FERMI NGƯỜI KHAI SÁNG CHO THỜI ĐẠI NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
Vào hồi 15g20 phút ngày 2.12.1942 lò phản ứng nguyên tử đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động, đó là báo hiệu cho ngày mở đầu của thời đại năng lượng nguyên tử. Người lãnh đạo công trình này là nhà khoa học quốc tịch Mỹ gốc Italia Enrico Fermi (1901-1954).
Fermi sinh ra từ kinh thành Roma, từ nhỏ đã có trí nhớ và năng lực độc lập suy nghĩ khác thường. Năm 17 tuổi khi còn đang theo học ở bậc trung học ông đã tham gia khoá học nghiên cứu sinh ở trường đại học. Khi còn đang theo học bậc đại học ở trường Đại học Piza ông đã là người có uy tín trong lĩnh vực học thuyết lượnh tử, ngay đến các giáo sư cũng thường tham khảo ý kiến của ông về các vấn đề liên quan. Năm 21 tuổi, Fermi nhận học vị tiến sĩ của trường đại học Pisa, năm 27 tuổi ông đã được viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Italia chọn là viện sĩ của viện, và trở thành một viện sĩ trẻ nhất châu Âu. Năng lực làm việc của ông thật phi thường, thậm chí chỉ cần bấm đốt ngón tay là có thể nói được khoảng cách với một ngọn núi ở xa, chỉ ra chiều cao của một cái cây cho đến vận tốc bay của một con chim nhỏ.
Fermi quả là một nhà khoa học toàn năng. Từ năm 29 tuổi ông đã đạt được những thành tựu phi thường trong nhiều lĩnh vực. Ông cùng với nhà vật lý học người Anh Dirac đồng thời đề xuất học thuyết ''Thống kê Fermi - Đirac'' đó là công cụ chủ yếu để nghiên cứu các hạt vi mô: điện tử proton, nơ tron. Ông cũng đưa ra học thuyết tán xạ các nơtron nóng, đặt nền móng cho việc tạo các phản ứng hạt nhân. Ông cũng đã tổng kết học thuyết phân rã phóng xạ, nêu lên các qui luật của hiện tượng này, cho đến nay đó cũng là các qui tắc chỉ đạo cho việc nghiên cứu các hạt cơ bản.
Từ năm 1934 khi người ta phát hiện hiện tượng phóng xạ nhân tạo, Fermi bắt đầu chuyển hướng nghiên cứu công tác thực nghiệm. Ông đã nghiên cứu một cách hệ thống việc dùng các nơtron chậm để bắn phá tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Nhờ sự quan sát tỉ mỉ, cẩn thận mà trong vòng mấy tháng ông đã phát hiện hơn 60 loại đồng vị phóng xạ nhân tạo mới. Do những hiệu quả lớn lao mà Fermi đạt được trong việc nghiên cứu các phản ứng hạt nhân, năm 1938 ông nhận được giải thưởng Nobel về vật lý học. Cũng cùng năm đó, để tránh sự bức hại của bọn phát xít Italia đối với người Do thái (vợ Fermi là người Do thái) Fermi di cư sang Mỹ và nhận chức giáo sư tại trường Đại học Chicago. Vào tháng 12 năm 1941 Fermi cầm đầu một nhóm các nhà khoa học bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới và đến ngày 2/2/1942 thì hoàn thành. Ngày 16.7.1945 quả bom nguyên tử đầu tiên thử nghiệm thành công. Để phản đối việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích chiến tranh năm 1946 ông quay về dạy học ở trường đại học Chicago.
Fermi cũng là một người thầy tốt bụng, ông đã bồi dưỡng được một đội ngũ các học giả ưu tú, trong số đó có sáu người đã nhận được giải thưởng Nobel, Lý Chấn Đạo, Dương Chấn Ninh cũng là các học trò của ông. Để ghi nhớ đến nhà vật lý học trác việt này, người ta đã lấy tên ông đặt cho hơn 20 thuật ngữ. Nguyên tố hóa học thứ 100 cũng mang tên Fermi. Hội năng lượng nguyên tử Mỹ lấy tên ông đặt cho một giải thưởng khoa học. Và năm 1954 Fermi là người đầu tiên nhận được giải thưởng này.