Phá vỡ liên kết bằng cách nào?
Câu trả lời rất khác nhau tùy theo loại liên kết tham gia. Những liên kết yếu dễ bị gãy. Ví dụ, liên kết hydro và liên kết Van der Waals diễn ra giữa các phân tử đồng thành về điện, bị phá vỡ khi vật chất chuyển sang trạng thái khí. Tuy vậy, sự phá vỡ các liên kết này đòi hỏi năng lượng, nhất là phá vỡ liên kết hydro. Vì thế liên kết này chịu trách nhiệm làm tăng nhiệt độ nóng chảy hoặc bay hơi một số nguyên tố. Ví dụ, nước tạo thành liên kết hydro dưới dạng lỏng ở nhiệt độ xung quanh, trong khi một phân tử có khối lượng xấp xỉ, như metan, nhưng không tạo thành liên kết hydro, vẫn ở dạng khí. Muốn tách một tinh thế ion, thì dễ nhất là dùng dung môi. Ví dụ, khi ta cho muối ăn vào nước, thì các ion natri (dương) và clo (âm) tách nhau ra và được bao quanh bằng các phân tử nước. Còn các liên kết cộng hóa trị không bị gãy khi các phân tử thay đổi trạng thái: chúng vẫn tồn tại ở trạng thái rắn, lỏng hoặc khí. Một liên kết cộng hóa trị bị gãy do đun nóng, hấp thụ một bức xạ hoặc trong một phản ứng hóa học, làm biến đổi phân tử. Các nguyên tử thường tạo ra những liên kết khác. Ví dụ, khi đốt than, thì liên kết giữa các nguyên tử cacbon bị phá vỡ và hình thành những liên kết khác giữa các nguyên tử này với nguyên tử oxy để tạo ra cacbon oxyt (CO). Cuối cùng, có một trạng thái vật chất trong đó không tồn tại một liên kết hoá học nào là plasma. Ví dụ, ở nhiệt độ rất cao của Mặt trời, các nguyên tử không còn tồn tại nguyên vẹn, mà chỉ là một loại bột nhão lẫn lộn nhân nguyên tử và electron.