Tài liệu: HIV – AIDS

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

AIDS là các chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: (A-Acquired nghĩa là mắc phải, I-Immune: miễn dịch, D-Deftciency: thiếu hụt, S-Syndrome
HIV – AIDS

Nội dung

HIV – AIDS

AIDS là gì?

AIDS là các chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: (A-Acquired nghĩa là mắc phải, I-Immune: miễn dịch, D-Deftciency: thiếu hụt, S-Syndrome: hội chứng) là một chứng bệnh mắc phải gây ra tình trạng suy sụp (thiếu hụt) chức năng miễn dịch của cơ thể nên rất dễ dàng nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn[1]. Nguyên nhân là do một loại virus đặc biệt, hiện nay quen gọi là HIV; viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Human Immunodeficiency Virus, có nghĩa là virus gây thiếu hụt miễn dịch ở người. Cụm từ HIV/AIDS có nghĩa hội chứng thiếu hụt miễn dịch mắc phải ( AIDS) do virus gây thiếu hụt miễn dịch. Nói là hội chứng có nghĩa là đây một tập hợp các triệu chứng có thể liên quan trước hết đến đa - niêm mạc mà quan trọng nhất là phổi, não, đường tiêu hóa.

Vì sao vậy?

Sự thể là khi đã bị nhiễm HIV, thì virus này tấn công trực tiếp, không phải vào các phủ tạng, mà vào các tế bào lympho (thường gọi là bạch cầu), là những tế bào có nhiệm vụ đặc biệt tạo ra khả năng miễn dịch, có nghĩa là chúng tạo thành một đội quân xung kích biết nhận diện và trực tiếp tiêu diệt những kẻ lạ đến từ bên ngoài như các vi khuẩn, các loại nấm và các virus khác gây bệnh và tàn phá cơ thể. Khi một người bị nhiễm HIV thì virus này xâm nhập vào một loại tế bào có thẩm quyền miễn dịch quan trọng nhất có tên là tế bào lympho CD4. Khí xâm nhập, virus HIV chiếm lĩnh hoàn toàn chủ quyền và các nguyên liệu của các tế bào CD4 nói trên tiếp tục sinh sôi nảy nở và làm tê liệt hầu như tất cả các tế bào miễn dịch này. Kết quả là, lúc này cơ thể con người bị nhiễm HIV giống như một căn nhà bỏ hoang, bất cứ kẻ thù nào, vi khuẩn, nấm, virus khác khi đã xâm nhập vào cơ thể thì đều có thể tự do hoành hành, cơ thể hoàn toàn mất hết mọi khả năng chống đỡ. Đó là bi kịch khủng khiếp nhất sẽ diễn ra trung bình từ 9 đến 10 năm sau khi một người nhiễm HIV. Khoảng thời gian định mệnh này hiện nay đang được kéo dài thêm nhờ phát hiện và điều trị sớm.

HIV lây nhiễm như thế nào?

HIV (virus thiếu hụt miễn dịch ở người) hiện diện trong máu, tinh dịch, các chất nhờn ở cổ tử cung và âm đạo, và ở mức độ ít hơn, hiện diện trong nước bọt, nước mắt, trong sữa mẹ trong dịch não tủy của những người đã nhiễm virus này. HIV phần lớn thường gây truyền qua giao hợp hoặc qua truyền máu đã nhiễm từ người này sang người kia. Những hành vi tính dục không được bảo vệ qua đường âm đạo[2] là những hành vi tình dục có nhiều khả năng nhất lây truyền virus.

Nguy cơ bị lây nhiễm sau một lần duy nhất tiếp xúc với một người đã mang HIV là tương đối thấp.

- 0,05 phần trăm tới 0, 15 phần trăm nếu giao hợp không được bảo vệ qua đường âm đạo.

- 0,32 phần trăm sau lần dùng kim có nhiễm HIV chích vào mạch máu và.

