KHÔNG THỂ CHẾ TẠO ĐƯỢC ĐỘNG CƠ VĨNH CỬU
Trong lịch sử có không ít người mơ tưởng chế tạo một loại động cơ không cần tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu mà có thể hoạt động được, đó là việc chế tạo các động cơ vĩnh cửu.
Phương án chế tạo động cơ vĩnh cửu được đưa ra sớm nhất vào khoảng 700 năm trước đây vào thời trung cổ ở châu Âu, đó là việc chế tạo ''bánh xe ma''. Đây là loại bánh xe ở giữa có một trục, ở ngoài vành bánh xe có lắp 12 thanh ngắn, ở đầu mỗi thanh ngắn có treo một quả cầu thép. Người đề ra phương án cho rằng những quả cầu ở bên phải xa trục hơn các quả cầu bên trái theo nguyên lý ngẫu lực những quả cầu bên phải sẽ kéo bánh xe quay xuống phía dưới. Nhờ vậy bánh xe sẽ quanh theo chiều kim đồng hồ một cách vĩnh viễn gây nên một chuyển động cơ khí cần thiết.
''Bánh xe ma'' đã được chế tạo đúng theo phương án đó nhưng không hề sinh được công. Tuy các quả cầu ở phía bên phải có xa trục hơn các quả cầu ở bên trái, nhưng số quả cầu phía bên phải ít hơn phía bên trái. Ở phía bên phải có 4 quả cầu, ở phía bên trái có 7 qủa cầu, quả cầu ở phía dưới có phương trọng lực đi qua trục của bánh xe nên không có tác dụng làm bánh xe quay. Kết quả là lực tác dụng của các quả cầu hai bên bằng nhau nên chúng cân bằng nhau, do đó bánh xe không bị kéo xuống dưới, chỉ có thể lúc lắc mấy cái rồi đứng yên và đứng nguyên ở vị trí.
Ngày tháng trôi qua, có biết bao người đã si mê thiết kế các dộng cơ vĩnh cửu nhưng không có ai thu được thành công. Đó là do họ đã phản 1ại một định luật chủ yếu của giới tự nhiên: định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng.
Vô số thực nghiệm đã chứng minh, với bất kỳ sự chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác, hoặc bất kỳ quá trình chuyển năng lượng từ vật thể này sang vật thể khác, tổng năng lượng là không thay đổi. Đó là định luật bảo toàn năng lượng. Ví dụ đem một khối thép nung đỏ cho vào vại nước lạnh, lượng nhiệt do khối thép toả ra sẽ được nước lạnh hấp thụ, tổng năng lượng toả ra và nhiệt lượng hấp thụ là không thay đổi. Năng lượng nhiệt chỉ chuyển từ khối thép sang nước lạnh mà không hề hao hụt đi đâu.
Loài người qua hoạt động thực tiễn đã nhận thức được rằng: Với bất kỳ một cỗ máy nào, để sản xuất ra công đều phải tiêu tốn năng lượng. Ví dụ một cỗ máy kéo muốn cày đất phải tốn năng lượng hóa học do dầu sinh ra, động cơ điện cho máy bơm nước cần phải tốn năng lượng điện. Nếu không tiêu tốn năng lượng thì không thể sinh ra công, cũng không thể hoạt động vĩnh viễn. Vì vậy động cơ vĩnh cửu mãi mãi vẫn là ảo tưởng.