GIAO THÔNG VẬN TẢI
Đức có một hệ thống giao thông phát triển cao, trong đó có cả một hệ thống siêu xa lộ gọi là autobahn. Không có sự hạn chế tốc độ trên autobahn, nhưng những dự án tái thiết thường xuyên và sự ùn tắc giao thông đã làm giảm tốc độ trên tuyến đường này. Do những con đường ở Đông Đức đã không được nâng cấp từ thập kỷ 1930 và lượng xe cộ lưu thông gia tăng rất nhiều sau ngày thống nhất, một phần lớn ngân quỹ từ phía Tây đã được chuyển sang để mở rộng hệ thống xa lộ.
Hệ thống vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường sắt đã đóng một vai trò chính trong sự phát triển kinh tế của Đức. Cho đến năm 1993 hầu hết đường sắt ở đây thuộc sở hữu nhà nước, trong khi luật pháp đã được thông qua để tư hữu hóa những tuyến đường này. Hiện nay hệ thống này đã nằm dưới quyền sở hữu tư nhân của công ty Bundesbahn A.G. Những tuyến đường cao tốc nối liền các thành phố đã phục vụ cho một số thành phố lớn ở Đức Hamburg và Munich, Frankfurt và Dresden, và Hannover và Bremen.
Đức có một hệ thống đường thủy và kênh đào trong nội địa. Những kênh đào, như kênh Mittellandkanal đã hỗ trợ cho các tuyến đường giao thông của những sông lớn. Một số kênh đào, chẳng hạn như kênh đào Kiel và Rhine-Main-Danube đã nối liền các nguồn giao thông lớn bằng đường thủy. Duisburg, Magdeburg, Mannheim và Berlin là những cảng lớn trong nội địa; và Hamburg, Bremen, Bremerhaven, Emden, Rostock và Stralsund là những cảng biển chính. Có một hệ thống đường ống ngầm dưới đất để vận chuyển dầu thô, các sản phẩm xăng dầu và khí thiên nhiên.
Việc chuyên chở hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không được thực hiện bởi một số phi cảng quốc tế, trong đó có Frankfurt và Munich, cùng với nhiều phi cảng địa phương khác. Ở Đức có tất cả 660 phi trường, trong đó có 13 phi trường lớn. Hãng hàng không chính của Đức là Deutsche Lufthansa A.G., trước đây do chính quyền điều hành nhưng nay đã tư hữu hóa.