- 0,67% sau khi dùng kim đã nhiễm HIV để tiêm thuốc. Tuy vậy, xác suất lây truyền có thể còn cao hơn tùy thuộc lượng virus của người tiếp xúc, vào những giai đoạn khởi đầu và giai đoạn kết thúc của bệnh, hoặc có kèm những yếu tố khác như đang mắc những bệnh lây qua đường tình dục, chẳng hạn sự hiện diện những bệnh lây qua đường tình dục như bệnh đo virus herpes (giống thủy đậu), bệnh giang mai hoặc có những vết sây xát da hoặc niêm mạc còn làm tăng hơn nữa nguy cơ truyền bệnh. Việc lây truyền còn xảy ra qua việc dùng kim tiêm đã nhiễm virus, điều này lý giải tỷ lệ cao nhiễm HIV trong số nhưng người chích ma tuý. Chẳng hạn, tại Quảng Ninh trong số 200 học sinh phổ thông được kiểm tra máu HIV (+) thì hầu hết đều chích ma tuý (Lao động 25-7-97).

HIV còn được lây truyền qua đường tiêm truyền (mạch máu) các dịch truyền chữa bệnh như máu toàn phần, huyết tương và các sản phẩm có các yêu tố đông máu (chữa bệnh ưa chảy máu hoặc chảy máu do thiếu tiểu cầu, chẳng hạn) nhưng lại không có khả năng lây truyền nếu cùng các sản phẩm có globulin miễn dịch huyết thanh hoặc tiêm vaccin viêm gan B. May mắn, nguy cơ lây nhiễm HIV qua các sản phẩm chế tạo từ máu đem dùng trong điều trị ngày càng có xu hướng giảm nhờ kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm này trước khi dùng cho người bệnh.

Việc lây truyền qua máu có HIV thường xảy ra nhiều nhất nếu lạm dụng những kim tiêm dưới da không được tiệt khuẩn triệt để. Lây nhiễm qua truyền máu, qua việc ghép các cơ quan (ghép thận, ghép gan v.v...) và qua thụ tinh nhân tạo hiện nay không còn đặt thành vấn đề nữa vì lý do những người cho đã được thử nghiệm chắc chắn không mang HIV.

Nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên y tế bất ngờ đụng phải kim tiêm thì thực sự hiếm: chưa tới 0,3 phần trăm.

HIV truyền từ mẹ sang con theo đường nào?

HIV có thể truyền từ người mẹ đã nhiễm virus sang đứa con của mình lúc còn mang thai (thai nhi) hoặc lúc đẻ (sơ sinh). Đây là một hình thái truyền nhiễm HIV cực kỳ quan trọng tại các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ giữa những phụ nữ nhiễm HIV với nam giới nhiễm HIV ngang nhau 1:1. Tại Hoa Kỳ, chừng 1.600 sơ sinh mỗi năm đã nhiễm HIV từ người mẹ. Kết quả phân tích virus hoặc những thai sẩy cho thấy HIV có thể truyền sang thai nhi vào thời kỳ mang thai, ngay từ ba tháng đầu hoặc ba tháng thứ hai. Tuy vậy việc truyền từ mẹ sang thai nhi diễn ra thông thường nhất vào giai đoạn chu sinh.

Tỉ lệ truyền HIV từ mẹ nhiễm virus không được điều trị sang thai hoặc sơ sinh là chừng 25 phần trăm (tại Hoa Kỳ). Những nghiên cứu tại nhiều nước khác nhau cho thấy những tỷ lệ lây nhiễm rất khác nhau từ mức thấp nhất là 12,9 phần trăm tại các nước châu Âu tới mức cao chừng 45 đến 48 phần trăm tại một số nước châu Phi (Nairobi, Kenya...) hoặc châu Á. Điều này phụ thuộc vào mức độ được hướng dẫn chăm sóc trước khi mẹ đẻ cũng như đến giai đoạn bệnh của HIV và đến tình trạng sức khỏe nói chung của người mẹ khi mang thai. Những tỷ lệ nhiễm ở mức cao thấy có liên quan với giai đoạn bệnh muộn hơn. Số lượng tế bào TCD4 + thấp hơn, mức nhiễm virus = máu cao và tình trạng thiếu hụt vitamin A ở người mẹ, cũng như có liên quan tới viêm màng ối và viêm dây rốn. Ngoài ra, chuyển dạ lâu một khoảng thời gian dài từ lúc vỡ ối đến khi xổ thai và các yếu tố làm tăng sự phơi nhiễm của đứa bé với máu của người mẹ, kể cả việc đặt các điện cực vào da đầu thai nhi, thủ thuật cắt tầng sinh môn và những vết rách rộng ở cổ tử cung và âm đạo, đều có thể góp phần vào việc truyền nhiễm cho trẻ.

Về phương diện nhiễm virus - huyết, có báo cáo cho rằng khi nồng độ ARN virus trong huyết tương của người mẹ ở mức dưới 100.000 bản sao trong một mililit, thì chỉ có 3 phần trăm có khả năng truyền sang thai nhi. Sau chót, người ta cho rằng nếu người mẹ nhiễm HIV tiên phát trong lúc đang mang thai thì có tỷ lệ truyền bệnh sang thai cao hơn là vì mức nhiễm virus - huyết cao tiếp theo nhiễm trùng tiên phát. Điều trị những sản phụ nhiễm HIV bắt đầu từ ba tháng thứ hai của kỳ thai cho tới khi đẻ và điều trị cho trẻ sơ sinh trong 6 tuần từ khi đẻ bằng ZIDOVUDIN đã làm giảm đáng kể tỷ lệ truyền bệnh HIV từ 22,6 phần trăm trong nhóm không được điều trị xuống còn 7,6 phần trăm trong nhóm được điều trị bằng zidovudin. Người ta hy vọng tỷ lệ truyền bệnh còn giảm thêm nữa nếu phối hợp điều trị cho các thai phụ nhiễm HIV bằng các thuốc có hiệu lực hơn.

Việc truyền HIV từ mẹ sang con sau khi đẻ đã được chứng minh rõ ràng nhấn mạnh khả năng truyền bệnh qua sữa non và qua việc cho con bú virus đã được phân lập từ hai loại sữa này. Trong một số ít trường hợp những người mẹ đã bị nhiễm HIV do truyền máu sau khi xổ thai thì chỉ có nguy cơ truyền bệnh cho con bằng con đường duy nhất là sữa mẹ. Đây là một phương thức quan trọng truyền HIV tại các nước đang phát triển, nhất là những nơi các bà mẹ tiếp tục cho con bú lâu hơn thời gian thông thường tại các nước phát triển. Nhiều công trình nghiên cứu chứng minh nguy cơ truyền bệnh bằng sữa mẹ là từ 7 đến 22 phần trăm. Những phụ nữ có số lượng tế bao TCD4 + thấp, đặc biệt có thiếu hụt vitamin A, thì có thể làm tăng nguy cơ truyền HIV cho con qua sữa mẹ. Có điều chắc chắn là, tại các nước đang phát triển, các bà mẹ bị nhiễm HIV thì nên tránh cho con bú. Tuy vậy, hiện nay chưa có sự nhất trí trong việc đưa ra các lời khuyên cho con bú tại một số nước phát triển, nơi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thích hợp duy nhất cũng như cung cấp khả năng miễn dịch chống các bệnh nhiễm trùng nặng cho trẻ em.

AIDS có những triệu chứng gì?

Những trẻ em sinh ra từ các bà mẹ có thử nghiệm huyết thanh dương tính - có nghĩa là đã nhiễm HIV, có thể rơi vào ba tình huống:

- Có thể đây là một đứa trẻ chừng 15 tháng tuổi có thử nghiệm huyết thanh dương tính nhưng chưa thấy bất cứ một triệu chứng nào. Người ta không thể biết kháng thể là do mẹ truyền sang hoặc do nội sinh (chính đứa trẻ sản xuất ra) nên không biết liệu nó sẽ mắc bệnh hay không?

- Có thể đây và một đứa trẻ thực sự đã nhiễm HIV nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện bất cứ một triệu chứng nào.

- Có thể là một đứa trẻ nhiễm bệnh và đã có triệu chứng.

Những trẻ nhiễm HIV do mẹ truyền sang có thể tiến triển theo hai cách:

1. Có thể sớm biểu hiện các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội xuất hiện ở nhiều bộ phận cũng như mắc một chứng bệnh thần kinh rất nặng và chết trước ba tuổi.

2. Bệnh có thể tồn tại tiềm tàng trong nhiều năm có thể tới hơn 10 năm và biểu hiện một cách âm thầm hơn.

Những triệu chứng chính của bệnh AIDS ở trẻ nhỏ thường là chậm tăng chiều cao và trọng lượng, có gan to, lách to nổi nhiều hạch, tiêu chảy mạn tính và một bệnh nhiễm nấm da - niêm mạc rất khó chữa, và có thể sưng tuyến mang tai, và chung mắc các bệnh nhiễm khuẩn thông thường.

Trẻ lớn và thanh thiếu niên mắc bệnh AIDS giống như người lớn theo hai đường: tiếp xúc tình dục (gái mại dâm) và tiêm chích (ma tuý).

- Xác định bệnh dựa vào đâu?

Ở trẻ lớn và người lớn, chẩn đoán xác định nhiễm HIV phải dựa vào kết quả dương tính tìm thấy kháng thể IgG đặc hiệu chứng HIV (thử nghiệm ELISA).

Và vì các kháng thể IgG của người mẹ qua hàng rào máu rau thai nên hết thảy các trẻ em có mẹ nhiễm HIV đều có kết quả ELISA dương tính nhưng chỉ có chừng 14 đến 30% số trẻ này thực sự bị nhiễm bệnh mà thôi. Các kháng thể IgG nguồn gốc từ người mẹ có thể phát hiện thấy trong máu các trẻ em không nhiễm bệnh cho đến 18 tháng tuổi. Do vậy để xác định ở lứa tuổi này phải dựa vào các kỹ thuật nuôi cấy HIV, phản ứng chuỗi men polymerase (PCR) và phát hiện kháng nguyên trong máu.

Khi trẻ có thử nghiệm huyết thanh dương tính hoặc trẻ có triệu chứng AIDS thì phải tiến hành đếm số lượng tế bào lympho T4 và xác định tỷ số T4/T8[3] Bệnh thường ra:

- Tỷ số T4/T8 là vào khoảng 1,4 đến 2,2 và

- Các trị số tế bào lympho T4 thay đổi theo từng lứa tuổi:

- 3.000/mm3 ở lứa tuổi 0 - 12 tháng.

- 2.000 - 1.500/mm3 ở lứa tuổi 13-24 tháng

- 1.500-2.000/mm3 ở lứa tuổi 2-6 tuổi.

Nếu số lượng T4 dưới ngưỡng 500/mm3 thì đó là dấu hiệu tính miễn dịch đã bị suy sụp nặng nề.

AIDS có những biến chứng gì?

Hầu hết các bộ phận trong cơ thể đều có thể bị tổn thương:

Tim: loạn nhịp và suy tim.

Da niêm mạc: nhiễm nấm và herpes mạn tính, tái phát.

Tiêu hoá: tiêu chảy cấp mạn và tái đi tái lại do nhiều loại vi khuẩn, nấm, virus, có thể bị viêm thực quản (gây khó nuốt), viêm gan (gan to).

Thiếu máu.

Các bệnh nhiễm khuẩn đủ loài như: tụ cầu trực khuẩn mủ xanh ở nhiều phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm xương khớp, phổi, áp xe. Đáng sợ nhất là nhiễm lao mà vi khuẩn BK đã nhờn với hầu như tất cả các kháng sinh hiện có.

Các lại ung thư, tuy nhiên ở trẻ em có ít hơn so với người lớn, nhất là ung thư hệ thần kinh.

Thần kinh: thường là chậm phát triển tâm thần - vận động, các chứng bệnh não mạn tính, co giật, hôn mê.

Hô hấp: nhiễm trùng phổi (cơ hội) thường gặp nhất là chủng Pneumocystis carinii dễ lây và nguy hiểm.

Thận: khởi đầu là có protein và hồng cầu trong nước tiểu sau đó là suy thận.

Người bệnh AIDS cần được chăm sóc như thế nào?

Việc điều trị AIDS hết sức tốn kém, vất vả mà cuối cùng cũng khó tránh tử vong, bao gồm:

- Dự phòng và xử lý các bệnh nhiễm khuẩn: dùng các vaccin và các kháng sinh đặc hiệu.

- Trị liệu đặc hiệu chống virus không cho chúng sinh sản: thường dùng AZT (zidovudin) có phối hợp một số thuốc khác, hiện nay giá thành rất đắt (có thể lên tới hàng chục ngàn đô la Mỹ cho một liệu trình).

- Điều trị các biến chứng nặng về tim, phổi, thần kinh thường phải thực hiện tại các đơn vị điều trị tích cực.

Ngoài ra, việc chăm sóc tâm lý rất quan trọng vì đây là những người mắc bệnh mạn tính, phải ra vào viện nhiều lần, thường người thân cũng mắc bệnh.

Những ai cần được ưu tiên phát hiện sớm?

Nói khác đi, những đối tượng nào cần được thử nghiệm HIV?

1. Những người thuộc vào nhóm có nguy cơ cao:

a. Tiêm chích ma tuý.

b. Những người được truyền máu và những chai máu chưa được kiểm tra HIV.

c. Những người bạn tình của nhóm những người nói trên.

d. Những bạn tình của những người được biết đã tiếp xúc (phơi nhiễm) với HIV - người bị đứt tay, có vết thương, những vết loét hoặc vô ý dùng phải các kim tiêm đã trực tiếp tiếp xúc với láu bị nhiễm HIV.

2. Những người bệnh - khách hàng - yêu cầu được thử nghiệm.

3. Những bệnh nhân có các triệu chứng AIDS,

4. Những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao đang có thai mong muốn hoặc không mong muốn.

5. Máu, tinh dịch hoặc các phủ tạng của những người cho.

Sau khi thử HIV, nên tư vấn những gì?

1. Diễn giải kết quả thử nghiệm

Cần được hiểu đúng “một kết quả âm tính vẫn có nghĩa là có thể sẽ bị nhiễm vào một lần khác, nó không có nghĩa là đã được miễn dịch với AIDS”.

Được hiểu thêm những khía cạnh về AIDS và giải tỏa tâm trạng căng thẳng và lo hãi về kết quả thử nghiệm.

2. Được nhận những lời khuyên về đề phòng lây lan (hiểu rõ những hành vi nào có nhiều nguy cơ và những chỉ dẫn ngăn ngừa lây lan).

3. Được nhận những lời khuyên về theo dõi người bạn tình và việc dùng các kim tiêm.

4. Nếu kết quả thử nghiệm là dương tính thì không nên cho máu, tinh dịch (đưa vào ngân hàng tinh trùng), hoặc các phủ tạng, cơ quan và tránh dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng và bất cứ thứ gì có thể đây máu vào đó.

5. Những người có kết quả HIV dương tính rất cần được hỗ trợ về tâm lý. Người bệnh có thể bị sốc khi kết quả chẩn đoán dương tính, lo sợ cái chết, những hậu quả xã hội, đau buồn vì những tai họa sẽ đến, nôn nóng có được những tin vui.

Lúc này đây, những người thân trong gia đình là phụ nữ - là người vợ, người mẹ, người chị, hơn ai hết là những người nhạy cảm nhất với nỗi bất hạnh của người thân, dễ nhận ra một tình trạng suy sụp, nỗi tuyệt vọng, sự giận dữ, hẫng hụt, mặc cảm tội lỗi và nỗi ám ảnh của họ. Các bạn phụ nữ sẽ nhanh chóng tìm đến các nhà tư vấn tâm lý giúp người thân của mình làm nhẹ đi phần nào những nổi khổ tâm đó.

Khuyến cáo người đã nhiễm HIV không để lây lan sang người khác

Những cặp bạn tình đã nhiễm HIV lựa chọn những cách đề phòng thích hợp, tránh có quan hệ tình dục với người khác là một cách nhằm loại trừ bất cứ nguy cơ nào lan truyền HIV.

Bảo vệ người bạn tình trong bất kể quan hệ tình dục nào bằng cách chọn những biện pháp thích hợp ngăn chặn việc tiếp xúc với máu, tinh dịch, nước tiểu, phân, nước bọt, các chất nhờn âm đạo của người đã nhiễm HIV. Việc thường xuyên dùng bao cao su sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây truyền HIV bằng cách ngăn chặn không tiếp xúc với tinh dịch và các bạch cầu đã bị nhiễm virus. Phụ nữ nên là người luôn luôn chủ động trong việc dự phòng này.

Thông tin cho những cặp bạn tình và bất cứ người nào trước đó đã dùng kim tiêm về tiềm năng tiếp xúc với HIV và khuyên họ nên đi tư vấn và thử nghiệm. Những người tiêm chích ma tuý, nên tham gia vào các chương trình nhằm loại trừ việc tiêm chích ma tuý.

Những kim tiêm, những dụng cụ khác và thuốc chích ma tuý cũng không bao giờ được dùng chung. Người mẹ, người vợ, người chị nên là những thành viên nòng cốt trong các chương trình này.

Không bao giờ dùng chung những chiếc bàn chải, những lưỡi dao cạo râu và những thứ khác có thể đã bị dây máu.

- Hiện nay ta chưa có thuốc chữa khỏi AIDS và chưa có vaccin chủng ngừa AIDS song các phương pháp điều trị ngày càng góp phần cải thiện chất lượng và kéo dài cuộc sống cho những người mắc bệnh nay, Nkosi Johnson, một cậu bé người Nam Phi, sinh ra đã nhiễm HIV, và là đứa trẻ mang HIV từ lúc lọt lòng, mới qua đời (bị bại não do AIDS) vào lúc 12 tuổi, đã là đứa trẻ mang HIV từ lúc lọt lòng sống lâu nhất ở Nam Phi (Lao động, 26 – 12 - 2001).

Mọi người đều biết AZT là thứ thuốc thực sự đã làm chậm lại sự tiến triển HIV và hiện có nhiều trị liệu mới có thể xử lý có hiệu quả hơn những bệnh nhiễm trùng cơ hội, nhất là viêm phổi.

Thể dục nhịp điệu và những ứng xử thích hợp được thực hiện ngay từ đầu khi mới bị lây nhiễm có thể làm chậm lại sự tiến triển của bệnh bằng cách cải thiện chức năng miễn dịch. Ngày càng có nhiều người sống chung với HIV và AIDS vì lý do có những tiến bộ trong việc xử lý đủ loại những thành tố của bệnh và vì lý do người bệnh có lối sống lành mạnh hơn.

Phụ nữ là những người thân trong gia đình bệnh nhân - là người mẹ, người vợ, người chị - hoặc là người yêu, người bạn... có một vị trí rất quan trọng trong việc chăm sóc và chạy chữa cho bệnh nhân. Hãy xóa bỏ mặc cảm là có thể đã làm giảm bệnh cho người thân, và nếu là người yêu thì đừng trút cơn giận dữ lên người bạn tình vì nghi ngờ đã truyền bệnh cho mình.

- Những thành viên trong nhóm nâng đỡ người bệnh nên cộng tác chặt chẽ với người thầy thuốc điều trị và nhà tư vấn tâm lý giúp cho họ biết rõ về tình trạng nhận thức của người bệnh và có thể giúp người bệnh trong việc đặt kế hoạch chi tiêu và thu xếp cho cuộc sống thường ngày.

Trong khi cộng tác với bác sĩ và nhà tư vấn tâm lý, những thân nhân của người bệnh có dịp học hỏi thêm về cách ứng phó với bệnh và cả với việc sợ mất đi một người bạn hoặc một người thân trong gia đình như thế nào.

AIDS cho mỗi cá nhân?

Cách duy nhất giúp mỗi người tự bảo vệ mình khỏi nhiễm HIV/AIDS. Nên làm gì để ngăn ngừa HIV/AIDS? Hãy thay đổi những yếu tố trong lối sống có thể tạo ra nguy cơ.

+ Cách an toàn là hãy gắng kiêng nhịn và đừng để bị lôi kéo vào những hành vi có nguy cơ, như hành vi tình dục không được bảo vệ hoặc tình dục chung chạ bừa bãi và nhất là đừng tiêm chích ma tuý.

+ Cách duy nhất ngăn ngừa nhiễm HIV là thực hiện tình dục an toàn (dùng bao cao su và xuất tinh ra ngoài) và dùng kim tiêm hoàn toàn vô khuẩn trong trường hợp cần thiết.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4345-02-633795305917968750/Di-ung---Mien-dich-va-tiem-chung/HIV--AID...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận