Tài liệu: Istanbul thành phố có trên 2000 năm lịch sử

Tài liệu
Istanbul thành phố có trên 2000 năm lịch sử

Nội dung

ISTANBUL THÀNH PHỐ CÓ TRÊN 2000 NĂM LỊCH SỬ

 

Thành phố này có các tên gọi trong các thời kỳ lịch sử khác nhau: Byzance (tiếng Hy Lạp: Bigiantion, từ 667 Tr.CN đến 330), rồi Constantinople (tiếng Hy Lạp: Konstantinoupolis, từ 330 đến 1453), nay là Istanbul.

Byzance, (thủ phủ của xứ Tiraxo, tiếng Hy Lạp: Thrakê) cổ, một vùng đất ở phía Đông Bán đảo Balkans từ Sông Danube đến Biển Egée. Byzance được xây dựng trên một triền núi nhô ra eo biển Bosphore, phía Bắc là một vùng nước hẹp và sâu, phía Nam là Biển Mácmara. Vị trí địa lý tạo cho nó một ưu thế lớn: vừa là một cảng thuận lợi (độ sâu đến 15m) và là cửa ngõ khống chế đường ra vào Biển Đen. Được thành lập từ năm 667 Tr.CN, là nơi định cư của người Mêgara, Byzance bị người Athènes chiếm (470 - 411 Tr.CN), rồi lại bị Anxibyát (một thủ lĩnh Hy Lạp) chiếm năm 409 Tr.CN. Từ năm 358 Tr.CN, Byzance giành được độc lập và trở thành một cường quốc trên biển thời đó. Vì giữ một vị trí chiến lược rất trọng yếu, Bylance nhiều lần bị vây hãm công phá (Phi líp xứ Macedoinia: 341 Tr.CN và 339 Tr.CN), cho đến năm 196 thì bị Hoàng đế Roma phá trụi. Sau đấy được Hoàng đế Roma Constantine I chọn làm thủ phủ của đế quốc Roma ở phía Đông, và được gọi theo tên ông ta là Constantinople từ năm 330.

Constantinople (330 - 1453) là thủ phủ của đế quốc Roma phía Đông (hay đế quốc Byzance, 395 - 1453) rồi được đổi lên thành Istanbul và là thủ phủ của đế quốc Ottoman (1453) cho đến khi Thủ đô đế quốc này chuyển về Ancara (1923). Ngay từ ngày mới ra đời, Constantinople đã xây dựng ngay nhiều lâu đài, dựng lại trường đua ngựa thời Byzance và làm lại một số quảng trường (nơi quần chúng hội họp bàn quốc sự của thể chế Roma Cổ đại). Về sau Vua Giuxitynieng I (482 - 565) còn cho xây thêm nhiều lâu đài và nhà thờ, đặc biệt là Nhà thờ Sainte Sophie. Nhà thờ này được Constantine I xây dựng từ Thế kỷ IV trong các năm từ 532. Đây là một kiến trúc tiêu biểu của nghệ thuật Byzantine được phá và làm lại nhiều lần vào các năm 562, 975, 1354 trước khi trở thành nhà thờ Hồi giáo (1453), và được phụ thêm 4 tháp thỉnh nguyện. Có nhiều trụ giá cố và nhiều kiến trúc khác dựa vào tường nhà thờ làm che lấp cảnh quan kiến trúc của nó, và ngày nay chỉ có thể nhìn ngắm từ bên trong (nay đã trở thành Viện bảo tàng Byzantine từ 1935). Constantinople đã có thời kỳ là thành phố lớn nhất và đẹp nhất thời Trung đại. Vì những cuộc đấu tranh nội bộ giữa hai khu phố, khu Biếc (khu nhà giàu) và khu Lục (khu thợ thuyền và người tứ chiếng), và vì nhiều lần bị người Ba Tư, người Arập và cả người Slave tấn công, nên thành phố đã đổi thay, ít tàng giữ được bộ mặt cổ xưa. Cho đến khi bị đế quốc Ottoman chiếm, thành phố đổi tên là Istanbul.

Từ khi bị đế quốc Thổ chiếm, Istanbul trở thành Thủ đô của đế quốc Ottoman, và bao gồm ba khu rõ rệt: Khu phố cũ (đôi khi được gọi là Xitanbun) nằm ở phía Nam Vịnh Sừng Vàng và có xu hướng phát triển về phía Tây; Khu phố mới, chủ yếu là các công sở và dinh thự, nằm ở phía Bắc Vịnh Sừng Vàng; còn ở bờ Châu Á của Eo Bosphore là khu Uskudar (Uxicuda) hay Scutari nằm trên sườn phía Tây Núi Buguốclu ở sát biển (Scutari đôi khi được coi là một thị trấn riêng). Khu phố cổ là nơi có nhiều di tích cũ còn lại, trong đó phải kể đến: Nhà thờ Sainte Sophie; Nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye (1550 - 1 557); Nhà thờ Hồi giáo (Ahmet, 1609 - 1616); Nhà thờ Thánh cứu thế (xây cuối Thế kỷ VI, trùng tu đầu Thế kỷ XIV); Cung điện nhà Vua; di tích trường đua ngựa (xây dựng từ năm 203, đến thời Constantine mới hoàn thành). Istanbul từ 1923 không còn là Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ nữa nhưng vẫn là một thành phố công nghiệp và thương mại lớn.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386647633906250/95-Di-san-tieu-bieu/Istanbul-thanh-pho-co-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận