Làm thế nào thu được phôi trong ''ống nghiệm'' (in vitro)?
Ở thế kỷ XX, các kỹ thuật sinh sản được y học hỗ trợ, trong đó, một số kỹ thuật nhằm tạo phôi trong ống nghiệm đã được triển khai ở người và vật nuôi. Trong sự thụ tinh in vitro (FIV), là kỹ thuật đã được áp dụng thành công ở người năm 1978, noãn bào được lấy ra trong buồng trứng của người vợ và cho tiếp xúc với tinh trùng của người chồng trong ống nghiệm. Sau khi thụ tinh hai ngày, phôi được cấy vào tử cung. Người ta cũng có thể để phôi phát triển trong ống nghiệm cho tới giai đoạn phôi bào (ngày thứ sáu) trước khi cấy. Kỹ thuật truyền tinh dịch vào trong tế bào chất cũng đã được áp dụng trong trường hợp có quá ít tinh trùng hoặc tinh trùng không thể thụ tinh cho noãn bào. Khi ấy người ta dùng kính hiển vi để truyền giao tử đực vào noãn bào.
Việc tạo phôi trong ống nghiệm đã giúp hoàn chỉnh kỹ thuật chẩn đoán trước khi cấy, nhờ đó người ta có thể phát hiện một số bệnh di truyền và tránh cấy phôi bị bệnh. Nó cũng cho phép phát triền việc truyền gen động vật (ở chuột từ năm 1980), nhằm chuyển một gen nào đó vào tế bào hoặc cơ thể, hay ngược lại làm mất gen đó đi. Đối với các nhà sinh học thì đây là một công cụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng quý giá.
Ở chuột hoặc thỏ, sau khi thụ tinh gen được truyền vào phôi ở giai đoạn một tế bào. Ở động vật nhai lại, nó có thể được truyền vào một tế bào thể hình. Sau đó, nhân của tế bào này được truyền vào một noãn bào đã bị tách nhân, rồi noãn bào này phân chia sinh ra phôi là bản sao của động vật bắt nguồn từ tế bào cho nhân. Kỹ thuật cấy nhân này đã thành công lần đầu tiên ở động vật có vú và sinh ra con cừu Dolly năm 1997, sau thành tựu ở loài ếch nước cách đó 30 năm.