Tài liệu: Người mẹ cho con bú cần được tính toán dinh dưỡng và bữa ăn như thế nào?

Tài liệu
Người mẹ cho con bú cần được tính toán dinh dưỡng và bữa ăn như thế nào?

Nội dung

NGƯỜI MẸ CHO CON BÚ CẦN ĐƯỢC TÍNH TOÁN DINH DƯỠNG VÀ BỮA ĂN NHƯ THẾ NÀO?

 

Dinh dưỡng ở người mẹ là cơ sở vật chất của việc tiết sữa, có quan hệ trực tiếp đến lượng và chất của sữa tiết ra. Khi người mẹ đẻ, lượng dự trữ các chất dinh dưỡng đều bị hao tổn. Trong thời gian cho con bú, ngoài việc phải bổ sung những hao tổn này ra, còn cần phải nuôi dưỡng đứa trẻ. Nếu trong bữa ăn của người mẹ dinh dưỡng không đủ thì trong một thời gian ngắn, tuy vẫn có sữa tiết ra, nhưng phải huy động các chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể người mẹ để duy trì thành phần dinh dưỡng trong sữa.

Nếu trong bữa ăn của người mẹ chất dinh dưỡng không đủ trong thời gian dài, thì khi lượng dinh dưỡng dự trữ đã hao kiệt, sẽ ảnh hưởng đến chất và lượng của sữa.

Theo nghiên cứu, những người mẹ có năng lượng và lượng protein lấy từ trong bữa ăn cao, mỗi ngày trung bình đều tăng lên 100ml sữa sơ với những người mẹ có lượng đưa vào thấp, hơn nữa hàm lượng các chất dinh dưỡng như năng lượng, protein và lipit trong sữa cũng được tăng lên một cách tương ứng. Khi hàm lượng protein trong sữa thấp, đòi hỏi phải duy trì một thời gian bổ sung tương đối lâu, thì mới có thể làm cho hàm lượng của chúng tăng lên. Mức dinh dưỡng protein còn ảnh hưởng đến hàm lượng axit amin trong sữa. Những người mẹ có mức dinh dưỡng protein tốt, thì hàm lượng axit amin trong sữa là khoảng 0.8 - 1g/ 100ml. Người mẹ có mức dinh dưỡng protein kém thì không đủ con số này, và dạng thành phần axit amin cũng khác nhau. Đồng thời, lượng dự trữ nitơ trong cơ thể người mẹ còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiết sữa.

Lượng cung cấp lipit trong bữa ăn của người mẹ cũng rất quan trọng. Khi lượng lipit đưa vào cao, hàm lượng lipit trong sữa sẽ lên tới 4,54g/ 100ml. Khi lượng cung cấp lipit thấp, hàm lượng lipit sẽ hạ xuống đến 1 - 2g/ 100ml. Các axil béo cần thiết có trong lipit sẽ thúc cho sữa tiết ra, và ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng axit béo cần thiết trong sữa; các axit béo cần thiết có tác dụng thúc đẩy sự phát triển hệ thần kinh trung ương và sự hấp thu các vitamin tan trong mỡ, như vitamin A, D, E, K,...

Hàm lượng canxi trong sữa mẹ tương đối ổn dịnh. Khi canxi trong bữa ăn cung cấp không đủ, thì sẽ phải huy động đến lượng canxi dự trữ trong cơ thể người mẹ, nhằm duy trì sự ổn định hàm lượng canxi trong sữa. Hàm lượng sắt trong sữa mẹ rất thấp, cho nên hàm lượng sắt trong bữa ăn của người mẹ nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng không đáng kể hàm lượng sắt trong sữa.

Lượng cung cấp một vài loại vitamin trong bữa ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng vitamin trong sữa. Khi hàm lượng vitamin A trong bữa ăn của người mẹ phong phú, thì trong sữa cũng có chứa đầy đủ lượng vitamin A. Vitamin D thì hầu như hoàn toàn không bị ảnh hưởng của bữa ăn. Vitamin E và B1 có tác dụng tăng cường sự tiết sữa. Các loại vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2, C và niacin (B3),… phần lớn có thể tự do đi qua tuyến sữa, cho nên hàm lượng của chúng trong sữa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bữa ăn ở người mẹ. Nhưng tuyến vú có thể điều tiết được lượng những vitamin này vào trong sữa. Như khi uống nhiều vitamin C, hàm lượng vitamin C trong sữa sẽ tăng lên theo đến điểm bão hòa nhất định, nhưng nếu lúc này tiếp tục tăng thêm lượng vitamin C đưa vào sẽ không thể làm cho hàm lượng của nó ở trong sữa tiếp tục tăng cao nữa.

Ngoài ra, nước có mối quan hệ chặt chẽ với lượng sữa tiết ra, cung cấp nước không đủ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới lượng sữa tiết ra.

Dinh dưỡng

Việc bổ sung mức tổn hao khi đẻ của người mẹ có quan hệ trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hồi phục sữa và tiết sữa sau khi đẻ ở người mẹ. Vì vậy, cần dựa vào đặc điểm sinh lí của người mẹ và nhu cầu tiết sữa để tăng thêm lượng cung cấp chất dinh dưỡng trong bữa ăn.

(1) Tăng thêm năng lượng đưa vào

Để hợp thành 1 lít sữa trong cơ thể người mẹ, cần phải có khoảng 3760kJ (900kcal) năng lượng, vì hiệu suất sản sữa là khoảng 80% mà sữa người có chứa mức năng lượng khoảng 293kJ (70kcal)/ 100ml, tức người mẹ cần phải có mức năng lượng đưa vào là 377kJ (90kcal) thì mới có thể sản xuất được 100ml sữa. Nếu người mẹ trung bình mỗi ngày tiết ra 850ml sữa, thì mỗi ngày cần phải tăng thêm ngoài định mức là 3347kJ (800kcal) năng lượng. Ngoài ra, do sự chuyển hóa cơ bản ở người mẹ trong thời gian cho con bú tăng khoảng 20% so với lúc bình thường, cộng thêm việc phải tăng thêm lao động khi nuôi con, cho nên lượng nhu cầu năng lượng cho người mẹ phải tăng  lên cho tương ứng. Lượng cung cấp năng lượng cho người mẹ cần dựa vào lượng sữa tiết ra và thể trọng của người mẹ mà quyết định, để vừa làm cho lượng sữa tiết ra có thể đáp ứng được lượng ăn của trẻ, lại vừa làm cho thể trọng của người mẹ từng bước khôi phục được đến mức lí tưởng.

(2) Bổ sung nguồn protein chất lượng cao

Quá trình tiết sữa khiến cho quá trình chuyển hóa nitơ trong cơ thể tăng lên, sự tích trữ nitơ trong cơ thể tăng cao sẽ kích thích được tuyến vú tiết sữa. Lượng sữa tiết ra cả ngày là khoảng 850 – 1200ml, lượng protein tiêu hao tương ứng trong cơ thể mẹ khoảng 10 - 15g. Tỉ lệ chuyển hóa từ protein thức ăn đến protein trong sữa là 70 - 80%, tỉ lệ chuyển hóa của loại protein có tỉ lệ tận dụng kém càng thấp thì lượng sữa tiết ra cũng sẽ giảm xuống, đồng thời ảnh hưởng đến thành phần axit amin của protein trong sữa.

(3) Đưa vào lượng lipit đầy đủ

Lipit có khả năng thúc đẩy sự phát triển của não trẻ, lipit cực kì quan trọng đối với quá trình miêlin hóa của hệ thần kinh trung ương. Thành phần axit béo trong sữa là sự phản ảnh trực tiếp thành phần axit béo trong bữa ăn của người mẹ. Nếu người mẹ đưa vào một lượng axit béo không no nhiều lần tương đối nhiều, thì hàm lượng axit béo không no nhiều lần trong sữa cũng sẽ tăng lên, lượng lipit đưa vào ở người mẹ bằng 27% tổng năng lượng là vừa mức.

(4) Cung cấp đủ chất khoáng và vitamin

Hàm lượng canxi trong sữa mẹ bình thường là khoảng 34mg/ 100ml. Lượng canxi ở người mẹ cho con bú trung bình mỗi ngày tiết ra qua sữa là 300mg. Nếu bữa ăn của người mẹ trong thời kì cho con bú cung cấp canxi không đủ, thì sẽ phải huy động đến số canxi dự trữ trong mô xương của người mẹ, để duy trì sự ổn định về hàm lượng canxi trong sữa, người mẹ cho con bú thường vì thế mà mắc chứng loãng xương. Trong tình trạng các bữa ăn bình thường, lượng canxi đưa vào không thể thỏa mãn được nhu cầu, khi sữa tiết ra tới đỉnh cao, thì quá trình chuyển hóa canxi ở người mẹ ở vào trạng thái cân bằng âm.

Vì thế, mỗi ngày phải cung cấp thêm trên 2g canxi và một lượng vitamin D đầy đủ thì mới có thể duy trì được cân bằng về canxi.

Do trong bữa ăn thông thường, các loại thức ăn có chứa nhiều canxi không nhiều, vì vậy, ngoài việc cần cố gắng chọn ăn những loại thúc ăn có chứa nhiều canxi ra, nên bổ sung thỏa đáng loại canxi dạng viên như calcium lactate, calcium gluconate,... Ngoài ra còn phải tắm nắng vừa độ để cho cơ thể tổng hợp được tương đối nhiều vitamin D, thúc đẩy sự hấp thu canxi. Do sắt không thể vận chuyển đến sữa thông qua tuyến vú được, nên hàm lượng sắt trong sữa người rất thấp, không thể thỏa mãn được nhu cầu của trẻ, may mà trong thời gian mang thai, trong gan của thai nhi đã có dự trữ một lượng sắt nhất định, nên sẽ cung cấp cho đứa trẻ sử dụng trong vài tháng. Nhưng vì sức khỏe của bản thân người mẹ, đồng thời để bổ sung lượng máu bị mất đi trong lúc đẻ, trong bữa ăn cần cung cấp các loại thức ăn chứa nhiều sắt.

 Tiêu chuẩn lượng cung cấp được đề nghị là 28mg/ ngày.

Kẽm có mối liên quan rất chặt chẽ với sự sinh trưởng phát triển của thần kinh não và chức năng miễn dịch của đứa trẻ. Ngoài ra, kẽm còn có khả năng nâng cao việc hấp thu, tận dụng protein ở người mẹ. Hàm lượng kẽm trong sữa chịu ảnh hưởng của bữa ăn của người mẹ.

Tiêu chuẩn lượng cung cấp được đề nghị hiện nay là 20mg/ ngày.

Lượng iot đưa vào cũng cần phải được tăng lên cho tương ứng với tỉ lệ chuyển hóa cơ bản và mức tiêu hao năng lượng tăng cao ở người mẹ.

Cung ứng đầy đủ vitamin sẽ có lợi cho việc duy trì sức khỏe của người mẹ và thúc cho sữa tiết ra. Hàm lượng vitamin trong sữa có mối liên quan rất lớn với bữa ăn của người mẹ. Trong số các loại vitamin tan trong mỡ, thì vitamin A là loại có thể thông qua tuyến vú vào sữa, vì thế, nó lại càng liên quan chặt chẽ hơn với bữa ăn của người mẹ. Vitamin trong bữa ăn thường không được cung ứng đủ cho nên cần chọn các loại thức ăn có chứa nhiều vitamin A. Lượng đưa vào mỗi ngày phải là 12000μg đương lượng retinol (A). Vitamin D hầu như không có trong bữa ăn, hơn nữa vitamin D lại hầu như không thể qua được tuyến sữa, hàm lượng có trong sữa rất thấp, vì thế, người mẹ phải năng tắm nắng vừa độ hoặc bổ sung dầu gan cá hoặc các loại vitamin D dạng viên khác. Lượng cung cấp vitamin D cho người mẹ cho con bú thường cũng tương tự như đối với những phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành khác. Vitamin E có tác dụng thúc tiết sữa, người mẹ mỗi ngày phải đưa vào khoảng 12μg. Các loại vitamin tan trong nước phần lớn có thể đi vào sữa qua tuyến sữa, đồng thời còn có thể tự điều tiết được lượng cung cấp vitamin B1, B2 và niacin (B3) cần phải tăng lên theo sự tăng lên của nhu cầu năng lượng ở người mẹ. Trong bữa ăn của người mẹ nếu có nhiều vitamin B1 thì hàm lượng trong sữa cũng phong phú, còn nếu không thì cả mẹ lẫn con đều dễ mắc bệnh tê phù. Hiệu suất chuyển vitamin B1 trong bữa ăn thành vitamin B1 trong sữa chỉ là 50%, cho nên lượng cung cấp vitamin B1 cho người mẹ mỗi ngày phải là 2,1mg. Lượng cung cấp vitamin B2 và niacin (B3) khuyến cáo là 2,1mg và 21mg mỗi ngày. Lượng vitamin C đưa vào mỗi ngày ở người mẹ cho con bú phải là 100mg. Những bà mẹ ở các vùng chăn nuôi rất ít ăn rau và hoa quả tươi cho nên mọi đứa trẻ thường vì thế mà bị mắc chứng thiếu vitamin C.

Thường người ta quy định, với những người mẹ lao động thể lực nhẹ, thì lượng cung cấp chất dinh dưỡng mỗi ngày cho họ là: năng lượng 12970kJ (3100kcal), protein 95g, canxi 1500mg, sắt 28mg, kẽm 20mg, selen 50 μg, iot 200μg, vitamin B1 2,1mg, vitamin B2 2,1mg, niacin (B3) 21mg, vitamin C 100mg, vitamin A 1200μg, vitamin D 10μg, vitamin E 12mg.

Bữa ăn

Để thỏa mãn được nhu cầu dinh dưỡng cho sức khỏe của bản thân người mẹ và cho việc tiết sữa, việc phân phối bữa ăn cho người mẹ cần phải đạt được yêu cầu đa dạng, số lượng thức ăn đầy đủ và có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, cần chú ý chọn dùng nhiều hơn những loại thức ăn có chứa nhiều protein và canxi, đồng thời biết cách điều phối để có được các bữa ăn cân đối.

Khi phân phối, cần theo hướng tiêu chuẩn lượng cung cấp chất dinh dưỡng cho người mẹ nuôi con, năng lượng phải đầy đủ tỉ lệ năng lượng từ protein là 13 - 15%, lipit là 27% và cacbohiđrat là 58 - 60%. Các thức ăn từ động vật và chế phẩm đậu sẽ cung cấp loại protein chất lượng cao, trong sữa bò có chứa nhiều canxi, trong rau tươi và trái cây có chứa nhiều vitamin, muối vô cơ và xơ thức ăn, trong đó, hải sản như rong biển, tảo đỏ, tôm nõn,… có chứa nhiều canxi và iot, tất cả những thức ăn trên đều là loại thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho người mẹ nuôi con.

Thành phần bữa ăn mỗi ngày của người mẹ thường bao gồm loại lương thực ngũ cốc 450 - 500g, trứng các loại 100 – 150g, chế phẩm đậu 50 – 100g, cá các loại, thịt gia cầm gia súc 150 – 200g, sữa bò 220 - 440ml, rau 500g (rau lá xanh chiếm trên 1/2), trái cây 100 – 200g, đường ăn khoảng 20g, dầu ăn 20 – 30g. Đồ gia vị vừa lượng, muối ăn hạn chế vừa phải.

Phương pháp nấu nướng nên thường dùng cách luộc, nấu, ninh,... ít dùng dầu rán. Như gà, vịt, thịt, cá,... nấu hoặc luộc là tốt nhất, khi ăn phải uống canh, như vậy vừa tăng thêm dinh dưỡng, vừa thúc tiết sữa. Mỗi ngày ngoài 3 bữa bình thường ra, nên thêm 2 - 3 bữa phụ, để giúp cho cơ thể hấp thu, tận dụng các chất dinh dưỡng. Do sữa tiết ra có liên quan đến lượng nước uống của người mẹ, nên trong khi ăn còn phải uống nhiều nước. Nên tránh những thức ăn có tính kích thích mạnh như cay, đắng, nóng,...

Trong thời kì cho con bú, muốn thúc sữa thường là ăn các loại canh thịt gà, lợn, sườn và canh cá, trong đó vừa có lipit và các chất chiết xuất từ nitơ, lại vừa có protein chất lượng cao. Những loại thức ăn tương đối kinh tế nên ăn sữa đậu nành, canh đậu phụ, canh rau tép moi, nước cơm,... Có người cho rằng các loại canh đậu tương hoặc lạc nấu với các loại thịt, dừa nấu với vây cá, câu kỉ tử, đương quy, thủ ô nấu với móng giò hoặc thịt gà hầm, cháo cá chép, cháo lạc, cháo móng giò,... đều có những tác dụng thúc sữa nhất định.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2413-02-633565269412254143/Dinh-duong-cho-nguoi-khoe-manh/Nguoi-me-c...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận