Tài liệu: Nước Đức - Nhập cư

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Có khoảng 7,3 triệu người nhập cư đang cư trú ở Đức, cấu thành xấp xỉ 8,5% dân số. Con số này đã ít nhiều ổn định từ năm 1998, còn trước đó số lượng này tăng lên đều đặn hàng năm.
Nước Đức - Nhập cư

Nội dung

Nhập cư

Có khoảng 7,3 triệu người nhập cư đang cư trú ở Đức, cấu thành xấp xỉ 8,5% dân số. Con số này đã ít nhiều ổn định từ năm 1998, còn trước đó số lượng này tăng lên đều đặn hàng năm.

7,3 triệu người này không có quốc tịch Đức. Thêm vào số này còn có những người nhập cư đã có quốc tịch Đức hoặc có hai quốc tịch kể từ khi luật quốc tịch Đức thay đổi vào tháng Giêng năm 2000, cho phép một số người nhập cư được cấp một hộ chiếu Đức (xem trang 52). Ngoài ra, còn có những người nhập cư từ các nước Đông Âu, nơi mà gia đình họ đã sống hàng thế kỷ nhưng họ là những người gốc Đức. Bất cứ ai có dòng máu Đức đều được phép định cư trở lại như một công dân Đức và nhiều người đã chọn cách này.

Bất kỳ công dân của một nước nào thuộc Liên minh châu Âu đều có thể đến định cư và làm việc ở Đức. Những trường hợp nhập cư khác được điều tiết bằng rất nhiều luật. Khoảng 79,3% (5,82 triệu) người nhập cư ở Đức có một hộ chiếu châu Âu, 25,4% trong số đó đến từ các nước thành viên EU. Cộng đồng lớn nhất là những người mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 1,91 triệu người, chiếm 2,4% tổng dân số nước Đức. Cũng có những cộng đồng đáng kể của người Italia, Nam Tư, Hy Lạp, Ba Lan và Croatia.

Nhiều người nhập cư đã sống ở Đức một thời gian rất dài: một phần ba khoảng từ 8 đến 20 năm và một phần ba lâu hơn 20 năm. Điều này có nghĩa là họ có thể xin quyền công dân ở Đức 1,53 triệu người nhập cư được sinh ra tại Đức (20,9% số người nhập cư).

Lịch sử nhập cư

Người nhập cư vào nước Đức sống tập trung chủ yếu ở các Bang phía Tây. Sau Đại chiến thế giới II Cộng Hoà Liên Bang Đức đã phải nhập khẩu công nhân người nước ngoài để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp đang phát triển nhanh của mình. Người nhập cư đến chủ yếu từ các nước nam Âu như Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Nam Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, những nơi có ít việc làm và mức sống thấp hơn. Mặc dù những người này (được gọi là “công nhân khách”) được hợp đồng làm việc ở Đức trong một vài năm và sẽ trở về nhà, nhưng nhiều người sau đó đã ở lại và định cư lâu dài cùng với gia đình của họ.

Người tị nạn

Ngoài ra còn có những người xin tị nạn để được an toàn tại Đức tránh sự truy hại trong nước. Một điều khoản trong hiến pháp của Đức, được đề ra sau Đại chiến thế giới II, cho phép bất kỳ ai bị truy hại ở nước mình được phép xin tị nạn ở Đức. Đây là chính sách tị nạn phóng khoáng nhất châu Âu. Kết quả là đa số những người xin tị nạn đến châu Âu đều ở lại Đức. Ví dụ, năm 1990, 193.000 người tị nạn đã đến Đức, so với 25.000 người đến Anh.

Điều khoản trong hiến pháp đã được sửa đổi vào tháng Bảy năm 2003 sau khi có đến 1,2 triệu người tị nạn vào Đức trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1993. Điều luật thay đổi quy định chỉ những ai đi thẳng từ nước họ đến Đức mới được quyền xin tị nạn. Tất cả những người đi bằng đường bộ phải xin tị nạn ở nước “an toàn” đầu tiên mà họ tới. Vì nước Đức được các nước “an toàn” bao quanh và đa số dân tị nạn phải đi bằng ô tô theo các tuyến đường bộ nên số người xin tị nạn ở Đức từ đó mới giảm mạnh.

