Nấm sống bằng gì?
Không khí, nước và các chất hữu cơ. Khác với cây xanh, nấm và động vật không thể tự tổng hợp chất hữu cơ cho mình. Chúng phải tìm kiếm chất này ở môi trường của chúng. Nhưng trong khi động vật ăn thì nấm hấp thụ. Nấm đã phát triến ba phương thức sống.
Chúng có thể mọc ở chất hữu cơ chết: đó là loài nấm hoại sinh. Người ta thường gặp loài nấm này trong rừng, nơi loại thức ăn này sẵn có nhiều dưới dạng mùn. Khi phân hủy chất hữu cơ chết, nấm hoại sinh trả lại các nguyên tố khoáng có thể đồng hóa trở lại (nitơ, photpho, cacbon...) cho các sinh vật khác, thực vật và động vật sử dụng. Vì vậy, nấm hoại sinh tham gia tái chế chất hữu cơ, như các loài nấm rơm Agaricus bisporus và nấm tai lệch Pleurotus.
Nấm cũng có thể lợi dụng chất hữu cơ sống bằng cách ký sinh và sống dựa vào một sinh vật, chuyển đổi các nguyên tố sống của sinh vật này để phục vụ cho chúng. Chúng thường gây bệnh và đôi khi gây ra cái chết của các vật chủ, như các loài nấm khác, tảo, thực vật hoặc động vật. Ở người, các bệnh như nấm tóc, bệnh tưa, u nấm, viêm âm đạo, viêm phổi đều do nấm ký sinh gây ra.
Cuối cùng, nấm cũng nằm trong các quần hợp tương hỗ có lợi ích qua lại với các sinh vật khác đến mức không thể thiếu nhau. Đó là hiện tượng cộng sinh. Ví dụ, địa y là quần hợp nấm và khuẩn lam hoặc tảo lục. Nấm bảo vệ tảo, cung cấp nước và muối khoáng cho tảo, đáp lại, tảo cung cấp gluxit là sản phẩm của quang hợp cho nấm. Cũng có trường hợp nấm cộng sinh với động vật: chẳng hạn nấm giúp kiến và mối tiêu hóa chất xơ (cellulose). Năm 1900, nhà thực vật học Pháp Noel Bernard đã phát hiện ra hiện tượng cộng sinh ở loải lan: chỉ có một loài nấm mới giúp được hạt lan nảy mầm.