Những nguyên nhân nào làm mất khứu giác?
Sự tắc đường hô hấp, có thể tiếp theo chứng sổ mũi hoặc dị ứng, là nguyên nhân đầu tiên làm giảm tạm thời khứu giác. Màng nhầy khứu giác dày lên dưới ảnh hưởng của viêm nhiễm, và trong các nếp của nó hình thành một số chỗ dính chặt dẫn tới tiêu hủy nơron khứu giác. Hít phải một số hóa chất độc (thuốc lá, các dung môi, thuốc trừ dịch hại...) cũng có thể hủy diệt các nơron này, là những nơron duy nhất có đặc điểm tiếp xúc trực tiếp với môi trường ngoài, dù các lông của chúng cũng ngâm trong nước nhầy có tác dụng bảo vệ một phần. Tuy nhiên, những hư hại này của khứu giác nói chung có thể phục hồi. Tại sao? Vì các nơron khứu giác ở động vật có vú có đặc điểm là thường xuyên đổi mới (tái tạo). Khi chúng bị chết (tuổi thọ trung bình của chúng khoảng 40 ngày ở chuột và 100 ngày ở người), thì những nơron khứu giác khác xuất hiện từ các tế bào gốc có ở đáy màng nhầy khứa giác. Những tế bào gốc này phân chia và sinh ra các nơron non có sợi nhánh kéo dài tới tận hốc mũi và sợi trục tới một cuộn tiểu cầu. Chừng nào các tế bào gốc không bị tổn thương thì khứu giác có thể phục hồi, dù đã qua tuổi 60. Nó giảm theo sự thoái hoá của các mạch máu phủ lên màng nhầy mũi. Trái lại, không thể phục hồi toàn bộ nếu các dây thần kinh khứu giác nối liên màng nhầy với hành khứu giác bị cắt đứt, ví dụ khi bị chấn thương mặt hoặc sọ. Các tai biến mạch, các khối u và những bệnh suy thoái thần kinh cũng có khá năng làm giảm không thể đảo ngược khứu giác hoặc biến đổi nó, nếu những tổn thương này tác động đến nhiều vùng não có xử lý thông tin khứu giác.