DINH DƯỠNG CHO NGHỀ LẶN CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng cho các nhân viên tác nghiệp trong môi trường dưới nước, lớn hơn 1 atmôtfe. Trong môi trường dưới nước, ngoài áp suất mặt nước ra còn có thủy áp tĩnh. Thủy áp tĩnh ở chỗ nước sâu 10m tương đương với 1 atmôtfe, nước cứ sâu thêm 10m thì tăng thêm 1 atmôtfe. Áp lực chỗ nước sâu cộng với atmôtfe bề mặt nước được gọi là áp lực tuyệt đối. Con người ở trong môi trường cao áp phải hít thở không khí có áp lực tương đương với áp lực tuyệt đối, thì mới có thể tránh cho các cơ quan và khoang hốc chứa hơi trong cơ thể không bị chèn ép gây tổn thương. Đồng thời, ở môi trường cao áp dưới nước còn đòi hỏi phải cung cấp các chất dinh dưỡng riêng cho thợ lặn.
Ảnh hưởng của môi trường cao áp dưới nước dện sự chuyển hóa dinh dưỡng của thợ lặn chủ yếu được biểu hiện ở:
1) Thợ lặn khi làm việc dưới nước, do nhiệt độ nước trong đa số các tình huống đều thấp hơn so với nhiệt độ không khí, sự dẫn nhiệt của nước lại lớn hơn không khí, vì vậy con người tản nhiệt ra nước bằng cách thức truyền dẫn và đối lưu khí ở trong nước, phải mất đi một lượng nhiệt lượng nhiều hơn so với ở trong không khí.
2) Trong môi trường cao áp, lượng tiêu hao oxy khi hoạt động cơ bắp cao hơn trong áp suất thường, hơn nữa để khắc phục được trở lực của nước, thợ lặn cũng phải tiêu hao một lượng năng lượng nhiều hơn.
3) Khi làm việc ở dưới nước sâu 50m, để tránh bị hôn mê nitơ do nitơ phân áp cao gây nên, phải dùng khí hêli để thay thế khí nitơ. Phân tử của hêli nhỏ, khuếch tán nhanh, hệ số dẫn nhiệt của nó lớn hơn không khí khoảng 6,2 lần, vì thế khi hít thở bằng khí hỗn hợp có chứa hêli, nhiệt lượng tản mất qua đường hô hấp sẽ tăng lên. Nhiệt lượng tản mất khi hít thở trong môi trường hêli - oxy cao áp chiếm 70 - 80% lượng nhiệt do chuyển hóa sản sinh ra, còn nếu hít thở trong môi trường không khí áp suất thường thì nhiệt lượng tản mất chỉ chiếm 10% lượng nhiệt do chuyển hóa sản sinh ra.
Sự thay đổi về chuyển hóa protein ở người thợ lặn, chủ yếu biểu hiện chuyển hóa phân giải gia tăng, trong thời gian lặn bão hòa (dừng lại trên 24 tiếng trong môi trường cao áp) lại càng thấy rõ hơn. Thường có biểu hiện là hàm lượng nitơ urê trong huyết thanh và lượng nitơ urê thải ra trong nước tiểu tăng lên. Lượng protein toàn phần và anbumin trong huyết thanh cùng hàm lượng axit amin tự do trong huyết thanh hạ thấp. Cùng với áp lực tăng cao, lượng niệu - nitơ thải ra trong nước tiểu tăng lên, trong thời gian lặn dễ xuất hiện cân bằng nitơ âm.
Làm nghề lặn còn làm cho lớp mỡ dưới da ở phụ nữ làm nghề mò ngọc trai giảm đi rõ rệt, hàm lượng axit béo tự do trong huyết tương chỉ bằng 49% so với hàm lượng ở nữ thanh niên bình thường. Ngoài ra, các loại lặn không khí, lặn bão hòa nitơ - oxy hoặc bão hòa hêli - oxy đều có thể quan sát thấy người thợ lặn dễ xuất hiện thiếu thiamin (B1), ngoài ra còn có thể xuất hiện thiếu vitamin B6, lượng thải 4 - axit pyriđoxic trong nước tiểu thấp hơn bình thường. Quan sát trong môi trường cao áp còn có thể phát hiện thấy hàm lượng natri trong huyết thanh ở các thợ lặn tăng lên, hàm lượng trong huyết thanh giảm. Kết quả thực nghiệm về cân bằng đã cho thấy, lượng canxi natri trong cơ thể người thợ khi lặn bão hòa hêli - oxy đều ở trạng thái cân bằng, còn kali là cân bằng âm. Trong lặn bão hòa, dù là lặn ở sâu như thế nào, đều cũng sẽ xuất hiện hiện tượng lượng tiểu tăng lên, nhưng lượng nước đưa vào và tổng lượng nước trong cơ thể đều không có sự thay đổi rõ.
Cung cấp chất dinh dưỡng cho thợ lặn
Người thợ lặn không chỉ trong khi lặn, mà trong cả lúc bình thường và trong khi được huấn luyện tăng áp trước khi lặn đều phải chú ý đến dinh dưỡng. Ăn uống lúc bình thường cần giữ cho dinh dưỡng được đủ, tỉ lệ phối hợp hợp lí, đồng thời tránh để năng lượng quá thừa, để mỡ khỏi bị tích lại tạo thành lớp mỡ quá nhiều, tăng thêm nguy cơ phát sinh bệnh giảm áp. Lượng nhu cầu khi lặn có sự chênh nhau thành phần khí dùng để hít thở, độ sâu lặn và lặn thường hay lặn bão hòa.
1) Lặn không khí hoặc lặn nitơ - oxy
Khi tác nghiệp lặn dưới nước có độ nông trên 50m thì sẽ hít thở bằng không khí hoặc khí hỗn hợp nitơ - oxy, thời gian tác nghiệp không dài. Mỗi người mỗi ngày được cung cấp mức năng lượng là 13,5 - 15,5MJ (khoảng 3200 - 3700kcal); protein 110 - 120g, trong đó protein chất lượng cao cần chiếm 50%, năng lượng do lipit cung cấp chiếm 30% tổng năng lượng, trong đó mỡ từ thực vật không dưới 50%. Lượng cung cấp vitamin là: vitamin A 1800 μg đương lượng retinol (6000 đơn vị quốc tế), thiamin (B1) 2 - 3mg, riboflavin (B2) 2 – 3mg, vitamin BG 2 - 3mg, niacin (B3 hoặc PP) 25mg, axit ascorbic 100 - 150mg. Ngoài ra còn cần cung cấp canxi 800mg, sắt 15mg.
2) Lặn hêli - oxy
Khi tác nghiệp lặn hêli - oxy ở độ sâu dưới 50m, lượng nhiệt lượng trong cơ thể sẽ bị mất đi nhiều hơn khi lặn không khí hoặc nitơ - oxy, hơn nữa, do độ ẩm lặn vượt quá so với lặn không khí và nitơ - oxy nên chịu ảnh hưởng của môi trường cao áp cũng lớn. Theo đó, lượng cung cấp chất dinh dưỡng cho thợ lặn tác nghiệp lặn hêli - oxy nên là: mỗi người mỗi ngày cung cấp năng lượng 14,5 - 16,5MJ (khoảng 3500 - 4000kcal), tỉ lệ protein, lipit, cacbohiđrat chiếm trong tổng năng lượng lần lượt là 15%, 30% và 55% chất lượng protein và lipit đòi hỏi phải giống như với lặn không khí. Ngoài ra còn cần cung cấp cho mỗi người mỗi ngày thiamin (B1) 3 - 4mg, vitamin B6 3 - 4mg, niacin (B3 hoặc PP) 30mg, những thứ còn lại giống như với lặn không khí.
3) Lặn bão hòa hêli – oxy độ sâu lớn
Khi tiến quân ra biển hoặc tác nghiệp quân sự ở dưới nước, thường đòi hỏi người thợ lặn phải làm việc được với thời gian dài trong điều kiện độ sâu tương đối lớn. Khi lặn bão hòa ở độ sâu trên 200m, những ảnh hưởng mà người thợ lặn phải chịu ở môi trường cao áp lại càng rõ rệt, rất dễ xuất hiện hội chứng thần kinh cao áp, mà một trong những triệu chứng của nó là chán ăn. Thường dẫn đến chuyển hóa năng lượng và protein có cân bằng âm và sút cân.
Nguyên tắc cung cấp chất dinh dưỡng là năng lượng cao, protein cao, và vitamin cao, dinh dưỡng đầy đủ, tỉ lệ phối hợp hợp lí.
Năng lượng cung cấp trong khoang cao áp nên phỏng theo trong thực nghiệm bão hòa sẽ là 15 - 18MJ (khoảng 3600 - 4300kcal), còn khi tác nghiệp dưới nước tại hiện trường có độ sâu lớn thì do nhiệt độ của nước tương đối thấp nên phải cung cấp 23MJ (khoảng 5500kcal), trong thời gian giảm áp cần giảm bớt cho thỏa đáng là 13 - 15MJ (khoảng 3100 - 3600kcal). Lượng cung cấp protein phải chiếm 15 - 18% tổng năng lượng, trong đó protein động vật chiếm trên 60%, nếu tính theo mỗi kg cân nặng thì cần không dưới 2,5g. Lượng cung cấp lipit trong thời gian dừng ở môi trường tăng áp hoặc cao áp cần không quá 35% tổng năng lượng, còn trong thời gian giảm áp thì buộc phải khống chế chặt chẽ trong khoảng không vượt quá 30% tổng năng lượng, tức khoảng 100 - 120g. Lượng cung cấp vitamin là: vitamin A 1800μg đương lương retinol, trong đó ít nhất có 1/3 được lấy từ caroten trong thức ăn từ động vật, thiamin và riboflavin (B2) đều là 3,5 - 4,0mg, vitamin B6 4,0 - 6,0mg, niacin 35 - 40mg, axit ascorbic (C) 150 - 200mg, vitamin E 15 - 20mg. Lượng cung cấp chất khoáng là: Canxi 1000 - 1200mg, sắt 15 - 20mg, kali 1875 - 5625mg, magie 350 - 500mg, kẽm 15 - 20mg, đồng 2 - 3mg. Lượng cung cấp chất dinh dưỡng cho tác nghiệp lặn các loại cần được bắt đầu thực hiện ngay từ khi huấn luyện tăng áp, để vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu hao khi huấn luyện tăng áp, lại vừa làm cho người thợ lặn có được trạng thái dinh dưỡng tốt trong khi lặn.
Chế độ ăn
Trong môi trường cao áp, sự nhu động ở đường tiêu hóa và chức năng bài tiết ở tuyến tiêu hóa của người thợ lặn đều bị ức chế, lặn càng sâu thì ảnh hưởng càng lớn, nhưng khi tác nghiệp nghề lặn lại đòi hỏi phải cung cấp lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn so với các nghề lao động khác. Vì vậy, bữa ăn của người thợ lặn phải được xem xét từ 2 phương diện này để bố trí cho hợp lí hơn.
1) Lặn không khí hoặc lặn nitơ - oxy
Trước tiên phải dựa theo nhu cầu về lượng cung cấp chất dinh dưỡng mà bố trí bữa ăn, dễ tiêu hóa hấp thu là chính, tránh cho ăn những thức ăn khó tiêu như rán,... Các loại thức ăn dễ sinh hơi như đậu các loại, cải củ, hẹ,... thì không nên cho ăn, để tránh khi giảm áp, những thức này sẽ sinh hơi trong đường tiêu hóa trướng lên mà gây đau bụng. Trước khi lặn không được uống rượu, để tránh bị giãn mạch, khiến cho nhiệt năng tản mất càng nhanh. Thời gian ăn và thời gian lặn phải cách nhau trên 1 tiếng. Sau khi giảm áp đến áp suất bình thường thì nên cung cấp ngay đố uống nóng. Khi tiến hành lặn bão hòa không khí hoặc lăn bão hòa nitơ - oxy, thường do thời gian liên tục tương đối dài mà gây chán ăn, cần cung cấp thức ăn chứa tương đối nhiều nước mà thợ lặn ưa thích, như trái cây, rau và đồ uống,... Để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nên tăng thêm số lần ăn giữa 3 bữa cung cấp thêm bánh ngọt đồ uống,...
2) Lặn hêli- oxy
Nguyên tắc cung cấp các bữa ăn cơ bản giống nhau, nhưng lượng cung cấp năng lượng và các loại chất dinh dưỡng phải lớn hơn so với lặn không khí hoặc lặn nitơ - oxy. Do độ sâu lặn tương đối lớn, thời gian giảm áp cần thiết tương đối lâu nên bữa ăn cung cấp trong thời gian giảm áp phải thanh đạm, hợp khẩu vị, tránh mỡ quá nhiều, để tránh sau khi ăn, hàm lượng mỡ trong máu quá cao, bất lợi cho việc giảm áp.
3) Lặn bão hòa hêli – oxy ở độ sâu lớn
Khi tiến hành loại tác nghiệp lặn này, do thời gian ở trong môi trường độ sâu (sâu 200m), tương đối lâu (thời gian giảm áp cũng dài), nên dễ sinh hội chứng thần kinh cao áp, chất lượng và mùi vị của một vài loại thức ăn cũng dễ bị biến đổi, từ đó làm cho sự ngon miệng của thợ lặn càng kém hơn nhu cầu phải lựa chọn những loại thức ăn khác với dưới áp suất bình thường. Vì vậy, trong khi lặn bão hòa, người thợ lặn cần ăn uống tăng các loại trái cây rau và đồ uống, còn loại thức ăn mặn, đặc biệt là những thức ăn béo ngậy thì cần giảm bớt. Để đảm bảo là thợ lặn đưa vào được một lượng chất dinh dưỡng tương đối nhiều, cần thỏa mãn yêu cầu về sở thích và khẩu vị của thợ lặn, nhưng cần tránh những thức ăn sinh hơi và rượu các loại. Tốt nhất là có mấy loại thực đơn thích hợp sử dụng trong điều kiện cao áp cho các thợ lặn lựa chọn, đồng thời điều chỉnh khẩu vị theo yêu cầu của các thợ lặn trong thời gian giảm áp lại càng phải hấp thu lipit quá nhiều, lượng hấp thu phải khống chế chặt chẽ trong vòng 30% năng lượng đưa vào.
Trong khi tác nghiệp nghề lặn các loại, lượng nhu cầu về vitamin tương đối cao, nếu chỉ dựa vào bữa ăn thì khó đáp ứng được. Vì vậy, phải bằng cách cho uống vitamin dạng viên để bổ sung thêm, nếu cung cấp các loại thức ăn cường hóa vitamin thì càng thích hợp.