ĐẠI HỌC MỞ
LỊCH SỬ VÀ ĐẶC ĐIỂM
Đạo luật thành lập Đại học Mở có hiệu lực từ năm 1985. Cho đến đầu năm 1993, Đại học Mở đào tạo được gần 54.000 sinh viên. Sự phối hợp với các bộ phận còn lại của giáo dục cấp cao đã được đảm bảo khi Đại học Mở được chi phối bởi cùng một đạo luật, Đạo luật Giáo dục Cấp cao và Nghiên cứu ban hành tháng 8 năm 1993.
Mục đích của Đại học Mở là cung ứng một nền giáo dục cấp cao cho những người lớn trên 18 tuổi không có điều kiện theo học ở các cơ sở truyền thống. Lý do để các sinh viên chọn trường đại này có thể là do không đủ các bằng cấp qui định để vào các trường đại học chính qui, hoặc do hoàn cảnh gia đình hay công việc nên không thể theo học các khóa toàn thời gian.
Các chính sách và hoạt động của Đại học Mở đã được tiến hành để đáp ứng cho nhu cầu của những đối tượng này. Chẳng hạn như, chính sách tuyển sinh mở rộng của Trường không đòi hỏi sinh viên phải có những bằng cấp học thuật cụ thể nào. Đại học Mở có các khóa học được phân chia thành nhiều mô-đun, giúp cho sinh viên thu thập đủ số tín chỉ để lấy chứng chỉ hay văn bằng, bằng cách tham dự các kỳ thi cuối mỗi khóa học. Người ta cho phép các sinh viên được học một cách gián đoạn, và thời gian để hoàn tất chương trình có thể vận dụng tùy theo hoàn cảnh cá nhân của từng người.
Theo chương trình này, hầu như mọi việc đều có thể làm ở nhà bằng cách sử dụng các giáo trình. Tuy nhiên, việc có mặt ở một số buổi học, chẩng hạn như các buổi thí nghiệm hay sử dụng máy tính, là bắt buộc. Việc sử dụng máy tính có thể được thực hiện trong số 18 trung tâm nghiên cứu của Trường, được đặt rải rác khắp cả nước. Những trung tâm này cũng cung ứng cho sinh viên dịch vụ tư vấn và nhiều loại dịch vụ khác.
HƯỚNG DẪN SINH VIÊN
Trong khi việc tuyển sinh vốn mở rộng cửa cho các công dân từ 18 tuổi trở lên, Đại học Mở vẫn xác định rằng đối với một số ngành học sinh viên cần có những kiến thức cơ sở nhất định, và thông báo trước cho các sinh viên tương lai về điều này. Các sinh viên có thể tự xác định năng lực của mình khi theo học một số ngành cụ thể bằng cách xem trước các tập sách hướng dẫn với các bài học mẫu, tham khảo nội dung học ở một trung tâm gần nhất hoặc tiếp xúc với một nhân viên tư vấn của nhà trường. Việc hỗ trợ cho các sinh viên đăng ký nhập học cũng được cung ứng qua hình thức phổ biến thông tin theo từng nhóm, hoặc tư vấn cá nhân trực tiếp, hoặc tư vấn qua điện thoại.
CHƯƠNG TRÌNH HỌC
Đại học Mở có cả các chương trình đại học lẫn những chương trình HBO, và có quyền hạn cấp phát các loại bằng cấp như những cơ sở chính qui thuộc các dạng học này. Trường có nhiều chương trình cho mỗi lĩnh vực: Kinh doanh và Khoa học Quản trị, Khoa học Văn hóa, Khoa học Kinh tế, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Pháp lý, Khoa học Xã hội, và Kỹ thuật.
Nội dung các bài học chủ yếu ở dạng các tài liệu in sẵn, và trong một số trường hợp là các tài liệu dạng truyền thông đại chúng do các nhân viên chuyên môn của Trường chuẩn bị. Hầu hết các bài học có thể được học ở nhà, nhưng có một số bài đòi hỏi sinh viên phải đến trường. Mỗi khóa học bao gồm một hoặc nhiều mô-đun. Mỗi mô-đun có mức trung bình là 100 giờ học, tương đương giá trị với 3 tín chỉ, sẽ cấp phát sau khi sinh viên hoàn tất khóa học đó.
Các sinh viên có thể lấy các tín chỉ bằng cách tham dự những kỳ thi được tổ chức tại những địa điểm đã được chuẩn y. Ngoài ba ngày thi tiêu chuẩn hàng năm, các kỳ thi cho nhiều khóa học còn được tổ chức dưới dạng vi tính dành cho từng cá nhân sinh viên. Sau khi đậu kỳ thi cuối khóa sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ. Sinh viên đã đạt được từ hai chứng chỉ trở lên có thể yêu cầu cấp một bản học bạ ghi nhận quá trình học của họ. Sau khi đã hoàn tất những yêu cầu của năm thứ nhất của chương trình đại học hay chương trình HBO, sinh viên sẽ được cấp phát một loại chứng chỉ gọi là propedcuseverklaring; chứng chỉ này cho phép sinh viên đó chuyển sang học ở những cơ sở giáo dục cấp cao khác. Cả chương trình đại học lẫn chương trình HBO đều đòi hỏi sinh viên hoàn tất 56 mô-đun để tốt nghiệp.