Người nhập cư gốc Đức

Sự nhập cư của những người gốc Đức, mà gia đình của họ đã sống ở các nước Đông Âu, đã diễn ra từ năm 1950. Số lượng thay đổi nhiều từ năm này sang năm khác. Từ năm 1960 đến 1964 chỉ có 89.100 người thuộc diện này đến Tây Đức, nhưng thời kỳ 1990 - 1994 đã chứng kiến 1.291.100 người đến. Nhưng kể từ 1994 trở đi, số lượng hàng năm đã giảm nhiều.

Mặc dù những người nhập cư này được nhận một hộ chiếu vào Đức, họ vẫn bị nhìn nhận như “người ngoại quốc”. Họ thường nói ít hoặc không nói được tiếng Đức và cần nhiều sự giúp đỡ hỗ trợ từ phía nhà nước. Môi trường sống tại quê hương nói chung rất khác và họ gặp phải những vấn đề khi hội nhập vào xã hội Đức. Trình độ chuyên môn, nghề nghiệp đã được đào tạo của họ thường ít sử dụng được và nhiều người phải đào tạo lại hoặc buộc phải làm các công việc lao động giản đơn.

Quá trình hội nhập

Mặc dù nước Đức hiện đại là một đất nước đa dân tộc và đa văn hoá, việc hội nhập của những người nhập cư vẫn chỉ thành công một phần. Vào đầu những năm 1950, người Đức có rất ít kinh nghiệm sống chung với những người nước ngoài. Đầu tiên các “công nhân khách” đã phải sống cùng nhau trong các khu vực riêng, hãn hữu hoặc hầu như không tiếp xúc với người Đức. Mọi việc đã dần thay đổi, đặc biệt là sau năm 1973, khi nhiều người nhập cư quyết định chuyển cả gia đình đến sinh sống cùng với họ tại Đức. Các cửa hàng và hiệu ăn Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã mọc lên khắp nơi. Trẻ em nhập cư đến học tại các trường Đức và nhiều gia đình người nước ngoài tìm một chỗ ở để sống lâu dài.

Những vấn đề bị che khuất

Trong nhiều năm, người Đức và người nhập cư đã sống cạnh nhau, không thật sự hoà đồng nhưng cũng không đối kháng công khai. Đằng sau những biểu hiện bề ngoài ấy lại khác. Những người nhập cư đã thường gặp phải sự phân biệt đối xử khi tìm việc làm hay chỗ ở. Trẻ em nhập cư đã hiếm khi được nhận vào trường trung học phổ thông để có được triển vọng tốt hơn. Người ta đã cho rằng sống như cha mẹ chúng trước đó, chúng sẽ chỉ muốn làm việc ở các nhà máy mà thôi.

Nha nước và các cộng đồng có rất ít chương trình giúp đỡ cho quá trình hội nhập của người nhập cư. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều người nhập cư không sẵn lòng từ bỏ các phong tục dân tộc của mình và chọn cuộc sống khép kín trong các cộng đồng riêng.

Bạo lực chủng tộc

Do số người nhập cư đông và nhiều vấn đề nảy sinh từ việc tái thống nhất nước Đức, chủ nghĩa chủng tộc công khai và bạo lực chống lại những người nhập cư vào đầu những năm 1990 đã bùng phát làm nhiều người bị thương và thậm chí một số người đã chết. Mặc dù sự bột phát này đã qua đi từ lâu người ta vẫn cảm thấy rõ rằng nhiều người Đức không muốn có thêm người nhập cư nữa và những người đã nhập cư cần hội nhập tốt hơn.

Điều tiết việc nhập cư

Nước Đức sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khi chống lại việc nhập cư trong tương lai: sẽ có một sự thiếu hụt các chuyên gia IT mà số lượng chỉ có thể được bổ sung bằng cách chấp thuận việc các công dân nước ngoài tới Đức làm việc. Dân số cũng có chiều hướng giảm bởi dân số tăng chủ yếu nhờ vào dân nhập cư.

Vấn đề thứ nhất đã được cố gắng giải quyết bằng việc cấp Thẻ Xanh, cho phép 20.000 người có kỹ năng trong lĩnh vực IT vào nước Đức đảm nhiệm các vị trí chuyên biệt. Tuy nhiên, việc nhập cư vì các mục đích công việc sẽ chỉ được phép nếu không có cư dân Đức đảm nhận được vị trí còn trống đó và thường chỉ cho phép làm việc trong vòng 5 năm. Một đạo luật mới cho phép việc nhập cư có kiểm soát để bù vào số dân suy giảm hiện đang được quốc hội xem xét.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2816-02-633547517795790000/Dan-cu/Nhap-cu.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận