Hệ thống giáo dục
Người Đức từng rất tự hào về hệ thống giáo dục của mình cho đến khi, vào những năm 2000, một nghiên cứu so sánh giữa các nước phương Tây đã phát hiện nhiều điểm yếu trong chất lượng của lớp trẻ người Đức. Từ đó hệ thống trường học đã được xem xét lại thường xuyên và chương trình giáo dục đã có nhiều thay đổi.
Các trường học ở Đức được chính quyền của mỗi bang kiểm soát, vì thế hơi có sự khác nhau giữa các bang. Tuy nhiên, trẻ em học tại trường cả ngày ở lứa tuổi từ 6 đến 15 và ít nhất nửa ngày ở lứa tuổi 15 đến 18 là bắt buộc trong tất cả các bang.
Các loại trường học
Trẻ em bát đầu đến trường theo học bậc tiểu học trong 4 năm, sau đó tiếp tục lựa chọn học lên một trong ba loại trường trung học, tuỳ theo khả năng và sở thích của chúng. Chúng sẽ ở lại đó trong khoảng từ 5 đến 9 năm tuỳ theo từng loại. Sau đó, căn cứ vào điểm số tốt nghiệp, chúng có thể lựa chọn: hoặc học nghề trong ba năm (trong một tuần có 4 ngày học nghề được trả lương và một ngày học văn hóa), hoặc học tiếp lên bậc đại học. Lớp trẻ hiện nay ra trường muộn hơn và có trình độ học vấn tốt hơn cha mẹ và ông bà chúng trước đây.
Cơ cấu ngành giáo dục
Ngày học trung bình ở Đức kéo dài từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều với bài tập ở nhà được làm vào buổi chiều. Tuy nhiên, việc áp dụng các trường học cả ngày hiện nay đang được thảo luận như một phương sách cải thiện chất lượng của học sinh.
Chương trình giảng dạy của trường học đã có một số thay đổi trong những năm gần đây. Trước đây, môn toán và tiếng Đức rất được chú trọng, hiện nay chương trình học còn bổ sung thêm các môn như IT (công nghệ thông tin), khoa học, kinh tế và ngoại ngữ. Các phương pháp dạy tập trung hơn vào khoá luận và trình bày miệng. Cũng đã có những thay đổi về cơ cấu giáo dục ở một số bang, đó là thay đổi số năm học ở mỗi bậc học tuỳ theo khả năng của trẻ. Giáo dục bậc cao đang thay đổi để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về trình độ chuyên môn của các chuyên gia. Hiện nay, việc đào tạo không dừng lại ngay cả khi khoá học hay thời gian học nghề đã xong. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và nhu cầu không ngừng trau dồi kiến thức của các nhà chuyên môn đã làm cho việc học tập suốt đời trở nên tất yếu trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt.