NHỮNG NGỊCH LÝ CỦA ĐỒNG TIỀN
Vai trò phức tạp của chế độ tiền tệ trong xã hội hiện đại
Các nhà kinh tế nhiều khi xem chừng có một cách nhìn kỳ quặc về tiền tệ. Vào Thế kỷ XVIII khi các ngân hàng bắt đầu phát hành giấy bạc, một việc làm cho họ có thể tạo ra tiền mà không phụ thuộc và sản lượng kim loại quý thì các nhà kinh tế truyền bá ý kiến cho rằng tiền tệ là một hiện tượng thứ yếu, có thể bỏ qua khi nghiên cứu những quy luật kinh tế cơ bản. Tuy nhiên quan điểm này (đã ngự trị suốt từ đó đến nay) vẫn không ngăn cản các nhà kinh tế thường xuyên phê phán những tệ hại do những rối loạn tiền tệ gây ra, trong khi coi tiền tệ chỉ giữ một vai trò thứ yếu trong việc điều hành kinh tế. Thái độ hai lần nghịch lý này ít ra có cái tốt là làm người ta quan tâm tới vai trò phức tạp của tiền tệ trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, chính vấn đề phân tích xã hội về mặt tiền tệ đã thúc đẩy sự phát triển của tư tưởng kinh tế trong thời kỳ Phục hưng ở Châu Âu. Tiền tệ vừa được coi là biểu tượng cho sự giàu có của thương nhân, vừa là một thuộc tính của quyền lực nhà Vua. Thời đó quan hệ giữa thương nhân với các ông Hoàng là đề tài trung tâm của sự phân tích về tiền tệ và là cơ sở cho một học thuyết kinh tế về xã hội.
Quan điểm này đã thay đổi cơ bản ở Thế kỷ XVIII thể hiện qua lời lẽ của nhà triết học Anh David Hume (1711 - 1776): "Nói đúng ra, tiền tệ không phải là đối tượng của thương mại, mà là công cụ được người ta quy ước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi một loại hàng hóa này lấy một loại hàng hóa khác. Nó không phải là bánh xe của mậu dịch, mà là dầu bôi trơn bánh xe để cho nó chuyển động dễ dàng và êm”.
Quan niệm coi tiền tệ thuần túy là một công cụ này thuộc cách nhìn xã hội, trong đó thị trường là cơ chế điều tiết duy nhất. Tác dụng của quan điểm đó là gạt ra ngoài nhà Vua hoặc Nhà nước, coi họ không đóng một vai trò phối hợp nào giữa các tác nhân, tư nhân bởi vì những người này đều là thương nhân, có mối liên hệ qua lại tự nhiên với nhau trong một "xã hội thương mại”. Nó cũng làm giảm vai trò của tiền tệ chẳng hơn gì một tấm màn che phủ việc trao đổi hàng hóa; và nếu người ta muốn phân tích thực trạng các hiện tượng kinh tế thì phải gở bỏ tấm màn đó ra. Do vậy, mọi mưu toan tích cực can thiệp của Nhà nước vào việc quản lý tiền tệ đều bị coi đó là mối đe dọa đối với sự hòa hợp của xã hội; các quy luật cạnh tranh được coi là đã tự động tạo ra.
Do vậy, tiến hành ''phi vật chất hóa" tiền tệ được coi là phương tiện để đơn giản hóa mọi thủ tục mậu dịch. Một vật thể nào đấy trong tiền lệ thông thường của một cộng đồng được dùng làm tiền. Chúng ta thấy vai trò này đã được thực hiện lần lượt bởi một hình thức kim loại nào đó, vàng hay bạc; bởi tiền đúc, giấy chứng nhận vàng, giấy bạc ngân hàng, séc hay thẻ tín dụng và cả tiền tệ điện tử cũng sắp được dùng. Kết quả của quá trình ''phi vật chất hóa'' này là giải phóng tiền tệ khỏi mọi vật thể đảm bảo giá trị cho nó, khiến cho tiền tệ trở thành một phương tiện chuyển nhượng thuần túy.
Một dạng của cải hay một phương tiện chuyển nhượng?
Cho dù nó phù hợp với quan điểm coi trọng tác dụng điều tiết của thị trường, thì khái niệm coi tiền tệ có một vai trò tự do, là một công cụ không phải không có những nghịch lý của nó. Gạt bỏ vấn đề can thiệp của Nhà nước sang một bên, luận điểm chính của quan điểm này là chính bản chất của việc trao đổi tiền tệ khiến cho khó có thể, thậm chí không thể nào tồn tại được một loại tiền ''tốt" - tức là một công cụ thực hiện đúng chức năng của nó là phương tiện trao đổi.
Không giống như trong hàng đổi hàng mà người mua loại hàng X đồng thời là người bán loại hàng Y, mọi trao đổi liên quan tới tiền tệ phải bao gồm hai loại giao dịch riêng biệt không xảy ra đồng thời. Người bán trước hết bán loạt hàng Y để lấy tiền (tức là anh ta chẳng mua bán gì hết), sau đó anh ta dùng tiền để mua hàng (tức là anh ta chẳng bán gì cả). Nếu tiền tệ chỉ là công cụ trao đổi, người giao dịch chỉ tiến hành trao đổi tiền tệ nếu thấy có lợi. Theo các sách giáo khoa, thì một cái lợi là dễ tìm được người mua loại hàng Y và người bán hàng X hơn là tìm ra một người có cả hai yêu cầu bán và mua cùng một lúc.
Tuy nhiên, vấn đề là làm sao không để cho cái lợi này mất đi vì những trở ngại ngăn cản người kia dùng tiền thu được khi bán hàng Y để mua hàng X, hoặc với số tiền đó không mua được nhiều hàng X bằng khi anh ta lấy hàng đổi hàng. Muốn cho người giao dịch tư nhân chọn phương pháp trao đổi bằng tiền (và đây là lập luận then chốt của quan điểm coi đồng tiền là công cụ và có vai trò tự đo) thì tiền phải tiếp tục là một thứ cất giữ sức mua trong suốt thời gian phát sinh giữa hai giao dịch đó.
Nghịch lý là ở chỗ này. Nếu công cụ được chọn làm tiền không lảm đủ chức năng là cất giữ sức mua (theo nghĩa chẳng có gì đảm bảo sức mua đó sẽ không đổi) thì những ai thu nhận được tiền sẽ tìm cách tống khứ tiền đi ngay, hoặc thậm chí quay trở lại với cách hàng đổi hàng. Điều này thường xảy ra khi có tình hình siêu lạm phát.
Ngược lại, nếu công cụ được chọn là tiền thực hiện tốt chức năng cất giữ đó, người ta sẽ có xu hướng giữ nó như một dạng của cải; do đó làm cho nó bị rút ra khỏi lưu thông và như vậy ngăn cản nó thực hiện chức năng làm phương tiện trung gian trong trao đổi.
Hiện tượng trên, được gọi là ''Quy luật Gresham'' (Theo tên nhà tài chính Anh Thế kỷ XVI Thomas Gresham, người đã cho rằng “tiền xấu đánh đuổi tiền tốt”) đã được quan sát rất sớm ở tiền đúc bằng kim loại. Song điều này cũng có thể áp dụng đối với tiền không chuyển đổi, vì nó được tín nhiệm trong kinh doanh coi đó là nơi cất giữ sức mua. Trong những năm 30, nhà kinh tế học Anh John Maynarol Keynes cho rằng, “sự lựa chọn khả năng thanh toán" là lý do chính khiến một nền kinh tế tiền tệ không thể duy trì mức ổn định việc làm được. Trên bình diện Quốc tế, thì “thế khô xử của Triffin” (gọi theo tên nhà kinh tế và Giáo sư Mỹ Robert Trifrn) đã nhấn mạnh tới thực tế là trong những năm 1950, nước Mỹ không còn có địa vị vừa đảm bảo nhu cầu thanh toán cho toàn cầu lại vừa duy trì được lòng tin của mọi người là đồng tiền dự trữ nữa.
Do đó thật là ảo tưởng, nếu coi tiền tệ chỉ là phương tiện trao đổi do thị trường quy định và nếu người ta theo nguyên tắc cho rằng, người kinh doanh "chọn" cách giữ tiền chỉ vì đơn thuần tính toán về mặt kinh tế, thì điều này sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn tiền tệ.
Đối lập với thuyết về tính tự do và vai trò công cụ của đồng tiên là thuyết về tính thể chế và vai trò can thiệp của nó. Thuyết này đưa ra nhiều khái niệm lý thú. Tiền không phải là cái phụ thuộc mà chính là điều kiện không thể thiếu được để thị trường tồn tại, và nếu quản lý thích hợp nó sẽ ít gây ra rối loạn và nó sẽ hoạt động có lợi cho nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, khái niệm này gắn với nhận thức cho rằng, tiền chủ yếu do Nhà nước tạo ra và quyền lực của Nhà nước về tiền tệ được thể hiện trong việc quy định đồng tiền chính thức không cần chuyển đổi ra vàng. Điều này đặc biệt đúng sau Đại chiến thứ I. Việc hạ thấp tiền chỉ còn là biểu hiện của quyền lực Nhà nước đã đưa tới một số tình thế nghịch lý, mà nghịch lý chính là ở chỗ lịch sử tiền tệ lại là lịch sử đấu tranh giữa cá nhân chống lại cái khía cạnh quyền lực đó của Nhà nước.
Những hạn chế về quyền lực tiền tệ của Nhà nước
Tình hình này đã nảy sinh trước đây trong chế độ tiền kim loại quý. Trong Thế kỷ XVI, loại tiền tệ này không được lưu hành dưới dạng vàng hay bạc thỏi có dấu chứng nhận, mà là dưới dạng tiền đúc; việc đúc loại tiền này do nhà Vua độc quyền và nhà Vua gắn cho nó giá trị pháp lý làm đơn vị thanh toán. Vàng và bạc không phải là loại tiền hàng hóa, nó trở thành tiền kim loại là theo chiếu chỉ của nhà Vua. Giới kinh doanh ngày càng bất bình với giá trị lưu hành cố định của nó, nên họ đưa ra ''giá trị tự nguyện" thường là cao hơn. Việc giảm giá đồng tiền tất yếu phải xảy ra - vì thực tế đơn vị thanh toán đó có nội dung vàng hay bạc thấp hơn quy định - và đó là hình thức lạm phát. Điều này chứng tỏ nhà Vua không thể quản lý được đồng tiền theo ý họ.
Do vậy quyền lực tiền tệ của Nhà nước có hai điều hạn chế quan trọng. Thứ nhất, những quyết định của tư thương đã có tác động tới việc tạo ra tiền, cả về phía cung (không thể kiểm soát chặt chẽ việc đúc tiền kim loại, và quyền tương đối rộng rãi của các ngân hàng trong việc phát hành tiền giấy) lẫn phía cầu (khối lượng tiền được tạo ra cuối cùng phụ thuộc vào quyết định của từng cá nhân có đem vàng đến sở đúc tiền để đúc hay là đi vay của ngân hàng). Thứ hai là thái độ của từng cá nhân đối với lưu thông tiền tệ cá thể, thể hiện qua việc họ chống lại việc kiểm soát của Nhà nước và dẫn đến việc đồng tiền bị mất giá nội bộ (lạm phát) hay mất giá đối ngoại (làm tỷ giá hối đoái bị tụt). Nếu đối chiếu cả hai cách nhìn nhận đối nghịch nhau về tiền tệ, ta sẽ thấy tiền chẳng phải là một dáng của hàng hóa (với giá trị nội tại của nó) và cũng không phải là vật tượng trưng của quyền lực Nhà nước; mà thực ra, tiền chính là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của thị trường và thể hiện một sự gắn bó xã hội nhất định để Nhà nước có thể thực hiện chức năng của mình.
Một chế độ tiền tệ hợp lý, năng động là một loạt luật lệ ứng xử trong một xã hội nhất định.
Từ việc định tỷ lệ lãi suất cho vay và lãi suất của người gửi phải hợp lý đúng quy luật giá cả, giá trị. Tới tỷ lệ lãi suất của những thương gia khi các ngân hàng đa phương và Trung ương muốn khuyến khích họ gia tăng mở tài khoản, thì điều tất yếu lãi suất phải hợp lý mới động viên được họ. Ngược lại, lãi suất không hợp lý, thấp hơn so với tiền gửi thông thường thì chỉ là những lời kêu gọi, động viên rỗng tuếch.
Như vậy, sự khác biệt giữa đồng tiền trước đây và hiện nay ở chỗ nào? Người ta thường nói tiền tệ hiện đại là tiền giấy, ngược lại tiền tệ trước đây là tiền tệ - hàng hóa; tức là tiền tệ đưa vào kim loại quý thời trước có giá trị nội tại của nó theo cơ chế thị trường kim loại quý, còn tiền tệ ''phi vật chất hóa" ngày nay chỉ dựa vào lòng tin ở Nhà nước và chính Nhà nước đã ấn định tính hợp pháp của đồng tiền. Đánh giá như vậy vẫn chưa đủ. Không một nền kinh tế tiền tệ nào có thể tồn tại mà lại không có một đơn vị thanh toán trừu tượng, và đơn vị thanh toán này hoàn toàn có thể tồn tại song song với chế độ tiền đúc bằng kim loại quý.
Đồng tiền ngày nay
Tuy nhiên, đồng tiền hiện đại có thể được định nghĩa theo hai đặc điểm của chế độ tiền tệ dựa vào ngân hàng. Thứ nhất, chức năng phát hành tiền của ngân hàng đã cho phép một tầng lớp người nhất định, nhất là người buôn bán, có được tiền trên cơ sở một lời hứa về các hoạt động sau này. Mặc dù ngày nay ngân hàng có thể cấp tín dụng cho mọi người thuộc các thành phần kinh tế; nhưng vẫn có sự khác biệt cơ bản giữa những người - nhất là với người ăn lương có thể vay được trên cơ sở thu nhập của mình trong quá khứ (hoặc khả năng sẽ tiếp tục có thu nhập đó sau này) và những nhà sản xuất kinh doanh - được nhận tín dụng trên cơ sở các dự án kinh doanh mà thành công (cơ sở duy nhất để trả nợ sau này) vẫn chưa chắc chắn. Do đó chức năng phát hành tín dụng của ngân hàng bao hàm một yếu tố phân biệt về mặt xã hội. Đương nhiên, sự phân biệt này là một yếu tố thúc đẩy tính năng động kinh tế vì, như Keynes đã nhận xét: ''Nó cho phép các nhà sản xuất kinh doanh có thể tiến hành công việc của mình một cách vững vàng!”.
Thứ hai, hệ thống ngân hàng là một tổ chức phân chia theo thứ bậc, trong đó các ngân hàng cấp hai phải phụ thuộc vào sự tồn tại của người cấp vốn cuối cùng loại ''ngân hàng của ngân hàng" này, tức ngân hàng Trung ương đóng hai vai trò. Một mặt nó hoạt động như một nơi thanh toán bù trừ cho các ngân hàng, và để làm như vậy nó đặt ra lãi suất tiền tệ ngân hàng tính trên cơ sở đơn vị tiền tệ quốc gia Trái với điều người ta thường suy nghĩ, một đồng bảng Anh do một ngân hàng thương mại này phát ra không giống cũng đồng tiền đó nhưng do một ngân hàng khác phát ra. Việc chấp nhận séc phát hành đòi tiền ở ngân hàng này hay ngân hàng khác; và do đó chấp nhận sử dụng tiền gửi như là tiền tệ, đòi hỏi phải có một hệ thống thanh toán bù trừ do một cơ quan Trung ương tổ chức.
Mặt khác, ngân hàng Trung ương đảm bảo cho các ngân hàng khác khi cho vay tiền của họ không đòi được (đó là những rủi ro trong cơ chế cho vay đã mô tả ở trên), bằng cách cho phép các ngân hàng kia được phép vay lại khoản mất đó bằng tiền của ngân hàng Trung ương. Phương pháp bảo hiểm này, cố nhiên không phải là tự động, thông qua những tác động của nó tới lạm phát và tỷ giá, làm cho toàn bộ xã hội phải chịu gánh nặng hậu quả gây ra bởi các nhà sản xuất và kinh doanh không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ của họ. Song, như chúng ta chứng kiến ngày nay, ngân hàng Trung ương đã tạo ra một chế độ có tính chất linh hoạt khiến cho việc phá sản khỏi diễn ra tràn lan.
Những đặc tính này cho thấy rằng, nguồn gốc của chế độ tiền tệ hiện đại đã có từ trước thời nó thay thế chế độ tiền đúc bằng kim loại quý ở tận Thế kỷ XVI trong quan hệ giữa tiền kim loại do nhà Vua đúc - tức là tiền Trung ương - và hối phiếu do các chủ ngân hàng thương nhân Italta lưu hành khắp Châu Âu - tức là tiền ngân hàng.
Là đơn vị thanh toán trong các quan hệ xã hội, tiền là biểu hiện của những luật lệ làm cho tác động qua lại phức tạp giữa các nền kinh tế có thể diễn ra. Bản thân mang tính nghịch lý bởi vì nó là sản phẩm của hoạt động kinh tế, trong khi nó lại là điều kiện tiên quyết cho hoạt động đó; cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy, tiền tệ vừa là vấn đề mà mọi người thực sự quan tâm vừa là nguồn gốc gây ra những cuộc tranh cãi về lý thuyết.
GS. GHISLAIN DELEPLACE