NHU CẦU VỀ DINH DƯỠNG Ở TRẺ NHỎ NHƯ THẾ NÀO?
Từ khi sinh cho đến 1 tuổi là năm sinh trưởng phát triển nhanh nhất của trẻ. Thể trọng sẽ từ 3000g trung bình tăng lên đến 9000g, tăng gấp 3 lần, chiều cao sẽ từ 50cm tăng lên đến 75cm, tăng gấp rưỡi; đầu to lên là biểu hiện của sự phát triển não và cũng có tốc độ nhanh nhất ở năm đầu tiên, vòng đầu sẽ từ 34cm tăng lên đến 46cm, còn ở năm thứ hai, vòng đầu chỉ tăng có 2cm. Các cơ quan, bộ xương, cơ bắp của cơ thể trong năm đầu cũng đều phát triển to lên một cách tương ứng.
Dinh dưỡng là cơ sở vật chất đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của trẻ.
Sự to lên của mỗi tế bào và sự tăng lên của lượng tế bào đều đòi hỏi phải có một lượng lớn protein, lipit, cacbohidrat, vitamin và chất khoáng, nước,... là những chất cơ bản nhất để cấu tạo nên tế bào. Sự trao đổi chất và phát huy công năng của từng tế bào đều được tiến hành nhờ việc sử dụng những chất dinh dưỡng này. Vì thế, so với người lớn, ngoài các loại chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự sống ra, trẻ em đòi hỏi các chất dinh dưỡng và năng lượng tương đối nhiều hơn để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của chúng. Nếu các chất dinh dưỡng này không được cung ứng đầy đủ trong thời gian dài, thì sự sinh trưởng, phát triển sẽ gặp trở ngại, thậm chí bị đình trệ thụt lùi, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe ngay lúc ấy của trẻ, mà còn do làm mất đi thời kì phát triển đẹp nhất mà ảnh hưởng đến sức khỏe khi đến tuổi trưởng thành. Cho nên, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với tố chất của cả một đời người.
· Đặc điểm nhu cầu về năng lượng và chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
(1) Năng lượng
Lượng nhu cầu về năng lượng ở trẻ nhỏ tương đối cao hơn so với người lớn. Độ tuổi càng nhỏ, thì lượng nhu cầu mỗi ngày cho mỗi kilogam cân nặng càng nhiều (xem Bảng 6). Ở thời kì trẻ nhỏ, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần trung bình khoảng 450kJ (110 kcal), khi trở thành người lớn sẽ giảm xuống còn 126kJ (30kcal).
Ở thời kì trẻ nhỏ, do sự chuyển hóa diễn ra mạnh mẽ, mà mức năng lượng dùng cho chuyển hóa cơ bản tương đối nhiều; còn mức năng lượng cần cho sinh trưởng đặc biệt cần nhất là ở tuổi nhi đồng, chiếm khoảng 25 – 30% tổng năng lượng (có sự chênh lệch tùy theo từng tốc độ sinh trưởng, phát triển khác nhau).
Trẻ nhỏ hoạt động tương đối ít, nên năng lượng dùng cho phương diện này không nhiều, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần khoảng 63kJ (15kcal); còn đến khi được 12 tuổi, năng lượng cần cho hoạt động sẽ lên tới 126kJ (30kcal). Trong thời kì trẻ nhỏ có khoảng 8% (trẻ lớn hơn giảm xuống 5%) tổng năng lượng được dùng vào những tác dụng động lực đặc thù của thức ăn, nhưng do thức ăn khác nhau mà có sự khác nhau, trẻ bú sữa mẹ thì rất thấp, còn bú sữa bò hoặc nuôi kiểu hỗn hợp thì đạt tới 5% tổng năng lượng.
(2)Protein
Lượng nhu cầu ở trẻ nhỏ nhiều hơn so với người lớn.
Protein không chỉ được dùng để bổ sung khoản mất đi trong chuyển hóa thường ngày, mà còn được dùng để cung cấp cho nhu cầu không ngừng tăng thêm các tổ chức mới trong sinh trưởng.
Vì vậy trẻ nhỏ phải lấy được các loại axit amin cần thiết từ trong lượng ăn uống đã được đưa vào. Lượng và tỷ lệ các axit amin cần thiết có trong sữa mẹ phù hợp với nhu cầu của trẻ, tỉ lệ hấp thu lên tới 90%, giá trị sinh lí dinh dưỡng của protein trong đó cũng tương đối cao, cho nên những đứa trẻ bú mẹ, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng chỉ cần 2,0g protein là đủ. Giá trị sinh lí của protein trong sữa bò không bằng sữa mẹ, cho nên trẻ nuôi bằng sữa bò mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng đòi hỏi phải có được 3,5g protein. Trẻ nuôi theo kiểu hỗn hợp, vì ngoài sữa bò, sữa mẹ ra, còn đưa vào các loại thức ăn từ thực vật khác như đậu, gạo, mì,... mà giá trị sinh lí của protein thực vật lại thấp hơn so với sữa bò, sữa mẹ, cho nên lượng nhu cầu về protein của trẻ tăng lên đến mức 4,0g cho mỗi kilogam cân nặng. Khi sắp xếp bữa ăn hỗn hợp cho trẻ đã được 6 tháng, phải chú ý đến tác dụng bổ sung lẫn nhau của các loại protein, chọn một thứ thức ăn loại sữa, trứng, đậu cho vào gạo, bột để ăn cùng, thì sẽ nâng được giá trị dinh dưỡng của protein trong bữa ăn của trẻ lên rất nhiều. Về việc tính toán lượng axit amin cần thiết.
(3) Lipit
Lượng nhu cầu về lipit ở trẻ nhỏ cũng cao hơn so với người lớn, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng ở trẻ sơ sinh cần khoảng 7g, trẻ 2 - 3 tháng cần 6g, trẻ sau 6 tháng cần khoảng 4g, về sau tùy theo sự tăng lên của độ tuổi mà giảm xuống còn 3 - 3,5g.
Mức năng lượng được cung cấp từ lipit lấy vào mỗi ngày ở trẻ nhỏ chiếm 35% tổng năng lượng, mà những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thì sẽ cao tới 50%.
Các axit béo không no có chứa lipit đặc biệt cần thiết đối với trẻ nhỏ, là chất cần thiết để hình thành nên các mô thần kinh như bao miêlin. Các axit béo không no có trong sữa mẹ (8%) nhiều hơn trong sữa bò (2%), đặc biệt giúp ích cho sự phát triển não trẻ nhỏ.
BẢNG 6. LƯỢNG NHU CẦU HÀNG NGÀY VỀ CÁC CHẤT DINH DƯỠNG, NĂNG LƯỢNG VÀ NƯỚC(4) Cacbohiđrat
Là chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng chủ yếu, giúp ích cho việc hoàn thành quá trình oxy hóa lipit và tiết kiệm lượng tiêu hao protein, đồng thời còn là chất cơ bản trong chuyển hóa tế bào não.
Sự đòi hỏi cacbohiđrat ở trẻ nhỏ nhiều hơn so với người lớn, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần khoảng 12g (thời kì trước thanh xuân lên tới 15g, còn thiếu niên sau 13 tuổi chỉ cần 10g).
Lactoza có trong sữa các loại rất phù hợp với trẻ nhỏ vì nó hòa tan được hết trong đường ruột, vừa dễ hấp thu lại có thể dẫn đến sự lên men chua, giúp cho việc hấp thu canxi và thúc đẩy sự sinh trưởng của trực khuẩn lactat, ức chế sự sinh sôi của trực khuẩn đại tràng. Trẻ nhỏ hấp thu glucoza, sucroza và fructoza không tốt. Sau khi sinh được 2 - 3 tháng, do thiếu amilaza mà khó tiêu hóa loại bột, cho nên các loại thức ăn từ tinh bột như gạo, mì,... phải sau 4 tháng mới bắt đầu cho ăn thêm. Mức năng lượng được cung cấp từ cacbohiđrat trong ăn uống của trẻ nhỏ cần chiếm 50% tổng năng lượng. Nếu cung ứng không đủ trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn cacbohiđrat vào quá nhiều mà protein lại không đủ, thì đứa trẻ thể trọng tuy vẫn tăng nhanh, nhưng có vẻ béo ra, nhưng cơ bắp nhão, sức đề kháng đối với bệnh tật kém, và không phải là biểu hiện của sự khỏe mạnh thực sự.
(5) Chất khoáng
Có quan hệ rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của trẻ.
Những loại chất khoáng mà sau khi bị thiếu dễ dẫn đến rối loạn dinh dưỡng có:canxi, photpho, sắt, kẽm và iot.
Còn kali, natri, clo, đồng, magie thì trong tình trạng bình thường, khó xảy ra thiếu hoặc quá nhiều. Canxi trong cơ thể trẻ sơ sinh chiếm khoảng 0,8% cân nặng (ở người lớn tăng lên đến 1,5%). Trẻ nhỏ mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần khoảng 600mg canxi. Một lượng lớn canxi phải lấy được từ trong bữa ăn mà phần lớn là từ sữa, lượng canxi trong sữa mẹ (34mg/l) tuy không bằng trong sữa bò (117mg/l), nhưng tỉ lệ canxi, photpho trong sữa mẹ hợp lí (2:1), nên đối với trẻ nhỏ dễ hấp thu hơn so với sữa bò. Trong các loại ngũ cốc có chứa axit thực vật, các loại rau có chứa oxalat sẽ làm cho canxi kết tủa, gây trở ngại đến việc hấp thu canxi, cho nên cần ăn tách riêng với các loại sữa. Sau 4 - 6 tháng, khi cho ăn thêm thức ăn phụ trợ, phải chọn dùng nhiều chế phẩm từ đậu nành, vì hàm lượng canxi trong đó cao. Photpho thường được cơ thể tận dụng đồng thời với canxi, lắng đọng ở bộ xương, răng, cũng là thành phần cấu thành của các mô thần kinh và các enzim quan trọng. Trẻ nhỏ mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần khoảng 400mg photpho, nếu quá nhiều sẽ gây trở ngại cho việc hấp thu canxi và sắt. Sắt là thành phần chủ yếu của hemoglobin và myoglobin, đồng thời còn tham dự vào tác dụng của nhiều loại enzim. Trẻ nhỏ mỗi ngày cần khoảng 10 - 15mg sắt, tỉ lệ hấp thu sắt trong sữa mẹ có thể đạt tới 50%, còn trong sữa bò chỉ là 10% nhưng dù là sữa người hay sữa bò thì hàm lượng sắt cũng đều không cao, trong mỗi lít chỉ có khoảng 1mg, cho nên trong mấy tháng đầu mới sinh, đứa trẻ chủ yếu dựa vào lượng sắt được dự trữ trong cơ thể từ thời kì thai nhi để thỏa mãn nhu cầu. Thường trẻ đủ tháng thì cho đến 4 tháng, còn trẻ đẻ non và trẻ nhẹ cân khi đẻ ra thì đến 2 tháng, là đã dùng hết lượng sắt dự trữ trong thời kì thai nhi, về sau buộc phải tăng thêm các thức ăn giàu sắt, để lấy đủ lượng sắt từ trong bữa ăn, nếu không sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Kẽm tuy là nguyên tố vi lượng nhưng lại tham gia vào rất nhiều chức năng sinh lí quan trọng, có liên quan đến sự tổng hợp nên protein, axit nucleic cùng hơn 50 loại enzim. Trong thời kì trẻ nhỏ mỗi ngày cần khoảng 3 - 5mg kẽm. Hàm lượng kẽm trong sữa người cao hơn sữa bò, hàm lượng kẽm trong sữa non là cao nhất, trong các thức ăn từ động vật như cá, thịt tôm,... cũng có chứa rất nhiều kẽm, cho nên thường khó xảy ra thiếu kẽm. Nhưng ở những vùng có hàm lượng kẽm trong nước thấp và những đứa trẻ ăn thiên về một thứ, kén ăn thì sẽ vì thiếu kẽm mà xuất hiện hiện tượng chán ăn và chậm phát triển.
(6) Vitamin
Về lượng nhu cầu đối với các loại vitamin ở trẻ nhỏ (xem Bảng 6). Trẻ nhỏ được nuôi bằng sữa mẹ, chỉ cần sữa mẹ có đủ dinh dưỡng, bữa ăn cân đối, lượng sữa đủ, thì thường không xảy ra thiếu vitamin. Nhưng trong cả sữa mẹ và sữa bò đều thiếu vitamin D, nếu trẻ thiếu hoạt động ngoài trời, thì thường dễ mắc bệnh còi xương do thiếu vitamin D. Cho nên, bắt đầu ngay từ sau khi sinh được 3 lần, phải cho trẻ uống thêm mỗi ngày 10μg (400 đơn vị quốc tế) vitamin D dạng viên, điều đó rất quan trọng đối với những vùng ánh lượng mặt trời chiếu tương đối ít hoặc về mùa đông. Cũng có thể đồng thời bổ sung vitamin A và D dạng viên hỗn hợp hoặc dầu gan cá, nhưng phải tránh dùng quá liều, dẫn đến ngộ độc vitamin A hoặc vitamin D. Hàm lượng vitamin B1, B2 trong sữa không nhiều, nếu người mẹ cho con bú ăn cơm bị chắt nước cơm hoặc gạo, mì tinh chế thường dẫn đến thiếu vitamin B1, đồng thời khiển cho đứa trẻ cũng bị thiếu vitamin B1 (bệnh tê phù trẻ nhỏ), xuất hiện các triệu chứng suy tim hoặc co giật, hôn mê, dễ bị hiểu lầm là viêm não hoặc viêm màng não, cho tiêm tĩnh mạch glucoza sẽ làm cho vitamin B1 càng bị thiếu hơn và thường dẫn đến tử vong. Sữa bò đun sôi sẽ bị mất vitamin C cho nên, với những đứa trẻ được nuôi bằng sữa bò, từ 1 - 2 tháng trở đi nên tăng thêm nước trái cây để bổ sung vitamin C.
(7) Nước
Trẻ nhỏ sinh trưởng phát triển nhanh chóng, có tỉ lệ chuyển hóa cao nên lượng nhu cầu về nước vượt quá cả người lớn, mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần khoảng 100 - 150ml, độ tuổi càng nhỏ thì là nhu cầu càng lớn. (Xem bảng 6).
Trẻ sơ sinh do chức năng cô đặc của thận kém, nên càng cần nước hơn. Lượng nhu cầu về nước còn có liên quan đến thành phần ăn uống. Bữa ăn có protein cao, muối cao cần lượng nước nhiều. Sữa mẹ do hàm lượng muối và protein thấp hơn sữa bò, cho nên khi trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thì đòi hỏi nước tương đối ít còn những đứa trẻ nuôi bộ thì càng cần chú ý cung cấp đầy đủ nước. Trẻ do cần lượng nước lớn nên khi bị miệng nôn trôn tháo rất dễ xuất hiện mất nước và rối loạn chất điện giải, bệnh tình càng nặng hơn, nên rất cần phải chú ý kịp thời bồi phục nước cho trẻ.
(8) Xơ thức ăn
Phần lớn là từ thực vật như các loại rau. Trẻ trước 6 tháng do đường ruột dạ dày còn non nớt, vẫn chưa thể chịu được sự kìch thích của sợi xơ thô, thường không nên cho ăn. Sau 6 tháng cần dùng các loại rau có xơ thô như cải xanh giá đỗ, rau cần cắt nhỏ, nấu nhừ, xay nhỏ, đầu tiên cho ăn dần dần giữa 1 bữa sữa với một bữa nhỏ, rồi luyện cho quen dần.
Đặc điểm của hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ là niêm mạc khoang miệng non nớt, mạch máu dày đặc, dễ bị tổn thương. Ở trẻ sơ sinh tuyến nước bọt phát triển chưa hoàn thiện, lượng nước bọt ít, nên miệng hơi khô, khi được 3 - 4 tháng, nước bọt mới nhiều dần lên, lượng amilaza cũng tăng lên theo, khi được 5 - 6 tháng lại càng nhiều hơn. Lúc này trẻ nuốt vẫn chưa thuận lợi nước dãi thường dễ bị chảy ra ngoài. Nhưng trẻ nhỏ miệng nhỏ mà lưỡi lại khá dài, lớp đệm mỡ ở hai bên má cũng khá phát triển giúp ích cho việc bú mút. Răng sữa phải đến 4 – 6 tháng mới bắt đầu mọc, nhưng khả năng cắn, nhai thức ăn kém, cho nên lúc này trẻ phải ăn những thức ăn lỏng loãng là chính, thực quản của trẻ nhỏ tương đối ngắn, có dạng hình phễu, các sợi đàn hồi ở thành thực quản và thể tuyến, phát triển vẫn chưa hoàn thiện, nuốt tương đối kém, đây là nguyên nhân dễ nuốt nhầm thức ăn vào phế quản gây ngạt. Dạ dày của trẻ nằm ngang, dung tích nhỏ, khi mới sinh chỉ 20 - 25ml, mà cơ môn vị lại tương đối yếu, cho nên các chất chứa trong dạ dày dễ chảy ngược lại thực quản, ộc ra khỏi miệng. Nồng độ enzim tiêu hóa và dịch vị tương đối thấp, chức năng tiêu hóa kém. Sữa mẹ thải hết ra được khỏi dạ dày cần khoảng 2 - 3 tiếng, sữa bò cần khoảng 3 - 4 tiếng, còn nước thì chỉ cần 1 - 2 tiếng. Ruột của trẻ nhỏ tương đối dài so với người lớn, gấp khoảng 7 lần chiều cao, giúp ích cho việc tiêu hóa, hấp thu. Nhưng khả năng hoạt lực của các enzim tiêu hóa trong ruột yếu, chức năng vận động của đường tiêu hóa cũng không ổn định. Vì vậy, nếu thay đổi chủng loại thức ăn, thời tìết nóng lạnh hoặc bị nhiễm trùng đều ảnh hưởng đến sự nhu động bình thường của đường ruột, dẫn đến nôn và ỉa chảy. Tóm lại, các cơ quan tiêu hóa, chức năng tiêu hóa và chức năng điều tiết của hệ thần kinh của trẻ đều vẫn chưa phát triển hoàn thiện nhưng lại phải lấy vào nhiều thức ăn hơn so với người lớn thì mới có thể thỏa mãn được nhu cầu sinh trưởng, phát triển. Tình trạng đầy mâu thuẫn này cho thấy mức độ khó khăn của việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ đòi hỏi phải có sự chú trọng cao độ.