỡng sẽ làm cho sự to lên và thành thục của tế bào não bị chậm đi, thể tích bình quân của tế bào nhỏ dần lại.
Sự tổn hại của tế bào tổ chức não trong giai đoạn thai nhi là mang tính lâu dài và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí lực về sau, dẫn đến chức năng thần kinh khiếm khuyết và trí lực thấp sau khi sinh.
3. Nhu cầu về dinh dưỡng trong thời kì mang thai
Căn cứ theo nhu cầu phát triển của thai nhi, nhu cầu dinh dưỡng của người phụ nữ trong thời kì mang thai được chia làm 3 thời kì: Thời kì đầu mang thai (từ có thai đến 3 tháng), thai nhi phát triển tương đối chậm, không cần phải tăng thêm dinh dưỡng một cách quá mức; thời kì giữa mang thai (4 - 6 tháng), thai nhi sinh trưởng tương đối nhanh, người mẹ phải tăng thêm một vài loại chất dinh dưỡng, thời kì cuối mang thai (7 tháng – lúc đẻ), thai nhi sinh trưởng nhanh chóng, đòi hỏi phải tiêu hao và dự trữ nhiều chất dinh dưỡng. Năm 1988, các nhà dinh dưỡng học Trung Quốc đã đưa ra Tiêu chuẩn về lượng cung cấp các chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai (xem Bảng 5).
BẢNG 5. TIÊU CHUẨN LƯỢNG CUNG CẤP HÀNG NGÀY - CÁC CHẤT DINH DƯỠNG TRONG CÁC THỜI KÌ CỦA PHỤ NỮ MANG THAI
| Thời kì đầu mang thai | Thời kì giữa mang thai | Thời kì cuối mang thai |
Năng lượng (kJ/kcal) | 9623 (2300) | 10460 (2500) | 10460 (2500) |
Protein (g) | 70 | 85 | 95 |
Canxi (mg) | 800 | 1000 | 1500 |
Sắt (mg) | 18 | 28 | 28 |
Kẽm (mg) | 15 | 20 | 20 |
Selen (μg) | 50 | 50 | 50 |
Iốt (μg) | 150 | 175 | 175 |
Đương lượng retinol (μg) | 800 | 1000 | 1000 |
Vitamin D (μg) | 5 | 10 | 10 |
Vitamin E (mg) | 10 | 12 | 12 |
Thiamin (B1) (mg) | 1,4 | 1,8 | 1,8 |
Riboflavin (B2) (mg) | 1,4 | 1,8 | 1,8 |
Niacin (B3) (mg) | 14 | 18 | 18 |
Axit ascorbic (C) (mg) | 60 | 80 | 80 |
Bữa ăn
Để thích ứng với các loại biến đổi sinh lí trong thời kì mang thai và thỏa mãn được nhu cầu sinh trưởng, phát triển của thai nhi, bữa ăn cho phụ nữ mang thai phải được phân bổ một cách hợp lí, cần xây dựng một chế độ ăn hợp lí đồng thời có phương pháp chế biến nấu nướng hợp lí.
1. Phân bổ bữa ăn hợp lí
Cần dựa theo tiêu chuẩn lượng cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng cho phụ nữ mang thai cùng tình trạng sinh lí thực tế của người phụ nữ mang thai mà lựa chọn chủng loại và số lượng thức ăn để phân bổ cho đúng và cấu thành các bữa ăn cân đối.
(1) Thức ăn loại lương thực hạt cốc
Ngoài gạo mì, ngô, khoai, sắn... ra, còn bao gồm cả các loại đậu khô ngoài đậu tương (như đậu đỏ, đậu xanh...) và các loại quả vỏ cứng có chứa nhiều chất béo. Chủ yếu là cung cấp năng lượng, tiếp đến là cung cấp protein, muối vô cơ vitamin nhóm B và xơ thức ăn. Mỗi ngày lượng đưa vào thấp nhất cần từ 200g trở lên.
(2) Thức ăn loại rau, trái cây
Chủ yếu cung cấp vitamin và muối vô cơ cho phụ nữ mang thai, là nguồn cung cấp chủ yếu về caroten, vitamin C, vitamin B2, canxi và sắt trong bữa ăn. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong các loại rau không giống nhau, hàm lượng vitamin và muối vô cơ rất phong phú, người phụ nữ mang thai cần ăn nhiều loại rau lá xanh sẫm, ít nhất là chiếm 2/3 lượng rau đưa vào mỗi ngày. Chất dinh dưỡng trong trái cây tương tự như trong rau, đồng thời có chứa các axit hữu cơ, làm tăng ham muốn ăn. Nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng trong phần lớn các thức ăn loại quả tươi không thể bằng được loại rau lá xanh sẫm, mà chỉ gần với các loại rau thân rễ và loại dưa, bí, mướp, cà,...
Cho nên phụ nữ mang thai không được chỉ chú ý ăn trái cây, mà xem nhẹ việc đưa rau xanh vào bữa ăn.
(3) Thức ăn từ động vật
Chỉ loại thịt gia súc như lợn, bò, dê, thỏ, thịt gia cầm như gà, vịt, ngỗng; nội tạng như gan, bầu dục, tim, dạ dày cùng các loại cá, thủy sản, trứng... Hàm lượng protein trong thức ăn động vật tương đối cao, dễ tiêu hóa hấp thu và là nguồn cao đạm quan trọng, ngoài ra, còn có thể cung cấp một lượng lipit, vitamin tan trong mỡ và muối vố cơ nhất định. Phụ nữ mang thai nên căn cứ theo nhu cầu để chọn dùng, nếu phụ nữ trong thời kì đầu mang thai sợ mỡ ngấy, thì nên ăn thịt gà, cá, thịt thỏ..., vì những loại này có ít mô liên kết, chất thịt mịn, mỡ phân bố đều, dễ tiêu hóa hơn các loại thức ăn từ gia súc khác; trong thịt cá còn có chứa loại axit béo không no, là loại thức ăn tốt khi khả năng tiêu hóa của phụ nữ mang thai yếu. Các loại gan, bầu dục, tim, dạ dày,... của động vật gia cầm, gia súc ngoài việc có thể cung cấp cao đạm ra, các loại vitamin và muối vô cơ quan trọng hàm chứa trong đó còn nhiều gấp mấy lần so với thịt gia cầm, gia súc, cũng nên mỗi tuần ăn 1 - 2 lần. Protein trong trứng các loại là loại có chất lượng cao nhất trong số các loại thức ăn thiên nhiên đã được biết. Phụ nữ mang thai mỗi ngày cần đưa vào một số lượng nhất định. Các chế phẩm đậu tương cũng thuộc loại protein chất lượng cao, nên ăn xen kẽ thay thế các loại thức ăn từ động vật khác.
(4) Sữa và chế phẩm sữa các loại
Sữa là một loại thức ăn có độ dinh dưỡng đầy đủ nhất, hàm chứa nhiều protein và canxi, dễ hấp thu tận dụng. Chất casein trong sữa là một loại protein phức hợp có chứa photpho, có đủ các loại axit amin cần thiết, vì vậy là một loại protein hoàn toàn. Mỡ trong sữa bò phân tán hạt tương đối nhỏ, dễ tiêu hóa hấp thu.
Cho nên phụ nữ mang thai hàng ngày nên cung cấp cho cơ thể 200g sữa hoặc chế phẩm sữa các loại.
Bữa ăn cho phụ nữ mang thai hợp lí cần đồng thời bao gồm cả 4 loại thức ăn nói trên, đồng thời luân phiên chọn dùng các thức ăn khác nhau trong cùng một loại, để bữa ăn có tác dụng bổ sung cho nhau về thành phần dinh dưỡng. Đồng thời còn phải chú ý đến màu sắc, hương vị của bữa ăn và sự thay đổi của các mùa. Mỗi bữa ăn dìu có một dung lượng nhất định và có cảm giác no bụng.
2. Chế độ bữa ăn hợp lí
Thức ăn của cả một ngày cần phải được định chất, định lượng và định thời gian. Do khả năng tiêu hóa hấp thu trong thời kì mang thai khác với bình thường, cho nên số lần bữa ăn mỗi ngày nên tăng lên cho hợp lí, khoảng cách thời gian giữa 2 bữa ăn có thể rút ngắn lại đặc biệt là đến thời kì cuối mang thai thì nên ăn ít chia làm nhiều bữa. Ngoài 3 bữa một ngày ra, nên tăng thêm vài lần ăn nhẹ. Tỉ lệ phân bố thức ăn cho các bữa: Khi ăn 3 bữa một ngày, bữa sáng nên chiếm 25 - 30% tổng năng lượng của cả ngày, bữa trưa chiếm 40%, bữa tối chiếm 30 - 35%. Khi ăn 4 bữa một ngày, bữa sáng nên chiếm 25% năng lượng của cả ngày, ăn điểm tâm sáng chiếm 10%, bữa trưa 35%, bữa tối chiếm 35%.
3. Chế biến nấu nướng hợp lí
Mục đích để làm cho thức ăn có đặc điểm cảm quan hấp dẫn nâng cao được tỉ lệ tiêu hóa thức ăn, đồng thời tiến hành diệt khuẩn cho thức ăn.
Trong quá trình chế biến nấu nướng cần cố giảm bớt độ tổn thất về dinh dưỡng.
Như khi nấu cơm, phải cố giảm bớt số lần vo gạo, không được xát gạo quá mạnh. Nhiệt độ nước vo gạo không được quá cao, không nên chắt bỏ nước cơm, nước nấu mì cũng không nên đổ bỏ. Ít dùng dầu rán thực phẩm. Khi nấu rau cần cố gắng rửa sạch trước sau mới cắt thái, khoảng cách thời gian giữa rửa thái với nấu nướng không nên quá lâu, cố gắng xào nhanh to lửa, chớ có chần rau trước, chắt bỏ nước rồi mới xào. Ngoài ra, khi nấu rau và các loại thức ăn khác, nên cho thêm vào một ít bột, để ngoài việc làm cho canh sánh thêm ra, còn vì chất glutathion khử có trong tinh bột có tác dụng bảo vệ vitamin C. Trong thịt các loại cũng có chứa glutathion, cho nên nếu nấu rau cùng với thức ăn từ động vật thì sẽ thu được hiệu quả tương tự. Thức ăn nấu cho phụ nữ mang thai phải thanh đạm là chính. Muối ăn và mắm, dầu phải gia giảm cho vừa phải để đề phòng bị phù. Ngoài ra, cần tránh những thức ăn có tính kích thích mạnh như chua, cay quá mức, trà đặc và cà phê... Đồng thời, còn phải kiêng thuốc lá rượu. Đã có tài liệu nghiên cứu cho thấy tỉ lệ dị dạng ở những đứa trẻ do những phụ nữ mang thai nghiện rượu sinh ra tăng cao.
· Bữa ăn trong thời kì đầu mang thai
Thời kì đầu mang thai là giai đoạn từ trứng thụ tình, qua phân chia, làm ổ đến khi hình thành cơ thể người của thai nhi. Quá trình phân hóa tế bào, hình thành các cơ quan của thai nhi chủ yếu xảy ra trong thời kì đầu mang thai. Trong đó phát triển của các cơ quan quan trọng nhất của cơ thể là não và hệ thần kinh là nhanh nhất. Đồng thời, đây cũng là thời kì trong cơ thể mẹ có những biến đổi sinh lí mang tính thích ứng.
Vì vậy việc sắp xếp dinh dưỡng và bữa ăn trong thời kì này là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Sự phát triển của thai nhi trong thời kì đầu mang thai xảy ra rất nhanh chóng, đến cuối tuần thứ 12, chiều dài đã đạt tới 7 - 9cm. Biến đổi sinh lí của người mẹ ở thời kì đầu mang thai chủ yếu được biểu hiện ở chỗ, cùng với sự hình thành dần của nhau thai và sự to lên của tử cung, có khoảng một nửa số phụ nữ trong thời kì này do sự biến đổi của màng trong tử cung và tác dụng kích thích do nhau thai sinh ra, mà trương lực của cơ trơn dạ dày ruột giảm, hoạt động yếu đi, làm cho thức ăn dừng lại trong dạ dày quá lâu, thường buổi sáng ngủ dậy, hoặc sau khi ăn có hiện tượng lợm giọng, nôn ọe, gọi là phản ứng thai nghén. Nôn ọe mức độ nhẹ thường sau 12 tuần mang thai sẽ mất dần đi. Những người bị nôn ọe nặng sẽ làm cho cơ thể người mẹ bị mất nước hoặc dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn. Căn cứ vào đặc điểm này mà bữa ăn trong thời kì đầu mang thai nên là bữa ăn cân đối, dinh dưỡng toàn diện và được phân phối hợp lí. Ở thời kì này vừa phải tránh để bị thiếu dinh dưỡng nặng do phản ứng thai nghén mạnh gây nên, lại vừa phải tránh đưa vào quá nhiều một vài loại chất dinh dưỡng nào đó. Yêu cầu cụ thể như sau:
(1) Đảm bảo việc cung cấp loại protein chất lượng cao
Ngoài những biến đổi sinh lí ở cơ thể người mẹ đòi hỏi phải có protein ra, trong quá trình phát triển, bào thai cũng cần có protein để dự trữ với một tốc độ nhất định. Như khi mang thai được 1 tháng, tốc độ dự trữ protein là 0,6g mỗi ngày. Do bào thai trong thời kì đầu thiếu các loại enzim để tổng hợp nên các loại axit amin mà các loại axit amin cần thiết thì bào thai lại không thể tổng hợp được, toàn bộ đều phải do cơ thể người mẹ cung cấp. Lúc này, nếu lượng methionin, isoleuxin (isoleucine), valin đưa vào không đủ sẽ dẫn đến thai nhi sinh trưởng chậm, thân hình quá nhỏ; còn nếu tryptophan quá nhiều thì sẽ dẫn đến thai nhi bị đục thuỷ tinh thể. Trong giai đoạn then chốt này, do protein, axit amin không được cung cấp đủ mà gây ra những ảnh hưởng như thai dị dạng,... là hậu quả không thể khắc phục được sau khi sinh. Vì thế, lượng protein đưa vào ở thời kì đầu mang thai không được thấp hơn lượng đưa vào khi không mang thai. Đồng thời, nên chọn dùng các loại protein chất lượng cao, dễ tiêu hóa, hấp thu, tận dụng như: các loại thịt gia súc gia cầm, sữa các loại, trứng các loại, cá các loại và chế phẩm đậu,…
Protein cần đưa vào ít nhất 40g/ ngày (tương đương với 200g lương thực cộng với 2 quả trứng gà và 50g thịt nạc) thì mới có thể duy trì được sự cân bằng về protein trong cơ thể người mẹ.
(2) Cung cấp mức năng lượng thỏa đáng
Quá trành chuyển hóa cơ bản ở giai đoạn đầu mang thai gia tăng không rõ rệt, bào thai phát triển chậm, thể trọng, bầu vú, tử cung,... ở người mẹ thay đổi không lớn lắm, cho nên chỉ đòi hỏi một lượng năng lượng vừa phải. Nhưng nhau thai thì vẫn cần một phần năng lượng dự trữ dưới dạng glicogen, rồi sau đó được phóng thích đến tuần hoàn máu thai nhi dưới dạng glucoza, để cung cấp cho thai nhi sử dụng. Nguồn năng lượng mà thai nhi đòi hỏi chủ yếu do nhau thai cung cấp dưới hình thức vận chuyển glucoza, còn việc oxy hóa mỡ và chức năng dị sản thì rất kém.
Cho nên, trong thời kì đầu mang thai, mỗi ngày phải đưa vào một lượng cacbohiđrat từ 150g trở lên (khoảng 200g lương thực) để tránh vì đói mà làm cho xeton trong máu ở người mẹ bị tích lại, rồi tích tụ trong nước ối, và thai nhi sẽ tận dụng.
Có những nghiên cứu cho thấy, thai nhi tận dụng xeton sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển của não, làm cho chỉ số thông minh của thai nhi từ khi sinh ra cho đến 4 tuổi thấp hơn so với đứa trẻ bình thường. Các thức ăn có chứa cacbohiđrat gồm có bột mì, gạo, ngô, kê, khoai, đường ăn,...
(3) Cung cấp đầy đủ muối vô cơ, nguyên tố vi lượng và vitamin
Bào thai trong thời kì đầu bị thiếu kẽm sẽ dẫn đến thai nhi sinh trưởng chậm, bộ xương và nội tạng dị dạng, ngoài ra còn làm cho sự nguyên phân và phân hóa tế bào thần kinh trung ương bị rối loạn, dẫn đến dị dạng hệ thần kinh trung ương. Ở thời kì dầu mang thai, nếu lượng đồng đưa vào không đủ cũng sẽ dẫn đến dị dạng xương, nội tạng thai nhi. Các thức ăn có chứa nhiều kẽm, đồng, sắt, canxi,... gồm có các loại thịt gia cầm gia súc cùng nội tạng, vừng,... Sữa các loại, đậu các loại, đồ hải sản,... có chứa nhiều canxi, nên cũng phải chú ý ăn đủ loại.
Ở thời kì đầu mang thai, người phụ nữ do có sự thay đổi về chuyển hóa và phản ứng thai nghén, nên cần được bổ sung đầy đủ vitamin. Phụ nữ mang thai nếu vị giác khác thường, thường xuyên nôn ọe phải bổ sung vitamin B1, B2 và B6, vitamin C. Người bị nôn ọe nặng phải ăn nhiều những loại thức ăn kiềm tính như rau, trái cây,... để tránh bị ngộ độc axit.
Sự cấu thành bữa ăn mỗi ngày trong thời kì đầu mang nhai là: 200 - 300g thức ăn chính (gạo, ưu), 25 - 50g loại ngô, khoai, sắn đậu, kê, 50g trứng (trứng gà, trứng vịt,...), 220ml sữa bò, 100 - 150g thức ăn từ động vật (thịt gia súc gia cầm, thịt các loại cùng nội tạng, hải sản), 200 - 400g rau (trong đó rau có lá xanh chiếm 2/3), 50 - 100g trái cây, 15 - 20g dầu thực vật. Ngoài ra, do phản ứng thai nghén trong thời kì đầu mang thai, nên ăn ít chia làm nhiều bữa, khi chế biến nấu nướng, chú ý cho thanh đạm, tránh những thức ăn có tính kích thích mạnh và quá béo ngậy. Nếu phản ứng thai nghén thời kì đầu nhẹ thì thường không cần trị liệu, còn nếu bị ảnh hưởng đến ăn uống, thì nên uống một lượng ít vitamin nhóm B. Sau khi nôn ăn ngay một chút thức ăn, cố không được giảm bớt lượng thức ăn đưa vào.
· Bữa ăn trong thời kì giữa mang thai
Thời kì giữa mang thai là thời kì phát triển nhanh nhất của thai nhi, lúc này trong cơ thể người mẹ xảy ra một loạt những biến đổi, phản ứng thai nghén giảm dần, ham muốn ăn có xu hướng tốt lên. Bữa ăn tăng thời kì giữa mang thai cần được sắp xếp dựa theo đặc điểm.
Thai nhi trong thời kì giữa mang thai tiếp tục phát triển, các cơ quan đã hình thành tuy chưa hoàn thiện, nhưng có những cơ quan đã có một công năng nấht định. Khi mang thai được 20 tuần, tế bào não thai nhi không tăng thêm nữa, nhưng hàm lượng lipit và cholesterol trong não tăng lên nhanh chóng, trọng lượng não tăng trưởng tự nhiên, đồng thời, tế bào thần kinh bắt đầu miêlin hóa, tạo nền móng vật chất cho sự phát triển chức năng của não. Bộ xương bắt dầu cốt hóa; cơ tim bắt đầu co bóp; thận, gan cũng dần dần hoàn thành sự phát triển hình thái. Đến cuối thời kì giữa, cân nặng của thai nhi đã được khoảng 1000g, bình quân mỗi ngày tăng khoảng 10g.
Các biến đổi sinh lí ở bản thân người mẹ chủ yếu biểu hiện ở thể trọng tăng lên nhanh chóng, số cân tăng lên chiếm 60% toàn bộ số cân nặng tăng lên trong thời kì mang thai. Lượng dự trữ mỡ dưới da chiếm 70% tổng lượng dự trữ. Tử cung, bầu vú to lên rõ. Chuyển hóa cơ bản có lúc tăng lên 10 - 20%. Do tốc độ tăng trưởng, thể tích huyết tương vượt quá sự tăng lên của thể tích hồng cầu nên sẽ xuất hiện thiếu máu sinh lí thai nghén. Nước trong cơ thể nhiều lên, chức năng thận, chức năng tim và hệ hô hấp tăng mạnh, phụ tải trong cơ thể người mẹ tăng lên, đồng thời còn phải bắt đầu tiến hành dự trữ các chất dinh dưỡng như protein, lipit, canxi và sắt. Vì thế việc cung cấp chất dinh dưỡng là đặc biệt quan trong.
Đảm bảo chất lượng dinh dưỡng của thức ăn, tăng lượng các loại chất dinh dưỡng đưa vào, nên là đặc điểm chủ yếu của bữa ăn trong thời kì giữa mang thai. Về lượng cung cấp chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai do các nhà dinh dưỡng học Trung Quốc đề ra năm 1988.
(1) Năng lượng
Tăng thêm lượng nhiệt lượng để giúp ích cho sự sinh trưởng phát triển của thai nhi và chuyển hóa sinh lí ở người mẹ. Nhưng phần lớn phụ nữ sau khi mang thai, cường độ lao động giảm. Vì thế, năng lượng tăng thêm cần tùy theo từng người, đồng thời còn cần tùy theo tình trạng tăng cân ở người mẹ mà điều chỉnh việc cung cấp nhiệt lượng. Tăng cân nên khống chế ở mức 0,3 - 0,5kg mỗi tuần.
(2) Protein
Ở thời kì giữa mang thai phải tăng thêm lượng protein đưa vào. Tổ chức Y tế thế giới đề nghị mỗi ngày tăng thêm 9g protein chất lượng cao, tương đương với 300ml sữa bò hoặc 2 quả trứng gà hay 50g thịt nạc.
Nếu ăn thức ăn từ thực vật là chính, thì mỗi ngày cần tăng thêm 15g protein (tương đương với 40g đậu phụ sấy hoặc 200g lương thực chính).
(3) Chất khoáng và vitamin
Tình trạng dinh dưỡng sắt ở phụ nữ mang thai thường không tốt, tỉ lệ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt trong thời kì giữa mang thai lên tới khoảng 30%.
Vì thế, phải chú trọng tăng thêm lượng sắt đưa vào trong thời kì mang thai. Do tỉ lệ hấp thu và tận dụng sắt trong thức ăn từ thực vật rất thấp, nên phải động viên phụ nữ mang thai thường xuyên ăn gan động vật, thịt nạc và tiết động vật,... Còn viên bổ sắt thì phải sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ, bởi vì đưa các nguyên tố sắt vào quá liều lượng thì sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu tận dụng kẽm. Ở thời kì giữa mang thai, canxi, photpho, kẽm, kali, magie,... trong các tổ chức của thai nhi đều được tích trữ lại không ngừng. Nhưng ngoài nguyên tố canxi ra, thường các nguyên tố kia có thể lấy được từ trong bữa ăn của người mẹ. Phụ nữ trong thời kì giữa mang thai, thường trong khoảng tuần thứ 20 sẽ bắt đầu xuất hiện hiện tượng chuột rút ở cẳng chân, dễ toát mồ hôi, giật mình thức dậy,... thường là có liên quan đến việc thiếu canxi trong bữa ăn. Người mẹ từ khi thai được 5 tháng, mỗi ngày bắt đầu dự trữ khoảng 200mg canxi, cho nên phải tăng thêm lượng canxi đưa vào, tới mức 1000mg mỗi ngày, có thể lấy được qua các loại thức ăn chứa nhiều canxi như tép moi, sữa bò, chế phẩm đậu và rau màu xanh,... cũng có thể uống viên canxi. Vitamin B1, B2,... cũng tăng lên mỗi ngày mỗi loại là 0,7mg, cho tương ứng với sự tăng lên của nhiệt lượng và vitamin C là 20mg. Ngoài ra, do lipit là nguyên liệu quan trọng của kết cấu não, nên trong bữa ăn còn phải cung cấp lipit với một lượng thích hợp, bao gồm các axit béo no và không no để thỏa mãn được nhu cầu phát triển não của thai nhi trong giai đoạn này. Lượng cung cấp lipit chiếm 20 - 25% tổng năng lượng là vừa.
Chủng loại thức ăn trong bữa ăn ở thời kì giữa mang thai cần phải đa dạng hơn. Để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, phải đưa vào đầy đủ thức ăn loại hạt cốc thành phần bữa ăn của mỗi ngày nên là: lương thực 400 - 450g, trong đó ngoài gạo, bột mì ra, còn phải dùng cả các loại hoa màu như kê, ngô,... vì các chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, một vài loại axit amin có hàm lượng rất phong phú trong hoa màu, các loại thức ăn từ động vật như thịt, cá, trứng hoặc đậu và chế phẩm đậu khoảng 100g, nội tạng động vật (gan) 50g (mỗi tuần 2 - 3 lần), sữa bò 220ml, rau (rau màu xanh 2/3, thỉnh thoảng ăn nấm, rong biển,...) 500g, trái cây 100 - 200g, dầu thực vật 25 - 40g.
Lượng ăn trong mỗi bữa ở thời kì giữa mang thai sẽ tăng lên theo hứng thú ăn uống của người mẹ. Nhưng cùng với sự tiến triển thai và sự to lên của tử cung, vùng dạ dày thường do bị chèn ép mà xuất hiện cảm giác trướng bụng sau khi ăn. Vì vậy, nên tăng thêm số bữa trong một ngày, chia ra làm 4 - 5 lần ăn, lượng ăn mỗi lần vừa độ. Nếu ăn quá nhiều một cách thiếu hiểu biết, thì sẽ dẫn đến quá thừa dinh dưỡng, thể trọng người mẹ tăng lên quá nhiều, đứa trẻ sinh ra có thể chất béo phì, rất dễ mắc bệnh về tim mạch. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong của những đứa trẻ sơ sinh khổng lồ (cân nặng lúc sinh trên 4000g) hầu như giống với những trẻ nhẹ cân (cân nặng lúc sinh dưới 2500g).
Trong thời kì giữa mang thai, tránh uống quá nhiều thuốc bổ và vitamin. Có những tài tiệu cho thấy, uống vitamin C quá liều sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh lí trong cơ thể thai nhi, dẫn đến tính ỷ lại vitamin C; uống vitamin B6 quá liều sẽ làm cho trong gan thai nhi sản sinh ra các enzim cảm ứng, làm cho sau khi sinh, khi giảm lượng vitamin B6 đưa vào, đứa trẻ sẽ có triệu chứng co giật. Phụ nữ mang thai đưa vào qúa nhiều vitamin K sẽ gây tổn thương não và khiếm khuyết trí lực ở thai nhi. Vitamin A và D nếu quá liều lượng đều dẫn đến ngộ độc. Vì vậy, các loại vitamin bào chế này cần uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.
· Bữa ăn trong thời kì cuối mang thai
Trong thời kì cuối, thai nhi sinh trưởng nhanh chóng, cân nặng tiếp tục tăng lên, trong tình trạng bình thường, nếu ở thời kì trước đầu và giữa mang thai dinh dưỡng tốt, hoạt động và nghỉ ngơi hợp lí, thì thường không phát sinh những phản ứng khó chịu. Bữa ăn ở thời kì cuối mang thai cần dựa vào đặc điểm này để sắp xếp.
Ở thời kì cuối mang thai, thể tích tế bào thai nhi tăng lên nhanh chóng, não phát triển và quá trành miêlin hóa nhanh; phổi tiếp tục phát triển để thích ứng với chức năng trao đổi oxy – huyết sau đẻ, một lượng lớn lớp mỡ dưới da được dự trữ, thai nhi bình thường khi được 30 tuần, lượng mỡ dự trữ trong cơ thể là khoảng 80g, đến khi được 40 tuần sẽ đạt tới 440g, vì thế trọng lượng thai nhi tăng lên rất nhanh.
Cơ thể người mẹ do tử cung to lên, nên dẫn đến dung lượng thức ăn trong dạ dày giảm và dễ bị táo bón. Khi thai được 32 - 36 tuần, dung lượng máu tăng lên đến đỉnh cao, mức mỡ trong máu tăng thêm, tác dụng của progesteron (progesteron), estrogen và sẽ chuyển hóa cơ bản được tăng cường thêm một bước. Có một số phụ nữ thường do thể trọng tăng quá nhanh, chức năng của các cơ quan trong cơ thể như tim, thận, gan,... không thể thích ứng được mà xuất hiện huyết áp cao độ nhẹ, khoảng 5% phụ nữ mang thai xuất hiện huyết áp cao độ nặng, phù hợp protein niệu.
Dinh dưỡng bữa ăn trong thời kì cuối mang thai cần được điều chỉnh cho tương ứng trên cơ sở dinh dưỡng của thời kì giữa mang thai mà tăng thêm lượng thức ăn một cách thỏa đáng. Lượng cung cấp dinh dưỡng tăng lên tốt nhất là được đáp ứng từ trong các thức ăn phụ.
Đặc biệt cần chú ý tăng thêm lượng cung cấp dinh dưỡng protein, canxi, sắt,...
(1) Protein
Cần chú ý đưa vào loại protein có chất lượng cao. Ở thời kì cuối mang thai, tử cung, bầu vú của người mẹ và nhau thai to lên, protein phải dự trữ khoảng 375g, là thời kì dự trữ nhiều nhất. Thể trọng thai nhi từ 1000g khi được 28 lần, tăng lên đến khoảng 300g khi được 40 tuần, sự tích trữ protein cũng là ở thời kì nhiều nhất.
(2) Năng lượng
Thường không nên thấp hơn lượng cung cấp ở thời kì giữa mang thai. Nhưng đến 2 tuần cuối cùng của thời kì cuối mang thai, cần hạn chế, chỉ đưa vào lượng vừa phải các loại nhiệt năng như lipit và cacbohiđrat, tránh để thai lớn quá nhanh, ảnh hưởng đến lúc sinh đẻ.
(3) Chất khooáng và vitamin
Ở thời kì cuối mang thai, gan thai nhi tích trữ sắt với tốc độ 5mg mỗi ngày, đến khi sinh, lượng dự trữ sẽ đạt tới 300 – 400mg. Nếu lượng sắt đưa vào ở người mẹ mang thai không đủ thì sẽ ảnh hưởng đến dự trữ sắt trong cơ thể thai nhi, sau khi đẻ dễ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Lượng nhu cầu về canxi trong thời kì cuối mang thai tăng lên rõ rệt, ngoài lượng dự trữ canxi của người mẹ cũng tăng lên ra, một nửa lượng canxi trong cơ thể thai nhi trở lên là được tích trữ trong 2 tháng cuối.
Trong thời kì cuối mang thai, do thai nhi tăng trưởng, tử cung chèn ép lên dạ dày, mà lượng ăn của phụ nữ mang thai ngược lại bị giảm đi, thường ăn một lượng hơi ít thức ăn là đã có cảm giác no bụng, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng của cơ thể. Vì vậy, thành phần bữa ăn trong thời kì này là nên chọn loại thức ăn có thể tích nhỏ và giá trị dinh dưỡng cao như các thức ăn từ động vật,... giảm bớt những loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp mà thể tích lớn, như khoai tây, khoai lang... Đối với một số thức ăn thuần nhiệt năng như đường trắng, mật ong nên ăn ít hoặc không ăn, để đề phòng giảm hứng thú ăn uống, ảnh hưởng đến việc đưa vào các chất dinh dưỡng như protein.
Số lần bữa ăn của người mẹ nên tăng lên từ 5 bữa trở lên, theo nguyên tắc là ăn ít, nhiều bữa.
Thành phần bữa ăn trong một ngày nên dựa trên cơ sở thành phần bữa ăn của thời kì giữa mang thai có tăng thêm 50g thịt, cá, trứng hoặc 220ml sữa bò hoặc sữa đậu nành. Lượng dùng muối ăn khống chế vừa phải, những phụ nữ mang thai bị phù nề, nên hạn chế lượng muối ăn xuống dưới 5g một ngày. Ngoài ra còn phải tránh ăn những thức ăn kích thích như ớt, rượu,...