Tài liệu: Di sản khoa học

Tài liệu
Di sản khoa học

Nội dung

DI SẢN KHOA HỌC

 

Từ lâu, người ta lầm tưởng rằng, những khuynh hướng duy tâm- thậm chí thần bí của tư tưởng Ấn Độ hẳn phải cản trở việc quan sát và nghiên cứu tự nhiên. Thế nhưng chính môn siêu hình học quả quyết rằng, chỉ có Thượng đế vô biên là thực tại tuyệt đối lại có thể chấp nhận cả thực tại tương đối của thế giới vật chất theo quan điểm thực tiễn và thực nghiệm.

Người Ấn Độ xưa nay cho rằng mọi vật trong Vũ trụ đều có một ý nghĩa nhất định nào đó, và vì thế phải được nghiên cứu kĩ lưỡng. Trong những năm gần đây, sự cống hiến của Ấn Độ vào các ngành khoa học thực chứng như cơ khí, luyện kim, hoá chất; và nhất là toán học, thiên văn học và y học đã được thừa nhận rộng rãi. Một số người còn một mực ca ngợi cái ''tri thức cổ xưa'' mà họ coi là đã chứa đựng dưới dạng phôi thai hầu hết các phát kiến của nhà khoa học hiện đại. Nhưng rồi người ta dần dần có một sự đánh giá đúng mực hơn.

Môn toán học ở Ấn Độ đã có từ thời Kinh Veda tế lễ, khi mà việc xây dựng các đài tế lễ đòi hỏi những sự tính toán chính xác. Người có tên tuổi nhất trong môn toán học Ấn Độ là Aryabhatta (cuối Thế kỷ V CN). Ông đã hoàn thiện hệ thập phân mà những người đi trước ông đã đề xuất. Những nhà toán học lỗi lạc khác là Brahmaguypta (Thế kỷ VII), Mahavira (Thế kỷ IX) và Bhaskara (Thế kỷ XII). Những người này đã thấu hiểu ý nghĩa của các lượng dương và lượng âm. Họ giải được nhiều phương trình phức và xác lập được các phương pháp khai căn bậc hai và bậc ba. Họ đã nghiên cứu rất sâu các thuộc tính của số không (shunya) và vô cực Bhaskara đã chứng minh về mặt toán học rằng vô cực dẫu có bị chia nhỏ đến đâu, vẫn là vô cực - điều đó đã được thừa nhận trên bình diện siêu hình ngay ở thế kỉ thứ VI Tr.CN trong các tập Kinh Upanishad.

Người Ả Rập thường được coi là đã học của người Ấn Độ về hệ thập phân dùng số không và truyền lại cho các thà khoa học Châu Âu. Như vậy là, Ấn Độ đã gián tiếp cung cấp nền tảng của toán học, một công cụ mà thiếu nó sẽ không thể ra đời nhiều phát minh khoa học và kỹ thuật quan trọng ở phương Tây.

Cả trong lĩnh vực Thiên văn học, Aryabhatta cũng lại là một thiên tài có nhiều công lao khai phá. Ông đã xác định được độ dài thời gian của năm dương lịch là 365,359680 ngày, một vị trí số khá sát với những tính toán ngày nay. Ông quả quyết rằng Trái đất quay quanh trục của nó và chuyển động xung quanh Mặt Trời, một quan quan điểm mà vì nó 100 năm sau Galilléo đã bị nhà thờ Thiên chúa giáo kết tội. Một nhà Thiên văn vĩ đại khác là Varahamihira, người đồng thời với Aryabhatta. Varahamihira rất am hiểu và sử dụng nhiều khái niệm của Thiên văn học La Mã và Hy Lạp, trong đó có các cung của Hoàng đạo. Các nhà Thiên văn Ấn Độ đã miêu tả các phân điểm, dự báo các hiện tượng thiên thực (Nhật thực, Nguyệt thực) và tính toán chính xác tới mức đáng kinh ngạc sự chuyển động của các hành tinh mà không dùng đến kính thiên văn.

Nếu như Thiên văn học và Toán học phát triển kết hợp với nhau thì những tiến bộ trong y học sẽ không thể diễn ra nếu không có những thành tựu trong hoá học và thực vật y. Ayurveda (Khoa Trường sinh) có từ thời Kinh Veda. Các trước tác của Charaka (Thế kỷ I CN) và Suchruta (Thế kỷ IV CN) đã đề cập tới hầu hết các khía cạnh của các khoa chẩn đoán và điều trị. Họ đã nghiên cứu tỉ mỉ thuộc tính của các loài dược thảo, khoáng vật và muối, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của không khí và nước trong lành; xây dựng những nguyên tắc đạo đức trong nghề y; phát triển các dụng cụ và kỹ thuật mổ xẻ. Yoga với tác dụng trị liệu quan trọng đã cung cấp những kiến thức quý báu về hô hấp, tuần hoàn máu, hệ thần kinh và các hiệu ứng sinh lý của các trạng thái xúc cảm và thần bí.

Y học Ấn Độ được xây dựng trên các khái niệm dosha ("các thể dịch'') và guna (''các thành tố của Tự nhiên''). Sự cân bằng giữa 3 dosha (hơi thở, máu và nước bọt) là điều kiện cần thiết để con người khoẻ mạnh. Các guna cũng có 3 loại cơ bản: sattva (thanh khiết), rajas (dục vọng) và tamas (vô cảm). Ở con người khoẻ mạnh thì sattva phải áp đảo hai yếu tố kia. Vai trò của thầy thuốc là dùng chế độ ăn uống, việc luyện tập thân thể và thuốc men để đạt tới trạng thái đó.

Thầy thuốc luôn luôn là người có uy tín trong xã hội Ấn Độ. Các guru tức các lãnh tụ tinh thần cong đóng vai trò chữa bệnh. Quan niệm coi mọi sự sống đều là thiêng liêng đã khuyến khích sự phát triển của môn thú y ở thời đó, Ấn Độ đã có nhiều chuyên luận về cách chữa bệnh cho ngựa, voi và các loài chim muông khác.

V.S.N




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/149-02-633385850811875000/Nen-van-hoa-5000-nam-cua-An-Do/Di-san-khoa...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận